Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 10/06/2017

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017 21:53 // , ,

Tin Việt Nam – 10/06/2017

Indonesia phóng thích hàng trăm ngư dân Việt

Tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hôm 9/6 đã có mặt ở Indonesia để đón về nước 695 ngư dân bị bắt và kết án nhiều năm qua vì đánh bắt cá trái phép trong lãnh hải nước này.
Theo Jakarta Post, đây là đợt trao trả ngư dân nước ngoài lớn nhất mà Indonesia từng thực hiện, theo một thỏa thuận đã ký trước đó với Việt Nam.
Tờ này đưa tin rằng chính phủ Indonesia bác bỏ thông tin cho rằng việc hồi hương quy mô lớn này là một phần của cuộc trao đổi với Việt Nam, theo đó Hà Nội sẽ thả các thuyền viên của một tàu tuần tra hàng hải của Indonesia mà tờ báo nói đã bị Việt Nam “bắt cóc” sau cuộc đụng độ với một tàu tuần duyên Việt Nam hôm 21/5.
Jakarta Post dẫn lời một quan chức cho biết rằng việc trao trả này là “sáng kiến” của Indonesia vì “chi phí ăn ở cho những người bị bắt quá lớn”.
Tin cho hay, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn đã tới tham dự buổi lễ trả người.
Theo báo Dân Trí, trước đó, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Jakarta đã “đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt, trao trả tài sản và sớm thả họ vì lý do nhân đạo, đồng thời phối hợp và đề nghị cơ quan chức năng trong nước sớm hoàn tất các thủ tục để đưa ngư dân về nước”.
Hai, ba năm trở lại đây, Indonesia đã đánh chìm nhiều tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu của Việt Nam, với tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng tài nguyên biển của nước này.
Không chỉ Indonesia, mà ngày càng có nhiều nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia hay thậm chí Australia, bắt giữ các ngư dân Việt đánh bắt trái phép.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng

nhận quyết định tước quốc tịch Việt Nam

Cuối cùng, quyết định tước quốc tịch của Cựu tù nhân lương tâm, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã được gửi đến cho ông vào chiều Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2917, từ Bộ Tư pháp Việt Nam.
Từ Sài Gòn, giáo sư Phạm Minh Hoàng cho chúng tôi biết quyết định được gửi đến gia đình ông qua đường bưu điện, gồm hai văn bản đều của Bộ Tư pháp.  Trong đó, một là văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, ký ngày 9 tháng 6, 2017 và một là bản sao quyết định của Chủ tịch nước ký ngày 17 tháng 5, 2017  nhưng do Bộ Tư pháp sao y lại và ký ngày 22 tháng 5, 2017.
Theo lời Giáo sư Hoàng cho biết, ông sẽ kháng kiện lại quyết định trên.
“Tôi đã nói ngay từ đầu và qua phân tích của luật sư, chuyện này là không thể, đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Song song đó tôi cũng đã gửi một lá thư bảo đảm  cho toà đại sứ Pháp, theo thủ tục của Pháp là xin tước quốc tịch Pháp. Nhưng nó sẽ có nhiều chuyện để làm chứ không phải như Việt Nam, ký một cái là xong được.”
Giáo sư Hoàng nhấn mạnh thêm một lần nữa ông đã có ý muốn và đã thực hiện quyết định từ bỏ quốc tịch Pháp trước khi nhận được văn bản tước quốc tịch Việt Nam của ông từ Bộ Tư pháp Việt Nam.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đại diện pháp lý cho giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết việc uỷ quyền cho luật sư sẽ có hiệu lực kể từ chiều ngày 10 tháng 6, 2017.
Giáo sư Hoàng cũng chính thức đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông sự việc này:
“Tôi cũng đã ủy quyền cho luật sư Đặng Đình Mạnh để tiếp tục việc khiều nại.
Tôi cũng sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng để thực hiện ước vọng của tôi là được sống trên quê hương của chính mình.”

Việt Nam có thể giúp Mỹ

kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Hàn

Vụ phóng tên lửa mới nhất được chụp lại qua kênh truyền hình của Bắc Triều Tiên được thấy ở một bến tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tái khằng định với Tổng thống Donald Trump về sự ủng hộ của Việt Nam trong việc phi quân sự hóa bán đảo Triều Tiên.
Hà Nội có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giúp Mỹ kìm cương Bắc Hàn và xoa dịu chính sách hạt nhân và tên lửa của nước này.
Các chuyên gia nhận định với VOA Tiếng Việt rằng mặc dù có một mối quan hệ song phương tốt đẹp với Bắc Hàn và không muốn làm phật lòng Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn có thể đóng vai trò gián tiếp giúp Mỹ và Bắc Triều Tiên giải quyết những bất đồng đang tăng cao.
“Tổng thống Trump muốn Việt Nam sử dụng những mối quan hệ với Bắc Triều Tiên để gây áp lực về mặt ngoại giao và chính trị, ép nước này ngừng thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo.”
Carl Thayer, Đại học New South Wales
Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ mới kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm nay. Theo phân tích của giáo sư Carl Thayer của trường Đại học New South Wales, ông Trump đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giải quyết vấn đề này. Trước khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tuần trước, Tổng thống Trump đã gọi điện cho tổng thống Philippines và thủ tướng Thái Lan để tìm sự ủng hộ cho vấn đề Bắc Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, tổng thống Mỹ muốn Việt Nam giúp để gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Trong thông cáo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Việt hôm 31/5, 2 nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á của viện nghiên cứu ISEAS nhận định với VOA Tiếng Việt rằng “Việc ông Trump đề cập vấn đề Bắc Triều Tiên trong cuộc gặp với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với chính sách phi hạt nhân hóa của chính quyền Trump đối với bán đảo Triều Tiên.”
Theo giáo sư Thayer, “Tổng thống Trump muốn Việt Nam sử dụng những mối quan hệ với Bắc Triều Tiên để gây áp lực về mặt ngoại giao và chính trị, ép nước này ngừng thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo.”
“Việt Nam coi Bắc Triều Tiên là một nước bạn truyền thống…. nhưng về lâu dài Việt Nam sẽ theo hướng thực dụng hơn tức là nghiêng nhiều hơn về phía các đối tác quan trọng của mình, cụ thể ở đây là Mỹ và Hàn Quốc.”
Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu ISEAS
Theo giáo sư của Đại học New South Wales, ông Trump cũng muốn Việt Nam “sử dụng ảnh hưởng của mình trong khối ASEAN để tạo ra một mặt trận ngoại giao đoàn kết chống lại Bắc Triều Tiên.”
Tháng 4 năm nay vào lúc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines, Bình Nhưỡng gửi thư cho Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, yêu cầu ASEAN hỗ trợ để chống trả lại hành động của Mỹ cô lập hóa miền Bắc. Tuy nhiên vào tháng 5, các ngọai trưởng ASEAN ra thông báo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.”
“Mỹ muốn thấy ASEAN hành động quyết liệt hơn để thực thi các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc,” theo giáo sư Thayer.
Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc và do đó ủng hộ các chế tài của cộng động quốc tế đối với Bắc Hàn.
Tuy nhiên, cũng theo phân tích của Giáo sư Thayer, bất cứ hành động nào của Việt Nam cũng có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ song phương và ảnh hưởng đến chính sách của Hà nội là làm “bạn tốt và đối tác tin cậy” của tất cả các quốc gia. Giáo sư Thayer cảnh báo Việt Nam phải cẩn thận để không làm phật lòng Trung Quốc.
Nhà phân tích chính trị của viện ISEAS, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, cho rằng đây là một tình huống tế nhị đối với Việt Nam vì “Việt Nam vẫn coi Bắc Triều Tiên là một nước bạn truyền thống và muốn duy trì quan hệ tốt bất chấp những vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.”
“Nhưng mặt khác Việt Nam cũng muốn duy trì quan hệ tốt với Mỹ và Hàn Quốc. Vì vậy Việt Nam sẽ giữ nguyên tắc ủng hộ quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải quyết xung đột và mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình.” Tuy nhiên, nhà phân tích của viện ISEAS nói, “tôi nghĩ về lâu dài Việt Nam sẽ theo hướng thực dụng hơn tức là nghiêng nhiều hơn về phía các đối tác quan trọng của mình, cụ thể ở đây là Mỹ và Hàn Quốc.”
“Bắc Hàn thân với Trung Quốc, phục vụ Trung Quốc nhưng lại nghi ngờ Trung Quốc. Bắc Hàn lại không nghi ngờ Việt Nam… Việt Nam có thể có một ảnh hưởng nào đó đối với chính sách của Bắc Hàn, làm cho nó xoa dịu đi.”
Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason
Nhà nghiên cứu này nhận định Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian hòa giải hoặc tạo thuận lợi cho việc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng. Đã có những đồn đoán rằng ASEAN, mà Việt Nam đang là chủ tịch luân phiên, sẽ đóng vai trò một bên thứ 3 để tạo điều kiện cho một cuộc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.
Giáo sư Thayer thuộc đại học New South Wales dự đoán Hà Nội có thể tìm cách tổ chức các cuộc hội đàm kín giữa Bình nhưỡng và Washington, tương tự như những cuộc hội đàm để hòa giải giữa Bắc Triều Tiên và Nhật trong thập niên qua.
Nhận định về vai trò trung gian mà Việt Nam có thể đóng, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Washington nói Việt Nam sẽ có thể giúp Mỹ kìm cương Bắc Hàn bằng mối quan hệ thân tình với quốc gia cộng sản này.
“Bắc Hàn thân với Trung Quốc, phục vụ Trung Quốc nhưng lại nghi ngờ Trung Quốc. Bắc Hàn lại không nghi ngờ Việt Nam.” Giáo sư Hùng nói nếu Bắc Hàn mở cửa kinh tế thì họ hy vọng Bắc Hàn sẽ học tập chính sách cải tổ kinh tế của Việt Nam. “Và do đó Việt Nam có thể có một ảnh hưởng nào đó đối với chính sách của Bắc Hàn, làm cho nó xoa dịu đi.”
Bất chấp những chế tài liên tiếp của Liên Hiệp Quốc, Bắc Hàn đầu tuần này lại tiếp tục phóng tên lửa – đây là lần thứ 4 trong tháng. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un của quốc gia cộng sản trên bán đảo Triều Tiên tháng trước loan báo Bắc Triều Tiên đã chế tạo được tên lửa có khả năng phóng tới lục địa Mỹ.

Mobifone, phần nổi của tảng băng trôi

Hôm 7 tháng 6, Bộ Công Thương Việt Nam thông báo chính thức việc thuyên chuyển Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, ông Lê Nam Trà về công tác tại văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông từ ngày 6 tháng 6. Thông báo này đưa ra trong khi kết quả thanh tra công ty này chưa được công bố dù đã quá hạn cho phép. Điều này làm dấy lên những câu hỏi về sự minh bạch trong thanh tra và điều hành doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam?
Không minh bạch
Đã quá thời hạn qui định 50 ngày, cho đến nay, Mobifone, theo cách gọi của các báo “lề trái”, một trong ba đại án tham nhũng lớn của Việt Nam là Mobifone, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) và Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn chưa được công khai kết quả thanh tra ra trước dư luận. Thay vào đó, là quyết định thuyên chuyển ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone về Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng bộ này, ông Trương Minh Tuấn nêu lý do của việc thuyên chuyển là do yêu cầu công tác. Báo VNexpress trong nước ghi rõ thêm là “có xét đến yếu tố hoàn cảnh cá nhân, gia đình của cán bộ.”
Ngoài quyết định này thì không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến kết quả thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, mặc dù quyết định thanh tra đã được công bố  từ tháng 9 năm 2016. Theo quy định trong vòng 50 ngày, nghĩa là đến hết tháng 10/2016, kết quả thanh tra phải được công bố cho công chúng.
Chúng tôi đặt vấn đề chậm trễ công bố kết quả thanh tra của “ba đại án tham nhũng” ở góc độ minh bạch trong những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, đưa ra nhận xét:
Thiếu công khai minh bạch là một bình phong làm chỗ ẩn nấp cho những lợi ích nhóm và cho những việc làm phi pháp. 
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
“Thiếu công khai minh bạch là một bình phong làm chỗ ẩn nấp cho những lợi ích nhóm và cho những việc làm phi pháp. Cho đến khi kết quả bị thua lỗ quá lớn, bấy giờ mới thanh tra kiểm tra thì thua lỗ đã quá lớn, không thể ngăn chặn. Đó là kết quả đáng tiếc.”
Truyền thông trong nước đưa tin trước đây, quyết định bắt đầu thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng chính phủ ký theo chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư Trung ương vào đầu tháng 8 năm 2016.
Đến ngày 25 tháng 4 vừa qua, Phó tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh trả lời tại cuộc họp báo quí 1/2017, cho hay việc thanh tra tại Tổng công ty MobiFone đã kết thúc thanh tra trực tiếp theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra chưa ra được kết luận, do có những nội dung cần phải làm việc nhiều lần, thậm chí phải trở lại từ đầu để đảm bảo khách quan. Ngoài ra ông Khánh không đưa thêm bất cứ chi tiết nào khác về kết quả thanh tra.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lúc này không thể nhận định điều gì về kết quả của thanh tra.
“Có một thanh tra hơn một năm nay rồi và nói là có một số kết quả nhưng mà chưa công bố gì cả và không biết đến bao giờ mới công bố. Vì vậy bây giờ mình nói điều gì cũng chưa có căn cứ.”
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng dù kết quả có được công bố thì đó cũng chỉ là một phần của tảng băng.
“Nếu họ chưa chịu công bố bao giờ họ cũng có một cái cớ gì đó để họ nói. Nếu họ có công bố chỉ công bố những tảng băng nổi thôi còn tảng băng chìm thì họ đâu có công bố ra nên mình đâu có biết. Cho nên vấn đề công khai minh bạch là chuyện sống còn cho lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam để tránh các thua lỗ và các sai lầm trầm trọng.”
Mobifone, một trong ba nhà mạng lớn nhất trong làng viễn thông Việt Nam, bên cạnh Viettel và Vinaphone. MobiFone mua 95% cổ phần AVG vào đầu năm 2016.
Theo tờ Vietnamfinance, vụ này từng được coi là thương vụ bí ẩn bởi giá trị của giao dịch hoàn toàn không được công bố dù vấp phải rất nhiều yêu cầu minh bạch, công khai từ phía dư luận kể từ khi hai công ty hoàn tất giao dịch vào hồi đầu năm 2016,
Mãi cho đến tháng 11/2016, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Mobifone mới hé lộ mức giá của giao dịch là 8.889 tỷ đồng.
Theo một bài viết trên báo Tuổi Trẻ vào tháng 8 năm 2016, có đến 3 công ty thẩm định giá đưa ra ba con số khác nhau đối với AVG và các con số chênh lệnh lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Các trị giá được đưa ra đều khá lớn. Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Tiến sĩ Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng kết quả định giá không khách quan, thiếu chính xác và giá trị AVG không lớn như ba công ty định giá đưa ra. Trong khi đó, theo các bài điều tra được đăng tải trên các báo lề trái, con số được đưa ra dựa trên tình hình kinh doanh của AVG trong các năm qua ước tính chỉ khoảng 3,000 tỷ đồng.
Sai với cam kết quốc tế về minh bạch
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc, từ New York nhận xét vấn đề từ cách phân tích vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc gia.
“Ở Việt Nam doanh nghiệp nhà nước mới là quan trọng, chiếm đến 30-40% GDP của cả quốc gia. Nợ tổng của nền kinh tế khoảng 200% GDP, trong đó đến 65% là từ chính phủ. Còn phần còn lại là của doanh nghiệp nhà nước.”
Tôi nghĩ cho đến bây giờ vấn đề nợ công của Việt Nam rất là tiêu cực (negative).”
Cũng theo tờ Vietnamfinance cho biết, để thâu tóm AVG, Mobifone đã phải rút hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng để chi trả cho thương vụ mua cổ phần. Động thái này khiến lãi tiền gửi ngân hàng năm 2016 của Mobifone giảm rất mạnh, từ 511 tỷ đồng của năm 2015 xuống chỉ còn 182 tỷ đồng.
Rõ ràng là công khai minh bạch của Việt Nam còn kém. Bao giờ Việt Nam có thể thực hiện các cam kết đó là điều cần xem xét.
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh 
Tất cả những thông tin trên không nằm trong kết quả thanh tra toàn diện theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ năm 2016. Dư luận chỉ biết đến điều qua các báo lề trái như Dân luận, Anh Ba Sàm. Trong loạt bài về đại án Mobifone, trang Dân Luận có cho biết “Mức lợi nhuận của Mobifone giảm đi 2.000 tỷ đồng trong năm 2016 chính là do tác động của thương vụ Mobifone mua AVG.”
Sự không minh bạch trong cách điều hành và báo cáo của một doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là rất yếu kém, và sai với những hiệp định thương mại quốc tế đã ký kết.
“Những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như TPP hay Việt Nam liên minh Châu Âu, Việt Nam đều có các cam kết về công khai minh bạch, trong đó có nói rõ tất cả các thông tin của các doanh nghiệp đều phải được công khai và kết quả đều phải được các cơ quan kiểm toán có thẩm quyền công nhận.
Việt Nam cam kết vậy nhưng việc công bố còn chậm. Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa cũng chậm đăng ký trên thị trường chứng khoán bởi vì thị trường chứng khoán đòi hỏi sự công khai minh bạch chi tiết và nghiêm ngặt hơn.
Rõ ràng là công khai minh bạch của Việt Nam còn kém. Bao giờ Việt Nam có thể thực hiện các cam kết đó là điều cần xem xét.”
Tuy nhiên Chuyên gia thống kê của Liên hiệp quốc Liên Hiệp quốc Vũ Quang Việt cho rằng những điều ước quốc tế ký kết chỉ là những khuyến nghị sự minh bạch và bất cứ quốc gia nào khi ký kết cũng đồng ý những khuyến nghị đó, chứ không có tính bắt buộc đối với các quốc gia tham gia.

Ban quản trị rừng phòng hộ ở Gia Lai

chiếm đất rừng làm “biệt phủ”

Khoảng 30% diện tích đất rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ ở tỉnh Gia Lai bị lấn chiếm, và mua bán trái phép bởi chính các thành viên trong ban quản trị rừng phòng hộ.
Báo Dân Việt hôm Thứ Sáu 9 tháng 6 cho biết, việc chiếm dụng đất rừng còn được chính quyền tỉnh Gia Lai hợp thức hóa bằng việc cấp “sổ đỏ”. Vụ chiếm dụng đất rừng bị phanh phui khi giới hữu trách điều tra về 102 cây thông 40 năm tuổi ở huyện Ia Grai bị khoan gốc, bơm hóa chất đầu độc. Trong khi chưa làm rõ được vụ này, giới hữu trách lại khám phá ra nhiều diện tích rừng thông khác thuộc thành phố Pleiku bị chặt phá.
Báo Dân Việt cho biết, nhiều viên chức của ban quản trị rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã chiếm dụng, chia chác và mua bán đất rừng để làm trang trại, và xây dựng những khu nhà kiên cố. Tại các tiểu khu 387 và 389 thuộc xã Diên Phú, thành phố Pleiku, nhiều diện tích rừng thông hàng chục năm tuổi đang bị chặt hạ. Cạnh đó là hàng loạt trang trại, nhà ở, và thậm chí cả những khu “biệt phủ” đã hoàn thành hoặc đang được xây dựng.
Về những diện tích đất nằm trong tay các viên chức, báo Dân Việt tiết lộ, ông Nguyễn Đức, trưởng ban quản trị rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, có một trang trại hơn 22,000 mét vuông. Ông Tưởng Tín, cựu trưởng ban quản trị, có hơn 10,000 mét vuông. Bà Mai Thị Ngọc Thỏa, một cựu viên chức ban quản trị, có tới hơn 30,000 mét vuông. Các khu đất này đều có “sổ đỏ”, do ủy ban nhân dân thành phố Pleiku cấp.
Huy Lam / SBTN

Dư luận tăng áp lực thu hồi sân golf

để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất

Dư luận trong nước đang tăng áp lực đòi thu hồi sân golf do quân đội kiểm soát, để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất ở thành phố Sài Gòn.
Báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Bảy 10/06 đăng hai phóng sự video trên mạng mang tựa đề “Lấy lại đất sân golf, Tân Sơn Nhất sẽ tăng công suất, giảm ngập” và “Nói không thể nới sân bay Tân Sơn Nhất lên phía Bắc là ngụy biện”. Một trong hai video này rõ ràng phản biện tuyên bố của Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN Trương Quang Nghĩa. Trong một buổi giải trình hôm 8 tháng 6 trước Quốc Hội, ông Nghĩa tuyên bố “việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi”. Ông đưa ra những lý do cho việc không nên mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc, gồm chi phí giải tỏa mặt bằng lớn và ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân trong khu vực.
Bên lề kỳ họp Quốc Hội vào chiều cùng ngày, nhiều đại biểu cho rằng trong khi chờ đợi phi trường Long Thành thì nên thu hồi sân golf ở bên cạnh phi trường Tân Sơn Nhất để mở rộng phi trường này thêm gần 160 héc ta. Việc này sẽ giúp tăng công suất của phi trường, giảm tình trạng ngập lụt thường xảy ra trong phi trường, cũng như giải quyết nạn kẹt xe ngày càng tệ hại hiện nay.
Sân golf bên cạnh phi trường Tân Sơn Nhất hiện đang do quân đội CSVN quản trị. Sân golf này chỉ mới được bắt đầu xây từ năm 2007 và hoàn thành năm 2015. Hiện nay nhiều công trình phụ thuộc trên đó đang được tiếp tục xây, trong đó có cả một nhà hàng. Trong một phiên thảo luận cũng tại Quốc Hội hôm 1 tháng 6, Thiếu tướng Lâm Quang Đại, phó chính ủy phòng không – không quân CSVN, nói rằng Bộ Quốc Phòng đồng ý sẽ thu hồi sân golf bất cứ lúc nào “khi có nhu cầu về quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên”. Ý của tướng Đại được hiểu là Bộ Quốc Phòng CSVN không muốn trả lại đất sân golf cho nhu cầu dân sự.
Huy Lam / SBTN

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.