Tin khắp nơi – 11/06/2017
Philippines ‘không nhờ’ Mỹ chống chiến binh
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 11/6 cho biết rằng ông không nhờ Washington hỗ trợ chấm dứt cuộc vây hãm của các chiến binh Hồi giáo tại một thành phố của nước này.
Theo Reuters, tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ thông báo đã giúp đỡ Philippines theo lời đề nghị của chính phủ nước này.
Trao đổi tại một cuộc họp báo ở cách thành phố bị vây hãm là Marawi khoảng 100 km, ông Duterte nói rằng ông “chưa bao giờ tiếp cận” Mỹ để xin giúp đỡ.
Khi được hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thân Nhà nước Hồi giáo tại Mindanao, ông Duterte nói rằng ông “không hay biết về chuyện đó cho tới khi tới nơi [họp báo]”.
Theo Reuters, sự hợp tác giữa hai đồng minh là điều đáng chú ý vì ông Duterter, sau khi lên nhậm chức năm ngoái, đã có quan điểm không mặn mà đối với Washington, và thậm chí còn tuyên bố đưa hết các huấn luyện viên và các cố vấn quân sự khỏi nước mình.
Hiện chưa rõ là liệu phe quân nhân thân Mỹ có tự ra quyết định mà không cần ý kiến của ông Duterte hay không.
Quân đội Philippines hôm 10/6 nói rằng các lực lượng của Mỹ chỉ hỗ trợ kỹ thuật và không có binh sĩ tại thực địa.
Phe quân nhân xác nhận một tuyên bố của đại sứ quán Mỹ ở Manila về việc chính phủ Philippines đã đề nghị giúp đỡ.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-philippines-noi-khong-nho-my-chong-chien-binh/3895713.html
Dân biểu đòi ngưng bán công ty Mỹ cho Trung Quốc
Hơn 20 nhà lập pháp của Hoa Kỳ đã thúc giục Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bác đề xuất bán tập đoàn sản xuất các sản phẩm nhôm Aleris cho công ty Zhongwang của Trung Quốc.
Reuters đưa tin rằng trong bức thư đề ngày 9/6, 27 nhà lập pháp nói rằng sẽ là một “sai lầm chiến lược” nếu thông qua phi vụ mua bán trị giá tới 2,33 tỷ đôla.
“Điều tối quan trọng là Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ phải hết sức thận trọng khi giao dịch đầu tư nước ngoài liên quan ới việc chuyển giao khả năng quân sự và công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc”, bức thư có đoạn.
Các nhà lập pháp nói tiếp: “Thật là một sai lầm lớn nếu cho phép một công ty như Zhongwang được quyền kiểm soát một công ty nhôm của Mỹ như Aleris”.
Các nhà lập pháp nói rằng Aleris sản xuất và thử nghiệm các loại hợp kim đặc biệt để sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng, và các nghiên cứu cũng như công nghệ của công ty mang tính sống còn đối với các quyền lợi an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ.
“Các tổ chức của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát, luôn duy trì quan hệ với quân đội Trung Quốc, làm tăng thêm nguy cơ các công nghệ của Mỹ sẽ rơi vào tay của kẻ xấu”, các nhà lập pháp viết.
Thêm nữa, họ cho biết rằng Zhongwang đang bị Bộ Thương mại Mỹ điều tra vì cáo buộc trốn thuế nhập khẩu của Mỹ và đang bị các cơ quan của Mỹ điều tra vì cáo buộc buôn lậu và lừa đảo.
Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Aleris nói rằng công ty này không sản xuất các sản phẩm quốc phòng ở Mỹ.
Ông Jason Saragian cũng cho rằng bức thư trên dựa trên “các thông tin sai lệch”.
Ông Sessions sẽ ra điều trần về can thiệp của Nga
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions nêu trong thư gửi Quốc hội hôm 10/6 rằng ông sẽ điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ủy ban này đang điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái. Ông Sessions dự kiến sẽ trả lời những câu hỏi về bản thân ông. Những câu hỏi đã nảy sinh hồi tuần trước khi cựu giám đốc FBI James Comey ra điều trần.
Ông Sessions đã đề nghị được miễn tham gia cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về các hoạt động của Nga, với lý do ông là một trong những quan chức trong ban vận động tranh cử đã gặp đại sứ Nga tại Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử.
Hồi tháng 1, khi ông ra điều trần trước khi ông được chuẩn thuận làm bộ trưởng tư pháp, trả lời chất vấn của Thượng nghị sĩ Al Franken (đảng Dân chủ, bang Minnesota), ông Sessions khẳng định ông đã không gặp các quan chức chính phủ Nga trong thời gian vận động.
Khi còn là ứng viên cho chức bộ trưởng, ông Sessions nói: “Thưa Thượng nghị sĩ Franken. Tôi không biết về bất kỳ hoạt động nào như vậy. Có một hai lần tôi đã được gọi là người đại diện thay thế trong thời gian vận động tranh cử và tôi không có bất kỳ liên lạc nào với Nga và tôi không thể bình luận được”.
Cuối cùng, ông Sessions thừa nhận ông đã có hai cuộc gặp với đại sứ Nga, Sergey Kislyak, nhưng nói rằng không cần tiết lộ về các cuộc gặp này trong thời gian trước đây.
Nghi vấn về ông Sessions đã nổi lên vào tuần trước tiếp sau phiên điều trần của ông Comey về các cuộc trò chuyện và gặp gỡ của ông với Tổng thống Trump trước khi ông bị sa thải đột ngột.
Ban đầu, ông Trump khẳng định ông Comey đã bị sa thải vì sự bất mãn trong số các nhân viên FBI dưới quyền ông này, nhưng một ngày sau đó tổng thống thừa nhận rằng việc sa thải giám đốc FBI có liên quan đến của cuộc điều tra của cục này về sự can thiệp của Nga vào nền chính trị Mỹ.
Con trai Gadhafi được thả sau 5 năm bị giam
Seif al-Islam, con trai nhà độc tài Libya Moammar Gadhafi, đã được thả ra sau hơn 5 năm bị giam cầm, những người cầm giữ ông cho hay hôm 10/6.
Có thời ông Seif al-Islam được cho là người thừa kế rõ ràng của ông Gadhafi.
Một tuyên bố của tổ chức có tên Tiểu đoàn Abu Bakr al-Siddiq cho biết Seif al-Islam đã được thả hôm 9/6, nhưng không cho biết chi tiết ông ta ở đâu.
Các quan chức của tổ chức nêu trên đã tiếp xúc với hãng tin AP ở Zintan, một thị trấn phía nam thủ đô Tripoli, nơi tổ chức đặt căn cứ. Họ đã khẳng định về việc phóng thích ông Seif al-Islam. Nhưng họ từ chối tiết lộ địa điểm của ông do có những lo ngại về sự an toàn của ông ta.
Họ nói quyết định về việc phóng thích ông là một phần trong lệnh ân xá do quốc hội Libya mới ban hành. Quốc hội có trụ sở ở khu vực phía đông của đất nước này.
Quốc hội ở thành phố Tobruk là một phần thuộc một trong ba chính quyền kình chống nhau ở Libya, là bằng chứng về sự hỗn loạn bao trùm lên đất nước này kể từ khi ông Gadhafi sụp đổ và chết.
Con trai của ông Gadhafi bị các chiến binh của Tiểu đoàn Abu Bakr al-Siddiq bắt vào cuối năm 2011. Trong năm đó, một cuộc nổi dậy của nhân dân đã lật đổ ông Gadhafi sau hơn 40 năm nắm quyền. Sau đó ông ta đã bị giết.
Cuộc nổi dậy sau đó đã làm cho quốc gia Bắc Phi giàu dầu lửa rơi vào một cuộc nội chiến tàn khốc, trong đó Seif al-Islam đã lãnh đạo lực lượng trung thành với ông Gadhafi chống quân nổi dậy.
Đảng Bảo thủ Anh vẫn đàm phán về chính phủ mới
Thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ của Anh vẫn đang tìm cách đạt thoả thuận với Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ailen (DUP) nhờ đó sẽ mang lại cho bà sự ủng hộ mà bà cần để thành lập chính phủ.
Một tuyên bố hôm 11/6 từ văn phòng của bà Theresa May cho biết các cuộc bàn thảo về việc hoàn tất một thỏa thuận “ủng hộ hạn chế” sẽ kết thúc trong tuần này.
Một thỏa thuận “ủng hộ hạn chế” không có tính toàn diện bằng một liên minh đầy đủ.
Điều đó có nghĩa là DUP sẽ ủng hộ chính phủ về ngân sách và các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng các vấn đề khác sẽ được quyết định tùy từng trường hợp cụ thể.
Một tuyên bố của DUP cho biết các cuộc đàm phán cho đến nay vẫn rất tích cực.
Bà May cần có sự ủng hộ của tối thiểu 326 nghị sĩ để thành lập chính phủ. Đảng Bảo thủ giành được 318 ghế trong cuộc bầu cử, DUP có 10 ghế.
Cần phải đạt được thỏa thuận trước ngày 19/6, khi Nữ hoàng Elizabeth sẽ đọc bài diễn văn nêu ra chương trình của chính phủ.
Cuộc đàm phán Brexit với Liên hiệp châu Âu cũng sẽ bắt đầu trong vòng chưa đầy 10 ngày. Bà May đã xác nhận với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng Anh sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán đúng theo kế hoạch.
Hôm 10/6, bà May đã mất đi hai phụ tá hàng đầu trong cuộc cải tổ chính phủ. Báo chí cho rằng điều này là do phải làm theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo cao cấp trong đảng Bảo thủ, nếu thủ tướng vẫn muốn giữ chức.
Iran, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển thực phẩm đến Qatar
Người phát ngôn của hãng Iran Air Shahrokh Noushabadi cho biết Iran đã điều ít nhất bốn máy bay vận tải chở thực phẩm đến Qatar và sẽ tiếp tục điều thêm sau khi các bên cung ứng lớn nhất của nước này cắt đứt quan hệ với đất nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết họ sẽ đóng góp lương thực cho Qatar trong bối cảnh có những lo ngại về tình trạng thiếu lương thực sau khi Ả-rập Xê-út đóng cửa đường biên giới trên đất liền duy nhất của Qatar. Hầu hết lương thực nhập khẩu của Qatar đi qua đường biên này.
Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ với Qatar hồi tuần trước, cáo buộc đất nước nhỏ bé này ủng hộ các chiến binh Hồi giáo và Iran. Qatar đáp lại là những lời cáo buộc này thật vô căn cứ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ về Qatar.
Vụ rớt máy bay Myanmar: Trung Quốc muốn giúp
Bắc Kinh thông báo sẽ hỗ trợ và giúp Myanmar sau khi một chiếc máy bay quân sự, với 122 người trên khoang, rớt ở vùng duyên hải phía nam của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo tin Reuters dẫn lại từ Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi điện chia buồn tới người đồng nhiệm U Htin Kyaw, và nói rằng “là một láng giềng hữu nghị, Trung Quốc chia sẻ nỗi đau buồn của Miến Điện về vụ việc”.
Xinhua đưa tin rằng ông Tập “gửi lời chia buồn sâu sắc tới chính phủ và người dân Miến Điện, nhất là gia đình của các nạn nhân”.
Chiếc máy bay vận tải quân sự Y-8-200F, do Trung Quốc sản xuất, đã mất liên lạc 29 phút sau khi cất cánh hôm 7/6, trong khi ở độ cao hơn 5 nghìn mét.
Chiếc máy bay chở các binh sĩ, thân nhân và đội bay đang trong chuyến bay hàng tuần từ nhiều thị trấn duyên hải ở Miến Điện tới thành phố lớn nhất nước này là Yangon thì mất tích.
Theo Reuters, các nhóm tìm kiếm đã phát hiện thêm một thi thể, nâng số người được vớt từ biển lên là 31.
Tuyên bố của quân đội hôm 10/6 cho biết rằng sóng to và thời tiết bão bùng tiếp tục gây cản trở nỗ lực cứu hộ.
Merkel nói xây tường không giải quyết được vấn đề nhập cư
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng việc xây các bức tường sẽ không giải quyết được vấn đề di dân, trong chuyến thăm thành phố Mexico.
Bà Merkel không đề cập đến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người hứa hẹn sẽ xây bức tường dọc theo biên giới với Mexico.
Bà cho biết lịch sử cho thấy rằng áp lực di dân chỉ được giải quyết khi các đế chế có quan hệ tốt với láng giềng.
Bà Merkel lớn lên ở Đông Đức.
Phát biểu tại cuộc thảo luận với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, bà nói: “Rõ ràng là phải giải quyết ngay lý do chính khiến người ta phải rời khỏi nước họ, điều đó có nghĩa là việc dựng các bức tường và tự ngăn cắt với nước khác sẽ không giải quyết được vấn đề này.”
Bà Merkel gợi ý rằng giải pháp kiểm soát tình trạng di dân quy mô lớn là cải thiện mức sống và cơ hội cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Nhà lãnh đạo Đức từng bị chỉ trích vì chào đón hơn một triệu người tỵ nạn từ năm 2015.
Bà Merkel cũng bày tỏ sự ủng hộ quan điểm thương mại tự do của Mexico trước việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (Nafta) giữa Mexico, Mỹ và Canada.
Ông Trump nhiều lần chỉ trích thỏa thuận này, và dọa rút khỏi nó nếu ông không thể đàm phán lại theo hướng Mỹ có lợi hơn.
Căng thẳng vùng Vịnh, Matxcơva lo ngại
Trước nguy cơ khủng hoảng Qatar kéo dài, Nga đề nghị làm trung gian hoà giải giữa các nước vùng Vịnh. Hôm thứ Bảy 10/06/2017, năm ngày sau khi Ả Rập Xê Út và các đồng minh Shia cắt đứt quan hệ với Doha và phong tỏa Qatar, ngoại trưởng Qatar bay sang Matxcơva cầu cứu.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin phân tích :
Khi gặp đồng nhiệm Qatar, ngoại trưởng Serguei Lavrov nhắc lại là nước Nga có một nguyên tắc là không can thiệp vào nội bộ nước ngoài, không nhúng tay vào quan hệ song phương của các nước khác. Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga nhấn mạnh là Matxcơva không vui thích gì khi thấy bang giao giữa các đối tác của Nga bị suy thoái.
Nhân tiếp ngoại trưởng Qatar, Mohamed ben Abderrahmane Al-Thani, Matxcơva không bỏ lỡ cơ hội để khẳng định vai trò đại cường không thể thiếu trong việc giải quyết một vấn đề hệ trọng trên trường quốc tế.
Hơn thế nữa, căng thẳng đang gây chấn động các vương triều vùng Vịnh có thể sẽ tác động đến cuộc khủng hoảng tại Syria, nơi mà Nga đang đứng bên cạnh chế độ Bachar al Assad dấn thân vào cuộc chiến quyết định chống Daech.
Matxcơva lo ngại cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh sẽ vượt ra khỏi biên giới các nước liên can và lan đến Trung Đông. Vì lý do này mà ngoại trưởng Serguei Lavrov tuyên bố muốn các nước vùng Vịnh giải quyết xung khắc bằng con đường đàm phán và Nga sẵn sàng hành động « với sự đồng ý và trong quyền lợi của mỗi bên liên can » qua một giải pháp ngoại giao.
Iran tiếp viện Qatar chống đỡ phong tỏa
Chủ nhật 11/06/2017, phát ngôn viên hãng hàng không Iran Air cho biết đã sử dụng năm chuyến bay, mỗi chuyến 90 tấn, tiếp tế rau quả cho Qatar để tránh tình trạng thiếu thực phẩm. Hãng thông tấn Tasnim đưa tin là có ba tàu biển chuẩn bị chở sang Doha « 350 tấn thực phẩm ».
Theo AFP, tuy lãnh thổ bị phong tỏa, kiều dân bị trục xuất nhưng Doha không sử dụng biện pháp tương tự, trả đũa các nước vùng Vịnh và Ai Cập, trục xuất 11.000 kiều dân các nước này.
Syria : Vòng vây khép chặt quân thánh chiến tại Raqqa
Chiến dịch tấn công tái chiếm Raqqa từ quân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang có những đột phá quan trọng. Từ hôm qua, 10/06/2017, các lực lượng chống thánh chiến được Hoa Kỳ hậu thuẫn đã bắt đầu tiến vào đánh chiếm khu phía tây của thành phố Raqqa. Cùng lúc ở các hướng khác của thành phố, các lực lượng chống Daech khác cũng như quân đội chính phủ Damas đang áp sát sào huyệt của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria.
Thông tín viên RFI trong khu vực Trung Đông, Paul Khalifeh :
Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) được Hoa Kỳ hậu thuẫn giờ đang có mặt trong hai khu vực của Raqqa, nơi Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tự gọi là thủ đô. Sau khi đã chiếm được khu Machlab ở phía nam thành phố, hôm 7/6 , đội quân của FDS hôm thứ Bảy đã vào được bên trong Sabahiya, ở phía tây Raqqa, củng cố lực lượng và tiếp tục tiến quân.
Trong khi đó, bước tiến của liên quân Kurdistan và Ả Rập diễn ra chậm chạp hơn từ phía bắc, do quân thánh chiến có các chiến lũy rất lớn.
Những tiến bộ trên trận địa đó diễn ra một tuần sau trận chiến lớn đánh vào Raqqa, do quân của FDS tiến hành dưới sự yểm trợ ồ ạt của không quân thuộc liên quân quốc tế do Hoa Kỳ lãnh̉ đạo.
Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), ít nhất có 68 thường dân đã bị thiệt mạng trong các vụ không kích của Hoa Kỳ trong 5 ngày qua.
Liên Hiệp Quốc khẳng định tại Raqqa vẫn còn 160 nghìn thường dân và khoảng từ 3 đến 5 nghìn quân thánh chiến đang cố thủ . Đối mặt với lực lượng thánh chiến này là 15 nghìn nghìn chiến binh được hỗ trợ bởi pháo binh và hàng trăm cố vấn huấn luyện Mỹ .
Mỹ : Biểu tình chống luật Hồi Giáo Sharia
Tại Hoa Kỳ, biểu tình chống luật Hồi Giáo Sharia hôm qua 10/06/2017 đã diễn ra ở khoảng 20 thành phố như New York, Seattle, Chicago …, dưới sự tổ chức của phong trào ACT for America (tạm dịch là Hành động vì nước Mỹ).
Người biểu tình giương biểu ngữ « Không chấp nhận luật Hồi Giáo Sharia ở Mỹ », « Hãy cấm luật Hồi Giáo Sharia », « Luật Hồi Giáo Sharia đối xử tệ với phụ nữ » …
Thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet Washington cho biết nhiều vụ đụng độ dữ dội đã xảy ra giữa những người chống Sharia và những người phản đối cuộc biểu tình, khiến cảnh sát phải can thiệp.
Một trong những lãnh đạo của phong trào ACT for America giải thích : « Chúng tôi không chống người Hồi Giáo. Chúng tôi chống Hồi Giáo cực đoan ».
ACT for America được cô Brigitte Gabriel, một người nhập cư gốc Liban thành lập năm 2007, vì cho rằng luật Hồi Giáo Sharia không tương thích với nền dân chủ phương Tây. Nhiều nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền cho rằng ACT for America là một nhóm thù hận người Hồi Giáo.
ACT for America có 500.000 thành viên, trong đó có nhiều nhân vật có ảnh hưởng. Hoạt động của họ có hiệu quả tới mức cho tới giờ đã có 13 tiêu bang của hoa Kỳ cấm luật Hồi Giáo Sharia. ACT for America ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump.
Dân Ukraina được miễn visa nhập cảnh Châu Âu
Chủ nhật 11/06/2017 là ngày đáng ghi nhớ của Ukraina. Hằng trăm người dân Ukraina, đi qua biên giới của Liên Hiệp Châu Âu để chào mừng sự kiện được Liên Hiệp Châu Âu miễn thị thực nhập cảnh.
Từ nay, mỗi khi sang Liên Hiệp Châu Âu, người dân Ukraina không cần phải qua một đại sứ quán. Tính từ 12 giờ đêm 11/06/2017, Bruxelles chính thức hủy bỏ chế độ visa nhập cảnh Schengen cho Ukraina.
Tại Kiev, nơi bùng dậy phong trào dân chủ thân châu Âu cách nay ba năm tại quảng trường Maidan, không khí phấn khởi được thấy rõ. Bộ trưởng Văn Hóa Yevhen Nychtchouk, vào mùa đông 2014, lúc ấy là một nghệ sĩ sân khấu, là « tiếng nói của Maidan ».
Giờ đây là một thành viên của chính phủ, ông hồi tưởng : « Maidan là quảng trường của châu Âu, một biểu tượng của chúng tôi. Người dân chúng tôi xuống đường tại Maidan vì những giá trị tương tự như những giá trị ghi trong các thỏa ước và nghị quyết châu Âu. Điều người dân Ukraina mong muốn là được tự do hơn nữa , là quyền thoát ra khỏi thời kỳ hậu độc tài của thời hậu Liên Bang Xô-Viết ».
Bộ trưởng Yevhen Nychtchouk tin tưởng Châu Âu « sẽ mở rộng cửa hơn nữa cho Ukraina vì lợi ích của dân Ukraina và vì lợi ích của toàn Châu Âu. Được miễn visa là thời khắc rất quan trọng để làm thay đổi tư duy của dân tộc chúng tôi », ông kết luận.
Hàng loạt chuyến bay chở du khách Ukraina từ Kiev qua các thủ đô và thành phố lớn châu Âu như Vacxava, Budapest, Franfurk trong khi tổng thống Petro Porochenko tuyên bố « hoan nghênh châu Âu » và « giã từ đế quốc Nga », trên twitter.
Mỗi công dân Ukraina có hộ chiếu sinh trắc (biométrie) được miễn thị thực trong vòng 90 ngày nếu đi du lịch, và đến 180 ngày nếu có mục đích làm ăn buôn bán.
Vụ James Comey : Donald Trump chưa qua được sóng gió
Sau một tuần khó khăn phải chống đỡ với những cáo giác trong phiên điều trần trước Thượng Viện của cựu giám đốc FBI, hai ngày cuối tuần tổng thống Trump về nghỉ ngơi thư giãn tại khu sân Golf riêng ở New Jersey. Mặc dù muốn thúc đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở cho nước Mỹ, nhưng người dân vẫn quan tâm đến vụ điều trần của ông James Comey nhiều hơn.
Mặc dù không có phát giác động trời nào nhưng Donald Trump chưa thể qua cơn bão tố, dự kiến sẽ còn lại nổi lên cũng với các cuộc điều tra tư pháp đang tiến hành xung quanh vụ việc liên hệ với Nga.
Thông tín viên Jean Louis Pourtet tại Washington :
Donald Trump tự cảm thấy như mình được minh oan sau phiên điều trần của James Comey, ông đã từng tuyên bố là ông muốn được nghe Comey nói rằng ông không phải là đối tượng điều tra về vụ liên hệ với Nga. Giờ đây ông muốn « lãnh đạo trở lại đất nước vĩ đại này ».
Dẫu sao thì Donald Trump vẫn chưa hết khổ vì vụ này. Nếu như còn quá sớm để cáo buộc ông Trump ngăn cản tư pháp, thì vẫn có một loạt các điều tra đang tiếp diễn, trong đó có vụ gai góc nhất do thẩm phán đặc biệt Robert Mueller tiến hành.
Ông Trump nói sẵn sàng tuyên thệ trả lời các câu hỏi để bác bỏ những cáo giác của ông Comey. Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện còn yêu cầu tổng thống Mỹ từ nay đến ngày 23 tháng 6 trao lại các ghi âm cuộc nói chuyện với cựu lãnh đạo FBI, nếu có. Ông Trump vẫn giữ bí ẩn về chuyện này.
Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, về phần mình, cam kết yêu cầu ông Comey trở lại khai trước Ủy Ban này. Đây là điều mà trước đây ông đã từ chối. Nhưng ông Comey có thể bị buộc phải đến nếu nhận đượt trát triệu ra trình diện Quốc Hội.
Ngày thứ Ba tuần tới, chú ý sẽ tập trung vào phiên điều trần của bộ trưởng Tư Pháp, Jeff Session. Ông này đã chấp nhận ra làm chứng trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện để trả lời các câu hỏi về những cuộc tiếp xúc với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ.
Bầu Quốc Hội Pháp :
Chính trường được dự báo thay đổi sâu rộng
Tại Pháp, Chủ nhật hôm nay 11/06/2017 là ngày bầu vòng một bầu Quốc Hội. Khoảng 47 triệu cử tri được mời đi bỏ phiếu chọn 577 dân biểu trên tổng số 7.877 ứng cử viên cho Quốc Hội khóa mới. Một tháng sau ngày đắc cử với chương trình cải cách sâu rộng, tổng thống Emmanuel Macron hy vọng đảng Cộng Hoà Tiến Bước (REM) sẽ giành được đa số tuyệt đối.
Trong bối cảnh an ninh được 50.000 cảnh sát và quân nhân canh phòng chặt chẽ đề phòng khủng bố, cử tri Pháp bắt đầu đi bầu từ 8 giờ sáng Chủ nhật. Trước các kết quả thăm dò dự báo phe ủng hộ tổng thống sẽ chiến thắng áp đảo, thủ tướng Edouard Philippe thận trọng : “Không có gì chắc chắn cả”.
Tuy nhiên, giới phân tích đoan chắc Quốc Hội mới, phản ánh kết quả bầu tổng thống cách nay một tháng, sẽ đảo lộn truyền thống tả – hữu truyền thống, do khát vọng đổi mới chính trường của người dân.
Trước hết, trong số 577 dân biểu mãn nhiệm, 255 người không tái tranh cử. Hạ Viện tương lai sẽ gồm nhiều khuôn mặt mới, đa số xuất phát từ xã hội dân sự cho dù thuộc phe cánh nào. Trong bối cảnh này, một số tổ chức chính trị truyền thống phải đối đầu với những thử thách tồn vong.
Chỉ sau một năm thành lập, đảng Cộng Hoà Tiến Bước, theo chủ trương « mở rộng, không tả không hữu » được dự báo sẽ trấn giữ trung tâm chính trường.
Ở bên cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hoà (LR) hy vọng vào mạng lưới lãnh đạo cơ sở và các chính trị gia kinh nghiệm để chiến thắng bất ngờ, lấy ghế thủ tướng, nhưng do nội bộ phân tán, chỉ có thể về nhì.
Phía cánh tả, đảng Xã Hội, sau khi ứng cử viên tổng thống Benoit Hamon bị thua đậm, đang phải tranh đấu để sống còn. Từ vị thế đa số trong Quốc Hội mãn nhiệm, đảng của cựu tổng thống François Hollande gần như chấp nhận số phận mất trắng và không loại trừ phải bán trụ sở đảng ở Paris.
Phe cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, sau khi thua trận chung kết bầu tổng thống, tuyên bố sẽ là tổ chức đối lập chủ yếu trên chính trường. Nhưng từ khi lãnh đạo Marine Le Pen để lộ « thiếu bản lãnh » trong cuộc tranh luận với Emmanuel Macron ở vòng hai bầu tổng thống, tổ chức chủ trương bài ngoại này mất đến 20 điểm tín nhiệm trong vòng một tháng.
Tổ chức duy nhất chực chờ chiếm vai trò đối lập thực thụ là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất. Thế trận tan vỡ của đảng Xã Hội làm tăng cơ may cho lãnh đạo Jean Luc Mélenchon, một nhân vật có tài hùng biện và là chính trị gia ly khai của đảng Xã Hội. Vòng hai sẽ diễn ra vào Chủ nhật tuần sau 18/06/2017.
0 nhận xét