Tin Việt Nam – 21/04/2017
Thông điệp từ Dương Nội gửi tới Đồng Tâm
Gần 10 năm sau khi người dân của làng Dương Nội “vùng lên” để đòi lại đất đai của họ thì những người dân của Đồng Tâm – một xã khác cùng thành phố Hà Nội – cũng phải đứng lên đối chọi với chính quyền vì mất thực địa sản xuất.
Những người dân của làng Dương Nội ở Hà Đông vẫn đang tiếp tục đấu tranh và người dân Đồng Tâm có thể học hỏi được gì từ 1 thập kỷ đấu tranh của người Dương Nội?
Anh Trịnh Bá Phương, người dân xã Dương Nội, cho rằng những người dân Đồng Tâm đang thắng thế trong cuộc xung đột với chính quyền bởi “phía nhà cầm quyền Hà Nội đã phải nhượng bộ thả tất cả những người dân bị bắt giữ trái phép.” Theo người con trai của nhà đấu tranh quyền đất đai Cấn Thị Thêu đang bị nhà cầm quyền giam giữ, người Đồng Tâm có được sự ủng hộ từ nhiều tầng lớp.
“Bà bí thư của xã Đồng Tâm, tức là người có quyền lực cao nhất ở xã Đồng Tâm đã đứng về phía nhân dân, đã cùng với cụ Kình, một người cao tuổi ở Đồng Tâm ra đấu tranh và sát cánh cùng với người dân trong cuộc đấu tranh giành lại thực địa sản xuất. Hiện nay cho dù nhà cầm quyền Hà Nội đang có lợi thế về số lượng báo chí, truyền hình, truyền thông cả hình và viết nhưng người dân Đồng Tâm với số lượng 6000 dân thì tôi tin rằng người dân Đồng Tâm cũng có biện pháp và họ cũng đã lường trước tất cả các tình huống đàn áp từ chính quyền Hà Nội và tôi nghĩ rằng họ đang ở thế thắng.”
Bắt đầu từ năm 2008, người dân Dương Nội, cũng giống như người dân Đồng Tâm hiện nay, đã đồng loạt đứng lên đấu tranh trước chính quyền với mọi tầng lớp từ già tới trẻ tham gia. Theo anh Phương, cũng giống như Đồng Tâm, cuộc “nổi dậy” đó của người Dương Nội đã “làm cho những người làm trong chính quyền cấp thôn xã đều đã phải bỏ trốn hoặc phải ngụy trang và hóa trang khi ra đường.”
“Nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng trăm mưu ngàn kế để đánh phá người dân Dương Nội….nhưng những người dân Dương Nội vẫn đang kiên cường và tạo thành khối đoàn kết để đấu tranh.”
Trịnh Bá Phương, nhà hoạt động quyền đất đai Dương Nội
“Nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng trăm mưu ngàn kế để đánh phá người dân Dương Nội” – từ đe dọa tới bắt giam, theo anh Phương. Bà Cấn Thị Thêu, mẹ của anh đã bị kết án 20 tháng tù giam vì đấu tranh cho quyền đất đai của Dương Nội. Nhưng anh Phương cho biết những người dân Dương Nội vẫn đang kiên cường và tạo thành khối đoàn kết để đấu tranh.
“Hiện nay bà con ít xuống đường hơn so với những năm trước. Đó là những phương pháp do bà con ở đây đưa ra đó là đấu tranh trường kỳ. Tức là bà con trong quá trình này sẽ làm những tập phim. Qua những tập phim của các đoàn làm phim có cả phụ đề tiếng Anh để cho toàn dư luận thế giới biết được những tội ác mà nhà cầm quyền Hà Nội đã gây ra đối với người dân Dương Nội.”
Người dân Dương Nội, theo anh Phương, sẽ đấu tranh đến cùng để giành lại đất đai và “bà con không coi việc nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ mẹ tôi là một nỗi đe dọa đối với bà con” và “cũng hiểu được rằng dư luận đang rất phẫn nộ và cũng hiểu được rằng có cộng đồng rất lớn – trong đó có các cơ quan và chính phủ các nước phương Tây rất quan tâm.” Anh Phương cho biết đại diện khối Liên minh châu Âu tại Hà Nội cũng như các đại sứ quán, Tổng thống Pháp và Cục phó Cục An ninh Mỹ Ben Rhodes quan tâm tới trường hợp của bà Cấn Thị Thêu và cuộc đấu tranh của làng Dương Nội.
Nhờ có sức ép của cộng đồng quốc tế mà chính quyền địa phương đã phải “xuống nước” và nhượng bộ. Anh Phương cho rằng về lâu dài người dân Đồng Tâm cũng cần có được sự chú ý và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế như người dân Dương Nội đã làm.
Người dân Đồng Tâm tiếp theo 1 năm sau hay 2 năm sau có thể áp dụng giống như Dương Nội tức là có thể họ sẽ tổ chức nhiều những cuộc xuống đường tại trung tâm thủ đô, như tại bờ hồ Hoàn Kiếm, theo anh Phương, và họ sẽ tiếp xúc gặp gỡ nhiều cơ quan báo chí và các tổ chức nhân quyền để các chính phủ phương Tây họ quan tâm đến vấn đề đất đai ở Việt Nam. Họ cũng sẽ làm giống như Dương Nội hiện nay là kêu gọi ủng hộ. Và họ không thỏa hiệp không đàm phán với chính quyền thì họ sẽ tiến tới thành công.
Sau 10 năm tranh chấp đất đai, xô xát đã nổ ra hôm 15/4 ở Đồng Tâm khi chính quyền muốn giao 47 ha đất cho công ty bưu chính của bộ Quốc Phòng Viettel. Hiện người dân Đồng Tâm vẫn đang giữ 20 cảnh sát cơ động được điều đến địa phương để “thi hành công vụ.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói tại một cuộc họp tổng kết công tác năm 2016 của ngành tài chính vào đầu năm nay rằng nguồn lực công, đặc biệt từ đất đai không được định giá chính xác là tâm điểm của tham nhũng và lợi ích nhóm. Đất đai vẫn đang là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong mối quan hệ giữa nhà nước với người dân ở Việt Nam. Số liệu trong báo cáo 2035 của chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho thấy 70% trong số khoảng 700.000 đơn khiếu nại gửi đến chính quyền giai đoạn 2009-2011 có liên quan đến vấn đề thu hồi và mâu thuẫn về đất đai.
TT Trump chính thức mời Thủ tướng VN sang thăm Hoa Kỳ
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã chuyển thư của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 20/4 tại thủ đô Washington.
Hãng tin Reuters tường trình ông McMasster chuyển lời cảm ơn của Tổng thống Donald Trump và khẳng định Tổng thống Trump sẽ sang thăm và tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11 năm nay.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi tiếp ông Phạm Bình Minh hôm qua cũng bày tỏ hy vọng sẽ có dịp ghé thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Nhận định về mối quan hệ Việt-Mỹ hiện nay, ông Phạm Trần Anh, sử gia kiêm Chủ tịch Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam tại California cho VOA biết chính quyền ông Trump sẽ giúp góp phần “chuyển đổi lịch sử” của Việt Nam:
“Tôi hy vọng rằng ông Donald Trump với chủ trương đường lối quyết liệt sẽ đóng góp vào chuyển đổi lịch sử. Với tình hình khách quan của thế giới tác động, nhất là khi Hoa Kỳ đã ký một hiệp định khai thác dầu khí Exxon Mobil với Việt Nam, lúc này quyền lợi của Hoa Kỳ đã cùng với quyền lợi của Việt Nam, thì họ sẽ là đồng minh của chúng ta.”
Với tình hình khách quan của thế giới tác động, nhất là khi Hoa Kỳ đã ký một hiệp định khai thác dầu khí Exxon Mobil với Việt Nam, lúc này quyền lợi của Hoa Kỳ đã cùng với quyền lợi của Việt Nam, thì họ sẽ là đồng minh của chúng ta.
Ông Phạm Trần Anh
Ngày 26/3 vừa qua, Tập đoàn Exxon Mobil của Hoa Kỳ đã chính thức ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam một thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh, một dự án khai thác và mua bán khí đốt lấy từ mỏ nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi, ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỷ m3.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi và 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối với bờ biển Chu Lai.
Trả lời phỏng vấn VOA trong cuộc họp báo hôm 20/4, Phó Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Nam Á Patrick Murphy nói rằng mặc dù Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP nhưng Hoa Kỳ “vẫn không thay đổi cam kết mạnh mẽ của mình đối với khu vực.”
Trong các cuộc họp với ngoại trưởng các nước Malaysia, Singapore, và Việt Nam, ông Murphy cho biết ông Tillerson đã trao đổi các vấn đề về thương mại, an ninh khu vực, khủng bố, vũ khí giết người hàng loạt, tranh chấp lãnh hải, buôn người, buôn ma tuý, động vật hoang dã, bệnh truyền nhiễm, thực thi pháp luật và nhiều vấn đề khác.
Theo báo Tuổi trẻ, trong cuộc họp với ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn an ninh McMaster khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông. Ngoại Trưởng Tillerson ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Được biết trong cuộc gặp với ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói Hoa Kỳ ủng hộ việc Việt Nam tiếp tục được hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới.
Ông Phạm Trần Anh nói rằng dù các giới chức trong chính quyền Donald Trump ít khi đề cập đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền đương nhiệm Hoa Kỳ không quyết tâm bảo vệ nhân quyền. Ông nói:
“Cái quan trọng nhất: không phải nói nhiều về nhân quyền là bảo vệ nhân quyền; không phải không nói về nhân quyền là không bảo vệ nhân quyền.”
Cái quan trọng nhất: không phải nói nhiều về nhân quyền là bảo vệ nhân quyền; không phải không nói về nhân quyền là không bảo vệ nhân quyền.
Ông Phạm Trần Anh
Cùng quan điểm với nhà sử học Phạm Trần Anh, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, đại diện cho Phong trào Lao động Việt tại Việt Nam nói rằng bà nghĩ rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục quan tâm đế nhân quyền Việt Nam:
“Tổng thống Trump lên làm tổng thống thì có nhiều chuyển biến và chính vì những chuyển biến này họ không kịp thời quan tâm vấn đề nhân quyền của nước khác, nhưng tôi tin rằng trong tương lai thì Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm tới vấn đề nhân quyền, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.”
Tổng thống Donald Trump đã ra dấu hiện cho thấy ông có ý định phục hồi quan hệ Mỹ-Việt. Theo báo USA, bức thư vào đầu tháng này của Tổng thống Donald Trump gửi cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thể “làm giảm bớt lo ngại của Hà Nội rằng Washington đã tạm ngừng hỗ trợ cho Việt Nam, mặc dù các nhà phân tích cho rằng điều đó không có nghĩa là quan hệ hai nước sẽ có bất kỳ bước đột phá nào.”
Việt Nam đang tìm kiếm một thoả thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ để thay thế Hiệp định TPP.
Báo chí Việt Nam trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với một phái đoàn doanh nhân Mỹ hôm 9/3 rằng ông đã sẵn sàng để thăm Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng ông hy vọng sẽ gặp Tổng thống Donald Trump trong các cuộc đàm phán về thương mại và các vấn đề khác.
Ông Phúc được VGP News dẫn lời khẳng định rằng chính phủ Việt Nam “coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác hữu nghị với Hoa Kỳ theo hướng thực chất, toàn diện, ổn định và lâu dài trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau…”
Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook dẫn lời ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New York”.
Theo báo New York Post, dưới chính quyền cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Việt Nam đã vun đắp mối quan hệ với Hoa Kỳ lên một tầm cao mới, với mong muốn Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện an ninh ở châu Á trước những tuyên bố lãnh thổ của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Naval Today đưa tin rằng tàu tuần duyên USCGC Morgenthau của lực lượng Tuần duyên Mỹ đã được loại khỏi biên chế vào ngày 18/4 và sẽ được chuyển giao cho Việt Nam theo chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).
Theo dữ liệu của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA), phía Việt Nam đã đề nghị mua lại 3 tàu tuần tra cỡ lớn của Tuần duyên Mỹ, tuy nhiên, phía Mỹ cho biết chỉ chuyển giao một chiếc trong lúc này.
Người Việt tại Canada vận động dự luật Magnitsky
Cộng đồng nguời Việt tại Canada đang vận động quốc hội nước này thông qua một đạo luật để trừng phạt những thủ phạm vi phạm nhân quyền quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Nhóm Thanh niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam (CYHRV) cho biết họ tổ chức cuộc vận động này với mục đích hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của nguời dân trong nước.
Ông Lê Duy Cấn, cố vấn cấp cao cho tổ chức Thanh niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam, cho VOA Việt ngữ biết dự luật S-226 Sergei Magnitsky vừa được Thượng viện Canada thông qua vào ngày 11/4, và sẽ được chuyển lên Hạ viện.
Cũng tương tự như Luật Magnistsky của Hoa Kỳ do cựu Tổng thống Obama ký ban hành tháng 12 năm ngoái, dự luật S-226 của Canada cho phép chính phủ Canada tịch thu hoặc đóng băng tài sản của những người ngoại quốc có trách nhiệm hay đồng lõa trong các vụ vi phạm nhân quyền.
Ông Cấn cho VOA biết từ ngày 11/1/2017 cho đến nay, tổ chức Thanh niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền Việt Nam đã vận động được 2.000 chữ ký:
“Bên này có liên lạc với văn phòng của bà Thượng nghị sĩ Raynell Andreychuck cũng như dân biểu James Bezan, nói rằng chúng tôi rất là ủng hộ dự luật này vì nó có ảnh hưởng rất là mạnh đối với vấn đề chiến đấu cho nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi đi vận động lấy chữ ký ủng hộ dự luật. Cho đến nay có 2.000 chữ ký.”
Trong một thông cáo, cô Nguyễn Khuê Tú, đại diện nhóm CYHRV, cho biết chiến dịch vận động chữ ký sẽ kết thúc vào ngày 11/5.
Theo ông Cấn, người thường xuyên tiếp xúc với các dân biểu Canada, có nhiều khả năng dư luật sẽ được Hạ viên Canada thông qua, khi đó luật sẽ là “một đòn mạnh mẽ nhất đánh trực tiếp vào những thủ phạm đàn áp nguời dân Việt Nam, có tác động hỗ trợ rất lớn cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ trong nuớc.”
CYHRV trích lời Thượng nghị sĩ Andreychuck nói trong một thông cáo rằng bà hy vọng Dự Luật Sergei Magnitsky sẽ được Hạ Viện thông qua để “Canada chứng tỏ cho thế giới biết quốc gia này sẽ không để cho những nguời vi phạm nhân quyền dùng làm chỗ dung thân.”
Thỉnh nguyện thư của tổ chức Thanh niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam nêu rõ: “Canada không thể để các giới chức ngoại quốc vi phạm nhân quyền dùng làm nơi ẩn trốn an toàn cho bản thân, hoặc cho gia đình họ, hoặc làm chỗ để giấu tài sản mà họ thu được qua những việc làm bất chính.”
Hoa Kỳ và Estonia cũng đã ban hành đạo luật tương tự. Anh Quốc và Na Uy đang cứu xét việc này và có nhiều triển vọng các quốc gia tôn trọng nhân quyền khác cũng noi theo.
Trao đổi với VOA- Việt ngữ qua email, cô Khuê Tú nói Luật Magnitsky toàn cầu là một thắng lợi quan trọng cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Cấn nói các vụ chà đạp nhân quyền xảy ra sâu rộng ở Việt Nam trong khi nhiều người bất đồng chính kiến bị hành hạ dã man.
“Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng. Những người mới chỉ lên tiếng thôi thì đã bị bắt, bị tù, bị tra tấn. Điều tệ hại nhất là chính phủ dùng các thành phần xã hội đen để đàn áp những người tranh đấu cho dân chủ. Đó là chuyện không thể nào chấp nhận được.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển – BPSOS, nhận định trên trang Mạch sống rằng: “Luật Sergei Magnitsky ở Canada sẽ biến toàn thể Bắc Mỹ thành nơi không dung chứa các thủ phạm đàn áp nhân quyền. Và những giới chức nào đã chuyển của và đưa thân nhân đến Hoa Kỳ và Canada sẽ là cá nằm trên thớt.”
42 năm, lại nói chuyện hòa hợp hòa giải
Cát Linh, phóng viên RFA
Tròn 42 năm kết thúc cuộc nội chiến của người dân Việt Nam, tháng 4 năm 1975 – 2017, vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc được nhà nước Việt Nam nhắc đến nhiều lần nhưng thực tế như thế nào?
Rất khó
Trong suốt mấy mươi năm đó, không phải một lần, mà rất nhiều lần, cụm từ “hoà hợp hoà giải dân tộc” được nhắc đến trong các cuộc họp Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, hay bất cứ nơi nào có lời phát biểu của những vị đứng đầu nhà nước.
Cụ thể là Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị và nghị quyết 23 NQ/TW ngày 16 tháng 1 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Chưa kể đến những chương trình giao lưu họp mặt do Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Thế nhưng, 42 năm, một quãng thời gian đủ dài để đánh dấu sự trưởng thành của một con người, nhưng không đủ nhiều để cho một dân tộc có thể quên đi những tổn thương nặng nề do chiến tranh để lại. Đó cũng là điều Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận thấy về chủ trương hoà hợp hoà giải dân tộc:
“Tôi nghĩ vấn đề hoà giải dân tộc là một vấn đề rất là khó, do lịch sử để lại rất nhức nhối. Người ta nói nhiều về chuyện ấy nhưng làm không được mấy, bởi vì cái hố ngăn cách giữa bên này bên kia, người này người nọ, nhất là hố phân cách do cái tư duy chỉ có đen và trắng.”
Tôi nghĩ vấn đề hoà giải dân tộc là một vấn đề rất là khó, do lịch sử để lại rất nhức nhối
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Đối với ông, thực chất cuộc sống phong phú hơn rất nhiều. Giữa đen và trắng còn có màu xám và triệu gam màu khác tồn tại ở giữa.
Không cần suy xét đâu xa, chỉ cần nhìn lại những sự kiện diễn ra rất gần đây, có thể thấy cái khó mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A e ngại hoàn toàn có cơ sở.
Chỉ trong nửa đầu năm 2017, Hàng loạt những câu chuyện “cười ra nước mắt” đã diễn ra ngay trong xã hội Việt Nam, nơi có cả người thuộc “bên này”, kẻ thuộc “bên kia” cùng chung sống.
Từ việc ra mắt cuốn sách nghiên cứu về nhân vật Trương Vĩnh Ký bị “lệnh miệng” đình lại cho đến những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng từ trước năm 1975, cụ thể là năm ca khúc Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương) bị cấm hát vĩnh viễn, rồi lại cho phép trình diễn trở lại vài ngày sau đó.
Theo lời giải thích của ông Lương Hồng Quang, việc cấm các ca khúc trước 1975 hoàn toàn không liên quan đến ý thức hệ, mà vấn đề là do Việt Nam đang tăng cường quản lý sở hữu trí tuệ. Và ông cũng khẳng định cơ quan quản lý nhà nước đang gặp nhiều lúng túng.
Có lẽ cái lúng túng ông Lương Hồng Quang nhắc đến chính là gam màu xám ở giữa mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nhắc đến?
Từ Nghệ thuật
Mặc dù, không thể phủ nhận rằng rất nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc đã quay trở về phục vụ cho người Việt trong nước sau mấy mươi năm rời quê hương. Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Đông Thức, từ Sài Gòn có đưa ra một nhận xét: “Cho tới giờ, tất cả những show diễn của Phạm Duy, Khánh Ly đều không được phép quảng cáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, một cái bandrole cũng không có. Cuộn phim tài liệu về Phạm Duy về nước làm tám năm nay vẫn không được phép phát hành!”
Ông từng nói mình không tin bên nội địa thật lòng. Những lời kêu gọi hoà hợp hoà giải là “Màu mè, hình thức thôi. Còn lâu mới có hoà hợp hoà giải trong văn học văn nghệ, lãnh vực thượng tầng, quyết định tư tưởng, mà chính quyền Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu.”
Còn lâu mới có hoà hợp hoà giải trong văn học văn nghệ, lãnh vực thượng tầng, quyết định tư tưởng, mà chính quyền Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu.
- Nhà văn Nguyễn Đông Thức
Vào đầu năm nay, tại buổi lễ trao giải thưởng văn học 2016, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh đã đưa ra ý kiến mời các nhà văn, nhà thơ người Việt hải ngoại, kể cả đó là những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng hoa) về tham dự.
Nhà văn Phạm Phú Minh, được biết với bút danh là Phạm Văn Đài, từ California khẳng định không thể thực hiện được trong thời gian này. Ông tiếp nhận và xem sự việc này như “thái độ thăm dò có tính chính trị.” Đặc biệt ông khẳng định điều đó cần một thời gian rất dài, nếu không muốn nói là rất khó xảy ra.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đặt ra sự nghi vấn về “thâm ý chính trị”.
“Đối với Hữu Thỉnh, trước mắt phải làm sao để Hội nhà văn tồn tại và có kinh phí tồn tại. bây giờ phải bày ra chuyện để làm. Thực chất nó là như vậy và nó nằm trong chủ trương chiêu dụ người Việt hải ngoại.”
“Thứ hai nữa là họ muốn làm cũng không có khả năng, vì việc đi quan hệ tiếp xúc và thuyết phục giới nhà văn hải ngoại để về nước rồi nói cái gì là vô cùng khó đối với họ. Ở đây chỉ có vài văn đoàn độc lập mà họ còn không chịu tiếp cận, không chịu tiếp xúc không chịu chia sẻ thì làm sao tiếp cận giới nhà văn hải ngoại?”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết, sau khi đề ra Nghị quyết 36, rất nhiều trí thức hải ngoại nói chung vẫn chưa tìm được tiếng nói tương đồng với chính quyền Việt Nam. Sức mạnh sáng tác của họ vẫn phải bó hẹp trong những qui chuẩn mang tính chính kiến.
Tất cả những nhận xét ấy cho thấy có một tầng lớp thuộc giới trí thức trong xã hội Việt Nam chưa tin rằng hoà hợp hoà giải sẽ là điều có thể xảy ra.
Đến văn hoá
Khi chủ trương hoà hợp hoà giải dân tộc của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam vẫn đang được kêu gọi, thì trong lúc đó, người dân Sài Gòn phải ngậm ngùi chia tay từng di tích văn hoá lịch sử một. Từ hình ảnh Thương xá Tax từng đi vào ca khúc Chiều trên phá Tam Giang của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, cho đến những bậc tam cấp giản dị của nhà hát Công Nhân, thánh đường cải lương được xây dựng từ thập niên 40 của thế kỷ trước… tất cả lần lượt bị xoá bỏ.
Người dân tiếc thương như một phần ký ức cuộc đời của họ bị lấy mất. Họ không chấp nhận đó là sự thay đổi theo chủ trương phát triển của quốc gia.
Những trận đánh Gạc Ma, chiến tranh biên giới hoàn toàn không tồn tại trong sách giáo khoa lịch sử thời Xã hội chủ nghĩa. Người trẻ đi tìm kiếm thông qua thế giới mạng, để họ kêu gọi nhau trân trọng những gì vốn dĩ thuộc về sự thật và lịch sử.
Thừa nhận lịch sử
Nói về vấn đề này theo phương diện sử học, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để dẫn đến hoà hợp hoà giải dân tộc, đó là thừa nhận vai trò của Việt Nam Cộng Hoà.
“Theo tôi bất cứ một giai đoạn lịch sử nào cũng có vai trò của nó. Nếu thừa nhận vai trò đó, của hai bên, nó sẽ dễ dàng hoà hợp.”
“Các nhà nghiên cứu, làm sử đặt ra vấn đề là phải thừa nhận Việt Nam Cộng hoà là một thực thể. Trong giai đoạn đó có một thực thể, trong đó có vấn đề đối nội đối ngoại, có những điểm tốt, không tốt, lịch sử phải khách quan. Ví dụ như trong vấn đề Hoàng Sa, phải chấp nhận là Việt Nam Cộng hoà đã có trách nhiệm, và Hoa Kỳ cũng đã có phản ứng. Mà khi có phản ứng tức là Trung Quốc đã xâm lược. Đó là một điều phải khẳng định.”
Khi nói về hoà hợp hoà giải ở lĩnh vực văn học trước đây, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên có bày tỏ rằng để đi đến sự hoà hợp đó thì
“Về phía phát tín hiệu trong nước là thật tâm, thật tình. Và phía người Việt ngoài nước là con dân mang trong mình dòng máu Việt, thấy đó là thật tâm thật tình thì đáp ứng.”
Đây cũng là một yếu tố được Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc đến phương cách thực hiện chủ trương hoà hợp hoà giải.
“Nếu người cầm quyền mà người ta có thật tâm, lúc đó đã có những hành động, cử chỉ có thể tạo điều kiện cho điều khoản này thực hiện tốt hơn, êm thấm hơn, nhưng đáng tiếc nó đã không xảy ra.”
“Có lẽ là phải đợi đến thế hệ sau, thế hệ mà ký ức đau buồn đó nó đã bớt đi rất nhiều. Những người mà không sinh ra sau năm 1975. Hiện tại số người đó chiếm một phần rất lớn của người Việt ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ chỉ có những người thoát ra khỏi cái tư tưởng trắng đen đó, thắng thua, Bắc Nam…lúc đó chuyện này mới tiến triển được.”
Nhân nói đến thế hệ trẻ, câu chuyện về những thanh niên sinh ra sau năm 1975 bày tỏ thái độ và chí hướng đối với lá cờ của Việt Nam Cộng hoà trên mạng xã hội được nhắc đến. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng đó là những người trẻ vẫn còn mang nặng tư duy trắng đen.
Theo tôi bất cứ một giai đoạn lịch sử nào cũng có vai trò của nó. Nếu thừa nhận vai trò đó, của hai bên, nó sẽ dễ dàng hoà hợp.
- Tiến sĩ Nguyễn Nhã
“Nếu họ thoát khỏi tư duy đó thì có lẽ họ không gợi lại cái đấy để làm gì, mà xây những viên gạch mới, viên gạch khác thay vì những việc làm cho hố ngăn cách càng nhức nhối thêm.”
Chiến tranh kết thúc 42 năm. Song không thể phủ nhận trong tâm trí của người dân Việt Nam yêu nước vẫn còn đó nỗi trăn trở sâu thẳm bởi vết thương chiến tranh của dân tộc Việt Nam quá lớn. Thế nhưng, cũng có rất nhiều người đặt hy vọng như Tiến sĩ Nguyễn Quang A,“mọi người bắt tay vào làm những việc chung như kinh doanh, học tập, sáng tạo, tìm ra những giá trị mới trong khoa học, văn học nghệ thuật, chứ không cần phải nói đến những điều to tát nhưng trống rỗng.”
Thông điệp này có lẽ không xa lạ với những ai đọc qua sự tích Trăm trứng nở trăm con và câu chuyện cổ tích về bài học Bó đũa.
Câu chuyện Đồng Tâm
Kính Hòa, phóng viên RFA
Có lẽ trong lịch sử cầm quyền của Cộng sản tại Việt Nam, trừ thời gian chiến tranh, còn lại khi đã cướp được chính quyền và thâu tóm được quyền lực về tay mình đến nay thì đây là lần đầu tiên, người Cộng sản Việt Nam gặp phải trường hợp một đoàn công an đông đúc với đủ loại trang thiết bị bị bắt giữ bởi người dân như vụ này.
Điều này làm cả xã hội sửng sốt.
Bởi điều đơn giản là ai đã từng sống trong chế độ cộng sản, thì mới hiểu được ý nghĩa của việc này như thế nào.
Với một nhà cầm quyền, mà “chính quyền sinh ra trên họng súng”, lấy bạo lực làm đầu thì đây là một việc “động trời” và ngang với những “tội tầy đình”.
Xưa nay, ở Việt Nam dưới thời Cộng sản, chỉ có việc nhà cầm quyền, công an, cán bộ muốn bắt ai là bắt, giữ ai là giữ, đánh đập ai là đánh đập, bỏ tù ai là bỏ tù chứ làm gì có ai dám bắt giữ cán bộ, công an bao giờ.
Đó là trích đoạn trong một bài viết của blogger Nguyễn Hữu Vinh về vụ khủng hoảng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam.
Đàn áp hay không đàn áp
Để giải quyết vụ khủng hoảng này, những người cầm quyền đã tính tới những biện pháp cứng rắn. Tiêu biểu cho cách tính toán đó là tuyên bố của viên thiếu tướng công an Bạch Thành Định rằng chính quyền sẽ không nhân nhượng. Nhà báo, blogger Đoan Trang giải thích cho lý do của giải pháp này:
Chưa bao giờ công an Việt Nam chịu thua dân cả.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao bộ máy nhà nước công an trị của Việt Nam không thể lùi bước trước người dân, dù chỉ một chút thôi, để thể hiện thiện chí? Đó là bởi vì, não trạng của công an là:
Câu hỏi đặt ra là, vì sao bộ máy nhà nước công an trị của Việt Nam không thể lùi bước trước người dân, dù chỉ một chút thôi, để thể hiện thiện chí?
- Nhà báo Đoan Trang
- Sợ dân leo thang, sợ dân lấn tới, được một đòi mười. Hôm nay sự bất mãn mới là đốm lửa, ngày mai biết đâu là đống lửa.
- Sợ tạo thành tiền lệ chống đối từ phía dân. Hôm nay là Đồng Tâm, ngày mai biết đâu là Ba Đình.
- Sợ phải nhận sai. Lùi bước trước dân, khác nào nhận là mình có sai.
Cách đối phó khủng hoảng thứ hai là nhà cầm quyền huy động bộ máy tuyên truyền khổng lồ của mình như mọi khi với những lời buộc tội người dân vi phạm luật pháp. Đoan Trang viết tiếp:
Hễ cứ có xung đột, mâu thuẫn, vấn đề gì trong xã hội là lại chĩa mũi dùi vào dân, phê phán “tư duy bầy đàn”, “văn hóa tiểu nông”, “căn tính bạo lực” của người dân Việt Nam. Hỏi sao không chỉ trích nhà nước, họ sẽ ưu tư: Chính quyền thì cũng từ dân mà ra, dân như thế thì chính quyền sao khác được.
Cách nói của họ dẫn đến cách hiểu: Cuối cùng là hòa cả làng, dân cũng như quan, đều dở cả; tuy nhiên khởi thủy thì tội của dân là chính.
Hay nhỉ, họ cứ làm như nhà nước này do dân bầu ra không bằng.
Nhà văn Mạnh Kim viết rằng cách tuyên truyền định hướng như vậy của báo chí nhà nước không phải là cách tốt nhất để tháo ngòi nổ của cuộc khủng hoảng.
Nhưng vụ khủng hoảng vì tranh chấp đất đai lần này khác rất nhiều so với những vụ cưỡng bức đất đai trước đó, là có một số đông cán bộ, công an bị nông dân bắt làm con tin.
Có blogger như Người Buôn Gió đặt câu hỏi tại sao lực lượng được huấn luyện và trang bị đầy đủ như vậy lại bị dân chúng bắt làm con tin một cách dễ dàng? Ông trả lời rằng phải chăng trong tâm họ không muốn đứng ra đấu nhau với dân, lệnh cấp trên bắt làm thì phải làm. Trong lòng họ chỉ mong được dân bắt như thế để đỡ phải làm những việc ác với dân mà họ không muốn?
Sau một tuần lễ, vụ khủng hoảng Đồng Tâm vẫn không được giải quyết bằng bạo lực, mà hơn nữa một số tờ báo đã mạnh dạn đưa lên những bài tường thuật của mình. Trong số đó bài của tác giả Bảo Hà của tờ Vnexpress mang tên Đối thoại ở thôn Hoành, mô tả trạng thái tinh thần tuyệt vọng và căng thẳng của những người nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, và tuyệt nhiên họ không chống lại nhà nước.
Bài báo được cộng đồng blogger và mạng xã hội ca ngợi, gọi đó là một sự can đảm.
Đối thoại thất bại
Nông dân Đồng Tâm nhắn gửi các cấp lãnh đạo của thành phố Hà Nội là họ muốn trình bày với ông chủ tịch thành phố những lý lẽ của họ.
Ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã chấp nhận lời đề nghị đối thoại đó.
Diễn biến này được luật sư Lê Công Định gọi đó là một xu hướng tốt, dùng đối thoại để giải quyết khủng hoảng xã hội, và điều đó cần được nhà nước lưu tâm. Và, ông Định viết tiếp, là phải loại bỏ ngay ý nghĩ dùng bạo lực vì nạn nhân của bạo lực sẽ là những kẻ dùng bạo lực.
Cùng ý nghĩ này là luật sư Trần Hồng Phong của trang blog Bình luận án:
Nếu chính quyền, trong khi hàng loạt sai phạm, vi phạm của chính mình không được xem xét, sửa chữa, mà lúc nào cũng chỉ chăm chăm nhìn người dân qua lăng kính độc đoán, vô cảm, xem người dân như những kẻ phạm tội và đã sẵn sàng áp dụng những phương cách giải quyết nghiêm khắc nhất – mà không phải là sự chia sẻ thông tin và đối thoại – sẽ không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Đó không phải là phương cách giải quyết của một Nhà nước mang bản chất vì dân, do dân.
Hễ cứ có xung đột, mâu thuẫn, vấn đề gì trong xã hội là lại chĩa mũi dùi vào dân, phê phán “tư duy bầy đàn”, “văn hóa tiểu nông”, “căn tính bạo lực” của người dân Việt Nam.
- Nhà báo Đoan Trang
- Nhà báo Đoan Trang
Luật sư Phong dẫn chứng cho lý lẽ của mình bằng việc nhà cầm quyền đã ra tay trước khi bắt giữ bốn người nông dân, sự việc đã thổi bùng lên cuộc khủng hoảng.
Cuối cùng Chủ tịch Chung đã được đảng ông giao cho nhiệm vụ đối thoại với nông dân Đồng Tâm.
Nhưng ông lại không về xã Đồng Tâm mà lại ngồi chờ dân đến với ông ở trụ sở huyện Mỹ Đức. Và thế là cuộc đối thoại giữa ông và dân không diễn ra, mà chỉ diễn ra giữa ông và cán bộ xã.
Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên trách ông Chung là sao ông từng là một viên tướng công an, nay đứng đầu thủ đô mà lại không dám xuống với dân.
Mà không chỉ có ông Chung, giới blogger hỏi nhau là một vụ khủng hoảng lớn như Đồng Tâm, cả trong và ngoài nước đều đưa tin mà không có vị lãnh đạo nào lên tiếng.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống đặt câu hỏi trên trang Bauxite Việt Nam, rằng vụ việc ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, chỉ cách Trung tâm Ba Đình chưa đến 30 km, diễn ra đã gần 1 tuần lễ mà chưa thấy ủy viên Bộ Chính trị nào lên tiếng, đặc biệt là các vị trong tứ trụ. Tại sao vậy? Hay các vị cho rằng chuyện ở Đồng Tâm quá bé, không đáng quan tâm?
Blogger Nguyễn Anh Tuấn giải thích rằng cũng giống như vụ khủng hoảng Formosa bùng nổ vào năm 2016, những nhà lãnh đạo Việt Nam không đủ tự tin, không đủ lý lẽ đế đứng trước một đám đông đang giận dữ. Ngoài ra Nguyễn Anh Tuấn còn viết rằng không hẳn tất cả các đảng viên cộng sản đều xấu, nhưng cơ chế của đảng đã buộc họ có những hành vi lời nói không đúng với điều họ nghĩ và muốn làm.
Đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp?
Nguyên nhân của vụ khủng hoảng Đồng Tâm cũng như hàng ngàn vụ nông dân đòi quyền lợi đều có liên quan đến đất đai.
Nguyên nhân gần nhất là đất đai của xã Đồng Tâm được giao cho công ty Viettel của quân đội xây cơ sở kinh doanh của họ.
Blogger Trương Duy Nhất đặt vấn đề là tại sao Một quân đội mang danh nhân dân, kết thúc chiến tranh gần nửa thế kỷ rồi, vẫn luôn nghĩ mưu kế giật giành từng khoảnh đất của dân. Thu đất của dân, rồi lại khởi tố dân. Và rằng Sức mạnh quân đội, đâu phải dựa vào… đất?
Và trong suốt hơn 7 ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng, người ta không nghe thấy các giới chức quân đội hay của công ty Viettel lên tiếng.
Blogger Đỗ Minh Tuấn viết rằng
Danh ngôn có câu: “Hãy cám ơn Thượng đế đã không cho con hổ thêm đôi cánh”. Nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam còn kinh hơn Thượng đế, không chỉ cho hổ đôi cánh mà còn cho tem nhãn, cho Thượng phương bảo kiếm, cho thằng con buôn như Viettel sứ mệnh của Quân đội, cấp cho nó cái ví rộng đến mức đựng cả núi tiền, cả sân bay tàu chiến & tên lửa, cả của cải & số phận của hàng vạn dân oan.
Còn nguyên nhân xa, và bao khắp các vụ tranh chấp đất đai được nhiều blogger trong đó có Phạm Ngọc Hưng cho là nằm ở quan điểm của đảng cộng sản: đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Phạm Ngọc Hưng viết rằng đã đến lúc người dân thay vì chống tham nhũng đất đai–tức những cá nhân hay tổ chức dính líu–mà phải chuyển sang phản kháng chống chính sách đất đai.
Người dân thay vì chống tham nhũng đất đai–tức những cá nhân hay tổ chức dính líu–mà phải chuyển sang phản kháng chống chính sách đất đai.
- Phạm Ngọc Hưng
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bình luận về quan điểm đất đai này của những người cộng sản:
Sở hữu toàn dân chỉ là thuật ngữ che đậy một sự thật phũ phàng: sự chiếm hữu đất đai trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam của đảng cộng sản, biến toàn thể dân Việt thành người tá điền, kẻ sống nhờ ở tạm, với quyền sử dụng đất nhà có hạn định thời gian không biết lúc nào an cư lạc nghiệp, không biết lúc nào được làm chủ thực thụ.
Giải quyết vụ Đồng Tâm, và có thể còn có những vụ khác trong tương lai thì phải làm như thế nào?
Blogger Đoan Trang trấn an những nhà cầm quyền là vụ Đồng Tâm sẽ không tạo thành tiền lệ:
Thật ra để không tạo thành tiền lệ như vậy thì đâu có khó: Lần sau thì đừng ăn cướp của dân nữa nhé. Đừng làm tay sai cho chính quyền và doanh nghiệp để hà hiếp dân nữa nhé. Đừng cưỡng chế bạo lực, đừng bắt người trái pháp luật, đánh người gây thương tích nữa nhé. Đừng mượn đài truyền hình quốc gia làm cái loa ngậm máu phun người, đừng huy động côn đồ vào gây rối, vu vạ cho dân nữa nhé.
Ông Lương Ngọc Quỳnh viết là dân không có chống lại nhà nước mà chỉ chống bất công, và chính quyền phải bàn bạc với dân chứ không nên hạch sách và áp đặt.
Nguyễn Anh Tuấn rất thận trọng, viết rằng người dân Đồng Tâm Mỹ Đức nên bắt buộc các vị đại diện chính quyền ký cam kết trên giấy tờ trước khi thả con tin, vì khó có thể tin vào họ khi quá khứ cầm quyền của họ cho thấy họ không tôn trọng lời hứa.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng kêu gọi nhà cầm quyền Hãy bình tâm suy nghĩ để tìm ra lối thoát! Hãy đối thoại ôn hòa với người dân!
Tiếng vọng từ Đồng Tâm
Hòa Ái, phóng viên RFA
Cảm thông và ủng hộ
“Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua việc tiền”
Hai câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du mà thính giả Ha Quang Tuan mượn lời thơ để cất lên tiếng lòng trước thông tin về các vụ việc cưỡng chế đất đai diễn ra suốt tuần qua ở Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Quốc-Kiên Giang và xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ngay trong lòng thủ đô Hà Nội.
“Nhìn cảnh dân bị cưỡng chế mà tôi đau thắt tim”, “Quá thương cho dân lành! Cái túi của các quan tham thiệt là không đáy!”, “Người nông dân vốn đã nghèo khó mà còn bị lấy đất giao cho công ty, coi như bóp chết cuộc sống của họ rồi!”, “Nhìn cảnh người dân thiệt là đáng thương! Lợi ích nhóm như cái vòi bạch tuộc!”, “Vừa mất đất vừa bị bắt. Có nỗi đau nào hơn không?”
Nhân dân phải thật bình tĩnh, đoàn kết, bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, không được vi phạm pháp luật. Dân ta chỉ quyết giữ lấy đất của ta thôi. Chúc bà con thành công.
- Thính giả
Đây là những chia sẻ của quý khán thính giả cùng độc giả RFA qua nghe được và nhìn thấy cảnh tượng người dân bị xịt vòi rồng khi lực lượng chức năng đến cưỡng chế nhà ở phường Đông Phong, thành phố Lai Châu và 11 người đã bị bắt giữ trong vụ việc này; người dân thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cắm chốt, cắm lều, dựng bạc tại khu đất bị thu hồi cũng như đặt sẵn quan tài đã đốt hương khi cả ngàn nhân viên của lực lượng cưỡng chế đến; hộ dân ở Gành Dầu, Bãi Dài, Phú Quốc, Kiên Giang ném chai lọ có chứa xăng vào lực lượng cưỡng chế gồm khoảng 100 người vì chính quyền địa phương không giải quyết nguyện vọng yêu câu hỗ trợ tái định cư; và đỉnh điểm là vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
“Kính gửi bà con nhân dân xã Đồng Tâm, một số cán bộ tham nhũng ở huyện Mỹ Đức giở hết chiêu này đến chiêu khác với mục đích chiếm bằng được đất đồng Sênh ta. Chúng dùng mọi thủ đoạn lừa đảo không thành. Nay, chúng lại tung ra chiêu lừa đảo mới, liều lĩnh tuyên bố cưỡng chế giải tỏa đất nông nghiệp ở đồng Sênh, kể cả nhà cửa và hoa màu. Chúng đang thuê mượn các lực lượng ở những địa bàn lân cận để về hăm dọa nhân dân đang sản xuất, canh tác, trồng hoa màu trên đất nông nghiệp khu đồng Sênh của nhân dân Đồng Tâm. Nhân dân phải thật bình tĩnh, đoàn kết, bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, không được vi phạm pháp luật. Dân ta chỉ quyết giữ lấy đất của ta thôi. Chúc bà con thành công.”
Vừa rồi là thông báo được phát đi từ kênh phát thanh của người dân Đồng Tâm tự lập ra. Bà con xã Đồng Tâm không còn chọn lựa nào khác là phải đối đầu với chính quyền sau khi 4 người dân bị bắt hồi ngày15 tháng Tư vì tội “gây rối trật tự công cộng”. Với quyết tâm giữ đất, dân làng Đồng Tâm đã bắt giữ 36 công an làm con tin và tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” diễn ra trong nhiều ngày bởi sự bao vây chặt chẽ của lực lượng chức năng.
Trong suốt những ngày xảy ra cuộc đối đầu giữa lực lượng chức năng và dân chúng xã Đồng Tâm, truyền thông trong nước đăng tải thông cáo của Ủy ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do dân chúng Đồng Tâm không đồng ý với những quyết định về đất đai hợp lý của chính quyền. Tờ Hà Nội Mới đăng bài chỉ trích nhiều thế lực bên ngoài ra sức kích động dân chúng Đồng Tâm, trong khi báo mạng VnExpress.net có đưa thông tin về quan điểm của người dân Đồng Tâm, nói rằng họ muốn giải quyết chuyện đất đai theo đúng pháp luật, chứ không muốn gây rối loạn.
Ý kiến của quý thính giả Đài Á Châu Tự Do xoay quanh vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức như thế nào? Trước hết là nhận định của Nhà thơ Bùi Minh Quốc, một người ký tên vào “Bản Lên tiếng ủng hộ đồng bào Đồng Tâm”:
Vụ Đồng Tâm này có thể nói là hệ quả của một quá trình. Nguyên nhân gốc là do điều luật ‘đất đai là sở hữu toàn dân’.
- Nhà thơ Bùi Minh Quốc
“Vụ Đồng Tâm này có thể nói là hệ quả của một quá trình. Nguyên nhân gốc là do điều luật ‘đất đai là sở hữu toàn dân’. “Đất đai là sở hữu toàn dân’ nhưng thực sự người dân không được sở hữu gì cả mà thành ra là sở hữu của những kẻ cầm quyền nắm con dấu, nắm chữ ký. Và từ đó diễn ra tình trạng dùng chữ kỹ, con dấu để cướp đất dân, cướp từ nhiều nơi. Đã xảy ra nhiều vụ như Đồng Tâm. Trước là những vụ lấy đất của dân nhân danh đất quốc phòng, nhân danh các dự án phát triển kinh tế…Nhưng thực chất không phải dùng cho những mục đích đó mà lấy đất rồi đất ấy vào tay các nhóm lợi ích để cho họ tích lũy tài sản.”
“Đó chính là hậu quả sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, lách Luật của nhóm doanh nghiệp bất động sản với sự tiếp tay của một số cán bộ, đảng viên tham nhũng ở cơ sở làm phương hại đến đời sống, sản xuất của người dân. Công ty Viettel đừng làm xấu hình ảnh tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đền bù ép giá thì dân phải đấu tranh. Ruộng là để canh tác.”
“Tượng đài có thể nghìn tỷ được. Dự án bỏ bê tổn thất lên đến vài nghìn tỷ. Tham nhũng có thể vài nghìn tỷ…Nhưng đề bù cho dân một miếng đất với giá rẻ mạt. Nghịch lý này đang diễn ra hàng ngày trên đất nước Việt Nam.”
“Đất đai bây giờ có thể hái ra tiền. Ngành kinh doanh bất động sản là ngành hút máu người. Mua đất nông nghiệp giá thấp rồi bán lại với giá gấp nhiều lần. Các vụ mua bán, thu hồi đất xảy ra mấy chục năm khắp nơi trong nước. Nhưng tiếng kêu của dân bao giờ được đáp trả? Có chăng chỉ bằng vũ lực mà thôi.”
“Cả một hệ thống chính trị từ trên xuống dưới dùng điều luật ‘sở hữu đất toàn dân’ để lấy đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của người dân thì việc họ đấu tranh, chống đối quyết liệt là lẽ đương nhiên. Chúng tôi ủng hộ bà con Đồng Tâm, Mỹ Đức.”
Đổ vỡ niềm tin
Vào tối hôm 20 tháng Tư, Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết trong buổi họp báo, sau cuộc họp với đại diện lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm, rằng ông đề nghị người dân Đồng Tâm sớm thả những chiến sỹ cảnh sát cơ động mà họ đang bắt giữ vì việc làm này là trái quy định, cũng như tháo dỡ ngay những chướng ngại vật trên các con đường vào xã Đồng Tâm. Ông Chung còn cho biết Hà Nội đã ra quyết định thanh tra toàn diện và sẽ công bố kết quả sau 45 ngày thanh tra. Ông Nguyễn Đức chung nhấn mạnh “Bà con nên tin chúng tôi”.
Ngay sau khi tin tức vừa nêu được đăng tải, thính giả Minh Nguyen chia sẻ trên trang Facebook RFA, viết là “Những ngày qua có thể thấy người dân Đồng Tâm cũng đã kiềm chế, nhận thức được thực hư của sự việc. Nên công khai, minh bạch rõ ràng mọi chuyện trong ôn hòa. Chắc chắn vụ việc sẽ không đi quá xa. Nên thẳng thắn đối thoại. Tất cả đều có thể phân xử có lý, đạt tình”. Thính giả Đăng lên tiếng “Mong chính quyền có những giải pháp ổn thỏa để người dân trở lại sinh hoạt, lao động bình thường”. Tuy nhiên, không ít quý thính giả RFA lập luận rằng niềm tin của dân chúng thật sự đã vỡ vụn qua các vụ việc cưỡng chế đất đai trước đây và số phận của những người dân ở Đồng Tâm không ai đảm bảo được điều gì là an toàn cho họ trong những ngày tới. Thính giả Nguyễn Lan bày tỏ nỗi lo lắng của mình dành cho người dân Đồng Tâm:
“Dân Mỹ Đức rồi lại khổ thôi vì bị quy vào tội giữ người trái phép, gây rối trật tự nơi công cộng. Nhìn lại những người dân bên chợ Nành, Ninh Hiệp thì biết ngay.”
Dân Mỹ Đức rồi lại khổ thôi vì bị quy vào tội giữ người trái phép, gây rối trật tự nơi công cộng. Nhìn lại những người dân bên chợ Nành, Ninh Hiệp thì biết ngay.
- Thính giả Nguyễn Lan
Trong khi nhiều thính giả lo ngại về viễn ảnh xấu sẽ xảy đến cho người dân quyết giữ đất ở Đồng Tâm, Mỹ Đức thì khá nhiều người khẳng định vụ việc này có thể là tiền đề tạo nên một làn sóng phản đối luật đất đai hiện hành ở Việt Nam:
“Có thể nói tại thời điểm này, sự bất đồng và tuyệt vọng lên điểm cao. Chính vì lý do đó cho nên người ta phản ứng. Đây có thể nói đây là lần đầu tiên chính thể Cộng sản gánh chịu một cơn thịnh nộ của những người nông dân. Rất có thể các nơi khác, người ta cũng bắt đầu ý thức phải góp sức lại, cùng nhau theo dạng như tổng nổi dậy. Vụ việc Đồng Tâm ngay trong thủ đô Hà Nội đã gây tác động rất lớn. Có thể nói đã chuyển biến về chất và đang có xu thế chuyển sang về lượng, thích hợp với câu nói ‘Có áp bức thì có đấu tranh’.”
Một thính giả: “Chính quyền Hà Nội nên nhớ, nếu người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức bị đàn áp thì tôi tin cả nước sẽ là một Mỹ Đức. Nhân dân là người có quyền lực cao nhất và họ có quyền phúc quyết mọi vấn đề.”
Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.
Tháng Tư những mất và còn
Bùi Văn PhúGửi cho BBC từ California
Người Việt ở lứa tuổi 30 hay trẻ hơn ngày nay ít ai biết đến một quốc gia có tên gọi “Việt Nam Cộng hòa” đã hiện hữu trên mặt địa cầu trong 20 năm, từ 1955 cho đến ngày 30/4/1975.
Cuối tháng Tư năm 1975 khi xe tăng và bộ đội cộng sản tiến chiếm Thủ đô Sài Gòn, hàng trăm nghìn người của đất nước này đã rời bỏ quê hương ra đi trong cơn hoảng loạn. Tương lai trôi dạt về đâu và cội nguồn sẽ còn lại gì nào ai biết được.
Những ngày sống qua các trại tị nạn, lo học vài câu Anh ngữ, tìm hiểu về đời sống, phong tục nơi đất nước mới sẽ là chốn định cư. Nhưng tương lai biết có còn nét văn hoá Việt nơi xứ lạ hay không nên nhiều người đã chuyền nhau đọc những quyển sách, tập truyện, đã chép lại những vần thơ, câu ca và nghe lại lời ca tiếng nhạc từ những băng cát-sét đã theo đoàn người tị nạn đến được bến bờ tự do.
Ngay từ trong trại Camp Pendleton ở miền Nam California những băng nhạc Việt được sao chép lại như chút quà từ quê hương cũ mà người tị nạn mang theo trên đường định cư.
Trong những ba-rắc hay giữa lều trại tị nạn trên đồi cỏ khô thường nghe vang vang ca từ nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Lê Uyên Phương. Cũng có hôm nghe Vũ Thành An, Từ Công Phụng và thi thoảng mới có Trần Thiện Thanh, Anh Bằng hay Duy Khánh, Trúc Phương.
Có nhạc Việt để nghe, người tị nạn còn tìm báo tiếng Việt để đọc vì trông ngóng tin tức về tương lai định cư, về tình hình quê nhà, về thân nhân thất lạc trong hành trình vượt thoát.
Ở đảo Guam có báo Chân Trời Mới phát hành mỗi ngày. Qua đến Camp Pendleton chỉ có tờ bản tin ngắn bằng tiếng Việt.
Những sinh viên du học đem báo Thái Bình, nguyệt san của Liên hiệp Việt kiều Yêu nước tại Mỹ, một tổ chức thân cộng, vào phát thì bị đồng bào đuổi đi.
Tháng 10/1975 các trại đón tiếp người tị nạn đóng cửa sau khi 130 nghìn người Việt đã được định cư tại Hoa Kỳ.
Chỉ vài tháng sau có trung tâm băng nhạc Việt của ca sĩ Khánh Ly ra đời đầu năm 1976 với băng nhạc “Như cánh vạc bay” gồm 16 ca khúc của Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly và tiếng đàn ghi-ta của bác sĩ Ngô Thanh Trung.
Sau có trung tâm của nhạc sĩ Ngọc Chánh, của gia đình Phạm Duy, có trung tâm Thanh Lan nhưng không phải của ca sĩ cùng tên, là những cơ sở sản xuất băng nhạc trong những năm đầu của cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Từ đó, nền âm nhạc Việt Nam Cộng hòa dần dần được bảo tồn tại hải ngoại để phục vụ nhu cầu tinh thần của người xa xứ.
Những ca khúc một thời của Việt Nam Cộng hòa và những sáng tác mới về hành trình tị nạn, đời lưu vong đã là chủ đề của hàng nghìn băng cát-sét, CD, băng hình VCR hay DVD được hàng chục trung tâm băng đĩa nhạc sản xuất. Biết đến nhiều nhất là các sản phẩm của Thúy Nga Paris by Night và Asia.
Đầu thập niên 1990 có những giao thoa giữa âm nhạc trong và ngoài nước. Một số ca khúc miền Nam bị cấm bắt đầu được nhà nước cho phép phổ biến.
Trung tâm Kim Lợi của Thành Hammer, dù tổ chức nhiều buổi văn nghệ với ca sĩ trong nước bị phản đối, nhưng phải công nhận ông là người có công trong việc đưa ca sĩ và nhạc trong nước ra hải ngoại và giúp cho nhiều ca khúc thời Việt Nam Cộng hòa được các ca sĩ thế hệ sau biết đến và được hồi sinh trong lòng đất nước.
Từ khi Việt Nam mở cửa đón du khách, người Việt nước ngoài về thăm quê nhà thường xuyên hơn, đông hơn và đã đem theo những văn hoá phẩm hải ngoại nên người trong nước cũng được dịp tìm lại nét văn hoá Việt Nam Cộng hòa xưa.
Ngày nay với mạng thông tin toàn cầu Internet, qua YouTube người Việt ở khắp nơi trên thế giới có thể tìm xem hay nghe những ca khúc mình yêu thích của mọi thời đại.
Sau âm nhạc, nền báo chí tị nạn cũng phát triển rất sớm tại Hoa Kỳ. Năm 1976 đã có tờ Hồn Việt, do Nguyễn Hoàng Đoan, chồng của Khánh Ly, điều hành.
Từ miền Nam California, ngoài tờ Hồn Việt còn có báo Trắng Đen của Việt Định Phương, Thức Tỉnh của Tô Văn, Người Việt của Đỗ Ngọc Yến, Đất Việt (sau đổi thành Việt Nam Hải Ngoại) của Đinh Thạch Bích, Việt Nam Tự Do của Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi. Trong giai đoạn đầu đa số các báo là nguyệt san hay bán nguyệt san.
Từ tiểu bang Washington có tờ Đất Mới của Vũ Đức Vinh. Vùng Thủ đô Washington có Văn nghệ Tiền phong của Hồ Anh.
Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 25 năm người Việt định cư tại Hoa Kỳ, Trung tâm Tác vụ Đông Dương (IRAC) của giáo sư Lê Xuân Khoa có xuất bản quyển tổng mục báo chí Việt ngữ hải ngoại do ông Nguyễn Hùng Cường, nguyên giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, biên soạn.
Sách xuất bản trước 30/4/1975 cũng được in lại và phổ biến rộng rãi tại hải ngoại từ cuối thập niên 1970. Những nhà xuất bản đầu tiên tại Mỹ là Đại Nam, Xuân Thu, Sống Mới và Việt Nam đã in lại cả nghìn tác phẩm từ tiểu thuyết của Duyên Anh, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Dương Hùng Cường, Nhã Ca, Trùng Dương, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Thụy Long đến sách của Hoàng Hải Thủy, Đoàn Thêm, Vũ Tài Lục, Đăng Trần Huân và nhiều tập nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Lê Uyên Phương v.v…
Lúc mới định cư ở Mỹ, tôi cũng lo ngại cho văn chương, âm nhạc Việt Nam Cộng hòa rồi sẽ mai một đi.
Đến khi vào Đại học Berkeley, làm việc thêm trong thư viện trường và mới khám phá ra một kho sách miền Nam, trong đó có nhiều tác phẩm tôi đã đọc ngày còn ở quê nhà.
Qua hệ thống liên thư viên đại học tôi đã mượn từ Đại học Cornell nhiều tập nhạc, để từ đó trong những buổi sinh hoạt hay họp mặt các bạn sinh viên có thể ca “Nối vòng tay lớn”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” hay “Nghìn trùng xa cách”, “Bài không tên số 2″, “Còn chút gì để nhớ”, “Con đường tình ta đi”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Huế Sàigòn Hà Nội”…
Những đại học lớn ở Hoa Kỳ như Cornell, Yale hay Harvard, Berkeley và Thư viện Quốc hội Mỹ đều có nhiều sách báo xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Nhiều nhất là tại Đại học Cornell, ở đây không chỉ có sách mà còn có báo, tập san và cả báo của sinh viên học sinh.
Từ sau ngày 30/4/1975 văn hoá Việt Nam Cộng hòa đã không chết mà còn nở hoa trên đất Mỹ.
Tháng 4/1980, Hội Sinh viên Việt Nam đại Đại học Berkeley tổ chức văn nghệ “Đêm Việt Nam” đầu tiên. Chương trình có hát hò ba miền, có múa nón, múa quạt, có áo dài tứ thân với khăn mỏ quạ. Có kịch thơ “Hận Nam Quan” để phản kháng kẻ thù phương Bắc, có đàn tranh, sáo trúc, ghi-ta, dương cầm. Sinh viên đơn ca “Áo anh sứt chỉ đường tà”, thi nhạc giao duyên “Áo lụa Hà Đông”, đồng ca “Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời Việt Nam hai câu nói bên vành nôi…”.
Hôm 8/4/2017 vừa qua, sinh viên Berkeley tổ chức văn nghệ thường niên, lần thứ 38, chủ đề “Fragments – Tìm tiếng nước tôi”.
Các bạn sinh viên đã cất tiếng đồng ca: “Oh, say! can you see by the dawn’s early light. What so proudly we hailed at the twilight’s last gleaming… O’er the land of the free and the home of the brave?”, đã cùng ca vang: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…”
Sinh viên đã soạn kịch về một gia đình với người cha sau ngày 30/4/1975 bị tù đày trong các trại học tập cải tạo rồi đến Mỹ định cư. Đó là bi kịch mà nhiều người dân Việt đã phải đối mặt sau khi đất nước tưởng sẽ hòa bình, oán thù sẽ tan. Đến Mỹ, cô con gái sinh ra sau chiến tranh muốn tìm hiểu về cuộc đời cha mẹ từng trải và về cội nguồn.
Các bạn đã cất tiếng hát ca ngợi tình cha, xen trong những màn múa lụa, múa nón, múa quạt, múa lân, bên cạnh những tà áo dài, áo bà ba, tiếng đàn tranh, ghi-ta, tiếng dương cầm.
Nhìn lại thời gian qua, từ sau dấu mốc lịch sử 30/4/1975 với mất mát là không gian tự do sáng tác trên đất Việt, nhưng còn lại vẫn là những tác phẩm văn học, những lời ca tiếng nhạc đã lắng sâu trong lòng nhiều người Việt.
Dù ngăn cấm và đã có những chiến dịch càn quét, nhưng văn hoá Việt Nam Cộng hòa đã không mất đi mà còn được yêu thích cho đến hôm nay.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
Gia đình ông Kình ‘bác thông tin chính quyền về ông’
Con gái ông Lê Đình Kình nói với BBC rằng gia đình không đồng tình với việc chính quyền “đổ tội cho bố tôi” trong giấy hủy bỏ quyết định tạm giữ và cùng thời điểm có tin Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp người dân thôn Hoành chiều 21/4.
Hôm 21/4, tin cho hay Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
“Trước đó, Công an Hà Nội đã có văn bản đề nghị hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Kình vì ông đã khai báo về hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ,” báo Pháp Luật cùng ngày tường thuật.
Tuy vậy, trả lời BBC từ Đồng Tâm hôm 21/4, bà Lê Thị Hoa, con gái ông Kình, nói: “Lệnh của chính quyền viết sai sự thật, nói ông “bị bắt vì gây rối” trong lúc thực tế thì ông bị bắt cóc trong lúc được mời đi chỉnh mốc giới hôm 15/4.”
“Dường như chính quyền chỉ tìm cách đổ tội cho ông thôi.”
“Hơn nữa, nói là hủy bỏ quyết định tạm giữ nhưng đến sáng nay, người của Công an Hà Nội vẫn canh gác bố tôi tại phòng hồi sức tích cực Bệnh viện Việt Đức.”
“Bố tôi hiện vẫn yếu lắm, gãy đùi do bị đánh mà.”
“Hôm qua gia đình vào thăm ông cũng chỉ được phép gặp vỏn vẹn 10 phút.”
“Gia đình hiện cũng chưa biết nên thế nào, mong ông hồi phục rồi tính tiếp, mà chắc nhanh thì chục hôm nữa.”
‘Cảm ơn nhân dân’
Do điều kiện sức khỏe, tôi được nhân dân quan tâm chăm lo cho về dưỡng bệnh.ông Đặng Văn Cảnh, trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Mỹ Đức
Cùng ngày, truyền thông Việt Nam ghi nhận lúc 10:00 hôm 21/4, ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, một trong 20 người bị giữ tại Nhà văn hóa thôn Hoành, “được người dân Đồng Tâm đưa ra khỏi khu vực tạm giữ”.
Một người dân thôn Hoành xác nhận với BBC rằng “ông Cảnh được thả vì lý do ông ấy đang bệnh tật, còn 19 người khác tiếp tục bị giữ, vì dân Đồng Tâm không còn niềm tin nữa.”
“Đến tối 20/4, một kênh truyền hình ở Hà Nội vẫn đưa tin bóp méo sự thật, chưa có kết luận của thanh tra mà vẫn cho rằng người dân chiếm đất quốc phòng,” người này nói.
“Báo đài trong nước vẫn nói người dân vi phạm pháp luật trong lúc dân Đồng Tâm chỉ tự vệ và mong muốn lớn nhất vẫn là người của trung ương về đối thoại với dân.”
“Nếu có lệnh thu hồi đất và công lệnh của Thủ tướng thì người dân Đồng Tâm sẵn sàng chấp hành nhưng phải được đền bù thỏa đáng.”
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 21/4, bản tường trình của ông Cảnh ghi: “Trong thời gian ở tại xã, tôi cùng anh em được người dân đối xử tử tế, chăm lo đầy đủ, thay quần áo, tắm rửa, không bị đánh dập, không bị lăng mạ. Chỗ đau của tôi là do bệnh của tôi.”
“Đến hôm nay do điều kiện sức khỏe, tôi được nhân dân quan tâm chăm lo cho về dưỡng bệnh. Tôi xin chân thành cảm ơn nhân dân. Tôi xin cam đoan những lời trình bày trên đây là đúng sự thật.”
“Sự việc xảy ra sẽ có chính quyền các cấp giải quyết, bà con yên tâm. Ở đây không có chuyện đánh cắp con tin hay gì cả, Đảng và chính quyền luôn ở bên cạnh, không thể mất người dân Đồng Tâm được, bà con hãy yên tâm.”
Báo này cũng cho hay: “Có những người mặc thường phục vào trong thôn nhằm mục đích bảo vệ cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân thôn Hoành dự kiến diễn ra chiều 21/4″.
Trong số 19 người còn bị giữ tại xã Đồng Tâm có ông Đặng Văn Triều – Phó Chủ tịch UBND huyện, và ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức, báo Việt Nam cho hay.
0 nhận xét