Tịnh Biên phát huy tiềm năng du lịch
Thứ hai, 17/04/2017 00:55
(AGO) - Là vùng đất bán sơn địa, có phong cảnh non nước hữu tình, Tịnh Biên sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Hiện nay, UBND huyện Tịnh Biên đang tập trung phát huy thế mạnh địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Quân cho biết: “Xác định được thế mạnh của mình, chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động mời gọi đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đến với địa phương. Tịnh Biên có núi non hùng vĩ, có rừng tràm với hệ sinh thái đặc trưng và điều kiện kinh tế biên giới. Vùng đất này đã lưu dấu của nhiều huyền thoại linh thiêng, làm cơ sở phát triển du lịch tâm linh. Vì thế, huyện đang tập trung khai thác “mảnh đất” màu mỡ này”.
Khung cảnh non nước hữu tình trên núi Cấm
Tịnh Biên sở hữu nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Có thể kể đến Miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp, Khu di tích lịch sử Cách mạng chùa Hòa Thạnh, chùa Phước Điền, đình Thới Sơn, chùa Phật Thới Sơn… Tất cả tạo nên những điểm đến lý tưởng cho hoạt động hành hương, góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống kiên cường bất khuất của đất và người Bảy Núi. Ngoài ra, Tịnh Biên tập trung nhiều phương án nhằm đa dạng hóa các hoạt động du lịch tâm linh trên núi Cấm. “Núi Cấm có nhiều chùa, vồ, hang, điện, động, rừng cây xanh mát cùng hồ Thủy Liêm, hồ Thanh Long tạo nên phong cảnh hữu tình. Đặc biệt, tượng Phật Di Lặc cao 33,6 mét được công nhận kỷ lục Guinness là “Tượng Phật cao nhất trên đỉnh núi ở Châu Á” kết hợp với tháp Xá Lợi Phật, góp phần tạo nên phong cảnh thiên nhiên độc đáo, khác biệt so với các địa phương khác ở vùng ĐBSCL” - ông Nguyễn Thành Quân dẫn chứng. Hàng năm, gắn với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Khu Du lịch núi Cấm đón trên 1,4 triệu lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan, hành hương, nghỉ dưỡng.
UBND huyện Tịnh Biên đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển du lịch. “Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư đến với Tịnh Biên để thực hiện những khu, điểm du lịch trọng điểm theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Đặc biệt, Tịnh Biên còn tập trung phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng dân cư, như: Du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ trang thiết bị cơ bản cho người dân thực hiện mô hình du lịch homestay đang được quan tâm” - ông Quân cho biết thêm.
Không chỉ có núi non, Tịnh Biên còn sở hữu rừng tràm Trà Sư bạt ngàn, với hệ sinh thái ngập nước độc đáo, gợi nhớ đến khung cảnh hoang sơ của phương Nam ngày mở đất. Du khách đến đây để trải nghiệm sự yên bình, nên thơ và ngắm nhìn những đàn chim tung cánh. Ngoài ra, họ còn có dịp được thưởng thức những món ăn dân dã, trải lòng theo những câu hát tài tử để sống lại cuộc sống của cha ông ngày trước. Bởi, nét đặc trưng về sinh thái, rừng tràm Trà Sư thu hút gần 79.000 lượt du khách (trong đó có 14.500 lượt khách quốc tế) đến đây hàng năm.
Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư
Nằm trên tuyến du lịch nối liền Châu Đốc - Hà Tiên, chợ Tịnh Biên là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Nơi đây bày bán các sản phẩm từ Thái Lan, như: Quần áo, giày dép, hàng gia dụng, mỹ phẩm… Nơi đây còn là cửa ngõ quan trọng để nông sản trong tỉnh “xuất khẩu” sang Campuchia. Do đó, hoạt động mua bán tại chợ Tịnh Biên khá tấp nập, nhất là trong những tháng hành hương.
Khai thác tiềm năng sẵn có, Tịnh Biên đang tăng cường hợp tác, gắn kết với các địa phương lân cận nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. “An Giang nằm giữa 2 địa phương có tiềm năng phát triển du lịch là TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. Do đó, việc gắn kết có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của Tịnh Biên những năm tới. Chúng tôi sẽ thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch kết hợp với các sự kiện chính trị, văn hóa, hội chợ, triển lãm, phát hành các ấn phẩm... nhằm xây dựng thương hiệu du lịch cho Tịnh Biên, đặc biệt là Khu du lịch núi Cấm” - ông Quân phân tích.
Tịnh Biên rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai. Đồng thời, phải có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông qua dự án đầu tư. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch là bước đệm cần thiết để địa phương phát triển du lịch. |
THANH TIẾN
0 nhận xét