Tin Việt Nam – 01/06/2017
Vụ nổ tại Formosa!
Cát Linh, phóng viên RFA
Ngay sau 24 giờ vận hành thử nghiệm, lò cao số 1 của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, một vụ nổ xảy ra lúc 8 giờ 45 phút tối ngày 30 tháng 5. Sang ngày hôm sau truyền thông trong nước đồng loạt loan tải kết luận của địa phương về nguyên nhân vụ việc với khẳng định của cơ quan chức năng là không nguy hại.
Bài phóng sự sau đây trình bày về ý kiến và phản ứng của những người dân trong nước về vụ việc.
Vui mừng
Từ Sài Gòn, ông Trần Bang, người từng đưa ra thông điệp yêu cầu đóng cửa Formosa (Formosa get out!) trong các cuộc biểu tình, xuống đường đòi hỏi môi trường sạch, nhắc lại những thông cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trước khi cấp phép vận hành lò cao số 1
“Bộ Tài nguyên Môi trường, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố là thật an toàn kiểm soát các chất thải ra môi trường, thứ hai là an toàn về phòng chống cháy nổ mới cho vận hành. họ khẳng định an toàn. Nhưng vận hành có 24 tiếng thì phát nổ. Cái này càng cũng cố niềm tin của những người muốn đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam, muốn đóng cửa Formosa.”
Bộ Tài nguyên Môi trường, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố là thật an toàn kiểm soát các chất thải ra môi trường, thứ hai là an toàn về phòng chống cháy nổ mới cho vận hành. họ khẳng định an toàn. Nhưng vận hành có 24 tiếng thì phát nổ.
-Trần Bang
Chị Thu Nguyệt, nhà hoạt động xã hội, từ Sài Gòn chuyển lời của những người quan tâm đến an toàn đời sống người dân.”
“Có một số người theo dõi tin tức thì họ nói rằng nổ như vậy để cho nó (Formosa) thấy việc đang làm là sai trái, và họ rất mừng về vụ nổ này.”
Một bạn trẻ ở thành phố Vinh, cũng từng tham gia trong các hoạt động chống Formosa đòi công bằng cho người dân miền Trung cho biết:
“Theo tinh thần của người dân ở đây thì nếu nghe được tin có 1 khu vực nào đó ở nhà máy Formosa cháy nổ thì họ sẽ vui mừng và mong cho nổ cả công ty Formosa luôn.”
Lo lắng
Nhiều báo trong nước loan tin ngay sau khi vụ nổ xảy ra. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đưa ra kết luận ban đầu là do bụi phát sinh từ quá trình nhập nguyên liệu vào lò, kết hợp với hơi nước bay lên từ quá trình sấy gây tắc nghẽn lưu thông không khí dẫn đến nguyên nhân vụ nổ thiết bị lọc bụi lò vôi.
Cũng từ tin trong nước cho biết sau khi kiểm tra hiện trường thì Ủy ban Nhân dân tỉnh cho rằng sự cố kỹ thuật này không gây thiệt hại về người và vật chất, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 1 khởi sự hoạt động từ ngày 29.
Không đồng ý với điều này, ông Nguyễn Chí Tuyến, nhà đấu tranh cho nhân quyền, có mặt trong những cuộc biểu tình yêu cầu đóng Formosa kể lại.
Một vụ nổ lớn xảy ra vào lúc khoảng 9 giờ tối ngày 30 tháng 5 tại nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, nơi mới đưa lò cao vào thử nghiệm từ chiều ngày hôm trước là 29 tháng 5. Courtesy Zing
“Đấy là phía nhà nước nói vậy vì người ta vẫn quyết tâm cho Formosa tiến hành công việc sản xuất thép, cho nên họ vẫn bao che. Cái mức độ như thế nào thì tôi cũng không phải người chuyên môn để có thể nói nghiêm trọng mức nào 1 cách cụ thể. Nhưng với cảm nhận 1 người bình thường thì tôi nghĩ vừa mới vận hành hôm trước hôm sau xảy ra vụ nổ thì chắc chắn nó có vấn đề. Vì Formosa sử dụng công nghệ rất lạc hậu. Những gì thuộc về lạc hậu thì nó thường gắn với những rủi ro, nguy hiểm, không đảm bảo an toàn trong lúc vận hành cũng như sản xuất ra sẽ không thân thiện môi trường.”
Từ Sài Gòn, ông Trần Bang đưa ra câu hỏi, trước đây Formosa xả thải chất độc ra biển, giờ đây khi lò vôi phát nổ, có phải những chất độc ấy sẽ được thải vào không khí?
“Tôi nghĩ việc cháy nổ bao giờ cũng tạo ra khí độc hại. Bất cứ vụ cháy nổ bình thường đã bị chứ đừng nói đến cháy nổ do hoá chất. Khí độc ấy như thế nào thì mình không thể biết vì phải có khoa học đánh giá. Người dân thì không được tiếp cận.”
Theo ông Trần Bang, một vụ cháy bình thường cũng có thể tạo ra khí độc. Trường hợp này nổ thiết bị lọc bụi lò vôi trong một nhà máy hoá chất.
Đương nhiên nó sẽ rất là hại chứ không có lợi chút nào cả. Xét về cuối cùng thì môi trường ở đó và người dân sẽ bị ảnh hưởng. Về góc độ thực tế thì nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường, người dân sẽ là người gánh chịu nặng nề nhất.
-Nguyễn Chí Tuyến
Ông Nguyễn Chí Tuyến lo ngại khi nói về ảnh hưởng của vụ nổ này.
“Đương nhiên nó sẽ rất là hại chứ không có lợi chút nào cả. Xét về cuối cùng thì môi trường ở đó và người dân sẽ bị ảnh hưởng. Về góc độ thực tế thì nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường, người dân sẽ là người gánh chịu nặng nề nhất, đặc biệt là bà con sống ở vùng Đông Yên sẽ phải hứng chịu tất cả những cái đó. Sự cố nó nổ, bụi khói tất cả những gì trong độc hại của nó thì nó tung ra môi trường, có thể nó bay lên trời nhưng gặp mưa thì lại trút xuống đất của người dân, ngấm vào nguồn nước… gây ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này của người dân, tác động đến ăn uống, sinh vật, cây cỏ, thực vật.”
Khẳng định rằng nếu Formosa tiếp tục được vận hành với công nghệ lạc hậu như vậy, theo ông Nguyễn Chí Tuyến, sẽ có những sự cố khác xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Ông Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, Trần Hồng Hà, vào chiều ngày 31 tháng 5 trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội rằng ‘Sự cố ở Formosa đáng tiếc nhưng không nguy hiểm’.
Từ miền Trung, anh Paul Trần Minh Nhật, người từng đồng hành với Linh mục Đặng Hữu Nam, Giáo xứ Phú Yên tuần hành đòi môi trường sống cho biết những người dân sống gần nhà máy thép Formosa khẳng định họ nghe những tiếng nổ lớn liên tục tiếp nối nhau và tất cả mọi người đều bất ngờ.
Theo ý kiến của ông Trần Bang, báo chí trong nước có thể che lấp thông tin, nhưng không thể che được ngọn lửa của vụ nổ và những cột khói toả mù mịt bầu trời Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Hà Nội hàn cửa, nhốt dân?
Một đoạn video phóng sự về cảnh hai vợ chồng già ở Hà Nội bị chính quyền “giam lỏng” bằng cách hàn kín cánh cửa ra vào duy nhất của họ đang lan truyền nhanh chóng trên mạng, khiến dư luận rất bất bình.
Đoạn video do báo Pháp luật và Xã hội thực hiện đã được gỡ khỏi trang mạng của báo này.
Đoạn video cho thấy ngôi nhà của một cặp vợ chồng lớn tuổi ở phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, Hà Nội, đang bị các lực lượng chức năng, trong đó có công an và lãnh đạo UBND phường Nghĩa Đô, dùng các thanh sắt để lấp kín lối ra vào duy nhất của ngôi nhà họ, trước sự chống đối yếu ớt của người phụ nữ với lý do “không có văn bản gì mà các ông đến làm như thế này là không được rồi. Cơ quan nào cũng không thể chấp nhận như thế được. Các anh làm thế là sai rồi”.
Nhưng những người “đang làm nhiệm vụ” vẫn thản nhiên tiếp tục hàn kín lối thoát hiểm duy nhất của ngôi nhà.
Kể từ đó (11/5), ông An, người đàn ông được cho biết là đã trên 60 tuổi hiện đang sống trong ngôi nhà, hàng ngày phải leo qua một bức tường cao quá đầu người để đi chợ mua thức ăn. Người vợ sức yếu không leo được, đành chịu bị “giam lỏng” suốt nhiều tuần qua.
Đoạn video đang được lan truyền chóng mặt trên mạng, với hàng chục ngàn lượt xem và bình luận, chủ yếu là bày tỏ sự bất bình, tức giận vì lối hành xử mà theo họ là “không thuộc về một nhà nước pháp quyền”.
Trả lời VOA-Việt ngữ tối 1/6, Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội cho biết quyền “có lối đi lại” của công dân đã được quy định trong Bộ Luật dân sự của Việt Nam.
Ông nói: “Bộ Luật Dân sự Việt Nam quy định người dân có quyền có lối đi lại, cũng giống như có quyền thoát nước tự nhiên, thoát nước thải…”
Một nguồn tin từ Hà Nội cho VOA biết ngôi nhà của ông bà An bị cưỡng chế vì xây dựng trên đất trái phép. Tuy nhiên khi VOA kiểm chứng thông tin này với chính quyền Hà Nội thì không nhận được phản hồi.
Theo LS. Hà Huy Sơn, chính quyền nên tìm những cách xử lý khác thay vì buộc hai ông bà cụ phải sống trong ngôi nhà bị bít kín.
“Cái này là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cũng có thể là phải có can thiệp với những gia đình xung quanh, hoặc tạo điều kiện để gia đình hai cụ già có lối đi để có thể sinh hoạt được”.
Phóng viên báo Pháp luật và Xã hội trong đoạn video cho biết chính quyền né tránh trả lời báo chí về trường hợp này.
Hiện dư luận đang xôn xao nghi vấn liệu có sự thông đồng của chính quyền hay không trong việc để mặc cho người dân lấn chiếm đất, nên bây giờ không thể đối diện với báo chí?
Chỉ số sản xuất của VN xuống thấp nhất
trong vòng 14 tháng
Khu vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 5 xuống mức thấp nhất kể từ tháng ba năm ngoái với lý do được các công ty cho biết vì năng xuất sản lượng giảm lại, cũng như ít đơn đặt hàng mới.
Tờ Thời báo Tài chính loan tin này vào ngày 1 tháng 6.
Cũng trong lĩnh vực tài chính, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý Rủi ro, Cục Quản lý Nơ & Tài chính Đối ngoại thuộc Bộ Tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa vào chiều ngày 31 tháng 5 cho báo giới biết nợ công trong nước có thể đạt đỉnh trong năm nay.
Cụ thể theo ông Nghĩa thì năm 2017-2018 được dự báo sẽ là đỉnh của nợ công Việt Nam với mức có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP (Tổng sản phẩm nội địa).
Đến cuối năm ngoái, mức nợ công của Việt Nam là gần 64% GDP, trong đó nợ Chính phủ là trên 52%.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết Bộ Tài chính và Chính phủ Việt Nam sẽ có biện pháp tái cơ cấu ngân sách, nợ công để bảo đảm không vượt quá mức 65% GDP.
Dân biểu Hoa Kỳ gửi thư cho Thủ tướng Phúc
Hai dân biểu Alan Lowenthal và Zoe Lofgren cũng gửi cho thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan ngại của họ về trường hợp cụ thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Bức thư đề ngày 31 tháng 5 bày tỏ quan ngại của hai vị ký tên về trường hợp tiếp tục quản thúc Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất; cũng như lệnh cấm đi lại đối với huynh trưởng Lê Công Cầu của giáo hội này; không cho ông đến thăm viếng Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Hai vị dân biểu Hoa Kỳ nhắc lại Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự – Chính trị và Hiến pháp của Việt Nam cũng bảo đảm cho người dân quyền tự do lập hội, hội họp, và những quyền cơ bản khác.
Hai vị ký tên yêu cầu chính phủ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải có hành động cấp thời điều tra những báo cáo về tình trạng cấm huynh trưởng Lê Công Cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đi lại; dở bỏ lệnh cấm như thế; ngoài ra cho phép vị Đại lão Hòa Thượng cao niên Thích Quảng Độ được tiếp cận những chăm sóc y tế cần thiết.
Thủ tướng Phúc ‘đánh trúng tâm lý’ của ông Trump?
Các thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ đôla, tạo hàng chục nghìn công ăn việc làm ở Mỹ, đã giúp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc “lấy lòng” được “ông chủ” Nhà Trắng, giới quan sát nhận định.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích Hà Nội “đánh cắp” việc làm tại Mỹ, cũng như nói rằng Việt Nam là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Tuy nhiên, trên cương vị tổng thống, ông Trump hôm 31/5 cho báo giới biết rằng phía Mỹ “đánh giá cao” Việt Nam vì đã ký kết các thỏa thuận thương mại “mang lại công ăn việc làm cho Hoa Kỳ”.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết rằng trong chuyến công du của ông Phúc, Hoa Kỳ đã ký 13 giao dịch mới với Việt Nam trị giá tới 8 tỷ đôla, mang lại ước tính hơn 23 nghìn công ăn việc làm.
Về ý kiến của một số cư dân mạng cho rằng nhà lãnh đạo Việt Nam đã sử dụng chiến thuật “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” để lấy lòng Tổng thống Trump, bạn đọc Soat Bui nhận định với VOA Việt Ngữ rằng “đây là một sự hợp tác sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi”.
Trước Thủ tướng Phúc, ông Trump đã có các giao dịch thành công với lãnh đạo một số nước khác mà cựu doanh nhân này luôn nhấn mạnh tới chuyện mang lại việc làm cho người Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Việt – Mỹ hôm 31/5 cũng đánh dấu ngày cuối cùng trong chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho VOA Việt Ngữ biết rằng chuyến công du đã “thành công tốt đẹp”, “cho thấy đường lối ngoại giao tích cực và nỗ lực lớn của Việt Nam” và mở ra “một thời kỳ mới” trong quan hệ giữa hai nước cựu thù.
Chuyên gia về tình hình chính trị Việt Nam này cho rằng các thỏa thuận khác nhau trị giá nhiều tỷ đôla “rõ ràng đã tạo ra một bầu không khí thuận lợi và Tổng thống Trump đã phản ứng một cách tích cực”.
Đích thân nguyên thủ Mỹ thông báo rằng thương mại đứng đầu trong nghị trình thảo luận giữa đôi bên. Đây cũng là vấn đề nằm ở top đầu trong bản tuyên bố chung công bố sau đó mà theo giáo sư Thayer đã đề cập một cách “công bằng” quyền lợi của hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài, bao gồm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam
Tuyên bố chung do Nhà Trắng cung cấp có đoạn.
Nhà nghiên cứu này cũng nhận xét rằng phía Việt Nam “tỏ ra linh hoạt và đưa ra những đề xuất về cách thức các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể gia tăng việc xuất khẩu sang Việt Nam”, trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đứng ở mức khoảng 30 tỷ đôla.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài, bao gồm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam”, tuyên bố chung do Nhà Trắng cung cấp có đoạn.
Hồi cuối năm ngoái, ngay sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump từng nói với ông Tim Cook, Tổng giám đốc điều hành của Apple, rằng ông muốn tập đoàn sản xuất iPhone lập nhà máy ngay tại Hoa Kỳ, thay vì sản xuất sản phẩm ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam.
Theo giáo sư Carl Thayer, “dù dường như có sự hỗn loạn trong Nhà Trắng cũng như sự bất nhất về mặt chiến lược xuất phát từ nhiều tuyên bố trái ngược của Tổng thống Trump, Việt Nam giờ hiểu rõ hơn về đường hướng của mối quan hệ song phương với Mỹ trong những năm tới. Điều này có tính chất trấn an [Hà Nội]”.
Ông nói tiếp: “Việt Nam sẽ vẫn có thể “đa phương hóa và đa dạng hóa” mối quan hệ song phương khi biết rằng Hoa Kỳ duy trì cam kết về mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ vẫn hướng về Đông Nam Á”.
Dù dường như có sự hỗn loạn trong Nhà Trắng cũng như sự bất nhất về mặt chiến lược xuất phát từ nhiều tuyên bố trái ngược của Tổng thống Trump, Việt Nam giờ hiểu rõ hơn về đường hướng của mối quan hệ song phương với Mỹ trong những năm tới. Điều này có tính chất trấn an [Hà Nội]…
Giáo sư Carl Thayer nói.
Các bức ảnh trên mạng cho thấy rằng Tổng thống Trump đã ra tận cửa Nhà Trắng để đón lãnh đạo Việt Nam rồi sau đó cả hai tươi cười hướng về ống kính của các phóng viên. Nguyên thủ Mỹ sau đó cũng chủ động chìa tay để bắt tay ông Phúc.
Phát biểu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng với ông Trump kế bên, Thủ tướng Việt Nam nói rằng “quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lịch sử đã có những bước thăng trầm nhưng nay là đối tác toàn diện của nhau”.
Ông cũng nói tiếp rằng “cuộc hội đàm sẽ đóng góp vào sự phát triển của hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau vì hòa bình, phát triển của ASEAN, của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và của thế giới”.
Tuyên bố chung Việt – Mỹ cùng tăng cường đối tác toàn diện
Hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ ra tuyên bố chung ngay sau cuộc gặp giữa thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, thủ đô Washington DC vào chiều ngày 31 tháng 5.
Tuyên bố chung nêu rõ hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tích cực tăng cường quan hệ kinh tế cùng có lợi và ngày càng phát triển. Cả hai phía khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại song phương và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai phía; đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định Khung về Thương Mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt – Mỹ trên tinh thần xây dựng.
Hai phía hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá khoảng 10 tỉ đô la.
Trong lĩnh vực quốc phòng, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý tăng cường quan hệ trên cơ sở Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.
Tuyên bố chung cho biết hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Donald Trump trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước.
Về vấn đề tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác, hai vị lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong lĩnh vực này. Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ nhấn mạnh là nước ông sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Cả hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Donald Trump bày tỏ hoan nghênh kết quả của những cuộc đối thoại về quyền con người giữa hai phía; đặc biệt là vòng 21 Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ vừa diễn ra trong tháng 5 này tại Hà Nội. Mục đích được cho biết là để thu hẹp khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin.
Tuyên bố chung nêu rõ là thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ nhằm sớm đưa những người Việt Nam có lệnh phải rời Mỹ trên cơ sở Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ ký năm 2008 về việc nhận trở lại công dân.
Mục đích của dự thảo sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015
Cát Linh, phóng viên RFA
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015, đặc biệt là khoản 3 điều 19 về không tố giác tội phạm đang là chủ đề gây tranh cãi trong dư luận.
Trái nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp
Theo quy định tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 2015, “người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điều 389 của bộ luật.”
Từ Sài Gòn, Luật sư Đăng Mạnh, công tác tại Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm của ông về quy định tại khoản 3 điều 19 dự thảo Bộ Luật Hình sự.
“Cái điều luật như vậy nó hoàn toàn đi ngược với tập quán, thông lệ của luật sư tại hầu hết tất cả các quốc gia. Vì luật sư là người bảo vệ cho thân chủ của mình. Luật sư không có nghĩa vụ tố giác thân chủ mình. Cái điều đó không chỉ trái thông lệ, trái tập quán mà còn trái với luôn cả thiên chức của người luật sư.”
Theo ông, chính vì vậy mà hiện nay giới luật sư Việt Nam đang đưa ra những phản đối mạnh mẽ về dự thảo luật sửa đổi này.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Đại biểu Quốc hội, đưa ra quan điểm của mình dựa trên định nghĩa về vai trò và trách nhiệm của luật sư.
“Người luật sư là người căn cứ vào pháp luật, thực tế để bảo vệ thân chủ của mình trong bất cứ trường hợp nào, tìm ra những tình tiết có lợi nhất cho thân chủ của mình để bảo vệ họ.”
Nếu làm như vậy thì vai trò của người luật sư sẽ không còn là chỗ dựa tín cẩn của các thân chủ, người bị hại, bị can, bị cáo.
- LS Trần Quốc Thuận
Từ định nghĩa này, Luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra phản biện về ý kiến của hai vị đại biểu quốc hội có nguồn gốc là công an, đó là bà Nguyễn Thị Xuân, Đại tá công an, Phó Giám đốc công an tỉnh Dak Lắc, và bà Nguyễn Thị Thủy, công tác tại Viện Kiểm sát Tối cao, là đại biểu của Tỉnh Bắc Kạn. Cả hai người này đều ủng hộ dự thảo tại Điều 19 Bộ luật Hình sự là “Luật sư phải tố giác thân chủ khi họ biết thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia…”
Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng.
“Nếu luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm thì nó lại trái với quy định của công ước quốc tế, là luật sư phải bảo vệ quyền riêng tư và bí mật của thân chủ mình.”
Ông nói thêm rằng những quốc gia tiên tiến đều bảo vệ vai trò của luật sư, phải là người có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống riêng tư và bí mật trong cả vụ thưa kiện và chính thân chủ. Từ đó mới tạo được niềm tin để thân chủ bộc bạch hết sự thật và người luật sư có cơ sở để bảo vệ; còn ngược lại thì theo lời của LS Trần Quốc Thuận:
“Nếu làm như vậy thì vai trò của người luật sư sẽ không còn là chỗ dựa tín cẩn của các thân chủ, người bị hại, bị can, bị cáo.”
Ý kiến này trùng khớp với nhận định của luật sư Trương Xuân Tám – Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, được đăng tải trên báo Pháp Lý, cho rằng đặc thù nghề nghiệp của luật sư là phải giữ bí mật cho khách hàng. Nguyên tắc pháp lý và quy phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư rất khắt khe, xuất phát từ nguyên tắc phổ quát: Ở đâu có buộc tội thì ở đó cần có gỡ tội. Một nền pháp lý dân chủ thì phải tạo niềm tin cho khách hàng đối với người bào chữa.
Ngay sau khi dự thảo Luật sửa đổi này được đưa ra, rất nhiều luật sư đăng đàn phản biện, đưa ra ý kiến cá nhân của mình nhằm phản đối quy định của dự thảo. Họ dẫn chứng rằng nếu luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm thì lại trái với quy định của công ước quốc tế, vì luật sư phải bảo vệ quyền riêng tư và những bí mật của các thân chủ của mình.
Báo Pháp luật cũng có đăng tải bài bình luận về sự việc này qua nhận định của Thạc sĩ luật học – luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội. Theo ông, “quy định tại khoản 3, Điều 19 BLHS năm 2015 là một quy định có mâu thuẫn về mặt lý luận luật hình sự; mâu thuẫn, xung đột với quy định của Hiến pháp, luật luật sư, Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư và các văn bản pháp luật khác.”
Cản trở đấu tranh dân chủ?
Theo tin tức của các báo trong nước đưa ra, tuy hội nghị bàn về dự luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự 2015 nhưng điểm nóng nhất của hội nghị vẫn là Điều 19 của dự luật trong đó quy định luật sư cũng phải tố giác tội phạm nếu đó là những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Nhận xét đặc biệt về việc vì sao dự thảo Luật sửa đổi lại nhấn mạnh vào “những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia’, Luật sư Mạnh Đăng cho biết:
“Đối với cá nhân tôi, tôi nhìn nhận việc này là một quan điểm không nhất quán, nhất là rất nguy hiểm trong tình hình hiện nay. Vì hiện nay, những điều luật thuộc về xâm phạm an ninh quốc gia, thì ngoài một số điều luật tương đối rõ ràng, bên cạnh đó vẫn còn một số như Điều 88, Điều 258…nó khá mơ hồ và dễ trở thành ‘hồ lô’, nó có thể thu hút hết tất cả những đối tượng nào mà chính phủ cho là không thích hợp với chính quyền”
Luật sư Đăng Mạnh nói rõ thêm, chính vì những điều luật mơ hồ đó mà những người có tiếng nói hoặc nhận xét về chính sách của nhà cầm quyền thì dễ dàng bị kết vào tội do chính quyền đặt sẵn trong Bộ Luật Hình sự.
Đối với cá nhân tôi, tôi nhìn nhận việc này là một quan điểm không nhất quán, nhất là rất nguy hiểm trong tình hình hiện nay.
- Luật sư Mạnh Đăng
Thực tế trong những năm qua, rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ, hoạt động xã hội trở thành bị can, bị cáo với cáo buộc phạm tội theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, hoặc Điều 88 “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…
Theo luật sư Đăng Mạnh, điều này sẽ là một cản trở lớn cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước
“Những luật sư bào chữa cho thân chủ đó nếu “phải luôn canh cánh trong lòng nỗi lo bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng với thân chủ mình nếu như họ không tố giác thân chủ. Tôi nghĩ điều này sẽ vô hình trung giới hạn đi tiến trình dân chủ đang rất cần có ở Việt Nam.”
Nhấn mạnh thêm, ông cho biết có vẻ như mục đích của dự thảo luật sửa đổi lần này chỉ với một lý do như thế.
“Nếu như không truy cứu trách nhiệm luât sư trong những tội danh khác, mà chỉ riêng trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì hình như mục đích của điều luật này chỉ làm điều đó mà thôi, hạn chế luật sư tham gia bảo vệ cho những người đấu tranh dân chủ, những người mà chủ trương của họ trái với chính quyền sở tại.”
Theo ông, đối với tiến trình dân chủ hiện nay, việc đưa ra những quy định hạn chế hành nghề luật sư, thì vô hình trung nó góp phần làm “thui chột” đi nghề luật sư. Đây cũng chính là điểm mà Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu tỉnh Khánh Hòa đặt ra trong buổi tranh luận với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Cuối buổi tranh luận ngày 27 tháng 5, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra ngồi lại thảo luận với các luật sư, thậm chí có thể mời các nhà làm luật tranh luận riêng về nội dung sửa đổi như thế.
Nghệ An: Chuyện gì xảy ra ở một giáo xứ?
Trong hai ngày 30-31/5, một số giáo dân thuộc giáo họ Văn Thai, xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nói có xảy ra sự việc họ bị người lạ “tấn công, gây thương tích và hư hỏng tài sản”.
Các vụ việc này, vẫn theo những nguồn tin trên, xảy ra ngay sau khi chính quyền Sơn Hải tổ chức một cuộc diễn tập quân sự (27-28/05) mà theo một số người dân địa phương thì đã có xảy ra xô xát.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu phủ nhận các thông tin trên và khẳng định cuộc diễn tập diễn ra suôn sẻ và cuộc sống người dân ở đây luôn ổn định bình thường.
Chuyện gì đã xảy ra?
Trong hai đêm 30- 31/5, sau khi linh mục Nguyễn Đình Thục cùng giáo dân làm lễ tại giáo họ Văn Thai, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, thì xảy ra các vụ việc, linh mục nói với BBC.
Linh mục Nguyễn Đình Thục, người phụ trách giáo họ Văn Thai, thuộc giáo xứ Song Ngọc, nói “có người đến rất đông cầm theo gậy gộc, vũ khí, uy hiếp và ném đá vào nhà giáo dân”.
Ông cho biết, gia đình của một giáo dân phải di tản, ba chiếc xe máy, cửa kính, tivi đều bị đập nát và người vợ phải đi bệnh viện điều trị vì bị thương.
Một giáo dân khác sở hữu cửa hàng nhôm kính cơ khí thì tài sản cũng bị đập phá nặng nề.
Theo linh mục, giáo dân nhận ra một số người trong nhóm tấn công là các “thành phần nghiện hút, ma tuý và cờ bạc trong xã nhưng cũng có một số người là ở xã khác đến.”
Có ít nhất 7-8 hộ bị hư hại nặng nề, còn lại bị bể ngói, bể cửa. Một số giáo dân đi di tản vẫn chưa dám quay về, nên vẫn chưa thống kê được thiệt hại, linh mục cho biết.
Ông nói có rất nhiều cán bộ công an xuất hiện trong hai đêm vừa rồi nhưng họ lại không ngăn cản người dân mà chỉ đứng nhìn.
Trước tình trạng căng thẳng, linh mục nói ông có yêu cầu lực lượng công an can thiệp,
“Vài cán bộ công an nói tôi nên lên xe họ đưa về vì ở ngoài dân rất đông và rất nguy hiểm. Tôi hỏi vì sao họ không ổn định trật mà cứ muốn đưa tôi về thì họ im lặng,” linh mục Thục kể lại.
Xung đột từ cuộc diễn tập?
Chủ nhật tuần trước, hôm 28/5, chính quyền tổ chức một cuộc diễn tập tại xã Sơn Hải mà địa điểm diễn tập lại ngay sát nhà thờ giáo họ Văn Thai.
Theo sơ Liêm, một nữ tu tại nhà thờ Văn Thai cho biết tầm 9 giờ kém sáng 28/5 “có hơn chục tiếng nổ ở bên sông cạnh nhà thờ”.
“Một người nằm trước nòng súng nói là ‘không thà bắn tôi chết, còn hơn đụng đến chỗ linh thiêng này,’” Sơ Liêm thuật lại.
Bà Nguyễn Thị Trà một giáo dân từ giáo xứ Phú Yên đi ngang qua, định quay phim lại vụ việc thì đột nhiên bị tấn công và bị đưa lên UBND xã Sơn Hải.
Bà Trà cũng nói có một thanh niên bị đánh vào đầu chảy máu mũi và tai, trên đường đi bệnh viện thì có hiện tượng nôn mửa.
Trước những thông tin trên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Hữu Viên hoàn toàn phủ nhận các vụ việc tấn công, bất ổn tại xã Sơn Hải.
Linh mục cho biết giáo họ có khoảng 700 giáo dân tuy nhiên nằm tách biệt khỏi giáo xứ, và xung quanh là lương dân.
Diễn tập ‘chống biểu tình của giáo dân’
Trước đó, báo Nghệ An nhiều lần mô tả Linh mục Thục và Linh mục Đặng Hữu Nam là những phần tử “gây kích động, phản động trong cộng đồng”.
“Việc diễn tập là hoàn toàn diễn ra theo kế hoạch đầu năm của huyện. Các xã có trách nhiệm báo cáo cho nhân dân về các kế hoạch của xã,” ông Viên nói với BBC hôm 1/6.
Khi được hỏi về các vụ tấn công, các vụ bạo động thì ông Viên liên tục nhấn mạnh là “mọi chuyện bình thường, không có vấn đề gì cả.”
Về địa điểm của buổi diễn tập, ngay gần nhà thờ Văn Thai, vốn tập trung đông đúc dân cư, ông Viên nói “Nó nằm ở trong kế hoạch nên không có vấn đề gì đâu!”
Ông cũng phủ nhận thông tin sử dụng súng đạn và mìn tại buổi diễn tập. Tuy nhiên các hình ảnh lan tràn trên mạng cho thấy một người đàn ông cầm một khẩu súng trường và có vỏ đạn vương vãi trong khuôn viên nhà thờ.
“Các xã khác thì tôi không rõ, chứ xã Sơn Hải không vấn đề cả. Mối quan hệ lương dân với giáo dân bình thường. Anh em mới đi lễ dâng hoa Đức mẹ về đây.” ông Viên cho biết.
BBC đã cố gắng liên lạc với với chủ tịch và phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, và chủ tịch xã Sơn Hải nhưng máy bận trong ngày 01/06.
Trang web của Đài Truyền hình Nghệ An viết:
“Trong diễn tập thực binh, trung đội dân quân cơ động xã thực hành tình huống giả định đó là giải tán một cuộc kích động, biểu tình của bà con giáo dân về sự cố gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa tại trụ sở UBND xã.”
Xã Sơn Hải là đơn vị điểm tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ năm 2017 của huyện Quỳnh Lưu, theo trang web này.
“Cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ bao gồm các nội dung: chuyển xã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao; xử lý A2 theo kế hoạch bắt con tin; điều chỉnh kế hoạch phòng không nhân dân chuyển từ thời bình sang thời chiến; đưa địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và điều chỉnh kế hoạch chiến đấu phòng thủ.”
Truyền thông Việt Nam cho hay hồi tháng 4 vừa qua đã có các vụ va chạm giữa giáo dân và lực lượng công an tại Quỳnh Lưu.
Đài truyền hình Nghệ An có phóng sự hôm 26/04 nói Linh mục quản xứ Song Ngọc Nguyễn Đình Thục đã lên loa thông tin cho bà con giáo dân và kéo tới trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu để đòi lại số hàng hóa “bị công an đạp đổ”.
Còn theo báo Nghệ An hồi tháng 2/2017, “một số giáo dân ở Quỳnh Lưu bị kích động tụ tập gây mất an ninh trật tự”
Được biết, căng thẳng tại khu vục này đã xảy ra một thời gian qua.
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị trực tuyến ngày 15/5, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Cầu nói thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng có sự “câu kết của các thế lực phản động ngoài nước với các đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo”, báo Nghệ An viết, đồng thời đề xuất chính phủ cho áp dụng các ‘chiến lược nhằm sớm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn’.
Đáp lại, linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt gần đây rằng những ‘hành vi sai trái’ mà giới chức cáo buộc đã xảy ra tại Nghệ An trong năm tháng đầu năm 2017 đều bắt nguồn từ việc các linh mục sát cánh, dẫn dắt người dân đấu tranh phản đối Formosa.
0 nhận xét