Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam– 13/06/2017

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017 20:10 // , ,


Tin Việt Nam– 13/06/2017

Chính quyền An Giang

dựng chốt chặn khách đến Quang Minh Tự

Công an tỉnh An Giang lập 4 chốt an ninh, chặn không cho các tín hữu vào Quang Minh Tự để làm lễ nhân kỷ niệm ngày khai sáng Phật giáo Hòa Hảo hôm 12/6, theo vị trụ trì chùa.
Từ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Võ Văn Thanh Liêm, trụ trì Quang Minh Tự, cho VOA – Việt ngữ biết chính quyền địa phương đã cản trở, không cho nhiều khách vào chùa, một ngày trước khi diễn ra lễ chính.
Ông Thanh Liêm nói khách ở xa đến thì chính quyền tìm cách ngăn chặn, khách ở gần thì bị đe dọa, và ngay cả ông Nguyễn Văn Lía, một tu sĩ có tầm ảnh hưởng lớn của khối Phật giáo Hoà Hảo Truyền thống, cũng bị chặn:
“Họ đóng 4 chốt, mỗi chốt có 5-10 người ở ngoài đường. Khi xe của khách đến đó không thể nào vô được. Có một khách ở Trà Vinh lên phải cởi quần áo, chỉ để quần cụt mới vào được chùa. Khi vào được thì khách này cho biết họ hăm he, ‘sẽ cho cơ động bắt’. Khách ở gần thì không dám vô chùa. Họ hăm từng nhà. Ông Ba Lía cũng bị chặn, bị đuổi về. Tất cả những ai lên tiếng bảo vệ cho đạo mà khác với ý của họ, thì họ không cho đến Quang Minh Tự.”
Họ đóng 4 chốt, mỗi chốt có 5-10 người ở ngoài đường. Khi xe của khách đến đó không thể nào vô được.
Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm
Ông Thanh Liêm, một tu sĩ 77 tuổi, từng bị giam cầm 6,5 năm tù cộng với 3 năm quản chế về cáo trạng “chống người thi hành công vụ” vì đã lên tiếng bênh vực cho tự do tôn giáo, cho VOA biết thêm:
“Tín đồ các nơi họ muốn tới, nhưng còn sợ lắm. Nếu không sợ, họ đến đây khoảng vài chục xe. Cách nửa cây số họ đã chặn trước rồi. Những người nào thường ghé đây – họ đuổi trước, chứ không dễ dàng gì mà tới được.”
Theo ông Thanh Liêm, từ ngày hôm trước đã có khoảng 60 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tề tựu về Quang Minh Tự để dự buổi cầu nguyện cho Quốc thái Dân an.
Dù ít người tới được Quang Minh Tự, nhưng buổi lễ chính đã được tổ chức trang nghiêm và kết thúc lúc 15 giờ ngày 18 tháng 5 âm lịch, đánh dấu 78 năm ngày Khai sáng Phật giáo Hòa Hảo, do Huỳnh Giáo chủ – tức ông Huỳnh Phú Sổ, sáng lập vào năm 1939.
Tu sĩ Thanh Liêm cho biết năm nay chính quyền dường như “lui lại một chút” vì năm ngoái ông quyết đòi tự thiêu để bảo vệ các tín đồ khi họ đến chùa làm lễ, hành đạo, trước sự ngăn cản của chính quyền:
“Năm ngoái, họ có trên 300 người, đánh đập, giựt giấy tờ xe, trong đó có gần 100 người cầm cây. Họ đánh nhiều người bị thương. Vào tháng năm, năm ngoái, họ chặn đường, đánh người, làm những người vô đây bị thương, bị bể đồ, lật gọng. Tôi cầm bình xăng ra, chế lên đầu tôi. Khi đó, họ mới sợ và dừng. Họ không chặn nữa. Vì vậy, năm nay họ lui một chút vậy thôi.”
Ông Thanh Liêm còn tố cáo chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã bắt giam và gây ra cái chết của tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn hồi đầu tháng 5/2017.
“Tố cáo chính quyền trong trường hợp của tín đồ Nguyễn Hữu Tấn. Cộng sản thực hiện cuộc điều tra rất ác độc. Từ xưa tới giờ, chưa có ai bị cắt gần lìa cổ như vậy. Cộng sản có lúc nào buông tha tôn giáo đâu.”
Cộng sản có lúc nào buông tha tôn giáo đâu.
Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm
Cùng ngày 12/6, một nhóm tu sĩ Hòa Hảo không được công nhận ở tỉnh Đồng Tháp cũng bị chính quyền ngăn chặn khi làm lễ Khai sáng. Ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy viết trên Facebook như sau:
“Cũng như những kỳ lễ trước, các cấp công an Đồng Tháp lập trạm ngăn cản trên các nẻo đường đi vào điểm Lễ nhằm hạn chế tối đa số đông đồng đạo đến đây tham dự. Với tinh thần ‘Ưu sư Trọng pháp’, quý đồng đạo hiếm hoi nơi đây, vẫn nhiệt tình tổ chức mùa Đại lễ, bất chấp mọi thử thách gian nguy đang chực chờ phía trước.”
Theo báo Lao Động, cũng trong ngày 12/6, tại An Hòa Tự, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận và hỗ trợ, đã tổ chức buổi lễ tương tự, nhằm “xây dựng cuộc sống mới”, và “phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Tại một buổi lễ tương tự do chính quyền huyện Chợ Mới tổ chức, ông Nguyễn Thanh Phong – Bí thư huyện ủy Chợ Mới nói ông rất “mong muốn trong thời gian tới, các tín đồ cần tiếp tục phát huy thành quả hoạt động đạo sự đã đạt được trong những năm qua, chấp hành nghiêm Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo, Hiến chương của Giáo hội, đấu tranh phòng ngăn những biểu hiện sai lệch trong tổ chức, tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, hết lòng ủng hộ Ðảng và Nhà nước…”, theo trang mạng của tỉnh An Giang.

Blogger Mẹ Nấm bị truy tố cả 3 hành vi theo điều 88

Tòa án tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận cho hai luật sư để bào chữa cho Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong khi đó, hai luật sư khác đang chờ giấy chứng nhận bào chữa.
Từ Hà Nội, luật sư Nguyễn Hà Luân xác nhận với Đài VOA – Việt ngữ rằng ông và luật sư Lê Văn Luân thuộc Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long đã nhận giấy chứng nhận bào chữa hôm 12/6.
“Chúng tôi mới nhận được cách đây một ngày. Chúng tôi chưa có thời gian để tiếp xúc với cô Quỳnh và chưa tiếp cận với hồ sơ. Có thể là trong một vài ngày tới chúng tôi sẽ sắp xếp việc đó.”
Luật sư Hà Luân cho biết là trong giấy chứng nhận bào chữa do Tòa án tỉnh Khánh Hòa cấp hôm 8/6, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chính thức bị truy tố về ba hành vi, theo khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Ba hành vi này được quy định trong Bộ luật Hình sự như sau: “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền”; “Tuyên truyền … phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”; “Làm ra, tàng trữ, lưu hành tài liệu…có nội dung chống nhà nước.”
Luật sư Nguyễn Hà Luân:
“Hiện nay đang truy tố cô Quỳnh theo khoản 1 Điều 88. Đây là điều khoản có khung hình phạt chênh lệch rất là dài, từ 3 đến 12 năm.”
Theo giấy chứng nhận bào chữa, hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm được thụ lý vào ngày 1/6/2017, tức thời gian điều tra đã kéo dài hơn 7 tháng, kể từ ngày blogger Mẹ Nấm bị bắt vào ngày 10/10/2016.
Từ khi bị bắt đến nay, cả luật sư và gia đình đều không được tiếp xúc với Như Quỳnh.
Luật sư Võ An Đôn viết trên Facebook hôm 11/06 rằng ông cũng đã nhận được thư mời bào chữa của Như Quỳnh. Vị luật sư nhân quyền ở Phú Yên cũng đã làm các thủ tục cần thiết nhưng ông không biết liệu Tòa án tỉnh Khánh Hòa có cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho ông hay không, bởi vì tòa này “nổi tiếng gây khó khăn cho luật sư tham gia bào chữa các vụ án liên quan đến dân chủ, nhân quyền.”
Tương tự, Luật sư Nguyễn Khả Thành thuộc đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên cũng nhận thư đề nghị bào chữa từ Như Quỳnh nhưng ông cũng không chắc có được cấp giấy chứng nhận bào chữa hay không, luật sư Thành chia sẻ trên Facebook.
Theo bức thư đề ngày 2/6 của Như Quỳnh gửi cho luật sư Võ An Đôn, vụ án của cô đã kết thúc giai đoạn điều tra và truy tố, và Viện Kiểm soát tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt cáo trạng đối với cô.
Blogger Mẹ Nấm là một nhà tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và vì tiến bộ xã hội được biết tiếng cả trong và ngoài nước. Cô đã được tổ chức Civil Rights Defenders của Thụy Điển trao giải thưởng “Người bảo vệ nhân quyền” năm 2015, và mới đây hơn, vào tháng 3 năm nay, được Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump trao giải “Phụ nữ quốc tế Dũng cảm năm 2017”.
Nhân dịp này, một thông báo của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết lý do:
“Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trao Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì sự can trường của cô trong cuộc đấu tranh cho các vấn đề xã hội dân sự, vì đã truyền cảm hứng cho những thay đổi ôn hòa, kêu gọi một hệ thống chính quyền minh bạch hơn, cổ vũ cho hoà bình, công lý và quyền con người, và là tiếng nói đại diện cho quyền tự do ngôn luận.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng chỉ trích việc Hoa Kỳ trao giải cho cô Như Quỳnh, nói rằng “việc trao giải cho một người bị điều tra vì vi phạm luật pháp Việt Nam là không phù hợp và không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước.”

Hà Nội khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm

Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội vào hôm 13/6 đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4.
Các báo Việt Nam đồng loạt tường thuật việc khởi tố vụ án “nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự”.
Hôm 15/4, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người gồm cán bộ, cảnh sát cơ động để đòi giới chức thả chín người dân bị công an bắt, đồng thời xử lý các khiếu nại đất đai.
Hôm 22/4, khi đến Đồng Tâm để đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được truyền thông dẫn lời:
“Tôi từng làm điều tra, từng làm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, giám đốc công an thành phố, hôm nay tôi về với tư cách chủ tịch TP. Tôi ghi nhận việc làm của bà con là từ bức xúc đất đai, từ việc bắt giữ người không công bố lệnh, không mặc trang phục, bắt đưa lên ô tô.
“Tôi tin đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Luật pháp có quy định thành khẩn, khắc phục hậu quả, tôi tin bà con sẽ được giảm nhẹ.”
Ông Chung cũng đã viết bản cam kết gồm 3 điều với người dân xã Đồng Tâm.
Thứ nhất, ông cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra về đất đai.
Thứ hai, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.
Thứ ba, ông cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm).

ĐBQH: Thu hồi đất sân golf Tân Sơn Nhất là cần thiết

Thu hồi sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất khắc phục tình trạng ùn tắc và quá tải từ bấy lâu nay là tiêu đề của thư ngỏ do 3 nhóm hội đoàn dân sự và hơn 40 cá nhân ký gửi đến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 11 tháng 6 vừa qua.
Bức thư kêu gọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước ủng hộ cùng ký tên cho mục tiêu thu hồi 157 héc ta sân golf lại cho sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải.
Những hội đoàn và cá nhân ký tên nêu ra 4 nội dung trong thư ngỏ: thứ nhất phản đối phát biểu của ông bộ trưởng giao thông- vận tải Trương Quang Nghĩa khi phát biểu tại quốc hội phủ nhận yêu cầu thu hồi đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, khắc phục tình trạng ùn tắc và quá tải từ bấy lâu nay. Phát biểu của ông Trương Quang Nghĩa hiện là bộ trưởng giao thông- vận tải của chính quyền Hà Nội bị cho là ‘ngụy biện phản khoa học và vô trách nhiệm tại diễn đàn quốc hội.
Thứ hai những hội đoàn và cá nhân ký tên bày tỏ phẫn nộ đối với những nhóm lợi ích và một số thế lực trong quân đội ‘chiếm đoạt phần đất sân bay, vùng đất không gian quan yếu bậc nhất cho việc giao thông quốc nội và quốc tế vô cùng cần thiết cho việc phát triển đất nước’.
Điểm thứ ba là đề nghị nhanh chóng tổ chức hội thảo có sự tham dự của chuyên gia Việt Nam và quốc tế tham dự để thẩm định khách quan và khoa học các vấn đề được đặt ra
Điểm cuối cùng trong thư ngỏ là thu hồi đất sân golf đang do quân đội quản lý giao  lại cho phi trường Tân Sơn Nhất.
Một trong những người ký tên, ông Nguyễn Khắc Mai- Giám đốc Trung Tâm Minh Triết Việt từ Hà Nội cho biết :
Cái này có hiệu quả rồi, Phúc phải đình chỉ cho nghiên cứu, phải lắng nghe ý kiến. Như thế chính phủ ít ra họ cũng biết dư luận không đồng tình với cách làm của quân đội, họ phải dừng lại chưa nói đến thu hồi, nhưng phải nghiên cứu, họ sẽ lắng nghe được bao nhiêu, tùy theo áp lực của xã hội, tối đa mình yêu cầu thu hồi sân gôn nhà cửa nào sử dụng được cho sân bay thì sử dụng còn lại làm đường bang, và tất nhiên phải có đền bù tôi cho rằng nếu anh từ bỏ độc quyền và tham lam thì mọi việc đều có thể giải quyết được tử tế. 
Thu hồi đất sân golf cho sân bay là cần thiết
Nhiều đại biểu quốc hội trong phiên họp vào ngày 13 tháng 6 cũng lên tiếng đồng ý rằng việc thu hồi đất sân golf để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất hiện nay là thật sự cần thiết.
Đại biểu Lê Thanh Vân thuộc đơn vị tỉnh Cà Mau đưa ra căn cứ thực tế của nhiều nhà ga quốc tế ở các nước như Australia, Nhật bản … được các nhà khoa học khẳng định diện tích trong sân golf do quân đội quản lý hiện nay có thể thu lại để mở một đường băng dài 2,6 kilomet.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên thuộc tỉnh Sóc Trăng cũng ủng hộ biện pháp thu hồi đất sân golf để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Kiên nêu rõ Bộ Quốc phòng cũng chỉ là một bộ trong bộ máy Nhà nước và trực thuộc chính phủ do vậy phải thực hiện việc quản lý và sử dụng đất theo luật chứ không theo mệnh lệnh cấp trên

Mục đích Luật an ninh mạng ở Việt Nam

Kính Hòa, phóng viên RFA
Ngày 9 tháng sáu, trang mạng của Chính phủ Việt Nam đưa tin Bộ công an Việt Nam đang soạn thảo một dự luật an ninh mạng, nhưng chưa thấy nói là sẽ trình lên Quốc hội vào lúc nào. Dự luật này có thể chồng lấp lên các điều trong luật hình sự, và nó có thể được dùng để trấn áp mạnh tay hơn những người bất đồng chính kiến hay không?
Dự luật có thể chồng lên luật hình sự
Một luật sư ở Hà Nội là ông Trần Thu Nam cho biết mặc dù ông chưa có thông tin về dự luật an ninh mạng đang được Bộ công an soạn thảo, nhưng dự luật an ninh mạng này cần được nghiên cứu cẩn thận:
“Phải nghiên cứu thế nào để nó không chồng chéo lên các bộ luật hình sự, bộ luật hình sự cũ, và bộ luật hình sự sắp được thông qua. Và phải nghiên cứu kỹ hơn, nếu không nó sẽ xâm phạm quyền tự do ngôn luận.”
Trong 5 hành vi bị nghiêm cấm trong Dự thảo Luật an ninh mạng có điều số 1 là Cấm sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Điều số 2 là Cấm đăng tải chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
Theo Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên thì những điều tương tự như vậy đã có trong Bộ luật hình sự hiện nay của Việt Nam. Ông nói rằng dự luật đang được soạn thảo có thể là được dùng để mở rộng hơn phạm vi đàn áp những người bất đồng chính kiến:
“Có thể là mở rộng phạm vi để bắt hơn, nhưng tôi nghĩ là ở Việt Nam thì các cơ quan tố tụng muốn bắt ai thì người ta cũng bắt được bất kỳ ai dựa vào các điều luật mơ hồ như điều 258, 88, 79, chứ không cần những điều luật mới. Nhưng nhiều khi người ta soạn thảo văn bản đó để người dân xem internet sợ hãi không dám đưa những tin mà người ta cấm.”
Các tổ chức nhân quyền quốc tế và Hoa Kỳ thường lên án Việt Nam dùng các điều luật mù mờ để đàn áp người bất đồng chính kiến. Trong cuộc đối thoại nhân quyền vừa rồi với Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ cũng đã đề cập đến vấn đề này.Các trường hợp gần đây nhất như blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị truy tố bằng điều luật số 88 với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước, ông Hoàng Đức Bình, một người hoạt động xã hội ở Nghệ An bị truy tố về tội danh lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo điều luật số 258.
Những phát biểu, bình luận của những nhà hoạt động xã hội này hầu như chỉ có một kênh truyền tin duy nhất là các trang mạng xã hội của họ.
Ngoài ra dự luật còn đề cập đến chuyện xử lý cái gọi là kích động tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự trên mạng.
Theo hiến pháp Việt Nam hiện hành, thì người dân được phép biểu tình, nhưng Việt Nam lại chưa có luật biểu tình.
An ninh mạng và tranh chấp nội bộ
Trong dự luật an ninh mạng còn có những điều nghiêm cấm khác là xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu, tấn công mạng, khủng bố mạng.
Theo ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên viên công nghệ thông tin hiện sống ở Úc, nhưng từng làm việc với Việt Nam về việc kết nối Internet và thường xuyên theo dõi diễn biến thời sự tại Việt Nam, việc tấn công cả hệ thống của một quốc gia thì ở đâu cũng là tội phạm, nhưng theo ông những tài liệu mật của chính phủ Việt Nam hiện nay rất ít được lưu trữ ở dạng điện tử:
“Thông tin thì chẳng có ai đánh cắp thông tin từ nhà nước cả. Chỉ có những người trong guồng máy họ tự động họ xì ra bên ngoài, chứ chẳng ai đánh cắp đâu. Phần lớn văn bản ở Việt Nam là lưu trên giấy tờ, chứ ít khi lưu giữ bằng điện tử. Rất là hiếm.”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn cho biết là ông không dám chắc những tài liệu mật của nhà nước và đảng cộng sản hiện nay được lưu trữ dưới dạng nào, nhưng ông cũng đồng ý là việc làm lộ các tài liệu từ bên trong nội bộ đảng là ngày càng phổ biến:
Cuộc chiến an ninh mạng không chỉ là chống “thế lực thù địch” trong ngoặc kép, của công an Việt Nam đâu. Mà nó còn từ một mối nguy từ trong nội bộ đảng cộng sản đưa ra, từ khi mà người ta thấy những trang như là Chân dung quyền lực, thì chính quyền rất sợ thấy các tài liệu nội bộ tung ra khắp trên các trang mạng xã hội. Do đó có thể hiểu an ninh mạng ở đây là ngầm ý giữ gìn an ninh nội bộ, không để lọt lộ những tài liệu chống phá lẫn nhau. Thậm chí tôi nghĩ là đến lúc nào đó an ninh mạng được sử dụng để chống phá lẫn nhau.”
Trang mạng Chân dung quyền lực xuất hiện vào tháng 12 năm 2014, ngay trước khi diễn ra Hội nghị trung ương lần thứ 10 của đảng cộng sản Việt Nam. Trên trang này người ta thấy các thông tin về đời tư của nhiều quan chức đảng cộng sản, cũng như những cáo buộc họ tham nhũng.
Cho đến nay từ phía chính quyền Việt Nam cũng không có đưa ra lời tố cáo cá nhân nào liên quan đến trang Chân dung quyền lực, mặc dù sau một thời gian hơn 1 tháng sau Hội nghị trung ương lần thứ 10 đó, chính phủ có lên tiếng chỉ tích trang mạng này.
Bình luận về tác dụng của Luật an ninh mạng trong tương lai trong việc đàn áp những lực lượng phản kháng ôn hòa ở Việt Nam, nhà báo Phạm Chí Dũng nói:
“Sắp tới đây thì dù luật đưa ra như vậy, có 1 hay 10 luật đi nữa, theo tôi nó chẳng có tác dụng lắm đâu. Thứ nhất là đối với người Việt Nam thì quyền tự do ngôn luận đã tới lúc được giải phóng. Thứ hai là các lực lượng trong nội bộ khi xung đột với nhau cũng rất cần mạng xã hội, để tung ra các bài viết, các bình luận. Nếu dựa theo văn bản, nghị định, luật an ninh thì có thể nói là bắt hết. Cho nên tôi nghĩ rằng khó có thể phát huy được tác dụng, của những dự luật an ninh như vậy dù có thành luật chăng nữa.”
Theo ông Dũng thì khuynh hướng siết chặt kiểm soát internet của Việt Nam đã bắt đầu bằng nghị định số 72 vào năm 2013 qui định việc quản lý các dịch vụ Internet. Gần đây nhất là đầu tháng sáu, năm 2017, chính phủ Việt Nam ra một dự thảo nghị định, dự trù có hiệu lực từ năm 2018,  về việc phạt hành chính đối với những hành vi bôi bác cá nhân, cung cấp thông tin không chính xác trên mạng xã hội. Và ông Dũng nói rằng mối lo lắng kiểm soát Internet đã trở thành bận tâm lớn nhất của ngành công an Việt Nam.

Ba gia đình phụ nữ vượt biên sẽ tạm cư ở trại tị nạn Semareng

Hòa Ái, phóng viên RFA
Cuộc sống của ba gia đình phụ nữ, quê Bình Thuận, vượt biên lần thứ hai, đang ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư tại Jakarta-Indonesia, hiện ra sao và những ngày sắp tới của họ như thế nào, phóng viên Hòa Ái tường trình nhân chuyến thăm gặp vừa qua.
Cuộc sống được an toàn
Những giọt nước mắt dâng trào, những vòng tay ôm xiết, những nụ cười rạng rỡ là hình ảnh chúng tôi chứng kiến khi theo chân nữ ký giả Shira Sebban lần đầu tiên đến thăm ba gia đình phụ nữ vượt biên lần thứ nhì tại Trung tâm Giam giữ Nhập cư ở Jakarta, Indonesia.
Bà Shira Sebban, người gây quỹ giúp đỡ một số gia đình ở La Gi, Bình Thuận vượt biên đến Australia nhưng bị Chính phủ Úc trao trả về Việt Nam hồi tháng 7 năm 2015, đến thăm nhóm 18 người vừa được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp cho quy chế tị nạn trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 tháng 6 năm 2017.
Mặc dù thời tiết mùa hè ở thủ đô Indonesia rất oi ả, tuy nhiên phía sau cánh cửa sắt phòng giam, điều kiện sống của nhóm 18 người khá thoải mái. Bên trong phòng giam có máy điều hòa, những tấm nệm để ngả lưng và nhà vệ sinh. Hàng ngày họ được cung cấp ba bữa ăn đều đặn. Chi phí ăn ở và y tế được Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) chi trả. Hàng tháng, IOM còn gửi đến họ một số vật dụng sinh hoạt cần thiết. Thi thoảng, họ được cảnh sát mở cửa phòng giam cho đi lại cũng như các em nhỏ được vào phòng máy vi tính.
Cuộc sống tuy có phần an tâm vì được an toàn, thế nhưng đời sống tinh thần luôn gắn liền với lo lắng và sợ hãi. Những hồi ức về chuyến vượt biên đến Úc, về giây phút bị đưa vào tù ngay sau khi máy bay hạ cánh tại phi trường Việt Nam, về những tháng ngày tù đày, về cách đối xử phân biệt của chính quyền và nhà trường đối với các gia đình vượt biên…được chia sẻ. Hoàn cảnh sinh tồn lo cho gia đình của các bà mẹ sau khi bị trao trả về nguyên quán rơi vào bế tắc do bị chính quyền bêu danh trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở địa phương, những lời hăm dọa và nhục mạ của giáo viên dành cho các thanh thiếu niên của các gia đình vượt biên…lần lượt được kể lại với những người đến thăm gặp.
Bà Trần Thị Thanh Loan và bà Trần Thị Lụa đã bị chính quyền Việt Nam kết án tù từ 30 đến 36 tháng tù giam theo điều 275 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Nhưng những truy bức và khó khăn tại Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh, đến mức những người phụ nữ này quyết định vượt biên lần thứ nhì và thà chết trên biển cả. Dù được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận cho quy chế tị nạn trong chuyến vượt biên lần hai, nhưng nỗi lo lắng và sợ hãi vẫn luôn hiển hiện không chỉ trong những ngày sắp tới họ sẽ đi đâu về đâu mà thân nhân ở quê nhà sẽ ra sao khi chính quyền thường xuyên tra hỏi liên quan chuyến vượt biên lần thứ nhì.
“Ông xã em về ngày 30 tháng 5 và mãn án tù.”
Bà Trần Thị Thanh Loan cho biết chồng mình, ông Hồ Trung Lợi vừa thụ án xong 2 năm tù giam.
“Chuyến vượt biên thứ hai thì ông xã em trong tù bị đánh. Nhân viên xuất nhập cảnh có vào để điều tra ông xã em.”
Bà Loan đã được nói chuyện trực tiếp với chồng và được ông cho biết bị tra khảo trong tù về chuyến vượt biên thứ nhì của vợ con. Ông Lợi được công an yêu cầu trình báo khi đi khỏi địa phương và ông cũng nói với vợ vào ngày 13 tháng 6 sẽ trình báo xin đi khám chữa bệnh vì mắt trái không còn thấy đường và sức khỏe rất yếu kém.
Bên cạnh nỗi lo lắng và sợ hãi thường trực, ba gia đình phụ nữ vượt biên lần hai cũng luôn canh cánh lòng biết ơn đối với các ân nhân và cộng đồng cư dân mạng hết lòng giúp đỡ họ về vật chất lẫn tinh thần.
“Em cũng thay mặt 18 người, rất là xúc động và rất cảm ơn Chính phủ Indonesia, Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), bà Shira, chị Grace Bùi, chị Ngọc Nhi đã đồng hành giúp đỡ tận tình cho tụi em. Tụi em rất mong muốn mọi người giúp đỡ thêm để tụi em có cuộc sống mới ở nước thứ ba.”
Theo như chia sẻ của ký giả Shira Sebban với RFA trước đây, bà rất quan tâm đến việc học hành của 12 em nhỏ. Trong khi cố gắng liên lạc với trường học dành cho học sinh được quy chế tị nạn ở Jakarta để các em được đến trường, bà Shira mang quà đến cho các em nhỏ những máy tính bảng, sách vở, dụng cụ học tập…Nhờ qua trang mạng xã hội Facebook, ký giả Shira Sebban cũng kết nối với cô Sunshine Biskaps, từng là một thuyền nhân Việt khi cô còn rất nhỏ hồi thập niên 80, hiện đang sinh sống và làm việc ở Indonesia và bạn bè của cô. Nhóm của cô Sunshine kêu gọi quyên góp giúp đỡ ba gia đình thuyền nhân ở Jakarta và một người bạn của cô nhận giúp đến dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư.
Lo lắng cho tương lai
Niềm vui được gặp gỡ và được giúp đỡ từ nhóm người địa phương là niềm an ủi rất lớn đối với ba gia đình vượt biên. Thế nhưng, họ lại bị buộc phải ký giấy tờ chuyển đến trại tị nạn Semareng, trên đảo Java bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 7 tới đây, theo quyết định của Bộ Di trú Indonesia.
Cô Grace Bùi, người luôn tận tình giúp đỡ ba gia đình phụ nữ vượt biên cho chúng tôi biết nhóm 18 người này được cấp quy chế tị nạn, có nghĩa là tất cả họ sẽ được định cư ở một nước thứ ba. Tuy vậy, không ai có thể biết bao giờ họ sẽ được đi định cư và quốc gia nào sẽ nhận họ. Cô Grace Bùi cũng cho biết thêm cuộc sống của họ ở trại tị nạn Semareng trong thời gian tới không biết sẽ kéo dài bao lâu, mặc dù mọi chí phí cũng sẽ do IOM lo liệu.
Thời gian thăm gặp ba gia đình vượt biên lần hai cũng đến hồi kết thúc. Phút giây bùi ngùi, lưu luyến tiễn biệt cùng những lời động viên an ủi và cầu chúc mọi sự sẽ bình an. 18 người quay lại với bữa cơm trưa trong lặng lẽ cùng sự hoang mang cho những ngày sắp tới của cuộc hành trình định mệnh nhiều rủi ro và vô định.

Giáo dục Việt Nam ‘xung đột quyền lợi và mục tiêu’

Tiến sĩ Hoàng Kim PhúcOxford, Anh Quốc
Trong thời đại ngày nay, ngoài khao khát đổi thay thân phận cá nhân nhờ giáo dục, ở bình diện quốc gia, giáo dục quyết định số phận tương lai của cả dân tộc.
Với thực tế chục triệu học sinh phổ thông Việt nam đang bị vắt kiệt tuổi thơ với hy vọng sau 12 năm sẽ trèo được lên chiếc “xe đò” mang tên Đại học, trong khi mẹ cha vật lộn, thậm chí bán cả ruộng nương trả “vé xe” vậy mà “đến bến” thì trăm ngàn cử nhân lại “đứng đường”. Đây thực tế là một cuộc khủng hoảng, mà nguyên nhân cần được nhìn rõ.
Chuyện Tây
Lúc bọn trẻ đầu lòng nhà tôi lên tám tôi thường tranh thủ sáng Chủ nhật lên phòng thí nghiệm đặt máy. Anh bạn thân của tôi, thường chở bọn trẻ hai nhà đi chơi.
Hôm đó tôi về đến nhà cũng là lúc mấy chú cháu trở về từ công viên đại học Oxford. Con bé con nhà tôi phụng phịu vùng vằng xuống xe. Bạn tôi bối rối nói: “Em bảo con cứ vào bụi cây là không ai thấy nhưng nó kiên quyết không chịu nên tè ra quần”. Tôi quắc mắt hỏi: “Sao chú bảo con không nghe còn phụng phịu cái gì?” Nó vùng vằng khẽ quát lại chúng tôi: “Cô giáo bảo không được tè bậy”.
Hai anh em tôi nhìn nhau phá lên cười, tự nhận thấy cái vô duyên của người lớn. Chúng tôi may mắn có chút học hành nhưng cũng từ đồng ruộng đi ra. Với chúng tôi “bắn” một phát vào gốc cây hay đống rơm là vô tội từ tiềm thức, trong khi ở nền giáo dục khác, đó là hành vi không thể chấp nhận được.
Nền giáo dục tại đây từ nhỏ dạy trẻ em biết sẻ chia, học tổ chức meeting ủng hộ các bạn nước khác bị thiên tai, chiến tranh. Trẻ được đi xem tòa án, nhà thờ, nhà máy, trang trại.
Lớn hơn thì được dân biểu, nhà văn tới nói chuyện những khó khăn về kiệt quệ tài nguyên, ô nhiễm, thay đổi khí hâu và khủng bố… Nhà trường phổ thông dạy cho trẻ thấy xã hội đang vận hành ra sao và chúng sẽ phải đối mặt với những vấn nạn gì. Không có gì thừa, tất cả là vì sự phát triển và quyền lợi thiết thân của trẻ.
Môn toán trong chương trình dự bị đại học A-level tại Anh (2 năm) bao gồm kiến thức từ lớp bảy tới năm thứ nhất đại học ở Việt nam, tuổi thơ được “chắt chiu” để chuẩn bị sức khỏe bằng học và chơi nhiều thứ khác.
Kể chuyện trên để thấy một thực tế, người ta có thể dùng giáo dục phổ thông nhằm tạo ra một thế hệ theo đúng ý chí của nền giáo dục lựa chọn. Hoàn toàn có thể tạo ra một thế hệ mới có ý thức tuân thủ pháp luật, từ chối bạo lực nhưng vẫn năng động tự tin; yêu thiên nhiên và động vật; trung thực và hiểu tham nhũng là tội ác…
Chuyện Ta
Indira Gandhi từng nói: “Trong thời đại chúng ta, giáo dục là sức mạnh của dân chủ hóa, nó sẽ phá đi thành lũy giai cấp và giảm bớt bất bình đẳng thân phận”. Thực tại giáo dục Việt nam đang đào một hố sâu hoắm của “bất bình đẳng thân phận” và “bần cùng hóa tri thức”.
Trong khi những trẻ em Việt nam từ các gia đình có điều kiện dễ có được thể chất và tinh thần tốt do thụ hưởng một nguyên lí giáo dục lành mạnh từ các trường quốc tế, con cái của đa số tầng lớp lao động đang bầm dập tuổi thơ trong một nền giáo dục nhồi nhét, xa rời các giá trị của đời sống. Nguy hiểm, cách giáo dục này đang tạo ra lớp trẻ xa lạ với lao động, thụ động, ít sáng tạo, thiếu tự tin, thậm chí vô cảm.
Thái độ xạ lạ với lao động, dù chỉ là lao động đơn giản như tự phục vụ, là thất bại của bất cứ mục tiêu giáo dục nào, không may nó luôn đi cùng với bốn thứ còn lại cho nên không thể tạo ra loại người thụ động, vô cảm đồng thời yêu lao động cũng như không thể hy vọng loại người công cụ, loại “cháu ngoan” có nhiều sáng tạo.
Đa phần trẻ trường công, theo khả năng kinh tế của gia đình sẽ chỉ có lựa chọn vào các đại học Việt nam nơi chúng sẽ mất thêm 15-20% thời gian đại học để “xơi” món bắt buộc là những giáo điều chính trị mà vốn chỉ chiếm một vài tiết trong vài chủ đề hẹp, tự chọn của sinh viên xã hội học ở các nước văn minh.
Nhiều đại học Việt Nam đang hoạt động như một tay “bợm nhậu” vì mặc dù đã no say vẫn không ngừng nhậu tiếp các “thức ăn” lành sạch, lẽ ra phải giành cho người khác. Vẫn tuyển sinh bất chấp thất nghiệp đầy đường trong khi khủng hoảng cả về chất lượng, triết lí đào tạo chưa có lời giải cùng lúc nền kinh tế suy kiệt giảm cầu là vô trách nhiệm một cách trắng trợn.
Trong thời đại chúng ta, giáo dục là sức mạnh của dân chủ hóa, nó sẽ phá đi thành lũy giai cấp và giảm bớt bất bình đẳng thân phận.Indira Gandhi
Tụt hậu chất lượng giáo dục đại học ở Việt nam, càng trầm trọng, còn nằm ở vấn đề người dạy khi các thí nghiệm, phương pháp tiếp cận trình bầy trong các giáo trình chuyên ngành khoa học kỹ thuật ở bậc đại học phương Tây là phương pháp thông thường, dùng trong phòng thí nghiệm hay công ty riêng của người dạy, đa phần đi trước Viêt nam từ 10-30 năm.
16 năm đẹp đẽ nhất cuộc đời của cả triệu người, lẽ ra để trang bị tri thức hữu dụng, xứng đáng với đồng tiền bát gạo thấm đẫm mồ hôi của cha mẹ đang bị hoang phí.
Những trẻ học trường quốc tế đi du học thành công trở về có ưu thế vượt trội về sức khỏe và kiến thức nhưng mất cân đối tỷ lệ ngành nghề nên không đủ đáp ứng, đặc biệt khoa học kỹ thuật thường ít được lựa chọn để du học.
Thực tại buồn thảm trên đòi hỏi việc tạm thời đóng cửa các ngành thậm chí cả đại học để thay máu bằng đào tạo lại. Các bằng sắc, tước vị mà các cá nhân đã có sẽ vẫn được giữ nguyên khi họ trở về nhưng họ cần phải tốt nghiệp lại đại học ở một nước phát triển nếu chưa từng được đào tạo tương tự, để tiếp tục giảng dạy đại học.
Việc đào tạo lại này lẽ ra đã có thể đại trà hóa ngay tại Việt nam nếu trong 20 năm qua một đại học nghiên cứu hoàn toàn phương Tây được ưu đãi hoạt động vì thực tế các đại học nửa Việt nửa Tây ở Việt nam vì vô vàn lí do đã “ngắc ngoải”, thế nên gửi đi đào tạo lại cho các chuyên môn cụ thể là đòi hỏi đang cấp bách.
Một tượng đài nghìn tỷ của một tỉnh đủ đào tạo bài bản hơn 400 cử nhân ở các đại học rất tốt tại Anh, thừa đủ giảng viên cho một trường đại học của tỉnh đó, vấn đề phải lựa chọn giữa tương lai của nhân dân tỉnh đó hay “tiền đồ” của những người xây tượng đài.
Chuyện sáng tạo
John Locke, nhà triết học Anh đã nói: “Lịch sử của xã hội dân sự là lịch sử của giáo dục”. Để tiến bộ đến ngày nay, con người đã nhờ cậy vào một thứ quả ngọt từ giáo dục là sáng tạo.
Ở thời đại mà một kiểu mới của máy quét laser 3D ra thị trường sau vài tuần, các phần mềm ứng dụng thường có đối thủ mới cạnh tranh sau vài tháng, người ảo có thể sớm ra đời sau các đột phá về trí tuệ nhân tạo, bộ gene của một sinh vật được đọc mã trong vòng vài giờ tới vài ngày với một giá “bình dân” cùng với công nghệ di truyền, tất cả sẽ cho phép tạo ra các siêu sinh vật hay mang tới đột phá về tuổi thọ và phòng chống lại bệnh tật, công nghệ tự động đâu cần gì nhiều lao động chân tay…
Bước nhẩy công nghệ trong 15-20 năm tới rõ ràng không có chỗ cho các dân tộc thất bại trong giáo dục và sáng tạo.
Để sáng tạo thì ngoài sự tinh thông, trung thực và dũng cảm cũng là một đòi hỏi. Tinh thông giúp người lao động quan sát và phát hiện ra bất hợp lí hay lệch lạc xung quanh lĩnh vực mà họ hoạt động. Nhưng để có những sáng tạo lớn hơn, người lao động cần sự trung thực và dũng khí để đối diện với thách thức đúng sai so với quan điểm và kiến thức hiện thời, với sự phản biện thậm chí phủ nhận khốc liệt của đồng nghiệp có xung đột lợi ích và để đói phó với các đối thủ cạnh tranh trong quá trình thị trường hóa tri thức.
Tuy nhiên tinh thông, trung thực và dũng cảm tự nó tạo cho người lao động một nhãn quan tự do và thói quen tìm kiếm bản chất của các vấn đề khác. Những xã hội độc tài, thần quyền, tự nó chứa đựng những phi lí được duy trì cố ý nhằm nắm giữ độc quyền.
Lịch sử của xã hội dân sự là lịch sử của giáo dụcJohn Locke, triết gia Anh
Không phải ngẫu nhiên mà cha đẻ của “Lý thuyết giải quyết bài toán phát minh”, viện sĩ Genrich Altshuller, đã bị án tù 25 năm tại nước Nga cộng sản, cũng như hàng chục các nhà khoa học nổi tiếng cùng thời ông đã bị tù hoặc chết trong tù.
Đâu là hy vọng?
Giáo dục cần hai thành tố, người dạy và kẻ học. Nhân loại đã chứng minh là tất cả mọi thứ đều có thể dạy được. Người học, Việt nam có cả một dân tộc ham học cho dù bị dè bửu là “học để làm quan”? Học để làm quan tốt chẳng tốt hơn học làm quan tham sao? Nguyên ủy cuộc khủng hoảng này là từ “mục tiêu và quyền lợi” của thể chế chính trị đang lèo lái nền giáo dục hiện nay.
Giáo dục Việt nam sẽ chỉ vươn lên mạnh mẽ ngay khi nó thật sự tôn trọng và lấy quyền lợi phát triển tri thức và thể chất của người học làm mục vụ, đó chính là cốt lõi của tôn trọng quyền con người và giải phóng sức sáng tạo của cả dân tộc.
Ai bắt được thể chế chính trị này phải mở lối cho giáo dục đi lên? Câu trả lời nằm trong “tay” của tất cả những ai lo cho chính tương lai của con cháu mình, tất cả các vấn đề khác chỉ là kỹ thuật và sẽ được tự điều chỉnh trong mối quan hệ cung cầu lành mạnh.
(Chú thích của tác giả: Bài viết có tham khảo ý kiến của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh về Kinh tế giáo dục học Việt nam).
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, người đang sống ở Oxford, Anh Quốc.

Hội đoàn dân sự

gửi thư đến Thủ tướng Phúc vụ sân bay-sân golf

Cựu phó tổng biên tập một tờ báo Đảng nói với BBC rằng ông ký vào thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ sân bay-sân golf Tân Sơn Nhất vì “bất bình chuyện quân đội làm kinh tế từ lâu.”
Hôm 13/6, báo Điện tử Chính phủ cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, thuê tư vấn nước ngoài tiến hành làm việc độc lập để nghiên cứu, đánh giá, khảo sát theo hướng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất “với cách làm phải khách quan, trung thực nhất về hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất.”
“Thủ tướng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định,” báo này viết.
Cùng thời điểm, các hội đoàn dân sự, giới nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký thư ngỏ gửi thủ tướng về vụ việc với những nội dung chính: Phản đối Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa “ngụy biện phản khoa học và vô trách nhiệm tại diễn đàn Quốc hội” khi bác yêu cầu chính phủ sớm thu hồi đất sân golf; Bày tỏ sự phẫn nộ trước “thái độ tham lam bất chấp kỷ cương phép nước, quyền dân của nhóm lợi ích và một số thế lực trong quân đội”; Yêu cầu tổ chức hội thảo thẩm định khách quan và khoa học những vấn đề được đặt ra; Yêu cầu chính phủ khẩn trương thu hồi toàn bộ đất sử dụng không đúng mục đích để phục vụ công ích.
Trong danh sách ký vào thư ngỏ có các nhân vật: Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Nhà giáo Nguyễn Khắc Mai, Nhà thơ Hoàng Hưng, cựu Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM Võ Văn Thôn, cựu Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước…
‘Áp lực mạnh’
Hôm 13/6, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Kha Lương Ngãi, cựu Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, một trong những người ký vào thư ngỏ, nói: “Tôi ký vào thư vì đã bất bình chuyện quân đội làm kinh tế từ lâu.”
“Thử hỏi đất của sân bay mà họ còn lấy được thì đất của người dân thì thế nào?”
“Việc quân đội lấy đất sân bay làm sân golf là sai trái, bất hợp pháp, gây nhiều hệ lụy cho người dân.”
“Và lẽ ra với việc Bộ Giao thông Vận tải bỏ qua trách nhiệm của họ trong vụ này thì người đứng đầu bộ phải từ chức chứ không chỉ trả lại đất rồi thôi.”
Thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng – Sài Gòn nói thêm: “Tôi hy vọng là với áp lực mạnh từ phía công luận, Thủ tướng Phúc sẽ buộc quân đội phải thực hiện việc trả lại đất làm sân golf chứ không chỉ dừng lại ở những chỉ đạo ban đầu.”
“Nhưng nói thật là trong vụ này, tôi chỉ biết hy vọng chứ chưa biết kết cục ngã ngũ ra sao vì chưa tin tưởng hoàn toàn.”
“Trọng trách của Bộ Quốc phòng là bảo vệ tổ quốc, lãnh thổ, nhưng có thể do đường lối, chủ trương của Đảng những năm trước tạo điều kiện cho những người nhân dân quân đội thực hiện lợi ích nhóm.”
“Theo như tôi biết, trên thế giới không có nước nào cho quân đội làm kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam.”
“Nhưng Trung Quốc đã thấy nguy cơ và bỏ rồi, còn Việt Nam cách đây hai, ba năm có nghị quyết về việc này nhưng rồi tình trạng này vẫn tiếp tục.”
Nhà báo Kha Lương Ngãi là một trong những người tuyên bố công khai bỏ Đảng và tham gia các hoạt động chống Trung Quốc.
Cùng thời điểm, nhà báo Huy Đức lên tiếng trên mạng xã hội: “Sân golf xây trong Tân Sơn Nhất cho công luận một cơ hội lớn để lên tiếng.”
“Không chỉ là mở rộng Tân Sơn Nhất hay không mà vấn đề chính là cần buộc các cơ quan quyền lực phải tuân thủ quyền lực nhà nước.”
“Quân đội cần bao nhiêu đất để phục vụ cho mục đích quốc phòng thì dân sẵn sàng và nhà nước phải đáp ứng liền. Phần đất nào không còn phục vụ cho mục đích quốc phòng thì phải trả lại.”
“Nếu muốn sân golf không còn xây trong sân bay, cao ốc không còn mọc ra sau các bức tường quân sự, Chính phủ nên căn cứ Điều 65 của Luật Đất đai & Nghị định số 09/CP (Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 12-2-1996) để tuyên vô hiệu một số hợp đồng chuyển mục đích và chuyển nhượng đất trái thẩm quyền của một số đơn vị quân đội cũng như của các cơ quan quyền lực khác. Và, từ nay phải nghiêm cấm các đơn vị công an, quân đội, các cơ quan công quyền khác chuyển quyền sử dụng đất hay tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất (từ doanh trại, trận địa, trụ sở… sang đất phục vụ cho các nhu cầu dân sự).”
“Các đại biểu Quốc hội không chỉ lên tiếng mà nên ngồi lại soạn thảo một nghị quyết nhằm ngăn chặn tiến trình “dân sự hóa” một cách khuất tất đất quân đội và các loại đất chuyên dùng khác.”

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.