Tin Việt Nam – 12/06/2017
Bạch Hồng Quyền:
‘tạm an toàn và đang xem xét đến một nước khác lánh nạn’
Bạch Hồng Quyền, nhà vận động vì môi trường ở Hà Tĩnh đang bị chính quyền Việt Nam truy nã, nói hiện nay anh đang ở một nơi khá an toàn và đang cân nhắc giải pháp đi đến một nước khác để lánh nạn.
Tuần qua nhà vận động 28 tuổi nói với VOA – Việt Ngữ rằng hiện anh đang ở một nơi mà công an Việt Nam khó phát hiện:
“Hiện tại thì tôi tạm thời an toàn, vì ở đây phía công an Việt Nam khó có thể tìm thấy được.”
Bạch Hồng Quyền nói anh đang cân nhắc quyết định đi sang một nước khác, theo đề nghị của một số đại diện ngoại giao nước ngoài:
“Bây giờ có rất nhiều tổ chức và một số đại sứ quán các nước đã liên hệ với tôi, muốn giúp đỡ tôi để tôi có thể đi sang một nước khác, để không bị phía chính quyền Việt Nam bắt bớ. Tôi đang xem có quyết định đi sang một nước khác hay không. Với những lời đề nghị đó thì tôi đang suy nghĩ, để đưa ra quyết định để ở ngoài tiếp tục hoạt động, giúp cho người dân bằng một cách nào đó.”
Dù bị chính quyền Việt Nam truy nã và ra lệnh bắt, anh Bạch Hồng Quyền nói anh vẫn quyết tâm đến cùng để giúp người dân các tỉnh miền Trung, những nạn nhân vụ ô nhiểm môi trường biển do công ty Formosa gây ra vào tháng 4 năm ngoái.
Hôm 12/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố anh Bạch Hồng Quyền về “vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng và Bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại trụ sở UBND huyện Lộc Hà”. Đến ngày 18/4, Công an Hà Tĩnh lại khởi tố và hôm 19/4 phát lệnh “bắt bị can để tạm giam”. Ngày 12/5, Cơ quan điều tra Công an Hà Tĩnh ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Bạch Hồng Quyền.
Nói về lệnh bắt và truy nã, Bạch Hồng Quyền nói chính quyền muốn dập tắt tiếng nói phản kháng của người dân và làm tê liệt tinh thần của những người hoạt động vì môi trường như anh:
“Chính quyền Hà Tĩnh cố tình ra lệnh bắt và lệnh truy nã để dập tiếng nói mà lên tiếng cho những người ngư dân, những người dân bị thiệt hại do Formosa gây ra, cũng như làm cho tinh thần cho người đang muốn giúp đỡ người dân thêm sợ hãi để họ không giúp người dân tại 4 tỉnh miền Trung nữa.”
Từ khi bí mật rời nơi cư ngụ, Bạch Hồng Quyền biết chính quyền địa phương vẫn thường xuyên sách nhiễu gia đình, và vợ con anh:
“Đến ngày hôm nay, bên phía gia đình tôi và phía nhà vợ vẫn bị một số người an ninh thường phục theo dõi và canh nhà. Bên phía vợ, họ luôn luôn tìm cách đi theo. Có những hôm, khi vợ tôi đưa con đi học, những người an ninh chặn xe lại kiểm tra. Những người này không mặc sắc phục, họ chặn xe, tự xưng là công an thành phố Hà Nội. Họ mở cóp xe, kiểm tra túi sách. Sau khi kiểm tra, họ cũng không có biên bản về việc kiểm tra như thế.”
Blogger Lê Anh Hùng viết cho VOA: “Mặc dù đã xảy ra hơn một năm, nhưng đến nay vụ đại thảm hoạ môi trường ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục là sự kiện nóng bỏng trong dư luận người Việt, đặc biệt là trong bối cảnh những người bị thiệt hại chưa được đền bù thỏa đáng hoặc thậm chí là chưa được đền bù, còn thủ phạm Formosa Hà Tĩnh thì vừa được nhà chức trách cho phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và tập đoàn mẹ Formosa thì lên kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào dự án. Nghĩa là, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục là một đại hiểm hoạ quân sự – kinh tế – môi trường lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi.”
Blogger này viết tiếp: “Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Việt Nam một mặt muốn khởi tố anh Bạch Hồng Quyền để hăm dọa dân chúng trong vụ Lộc Hà, và ngăn ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai, mặt khác họ lại sợ phiên tòa xét xử anh Quyền sẽ biến thành “ngày hội non sông”, khích động dân chúng ở Hà Tĩnh và Nghệ An nổi lên.”
Tháng trước, chị Bùi Hương Giang, vợ của anh Quyền khẳng định với VOA rằng chồng chị vô tội:
“Đó là tội danh mà nhà cầm quyền Cộng sản ghép cho anh Quyền. Mình thì luôn luôn ủng hộ chồng và thấy việc làm của chồng là đúng. Nhà máy Formosa đã xả thải ra môi trường, làm ô nhiểm môi trường biển. Chồng mình chỉ đến làm truyền thông giúp bà con lan tỏa tiếng nói của mình.”
Thủ tướng chỉ đạo
dừng mọi công trình tại Sân Golf Tân Sơn Nhất
Thủ tướng Việt Nam cùng các phó thủ tướng vào chiều tối ngày 12 tháng 6 họp cùng các bộ ngành liên quan quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở thêm 1 đường băng nhằm tăng công suất khai thác Sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây là cuộc họp thứ hai của Thường trực Chính phủ Hà Nội về Sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau buổi họp mới nhất về Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Việt nam, ông Mai Tiến Dũng cho báo chí biết thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Giao thông- Vận tải chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, lên phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể mở thêm đường băng số 3 trên cơ sở hiệu quả, tiết kiệm và bảo đảm tiến độ nhanh nhất để giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc hiện nay.
Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời báo giới trong nước là cuộc họp không tính toán đường băng mới nằm ở phía bắc hay phía nam sân bay hiện hành. Cơ quan tư vấn sẽ tham mưu về chiều rộng, độ dài và địa điểm của đường băng thứ ba; thế nhưng việc đầu tư đường băng thứ ba Tân Sơn Nhất là ưu tiên số một.
Ngay trong tháng 6 này phải có khảo sát, đánh giá báo cáo cho thủ tướng.
Người đứng đầu chính phủ Hà Nội cũng giao cho Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf tại Tân Sơn Nhất gồm trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê…
Sức ép tăng đòi quân đội trả đất cho sân bay Tân Sơn Nhất
Sức ép tăng cao những ngày này trong dư luận và báo chí Việt Nam, đòi quân đội trả lại đất để thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Báo chí trong nước tường thuật tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải, nhưng chưa thể mở rộng vì vướng “đất quốc phòng”, đây là đề tài nóng trong các cuộc thảo luận tại kỳ họp quốc hội đang diễn ra, cũng như trong công chúng.
Khu vực đất gây nhiều tranh cãi rộng 157 hecta được gọi là “đất dự phòng của quốc phòng”, do quân đội quản lý trên danh nghĩa “để bảo vệ tp.HCM và sân bay Tân Sơn Nhất”. Trước đây là vùng đất trống, từ năm 2015 một phần lớn khu đất đã trở thành một sân golf thuộc quyền sở hữu của Bộ Quốc phòng và một số công ty thương mại.
Dự án liên doanh này đã bị phản đối quyết liệt cách đây 6 năm khi nó bắt đầu hình thành. Ở thời điểm đó, trung tá Lê Trọng Sành, cựu Trưởng phòng Quản lý bay, sân bay Tân Sơn Nhất, đã phân tích rất kỹ trên báo Thanh Niên về những hệ lụy của dự án sân golf đối với vấn đề an toàn bay. Nhưng sau đó dự án này vẫn được tiến hành.
Giờ đây các dự án này lại bị chỉ trích mạnh mẽ hơn giữa lúc tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng thêm nghiêm trọng.
Theo quy hoạch được Bộ Giao thông-Vận tải quyết định hồi tháng 9/2015, sân bay quốc tế của thành phố lớn nhất Việt Nam có công suất phục vụ 25 triệu khách/năm. Tuy nhiên, trên thực tế ngay năm đó lượng khách đi, đến qua sân bay đã đạt 26,5 triệu. Trong năm tiếp theo, 2016, lượng khách tăng mạnh 22,6%, đạt 32,5 triệu.
Sự gia tăng này gây ra tình trạng quá tải mọi mặt liên quan đến sân bay, từ việc các sảnh đợi đông nghịt người xếp hàng làm thủ tục, đến máy bay xếp hàng dài chờ cất cánh, hay phải bay vòng tròn trên trời đợi hạ cánh, cho đến tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường quanh sân bay.
Bức xúc dường như lên đến mức cao nhất từ trước đến nay khi vấn đề sân golf của quân đội cản trở việc mở rộng sân bay được đem ra mổ xẻ tại kỳ họp quốc hội.
Theo tường thuật của báo Người Lao Động, sáng 12/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Do yêu cầu của cuộc sống, do nhu cầu cấp thiết, thấy cần cho quốc gia, cái gì lợi nhất, cái gì tốt nhất thì cũng phải làm kể cả việc bỏ sân golf Tân Sơn Nhất”.
Trong công chúng, nhiều người lên tiếng trên mạng xã hội cho rằng sân golf là một hình ảnh phản cảm. Cùng lúc, có những người khác coi nó như một khối u gây nhức nhối cho hàng triệu người, cần phải cắt bỏ.
Trên báo chí chính thống, nhiều chuyên gia nhấn mạnh “cần xử lý ngay” sân golf trong lòng sân bay.
Phát biểu với báo Thanh Niên, PGS TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Kỹ thuật Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tp.HCM, nhận xét “đất sân bay là phải làm nhiệm vụ phục vụ sân bay; an ninh quốc phòng cũng phải cho sân bay”. Ông bình luận thêm rằng việc các bên liên quan không trả lại đất “thể hiện ý thức kém của các cán bộ thực thi thể chế, tầm nhìn hạn hẹp, đặt quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của dân, của nước”.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học, kỹ thuật tp.HCM, nói trong một bản tin của VOV rằng “vấn đề rất bức xúc” nên phía nhà nước và quốc hội cần phải đưa ra “chủ trương giải phóng nhanh khu vực sân golf”.
Nhận định về trình tự thu hồi đất sẽ dễ dàng hay khó khăn, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội viện dẫn Điều 50 khoản 2 của Nghị định 43 về thực hiện Luật đất đai để phân tích với VOA.
Ông Hải cho biết điều luật quy định rằng nếu một đơn vị không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích quốc phòng, chính quyền cấp tỉnh có thẩm quyền thông báo và yêu cầu đơn vị đó sử dụng đúng mục đích quốc phòng, nếu không, chính quyền có quyền thu hồi đất và giao cho người khác.
Nhưng trên thực tế, có thể chính quyền tp.HCM sẽ cần “đèn xanh” từ lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước. Ông Hải nói thêm:
“Trong vụ này, UBND tp.HCM sẽ là người quyết định. Tuy nhiên, đất này liên quan đến không quân, Bộ Quốc phòng, cho nên UBND tp.HCM và cả thành ủy nữa chắc họ sẽ thận trọng hơn. Họ có thể gửi các thư thông báo đấy đến Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, còn gửi đến Bí thư Quân ủy Trung ương là ông tổng bí thư và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh là ông chủ tịch nước để báo cáo việc này. Nếu làm đúng thủ tục rồi, sau một năm mà những người đứng đầu Quân ủy Trung ương và Hội đồng Quốc phòng An ninh không có ý kiến gì, đương nhiên ông [chính quyền thành phố] thực hiện quyền của mình là thu hồi, sau một năm từ ngày thông báo”.
Trong một bài báo của Dân Trí, PGS TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa tp.HCM, khẳng định việc thu hồi sân golf để mở rộng sân bay là “khả thi”. Ông Tống nhấn mạnh “khả năng thu hồi đất sân golf để phát triển sân bay Tân Sơn Nhất là nằm trong quyền lực của Chính phủ”.
Nhà khoa học này cho rằng việc này giúp sân bay Tân Sơn Nhất giải được 3 bài toán là kẹt xe ở cổng ra vào sân bay, ngập nước trong sân bay, và quá tải ở cả bên dưới lẫn bầu trời vì thiếu đường băng.
Báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nói chiều 12/6 cho hay vào chiều tối cùng ngày, chính phủ họp để bàn vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại phiên họp, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giải trình với chính phủ về tính khả thi của việc xây đường băng và nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trên khu đất hiện là sân golf theo đề nghị của các chuyên gia.
Các phản ứng trên mạng xã hội cho thây công chúng Việt Nam kỳ vọng chính phủ sẽ ra quyết định thu hồi sân golf, thay vì đẩy nó lên tầm cao nhất trong hệ thống chính trị của đất nước là Tổng bí thư Đảng, Bí thư Quân ủy Trung Ương Nguyễn Phú Trọng.
Hội Đồng Giám Mục
nhận định về Luật Tín ngưỡng,Tôn giáo 2016
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Hôm thứ Năm 1 tháng Sáu 2017, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi đến Quốc hội bài nhận định qua đó bày tỏ quan điểm của Hội Đồng Giám Mục về Luật Tín Ngưỡng,Tôn Giáo 2016 đã được thông qua và sẽ có hiệu lực năm từ 2018.
Dẫn dắt tôn giáo theo chỉ đạo của đảng?
Bài đã gợi sự chú ý khi đặt vấn đề luật làm ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi hay muốn dẫn dắt tôn giáo theo chỉ đạo của đảng và nhà nước.
Văn bản nhận định với chữ ký chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, và tổng thư ký giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, nói lên mối quan tâm của các vị chủ chăn trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đối với Bộ Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo do chính phủ Hà Nội thông qua, trong đó có 6 điểm chính.
Bài nhận định cho thấy Bộ Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo sắp áp dụng chỉ là một cái tròng khoác lên vổ tất cả mọi tôn giáo và mọi tín đồ ở Việt Nam.
-LM Phan Văn Lợi
Ngay phần mở đầu, Hội Đồng Giám Mục nêu lên một số điểm mới và tích cực trong Bộ Luật như quan tâm đến nhu cầu tôn giáo của những người bị tam giam hoặc ở trường giáo dưỡng (Điều 6), quan tâm đến tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam (Điều 8, Điều 47, Điều 49. Mặt khác, Bộ Luật cũng nhìn nhận các tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền c6ng nhận (Điều 30).
Trong điểm 2, Hội Đồng Giám Mục nhận định Bộ Luật có nhiều điều gây quan ngại, cụ thể những qui định mơ hồ và khá tổng quát đối với các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động trong lãnh vực giáo dục và y tế mà phải theo hệ thống giáo dục quốc dân.
Từ điểm thứ 3 đến điểm thứ 6, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần lượt phân tích, đặt lại vấn đề pháp lý của cơ chế xin cho mà Bộ Luật vẫn áp đặt lên các tôn giáo. Khái niệm hay qui định tôn giáo phải đồng hành cùng dân tộc cũng được lý giải một cách thẳng thắn là đồng hành với dân tộc hay đồng hành với một nhà nước hay một chế độ tự đánh đồng mình với dân tộc.
Nhìn chung bài nhận định về Bộ Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016 không chỉ phản ảnh quan điểm riêng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nhưng là cái nhìn chung của các tôn giáo khác ở Việt Nam, là phát biểu của linh mục Phan Văn Lợi, thành viên Hội Đồng Liên Tôn, một tổ chức xã hội dân sự trong nước:
“Bài nhận định cho thấy Bộ Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo sắp áp dụng chỉ là một cái tròng khoác lên vổ tất cả mọi tôn giáo và mọi tín đồ ở Việt Nam. Luật này không tạo cơ hội cho tôn giáo phát triển mà chỉ là phương cách khống chế từ đó làm mất đi bản sắc và vai trò của tôn giáo trong xã hội cũng như hoạt động của các tôn giáo.”
Linh mục Phan Văn Lợi nói ông hiểu được sự quan ngại của Hội Đồng Giám Mục trước ý muốn duy trì, thậm chí củng cố cơ chế “xin – cho” tiềm ẩn trong những câu chữ của Bộ Luật:
“Tuy rằng đã thay những từ “xin phép” và “cho phép” bằng những từ “đăng ký, thông báo và đề nghị” trông có vẻ cởi mở hơn, thoáng hơn nhưng thật sự đó vẫn là bắt buộc các tôn giáo phải xin còn nhà nước cho hay không, chấp nhận hay không chấp nhận là tùy họ. Rốt cược vẫn là một cơ chế ràng buộc.”
“Tuy rằng đã thay những từ “xin phép” và “cho phép” bằng những từ “đăng ký, thông báo và đề nghị” trông có vẻ cởi mở hơn, thoáng hơn nhưng thật sự đó vẫn là bắt buộc các tôn giáo phải xin còn nhà nước cho hay không, chấp nhận hay không chấp nhận là tùy họ. Rốt cược vẫn là một cơ chế ràng buộc.”
Gây chia rẽ tôn giáo?
Cơ chế ràng buộc xin – cho, rồi thì đồng hành với dân tộc kèm cụm từ “theo đúng qui định pháp luật” lập đi lập lại, là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ tôn giáo, là nhận xét của linh mục Đinh Hữu Thoại Dòng Chúa Cứu Thế:
“Ngay trong nội bộ của Phật Giáo đã bị chia rẽ làm hai khối. Khối Phật Giáo quốc doanh do nhà nước quản lý, và khối Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không chấp nhận sự chi phối của nhà nước. Hội Đồng Giám Mục đã nói rõ chính quan niệm sai lêch về tôn giáo mà họ đưa ra những điều luật hạn chế sự phát triển của tôn giáo. Họ không nghĩ tôn giáo đóng góp vào sự phát triển của quốc gia rất lớn. Thay đổi cái nhìn sai lệch về tôn giáo thì sẽ thay đổi tất cả. Hội Đồng Giám Mục đã nói rõ nội hàm của câu mà nhà nước hay lạm dụng, câu này phát xuất từ cái thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có tiêu đề là “Đồng Hành Với Dân Tôc”, nhà cầm quyền lợi dụng câu này và giải thích theo kiểu của họ, nói đồng hành với dân tộc là phải đồng hành với đảng cộng sản, phải đồng hành với chế độ. Các Đức Giám Mục đã giải thích rõ cái nội hàm Đồng Hành Với Dân Tộc là đồng hành với những con người cụ thể, đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó mới là cái nội hàm thực sự của cụm từ đồng hành với dân tộc.”
Các Đức Giám Mục đã giải thích rõ cái nội hàm Đồng Hành Với Dân Tộc là đồng hành với những con người cụ thể, đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó mới là cái nội hàm thực sự của cụm từ đồng hành với dân tộc.
-LM Đinh Hữu Thoại
Bạn Trâm, một giáo dân trẻ tuổi ở Sài Gòn, nói rằng Bộ Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016 tạo không khí ngột ngạt đến nỗi Hội Đồng Giám Mục có trách nhiệm phải lên tiếng:
“Em thấy phản hồi của Hội Đồng Giám Mục rất hay. Khi Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh đưa ra thư này là một tiếng nói rất mạnh mẽ đến quốc hội. Một cái nữa em thấy là Hội Đồng Giám Mục đáp trả phản biện lại tất cả những gì nhà nước nói nhưng lại tất cả những gì nhà nước nói nhưng lại không làm đúng tất cả những gì họ nói.”
Theo blogger Nguyễn Hữu Vinh, không phải đây là lần đầu tiên Hội Đồng Giám Mục đưa ra nhận định về chính sách tôn giáo của nhà nước mà một lần nữa gây bão trên mạng như vậy:
“Có lẽ chỉ có bên Công Giáo và Hội Đồng Giám Mục có những bản lên tiếng vào đúng thời khắc hết sức quan trọng. Chẳng hạn như bản nhận dịnh về những vấn đề cần quan tâm năm 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khi sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ đang nóng bỏng. Bản nhận định đó hết sức sâu sắc và có giá trị mãi đến ngày hôm nay. Về cơ chế xin cho thì trước đây, thời Hồng Y PhạmMinh Mẫn cũng đưa ra một bản nhận định gởi cho nhà nước. Thứ ba là nhận định của Hội Đồng Giám Mục về bảnh góp ý sửa đổi Hiến Pháp năm 2013 cũng đã là cơn địa chấn truyền thông ở Việt Nam. Bây giờ đến bản nhận định này theo tôi thì Hội Đồng Giám Mục đã nói được rất nhiều điều, trong đó chuyện nhà nước hay kêu gọi hay hô hào là đồng hành với dân tộc mà thực tế ra đồng hành với dân tộc là yêu cầu của nhà nước chứ không phải là yêu cầu Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.”
Theo các blogger khác, những văn thư hay nhận định của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam luôn có sự cân nhắc thận trọng nhưng sâu sắc, tác động đáng kể đến suy nghĩ tư duy của giáo dân Công giáo nói riêng và những người quan tâm đến tình hình đất nước nói chung.
Hãng Tre Việt thuê máy bay, sắp cất cánh
Công ty Hàng không Tre Việt, mới được tập đoàn FLC của Việt Nam thành lập, cho biết đang làm việc với hãng của châu Âu là Airbus để thuê 7 máy bay.
Thông tin này được Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết, nói với Reuters hôm 10/6 ở Singapore, trong chuyến đi quảng bá công ty.
Cuối tháng trước, hội đồng quản trị của FLC đã quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, với vốn điều lệ là 700 tỷ đồng.
Ông Quyết cho biết rằng Bamboo Airways, hãng hàng không mới của Việt Nam này, sẽ có đội bay “khoảng 7 chiếc” vào năm 2018, và chuyến bay đầu tiên có thể cất cánh vào đầu năm sau.
Hiện chưa rõ ngay là Bamboo Airways thuê những loại máy bay nào. Chủ tịch FLC được trích lời nói rằng Hãng Tre Việt “sẽ phục vụ các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi ở 9 tỉnh thành tại Việt Nam”.
Ông nói thêm rằng “chúng tôi sẽ nối chuyến quốc tế và đưa các hành khách tới các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi”.
Theo thông tin đăng trên trang web của FLC, tập đoàn này có “ba mảng hoạt động mũi nhọn là đầu tư tài chính, bất động sản, và khai khoáng”, đồng thời “vẫn mở ra các lĩnh vực kinh doanh mới”.
Tin cho hay, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không chính, đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air và VASCO.
Các nhà quan sát ở trong nước nói với VOA Việt Ngữ rằng thị trường hàng không ở trong nước đang trở nên sôi động, nhất là sau khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air, trở thành nữ tỷ phú tiền đôla đầu tiên của Việt Nam.
Tạp chí Forbes ước tính bà có tài sản trị giá gần 1,6 tỷ đôla, đứng sau ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup, người hiện nắm khoảng 2,3 tỷ đôla.
Bà Thảo mới đây đã tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm cấp cao tới Mỹ.
Trong chuyến công du này, VietJet Air đã đạt thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla với các đối tác Mỹ, trong đó có việc ký hợp đồng mua động cơ và nhận dịch vụ bảo dưỡng động cơ máy bay của General Electrics, theo Reuters.
Nhật mời Việt Nam dự hội chợ vũ khí
Chính quyền Tokyo đã mời một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham dự hội chợ vũ khí duy nhất của Nhật Bản, trong nỗ lực củng cố ảnh hưởng của chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe ở Đông Nam Á.
Reuters đưa tin rằng ngoài việt Nam, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mời đại diện quân sự của các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tới tham dự hội chợ về công nghệ và hệ thống phòng không hàng hải kéo dài ba ngày gần thủ đô Tokyo.
Hãng tin của Anh dẫn lời hai nguồn tin nói rằng Việt Nam cũng được mời tham dự một cuộc hội thảo riêng về công nghệ quân sự. Phía Hà Nội chưa xác nhận có cử người tới Nhật hay không.
Tin cho hay, ít nhất 16 công ty Nhật sẽ trưng bày sản phẩm tại hội chợ. Ngoài ra, các tập đoàn vũ khí nước ngoài cũng tham dự trong đó có cả công ty sản xuất máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ là Lockheed Martin.
Reuters cho rằng chính quyền của ông Abe đang muốn bán vũ khí cũng như hợp tác về công nghệ quân sự với các nước Đông Nam Á trong khi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở vùng này.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới công du Nhật Bản, sau chuyến thăm Mỹ mà Hà Nội và Washington kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hóa giải tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Tại Tokyo, ông Phúc “khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau” đồng thời đôi bên cam kết “hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế; an ninh, an toàn hàng hải như cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển thông qua trao đổi thông tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển”, theo trang web của chính phủ Việt Nam.
Theo Reuters, Nhật cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực của lực lượng tuần duyên cũng như chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng.
Blogger Mẹ Nấm mời luật sư bào chữa
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người hiện đang bị giam giữ tại trại giam tỉnh Khánh Hòa với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 bộ Luật Hình sự Việt Nam, gửi thư mời một số luật sư bào chữa cho cô. Hai luật sư trong số đó là luật sư Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn thuộc đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.
Nói với đài RFA vào tối ngày 12/6, luật sư Nguyễn Khả Thành, từ Phú Yên cho biết:
“Tôi nhận được đơn yêu cầu của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ trại tạm giam công an thành phố (Nha Trang). Họ gửi bưu điện cho tôi, có đóng dấu bưu điện đoàng hoàng. Thấy trong giấy đề ngày 2/6, thì đến ngày 6/6 tôi nhận được.
Cách đây hai ngày tôi đã làm thủ tục gửi vào tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa để chờ họ cấp giấy bào chữa. Đến nay vẫn chưa có phản hồi gì vì mới có hai ngày.”
Luật sư Võ An Đôn cho RFA biết ông cũng nhận được giấy mời bào chữa cho blogger Mẹ Nấm vào sáng ngày 11/6. Hiện ông cũng đang làm thủ tục xin cấp giấy bào chữa. Luật sư Võ An Đôn cho biết thêm:
“Ngoài tôi ra, còn 3, 4 luật sư khác cũng tham gia như luật sư Nguyễn Khả Thành, luật sư Lê Văn Luân và luật sư Nguyễn Hà Luân.”
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền và môi trường của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những thành viên sáng lập ra Mạng lưới Blogger Việt Nam. Cô bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt hôm 10/10 năm ngoái.
Trước đó cô từng bị bắt 10 ngày để thẩm vấn vào tháng 9 năm 2009 khi đưa ra những áo thun có in dòng chữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; cũng như phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hủy hoại môi trường.
Cô từng bị lực lượng công an và an ninh bắt giữ và làm việc nhiều lần, như vào tháng 5 năm 2013 sau khi phát Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền và bóng bay ghi dòng chữ ‘Quyền của con người phải được tôn trọng’. Nhóm của cô cũng bị tạm giữ vào tháng tư năm 2014 trước khi có thể thực hiện cuộc thảo luận với chủ đề ‘Công ước Chống Tra tấn và vấn nạn công dân chết trong đồn công an’.
Trong năm 2015, 2016 blooger Mẹ Nấm tham gia một số cuộc biểu tình và cũng bị bắt, bị đánh như trong các cuộc biểu tình đòi tự do cho các tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Già và phản đối Formosa gây thảm họa môi trường cá chết…
Cô cũng từng bị ngăn chặn không cho rời khỏi Nha Trang trong một số dịp. Cô bị ngăn không cho xuất cảnh vào giữa tháng 12 năm 2013.
Việt Nam ‘làm tượng đài hoành tráng quá’
Xây công trình tượng đài ‘cần căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị và tùy theo yêu cầu văn hóa lịch sử’, theo ông Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam.
Công trình tượng đài N’Trang Lơng, Đắk Nông, với mức đầu tư 147 tỉ đồng đang bị đình trệ khiến khơi lại dư luận xã hội về hiện tượng xây tượng đài hàng loạt ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam trong những năm qua.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng gây điều tiếng vì có ngân sách tới 411 tỷ đồng dù đoạt huy chương vàng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.
Đây là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên diện tích 15 ha ở xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ, có chiều cao 18,5m làm từ đá hoa cương Bình Định.
Dư luận cũng đã nêu ý kiến về một loạt các dự án tượng đài với kinh phí quá lớn khác như công trình tượng đài Hồ Chủ tịch tại tỉnh Sơn La với vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Chưa kể dư luận đã nhiều lần lên tiếngvề hàng loạt tượng đài trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng xuống cấp mau chóng sau khi khánh thành: tượng Lý Thái Tổ (Hà Nội), nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Trần Hưng Đạo (Nam Định)… đặc biệt, nhiều công trình xây dựng xong mau chóng bị nứt trên thân hoặc sụt lún chân đế hay bị sét đánh.
Trả lời BBC Tiếng Việt về các công trình xây dựng tượng đài như vậy, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam nói:
“Tượng đài là công trình văn hóa kỷ niệm và quốc gia nào cũng cần phải có vì nó là một phần của lịch sử. Nhưng vấn đề là phải làm thế nào để có sự nhìn nhận cho đúng.
“Hiện nay chúng ta có xu hướng làm tượng đài quy mô quá và thiếu sự chuẩn bị thật kỹ càng nên sinh ra vấn đề dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến.
Để giải quyết vấn đề này, Kiến trúc sư Luyện cho biết làm tượng đài phải tùy từng vị trí nó ở đâu.
“Vị trí quy hoạch chỉ có một không gian nhất định thì chỉ cho phép làm lớn bao nhiêu đó thôi chứ không phải muốn làm lớn tới bao nhiêu thì làm. Nếu chúng ta làm một cách có bài bản thì phải như vậy, chứ không phải chủ quan người nào quyết định muốn như thế thì là được,” kiến trúc sư nói.
Đây cũng là một ý được kiến trúc sư khác, ông Phạm Thanh Tùng, nêu ra trong bài Tượng đài cho ai? gửi tới báo Tuổi trẻ mới đây. Ông cho rằng “nhiều vị trí đặt tượng đài không phù hợp với cảnh quan kiến trúc đô thị bởi sự thiếu kết hợp trong lập quy hoạch xây dựng với chủ trương xây dựng tượng đài.”
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, hai yếu tố gồm khuôn khổ, kích thước tượng đài và ý nghĩa lịch sử của tượng đài sẽ quyết định quy mô của công trình sẽ hoành tráng đến đâu.
Luật sư Nguyễn Trực Luyện nói thêm: “Ngoài vấn đề quy hoạch và có xu hướng làm tượng đài hoành tráng quá, không nên, thì còn tình trạng làm tượng đài không theo bài bản chuyên môn chặt chẽ.
“Muốn có bài bản thì cần có nghiên cứu chuẩn bị, có hội đồng xét duyệt. Thành viên tham gia Hội đồng xét duyệt tượng thì tùy tính chất của từng tượng đài nhưng không thể thiếu kiến trúc sư, nhà quy hoạch, lịch sử, văn hóa, những thành viên tham gia hội đồng xét duyệt tượng đài.
Tượng đài là công trình văn hóa kỷ niệm và quốc gia nào cũng cần phải có vì nó là một phần của lịch sử. Nhưng vấn đề là phải làm thế nào để có sự nhìn nhận cho đúng.Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện
Ông kết luận rằng trong tương lai cần phải căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị và tùy theo yêu cầu văn hóa lịch sử mới có thể làm có kết quả tốt được.
Tượng đài hay tượng thờ?
Một điểm đáng chú ý được Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu trên báo Tuổi trẻ đó là:
“Việt Nam vốn không có truyền thống làm tượng đài mà chỉ có tượng thờ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài bắt đầu du nhập vào Việt Nam theo xu hướng tượng đài của Liên Xô và Trung Quốc để phục vụ công tác tuyên truyền, vinh danh chiến thắng.”
Và kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng Việt Nam còn nghèo nên việc xây dựng tượng đài cần được cấp quản lý xem xét kỹ lưỡng. Ông nói
“Hiện đang có xu hướng xã hội hóa trong xây dựng tượng đài. Song, dù tiền nhà nước hay tiền có được từ việc xã hội hóa thì cũng là tiền của dân. Xây dựng tượng đài tràn lan không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn làm nghèo thêm văn hóa,” kiến trúc sư Tùng được trích lời cho biết.
0 nhận xét