Trở lại Óc Eo
Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017
18:59
//
Quê hương
,
Slider
,
Tin khắp nơi
Thứ sáu, 07/04/2017 01:03
(AGO) - Sự hình thành nền văn hóa Óc Eo cách đây 2 thiên niên kỷ trên vùng đất Tây Nam Bộ đã đánh dấu một bước phát triển của văn minh nhân loại ở khu vực Đông Nam Á. Các cuộc nghiên cứu trong 100 năm qua dần bóc tách những cứ liệu lịch sử thăng trầm của thời gian, để chúng ta hiểu hơn, trân quý hơn những bằng chứng về một quốc gia cổ từng là đỉnh cao văn minh trong thời gian dài.
Nền văn minh rực rỡ
Là tên một gò đất trên cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê (Thoại Sơn), Óc Eo đi vào lịch sử khảo cổ học Việt Nam như một vùng đất văn hóa đầy hấp dẫn. Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước - con người ở vùng đồng bằng - châu thổ hạ lưu sông Mê Kông và quan hệ mật thiết với lịch sử cổ đại Đông Nam Á.
Các cuộc hội thảo khoa học góp phần làm rõ thêm cứ liệu lịch sử của nền văn hóa Óc Eo
Theo Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo: Những thế kỷ đầu Công nguyên, Óc Eo là cửa biển thông qua Vịnh Thái Lan. Khu vực này nằm trên trục đường hàng hải thương mại giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ, một bên là sông Mê Kông và Trung Quốc. Óc Eo trở thành nơi trung chuyển thuận lợi của khu vực. Năm 1920, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã dùng không ảnh chụp miền Nam Việt Nam, khi đó phát hiện dưới chân núi Ba Thê có nhiều khả năng ẩn chức các di chỉ của một nền văn hóa cổ. Năm 1944, Louis Malleret tiến hành khai quật khảo cổ và phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ cùng nhiều hiện vật như: Hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức chế tác tinh xảo… Trên cơ sở cuộc khai quật cho rằng, cánh đồng Óc Eo là một thành thị cổ và đặt tên là thành thị Óc Eo hay thị cảng Óc Eo, có diện tích rộng tới 4.500 héc-ta với một tiền cảng có tên là Tà Keo, cách Óc Eo 12 km về phía Tây Nam. Vùng này không chỉ có hình ảnh của một đô thị quy củ mà còn có nhiều dấu tích của một trung tâm tôn giáo - văn hóa lớn với 3 cụm quần thể kiến trúc: Vùng Linh Sơn Tự, vùng Đông Bắc núi Ba Thê và vùng Giồng Cát, Giồng Xoài…
Sau năm 1975, Bảo tàng An Giang phối hợp các cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh khai quật các di chỉ văn hóa Óc Eo đã phát hiện thêm nhiều di tích trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc… Đặc biệt, ở huyện Thoại Sơn, đã phát hiện sự phân bố dày đặc các di tích văn hóa Óc Eo, trải từ cánh đồng Óc Eo đến rìa chân núi Ba Thê với diện tích khoảng 450 héc-ta. Nhiều di tích ở khu vực Ba Thê được khai quật thời gian qua như: Giồng Xoài, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Da, Giồng Cát, Trung Sơn, Gò Cây Me, Gò Tư Trâm, Nam Linh Sơn… Tất cả các di tích văn hóa Óc Eo trở thành tài sản lịch sử văn hóa quý giá. Những di chỉ, hiện vật phát hiện trở thành chứng cứ khoa học vô giá, góp phần làm rõ lịch sử vùng đất Nam Bộ, về sự hình thành và phát triển Vương quốc Phù Nam - một quốc gia cổ, một thương cảng quốc tế của giai đoạn phát triển rực rỡ ở Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á.
Thạc sĩ Nguyễn Thuận Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, cho biết: Văn hóa Óc Eo có sự giao lưu văn hóa rộng lớn với những nền văn minh cổ đại trên thế giới (thể hiện qua những hiện vật được phát hiện ở các di chỉ), như: Với văn minh Đông Sơn, Ấn Độ, Địa Trung Hải, Trung Đông, Trung Hoa… Óc Eo là một di tích rất lớn, một trung tâm văn hóa cổ của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một hình mẫu của sự kết hợp những yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong sự vận động và phát triển. Đây còn là vốn quý trong việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử văn hóa đất nước và khu vực Đông Nam Á. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu đó, năm 1998 khu di tích Óc Eo được công nhận là Khu di tích Quốc gia. Ngày 14-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn). Đồng thời, quy hoạch nhằm phát triển khu di tích trở thành điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, tổng diện tích lập quy hoạch là 433,2 héc-ta được xác định theo hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm 2 khu vực: Khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A), diện tích 143,9 héc-ta. Khu vực cánh đồng Óc Eo (khu B), diện tích 289,3 héc-ta. Ngoài ra, còn có các điểm di tích thuộc Di tích - quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, các di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ khác về văn hóa Óc Eo ở tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL và các khu vực cảnh quan có liên quan.
Định hướng phát triển
Với lợi thế có khu di tích đặc biệt quốc gia, có hạ tầng giao thông hoàn thiện kết nối nhiều điểm tham quan du lịch trong cung đường từ núi Sập qua Cô Tô, Tức Dụp, núi Cấm, đường lên cửa khẩu biên giới Tịnh Biên và về Châu Đốc… thị trấn Óc Eo đang khoác lên mình chiếc áo mới.
Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Óc Eo phấn đấu xây dựng địa phương trở thành đô thị loại IV (giai đoạn 2016-2020). UBND thị trấn đã hoàn chỉnh kế hoạch chỉnh trang, nâng cấp thị trấn, trong đó, đang triển khai kế hoạch xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị và chọn 3 tuyến đường từ cầu Ba Thê 5 đến cống núi Nhỏ là tuyến phố văn minh, gồm: Đường Nguyễn Thị Hạnh (từ cầu Ba Thê 5 đến Trường Quân sự địa phương), đường Nguyễn Văn Muôn (từ Trường Quân sự địa phương đến cống Núi Nhỏ), đường Lâm Thanh Hồng (từ Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo đến UBND thị trấn) và 18 đường nội ô cần xây dựng, nâng cấp trong giai đoạn 2016-2020.
Khách tham quan hiện vật tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo
Chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo Đặng Văn Lợi cho biết: Thị trấn khá rộng, tổng diện tích tự nhiên hơn 12 km2. Ngoài núi Ba Thê và đất lâm nghiệp hơn 360 héc-ta, đất sản xuất nông nghiệp của thị trấn Óc Eo có 652 héc-ta, với 4 ấp, dân số hơn 14.000 người, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Thị trấn có trên 800 hộ kinh doanh mua bán, 42 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, có 99% số hộ dân sử dụng điện và trên 55% sử dụng nước sạch (chủ yếu ở ấp Tân Hiệp A và Tân Hiệp B). Tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn còn khá cao với 498 hộ (chiếm14,8%), 106 hộ cận nghèo. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên lao động địa phương đi làm ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh khá đông (năm 2016 đã giới thiệu việc làm cho 2.111 người, chủ yếu đi làm ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh). Chính vì thế, thị trấn đang tập trung rà soát để định hướng đào tạo nghề phù hợp; đồng thời tạo điều kiện cho tiểu thương tiếp cận các khoản vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Khu Di tích Văn hóa Óc Eo là “điểm nhấn” của thị trấn Óc Eo. Hiện nay, Tỉnh lộ 943 từ TP. Long Xuyên vào thị trấn Óc Eo đã được nâng cấp khá hoàn chỉnh, nhưng đoạn từ núi Ba Thê đi Tri Tôn, Tịnh Biên rồi vòng qua Châu Đốc chưa được đầu tư nâng cấp, còn rất khó đi. Cùng với đó, đường lên núi Ba Thê dốc đứng quanh co, xe ôtô không đi được, nên du khách phải đi xe ôm để lên các điểm tham quan du lịch trên đỉnh núi cao. Vì vậy mà du khách đến thị trấn Óc Eo mỗi năm vẫn chưa nhiều. Nếu hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh, chắc chắn du khách sẽ đến Óc Eo nhiều hơn. Song song với phát triển loại hình thương mại dịch vụ, đời sống người dân nơi đây sẽ cải thiện đáng kể, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Khu Di tích Văn hóa Óc Eo đã trở thành một trong những Khu di tích lịch sử, văn hóa và du lịch tiêu biểu của An Giang. Nơi đây không chỉ thu hút các nhà khoa học, nhà khảo cổ đến nghiên cứu văn hóa, lịch sử mà còn hấp dẫn rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO công nhận Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là Di sản thế giới. Song song với việc xây dựng hồ sơ di sản, việc quy hoạch tổng thể di tích Óc Eo để phát triển du lịch sẽ trở thành mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. |
Bài, ảnh: HỮU HUYNH
0 nhận xét