Tin khắp nơi – 29/05/2017
Bắc Hàn lại bắn thử tên lửa đạn đạo
Bắc Triều Tiên lại bắn thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào sáng sớm 29/5, chỉ vài ngày sau khi G7 yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân của họ.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết vụ phóng diễn ra ở gần thị trấn Wonsan ở bờ biển miền đông của Bắc Triều Tiên. Bộ tư lệnh đã theo dõi tên lửa trong sáu phút trước khi nó rơi xuống biển Nhật Bản, ở vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Bộ tư lệnh nói tên lửa đó không đe dọa Bắc Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thể hiện sự tức giận và tuyên bố sẽ đáp trả.
Ông Abe nói trên truyền hình Nhật: “Làm việc cùng Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ có hành động cụ thể để ngăn chặn Bắc Triều Tiên”.
Chính quyền của ông Trump, trong khi có những lời lẽ mạnh mẽ chống Bắc Hàn và lãnh đạo Kim Jong Un, vẫn chưa đưa ra một chính sách vững chắc về cách thức phản ứng với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis cảnh báo trong một chương trình thời sự sáng 28/5 rằng nếu không thể tìm được một giải pháp ngoại giao cho tình hình Bắc Triều Tiên, “nếu tình hình này trở thành một cuộc chiến, đó sẽ là một cuộc chiến thảm khốc”.
Đây là vụ thử tên lửa thứ hai của Bắc Triều Tiên trong vòng một tuần, sau khi Liên Hiệp Quốc đe dọa áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt và các nhà lãnh đạo G7 lên án Bắc Triều Tiên trước đó.
Mỹ kỷ niệm ngày Chiến sĩ trận vong
Hoa Kỳ đang kỷ niệm Ngày Chiến sĩ trận vong, vinh danh các liệt sĩ của đất nước.
Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: “Hôm nay chúng ta tưởng nhớ những nam nữ quân nhân đã hy sinh mạng sống khi làm nhiệm vụ. Xin cảm ơn, Chúa ban phước lành cho gia đình quý vị và Chúa ban phước lành cho nước Mỹ!”
Ông nói Hoa Kỳ là “ngôi nhà của những người tự do, nhờ có những người dũng cảm”. Sau đó, ông Trump tham gia buổi lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở ngay bên ngoài thủ đô Washington.
Về mặt không chính thức, ngày này đối với nhiều người Mỹ cũng được xem là thời điểm bắt đầu mùa hè.
Về mặt chính thức, Ngày Chiến sĩ trận vong được kỷ niệm vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5. Đây là ngày để vinh danh tất cả những ai ngã xuống khi phục vụ quân ngũ trong suốt lịch sử Hoa Kỳ. Quốc hội đã công nhận Ngày Chiến sĩ trận vong là ngày nghỉ toàn quốc vào năm 1971.
Người ta lên kế hoạch thực hiện các nghi lễ tưởng niệm trên khắp đất nước và ở Washington trong ngày này.
Hàng trăm người tham gia cuộc diễu hành môtô Rolling Thunder (Sấm Rền) ở Washington đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Thế chiến II và Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam.
Những người tham gia Rolling Thunder đi môtô để thu hút sự quan tâm đến những quân nhân hiện là tù binh và các quân nhân còn đang mất tích.
Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình tổ chức một số sự kiện ở Washington để phản đối điều mà họ gọi là “đề xuất ngân sách vô lý của Tổng thống Trump, gồm cả việc tăng 54 tỷ đôla cho Ngũ Giác Đài”.
Ngày Chiến sĩ trận vong bắt đầu năm 1865, ngay sau khi kết thúc cuộc Nội chiến Mỹ, khi đó một nhóm cựu nô lệ thực hiện hoạt động được coi là lễ tưởng niệm đầu tiên dành cho những quân nhân của đất nước ngã xuống trong chiến tranh.
Trong hơn 50 năm, ngày lễ này chỉ tưởng nhớ những người ngã xuống trong cuộc Nội chiến.
Phải đến khi nước Mỹ tham gia Thế chiến I thì ngày lễ này mới mở rộng ra để tưởng nhớ cả những người ngã xuống trong mọi cuộc chiến.
Trump nói hoàn toàn tin tưởng con rể Kushner
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hiện biện hộ cho Jared Kushner, con rể của ông và cũng là cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc. Báo chí đưa tin ông Kushner đã cố thiết lập kênh liên lạc cửa sau với các quan chức Nga trong vài tuần trước khi ông Trump nắm quyền vào tháng 1 năm nay.
Ông Trump nói với tờ New York Times vào tối Chủ Nhật: “Jared làm việc rất tốt cho đất nước. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào anh ấy, anh ấy được tất cả mọi người tôn trọng và đang làm việc về các chương trình tiết kiệm cho đất nước chúng ta hàng tỷ đô la. Ngoài ra, và có lẽ còn quan trọng hơn, anh ấy là một người rất tốt”.
Kushner, 36 tuổi, đã kết hôn với con gái cả của ông Trump là Ivanka, cô này cũng là cố vấn tại Tòa Bạch Ốc.
Luật sư của Kushner đã nói rằng ông sẵn sàng hợp tác với các cuộc điều tra của quốc hội về mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và các quan chức Nga.
Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị đối phó với buổi điều trần tại Quốc hội sắp tới của cựu giám đốc FBI James Comey. Ông Trump đã sa thải ông Comey sau khi yêu cầu ông hủy cuộc điều tra đối với cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn và mối quan hệ thân thiết của ông này với điện Kremlin.
Một số bản tin Mỹ, trích lời các phụ tá của ông Trump, cho hay tổng thống có thể sẽ sớm thiết lập một “phòng tác chiến” để xử lý nhiều câu hỏi về mối liên hệ giữa chính quyền của ông và Nga. Các bản tin nói ông Trump đã thuê một luật sư New York để tư vấn cho ông trong việc xử lý các cuộc điều tra khác nhau.
Mỹ cân nhắc cấm laptop trên mọi chuyến bay quốc tế
Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết ông đang cân nhắc việc cấm mang máy tính xách tay lên khoang hành khách trong tất cả các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Hoa Kỳ.
Ông John Kelly nói có dấu hiệu về “những mối đe dọa thực sự” đối với hàng không dân dụng từ các thiết bị điện tử mang trong hành lý xách tay.
Phát biểu trong chương trình truyền hình Fox News Sunday, ông Kelly nói rằng những kẻ khủng bố bị “ám ảnh” với ý tưởng “làm cho máy bay rơi khi đang bay”.
Lệnh cấm này sẽ phát triển thêm từ lệnh cấm hồi tháng 3 có ảnh hưởng đến 50 chuyến bay mỗi ngày đến Hoa Kỳ từ 10 thành phố ở Trung Đông và Bắc Phi. Lệnh cấm yêu cầu tất cả các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại thông minh phải được đóng trong hành lý ký gửi.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường trấn áp IS
Theo các quan chức và các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường trấn áp các phần tử chủ chiến gắn với Nhà nước Hồi giáo kể từ sau cuộc tấn công chết chóc tại hộp đêm Reina ở Istanbul vào đêm giao thừa dương lịch.
Số liệu do công ty tư nhân Thổ Nhĩ Kỳ S Bilisim Danismanlik thu thập được cho biết 8 kẻ chủ chiến IS đã bị tiêu diệt ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay, ngoài ra có gần 500 kẻ khác bị bắt và 525 kẻ bị kết án.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ nói họ vừa kết thúc chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria, tiêu diệt 2.288 thành viên IS kể từ khi chiến dịch bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái, trong số đó, 750 kẻ bị tiêu diệt trong năm nay.
Trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chỉ trích vì cho phép những kẻ chủ chiến IS đi từ các nước khác qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào các nước láng giềng Syria và Iraq, cũng như cho phép những kẻ thân IS lập các hang ổ ở miền đông nam đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị những kẻ chủ chiến IS tấn công nhiều lần, trong đó có vụ tấn công Reina. Trong vụ này, một tay súng người Uzbekistan đã giết chết 39 người và làm bị thương nhiều người khác.
Khi mối nguy từ IS trở nên rõ rệt, Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm một vai trò lớn hơn trong chiến dịch chống IS ở Syria và Iraq vào giữa năm 2015, và đã bắt đầu một cuộc trấn áp có hệ thống ở trong nước.
“Bà Đầm Thép” Eiffel lãnh hậu quả vì quá nổi tiếng
Quá nổi tiếng đôi khi cũng “mệt mỏi”. Nay đã gần 130 tuổi, “Bà Đầm Thép” Eiffel của Paris đang phải đối mặt với một bài toán khó: Trước nguy cơ sắp quá tải, làm thế nào tăng được nguồn thu… nhưng không tăng thêm lượng khách tham quan.
Cũng như bao công trình nổi tiếng khác như Sagrada Familia tại Barcelona, hay như bảo tàng Louvre gần đây cũng bị quá tải trước sự thành công của cuộc triển lãm Vermeer, tháp Eiffel năm nay được 128 tuổi đang “oằn mình” trước lượng du khách quá đông.
Không nằm trong danh sách những tòa tháp cao nhất thế giới (kỷ lục thuộc về tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai, Tiểu Vương Quốc Ả Rập, cao 828m), tháp Eiffel được thiết kế bằng sắt tuy chỉ cao 324m nhưng lại là tòa tháp có đông khách tham quan nhất. Ngoại trừ hai năm đen tối của ngành du lịch Pháp, 2003 và 2016, mỗi năm Bà Đầm Thép Paris đón tiếp hơn 6 triệu lượt khách tham quan kể từ cuối những năm 1990. Năm 2014, tháp Eiffel đạt mức kỷ lục là 7,1 triệu lượt du khách.
Ngưỡng đặt ra là không được vượt quá con số 7,3 triệu du khácg. Một thách thức lớn đang trông đợi vào Sete (Societe d’exploitation de la tour Effeil), tập đoàn khai thác tháp Eiffel: Đó là làm sao đảm bảo được tương lai cho “Bà Đầm Thép” trong 15 năm tới trong khuôn khổ chương trình ủy quyền dịch vụ công, sắp được ký kết vào tháng 10/2017 với tòa thị chính Paris.
Trả lời phóng viên báo Le Figaro (số báo đăng ngày 27/05/2017), bà Anne Yannic, tổng giám đốc Sete, cho biết về tham vọng của tập đoàn là làm sao “mang lại cho tháp Eiffel vẻ uy nghi” cũng như là “tìm lại sức mạnh biểu tượng mà tòa tháp ít nhiều đã mất đi”.
Đây sẽ là một phương trình khó. Ông Jean-Bernard Bros, chủ tịch nhóm dân biểu thuộc đảng Cánh tả Cấp Tiến tại Hội Đồng Paris và từng là chủ tịch Tập đoàn Sete giai đoạn 2001-2014, có lưu ý là “khi ông Gustave Effeil xây dựng tòa tháp này nhân dịp Triễn Lãm Toàn Cầu năm 1889, ông nghĩ là Bà Đầm Thép có lẽ chỉ có thể đón mỗi năm có 500.000 lượt khách mà thôi”.
Đối với ông Jean-Bernard Bros, đã đến lúc các nhà quản lý nên xem xét lại mô hình kinh doanh và quản lý. Theo ông, nên chăng nghĩ đến chuyện giảm lượng khách tham quan hòng đảm bảo sự tồn tại của tháp và kéo dài được lâu hơn thời gian lên tháp, « sao cho việc tham quan không chỉ thu gọn trong việc lên tháp, chụp vài ba tấm hình và rồi đi xuống lại. Tổ chức lại việc xếp hàng một cách thông minh hơn và không dồn người trong các thang máy ».
Thế nhưng, ông Jean-François Martins, phụ trách ngành du lịch của tòa thị chính Paris, lưu ý rằng không chỉ là điểm du lịch, tháp Eiffel trước hết còn là một di tích lịch sử. Do đó, cần phải « đảm bảo công tác bảo trì ». Lượng khách tham quan đã chạm ngưỡng, chi phí cho việc tu dưỡng kỹ thuật là cao.
Theo Le Figaro, để có thể tăng thu nhập mà không tăng thêm lượng khách, ngoài việc phải tăng giá vé tham quan vào đầu tháng 11/2017, các nhà quản lý sẽ tìm kiếm thêm nhiều nguồn thu khác, chẳng hạn từ những hoạt động dịch vụ, kinh doanh ăn theo « Bà Đầm Thép »như quán ăn, quà lưu niệm…
Pháp khánh thành “eTree” đầu tiên tại châu Âu
Ngày 29/05/2017, một cây kỳ lạ, có những chiếc lá to vuông vức được dựng lên ngay giữa lòng thành phố Nevers, thành phố miền trung nước Pháp. Đây chính là “eTree” đầu tiên tại châu Âu trong khuôn khổ chương trình hợp tác “thành phố kỹ thuật số” giữa các doanh nghiệp Pháp và Israel.
Lấy cảm hứng từ loài cây keo sống trên vùng sa mạc ở Israel, cây điện tử này cho phép nạp điện các loại điện thoại cầm tay, lướt wifi hay để che nắng. Công trình theo trường phái vị lai này còn cấp cả nước mát, cho phép nạp bình điện xe đạp hay thắp sáng đường phố khi chiều về.
Ông Denis Thuriot, thị trưởng thành phố Nevers, vốn quan tâm nhiều đến việc xúc tiến phát triển kinh tế kỹ thuật số giải thích: “Đây là biểu tượng cho lời cam kết xây dựng thành phố kỹ thuật số có từ năm 2014”.
Nhân cuộc họp thượng đỉnh Khí hậu COP 21 tại Paris năm 2015, các kỹ sư đã trình làng mô hình mẫu “eTree”. Tuy nhiên, cây nhân tạo này đã được thiết lập tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ, Israel và sắp tới đây là Kazakhstan. Dự án cũng đã thu hút được sự chú ý của những tập đoàn mạng lớn như Google.
Donald Trump phản công, cáo buộc truyền thông Mỹ “dối trá”
Trở về Hoa Kỳ sau một chuyến công du nước ngoài dài tám ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản công, tố cáo “lời lẽ dối trá” của truyền thông Mỹ khi liên tục đưa ra nhiều tiết lộ nghi ngờ con rể ông, Jared Kushner và nhiều người thân cận khác, có liên hệ với Nga.
Sau một loạt thất bại chính trị và tranh cãi ngày càng ầm ĩ về mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga, tổng thống Mỹ quyết định tập hợp các cố vấn và những người thân cận nhằm tổ chức một cuộc phản công.
Từ New York, thông tín viên RFI, Grégoire Pourtier tường thuật :
Các đồng minh chính trị của Donald Trump, và nhất là các luật sư của ông, gần đây có khuyên nguyên thủ Mỹ nên giảm bớt tần số và giọng điệu gay gắt của các dòng twitt, vốn dĩ có thể sẽ quay lại chống chính ông.
Nhưng khi về đến Washington, tổng thống Mỹ đã không thể kiềm chế được trong ngày Chủ Nhật 28/5. Buổi sáng, cũng như buổi tối, lần đầu tiên, tổng thống Mỹ đã đăng nhiều tin nhắn cho thấy ông quyết tâm chiến đấu, nhất là chống lại giới truyền thông, mà ông cáo buộc là đã nói dối và che giấu sự thật.
Mọi người cho rằng Nhà Trắng nhanh chóng xem lại chiến lược thông tin, qua những buổi mít-tinh trong nước hay qua những trao đổi trực tuyến trên Facebook, để khuyến khích một sự trao đổi trực tiếp hơn.
Đặc biệt, một War Room, hội đồng chiến tranh, đang được thiết lập để chống lại những cáo buộc thông đồng với Nga. Nhiều chuyên gia tư vấn, chuyên xử lý tình huống khủng hoảng kiểu này đang được tuyển dụng.
Cũng giống như những gì tổng thống Bill Clinton đã làm trong vụ bê bối Monica Lewinski, vấn đề là phải làm sao làm việc có hiệu quả cũng như phải khoanh vùng vụ tai tiếng này, không để lây lan ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động chính trị.
Chính vì thế mà một lịch trình chính trị đang được xem xét lại. Chính quyền Trump tuyệt đối phải có được một thắng lợi trước mùa hè. Nhiều dự án ít tham vọng nhưng cũng ít gây tranh cãi rất có thể sẽ được thông qua trong thời gian sắp tới sao cho đảng Cộng Hòa vẫn có thể ngẩng cao đầu trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2018 tới đây.
Tài phiệt Nga Deripaska làm chứng có điều kiện ?
Trùm tư bản Nga trong lĩnh vực sản xuất nhôm, Deripaska hôm nay 29/05/2017 bác bỏ thông tin cho rằng ông muốn hợp tác với Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ, để đổi lấy quyền “miễn trừ hoàn toàn”.
Trong một thông cáo phát đi từ trụ sở tập đoàn Rusal, ông Deripaska xem thông tin do nhật báo New York Times tiết lộ hôm thứ Sáu 26/5/2017 là “dối trá và lừa bịp”. Ông cho biết rõ “chính các đại diện của Quốc Hội Mỹ đã liên hệ với luật sư của ông ở Washington chứ không phải theo chiều ngược lại”.
Quan hệ với Putin : Thách thức ngoại giao mới đối với Macron
Hôm nay, 29/05/2017, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Điện Versailles. Nếu cuộc gặp giữa Emmanuel Macron-Donald Trump hôm 25/05 là điều nằm trong dự kiến, thì cuộc tiếp xúc tay đôi Macron-Putin hôm nay khiến nhiều người ngạc nhiên, căn cứ vào quan hệ không mấy thuận thảo giữa Nga và Pháp vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Pháp Hollande, và nghi ngại về khả năng Mátxcơva « chơi xấu » ứng cử viên Macron lúc vận động tranh cử. Trong bối cảnh đó, việc ông Macron chủ động đề nghị cuộc gặp được cho là một thách thức ngoại giao mới mà tân tổng thống Pháp sẵn sàng đối đầu.
Khi đưa ra lời mời hôm 18/05 nhân cuộc điện đàm với tổng thống Nga, ông Macron đã nêu bật lý do khiến ông chủ động gặp ông Putin, bất chấp những dấu hiệu không thiện cảm của Mátxcơva đối với ông trước đó. Ông nói rõ : « Cho dù có khác biệt trong quan điểm về nhiều vấn đề, hai nước Nga và Pháp vẫn có quan hệ lâu đời và đặc biệt ».
Trước ngày 18/05, quan điểm chung của Nga vẫn không mấy tốt đẹp với ông Macron. Trong thời gian Pháp vận động tranh cử tổng thống, trong số bốn ứng viên chủ chốt, chỉ có ông Macron là không được Mátxcơva ủng hộ. Thậm chí ông Putin còn gián tiếp nâng đỡ qua việc tiếp bà Marine Le Pen, ứng viên cực hữu thuộc đảng Mặt Trận Quốc Gia, đối thủ số một của ông Macron, khi bà Le Pen ghé thủ đô Nga.
Sau khi ông Macron chiến thắng, báo chí Nga vẫn còn tiếp tục đả kích người được dân Pháp chọn lựa. Còn có tin là Nga nhúng tay vào các vụ tin tặc tấn công vào ê kíp vận động cho ông Macron.
Thế nhưng Emmanuel Macron là một chính trị gia thực tế, đã thấy rõ rằng nhiều hồ sơ như Syria hay Ukraina sẽ không thể có giải pháp nếu tiếp tục bị Nga chọc gậy bánh xe.
Một nước Nga hung hăng sẽ khiến Tây Âu phải tốn công, tốn của, để dự phòng; đây là điều mà một người mong châu Âu vững mạnh và phát triển như ông Macron hoàn toàn không muốn.
Mặt khác việc ông Macron chìa bàn tay hòa giải với Nga cũng không đi ngược lại quan hệ đặc biệt vốn có giữa Paris và Matxcơva trong thời gian qua, với Pháp luôn có một chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây khác.
Putin muốn Nga thoát khỏi tình trạng bị cô lập
Về phần tổng thống Nga Putin cũng thế, ông cũng là một lãnh đạo thực tế, biết nắm bắt tình hình để tận dụng thời cơ.
Theo các nhà quan sát, nói gì thì nói, Nga vẫn cần châu Âu. Thái độ kình chống châu Âu trong thời gian qua đã không dẫn Nga đến đâu, trong lúc ý hướng xích lại gần nước Mỹ với Donald Trump làm tổng thống thì liên tiếp bị trở ngại.
Trong bối cảnh đó, lời mời của Emmanuel Macron đến thật đúng lúc, và dù không nói ra, Vladimir Putin đã quyết định đến Paris trong cố gắng kéo nước Nga ra khỏi tình trạng cô lập hiện nay.
Đối thoại tái lập với một trong hai đầu tầu của châu Âu là một điều kiện thuận lợi giúp Nga tháo gỡ hệ thống trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu đối với Matxcơva đang làm kinh tế Nga điêu đứng.
Nhìn chung, cuộc gặp Macron-Putin là một tín hiệu tích cực. Nhưng theo nhận định của ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Pháp (IFRI), được AFP trích dẫn, do việc hai bên đã mất lòng tin khá lớn, từ sau vụ Nga sáp nhập Crimée, công việc khôi phục lại quan hệ không thể nhanh chóng được.
Riêng đối với tân tổng thống Pháp Macron, cuộc gặp với tổng thống Nga sẽ cho phép ông khẳng định thêm uy tín trên trường quốc tế, một uy thế sẽ gia tăng thêm qua cuộc tiếp xúc với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 03/06 tới đây.
Angela Merkel : Châu Âu hãy tự nắm lấy vận mệnh của mình
Sau khi dự thượng đỉnh NATO và G7 trở về, thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày hôm qua, 28/05/2017, từ thành phố Munich, đã kêu gọi châu Âu hãy tự nắm lấy vận mệnh của mình, hàm ý bày tỏ sự thất vọng về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu dưới thời tổng thống Donald Trump.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gửi về bài tường trình :
Angela Merkel, rất ủng hộ quan hệ châu Âu-Hoa Kỳ, là người gốc Đông Đức cũ. Trước đây, khi ở bên kia bức tường Berlin, bà đã từng mơ tưởng đến một nước Mỹ biểu tượng cho tự do. Giờ đây, bà gần giống như kẻ si tình bị hắt hủi. Và thủ tướng Đức đã bày tỏ thái độ này với những từ ngữ mà bà không dùng bao giờ.
Sau khi thượng đỉnh G7 ở Sicilia, Ý chỉ đạt được kết quả tối thiểu, hôm thứ Bẩy, 27/05, bà đã công khai bày tỏ sự thất vọng.
Hôm qua, Angela Merkel, trong tư cách như một chuyên gia đã xử lý được các cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây, bất chấp sự phức tạp của cơ chế châu Âu, đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với châu Âu. Bà nói : “Thời kỳ mà chúng ta có thể trông cậy vào những nước khác, hầu như đã qua rồi. Châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh của mình”.
Một nhật báo Đức, hôm qua (28/05), nói đến một kế hoạch bí mật của thủ tướng Đức về việc đẩy mạnh hội nhập.
Châu Âu có thể đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch vận động tranh cử sắp tới của bà Merkel và lại một lần nữa, thủ tướng Đức sẽ chiếm giữ chủ đề này vốn là một trong những nội dung tranh cử của đảng Xã Hội Dân Chủ. Năm nay, đảng này vận động tranh cử dưới sự lãnh đạo của ông Martin Schulz, cựu chủ tịch Nghị Viện Châu Âu.
Đối mặt với một đồng minh Mỹ kém khả tín, Angela Merkel muốn thúc đẩy châu Âu tiến nhanh, trong lúc công luận Đức mong muốn một châu Âu vững mạnh và Berlin có một đồng minh mới ở điện Elysée, Pháp.
Khủng bố ở Manchester : 16 người đã bị bắt giữ
Cảnh sát Anh ngày 29/05/2017 cho biết đã bắt giữ nghi can thứ 16 trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ khủng bố tự sát tại Manchester làm 22 người thiệt mạng.
Theo thông cáo đăng trên Twitter, cảnh sát vùng Manchester cho biết Shoreham-on-Sea, 23 tuổi đã bị bắt tại Sussex, miền nam Anh quốc. Chủ Nhật, 28/05, cảnh sát Anh đã bắt giữ một thanh niên 19 tuổi ở khu phố Gorton và một nghi can 25 tuổi tại Old Trafford.
Như vậy, tổng cộng đã có 16 người bị bắt trong khuôn khổ cuộc điều tra. Tuy nhiên, thông cáo cũng cho biết thêm là có 2 người đã được thả do thiếu bằng chứng. Hiện 14 người còn lại vẫn đang bị câu lưu.
Bộ trưởng Nội Vụ Anh, bà Amber Rudd, trên đài BBC hôm qua 28/5 cho biết thêm là nhiều thành viên khác của mạng lưới khủng bố rất có thể đã bỏ trốn.
AFP trích dẫn truyền thông Anh cho hay cơ quan tình báo MI5 sẽ mở hai điều tra khẩn cấp tìm hiểu nguyên nhân vì sao cơ quan này đã không nhận dạng được dấu hiệu nguy hiểm của Salman Abedi. Theo MI5, ít nhất ba lần cảnh sát đã được báo động về quan điểm cực đoan người này.
Khoảng 1000 nhân viên an ninh đã được huy động để phân tích hơn 800 chứng cứ (trong đó có 205 tài liệu điện tử) và để tiến hành truy lùng các nghi can tại 18 địa điểm khác nhau. Gần 13000 giờ các đoạn video giám sát đang được xem xét kỹ.
Tổng thống Philippines dọa thiết quân luật toàn quốc
Hôm nay, 29/05/2017, giao tranh giữa quân đội Philippines và các chiến binh Hồi giáo cực đoan vẫn diễn ra ác liệt ở Marawi, trên đảo Mindanao, phía nam Philippines. Theo AFP, khoảng 2000 thường dân bị mắc kẹt trong thành phố do chiến sự.
Trong bối cảnh đó, tổng thống Rodrigo Duterte đe dọa sẽ áp dụng thiết quân luật trên phạm vi toàn quốc, chứ không chỉ giới hạn ở Mindanao, bất chấp ý kiến của Tòa Án Tối Cao.
Từ Manila, thông tín viên Marianne Dardard :
Trong bài diễn văn đọc trước các nhóm binh sĩ, ngày hôm qua (28/05), tổng thống Rodrigo Duterto đã báo trước là không ai có thể ngăn cản được ông tiếp tục áp dụng thiết quân luật.
Ông nói : “Tôi sẽ tiếp tục cho áp dụng thiết quân luật cho đến ngày nào quân đội và cảnh sát tuyên bố đất nước chúng ta không còn mối đe dọa nào nữa. Tôi sẽ không nghe theo ai khác, kể cả Tòa Án Tối Cao và Quốc Hội”.
Theo luật pháp Philippines, thiết quân luật có thời hạn hai tháng và nếu muốn triển hạn thì phải được Quốc Hội bỏ phiếu đồng ý.
Nhiều tổ chức, từ các nhà tranh đấu cho nhân quyền đến các đại diện các giới chức công giáo hoặc đạo Hồi cho rằng thiết quân luật là một biện pháp thái quá, thậm chí nguy hiểm đối với nền dân chủ. Họ cho biết có ý định kiện lên Tòa Án Tối Cao để định chế này ra phán quyết cho rằng biện pháp này là vi hiến.
Năm 1972, tổng thống Ferdinand Marcos đã sử dụng thiết quân luật như là công cụ để thiết lập chế độ độc tài.
Đáp trả mối đe dọa khủng bố, Rodrigo Duterte, vốn rất ngưỡng mộ Ferdinand Marcos, lúc đầu, đã tuyên bố rằng thiết quân luật mà ông ban hành cũng sẽ nghiêm khắc như thiết quân luật dưới thời Ferdinand Marcos, rồi sau đó, tổng thống Philippines lại hứa là sẽ không lạm dụng biện pháp này.
0 nhận xét