Tết Đoan ngọ - Nét đẹp văn hóa truyền thống
Thứ ba, 30/05/2017 01:03
(AGO) - Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) còn được người dân gọi là tết nửa năm. Vào ngày này, bà con sắm lễ vật, ngoài trái cây còn có bánh tro, cơm rượu... để cúng ông bà, tổ tiên và liên hoan sum họp gia đình.
Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo sách Phong thổ ký, Tết Đoan ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Đoan có nghĩa là mở đầu, ngọ là giữa trưa. Đoan ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa (từ 11 đến 1 giờ trưa); còn dương là mặt trời, là khí dương. Đoan dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Ở nước ta, tháng 5 được coi là tháng giữa năm, cũng là tháng ngọ, nên chọn ngày mùng 5 tháng 5 ăn Tết Đoan ngọ.
Bánh xèo là món ăn dân dã nhưng rất đậm chất của người miền Tây Nam Bộ trong ngày Tết Đoan ngọ
Ông Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Liên hiệp hội các Văn học - Nghệ thuật An Giang, cho biết: “Ý nghĩa khoa học nhất đối với nhiều nước Á Đông là các ngày tết (chữ “tiết” đọc trại ra) thường gắn liền với thời tiết, mùa màng, kể cả Tết Nguyên đán, Trung thu… Tháng 5 còn là tháng cực thịnh của mùa màng xứ nông nghiệp, nên người ta tổ chức ăn tết mừng cây cối đơm hoa kết trái và cầu cho mùa vụ bội thu. Có một số nơi giải thích Tết Đoan ngọ là tết giết sâu bọ để bảo vệ mùa màng, vì thời tiết của tháng 5 giúp sâu bọ dễ phát triển. Ý nghĩa này không phổ biến lắm vì diệt sâu bọ để cây trái tốt tươi là việc làm thường xuyên của người sản xuất nông nghiệp, làm gì phải tổ chức ăn tết!... Người Nam bộ ăn Tết Đoan ngọ rất đơn giản nhưng ý nghĩa, người ta còn gọi là tết nửa năm, hoặc nôm na là ăn mùng 5 tháng 5 để mừng cho năm mới đã qua được nửa năm rồi, công việc làm ăn vẫn thuận buồm xuôi gió”.
Bánh ú tro là món có trong mâm lễ cúng mùng 5 tháng 5. (Ảnh: T.L)
Ngày nay, tùy theo từng nơi, người ta có nhiều cách ăn Tết Đoan ngọ khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là làm bánh, hái trái, hái lá để cúng tổ tiên và tổ chức ăn uống, họp mặt gia đình, bạn bè. Người Trung Hoa có những tập tục phức tạp hơn nhưng dần dần bị dân gian bỏ bớt, chỉ còn tục đi hái lá thuốc và tắm nước lá… đến nay vẫn giữ ở một số nơi.
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày mùng 5 tháng 5, trước cửa nhà phải treo một bó lá cây để trừ tà ma, đem lại an lành cho gia đình nửa năm còn lại. Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Nhiều địa phương ở ven biển còn đi tắm biển vào đúng giờ ngọ. Bởi theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm khí dương mạnh nhất trong năm. Vì thế, các loại cây lá được hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên người ta mới đi hái thuốc.
Ở miền Bắc và miền Trung nước ta, bà con thường ăn Tết với tục gói bánh lá tro, uống rượu cẩm, và cơm rượu cũng là món dùng phổ biến ở mọi nhà. Bánh ú lá tro được bày cúng trong ngày tết Đoan ngọ còn trở thành thông lệ của 3 miền. Một số nơi còn cúng thêm thịt vịt quay, heo quay trong ngày mùng 5 tháng 5…
Miền Tây Nam Bộ ăn Tết Đoan ngọ với một món ăn dân dã nhưng rất độc đáo là bánh xèo. Ngày xưa, gần như nhà nào cũng tổ chức làm bánh xèo, vì đây là thời điểm “nước quay”, cây điên điển bắt đầu trổ bông vàng rực. Bông điên điển đầu mùa làm bánh xèo thì ngon tuyệt!
Giới trẻ ngày nay cũng theo truyền thống hòa nhập với các tập tục ăn Tết Đoan ngọ của gia đình và cộng đồng. Nhưng ngày tết giữa năm này chủ yếu được tổ chức trong gia đình, các thành viên đoàn tụ và quây quần bên nhau, chung tay làm bánh, cúng ông bà rồi cùng ăn uống vui vẻ để mừng là đã qua nửa năm với nhiều điều tốt đẹp. Một số bạn trẻ cũng sang nhà bạn bè để san sẻ niềm vui, hoặc đến chùa cầu may cho nửa năm còn lại cùng với những ước vọng mà mình đang phấn đấu hoàn thành.
Trong văn hóa Việt Nam thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Dân gian lưu truyền câu ca dao: “Tháng năm ngày Tết Đoan dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”. Ở Nam Bộ, mùng 5 tháng 5 còn được gọi là ngày "Vía Bà", thờ Linh sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen (Tây Ninh). |
Bài, ảnh: HỮU HUYNH
0 nhận xét