Tin khắp nơi – 18/06/2017
Quân Iraq tấn công Cổ thành Mosul
Quân lực của Iraq nói rằng họ đã tiến hành một cuộc tấn công vào khu thành cổ Mosul, quận cuối cùng bị nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ.
Các đơn vị đặc biệt đang tiến vào quận này từ phía phía tây và cảnh sát liên bang đang tiến vào ở phía nam, một tuyên bố nói.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) nói rằng có tới 100.000 thường dân bị mắc kẹt bên trong Cổ thành với rất đông cư dân.
Người dân đã được yêu cầu rời khỏi khu vực nếu có thể.
Trận chiến là sự bắt đầu của một kết thúcPhóng viên BBC Joan Soley
Khoảng 230 thường dân đã thiệt mạng ở mạn tây Mosul trong hai tuần qua, theo LHQ, một số chết trong các cuộc không kích và tấn công bằng hỏa tiễn, một số khác bị những tay súng bắn tỉa của IS bắn chết khi họ cố chạy trốn.
Các lực lượng Iraq nói với BBC rằng họ không biết có bao nhiêu chiến binh IS còn ở bên trong Cổ thành.
Những người dân trốn khỏi khu vực này gần đây mô tả điều kiện sống tuyệt vọng, với nhiều người cạn kiệt nước và thực phẩm.
‘Bắt đầu của sự kết thúc’
Cuộc tấn công do Mỹ hậu thuẫn để tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, hiện đang ở tháng thứ chín. Các lực lượng Iraq đã chiếm lại phần phía đông của thành phố vào tháng Mười.
Hàng ngàn binh sỹ thuộc lực lượng an ninh Iraq, các chiến binh người Kurd Peshmerga, các tay súng bộ tộc Arab theo hệ phái Sunni và các chiến binh theo hệ phái Shia, được sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng với các cố vấn quân sự, tham gia vào cuộc tấn công
IS tràn vào Mosul vào tháng 6 năm 2014, ngay sau đó tuyên bố thiết lập một ‘vương triều’ hồi Giáo trên phần lãnh thổ mà các phần tử này đã kiểm soát được.
Phái viên của BBC ở Trung Đông Joan Soley mô tả đây là sự bắt đầu của một kết thúc.
Các bộ phận khác nhau của lực lượng an ninh Iraq đã tiếp cận gần hơn về mọi hướng. Họ sẽ không thể dừng chiến dịch lại ngay hiện nay cho đến khi nào lấy lại toàn bộ Cổ thành.
Mặc dù các nguồn tin của Iraq và liên minh nói rằng có một “hành lang nhân đạo” chạy dọc theo con sông, số còn kẹt lại bên trong khu vực chắc chắn sẽ chịu thương vong đáng kể, trong đó có thường dân, các lực lượng Irac và các chiến binh IS.
Đối với chính phủ Iraq, lấy lại thành cổ giống như việc cán đích. Hình ảnh mạnh mẽ của lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi khi tuyên bố bên trong nhà thờ Hồi giáo Nuri cách đây ba năm là điều mà quân đội Iraq đang quyết tâm thay thế bằng một hình ảnh “chiến thắng” – cho dù điều đó có nghĩa là chiến trận ác liệt đến mức nào hay khu Nhà thờ đạo Islam có thể bị ‘thổi bay’.
Kể cả sau đó vẫn có thể sẽ còn giao chiến. Khu vực giữa Mosul và biên giới Syria vẫn còn phải được đảm bảo và thị trấn Hawija, nằm giữa Baghdad và Mosul, vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của IS, theo phái viên của chúng tôi.
IS ‘bêu xác 40 người tại Mosul’
Nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm thứ Ba đã bắn chết 40 dân thường tại thành phố Mosul của Iraq sau khi cáo buộc họ tội phản bội, Liên Hiệp Quốc nói.
Thi thể những người này sau đó bị treo lên cột điện tại một số quận, văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ dẫn một số nguồn tin nói.
Tin tức nói một người đàn ông bị bắn chết nơi công cộng tại trung tâm Mosul vì dám phớt lờ lệnh cấm sử dụng điện thoại mà IS đưa ra.
Các lực lượng an ninh Iraq đang tiếp tục nỗ lực lấy lại Mosul từ tay IS.
Vụ sát hại dân thường có vẻ như đã được thực hiện theo lệnh của “các tòa án” tự mở, theo bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc.
40 thường dân này bị cáo buộc “phản bội và hợp tác với kẻ thù”, bị bắt mặc đồ màu cam trên có ghi những chữ viết màu đỏ “những kẻ phản bội, tay chân của ISF” (tức Các lực lượng An ninh Iraq).
Liên Hiệp Quốc nói 20 dân thường cũng bị bắn chết vào tối hôm thứ Tư tại căn cứ quân sự Ghabat ở miền nam Mosul, có lẽ bởi họ bị cho là đã làm tiết lộ thông tin.
Liên Hiệp Quốc cũng tỏ ý quan ngại về việc IS sử dụng thiếu niên và trẻ em trai. Trong một video của IS, được đưa ra hôm thứ Tư, người ta thấy trẻ em bắn chết bốn người về tội làm gián điệp.
IS hôm 6/11 cũng tuyên bố họ đã chặt đầu bảy tay súng về tội bỏ chạy khỏi chiến trận tại quận Kokjali thuộc miền đông Mosul, Liên Hiệp Quốc nói.
Trong số các nguồn cung cấp tin cho Liên Hiệp Quốc có một người đàn ông, là người đã giả chết trong một vụ các tay súng IS tiến thành thảm sát.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Zeid Raad al-Hussein đã kêu gọi chính phủ Iraq phải “hành động nhanh chóng để lập lại pháp luật tại các khu vực đã lấy lại được từ tay IS để đảm bảo rằng các tay súng bị bắt giữ và những người ủng hộ họ được đối xử theo đúng pháp luật.”
Những lượng lớn chất amoniac và lưu huỳnh, là các nguyên liệu có thể dùng để chế tạo vũ khí hóa học, đang được IS tích trữ và cất giấu ở gần khu dân cư, Liên Hiệp Quốc nói.
Các lực lượng thân chính phủ hồi tháng trước đã bắt đầu chiến dịch nhằm tái chiếm Mosul, thành phố bị IS kiểm soát từ 2014.
Chiến dịch hiện đang trong tuần thứ tư, với sự tham dự của chừng 50,000 người thuộc các lực lượng an ninh, quân đội, cảnh sát Iraq, các tay súng Peshmerga người Kurd, các thành viên bộ lạc Ả-rập Sunni, và các dân quân người Shia.
Cháy rừng ở Bồ Đào Nha: 57 người chết
Một đám cháy rừng khốc liệt ở Bồ Đào Nha làm chết ít nhất 57 người, 59 người bị thương, theo giới chức.
Nhiều người thiệt mạng trong xe hơi của họ khi đang cố chạy thoát thân khỏi vùng Pedrógão Grande, cách đông nam Coimbra 50 km.
Một số nhân viên cứu hỏa nằm trong số 59 người bị thương.
Đây dường như là bi kịch lớn nhất mà chúng ta đã thấy trong những năm gần đây về cháy rừngThủ tướng Antonio Costa
“Thật không may, đây dường như là bi kịch lớn nhất mà chúng ta đã thấy trong những năm gần đây về cháy rừng,” Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa nói.
Số người chết có thể còn tăng thêm, ông nói thêm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Jorge Gomes nói ba người thiệt mạng vì khói trong hỏa hoạn và 18 người đang di chuyển trong bốn chiếc xe thiệt mạng trên con đường nối giữa Figueiró dos Vinhos với Castanheira de Pera.
Truyền thông Bồ Đào Nha nói rằng ngọn lửa không còn dễ kiểm soát nữa mặc dù có khoảng 600 nhân viên cứu hỏa đang cố gắng dập tắt.
‘Dội bom nước’
Trong số 59 người bị thương có một bé gái 8 tuổi bị bỏng được tìm thấy khi đang đi một mình gần đám cháy, tờ Correio do Manhã đưa tin.
Sáu nhân viên cứu hỏa bị thương nặng, đài truyền hình RTP chay hay, và hai người mất tích.
Báo Correio do Manhã cảnh báo rằng nhiều khu vực hỏa hoạn tấn công vẫn chưa được các nhân viên cứu hỏa và chính quyền tiếp cận, do đó số người chết còn có thể tăng lên.
Khoảng 60 vụ cháy rừng đã xảy ra trên khắp đất nước trong đêm qua, với gần 1.700 nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt trên khắp Bồ Đào Nha.
Ngọn lửa ‘cuồng bạo’ lan rộng trên cả bốn mặt gần Pedrógão Grande, Bộ trưởng Gomes nói.
Tây Ban Nha đã cử hai phi cơ ‘dội bom nước’ để giúp giải quyết các vụ hỏa hoạn.
Hiện chưa rõ nguyên nhân, tuy nhiên, Thủ tướng Costa nói sấm chớp có thể là một nguyên nhân gây hỏa hoạn.
Bầu cử Quốc hội Pháp:
Đảng của Macron dự kiến thắng áp đảo
Đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ giành chiến thắng áp đảo trong vòng hai bầu cử Quốc hội hôm 18/6.
Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Cộng hòa Tiến Bước, LREM) và liên minh MoDem sẽ giành 75-80% ghế.
Các chính đảng truyền thống đang giục cử tri ủng hộ các đối thủ của ông Macron để ngăn độc quyền quyền lực.
Một đảng cần 289 ghế để kiểm soát Quốc hội có 577 ghế dân biểu. LREM được dự báo sẽ giành được hơn 400 ghế.
Ông Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng trước và hiện ông hy vọng sẽ giành được đa số tại quốc hội để thúc đẩy kế hoạch cải cách.
Ông thành lập đảng cách đây hơn một năm, và một nửa số ứng viên của đảng này có ít hoặc không có kinh nghiệm hoạt động chính trị.
Các ứng viên này gồm một đấu sĩ đấu bò đã giải nghệ, một người tỵ nạn Rwandan và một nhà toán học.
Điều gì đã xảy ra trong vòng một?
Trong vòng đầu, LREM và MoDem đã giành được 32,3% lượng phiếu.
Cánh hữu được 21,5%, cánh cực tả 13,2%.
Đảng Xã hội chỉ giành được 9,5%.
Tuy nhiên, lượng người đi bỏ phiếu thấp, dù Tổng thống Macron nhiệt tình kêu gọi công chúng đi bầu.
Nga chỉ trích Mỹ ‘chống Cuba’
Bộ Ngoại giao Nga hôm 18/6 nói rằng các hành động “chống Cuba” mà Washington mới công bố là điều đáng tiếc và rằng Moscow khẳng định tình đoàn kết với Havana.
Theo Reuters, Bộ này cũng nói rằng cách tiếp cận mới đối với Cuba của chính quyền Mỹ giống như thời “Chiến tranh Lạnh”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/6 thông báo hủy bỏ thỏa thuận mà ông nói là “sai lầm và tệ hại” với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama.
Các biện pháp mới bao gồm thắt chặt các hạn chế về du lịch và cấm các giao dịch tài chính với các tổ chức có liên hệ tới các cơ quan tình báo và quân đội Cuba.
Chính phủ Cuba hôm 16/6 ra thông cáo, nói rằng Havana “sẵn sàng tiếp tục đối thoại mang tính tôn trọng và tiếp tục hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm với Mỹ”.
Thông cáo nói rằng Cuba và Mỹ đã chứng tỏ trong hai năm qua rằng “họ có thể hợp tác và sống cùng nhau một cách lịch sự, tôn trọng những khác biệt và cổ xúy những điều có lợi cho cả hai nước và người dân hai nước”.
Tuy nhiên, Cuba cảnh báo rằng Mỹ “không nên cho rằng Cuba phải nhượng bộ về chủ quyền và sự độc lập của mình, và Cuba cũng không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào như vậy”.
Tai nạn tàu chiến ở Nhật :
Hải quân Mỹ tìm được thi thể 7 thủy thủ
Một ngày sau vụ khu trục hạm Hoa Kỳ USS Fitzgerald bị một tàu chở hàng đâm, hôm nay, 18/06/2017, chỉ huy Hạm đội Bảy thông báo đã tìm được thi thể 7 thành viên thủ thủy đoàn bị coi là mất tích. Câu hỏi đặt ra là : Làm thế nào một chiến hạm thuộc loại hiện đại nhất của Mỹ lại gặp nạn?
Theo phó đô đốc, tư lệnh Hạm đội Bảy Joseph Aucoin, thi thể các thủy thủ đã được tìm thấy trong khoang ngủ của con tàu. Tai nạn xảy ra vào khoảng 2 giờ sáng, giờ địa phương, đúng vào lúc đa số thủy thủ đang trong giấc ngủ. Trả lời báo giới, chỉ huy Hạm đội Bảy giải thích là vết thủng lớn đã khiến cả một cột nước khổng lồ ập vào tàu, khiến những người ở gần đó gần như không có cơ may sống sót.
Theo AFP, hôm qua, vào cuối buổi chiều, 16 giờ sau tai nạn, khu trục hạm dài 154 mét đã trở về căn cứ hải quân Yokosuka, miền tây Nhật Bản. Chính tại đây, các thợ lặn bắt đầu công việc tìm kiếm người mất tích bên trong con tàu.
Phó đô đốc Joseph Aucoin cũng cho biết hạm trưởng Bryce Benson bị thương, được sơ tán khỏi tàu cũng nhiều thủy thủ, hiện đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Lãnh đạo Hạm đội Bảy không đưa ra bất cứ bình luận nào về nguồn gốc tai nạn. Vụ tàu chiến Mỹ bị đâm xảy ra tại một khu vực giao thông hàng hải tấp nập, tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra tai nạn, thời tiết ổn định. Khu trục hạm USS Fitzgerald thuộc loại hiện đại nhất, được trang bị các radar tân tiến, đang hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch của Hạm đội Bảy tại vùng biển Triều Tiên.
Về nguyên tắc, phía Nhật Bản sẽ mở điều tra, nhưng theo hiệp ước hợp tác an ninh song phương, Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò chính trong các điều tra, nếu vụ việc liên quan đến các chiến hạm tối tân của Hải quân Mỹ.
Tàu gây tai nạn ACX Crystal mang cờ Philippines, nhưng thuộc tập đoàn hàng hải NYK Line của Nhật. Không có ai trong số 20 thủy thủ của tàu bị thương. Người phát ngôn của hãng NYK Nhật cho AFP biết sẽ « hợp tác hoàn toàn » với nhà chức trách trong vụ này.
Taliban tấn công đồn cảnh sát Afghanistan
Phiến quân Taliban đã tấn công một trụ sở cảnh sát cấp tỉnh ở miền đông Afghanistan, giết chết 5 người và làm bị thương ít nhất 20 người.
Cuộc tấn công xảy ra sáng sớm 18/6 ở Gardez, thủ phủ tỉnh Paktia. Khởi đầu vụ tấn công là một vụ đánh bom tự sát gắn trên xe hơi tại lối vào được bảo vệ nghiêm ngặt. Hình ảnh video cho thấy vụ nổ lớn đã làm sập một vài khối nhà của trụ sở.
Theo phát ngôn viên Bộ Nội vụ Najib Danish, vụ đánh bom giúp cho một nhóm phiến quân với vũ khí đầy mình mở đường lao vào trong khu nhà.
Một phát ngôn viên Taliban tuyên bố vụ tấn công đã “giết chết và làm bị thương hơn 100 nhân viên an ninh”.
Trong khi đó, những tay súng chưa rõ của phe nào đã bắt cóc là một công dân Mỹ vào sáng sớm 18/6 ở Kabul.
Irak : Daech cầm giữ 100.000 bia người tại Mossoul
Quân đội Irak thông báo tấn công vào điểm kháng cự cuối cùng của Daech tại Mossoul. Liên Hiệp Quốc khẳng định Daech sử dụng 100.000 thường dân làm bia đỡ đạn. Trận đánh vào khu phố cổ, được dự báo rất khó khăn vì hết đất chạy, Daech sẽ tử chiến.
Các lực lượng của Irak hôm nay 18/06/2017 bắt đầu tấn công vào khu phố cổ Mossoul, điểm chống cự cuối cùng tại thành phố lớn thứ hai Irak, nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từ năm 2014. Trên đây là tuyên bố của tướng Adbelamir Yarallah, chỉ huy chiến dịch tái chiếm Mossoul.
Trong một thông cáo, tướng Adbelamir Yarallah cho biết « các lực lượng quân sự, chống khủng bố và cảnh sát quốc gia đã bắt đầu tấn công vào khu phố cổ Mossoul ». Tướng Abdel Wahab al-Saadi, một chỉ huy lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố cũng đã khẳng định thông tin trên với AFP. Mossoul là thành phố lớn cuối cùng mà quân đội chính phủ Irak chưa hoàn toàn kiểm soát từ khi chiến dịch tái chiếm lãnh thổ được tiến hành từ hơn một năm nay.
Trong bối cảnh Daech bị thua trên hai chiến trường từ Syria cho đến Irak, ông Bruno Geddo, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn ở Irak ngày 16/06/2017 khẳng định với báo chí tại Genève là khoảng 100.000 thường dân Irak bị giữ lại bên trong thành phố Mossoul để làm « lá chắn sống » cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Cao ủy Bruno Geddo cũng cho biết thêm là Daech « gom dân về đây với mục đích đánh trận cuối cùng gây thiệt hại thật nặng, hầu để lại tiếng vang trong lịch sử ».
Chiến binh Daech tích trữ lượng thực, thực phẩm trong khi thức ăn, điện, nước và xăng dầu can kiệt. Liên Hiệp Quốc lo ngại điều kiện sống của các thường dân còn đang mắc kẹt bên trong thành phố Mossoul ngày càng thiếu thốn.
Hiệu ứng nhà kính :
Pháp lập Quỹ khí hậu để thu hút nhân tài… Mỹ
Hai tuần sau khi tổng thống Emmanuel Macron mời gọi khoa học gia Mỹ và quốc tế sang Pháp nghiên cứu chống biến đổi khí hậu, chính phủ Pháp tháo khoán 30 triệu euro đầu tiên để « tiếp đón khoảng 50 nhà nghiên cứu trong vòng 5 năm ».
Theo AFP, trong thông báo ngày 17/06/2017 bộ trưởng bộ Đại Học và Nghiên Cứu Frederique Vidal cho biết « Chương trình ưu tiên nghiên cứu chống biến đổi khí hậu » có ngân sách lên đến 60 triệu euro. Chính phủ đóng góp phân nửa là 30 triệu, theo tỷ lệ mỗi euro do đại học và các cơ quan nghiên cứu chi ra sẽ được Nhà nước ủng hộ thêm một euro.
Cách nay hai tuần, khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút bỏ Hiệp Định Khí Hậu Paris COP 21, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi giới khoa học gia và các nhà công nghiệp Mỹ sang Pháp làm việc.
Lời kêu gọi « hãy làm hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại » đã được cộng đồng mạng đón tiếp nồng nhiệt với hơn 240.000 chia sẻ trên toàn cầu. Một tuần sau, Điện Elysée mở tài khoản trên internet để quảng bá lời mời gọi này sau khi hội ý với bộ trưởng Sinh Thái Nicolas Hulot và chính phủ.
Ngân sách 60 triệu euro tài trợ cho các chuyên gia ngoại quốc, đặc biệt là Mỹ, trong các ngành nghiên cứu về biến đổi khí hậu, địa cầu và chuyển tiếp năng lượng.
Hỏa hoạn ở Luân Đôn :
Cảnh sát thừa nhận 58 người thiệt mạng
Về vụ hỏa hoạn ở khu nhà xã hội Grenfelle đêm 13, rạng sáng 14/06/2017, tại quận Kensington và Chelsea, Luân Đôn, cơ quan cảnh sát thủ đô Anh Quốc thừa nhận ít nhất 58 người thiệt mạng. Pháp đề nghị hỗ trợ điều tra.
Reuters cho biết ông Stuart Cundy, cảnh sát trưởng thành phố Luân Đôn, hôm qua 17/06/2017, phát biểu với báo chí : “Thật đáng buồn là cho tới giờ, 58 người mà chúng tôi được báo là có mặt trong tòa nhà Grenfell đêm hôm đó vẫn mất tích. Vì vậy, tôi lấy làm tiếc phải thông báo chúng tôi nghĩ là họ đã chết”. Trong số 58 người này, có 30 người được khẳng định đã chết, số còn lại là mất tích và được phỏng đoán là đã thiệt mạng. Tuy nhiên, cảnh sát trưởng Stuart Cundy cũng cho biết là con số này còn có thể sẽ tăng thêm.
Nếu con số 58 người chết là đúng, thì vụ cháy chung cư cao tầng Grenfell là vụ hỏa hoạn có nhiều người thiệt mạng nhất tại Luân Đôn từ sau Thế Chiến đệ nhị tới nay.
Hôm qua, phát biểu từ điện Buckingham, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị nhấn mạnh « đất nước đã phải gánh chịu hàng loạt thảm họa kinh hoàng ». Nhưng nữ hoàng rất cảm kích trước tinh thần tương trợ và đoàn kết của người dân sau vụ khủng bố ở Manchester và đám cháy tòa tháp Grenfell.
Còn thủ tướng Anh Theresa May, sau những chỉ trích của công chúng, chiều hôm qua đã tổ chức một cuộc họp khẩn với các bộ trưởng để kiểm tra những việc nhà chức trách đã xử lý được sau vụ hỏa hoạn Grenfell. Thủ tướng thông báo chi ngay lập tức 5,7 triệu euros để hỗ trợ gia đình các nạn nhân ổn định lại chỗ ở. Bà Theresa May cũng đã đón tiếp các nạn nhân thảm họa Grenfell tại phủ thủ tướng.
Mặc dù cho rằng hành động của các đơn vị cứu hỏa, cứu hộ, chăm sóc ý tế là rất anh dũng, nhưng thủ tướng Anh Theresa May thừa nhận công tác hỗ trợ và cung cấp thông tin trong những giờ đầu khi đám cháy xảy ra là chưa đủ.
Cũng trong ngày hôm qua, ông Richard Ferrand, bộ trưởng Quy Hoạch Phát Triển Pháp đã đề nghị hỗ trợ Luân Đôn điều tra nguyên nhân hoả hoạn và các yếu tố khiến đám cháy Grenfell lan rộng và nhanh. Bộ trưởng Richard Ferrand cũng yêu cầu Trung tâm khoa học và kỹ thuật xây dựng nhanh chóng báo cáo về các quy định an ninh phòng cháy chữa cháy tại Pháp.
Hoa Kỳ :
Biểu tình vì một cảnh sát giết người da đen được trắng án
Căng thẳng gia tăng tại St-Paul, Minnesota, sau khi tư pháp Hoa Kỳ xử trắng án cho một cảnh sát đã bắn chết Philando Castile, một người đàn ông da đen 32 tuổi, khi kiểm tra xe hơi của người nàyhồi năm ngoái. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình, chặn một đường cao tốc. 18 người đã bị cảnh sát bắt.
Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet giải thích :
« Tạm thời không có vụ bạo động nào, chỉ có một cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia. Họ nổi giận vì một bản án mà bà Valérie Castile, mẹ của nạn nhân lấy làm tiếc là đã quá quen thuộc với người da đen. Bà nói : « Cả hệ thống tiếp tục coi thường người da đen và sẽ tiếp tục coi thường tất cả các bạn. Con trai tôi yêu thành phố này và thành phố này đã giết chết con tôi. »
Vụ việc đã gây tiếng vang trên toàn thế giới, vì khi cảnh sát Jeronimo Yanẽz bắn Philando Castile, cô Diamond Rachel, bạn gái của anh Castile đang ngồi trong xe với cô con gái nhỏ. Cảnh quay vidéo đã được phát trực tiếp trên Faceboook. Người ta nghe thấy tiếng cô Diamond Rachel : « Ôi Chúa ơi, đừng nói với tôi là anh ấy đã chết rồi … Làm ơn nói với tôi là bạn trai tôi chưa chết … Làm ơn … Ôi không ! »
Trong phiên tòa, Jeronimo Yanẽz vừa khóc vừa giải thích là anh sợ tính mạng bị đe doạ khi Philando Castile cho tay vào túi rút ví để lấy giấy phép lái xe. Viên cảnh sát tin là Philando Castile sẽ rút súng ra bắn. Chưởng lý khi đó đánh giá là không một cảnh sát có lý trí nào lại nổ súng trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng bồi thẩm đoàn đã không nghe theo.
Play Video
Những người Mỹ da đen có người thân trong gia đình bị cảnh sát giết hại vào năm ngoái có cảm giác phải chịu bất công sâu sắc tại Hoa Kỳ. Vụ việc này gợi cho họ nhớ tới một quá khứ mà họ từng nghĩ là đã lùi xa.»
Vòng hai Quốc Hội Pháp :
Thủy triều xã hội công dân mấp mé thềm nghị viện
Cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu từ 8 giờ sáng chủ nhật 18/06/2017 để bầu Quốc Hội mới, chọn ra 573 dân biểu trong tổng số 1146 ứng cử viên vượt qua vòng một. Nếu kết quả được dự báo được xác nhận, đảng Cộng Hoà Tiến Bước sẽ chiến thắng áp đảo. Tân tổng thống Macron có thể tiến hành cải cách kinh tế, xã hội đớn đau với một nghị viện hoàn toàn « mới » theo đúng nghĩa.
Quy mô chiến thắng của phe tổng thống sẽ như thế nào là ẩn số duy nhất của cuộc bầu cử này và sẽ được giải đáp vào 20 giờ chiều nay, khi tất cả phòng phiếu đóng cửa. Theo các dự báo, đảng Cộng Hoà Tiến Bước sẽ giành được từ 400 đến 470 ghế trên 577 trong bối cảnh hai chính đảng tả hữu truyền thống bị suy yếu (trong số bốn ứng viên đắc cử ngay sau vòng một, thì hai người là thành viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước và một người tuyên bố ủng hộ tổng thống Macron).
Nhưng cho dù kết quả phòng phiếu có chênh lệch với dự báo đến đâu thì Quốc Hội mới cũng hầu như đổi mới hoàn toàn.
Trước hết về nhân sự, chỉ có 222 dân biểu mãn nhiệm vào được vòng hai. Đa số dân biểu khóa trước hoặc bị loại ở vòng một hoặc không tái tranh cử vì đạo luật cấm kiêm nhiệm lần đầu tiên được áp dụng. Từ nay, một chính trị gia Pháp không thể vừa là dân biểu, vừa là thị trưởng hay nghị viên trong chính quyền địa phương như truyền thống từ hơn 50 năm nay.
Hệ quả đầu tiên là đa số ứng cử viên, nhất là của đảng Cộng Hoà Tiến Bước và của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise), đều xuất thân từ xã hội công dân, những nhà hoạt động hội đoàn hay trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn.
Cái mới thứ hai là lần đầu tiên số nữ ứng cử viên vượt kỷ lục : 246 người vào chung kết. Nếu dự báo của các viện thăm dò chính xác thì trong Quốc Hội mới, tỷ lệ phái yếu sẽ lên đến 42%. Tại châu Âu, Pháp chỉ còn đứng sau Thụy Điển trong chính sách cân bằng nam nữ tại nghị trường.
Là một nhà chính trị chưa có tiếng tăm cách nay ba năm, tân tổng thống Emmanuel Macron sắp vượt qua được thách thức cuối cùng : chiếm đa số rộng rãi tại Hạ Viện để tiến hành ba cuộc cải cách quan trọng. Đó là đạo đức hóa đời sống chính trị, sửa đổi luật lao động và tăng cường các biện pháp chống khủng bố đang đe dọa thường trực nước Pháp và châu Âu.
0 nhận xét