Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 01/06/2017

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017 20:09 // , ,

Tin khắp nơi – 01/06/2017

NASA đưa tàu thám hiểm mặt trời trong 7 năm

Cơ quan không gian NASA của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ bắt đầu sứ mệnh phóng một phi thuyền thám hiểm trực tiếp vào bầu khí quyển của mặt trời vào năm tới.
Phi thuyền Parker Solar Probe sẽ thu thập dữ liệu về hoạt động của mặt trời để cho phép chúng ta hiểu rõ hơn hơn về những chuyển biến vủa thời tiết và tác động của không gian có thể ảnh hưởng đến cuộc sống ở trái đất như thế nào.
Phi thuyền tàu sẽ bay quanh quỹ đạo cách mặt trời khoảng bốn triệu dặm. Đó là khoảng cách gần mặt trời nhất, gấp 8 lần so với khoảng cách của các tàu vũ trụ trước đây đạt đến. Tại điểm gần nhất với mặt trời, tàu sử dụng một tấm chắn mặt trời dày 12 cm chịu được nhiệt độ lên đến 1300 độ C.
Ông Nicola Fox, Nhà khoa học làm việc cho dự án này nói:
“Những câu hỏi thì thật là đơn giản. Tại sao Thiên Vương tinh lại nóng hơn bề mặt của mặt trời? Điều đó thách thức quy luật tự nhiên, nó giống như nước chảy ngược, việc này không thể xảy ra. Tại sao trong khu vực này, khí quyển mặt trời lại bất ngờ có năng lượng, nó phát ra và bao trùm lên tất cả các hành tinh? Nếu chúng ta không thực sự thám hiểm mặt trời thì chúng ta không thể trả lời những câu hỏi này.”
NASA đã công bố kế hoạch tại Đại học Chicago hôm thứ Tư 31/5 trong buổi lễ tôn vinh nhà thiên văn học Eugene Parker, và con tàu vũ trụ được đặt theo tên của ông.
Ông Eugene Parker nói:
“Tôi rất vinh dự được tham gia vào một sứ mệnh khoa học vũ trụ anh hùng như vậy. Dĩ nhiên, anh hùng là khi tôi đề cập đến nhiệt độ cực cao. Bức xạ mặt trời và các biện pháp khắc phục điểu kiện khắc nghiệt để phi thuyền tồn tài và thu thập dữ liệu khoa học. Những biện pháp đó được đánh giá rất cao.”
Ông Parker là nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu hiện tượng này, một hiện tượng được gọi là gió mặt trời.
Gió mặt trời được hình thành từ khí có tích điện được phát ra từ mặt trời. Những cơn gió sau đó thổi qua trái đất với vận tốc khoảng 1,6 triệu km mỗi giờ và các nhà khoa học tin rằng chúng có khả năng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho hành tinh của chúng ta.
Phi thuyền thám hiểm theo kế hoạch sẽ được phóng đi vào tháng 8 năm 2018 và chương trình dự kiến kéo dài đến tháng 6 năm 2025.

Tổng thống Trump

sẽ ra quyết định về Thỏa thuận Khí hậu Paris

Tổng thống Donald Trump nói rằng vào chiều ngày 1/6 ông sẽ ra quyết định về việc có nên rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 hay không.
Vào tối ngày 31/5, ông Trump cho biết trên Twitter rằng ông sẽ đưa ra tuyên bố về vấn đề này tại Vườn Hồng vào lúc 3 giờ chiều ngày 1/6. Cuối đoạn Twitter ông viết khẩu hiệu quen thuộc: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Trước đó, khi chụp ảnh với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Trump cho biết ông đã lắng nghe ý kiến của “rất nhiều người từ các phía” khi ông cân nhắc lựa chọn của mình.
Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho biết những người được hỏi ý kiến bao gồm các nhà lãnh đạo kinh doanh của Mỹ và các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Nhiều cơ quan thông tấn hôm 31/5 đưa tin rằng Tổng thống đã quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu, một thỏa thuận được 195 quốc gia ký kết. quyết định này sẽ đảo ngược chính sách của thời Obama. Việt rút khỏi thỏa thuận này làm hài lòng cương lĩnh của đảng Cộng hòa, nhưng làm tức giận các nhà môi trường và các đồng minh của Mỹ.
Tin tức về việc đang chờ tổng thống ra tuyên bố quyết định gây phẫn nộ trong cộng đồng môi trường, và các thị trưởng của các thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ, họ cam kết trung thành với thỏa thuận khí hậu này, bất luận ông Trump ra quyết định như thế nào.
“Nếu Tòa Bạch Ốc rút khỏi Thoả thuận Khí hậu Paris, chúng tôi sẽ chấp nhận thỏa thuận này ở Los Angeles”, ông Eric Garcetti, Thị trưởng thành phố Los Angeles cho biết trên Twitter.
Ông Bill de Blasio, Thị trưởng thành phố New York cũng viết trên Twitter rằng: “Chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề này khả năng của chúng tôi và tôi dự định sẽ ký sắc lệnh duy trì cam kết của thành phố New York đối với Thỏa thuận Paris.”
Các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu đã tức giận, cho rằng quyết định của ông Trump đi ngược lại lợi ích của họ.
Quyết định còn đang chờ tuyên bố cũng gây ra những phản ứng lo lắng từ các nước châu Âu và các đồng minh khác của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói với hãng tin Sky News: “Tôi tiếp tục vận động Hoa Kỳ ở mọi mức độ để tiếp tục theo đuổi vấn đề biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc và để thể hiện vai trò lãnh đạo mà Mỹ đã thể hiện từ trước tới nay.”
Liên Hợp Quốc đưa ra thông điệp trên Twitter: “Biến đổi khí hậu là điều không thể phủ nhận. Hành động về khí hậu là không thể ngăn cản được. Các giải pháp về khí hậu mang lại những cơ hội không gì có thể sánh được.”
Ông Gerard Araud, Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ viết trên Twitter: “Các tập đoàn lớn của Mỹ ủng hộ Thỏa thuận Paris.”
Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu nói rằng Tổng thống Donald Trump không hiểu rõ những điều khoản của Thỏa thuận Paris. Ông Juncker nói các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng giải thích quá trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu với ông Trump “bằng những câu đơn giản, rõ ràng” trong các cuộc họp vào tuần trước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng Trung Quốc sẽ làm việc với EU để duy trì Thỏa thuận Paris, và nói rằng thay đổi khí hậu là một “thách thức toàn cầu”.

Bắt một người đàn ông vũ trang ở khách sạn Trump

Một khách trọ trong khách sạn của Tổng thống Donald Trump ở thủ đô Washington đã bị bắt sau khi cảnh sát phát hiện súng và đạn trong xe ông ta.
Bryan Moles bị cảnh sát Washington bắt giữ vào sáng thứ Tư tại Trump International Hotel. Khách sạn này nằm cách Tòa Bạch Ốc chỉ vài dãy phố.
Cảnh sát cho biết đã phát hiện một khẩu súng lục, một súng trường và khoảng 90 viên đạn sau khi nhận được tin báo.
Cảnh sát trưởng Peter Newsham cho các nhà báo biết cảnh sát nghe về Moles qua Cảnh sát bang Pennsylvania. Cảnh sát bang này đã liên lạc với Mật vụ Hoa Kỳ và báo tin cho biết Moles đang trên đường đến Washington, mang theo vũ khí.
Ông Newsham nói hiện chưa biết động cơ của Moles là gì, nhưng cơ quan thi hành công lực “rất quan ngại”.
Chiếc xe của Moles đậu gần một nhân viên phục vụ giữ xe và có thể nhìn thấy rõ vũ khí từ bên ngoài.
Moles nói với cảnh sát rằng ông là một cựu chiến binh bị rối loạn hậu chấn thương. Ông cũng cho cảnh sát biết là ông ủng hộ ông Trump.
Nhưng cảnh sát cho tới giờ chưa xác nhận những thông tin vừa kể.
Theo một đài phát thanh địa phương, Moles từng một lần bị buộc tội vì mang trên người những vũ khí nguy hiểm, trong một trường hợp, ông mang theo khẩu súng lục mà không có giấy phép ra ngoài nhà hoặc cơ sở kinh doanh, cũng như chưa đăng ký số đạn dược.
Cảnh sát nói họ chưa có đủ bằng chứng để buộc Moles vào tội đe dọa.
Khách sạn Trump International cũng ra thông báo về vụ việc này.
Thông báo của khách sạn có đoạn viết: “Chúng tôi coi trọng sự an toàn và an ninh của khách hàng. Đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Sáng nay, giới hữu trách đã bắt giữ một khách trọ có hành vi đáng ngờ”.
Khách sạn Trump không cho biết thêm chi tiết, viện lý do là cuộc điều tra đang được tiến hành.

Afghanistan tưởng niệm các nạn nhân nổ bom xe tải

Hôm 1/6 Afghanistan tưởng niệm các nạn nhân vụ nổ bom xe tải lớn hôm thứ Tư trong khu ngoại giao ở thủ đô Kabul, giết chết ít nhất 90 người và làm bị thương hơn 400 người.
Quả bom làm rung chuyển khu vực trung tâm Wazir Akbar Khan ở Kabul, nơi có các cơ quan ngoại giao và cơ quan chính phủ nước ngoài, làm hư hỏng hàng chục xe cộ và các tòa nhà xung quanh. Các quan chức Afghanistan nói rằng chất nổ đã được đóng gói trong một xe bồn chở chất thải.
Hầu hết số thương vong là thường dân, nhưng trong số tử vong bao gồm các nhân viên an ninh Afghanistan làm việc tại các trang cơ sở ngoại giao.
Chưa có ai ra tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ nổ bom.
Cư dân của thủ đô Kabul nói vụ tấn công mới nhất này khiến họ cảm thấy không an toàn.
Ông Ghulam Sakhi, người đóng giày nói:
“Thánh ơi, điều gì đang xảy ra ở đất nước này vậy? Không phải là một hay hai ngày, hoặc thậm chí một năm, mà chúng tôi phải chịu đựng những chuyện như vậy. Các nhà lãnh đạo kém hiệu quả này đã huỷ hoại nhân dân Afghanistan. Người dân rời khỏi nhà để tìm một ổ bánh mì cho con cái của họ, nhưng khi tối đến thì xác chết của họ được chở về cho gia đình.”
Trong một tuyên bố ngắn, Cơ quan tình báo Afghanistan- NDS, đã đổ lỗi cho mạng lưới Haqqani, được cho là có trụ sở tại nước láng giềng Pakistan liên kết với phe Taliban, đã thực hiện vụ đánh bom. NDS cũng khẳng định rằng cơ quan gián điệp của Pakistan, ISI, đã giúp lập kế hoạch tấn công.
Các quan chức Afghanistan trước đó đã đổ lỗi Pakistan đã tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bạo động ở Afghanistan, nhưng các quan chức Pakistan bác bỏ cáo buộc đó.
Taliban đã phủ nhận sự liên quan, nói rằng nhóm nổi dậy không liên quan gì đến vụ đánh bom vào hôm thứ Tư hay bất cứ vụ tấn công nào nhắm vào dân thường.

Mâu thuẫn trong quan hệ thương mại Trung Quốc – Châu Âu

Quan hệ kinh doanh giữa Trung Quốc và châu Âu nẩy sinh một số mâu thuẫn khi Bắc Kinh tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của họ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài hứa hẹn mở rộng tự do mậu dịch.
Trong chuyến thăm Berlin ngày 31/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi nỗ lực chung nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại và tạo thuận lợi cho đầu tư. Cùng ngày, một cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc bày tỏ quan ngại về phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài và đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tăng trưởng đầu tư của các công ty châu Âu.
Chuyến công du của ông Lý, bao gồm chuyến thăm trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, diễn ra khi nhu cầu chính trị đang tăng để đảm bảo sự tương hỗ trong giao thương với Trung Quốc. Một số quốc gia châu Âu yêu cầu EU đưa ra luật lệ cho phép họ kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc và loại bỏ các khoản đầu tư không rõ ràng.
Ông Mats Harborn, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, nói: “Cuộc thảo luận này tự nó cho thấy có rất nhiều điều thất vọng ở châu Âu vì thiếu sự tương hỗ. Chúng ta cởi mở cho các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khi chúng ta sang Trung Quốc đầu tư lại là một con đường chông gai, vì vậy điều này đang gây ra những tranh cãi chính trị ở châu Âu.”
Với các điều kiện chính trị như vậy, chương trình nghị sự của ông Lý có vẻ như rất tham vọng trừ khi Trung Quốc chịu nhượng bộ lớn. Ông Lý đang cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo Châu Âu công nhận qui chế “kinh tế thị trường” cho Trung Quốc, và nới lỏng các trừng phạt về việc bán phá giá hàng hoá Trung Quốc. Ông cũng muốn EU cấp giấy chứng nhận hội đủ tiêu chuẩn cho máy bay C919, một loại máy bay chở khách lớn của Trung Quốc.
Các công ty châu Âu cho biết trong năm qua họ làm ăn khá tốt ở Trung Quốc. Ông Harborn cho biết điều này một phần nhờ vào gói kích thích của chính phủ vào năm 2016 và cũng có những câu hỏi đặt ra cho giả định tăng trưởng cao sẽ tiếp tục trong những tháng tới.
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế của Viện Capital Economics, cho biết nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi vào năm 2016 do có nhiều khoản tín dụng được các tổ chức tài chính bơm vào thị trường. Nhưng điều này không thể tiếp tục khi chính phủ đang hạn chế các khoản cho vay rủi ro cao.
Một cuộc khảo sát độ tín nhiệm kinh doanh do Phòng Thương mại châu Âu tiến hành cho thấy hơn 60% các công ty thành viên đánh giá nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc là mối lo ngại hàng đầu. Đây là một thay đổi đáng kể từ những năm qua khi trọng tâm của các khiếu kiện là do việc phân biệt đối xử đối xử với các công ty nước ngoài và kiểm soát doanh nghiệp bằng các qui định hành chính.
Tuy nhiên, một số thành viên của Phòng Thương mại vẫn tiếp tục lo lắng về sự phân biệt đối xử, nói rằng các cơ quan thực thi về môi trường vẫn còn gây nhiều khó khăn hơn với các công ty nước ngoài so với các công ty trong nước.
Một mối lo lắng mới cho các công ty nước ngoài là khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc, điều này sẽ tăng lên theo thời gian khi Bắc Kinh thực hiện kế hoạch 2025 của Trung Quốc để thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương sử dụng công nghệ thế hệ mới.
Ông Denis Depoux, đồng giám đốc khu vực Châu Á công ty Roland Berger nói: “Các công ty châu Âu ở Trung Quốc thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc đang ngày càng sáng tạo. Không hẳn đây là một thách thức, mà điều này nên được xem là một cơ hội.”

Nga tấn công IS bằng tên lửa hành trình

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng nước này đã phóng bốn tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải nhắm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay tên lửa được phóng lên từ một tàu khu trục nhỏ và một tàu ngầm. Tên lửa rơi xuống gần thành phố Palmyra, rớt trúng các vũ khí hạng nặng và chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Các phần tử chủ chiến IS đã sơ tán tới nơi này từ cứ địa Raqqa, được IS coi như thủ đô trên thực tế của họ.
Nga cho biết họ đã thông báo cho Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trước khi tiến hành bắn tên lửa, nhưng không tiết lộ chính xác thời điểm xảy ra cuộc tấn công.
Trong năm qua, tại khu vực Palmyra đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh. Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và chính phủ Syria liên tục thay phiên nhau giành quyền kiểm soát thành phố. Các lực lượng Syria đang kiểm soát thành phố, nhưng các vụ đụng độ vẫn tiếp diễn.
Các lực lượng Nga được đưa vào Syria từ cuối năm 2015 để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad.
Nga bị Hoa Kỳ và các nước khác chỉ trích vì chiến dịch không kích của nước này không tập trung tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo.

TT Hàn Quốc cử đại diện sang Hoa Kỳ trấn an về THAAD

Cố vấn an ninh Nam Hàn Chung Eui-yong, đã lên máy bay rời Seoul sáng ngày 1 tháng 6 để sang Washington, lãnh trách nhiệm khẳng định với đồng minh Hoa Kỳ rằng tân tổng thống Moon Jae-in tán thành việc Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, nhằm giúp Seoul phòng chống nguy cơ miền Nam có thể bị tấn công bởi Bắc Hàn.
Chuyến đi mang ý nghĩa chính trị này được thực hiện sau khi Tổng Thống Moon Jae-in ra lệnh mở cuộc điều tra để tìm hiểu xem tại sao Hoa Kỳ đặt cả thảy 6 giàn phóng THAAD, thay vì chỉ có 2, mà ông không được thông báo. Tức khắc, có đồn đãi cho rằng tân lãnh đạo Hàn Quốc không hài lòng với việc làm của Hoa Kỳ, đồng thời đồn thổi còn nói Tân Tổng thống Nam Hàn không muốn gặp trở ngại ngoại giao với Trung Quốc.
Hôm qua (31/5) khi tiếp Thượng Nghị Sĩ Mỹ Dick Durbin, Tổng Thống Nam Hàn có trình bày về chuyện này, nói rằng chỉ thị điều tra của ông mang tính nội bộ, không liên quan gì đến chiến lược của hai nước.
Sáng nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhắc lại đòi hỏi mà chính phủ Bắc Kinh đã nhiều lần nêu ra, là Hoa Kỳ phải rút hệ thống THAAD khỏi Nam Hàn, nhấn mạnh để điểm hệ thống này không giúp Hoa Kỳ chặn đứng tên lửa phóng từ Bắc Hàn mà chỉ nhằm theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Luật bảo vệ dữ liệu của TQ được thắt chặt từ 1/6

Luật an ninh mạng mới được thắt chặt của Trung Quốc buộc mọi công ty kể cả các hãng quốc tế phải lưu trữ dữ liệu cá nhân trong các máy chủ Trung Quốc.
Tuy thế, luật này nhằm bảo vệ người dùng và không nhằm hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài, theo lời giới chức Trung Quốc.
Luật này, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, cấm việc thu thập và bán thông tin cá nhân của người dùng mạng.
Cũng theo luật này, các công ty phải lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc, và người dân được quyền yêu cầu xóa thông tin về họ.
BBC Tiếng Trung cho hay luật mới này là nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc để đảm bảo họ theo dõi được ai nói gì trên mạng Internet, nhưng chưa rõ khả năng thực thi của luật này sẽ ra sao.
Điều luật này có nghĩa đối với những ai muốn kinh doanh ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đều có quyền quyết định về những gì họ có thể làm và những gì họ có thể nói.
‘Gây mất ổn định’
Trong một bức thư gửi cho Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC) mà hãng tin Reuters được xem, một nhóm đại diện cho các doanh nghiệp Châu Âu cảnh báo luật này có thể dẫn đến “nhiều bất ổn và rủi ro lớn trong thực thi”.
Phòng thương mại Liên hiệp Châu Âu tại Trung Quốc nói với CAC điều luật này “đầy những khiếm khuyết” và kêu gọi trì hoãn ngày ban hành luật để “cho phép [dự luật] được bàn một cách đầy đủ.”
Nhưng Cục Không gian mạng cho hay luật này vẫn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 như đã định.
“Mục đích của luật này là bảo vệ chủ quyền mạng quốc gia và an ninh quốc gia [của Trung Quốc]… hơn là hạn chế các cơ quan nước ngoài,” Cục này nói trong một thông cáo trên trang chủ.
“Luật này không hạn chế các công ty nước ngoài hay các công nghệ và sản phẩm của họ vào thị trường Trung Quốc, và cũng không hạn chế dòng lưu thông tự do, có trật tự của dữ liệu theo đúng pháp luật.”
‘Phát triển có trật tự’
Trung Quốc ban hành luật này cùng thời điểm đưa ra các quy định quản lý nội dung tin tức mạng chặt chẽ hơn.
Các công ty phát hành, chia sẻ hay biên tập tin tức sẽ cần có giấy phép của chính phủ để hoạt động, và các nhân viên cấp cao phải được chính phủ phê duyệt.
Các tổ chức không có giấy phép sẽ không được đưa tin hay bình luận về chính phủ, nền kinh tế, quân đội, ngoại giao và “các lĩnh vực công ích khác”.
Khi các biện pháp này được công bố, CAC nói họ sẽ “tăng cường việc phát triển tin tức trên mạng một cách lành mạnh và có trật tự”.
Còn trang New York Times cho rằng luật mới này khiến các công ty quốc tế, những tập đoàn đa quốc gia hiện có hoạt động tại Trung Quốc “phải đoán xem” thế nào là thông tin dữ liệu thuộc diện bị quản lý.

Putin bãi bỏ hầu hết biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 01/06/2017 ký sắc lệnh bãi bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, áp đặt vào cuối năm 2015. Các công ty xây dựng và du lịch Thổ Nhĩ Kỳ lại được làm ăn tại Nga, công dân Thổ lại có quyền sang làm việc.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette nhận định :
« Đây gần như là hồi kết của cuộc xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một năm rưỡi sau khi quân đội Thổ bắn hạ một chiếc máy bay Nga ở vùng biên giới với Syria. 
Từ nay gần như tất cả các biện pháp trừng phạt của Nga đều được dỡ bỏ. Các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ không còn bị cản trở khi làm ăn tại Nga, tương tự đối với các công ty du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Các công dân Thổ thường xuyên qua lại Nga trong một thời gian ngắn nay lại được miễn visa. 
Tóm lại, sự hòa giải giữa Ankara và Matxcơva đã được khẳng định và chính thức hóa. Quyết định này được đưa ra trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang xung đột với châu Âu, và quan hệ với Washington đã trở nên phức tạp. 
Ngược lại, Matxcơva dường như không muốn từ bỏ hoàn toàn mọi phương tiện để gây áp lực lên Ankara. Việc nhập khẩu cà chua vào Nga vẫn còn bị cấm – một biện pháp trừng phạt gây thiệt hại rất nhiều cho lãnh vực nông nghiệp, vốn hàng năm mang lại đến 250 triệu đô la cho các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ ». 
Về hồ sơ Syria, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua cho rằng việc Hoa Kỳ vũ trang cho các chiến binh Kurdistan là « hết sức nguy hiểm », kêu gọi Washington « sửa chữa sai lầm này ».
Cũng liên quan đến Syria, Rayan Machaal tức Bara Kadek, một trong những người sáng lập ra Amaq, cơ quan tuyên truyền của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS), đã bị chết trong trận không kích của liên minh chống thánh chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo hồi đầu tuần này – theo tin từ các nhóm nổi dậy Syria hôm qua. Amaq là cơ quan chuyên lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ khủng bố của Daech, thông qua dịch vụ thông tin mã hóa Telegram.

Trung Quốc – Liên Hiệp Châu Âu, đồng minh bất đắc dĩ

Nhân thượng đỉnh song phương tại Bruxelles, mở ra trong hai ngày 01 và 02/06/2017, Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc tạm gạt sang một bên những bất đồng, để cùng bảo vệ chính sách tự do mậu dịch và thỏa thuận về môi trường đạt được tại thượng đỉnh Paris COP21.
Theo bà Marie Holzman, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, “liên minh” Bruxelles – Bắc Kinh là do hoàn cảnh đẩy đưa, vì còn quá nhiều bất đồng cơ bản giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc. Marie Holzman là tác giả nhiều cuốn sách về Trung Quốc đương đại, chủ tịch hiệp hội Solidarité Chine, giúp đỡ nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn.
Chuyên gia Marie Holzman-Paris01/06/2017Nghe
RFI : Kính chào bà Marie Holzman và cảm ơn bà tham gia vào chương trình của RFI Việt ngữ. Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc lần thứ 19 mở ra tại Bruxelles trong bối cảnh tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump chuẩn bị thông báo rút khỏi thỏa thuận chống biết đổi khí hậu. Trên phương diện thương mại, kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đẩy mạnh chính sách bảo hộ, bảo vệ công việc làm cho người Mỹ. Bruxelles và Bắc Kinh tỏ ý định liên minh chặt chẽ với nhau hơn để đối mặt với Hoa Kỳ. Bà đánh giá thế nào về bối cảnh chung trong bang giao giữa Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc ?
Marie Holzman : Không chỉ mới gần đây mà từ lâu nay, quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc luôn khá phức tạp. Nhìn từ phía Bắc Kinh, Mỹ mới là đối tác thương mại chính và Trung Quốc thực ra cũng chỉ nể nang đối tác này thôi. Còn với châu Âu, Trung Quốc luôn áp dụng đòn “chia để trị”. Bề ngoài thì Bắc Kinh luôn khẳng định đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên trong Liên Hiệp, nhưng về thực chất, Trung Quốc lại thương lượng riêng với từng nước. Thậm chí còn không ngần ngại đặt các nước châu Âu trong thế cạnh tranh lẫn với nhau, chẳng hạn như giữa Đức với Pháp, với Ý, hay với Thụy Điển …
Nhưng Trung Quốc không mấy quan tâm đến những đòi hỏi của Liên Hiệp Châu Âu trên tất cả mọi vấn đề, như các chuẩn mực lao động, về môi trường …
Bên cạnh đó, hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ song phương liên quan tới quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc. Cho tới nay, Liên Hiệp Châu Âu vẫn không công nhận nước này là một nền kinh tế thị trường. Đây là một cuộc đọ sức kéo dài giữa đôi bên. Trung Quốc rất bực mình về vụ này và đã từng vận động riêng từng nước để được mục tiêu mong muốn.
Trong đợt biểu quyết gần đây nhất về quy chế này cho Trung Quốc, các thành viên châu Âu đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Không khí cuộc họp rất căng thẳng. Từ đó tới nay, mọi việc đã lắng xuống, nhưng đây vẫn là một chủ đề hết sức nhạy cảm với cả đôi bên.
Đến Bruxelles lần này, phái đoàn Trung Quốc báo trước, quy chế kinh tế thị trường là một “xung khắc” quan trọng với Liên Hiệp Châu Âu.
RFI : Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc dường như đang nỗ lực tìm ra đồng thuận trên ít nhất là hai hồ sơ : khí hậu và thương mại. Thượng đỉnh Bruxelles mở ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chuẩn bị rút lui khỏi hiệp định về môi trường, đã được 196 quốc gia cam kết …
Marie Holzman : Chính xác. Tôi xin nói thêm là quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump trên thỏa thuận COP21 được ký kết tại Paris năm 2015 đang tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh nghiễm nhiên được cộng đồng quốc tế coi là một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu – ít ra là qua lời nói.
Ngược lại, Hoa Kỳ không ngớt bị chỉ trích trên hồ sơ này. Đừng quên rằng năm 2009, tại thượng đỉnh Copenhagen, Trung Quốc đã từ chối cam kết hành động vì môi trường. Chỉ sáu năm sau, tại Paris, Bắc Kinh đã thay đổi thái độ. Tôi cho là trong lĩnh vực này, đối thoại Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc sẽ tích cực và về mặt lý thuyết, đây sẽ là một điều rất tốt cho môi trường.
Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng. Thứ nhất, những tuyên bố về thiện chí chống biến đổi khí hậu là một chuyện, Trung Quốc thực hiện được đến đâu lại là một chuyện khác. Bằng chứng rõ rệt nhất là lượng than đá nhập vào Trung Quốc cho đến giờ vẫn không ngừng tăng lên.
Thứ hai là qua việc rút khỏi thỏa thuận COP21, tổng thống Trump một cách gián tiếp nói với các doanh nghiệp Trung Quốc rằng họ cứ việc tiếp tục gây ô nhiễm, mà không sợ bị áp lực của Hoa Kỳ. Theo tôi đây là tín hiệu xấu đối với môi trường.
RFI : Về vế thương mại thì sao? Donald Trump chủ trương chính sách bảo hộ, trong khi ông Tập Cận Bình thì ra sức bảo vệ tự do mậu dịch.
Marie Holzman : Đấy chính là lý do vì sao lãnh đạo Trung Quốc đã được tiếp đón rất nồng nhiệt tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos. Tuy vậy, chúng ta cần lưu ý trên vài điểm : ông Tập Cận Bình mạnh dạn bảo vệ tự do giao thương, nhưng ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, lại thiếu vắng tự do.
Trung Quốc cần bảo vệ nguyên tắc tự do giao thương, vì chủ yếu sống nhờ xuất khẩu, trong lúc mà sức mua của chính người dân xứ này còn rất thấp. Đó là nguyên nhân dẫn tới dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 – Một Vành Đai Một Con Đường – mà Bắc Kinh đang nỗ lực thuyết phục quốc tế. Đây là giải pháp tốt nhất để đưa hàng Trung Quốc sang châu Âu, Trung Cận Đông và châu Phi.
Nhưng ngược lại, ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, các dự án đầu tư của Âu – Mỹ lại bị hạn chế đáng kể.
Người Trung Quốc đã mua ruộng nho ở Pháp, nhưng đã có doanh nhân Pháp, hay châu Âu nào mua được cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc hay chưa? Tự do mậu dịch theo cách diễn giải của Trung Quốc chỉ có một chiều.
RFI : Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc liệu có là những đồng minh bất đắc dĩ hay không ?
Marie Holzman : Vâng, có thể nói Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc xích lại gần nhau vì “tình thế”. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần trở lại với cốt lõi của vấn đề. Liên Hiệp Châu Âu về bản chất là một nền dân chủ, cho dù là một nền dân chủ không hoàn hảo. Còn Trung Quốc thực chất là một quốc gia toàn trị, mà ở đó đảng và Nhà nước kiểm soát tất cả. Người nước ngoài đến Trung Quốc làm việc ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí là họ có thể bị bắt giữ dù mang quốc tịch nước ngoài. Trung Quốc lại thường xuyên vi phạm nhân quyền.
Thành thử tôi cho rằng, đây chỉ là một cuộc hôn nhân khập khiễng. Có quá nhiều khác biệt, đôi bên khó mà chung sống được với nhau một cách lâu dài.
Khó đoán trước là thượng đỉnh tại Bruxelles lần này sẽ đem lại những kết quả cụ thể nào. Trên thế giới có quá nhiều bất trắc như hiện nay, nếu Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tìm ra được một mối quan hệ hữu hảo vững bền là điều mà ai cũng mong muốn. Nhưng chỉ cần nhìn vào thực tế, Bắc Kinh luôn phủ quyết tất cả các nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trên các hồ sơ như Syria hay Iran trước kia … Thành thử tôi thiển nghĩ, thượng đỉnh giữa Liên Âu và Bắc Kinh lần này chỉ là một thao tác ngoại giao với những tuyên bố chung chung dễ được tất cả các bên chấp nhận. Tôi không mấy tin tưởng là châu Âu và Trung Quốc sẽ tạo được một mối liên kết lâu bền.

Putin tiếp Modi nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế Nga-Ấn Độ

Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hôm nay 01/06/2017, tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg lần thứ 21 tại Nga.
Bên lề diễn đàn, tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp thủ tướng Ấn Độ và đại diện hai nước đã ký nhiều hợp đồng kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Theo AFP, sự hiện diện của thủ tướng Ấn Độ, với tư cách là khách mời danh dự của diễn đàn, mang tính biểu tượng cho mối quan hệ mà Nga muốn tăng cường với các nền kinh tế đang trỗi dậy, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Matxcơva và phương Tây.
Chuyến thăm Nga của thủ tướng Ấn Độ diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne tường trình:
« Kể từ năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập, hai nước vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Ấn Độ là thủ lãnh các nước trong phong trào không liên kết và tự nguyện quay sang thân cận với Liên Xô.
Ngày nay, quan hệ ngoại giao giữa New Delhi và Matxcơva vẫn tốt đẹp. Hai nước đều là thành viên nhóm các nước đang trỗi dậy BRIC và trong năm nay, Ấn Độ sẽ gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, hiện bao gồm Trung Quốc, Nga và nhiều nước Trung Á. Ấn Độ và Liên Minh Á-Âu đang đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch. 
Trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Nga phát triển, khoảng gần 8 tỷ đô la trong năm 2015. Mục tiêu đề ra là đạt 30 tỷ đô la vào năm 2025. Ấn Độ xuất khẩu nông phẩm, dược phẩm, hóa phẩm và các thiết bị. Trong khi đó, Nga xuất khẩu đá và quặng quý hiếm, dầu khí và hạt nhân dân sự. 
Hợp tác quốc phòng song phương cũng phát triển, đặc biệt là các dự án chung trong lĩnh vực không gian và hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, Nga không nằm trong số các nước cung cấp và khách hàng chủ chốt của Ấn Độ ».
Trước khi tới Nga, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công du Tây Ban Nha, ngày 31/05 và đã có cuộc hội đàm với đồng nhiệm Mariano Rajoy, tại Madrid. Ngoài hồ sơ hợp tác kinh tế song phương, lãnh đạo hai nước đã đề cập đến tình hình Biển Đông và kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển.
Trong chuyến công du Đức ngày 30/05, thủ tướng Modi và đồng nhiệm Angela Merkel cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế, nhưng không nêu cụ thể trường hợp Biển Đông.

Pháp mở điều tra sơ bộ nhắm vào một bộ trưởng của Macron

Viện Công Tố thành phố Brest, vùng Bretagne, miền tây nước Pháp hôm nay 01/06/2017 thông báo mở điều tra sơ bộ về một vụ kinh doanh bất động sản có liên can đến ông Richard Ferrand, một bộ trưởng thân cận của tổng thống Emmanuel Macron.
Trong thông cáo, chưởng lý Eric Mathais cho biết Viện Công Tố Brest đề nghị cảnh sát mở một điều tra sơ bộ, nhằm “thu thập đầy đủ các tình tiết để phân tích toàn bộ sự việc và để tìm hiểu xem các đương sự có vi phạm luật hình sự do thiếu tinh thần trách nhiệm và các quy định đặc thù về luật bảo hiểm bổ sung hay không”.
Thông báo này được đưa ra đúng vào ngày tân chính phủ Pháp trình bày với báo giới dự luật chấn chỉnh đạo đức chính trị mà tổng thống Pháp đã cam kết trong suốt chiến dịch vận động tranh cử.
Ông Richard Ferrand, nguyên là thành viên đảng Xã Hội, ngả theo phe của ông Macron ngay từ đầu. Tuần trước, ông Richard Ferrand bị báo chí Pháp tố giác về một hợp đồng thuê bất động sản năm 2011. Hợp đồng đó có lợi cho vợ của ông Richard Ferrand trong lúc ông còn là giám đốc công ty bảo hiểm y tế Mutuelles de Bretagne. Viện Công Tố Brest, ngay sau đó đã tuyên bố không mở điều tra sơ bộ vì cho rằng những sự việc theo tiết lộ của báo chí không phải là những hành vi phạm pháp.
Ngày 31/05, hiệp hội chống tham nhũng ANTICOR đã đệ đơn kiện lên Viện Công Tố Brest cáo buộc bộ trưởng Richard Ferrand “lạm dụng tín nhiệm” trong vụ kinh doanh bất động sản trên.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.