Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 19/04/2017

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017 20:44 // , ,

Tin Việt Nam – 19/04/2017

Bà Hạnh Nhơn

người cứu trợ thương phế binh VNCH vừa qua đời

Bà Hạnh Nhơn, người nổi tiếng vì công tác trợ giúp cựu thương phế binh miền Nam, vừa qua đời tại California, Hoa Kỳ, thọ 90 tuổi.
Nhạc sĩ Nam Lộc từ Hoa Kỳ nói với BBC rằng cả đời bà Hạnh Nhơn, “không có mộng ước gì lớn hơn việc giúp đỡ phần nào cho những đồng đội cũ ở Việt Nam”.
Sau khi sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO năm 1990, bà Hạnh Nhơn cư ngụ tại Orange County, California và tham gia Hội Tương trợ Cựu tù nhân chính trị.
Báo Người Việt hôm 18/4 ghi nhận bà Hạnh Nhơn “là phụ nữ cao niên rất năng động trong cộng đồng, qua các đại nhạc hội Cảm Ơn Anh do bà đứng ra tổ chức, và là ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ Việt Nam Cộng Hòa tại quê nhà”.
Tôi vô cùng đau xót khi nghe tin bà Hạnh Nhơn ra đi về nơi đất PhậtÔng Nguyễn Văn Sáng
Hôm 19/4, trả lời BBC qua điện thoại từ Mỹ, nhạc sĩ Nam Lộc, người dẫn chương trình trong các kỳ đại nhạc hội Cám Ơn Anh, nói:
“Ngay trong giờ phút hôn mê, bà Hạnh Nhơn vẫn cố nhắc cộng sự gửi tiền và viết thư cho một số thương phế binh đang ở Việt Nam.”
“Hơn mười năm qua, tôi may mắn được cùng bà gây quỹ cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa mà bà luôn nói họ là những người thiệt thòi ở quê nhà.”
“Tôi biết cả đời bà không có mộng ước gì lớn hơn việc giúp đỡ phần nào cho những đồng đội cũ ở Việt Nam.”
“Qua từng năm hoạt động, khoản tiền mà Hội của bà quyên góp được ngày càng nhiều do bà thu hút được sự ủng hộ của quần chúng và cả đồng đội ở hải ngoại.”
“Bà Hạnh Nhơn rất cẩn thận để trao số tiền quyên góp đến tận tay các thương phế binh và quả phụ Việt Nam Cộng Hòa tại quê nhà.”
‘Âm thầm’
Ông Nam Lộc cũng cho biết thêm:
“Về việc chuyển tiền cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Việt Nam, tôi nhận thấy sau này phía chính quyền họ cũng nhận ra hoạt động này có tính chất nhân đạo hơn là chính trị nên thường thì họ để mọi việc diễn ra suôn sẻ.”
“Chỉ có một vài vụ gặp khó khăn khi chuyển tiền cho những người này nhưng không đáng kể.”
Cùng ngày, từ TP Hồ Chí Minh, ca sĩ Quang Thành cho BBC biết: “Tôi đã nhiều lần nhận chuyển giúp thư nhờ giúp giúp đỡ từ những cô nhi, quả phụ và thương binh Việt Nam Cộng Hòa đến bà Hạnh Nhơn.”
“Với những trường hợp ấy, bà và những người trong Hội đều nhiệt tình trợ giúp.”
“Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy có thể do tên Hội của bà có chữ ‘Việt Nam Cộng Hòa’ nên những hoạt động của bà thường không được công khai ở quê nhà mà chỉ âm thầm diễn ra thôi.”
Ông Nguyễn Văn Sáng, 63 tuổi, thương phế binh hiện sống tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, được báo Người Việt dẫn lời: “Tôi vô cùng đau xót khi nghe tin bà Hạnh Nhơn ra đi về nơi đất Phật.”
“Hơn mười năm qua, tôi được nhận tiền từ Hội của bà. Hằng ngày tôi đi bán vé số để sinh sống qua ngày, giờ thì lớn tuổi nên huyết áp tuột, lại bị bệnh viêm xoang, nên mấy đứa em khuyên tôi nên ở nhà, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, vì sợ tôi chết bất tử ngoài đường,” ông cho biết.
Sinh năm 1927 tại Huế, bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Trưởng Hội H.O. Cứu trợ Thương phế binh và Quả phụ Việt Nam Cộng hòa, từng có 25 năm phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Mang hàm trung tá, bà được trao Đệ Ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương và sau ngày 30/4/1975, bà bị bắt đi cải ạo hơn bốn năm.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo biểu tình phản đối đàn áp

Một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại An Giang vào ngày 19 tháng tư tiến hành biểu tình phản đối lực lượng chức năng địa phương ngăn chặn, sách nhiễu, thậm chí đánh đập các đồng đạo tập trung cúng giỗ tại đạo tràng của cư sĩ Bùi Văn Trung ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Cư sĩ Bùi Văn Trung vào chiều ngày 19 tháng tư cho Đài Á Châu Tự do biết việc một trong những đồng đạo đến dự đám giỗ và khi ra về bị hành hung:
“Năm công an đánh anh Tèo ở khúc vắng. Số đi có 11 xe và anh này bị đánh rất nặng.”
Cư sĩ Bùi Văn Trung cho biết vào tối ngày 18 tháng tư một số đồng đạo muốn đến đạo tràng nhà ông bị cảnh sát giao thông  chặn xét và thu giữ giấy tờ mà không trả lại. Tình trang tiếp diễn sang đến ngày 19 tháng tư khiến ông Bùi Văn Trung và mấy chục đồng đạo khác phải mang khẩu hiệu ra khỏi nhà biểu tình chống tình trạng sách nhiễu cũa lực lượng chức năng địa phương đối với sinh hoạt tinh thần của các tín hữu Phật giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự, tức nhóm mà họ cho là do Nhà nước Việt Nam dựng lên.
Cư sĩ Bùi Văn Trung từng bị ở tù 4 năm với cáo buộc chống người thi hành công vụ. Ông mãn án hôm ngày 30 tháng 10 năm ngoái. Con trai ông này là Bùi Văn Thâm cũng bị kêu án 2 năm rưỡi với cùng tội danh, và trong vụ việc ngày 19 tháng 4 được cho biết cũng bị hành hung.

Formosa, nỗi lòng dân có ai thấu?

Lan Hương, phóng viên RFA
Thảm họa môi trường Formosa xảy ra đã hơn một năm với những hệ quả khủng khiếp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Trong suốt một năm qua, báo chí trong nước nhắc tới thảm họa môi trường này với cụm từ “sự cố” và nếu có nhắc đến những cuộc nổi dậy của người dân thì luôn lồng yếu tố bị ‘kích động’.
Hãng tin Reuters vào ngày 18 tháng tư có bài tựa đề ‘Anger over Vietnam’s poisoned coast’, tạm dịch ‘Nỗi căm phẫn  vì bờ biển nhiễm độc’.
“Những con cá to thì chết cả rồi. Ngày trước cũng tại chỗ này chúng tôi bắt được 10 con cá thì giờ chỉ bắt được 1, hoặc 2 con”.
Đó là lời chia sẻ của anh Mai Xuân Hòa, một ngư dân ven biển Hà Tĩnh, đang gỡ vài con cá nhỏ trong lưới, kiếm vài đồng nuôi gia đình. Hãng Reuters dẫn lời người ngư dân không may Mai Xuân Hòa.
Cũng như anh Hòa, hàng trăm ngàn người dân khác đã gần như mất đi miếng cơm manh áo sau khi thảm họa môi trường Formosa xảy ra.
Tháng 4 năm ngoái, nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh đã xả thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt nổi trắng xóa ven biển các tỉnh bắc Trung Bộ.
Sau khi Formosa nhận lỗi, chính phủ nhận tiền thì người dân vẫn tiếp tục nhận thảm họa.
- Linh mục Đặng Hữu Nam
Kể từ khi thảm họa ập đến những vùng quê vốn yên bình, người dân mất đi kế sinh nhai vì lượng cá còn lại rất ít, vả lại bị mang tiếng là cá vùng ô nhiễm nên mang bán chẳng được bao nhiêu tiền. Giá thành có khi sút chỉ còn ¼ giá cũ. Hàng ngàn người cũng vì vậy mà phải bỏ xứ đi lên thành phố xin làm công nhân hay đi tha hương nơi xứ người với cái mác “xuất khẩu lao động”. Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra số liệu thống kê cho thấy hơn 40.000 người dọc 4 tỉnh bắc Trung bộ bị tác động trực triếp và trên khắp cả nước khoảng 250.000 người chịu ảnh hường từ thảm họa môi trường Formosa.
Trước đây, khách du lịch rầm rộ đua nhau về đây tắm biển, ngắm cảnh thì bây giờ bãi biển người dân mô tả “như chùa bà đanh”. Trước đây cũng vì du lịch phát triển nên nhiều hộ ăn nên làm ra với những nhà hàng hải sản ven biển. Nhưng bây giờ “nhà hàng của chúng tôi như đang chết dần chết mòn”, chị Mai Ngọc Kỳ, chủ một tiệm ăn hải sản bày tỏ. Hay anh Nguyễn Việt Long, một người chuyên buôn bán hải sản cho biết “cứ tình hình này nhà tôi đến phá sản mất thôi”.
Trước sự nổi dậy phản đối trong dân chúng, tháng 7 năm ngoái nhà máy Formosa đã bồi thường cho những người dân chịu thiệt hại khoản tiền 500 triệu đô la và giao khoản tiền này cho chính phủ. Tuy nhiên, nỗi uất hận vì mất biển, mất sinh kế chưa nguôi, nay thêm sự bất minh bạch của chính quyền trong công tác bồi thường thiệt hại, đã khiến hàng loạt các cuộc biểu tình nổi lên trong dân chúng. Linh mục Đặng Hữu Nam, một người đã nhiều lần đồng hành cùng người dân đi khiếu kiện, biểu tình đòi lại công bằng, cho chúng tôi biết:
Suốt 3 tháng đấu tranh của người dân yêu cầu nước sạch cho cá và minh bạch cho dân, nhà cầm quyền đã bao che cho Formosa, đổ lỗi cho ông giời và con người cũng như đàn áp người dân biểu tình một cách tàn ác. Sau khi Formosa nhận lỗi, chính phủ nhận tiền thì người dân vẫn tiếp tục nhận thảm họa. Nhà cầm quyền hứa sẽ chi trả khoản 500 triệu đô la sớm nhất đến tay người dân nhưng cuối cùng những đồng tiền đó cũng không đến được tay người dân.
Anh Peter Trần Sáng lại cho rằng thực chất người dân biểu tình không phải vì những đồng tiền bồi thường mà do họ quá bất mãn với sự trắng trợn của nhà cầm quyền:
Những người được nhận đó thì có những người là bà con của lãnh đạo xã, nhà cầm quyền, họ không phải là người đi đánh bắt cá, họ chỉ bán cá ở ngoài chợ. Rồi họ cũng đổi nghề nghiệp để lấy số tiền bồi thường đó. Còn những người đi đánh cá thì không được nhận bồi thường.
Biển chết, dân thất nghiệp
Chính phủ Hà Nội hiện tại đã thông báo rằng biển đã sạch trở lại và người dân có thể tiếp tục cuộc sống thường nhật trước kia. Tuy nhiên nhiều ngư dân cho biết nguồn cá dồi dào trước kia nay đã không còn nữa, thay vào đó chỉ còn lác đác một vài con. Anh Hòa cùng hai ngư dân khác lặn lội trên biển cả ngày trời mà không kiếm chung nhau nổi một chậu cá. Khoản bồi thường hơn 17 triệu đồng liệu nuôi sống anh và gia đình được bao nhiêu ngày?
Anh Báu, một ngư dân ở Nghệ An, cho biết tác động của thảm họa này đến đời sống người dân khu xóm anh:
Cá mực câu về giảm hẳn đi rất nhiều. Họ có nuôi con hào nhưng bị chết rất nhiều. Trước kia được 10 thì giờ chỉ được 3,4, không đủ tiền chi phí người dân bỏ ra. Giờ nghề biển không làm được cũng dẫn đến nợ nần chồng chất. Ví dụ một con tàu người ta đóng hết 5,6 tỷ nhưng bây giờ dân hoang mang không biết kiếm tiền ở đâu mà trả.
Hiện nay người dân không có việc làm. Biển cả đi đánh bắt về không ai mua để ăn vì cũng sợ cho nên mất việc hoàn toàn, thất nghiệp.
- Một ngư dân 
Một ngư dân khác ở Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh cho biết rằng hiện nay gia đình anh phải đi vay mượn từng đồng sống qua ngày:
Hiện nay người dân không có việc làm. Biển cả đi đánh bắt về không ai mua để ăn vì cũng sợ cho nên mất việc hoàn toàn, thất nghiệp. Nói chung, người đi biển cũng như người buôn bán tại chợ đi các tỉnh thì hiện nay đang bị thất nghiệp. Thời gian vừa qua có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bây giờ người dân trông chờ ở biển, trông chờ đi chợ, buôn bán… Các ngành nghề bị ‘dập tắt’ tất cả nên có nguy cơ dẫn đến tình trạng chết đói.
Đầu tháng 4 vừa rồi Chính phủ báo rằng trong số 53 vi phạm của Formosa được cơ quan chức năng Việt Nam nêu ra sau khi xảy ra thàm họa môi trường, thì đã khắc phục được 52 lỗi, chỉ còn một lỗi duy nhất là chuyển từ dập cốc ướt sang dập cốc khô dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2019. Tuy hiện tại chưa hoàn thành nhưng đoàn công tác của Bộ Tài nguyên Môi trường đến Formosa gần đây cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ cho lò cao số 1 trở lại hoạt động trong năm nay. Điều này lại một lần nữa gây hoang mang trong dân chúng vì e sợ rằng Formosa lại một lần nữa bức tử môi trường biển. Linh mục Nguyễn Thanh Tịnh từng đưa ra nhận xét rằng “Nếu Nhà nước cho Formosa hoạt động trở lại khi chưa hoàn thành công tác chuyển dập cốc là vô trách nhiệm”.
Formosa đã hứa hẹn sẽ đầu tư thêm 350 triệu đô la để sửa chữa nhà máy, hi vọng có thể hoạt động lại trong năm nay.
Tháng Hai vừa rồi chính phủ Hà Nội đã tuyên bố sẽ không cấp phép cho những dự án có rủi ro ô nhiễm môi trường cao. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng từng yêu cầu Bộ Tài Nguyên Môi trường phải củng cố lại các điều luật và siết chặt hơn nữa quá trình thanh tra, rà soát các dự án trong giai đoạn đầu tư và xây dựng.

Thông tin mạng tại Việt Nam bị ngăn cấm nghiêm trọng

Hòa Ái, phóng viên RFA
Chính quyền Việt Nam ngày càng xiết chặt quản lý và kiểm duyệt truyền thông mạng bằng cách thức yêu cầu Google và Facebook cùng hợp tác chặn thông tin xấu độc, thông qua Thông tư 38 vừa ban hành hồi đầu năm 2017.
Clip bôi nhọ lãnh đạo bị xóa
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 38 quy định về việc quản lý cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và kiểm duyệt chặt chẽ hơn nội dung đăng tải trên internet. Với Thông tư số 38 mới ban hành hồi đầu năm 2017, Chính phủ Hà Nội yêu cầu các chủ trang web và mạng xã hội nước ngoài như Facebook hay Google phải hợp tác để chặn thông tin xấu độc.
Tại buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào chiều thứ Ba, ngày 18 tháng 4 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm và đã xử phạt 10 trường hợp, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng Tư.
Để xác minh nội dung (liên quan đến ‘bôi nhọ’) rất là khó khăn vì Google không nằm trong vùng quản lý của đất nước Việt Nam. 
- Ông Hoàng Ngọc Diêu
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, cơ quan chức năng của Việt Nam sử dụng Thông tư 38 như là hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp vi phạm trên các trang mạng xã hội như Google, YouTube và Facebook.
Ông Trương Minh Tuấn thông báo Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay có hơn 1000 clip đã bị xóa. Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, Kỹ sư Điện toán và là người quan sát tình hình Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Diêu, từ Úc Châu cho biết ông đón nhận thông tin vừa nêu như thế nào:
“Vấn đề gọi là ‘bôi nhọ’ là một vấn đề khá mơ hồ. Ví dụ như nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra một tiêu chuẩn nào đó gọi là ‘bôi nhọ’, nhưng đối với phương Tây thì đó là chuyện bình thường. Do đó, không thể nào dựa trên tiêu chuẩn của một quốc gia nào đó để bắt buộc một công ty như Google phải đồng ý về cái gọi là ‘bôi nhọ’ được. Huống hồ chi người dùng (có tài khoản với Google), họ hoàn toàn có thể từ chối không đưa các clip đó lên YouTube.
Để xác minh nội dung (liên quan đến ‘bôi nhọ’) rất là khó khăn vì Google không nằm trong vùng quản lý của đất nước Việt Nam. Cho nên về mặt kỹ thuật, nếu nói một người nào đó đã đăng tải 500 clip để bôi nhọ lãnh đạo thì theo tôi thấy là mang tính chụp mũ hoặc mang tính đoán mò nhiều hơn tính thực tiễn có thể có xảy ra được.”
Qua tìm hiểu, một số những người làm việc trong lãnh vực truyền thông mạng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam mà RFA tiếp xúc nhận định rằng Google chỉ xóa các clip vi phạm nội quy theo quy định của tập đoàn truyền thông khổng lồ này như không mang tính chất giáo dục, không phù hợp với trẻ em hay tất cả mọi người, không theo nguyên tắc của cộng đồng, chứa đựng nội dung bạo lực hay vi phạm bản quyền. Điều đặc biệt, các chủ tài khoản đăng ký với Google bị xóa clip trên YouTube khi bị báo cáo vi phạm là những ai có tài khoản kinh doanh, chứ không phải tài khoản cá nhân thuần túy.
Chúng tôi liên lạc được với một chủ tài khỏan kinh doanh trên kênh YouTube tại Việt Nam bị báo cáo vi phạm quy định của Google. Người này cho biết nhận được thông báo và ngay lập tức clip bị xóa cũng như tài khoản bị đóng. Người chủ tài khoản này chia sẻ qua email nội dung thông báo mình nhận được từ Google:
“Họ gửi thư điện tử cho tôi và thông báo là ‘Chúng tôi đã nhận được một đơn khiếu nại pháp lý về video của bạn từ chính phủ. Sau khi xem xét, video sau đây đã bị chặn xem trên trang web YouTube ở (các) quốc gia sau: Vietnam. YouTube chặn nội dung trong trường hợp cần thiết để tuân thủ luật địa phương. Hãy xem lại bài viết trong trung tâm trợ giúp của chúng tôi về khiếu nại pháp lý.”
Trả lời câu hỏi của RFA liên quan các clip bị xóa trên YouTube, người chủ tài khoản không muốn nêu tên nói rõ đã đăng tải thông tin về người biểu tình bị đánh đập, dân oan khiếu kiện bị đàn áp và người dân phản đối cưỡng chế đất đai nhà cửa trái luật…Người này cũng xác nhận việc khiếu nại với Google về các clip bị xóa đều không có kết quả nào.
Kiểm duyệt Facebook?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, khi trả lời chất vấn của Đại biểu vào chiều ngày 18 tháng 4 rằng giải pháp của Bộ Thông tin-Truyền thông là gì khi xuất hiện các trang mạng giả mạo lãnh đạo và tung tin thất thiệt, cho biết đang làm việc với Giám đốc nội dung của Facebook để yêu cầu gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo đăng tải trên trang mạng xã hội này.
Đài RFA ghi nhận dư luận cho rằng Chính phủ Hà Nội ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nội dung đăng tải của cư dân mạng tại Việt Nam trên Facebook, một trong những trang mạng xã hội được cho là sử dụng nhiều nhất rộng khắp thế giới.
Cư dân mạng Huỳnh Quốc Huy nêu lên suy nghĩ của anh khi sử dụng trang mạng xã hội Facebook:
Có những video và các bài viết, status của Huy chỉ khoảng vài chục phút sau là tự động xóa mất mà mình chẳng biết lý do vì sao họ xóa. Họ không gửi cho mình thông báo nào hết.
- Huỳnh Quốc Huy 
Huy sử dụng Facebook cũng lâu rồi. Huy cảm nhận dường như Facebook Châu Á kiểm duyệt nội dung một cách rất gay gắt. Có những video và các bài viết, status của Huy chỉ khoảng vài chục phút sau là tự động xóa mất mà mình chẳng biết lý do vì sao họ xóa. Họ không gửi cho mình thông báo nào hết. Thành ra mình cũng chẳng biết như thế nào luôn. Huy không có phát ngôn liên quan đến kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc hay kích động khủng bố…nên Huy cũng không hiểu vì sao Facebook kiểm duyệt đến như vậy. Nói chung mình không được thoải mái khi sử dụng Facebook, nhưng hiện đây là một kênh truyền thông rất hiệu quả nên vẫn phải tiếp tục dùng nó thôi.”
Anh Huỳnh Quốc Huy là một trong số các cư dân mạng tại Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại với chính quyền địa phương vì công khai bày tỏ chính kiến của bản thân cũng như chuyển tải các tin tức về đời sống xã hội diễn ra hàng ngày ở trong nước đến với cộng đồng cư dân mạng. Kể từ sau khi tham gia xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của cựu tù nhân lương tâm, Linh mục Nguyễn Văn Lý hồi tháng 3 năm 2017, anh Huỳnh Quốc Huy thường xuyên livestream trên Facebook và được nhiều người theo dõi. Tuy nhiên, song song với việc làm này, anh Huy đối diện với sự truy đuổi nguy hại đến an toàn của bản thân.
“Từ sau tháng 3 là họ cứ truy đuổi theo Huy hoài. Mình đối diện với những đối tượng mà mình không biết được là ai. Họ không có tống đạt giấy khởi tố hay gì hết mà họ cứ truy đuổi thì làm cho mình bị ảnh hưởng về mặt tinh thần nên cảm giác rất nguy hiểm. Nhưng cho đến bây giờ họ đuổi theo Huy suýt bắt được là có hai lần.”
Không chỉ riêng anh Huỳnh Quốc Huy mà đa số các cư dân mạng tại Việt Nam khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng họ không sợ hãi trong việc thực thi quyền tự do thông tin được quy định trong Hiến pháp dù cho Nhà nước Việt Nam ngăn chặn bằng nhiều hình thức, kể cả biện pháp bỏ tù như trường hợp của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Đất đai Đồng Tâm ‘rối như canh hẹ’ từ lâu

Báo chí trong nước từ lâu đã nói về bức xúc đất đai của người dân Đồng Tâm do sự nhập nhằng đất quốc phòng và đất nông nghiệp và sai phạm kéo dài của lãnh đạo cấp địa phương.
Truyền thông từ cách đây khoảng ba năm đã nói về điều họ gọi là sự mập mờ trong quá trình “dồn điền đổi thửa” theo đó hàng loạt cán bộ xã Đồng Tâm sở hữu hàng ngàn mét vuông đất.
Đây là một trong những lý do gây bức xúc cho người dân xã Đồng Tâm về vấn đề tranh chấp đất đai.
Báo Hà Nội Mới từ năm 2014 dẫn lời giới chức huyện Mỹ Đức xác minh quỹ đất công dự trữ thuộc quản lý của UBND huyện Mỹ Đức để lại từ năm 1993 là 27.7%, tương đương 103 ha trong khi Luật Đất đai năm 2013 của chính phủ nói đất công dự trữ không được vượt quá 5%.
Báo này khi đó nói quỹ đất công thực sự đã lên đến 40%, tương đương 194 ha.
Trong khi đó VTC cùng giai đoạn này đưa tin cả xã Đồng Tâm có gần 10.000 dân nhưng số khẩu được chia ruộng đất canh tác là hơn 7.000 khẩu.
Nhưng trong năm 2005-2006 khi xã Đồng Tâm tổ chức đăng ký triển khai chủ trương dồn điền đổi thừa, thì chỉ có 12 hộ đăng ký xin chuyển đổi ruộng đất quỹ đất công nhưng có đến 11 hộ là cán bộ hoặc người thân của cán bộ xã.
VTC khi đó nói nhiều người dân đã chịu không nhận đất vì không đồng tình với cách phân chia đất đai.
Trong khi đó, VietnamNet và Tiền Phong cùng giai đoạn năm 2014 ghi nhận hàng loạt cán bộ xã sở hữu hàng ngàn mét đất với trường hợp Bí thư Đảng uỷ Xã Nguyễn Ngọc Sơn có tới hơn 2000 m2.
Bài ‘Dồn điền đổi thửa, quan xã ẵm toàn ‘đất vàng’ của VietnamNet dẫn lời Cụ Lê Đình Kình nói “chủ sở hữu của những ô hàng ngàn mét vuông, thửa đất vàng này là các cán bộ cốt cán của xã.”
Điều này cũng được Phó Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội ghi nhận vào ngày 24/4/2014 sau khi nhận nhiều đơn tố cáo của người dân.
Trong một video clip được đưa lên mạng mới đây, cụ Lê Đình Kình, đại diện dân xã Đồng Tâm, đã giải thích tranh chấp đất cho lãnh đạo địa phương và đại diện của Viettel, và Cụ Kình nói ông chính là người viết tờ đơn cho phép “một người tên Chanh” mượn đất.
Bài viết “‘Phù phép’ đất công thành đất tư” của Báo Hà Nội Mới đăng năm 2014 cho biết 40 năm trước Hợp Tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm cho một bộ đội tên Nguyễn Văn Chanh mượn một mảnh đất có diện tích 360 m2 để làm nhà ở tạm và nếu không ở nữa thì phải trả lại đất cho Hợp tác xã này”.
Tuy nhiên khi ông Chanh chuyển về Thái Bình vào năm 1990 thì không hiểu vì sao khi đó UBND xã Đồng Tâm không lấy lại đất mà lại cho phép ông Chanh bán số đất mượn, theo ông Kình.
Báo Hà Nội Mới cũng ghi nhận khi đó UBND còn cho phép một người tên là Viễn sử dụng 12.000 m2 ngay mặt tiền tỉnh lộ 429 và năm 2008 người này bán hàng ngàn mét vuông cho nhiều cá nhân khác và ông Viễn liên tục chuyển nhượng cho các cá nhân khác hàng nghìn mét vuông đất và thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Ông Hoàng Mạnh Sơn chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức ra thông báo số 65/TB-UBND ngày 23/5/2014 khi đó nói “diện tích đất do gia đình ông Trần Ngọc Viễn sử dụng là đất quốc phòng”.
Các vụ việc bùng phát lên trong tháng Tư năm nay lại thu hút báo chí và dư luận vào vấn đề đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Ông Đoàn Văn Vươn muốn ‘hòa giải’ vụ Đồng Tâm

“Người nông dân nổi dậy” ở Hải Phòng, từng đứng lên chống lực lượng thu hồi đất, cho biết rằng ông “sẵn sàng đứng ra làm trung gian” giữa người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với chính quyền nhằm giúp làm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay.
Ông Đoàn Văn Vươn nói với VOA Việt Ngữ hôm 19/4, trong bối cảnh gần hai chục cảnh sát cơ động vẫn còn bị người dân giữ, bốn ngày sau khi xảy ra cuộc “đối đầu” với lực lượng thi hành công lực.
Về sự kiện mà người nông dân này cho là xảy ra giống với mình 5 năm trước, ông Vươn nói rằng người dân xã Đồng Tâm “không còn niềm tin” và “đã bị đẩy tới bước đường cùng”.
Ông nói thêm rằng nếu tình hình không có lối thoát thì “rất là nguy hiểm” và “gây tác động xấu cho xã hội”.
Người nông dân, từng được hàng xóm láng giềng và người thân ở Hải Phòng đón chào như người hùng, sau khi được đặc xá trở về, nhận định tiếp:
“Theo ý kiến cá nhân tôi, chính phủ phải vào cuộc, phải thành lập đoàn thanh tra để làm rõ. Chính phủ phải có kết luận rõ ràng, công bố công khai và xử lý tất cả các quan chức từ xã, huyện, thậm chí cả thành phố Hà Nội. Nếu có dấu hiệu sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sau đó, phải thả khẩn cấp những người mà chính quyền bắt. Cái sai về chính quyền phải xử lý trước”.
Chính phủ phải vào cuộc, phải thành lập đoàn thanh tra để làm rõ. Chính phủ phải có kết luận rõ ràng, công bố công khai và xử lý tất cả các quan chức từ xã, huyện, thậm chí cả thành phố Hà Nội.
Liên quan tới các diễn biến mới nhất ở Đồng Tâm, một người dân không muốn nêu danh tính nói với VOA Việt Ngữ rằng tình hình hiện nay “chẳng ra làm sao cả”, và mọi người đang chờ quan chức thành phố về xử lý vụ việc.
Người dân này nói thêm về các cảnh sát cơ động vẫn còn bị giữ: “Còn khoảng 20 người. Anh em cũng được dân cho ăn uống, và sinh hoạt các thứ bình thường. Ăn uống đầy đủ rồi chăn đệm ngủ nghỉ bình thường. Bà con chỉ muốn lãnh đạo thành phố về để giải quyết cho nhân dân yên lòng, mọi cái trở về bình thường”.
Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị bắt hồi đầu năm 2012 và ra tòa vào đầu năm 2013 rồi sau đó bị kết án 5 năm tù giam vì tội “giết người” khi cho nổ súng và bình ga tự chế nhắm vào lực lượng công vụ khi chính quyền tới cưỡng chế đất và đầm nuôi hải sản của nhà.
Hồi tháng Tám năm 2015, ông được đặc xá nhân dịp Quốc khánh Việt Nam, trở về nhà “gây dựng lại từ đầu” mảnh đất mà ông đứng lên bảo vệ.
Khi được hỏi về một số thông tin trên mạng, cho rằng ông có thể là một cầu nối giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền, ông Vươn nói: “Nếu như chính quyền thiện chí để tôi đứng ra trung gian việc này thì tôi sẵn sàng. Tôi cũng chỉ mong làm sao mọi việc nó ổn định, quyền lợi người dân được đảm bảo và về phía chính quyền, quản lý đất nước trật tự. Đấy là cái mong muốn của tôi và chắc cũng là mong muốn của rất nhiều người dân”.
Sau nhiều giờ im lặng, báo chí Việt Nam hôm 17/4 đã đồng loạt đăng thông tin về cuộc xô xát giữa dân Đồng Tâm và lực lượng thi thành công lực.
Truyền thông trong nước gọi việc người dân ném gạch đá vào công an rồi bắt giữ nhiều cảnh sát cơ động là “trái pháp luật”.
Các báo cũng đưa tin việc bốn công dân Đồng Tâm bắt giữ và Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng.
Lúc đấy bức xúc quá nên là không kiềm chế được. Chỉ có làm như thế thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu mà không thì khi mà các cụ bị bắt, thì cũng chả biết bắt đi đâu. Dân cuống lên, không biết làm thế nào, thì phải làm thế thôi.
Một người dân không muốn nêu tên nói.
Khi được hỏi nghĩ sao về cáo buộc của chính quyền, người dân không muốn nêu danh tính nói với VOA Việt Ngữ: “Lúc đấy bức xúc quá nên là không kiềm chế được. Chỉ có làm như thế thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu mà không thì khi mà các cụ bị bắt, thì cũng chả biết bắt đi đâu. Dân cuống lên, không biết làm thế nào, thì phải làm thế thôi”.
Hôm 19/4, báo điện tử VnExpress đăng bài viết của một nữ phóng viên báo này, thuật lại chuyến đi đưa tin đúng ngày xảy ra sự kiện.
Bài viết nhận được nhiều phản hồi có đoạn: “…Tôi đã bắt đầu hành trình trong thôn Hoành [xã Đồng Tâm] bằng sự sợ hãi đến cứng người, nhưng ra về với tâm trạng bình yên. Đưa tôi ra khỏi thôn, những người đàn ông, phụ nữ bỏ gậy xuống, rời đi những ánh mắt giận dữ, họ lại trở về với sự đôn hậu của những người dân quê. Sau những đống sỏi đá ngổn ngang đổ xuống làm chướng ngại vật là những biểu ngữ, ‘Không chống chính quyền’… Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu được lắng nghe. Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi”.

Ông Phạm Bình Minh thăm Mỹ theo lời mời của ông Tillerson

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/4 thông báo ngắn gọn rằng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sắp thăm chính thức Hoa Kỳ trong hai ngày 20 và 21/4/2017. Nhưng thông báo không cho biết quan chức hai nước sẽ thảo luận những vấn đề gì.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cách đây 2 tháng cho hay hôm 17/2, ông Minh đã gặp ông Tillerson bên lề hội nghị ngoại trưởng nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) ở Đức. Tại cuộc gặp đó, ngoại trưởng Mỹ đã mời ông Minh thăm Mỹ.
Cũng trong cuộc gặp hồi tháng 2, Phó Thủ tướng Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường “quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện” với Mỹ trên cơ sở “tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.
Ông Minh cũng đã nhắc lại việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam “mời Tổng thống Donald Trump” dự hội nghị thượng định của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng vào tháng 11 năm nay. Phó thủ tướng của Việt Nam cũng mời ngoại trưởng Mỹ sớm thăm Việt Nam.
Đáp lại, ông Tillerson tỏ ý mong muốn thăm Việt Nam và tham dự một số hoạt động của APEC ở Việt Nam trong năm nay.
Cho đến nay, Mỹ chưa đưa ra câu trả lời chính thức về việc Tổng thống Trump có dự hội nghị APEC ở Việt Nam cuối năm nay hay không. Báo chí Việt Nam hồi cuối tháng 3 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho hay ông Trump “đang xem xét tích cực” việc dự APEC.
Một số nguồn tin đề nghị không nêu tên có nhiều kiến thức về ngoại giao Mỹ nhận định với VOA rằng.
… có khả năng cao là tổng thống Mỹ sẽ đến Việt Nam …
một số nguồn tin giấu tên am hiểu ngoại giao Mỹ nhận định với VOA
Thông thường, các chuyến thăm nước ngoài của tổng thống Mỹ chỉ thông báo trước một tháng. Như vậy, trong tháng 10 năm nay, có thể sẽ có thông tin rõ ràng hơn về việc ông Trump có đi Việt Nam không.
Về chuyến thăm Mỹ sắp diễn ra của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là chuyến tiền trạm, dọn đường cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ.
Hồi đầu tháng 3, một bản tin của đài Truyền hình Việt Nam nói Thủ tướng Phúc phát biểu khi tiếp một đoàn doanh nghiệp Mỹ rằng ông “sẵn sàng thăm Mỹ để thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ”.

Cải cách thể chế tại Hội nghị Trung ương 5

Việt Hà, phóng viên RFA
Một trong những nội dung được nhiều nhà quan sát chính trị tại Việt nam nói tới trong thời gian trước Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng sản, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây, là vấn đề cải cách thể chế, mà cụ thể là nhất thể hóa các chức danh giữa đảng và chính quyền nhằm tinh giảm bộ máy, tránh chồng chéo.
Theo Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, có nhiều khả năng hội nghị trung ương 5 sắp tới sẽ xem xét những báo cáo về thí điểm nhất thể hóa một số chức danh ở một số địa phương thời gian qua.
“Trong cải cách thể chế bây giờ thì phải đặt ra một cách quyết liệt hơn. Nếu không quyết liệt hơn thì sẽ làm cho quá trình đổi mới đang gặp nhiều khó khăn trở ngại, trong đó có khắc phục những hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng cũ, rồi  hướng đi mới cho phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Do đó cải cách thể chế phải được đặt ra.
Trong rất nhiều việc thì thực chất đảng là nơi quyết định cao nhất, nhưng việc thực hiện hoặc đưa ra các văn bản pháp quy hoặc ký chính thức trên giấy tờ là chính quyền. 
- Bà Phạm Chi Lan
Đảng và chính phủ cũng đặt ra bước làm thí điểm ở một số tỉnh thành là nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo của đảng và chính quyền ở một cấp nào đó. Ví dụ như cấp phường xã, cấp huyện thị. Người ta đã làm ở một số tỉnh thí điểm như Quảng Ninh. Các đoàn đi khảo sát về thì bây giờ cũng đang tích cực để có báo cáo cuối cùng để xem là kết quả ra sao, để xem có thể mở rộng.”
Trước đó vào ngày 27 tháng 3, đoàn giám sát của Quốc hội Việt Nam đã đến khảo sát tình hình cải cách bộ máy hành chính tại tỉnh Quảng  Ninh. Báo chí trong nước trích lời phát biểu của một số đại biểu quốc hội nói rằng họ ‘mê’ mô hình nhất thể hóa của tỉnh Quảng Ninh và đề nghị tỉnh này tiếp tục thực hiện mô hình này. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Thị Thu Thủy được báo trong nước trích lời cho biết trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện tại 7/14 nơi, đạt 50%, bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện tại 2/14 nơi. Ở cấp xã, tỉnh  Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa hai chức danh ở hội đồng nhân dân ở 75/186 xã và nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã ở 76 /186 xã.
Giảm chồng chéo, tiết kiệm tiền thuế
Việc thực hiện nhất thể hóa các chức danh cấp ủy và chính quyền đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ năm 2014 theo đề án 25 của tỉnh. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, tính đến đầu năm 2016, Quảng Ninh đã ‘thẳng tay’ giảm hơn 1,600 công chức – viên chức và hợp đồng lao động, tiết kiệm được gần 300 tỷ đồng.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành tổ chức xây dựng đảng năm 2017 cũng nhận định đảng có hai yếu kém lớn là bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc và hoạt động kém hiệu quả. Ông nói ‘nhân dân bức xúc về việc chi tiêu cho bộ máy, công chức lớn nhưng hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả’.
Hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có khoảng 2 triệu 700 ngàn đảng viên được hưởng lương, theo số liệu được báo Quân Đội Nhân Dân đưa ra vào hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng chính phủ nhận nhận định việc nhất thể hóa không chỉ giúp giảm chồng chéo, tiết kiệm tiền thuế của dân mà còn giúp làm rõ trách nhiệm giải trình của các cá nhân.
Một buổi họp Quốc Hội tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016. AFP photo
“Nếu thực hiện được nhất thể hóa một cách xuyên suốt nó cũng có thể giúp nhiều cho chính phủ đỡ khó khăn hơn trong các hoạt động. Trên thực tế hiện nay thì nhiều khi các hoạt động theo quyết định của bên Đảng, bên chính quyền thì có những cái song trùng và bộ máy trở lên lớn hơn rất nhiều. Trong rất nhiều việc thì thực chất đảng là nơi quyết định cao nhất, nhưng việc thực hiện hoặc đưa ra các văn bản pháp quy hoặc ký chính thức trên giấy tờ là chính quyền. Nhiều việc là không rõ được nhiệm vụ của ai. Cái khó nhất trong cải cách hành chính ở Việt Nam là cần làm rõ trách nhiệm giải trình của cá nhân, những người nắm giữ các chức vụ khác nhau, các cơ quan,  phải có trách nhiệm giải trình với đất nước, người dân về việc mình làm, kể cả việc làm đúng, đặc biệt là việc làm sai. Biết bao nhiêu việc sai phạm không kết luận được vào ai hết cả, kể cả việc tham nhũng cũng vậy. Vì vậy rất khó trừng phạt được những người tham nhũng thực sự và làm bộ máy trong sạch hơn. Nếu các cơ quan được đơn giản hóa như vậy thì nhiệm vụ giữa 3 nhánh quyền lực cũng có thể được xác định lại rõ hơn. Hiện nay thì cả 3 nhánh quyền đều chịu sự lãnh đạo của một đảng, nhiều khi không phân định được rõ trách nhiệm giữa kập pháp, hành pháp, tư pháp. Nếu cả ba nhánh quyền lực mà không hoạt động độc lập hơn và có kiểm soát lẫn nhau, giám sát lẫn nhau thì nó sẽ có rất nhiều trở ngại, nhưng tôi nghĩ khó nhất sẽ là chính phủ.”
Cải cách thận trọng
Đề cập đến lo ngại cho rằng việc nhất thể hóa chức danh của đảng và chính quyền sẽ khiến đảng nắm quyền kiểm soát quá nhiều, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định:
“Cái này chưa thể nói là có thâu tóm quá nhiều quyền lực hay không vì bây giờ sự chồng chéo quá nhiều. Công tác cán bộ chẳng hạn, ban tổ chức ở quận huyện, thành phố hay sở nội vụ chẳng hạn thì việc đó làm cho chồng tréo và làm số cán bộ rất đông. Giờ họ phải nhất thể hóa vào. Sát nhập hay không thì đảng vẫn nắm. Trong thể chế chế hiện nay thì đảng lãnh đạo toàn diện thì đảng vẫn nắm. Khi nhất thể hóa vào thì chắc chắn họ vẫn nắm nhưng bộ phận đó có thể ví dụ do chính phủ điều hành chẳng hạn. Ví dụ trước kia ban tổ chức cán bộ bây giờ nó gộp với sở nội vụ chẳng hạn hoặc dưới cấp huyện cũng tương tự như thế. Đấy là tôi lấy ví dụ như thế. ở đây không có chuyện đảng nắm nhiều hơn hay ít hơn vì đảng luôn luôn nắm nhiều và luôn nắm tuyệt đối ở chế độ này rồi nên không phải bàn cãi nữa.”
Người ta không thể thay đổi một cách đột ngột và quyết liệt được. Cái này nó đụng chạm vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề về sự tồn vong của chế độ. 
- Tiến sĩ Phạm Quý Thọ 
Việc nhất thể hóa đã được nói đến từ trước Đại hội đảng 12 vào năm ngoái. Sau đại hội, đã có những dấu hiệu của nhất thể hóa giữa đảng và chính quyền như việc Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn được Bộ Chính trị điều động kiêm chức Vụ phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương.
Tại hội nghị trực tuyến của Ban Tổ chức Trung Ương hôm 4 tháng 3, đã có ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh ở một số địa phương.
Theo Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, việc nhất thể hóa dù cần thiết nhưng cũng phải làm thận trọng:
“Người ta không thể thay đổi một cách đột ngột và quyết liệt được. Cái này nó đụng chạm vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề về sự tồn vong của chế độ. Cho nên người ta phải đi từng bước một, làm thí điểm ở một số nơi.”
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho rằng việc nhất thể hóa các chức danh có thể đụng chạm đến quyền lợi của một số những vị trí nhất định trong các cơ quan đảng và chính quyền.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.