Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 02/06/2017

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017 11:19 // , ,

Tin Việt Nam – 02/06/2017

TNS McCain thăm cảng Cam Ranh, gặp các nhà tranh đấu

Thượng nghị sĩ John McCain cùng các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đi thăm Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, và đồng thời, khẳng định lập trường bênh vực nhân quyền.
Thượng nghị sĩ McCain hôm 1/6 viết trên trang Twitter: “Rất vinh hạnh gặp gỡ các giới chức Việt Nam, cũng như giới lãnh đạo xã hội dân sự vào thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Việt.”
Đoàn quốc hội Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ John McCain dẫn đầu đã đến thăm các thủy thủ Mỹ trên tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG 56), khi tàu neo ở Cảng Quốc tế Cam Ranh hôm 2/6, theo lịch trình bảo trì thường lệ ở Việt Nam.
Từ Sài gòn, giáo sư Tương Lai bàn về ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam “có tính biểu tượng” của đoàn quốc hội Mỹ trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ:
“Ông John McCain đang phát huy mối quan hệ thân tình giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tính biểu tượng của sự hiện diện của ông John McCain – hôm nay ông đến thăm tàu John McCain đang sửa chữa ở quân cảng Cam Ranh – càng làm cho mối quan hệ tốt đẹp ấy của những người Mỹ thiện chí như John McCain, có tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Giáo sư Tương Lai nhận định chuyến đi Việt Nam của ông John Mccain, cùng với tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc hồi trong tuần, cho thấy hợp tác quân sự – quốc phòng giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục là mối đe dọa an ninh trên Biển Đông:
“Mối đe dọa lớn nhất là mối đe dọa xâm lược trên Biển Đông. Vấn đề hợp tác quân sự – việc quân đội Mỹ lưu trữ thiết bị vật tư trên lãnh thổ Việt Nam để sử dụng ngay khi cần thiết, trước nhất là các thiết bị nhân đạo – nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, đồng thời bày tỏ quan ngại về những tác động bất ổn, mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”
Báo Người Lao động hôm 2/6 viết: “Chặng dừng kỹ thuật của tàu USS John McCain tại Cảng Quốc tế Cam Ranh là biểu tượng mạnh mẽ thể hiện hướng đi tích cực của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”
Tàu USS John S. McCain, thuộc hải đội tàu khu trục (DESRON) 15, đang thực hiện tuần tra để hỗ trợ an ninh và sự ổn định của khu vực Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương. Trong hơn 70 năm qua, Hải quân Mỹ vẫn tuần tra đều đặn khu vực Ấn Độ – Châu Á -Thái Bình Dương nhằm củng cố an ninh và hòa bình trong khu vực.
Tháp tùng Thượng nghị sĩ McCain trong chuyến thăm Việt Nam, có các nghị sĩ John Barrasso, Chris Coons, Dân biểu Mac Thornberry và nữ Dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy.
Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời Thượng nghị sĩ McCain trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 1/6/2017 nói: “Hoa Kỳ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; hợp tác giữa các quốc gia nhằm ngăn chặn những nguy cơ về an ninh đối với sự phát triển, ổn định.”
Báo chí Việt Nam ngày 31/ 5 cho biết, phái đoàn Ủy Ban Quân Vụ Quốc hội Hoa Kỳ cũng đến thăm Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch được báo chí trong nước trích lời nói rằng, “chính Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain góp phần quan trọng, trong nỗ lực thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.”
Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ đã có hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực như trao đổi đoàn các cấp, hợp tác đào tạo cán bộ, tham vấn đối thoại, bảo đảm an ninh trên biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa, rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin và gần đây nhất, Hoa Kỳ đã giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 1/6, trang quochoi.gov đăng tin: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thượng Nghị sĩ John McCain đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế.”
Mặt khác, đoàn quốc hội Hoa Kỳ đã đến gặp các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Hà Nội.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, và là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho VOA – Việt Ngữ biết về cuộc gặp này:
“Ông John McCain và hai thượng nghị sĩ nữa đến Việt Nam, họ mời một số nhà hoạt động xã hội đến để nắm bắt tình hình nhân quyền Việt Nam – trong đó có anh Lê Quốc Quân và tôi, và hai người nữa. Trong buổi gặp mặt chúng tôi cho họ biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay là rất tồi tệ – bắt bớ, đàn áp những người biểu tình ôn hòa, đánh đập những người bất đồng chính kiến, cộng đồng công giáo miền Trung bị đàn áp khi họ muốn bồi thường chính đáng lo Formosa gây ra.”
Các nhà tranh đấu còn lưu ý với thượng nghị sĩ McCain về việc Hoa Kỳ bán các thiết bị, vũ khí cho Việt Nam nên giám sát mục đích sử dụng, vì có nguồn tin gần đây cho biết dường như chính quyền tỉnh Nghệ An vào ngày 15/5 có sử dụng thiết bị LRAD dành cho cảnh sát biển – loại thiết bị loa âm thanh gây hại tai – để đối phó với những người biểu tình ôn hòa.
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân viết trên Facebook sau cuộc gặp hôm 30/5 với các nghị sĩ Hoa Kỳ rằng: “Mong hãy tác động với chính phủ Việt Nam để họ thả Luật sư Nguyễn Văn Đài và Anh Trần Huỳnh Duy Thức. Ông John McCain hứa sẽ cố gắng hết sức. Mình hy vọng với những gì mà Ông John McCain đã vượt qua và làm cho quan hệ Việt Mỹ được đến như ngày hôm nay, thì Chính phủ nên biết lắng nghe.”
Nữ dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy chia sẻ bức ảnh của bà và thượng McCain tại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội trên Facebook nói rằng: “Chụp ảnh cùng với Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain ở Việt Nam, bên ngoài nhà tù nơi ông từng bị giam cầm hơn 5 năm. Ông thật sự là một vị anh hùng của Hoa Kỳ, hết lòng phụng sự quốc gia trong thời bình cũng như trong thời chiến.”
Thượng nghị sĩ bang Azrizon đã nhiều lần đến thăm Hà Nội, nơi ông từng bị giam cầm từ năm 1967 đến 1973 trong chiến tranh Việt Nam.

Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu đến hàng thế hệ

Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời cả hai ba thế hệ và không có giải pháp kỹ thuật đi kèm khi cần giải quyết.
Đó là thừa nhận được các vị đại biểu quốc hội nêu ra trong cuộc họp làm việc sáng ngày 2 tháng Sáu, thảo luận về Luật Chuyển Giao Công Nghệ khi nhập thiết bị máy móc bên ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Vấn đề đưa ra là trong quá trình chuyển gia công nghệ phải có sự thẩm định, kiểm soát nguồn máy móc thiết bị nhập vào trong nước, mục đích là ngăn chận và hạn chế những loại công nghệ được cho là bẩn, không còn được sử dụng tại quốc gia bán cho Việt Nam nữa, có nghĩa không chỉcũ kỹ lạc hậu cả mấy đời mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phương hại đến môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước.
Một số đại biểu quốc hội đề nghị khái niệm và qui định về công nghệ lạc hậu cần được làm rõ để bổ sung vào dự án Luật Chuyển Giao Công Nghệ.
Một ý kiến khác được nêu ra là chính phủ phải có chính sách rõ ràng để khuyến khích và tạo điều kiện để việc chuyển giao và tiếp thu những công nghệ kỹ thuật cao, tân tiến, sạch, mới và hợp thời phải là tiêu chí của Việt Nam.

Giáo dân Văn Thai bị côn đồ đập phá nhà cửa, tài sản

Nhiều ngôi nhà, tài sản của giáo dân Giáo họ Văn Thai, thuộc Giáo xứ Song Ngọc, ở Nghệ An, đã bị côn đồ đập phá vào đêm 31/5.
Đây là sự kiện mới nhất tiếp theo hàng loạt những vụ tấn công nhắm vào những người dân đi kiện Công ty Formosa, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất ở Việt Nam hồi năm ngoái.
Theo lời kể của Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, suốt mấy ngày qua, giáo dân của Giáo họ Văn Thai liên tục bị các nhóm côn đồ kéo tới đe dọa, chặn đường, ném đá, khiến người dân rất hoang mang, lo sợ.
Đêm 31/5, nhiều nhà dân trong giáo họ đã bị côn đồ đột nhập, đập phá, gây hư hỏng tài sản.
Linh mục Nguyễn Đình Thục kể với VOA:
“Nó phá hoại hết nhà này sang nhà khác. Ví dụ như nhà của anh Hải Tâm. Buổi tối hôm trước, nó ném từ bên ngoài vào làm cái cửa bị hư hỏng, xe ô tô bên trong bị móp méo hết. Rồi nó ném lên tấm kính ở trên cái lộng, làm tấm kính rơi xuống, gây thương tích cho chị”.
“Tối hôm qua, gia đình quá lo lắng nên di tản đi nơi khác. Và hắn đến hắn phá cổng để vào, phá luôn cửa nhà. Rồi hắn đập bàn, ghế, loa, đài, quạt, đồng hồ, máy giặt… hầu như tất cả đồ dùng trong nhà nó đều đập tan. 3 cái xe máy nó đập hết. Rồi nó đi sang nhà khác như nhà anh Tư, nhà anh Anh, anh Phong và một số nhà nữa”.
Trước đó một ngày, đêm 30/5, nhiều nhóm người đã đánh kẻng, kéo ra đe dọa tấn công và chặn đường Linh mục Thục, không cho ông trở về Giáo xứ Song Ngọc sau khi dâng lễ ở Văn Thai.
Cả hai vụ việc trên đều xảy ra trước sự chứng kiến của lực lượng công an địa phương, theo lời kể của Linh mục Nguyễn Đình Thục.
“Khi côn đồ tàn phá nhà cửa như vậy thì công an chẳng mạnh mẽ gì cả. Họ cứ đứng đằng sau như kiểu đứng để bảo kê vậy. Đó mới là điều khó hiểu”.
Một số người dân ở Giáo họ Văn Thai đã phải di tản khỏi nhà trước những đe dọa tấn công vẫn đang tiếp diễn.
Giáo dân Giáo xứ Song Ngọc nằm trong số những người đi khởi kiện Công ty Formosa để đòi quyền lợi sau vụ ô nhiễm môi trường biển hồi năm ngoái. Nhiều người trong số họ bị mất nguồn sinh kế kể từ sau thảm họa trên, nhưng chính quyền không đưa tỉnh Nghệ An vào danh sách những nạn nhân được bồi thường của Formosa.

Nhà máy điện chạy bằng than, lợi hay hại?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
Việt Nam dự kiến đến năm 2030 sẽ có hơn nửa số điện  trong nước được sản xuất từ các nhà máy điện chạy bằng than, cùng lúc phải giảm  25% lượng khí thải mà những dự án này nhả ra môi trường.
Quyết định này gặp nhiều ý kiến phản hồi về mặt kỹ thuật lẫn môi sinh.
Hãng tin Reuters hôm 24 tháng 5 cho biết Việt Nam sắp cấp phép cho các công ty đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia để xây dựng 3 nhà máy điện than lớn tổng trị giá 7 tỷ 500 triệu đô la Mỹ. Dự kiến Việt Nam sẽ cấp phép cho các dự án này vào trước chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang Nhật Bản vào đầu tháng 6 năm nay.
Vẫn theo Reuters, dù Việt Nam rất muốn tăng mức sản xuất năng lượng tái tạo trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên và áp lực bảo vệ môi sinh nhưng thực tế cho thấy để có thể đáp ứng 11% nhu cầu điện khi mức cầu tăng cao hàng năm thì mạng lưới  điện hầu như vẫn phụ thuộc gần hết  vào thủy điện và nhiệt điện. Đó là lý do Việt Nam  đề kế hoạch đến 2030 thì hơn một nửa mạng lưới điện  trong nước sẽ  được sản xuất bởi khoảng 40 nhà máy điện than xây thêm trên toàn quốc.
Theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%. 
- Ông Phạm Khánh Toàn
Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết giảm thiểu 25% lượng khí thải từ các dự án nhiệt điện than từ giờ đến 2030.
Nói về sự mâu thuẫn trong kế hoạch cắt giảm khí thải nhưng lại gia tăng xây dựng nhà máy nhiệt điện, ông Phạm Khánh Toàn, viện trưởng Viện Năng Lượng thuộc EVN Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam cho đài Á châu Tự do biết:
Theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%, trong lúc  thủy điện và dầu khí đều giảm, còn năng lượng mặt trời sẽ chiếm khoảng 6% mà thôi vào năm 2030.
Bởi vì hết những nguồn khác như điện hạt nhân, Việt Nam chỉ phát triển làm từ 2 đến 4 tổ máy, thủy điện hết rồi, dầu khí thì không tìm ra mỏ mới để cấp cho nhà máy điện cho nên phải sử dụng than. Trước đây, tính toán cho thấy than rất cao; nhưng vừa rồi theo tính toán lại nhu cầu và phát triển các loại có thể khai thác được thì không cao như trước đây. Trước đây chúng tôi tính than phải dùng 300 triệu tấn than một năm, nhưng nay chừng 140 triệu tấn. Thế rồi công nghệ giúp bớt phát thải đi.
Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã cho xây thêm các nhà máy điện chạy bằng than, điển hình như nhà máy nhiệt điện An Khánh I tỉnh Thái  Nguyên. Nhà máy điện than An Khánh II  được khởi công tại  Thái Nguyên với công suất 300MW và vốn đầu tư 10 ngàn tỷ Đồng.
Tháng Mười năm 2015, Tập Đoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam TVK, tiến hành xây nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập ở Nghệ An, dự kiến vận hành thương mại năm 2020.
Ngoài ra, nhiều nhà máy nhiệt điện đầu tư theo kiểu BOT xây dựng-vận hành-chuyển giao  cũng được Bộ Công Thương Việt Nam cho lệnh khởi công như nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cho đến nhiệt điện Vĩnh Tân 4 ở Bình Thuận.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 gần đây đã gặp phải sự phản đối của người dân địa phương do ô nhiễm.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải cho rằng việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện than tại Việt Nam rõ ràng đang gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Thí dụ nhà máy nhiệt điện Uông Bí thì chúng ta thấy bụi than như thế nào. Đầu tiên vận chuyển hàng đến là đường xá bẩn thỉu, mưa thì chất độc trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2, các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ một là bay tản ra vùng chung quanh, hai là tích tụ thành  mây để mưa xuống. Quanh đi quẩn lại tất cả các chất độc sẽ làm hại đất,  nhưng dễ nhất là nó làm  người ta thở không được,làm viêm phổi,viêm hoặc ung thư vòm họng. Bụi than xỉ than làm người ta không thể mở cửa nhà, cửa sổ. Thậm chí bây giờ người ta cố gắng tuyên truyền là Việt Nam thiếu điện dùng, phải có nhiệt điện nếu không thì không biết lấy gì bù vào. Biết bao nhiêu giáo sư tiến sĩ thực thụ giỏi, biết  bao nhiêu kỹ sư bao nhiêu cử nhân đã học về năng lượng tái tạo ở nước ngoài có được sử dụng đâu…
Ảnh hưởng lên sức khỏe con người
Năm 2015, Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh Green ID thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam ở Hà Nội, đã tổ chức buổi hội thảo để nói về những tác hại của nhiệt điện than đối với sức khỏe con người. Số liệu từ Green ID cho thấy hàng năm khoảng 4.300 người Việt Nam chết yểu vì những chứng bệnh liên quan đến nhiệt điện than. Green ID cảnh báo là con số 4.300  có thể tăng thành 25.000 khi mà tất cả các dự án nhiệt điện than theo qui hoạch đi vào hoạt động.
Vẫn theo Green ID, nhiều loại khí thải ra từ nhà máy nhiệt điện chạy bằng than như khí ozone khi phản ứng với các phân tử khác trong không khi dưới điều kiện ánh sáng mặt trời sẽ tạo thành sương mù độc hại. Nếu thường xuyên hít vào loại sương mù này con người dần dà có những triệu chứng tức ngực, ho, khó thở. Đó cũng là nguyên nhân của chứng hen suyễn, sau một thời gian dài sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính.
Thứ đến là xỉ than mà thành phần là các kim loại và chất hóa học, khi con người hít vào thì những hạt li ti đó có thể len tận mạch máu, gây rối loạn nhịp tim, đau tim, hư phổi…
Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên…
- Giáo sư Phạm Ngọc Đăng
Ngoài sức khỏe của con người, khói thải từ các nhà máy nhiệt điện than còn tác động đến chất lượng đất, mùa màng ở những vùng chung quanh trong bán kính cả trăm kilomet.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng,  giám đốc Trung tâm Kinh Tế Môi Trường, Đầu Tư Và Khu Công Nghiệp, Đại Học Xây Dựng, giải thích ảnh hưởng của việc đốt than và những qui định mà một nhà máy nhiệt điện phải tuân theo:
Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2… Về khí thải có qui định mức tối đa cho phép đối với bụi, SO2, NOX, CO. Đây là 4 yếu tố quan trọng nhất gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời cũng qui định nước thải không được vượt quá nhiệt độ thải ra môi trường gây hại cho các hệ sinh thái. Đối với chất thải rắn cũng có qui định phải xử lý triệt để làm vật liệu xây dựng hay đối với các hạt bụi có thể gây ra ô nhiễm cho các nguồn nước và các mạch nước ngầm…
Dưới mắt giáo sư Phạm Ngọc Đăng, phát triển nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong kế hoạch phát triển nhiệt điện than, ông nói, các cơ quan chức năng đã đề ra những qui chuẩn về công nghệ, về vận hành cũng như xử lý chất thải từ nhà máy nhiệt điện:
Nếu thực hiện đúng qui chuẩn kỹ thuật môi trường thì tôi chắc cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Thực tế một số nhà đầu tư kinh doanh  muốn giảm chi phí giải quyết ô nhiễm thì người ta lợi dụng thời cơ ít kiểm tra, kiểm soát. Có một số nhà máy gây ô nhiễm môi trường chung quanh khiến dân kiện cáo căng thẳng.
Theo tôi nếu thực hiện đúng luật pháp, những qui định, qui chuẩn môi trường thì ảnh hưởng có khả năng chấp nhận được. Cơ bản việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn yếu kém, cơ quan quản lý môi trường yếu kém về năng lực cũng như chưa làm tròn trách nhiệm nên trong thực tế nhiều nhà máy gây ra ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như suy thoái môi trường chung quanh nhà máy điện. Nếu thực thi đúng những qui định về quản lý và kỷ thuật thì bảo vệ môi trường được thôi.
Hôm 26 tháng Năm vừa qua, trong một bài viết đăng trên trang mang Mongabay chuyên về môi trường và sinh thái, nhà báo David Brown có bài chi tiết về kế hoạch phát triển nhiệt điện than mà Việt Nam muốn đưa vào qui mô năm 2030, nói rằng trong lúc GDP Việt Nam tăng 315% thì lượng khí thải nhà kính Việt Nam cũng tăng vọt 937% từ 1991 đến 2012.
Trích dẫn lời chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Yong Kim trước một cử tọa gồm viên chức chính phủ lẫn doanh gia các nước ASEAN năm 2016, ký giả David Brown nhắc lại lời ông Jim Yong Kim rằng nếu Việt Nam quyết đạt thêm 40 dự án điện than với công suất hàng ngàn MW, và nếu cả khu vực đều áp dụng sản xuất nhiệt điện than giống Việt Nam thì coi như con người và hành tinh này phải gánh chịu thảm họa môi trường không thể tránh trong tương lai.

Người Hà Tĩnh nói gì sau vụ nổ ở Formosa

Nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh, thuộc tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan mặc dù chỉ mới xây dựng và chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng đã gây ra hàng loạt biến cố tại miền Trung Việt Nam. Vụ tai tiếng mới đây nhất, sau vụ xả độc vào biển gây chết hàng loạt hải sản các tỉnh miền Trung là vụ nổ lò luyện vôi vào tối ngày 30 tháng 5 năm 2017. Vụ nổ này thêm một lần nữa gây hoang mang trong nhân dân.
Những chuyện chưa nói
Ông Hàng, cư dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ sau vụ nổ ở Formosa: “Nó nổ mấy phát lớn như tiếng mìn nổ ấy. Mặc dù tôi ở xa khoảng công ty Formosa 3km nhưng nghe nổ to lắm. Mình không biết được tin gì chỉ biết nghe nổ ở đó thôi. Người dân hoang mang lắm, vì tiếng nổ to lắm, giống tiếng mìn vào đêm mà tiếng nổ này rõ ràng không bình thường, nên dân không được yên tâm, hoang mang lắm!”
Ông Hàng cho biết thêm, Formosa xây dựng trên vị trí hiện nay có quá nhiều vấn đề để bàn, trong đó, từ chuyện tâm linh đến chuyện hành xử với môi trường đều có khuất tất. Ở vấn đề tâm linh, Formosa đã xây dựng bên trên một nghĩa trang của đất Kỳ Anh, và quá trình xây dựng không hề có chuyện di dời các ngôi mộ mà cứ xây đến đâu, múc đến đâu gặp hài cốt thì nhặt đi chôn hoặc đổ ra biển.
Việc này diễn ra như vậy cho đến khi một giàn giáo trong công trình bị sập, 13 người tử vong thì Formosa mời cho xây dựng một khu miếu thờ các oan hồn bên ngoài khuôn viên của tập đoàn này. Khu miếu thờ nằm sát quốc lộ 1A, có thùng phước sương để người qua đường cúng nhang.
Người dân hoang mang lắm, vì tiếng nổ to lắm, giống tiếng mìn vào đêm mà tiếng nổ này rõ ràng không bình thường.
- Ông Hàng, Hà Tĩnh
Và còn một vấn đề khác là Formosa có tham vọng dẹp bỏ Giáo xứ Đông Yên để mở rộng địa bàn kinh doanh. Việc mở rộng này không được sự đồng thuận của các giáo dân Đông Yên nhưng Formosa đã bằng mọi giá chiếm cho được toàn bộ Giáo xứ Đông Yên bằng cách mượn sức mạnh công an để đàn áp, đập phá và xua đuổi người dân đi đến vùng định cư mới.
Tất cả những việc làm trái đạo đức và thiếu lương tri của Formosa cũng như của nhà cầm quyền Hà Tĩnh, kẻ đã toa rập với Formosa để giẫm đạp lên số phận của người sống cũng như người đã khuất, theo ông Hàng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và khó nói. Bởi dù sao đi nữa, khi câu chuyện tâm linh cũng như lòng dân chưa giải quyết được, thậm chí mạo phạm thì e rằng khó mà trụ nổi cho dù chỉ là xây nhà để ở.
Và sau vụ sập giàn, Formosa xả ống súc hệ thống ra biển, kéo theo sự cố biển nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt, Formosa cũng như nhà cầm quyền Hà Tĩnh thay vì bình tĩnh xem lại vấn đề để nhận thấy cái lỗi thì họ tiếp tục cố chấp, lên gân đàn áp người dân. Cứ tiếp tục lỗi nối lỗi cho đến vụ nỗ lò vôi và không biết sẽ còn bao nhiêu sự cố khác đời rình rập.
Ông Hàng cho rằng qua những gì đã xảy ra, chỉ chứng tỏ Formosa thiếu văn hóa trầm trọng trong kinh doanh. Bởi muốn kinh doanh thành công, trước tiên phải có lương tri, phải tôn trọng văn hóa, tâm linh và quyền con người bản xứ. Những ai cố gắng toa rập với quyền lực địa phương để đạp lên trên nhân quyền và tâm linh bản xứ đều phải trả giá đắt.
Những ngày khói mù
Một thanh niên Công Giáo tên Lộc, cư dân Hà Tĩnh, chia sẻ sau vụ nổ: “Lúc 10 giờ đêm ấy, nghe 2, 3 tiếng nổ to lắm, ban đầu dân ở đây tưởng đâu mìn nổ ngoài biển. Nhưng sau đó biết được là ở Formosa, tiếng nổ to lắm, to đến nỗi người dân rất hoang mang. Nói chung là có chút phấn chấn, có chút giải tỏa tâm trạng mấy hôm nay, bởi mấy hôm nay kể từ khi Formosa chạy thử lò cao đó thì bầu trời mù tịt, xám xịt. Người dân mong có sự cố để nó ngừng hoạt động nhưng cũng lo lắng lắm khi xảy ra sự cố, bởi sợ không biết còn tai họa gì trong tương lai. Cũng có mấy ông bà nói là có thể do Đức Mẹ làm cho nó nổ, bởi từ hồi nó ngưng hoạt động sau nổ, trời quang mây tạnh trở lại. Formosa đó trước đây xây dựng trên nền một nghĩa địa mà.”
Anh Lộc cho biết thêm là kể từ khi Formosa chạy thử lò cao, không khí ở Hà Tĩnh xuống cấp trầm trọng, toàn bộ bầu trời có màu xám chì và mặc dù đã trưa nắng nhưng có cảm giác bầu trời bị một lớp sương mù bao phủ. Suốt thời gian Formosa xả khói đều bị như vậy, mãi cho đến tối 30 tháng 5, sau vụ nổ, Formosa tạm dừng hoạt động thì bầu không khí trở lại bình thường.
Về tiếng nổ phát ra từ Formosa, anh Lộc cho biết là cuồng độ âm thanh của nó chẳng khác gì ba quả bom, nhà của anhh cách nơi nổ hơn 3 kilomet, nhưng liên tục ba tiếng nổ to một cách lạ thường, chát chúa khiến cho tường nhà rung lên bần bật.
Anh Lộc nói thêm là đúng với tâm lý người Hà Tĩnh, một khi có sự cố hỏng hóc khiến cho Formosa ngưng hoạt động là bà con hà Tĩnh thấy vui mừng, nhưng lần này thì khác. Liên tục những tai họa do Formosa gây ra, rồi những khó khăn liên đới và gần đây nhất là vụ nổ rung nhà rung cửa chỉ cho thấy sự tồn tại, hiện hữu của Formosa là một mối họa khó lường.
Người dân mong có sự cố để nó ngừng hoạt động nhưng cũng lo lắng lắm khi xảy ra sự cố, bởi sợ không biết còn tai họa gì trong tương lai. 
- Anh Lộc, Hà Tĩnh
Hay nói cách khác, an ninh lương thực và an ninh quốc phòng của Hà Tĩnh được đánh đổi bởi các mẻ thép của Formosa. Đặc biệt, môi trường đã bị vứt vào sọt rác để nhận lấy thép không miễn phí của Formosa.
Anh Lộc nói rằng anh dám khẳng định chỉ riêng khoản tiền đóng thuế của toàn bộ hệ thống nhà hàng, khách sạn liên quan đến du lịch biển miền Trung đóng cho nhà nước mỗi tháng đã cao hơn nhiều so với tiền thuế hằng năm của Formosa đóng cho chính phủ Việt Nam.
Lạ ở chỗ là bài toán kinh tế Việt Nam không biết được tính theo loại công thức nào mà lại mang cả một vùng cư dân, từ kinh tế, an ninh quốc phòng cho đến môi trường, con người để đánh đổi những mẻ thép không hề miễn phí chút nào của Formosa.
Tính theo kiểu gì thì sự tồn tại của Formosa tại miền Trung Việt Nam cũng có tính chất lợi bất cập hại và càng để nó tồn tại lâu bao nhiêu thì mối nguy hiểm do nó gây ra càng cao bấy nhiêu!

VN có lợi gì khi Trump bỏ cam kết khí hậu Paris?

Quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris của tổng thống Trump có thể là tin vui cho một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, theo một số chuyên gia.
“Tôi có thể hình dung một số quốc gia đang rất phấn khởi – coi đây như một cơ hội tốt để bắt đầu khởi động vươn ra thế giới,” Mark Howden, Giám đốc Viện nghiên cứu biển đổi khí hậu tại trường đại học quốc gia Australia, nói với CNBC hôm 2/6.
Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu tạo cơ hội cho các quốc gia khác “trám vào lỗ hổng quyền lực Mỹ để lại sau khi rút ra khỏi những thỏa thuận như thế này”, ông Howden nói thêm.
Còn ông Frank Yu từ công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự đoán rằng các công ty Hoa Kỳ liên quan đến công nghệ thân thiện với môi trường sẽ chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo sang châu Á.
Ông Yu, chuyên gia về năng lượng tại Châu Á Thái Bình Dương, được Reuters trích lời nói thêm rằng, điều này sẽ giúp đỡ các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, vốn đang cần vốn đầu tư nước ngoài để đạt mục tiêu năng lượng sạch.
“Bằng cách chuyển các dòng sản xuất năng lượng sang Trung Quốc và các nước châu Á, giá thành của năng lượng sạch sẽ giảm nhanh và thậm nhập sâu hơn để thay thế nhiên liệu hóa thạch ‘bẩn’ như than trong thị trường châu Á,” ông Yu nói thêm.
Hiện tại, các nước trong châu Á vẫn tiến hành phát triển nguồn năng lượng nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng trong khu vực.
Theo báo cáo năm 2015 của Greenpeace, có hơn 1000 nhà máy điện đốt than lên quy hoạch ở Châu Á không kể Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Tara Buakamsri, Giám đốc văn phòng Greenpeace tại Thái Lan cho biết ảnh hưởng từ việc Hoa Kỳ rút lui khỏi thoả thuận Paris sẽ phức tạp hơn so với những gì các chuyên gia trên nhận định.
Thứ nhất, ông nói. việc Mỹ rút khỏi thoả thuận khí hậu và công khai ủng hộ ngàng công nghiệp than sẽ tạo ra một tác động tuy ngắn hạn nhưng rất tốt đến ngành công nghiệp than không chỉ trong Hoa Kỳ mà trên thế giới, vì các ngành công nghiệp than có thể đầu tư vào các nước ở châu Á.
Thứ hai, hiện tại ngành công nghiệp năng lượng sạch rất phát triển rộng khắp trên thế giới. Trong khu vực châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà đầu tư lớn, giá thành vật liệu sản xuất năng lượng mặt trời tại Ấn Độ rất rẻ. Nếu các công ty Hoa Kỳ có muốn đầu tư ở châu Á, họ sẽ phải cạnh tranh với hai ‘ông lớn’ này.
Việt Nam đứng thứ hai trong Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia vì số lượng người chết sớm vì hấp thụ lâu dài các hạt phân tử PM 2,5 phát tán từ nhà máy nhiệt điện than.
Hồi đầu năm 2017, Bộ Công Thương Việt Nam ký thỏa thuận đầu tư dự án một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng.
Dự án BOT được mô tả là được thảo luận “suốt 8 năm qua” với đối tác phía Nhật Bản là Tập đoàn Mitsubishi.
Nhiệt điện Vũng Áng 2, xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, theo dự kiến sẽ vận hành lần lượt hai tổ máy vào năm 2021 và 2022 và khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Việt Nam nhập khoảng hơn 10 triệu tấn than trong 10 tháng đầu năm 2016, cao gấp nhiều lần so với kế hoạch nhập 3 triệu tấn của Bộ Công Thương trong năm 2016, theo truyền thông nước này.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.