Tin Việt Nam – 24/06/2017
Ân xá Quốc tế:
‘công an Việt Nam dọa giết luật sư Lê Quốc Quân’
Hôm 22/6, tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông báo nói luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đã nhận cảnh báo từ người của Bộ Công an Việt Nam đe dọa ông và gia đình có thể bị giết nếu ông gặp các giới chức nước ngoài. Ông và gia đình đang bị theo dõi và có nguy cơ bị hành hung, bị thương hoặc bị giết.
Theo tài liệu này, 4 người mặc thường phục đã đi theo ông Lê Quốc Quân khi ông rời khỏi nhà ở Hà Nội để cùng con gái 15 tuổi đến đăng ký thi tại trường vào sáng 8/6/ 2017. Sau khi đăng ký xong, ông Lê Quốc Quân cùng con gái đến văn phòng luật sư của ông, tại đây hai cha con họ bị một viên chức, được cho là Đại úy Bộ Công an chặn lại, và bị khoảng 8 người đàn ông bao vây.
Ông Quân viết trên Facebook: “ngày 08/06/2017, khi tôi bắt đầu vào nhà thì bị khoảng 10 người mặc thường phục chặn lại tại cổng chính. Họ đe dọa tôi “Không được đi đâu, gặp ai nếu chúng tôi không cho phép”. Ở đây tôi hiểu là “Không được đi gặp giới ngoại giao quốc tế” bởi vì lần gần đây nhất tôi bị cản không cho đi gặp Thượng nghị sĩ John McCain vào ngày 31/5/2017 nhưng tôi vẫn đi gặp.”
Ân xá Quốc tế cho biết trước cuộc gặp, ông Quân nhận được một tin nhắn từ một viên chức Bộ Công An, được cho là mang cấp bậc Thiếu tá, cảnh báo ông không nên gặp các vị khách Hoa Kỳ.
Ân xá Quốc kêu gọi Việt Nam chấm dứt hành động sách nhiễu và đe dọa đối với ông Lê Quốc Quân và gia đình ông.
Trước đó, blogger Vũ Quốc Ngữ cho VOA biết ông và luật sư Lê Quốc Quân đã gặp thượng nghị sĩ John McCain và các nghị sĩ John Barrasso, Chris Coons ở Hà Nội hôm 31/5.
Ông Ngữ cho biết nội dụng cuộc gặp này như sau: “Trong buổi gặp mặt chúng tôi cho họ biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay là rất tồi tệ – bắt bớ, đàn áp những người biểu tình ôn hòa, đánh đập những người bất đồng chính kiến, cộng đồng công giáo miền Trung bị đàn áp khi họ muốn bồi thường chính đáng lo Formosa gây ra.”
‘Pháp không thể can thiệp’ vụ trục xuất ông Hoàng?
Việc trục xuất ông Phạm Minh Hoàng là điều “không thể tránh khỏi”, vợ ông cho biết như vậy sau cuộc gặp với người đứng đầu tổng lãnh sự quán Pháp ở TP HCM.
Bà Lê Thị Kiều Oanh viết trên trang Facebook cá nhân hôm 24/6 rằng bà đã tới gặp “ông tổng lãnh sự” vì “quá nóng ruột”.
Theo bà Oanh, quan chức ngoại giao này nói rằng việc trục xuất nhà giáo là thành viên Đảng Việt Tân “là điều không thể tránh khỏi” vì ông Hoàng “không còn quốc tịch Việt Nam và là công dân Pháp thì chính phủ Pháp có trách nhiệm phải nhận công dân của mình bị trục xuất”.
Vợ của nhà bất đồng chính kiến từng có song tịch Việt Nam và Pháp hôm 23/6 cho VOA Việt Ngữ biết rằng chồng mình đã bị “lôi ra khỏi nhà” và bà được thông báo rằng ông Hoàng “sẽ bị trục xuất” vào ngày 24/6.
Tuy nhiên, tới tối ngày 24/6, chưa rõ ông Hoàng đã bị trục xuất về Pháp hay chưa. Chính quyền và báo chí Việt Nam cũng không thấy đưa thông tin về vụ này.
Bà Oanh cho hay, ông Tổng lãnh sự Pháp cũng “không biết chính xác khi nào thì anh Hoàng bị lưu đày”.
Theo vợ ông Hoàng, nhà ngoại giao này cho biết “sẽ đi thăm anh Hoàng vào đầu giờ chiều [ngày 24/6] ở nơi tạm giữ dành cho người chuẩn bị trục xuất” và ông “có thiện chí cho người đưa tôi về và lấy vài bộ đồ cho anh Hoàng”.
“Ông ấy nói rằng chính phủ Pháp không có quyền phê phán hay can thiệp vào nội bộ Việt Nam nhất là về luật pháp”, bà Oanh kể lại.
VOA Việt Ngữ hôm 23/6 đã gửi email tới Bộ Ngoại giao Pháp cũng như Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Pháp ở Việt Nam, nhưng tới ngày 24/6 vẫn chưa nhận được phản hồi.
“Vậy là vợ chồng tôi chia cắt thật sự rồi sao? Tôi không thể chối bỏ sự đau buồn tột độ của tôi lúc này”, bà Oanh viết trên Facebook.
Trả lời báo chí về vụ tước quốc tịch ông Hoàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/6 nói rằng việc làm đó “hoàn toàn theo đúng pháp luật Việt Nam”.
Bà Hằng nói rằng ông Hoàng đã “vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia”, nhưng không nói rõ về các cáo buộc này.
Tuy nhiên, trả lời VOA Việt Ngữ trước khi bị bắt, ông Hoàng nói rằng hành động của chính quyền nhằm “trả thù” các hoạt động cổ xúy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của Đảng Việt Tân, tổ chức Hà Nội từng nhiều lần lên án.
Lãnh đạo Khmer Đỏ bác bỏ tội giết người
Một nhà lãnh đạo của Khmer Đỏ ở Campuchia đã phủ nhận rằng ông và cộng sự của mình phải chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 1,7 triệu người.
Khieu Samphan, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia Dân chủ từ năm 1976 đến 1979 và “Người Anh Số Hai ” Nuon Chea, 90 tuổi, phải đối mặt với cáo trạng về các tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng trong vụ kiện thứ hai trước tòa được LHQ bảo trợ.
Hai người này nằm trong nhóm nhỏ do Pol Pot cầm đầu, hầu hết là những người cộng sản được học tại Pháp, đứng lên để lãnh đạo một cuộc cách mạng đẫm máu chống lại chính phủ có Mỹ hậu thuẫn sau khi đất nước họ bị chìm đắm trong Cuộc chiến Việt Nam.
Phần lớn nạn nhân của Khmer Đỏ chết vì đói, tra tấn, kiệt sức hoặc bệnh tật trong các trại tù lao động hoặc bị giết chết trong các cuộc hành quyết tập thể ở “những cánh đồng chết”.
Khieu Samphan và Nuon Chea là hai thành viên còn lại cuối cùng của nhóm lãnh đạo hàng đầu. Pol Pot, “Người Anh Số Một”, đã qua đời vào năm 1998.
“Với thuật ngữ ‘giết người’, tôi bác bỏ thẳng thừng,” Khieu Samphan nói với tòa trong phần cuối của phiên xử.
“Lãnh đạo Cộng sản Kampuchea đã không tiêu diệt người dân của chúng tôi. Lợi ích gì mà làm như vậy?”
Khieu Samphan và Nuon Chea bị kết án tội ác chống lại nhân loại trong giai đoạn đầu của vụ án phức tạp và bị kết án tù chung thân vào năm 2014.
Khmer Đỏ bị chia rẽ trong bối cảnh các cuộc thanh trừng đẫm máu trong giai đoạn họ cầm quyền và nhiều thành viên từ các vùng phía đông đã trốn sang Việt Nam để tham gia với quân đội Việt Nam vào tháng 12 năm 1978, và lực lượng này đã lật đổ Khmer Đỏ.
Kể từ đó, Khmer Đỏ đã đổ lỗi cho Việt Nam vì tình cảnh của họ.
Khieu Samphan vào ngày thứ Sáu tái khẳng định rằng Việt Nam đã đưa ra khái niệm diệt chủng là một kiểu tuyên truyền để biện minh cho cuộc xâm lăng của họ với “sự hậu thuẫn của giới nhà lãnh đạo Campuchia lúc đó”.
“Việt Nam chưa bao giờ hợp tác với tòa án này và cuối cùng đã phát minh ra ý tưởng không thể chấp nhận được về nạn diệt chủng Campuchia”, ông nói.
Nhiều lãnh đạo hiện nay của Campuchia, bao gồm Thủ tướng Hun Sen, từng là thành viên của Khmer Đỏ, người đã trốn sang Việt Nam và sau đó được bổ nhiệm vào một chính phủ được Việt Nam hậu thuẫn ở Phnom Penh.
Nuon Chea đã không xuất hiện tại phiên tòa vào thứ Sáu do “đau lưng,” tòa cho hay. Ông ra tòa qua video nối trực tiếp từ một phòng giam,
Khieu Samphan cho biết, người ta buộc phải làm việc trong các trại lao động vì “nhu cầu cấp thiết phải giải quyết vấn đề đói kém”, và nói thêm: “Đây có phải là tội không? Tất nhiên là không.”
Luật sư bào chữa quốc tế của Nuon Chea, ông Victor Koppe, cho biết thủ tục tố tụng đối với thân chủ của ông là “một phiên xử theo khuôn mẫu nhằm phục vụ lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ, là những “kẻ xâm lăng”.
Sau khi bị buộc phải từ bỏ quyền lực, Khmer Đỏ đã trở thành một phần của một chính phủ được LHQ công nhận sống lưu vong phản đối Việt Nam chiếm đóng của Campuchia trong 10 năm. Tòa án chưa đưa ra ngày ra phán quyết.
0 nhận xét