Tin Việt Nam – 18/04/2017
Vụ Đồng Tâm:
‘báo chí nhà nước lúng túng, quan chức phách láo’
Sau hơn 3 ngày xảy ra sự việc người dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và viên chức chính quyền làm con tin ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, vào sáng ngày 18/4, Công an thành phố Hà Nội mới họp báo đưa tin chính thức.
Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với VOA-Việt ngữ rằng chính quyền và truyền thông nhà nước rất “lúng túng” trong sự cố này:
“Sự kiện này cho thấy rằng chính quyền hết sức lúng túng. Toàn bộ báo của nhà nước đã không làm chức năng báo chí, tức là đưa tin tức về sự thật, mà chỉ là cái loa của chính quyền. Họ im lặng cả 3-4 ngày, rồi đến lúc 15 cảnh sát cơ động của Hà Nội được thả ra thì họ bắt đầu trở mặt và lên tiếng một cách đồng loạt. Đấy là một hình mẫu ứng xử đã quá quen thuộc của chính quyền.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về cuộc họp báo sáng ngày 18/4 do Ban Tuyên giáo Trung Ương tổ chức, trong đó có phát biểu của Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Bạch Thành Định:
“Ứng xử của chính quyền càng ngày càng dở. Cuộc họp báo vừa rồi, một ông tướng của công an Hà Nội đã nói một cách hết sức phách láo, coi người dân ở Đồng Tâm như là những thế lực thù địch, thế này thế kia.”
Ứng xử của chính quyền càng ngày càng dở. Cuộc họp báo vừa rồi, một ông tướng của công an Hà Nội đã nói một cách hết sức phách láo, coi người dân ở Đồng Tâm như là những thế lực thù địch, thế này thế kia.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Báo Công an trích lời tướng Định nói: “Từ đầu năm 2017 đến nay, số công dân khiếu kiện liên tục lôi kéo, kích động người dân có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; xâm chiếm đất quốc phòng; gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn; cản trở các hoạt động bình thường, sinh hoạt của quần chúng nhân dân; chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật.”
Cuối buổi họp báo, công an thành phố Hà Nội kết luận: “Đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh.”
Hôm 15/4, chính quyền tìm cách dùng vũ lực để thu hồi đất tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, dự kiến sau đó giao đất cho công ty viễn thông Viettel. Tuy nhiên, người dân đã chống trả quyết liệt, giữ lại nhiều lính cảnh sát cơ động, không cho ra khỏi xã. Đồng thời, người dân cáo buộc chính quyền đã bắt đi một số người của xã.
Trong khi đó, truyền thông mạng xã hội liên tục đưa tin cập nhật các diễn biến vụ Đồng Tâm.
Luật sư Trần Vũ Hải, người đưa tin chi tiết các diễn biến vụ việc ở Đồng Tâm nhận xét: “Báo chí Việt đã thất bại hoàn toàn trước mạng xã hội khi truyền thông về vụ này. Rất mong các nhà báo, đặc biệt các bạn VTV, đừng bao giờ nói những điều kẻ khác tọng vào mồm. Các bạn còn có tai, có mắt và có trái tim đó!”
Báo chí Việt đã thất bại hoàn toàn trước mạng xã hội khi truyền thông về vụ này.
Luật sư Trần Vũ Hải
Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét trên Facebook: “không có gì ngăn nổi làn sóng thông tin sự thật.”
Ông Chênh viết thêm: “Vụ nổi dậy của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc Hải Phòng năm 2012 đã có đến gần 100 blogger đưa tin đa chiều, mang sự thật đến cho người dân, tác động khá tốt lên báo chí lề đảng. Năm năm sau, vụ nổi dậy của nông dân Đồng Tâm – Mỹ Đức, đang diễn ra, đã có cả triệu facebooker theo dõi đưa tin. Thông tin sự thật về Đồng Tâm tràn ngập trên tất cả các mạng xã hội, trên hầu hết các trang tin lề dân từ trong ra ngoài nước.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có cùng nhận xét, ông nói với VOA như sau:
“Thực sự trong mấy ngày vừa qua, hàng triệu người dân Việt Nam đã nhờ mạng xã hội để biết được thông tin nóng sốt về tình hình này. Chúng tôi có quen những người có tuổi, là những quan chức cấp cao của nhà nước có quê ở đó. Họ nói rằng những diễn biến là đúng như thông tin trên mạng xã hội đưa, chứ không như báo chí chính thống đưa. Truyền thông mạng xã hội đã thực sự đánh bại nền báo chí chỉ biết ăn theo, nói leo, là cái loa của chính quyền.”
Ngày 30/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “gây rối trật tự công cộng” ở xã Đồng Tâm theo điều 245 bộ luật Hình sự.
Tiến sĩ Quang A nói người dân Đồng Tâm tuy phản ứng dữ dội nhưng tỏ ra khá ôn hòa: họ không gây bạo loạn, họ đối xử tử tế với những cảnh sát cơ động.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét việc người dân và các nhà hoạt động xã hội làm báo mạng trong vụ này:
“Đã có hàng chục người dân nơi khác và các nhà hoạt động xã hội dân sự tìm mọi cách tiếp cận đồng bào đang bi bao vây để ủng hộ hoặc tìm hiểu thông tin. Theo sự phát triển nầy, vài năm nữa, những vụ nổi dậy đứng lên chống bất công ở bất cứ đâu, ngoài sự hỗ trợ thông tin của hàng triệu nhà báo chuyên và không chuyên, sẽ còn có hàng vạn người dân nơi khác kéo đến tiếp ứng.”
Theo sự phát triển nầy, vài năm nữa, những vụ nổi dậy đứng lên chống bất công ở bất cứ đâu, ngoài sự hỗ trợ thông tin của hàng triệu nhà báo chuyên và không chuyên, sẽ còn có hàng vạn người dân nơi khác kéo đến tiếp ứng.
Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Nhà báo tự do Lê Nguyễn Hương Trà viết trên Facebook: “Con đường tồn tại, có thể là duy nhất của nhiều tờ báo hiện nay là phất cờ thoát khỏi gọong kìm của Ban Tuyên Giáo, hoặc tự diễn biến.”
Trong một diễn biến khác, báo VietNamNet trích lời Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn ngày 18/4 nói rằng “mạng truyền thông xã hội như ‘cái chợ’…Các thế lực thù địch chính trị đang tận dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước và tung tin sai sự thật hoặc thông tin thật – giả lẫn lộn để gây kích động, hoang mang cho người dân, tạo bất an cho xã hội.”
Ông Tuấn cho biết Bộ của ông sẽ “làm việc với Facebook” để gỡ các thông tin xuyên tạc và sẽ phối hợp với Bộ Công an để thực hiện xử lý các vi phạm một cách nhanh nhất.
Sẽ có làn sóng nông dân nổi dậy
nếu không tháo ngòi nổ Đồng Tâm
Ngày 18/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã không xuất hiện tại “điểm nóng” Đồng Tâm như mong đợi, sau khi dân làng tại đây thả 18 công an, khiến tình hình càng thêm “bùng nhùng” và “rối”, theo nhận xét của một nhà quan sát thời sự tại Việt Nam. Nhà báo-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cảnh báo nếu cứ theo đà này, người nông dân ở các nơi sẽ kéo về Hà Nội và đồng thời “phản ứng” tại địa phương.
Như thông tin các luật sư giữ vai trò trung gian giữa dân làng Đồng Tâm-Mỹ Đức và chính quyền Hà Nội đưa ra ngày 17/4, ông Nguyễn Đức Chung hứa sẽ đến gặp và thương thuyết với người dân vào ngày hôm sau (tức 18/4) sau khi nói chuyện với họ qua điện thoại của các luật sư.
Giải thích về sự vắng mặt của ông Chung ở Đồng Tâm, Luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook vào ngày 18/4:
“Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà nội vừa gọi điện thoại cho tôi, nói rằng ông không hứa hẹn khi trao đổi điên thoại với một người dân xã Đồng Tâm, sẽ đến làm việc và đối thoại với dân Đồng Tâm trong ngày hôm nay và đề nghị tôi đính chính.
Tôn trọng ông Chung, tôi rút bỏ một stt [status] loan báo điều đó, mặc dù nhiều người dân và chính luật sư Luân Lê (việc trao đổi qua điện thoại di động của luật sư này) cũng nghe rõ câu chuyện trao đổi qua điện thoại, được bật loa”.
Tôi e rằng nếu cứ tình hình như thế này thì mọi chuyện sẽ còn kéo dài lâu và sẽ giống như vết dầu loang lan ra các vùng, các tỉnh miền Bắc.
TS. Phạm Chí Dũng.
Trong khi báo chí Việt Nam hoàn toàn không đề cập tới “lời hứa” đến Đồng Tâm của ông Chung, một số người dân bày tỏ trên mạng xã hội rằng có lẽ sự việc đã “vượt ngoài tầm của ông Chung”.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng phân tích với VOA:
“Lý do đầu tiên, có thể trước đó ông Nguyễn Đức Chung có trao đổi với một người phụ nữ mà thường xuyên tiếp cơm cho số cảnh sát cơ động đã bị người dân Đồng Tâm bắt giam. Ông Chung có hỏi rằng ‘nếu tôi đến xã Đồng Tâm thì người dân liệu có bắt tôi không?’. Từ đó có thể thấy là bản thân ông Chung cũng sợ”.
“Thứ hai, tính không chính nghĩa của ông Chung thể hiện một cách hết sức lươn lẹo và lắt léo. Ban đầu thì muốn đến xã Đồng Tâm để đàm phán, nhưng sau đó ông Chung lại ra điều kiện, trả treo với nhân dân Đồng Tâm là nếu thả hết số cảnh sát cơ động đang bị giam, thì ông Chung với cho người dân Đồng Tâm thăm ông Kình. Còn nếu không thả thì không cho thăm ông Kình. Tôi thấy điều đó là bất nhẫn quá”.
“Còn một lý do nữa mà tôi nghĩ làm cho Nguyễn Đức Chung không dám đến xã Đồng Tâm thương thuyết, là vì ông ta thấy phía sau ông ta không ai dám chịu trách nhiệm cả. Việc này chắc chắn là đã báo cáo cho Bộ Chính trị, Nguyễn Phú Trọng và nhiều nhân vật rồi”.
VOA đã nhiều lần liên lạc để xác nhận thông tin với ông Nguyễn Đức Chung nhưng không nhận được hồi đáp.
Một số nhà quan sát tình hình thời sự Việt Nam nói sự vắng mặt của ông Chung ở Đồng Tâm không những không làm giảm nhiệt căng thẳng, mà còn khiến người dân càng thêm mất niềm tin vào chính quyền.
Giáo sư Tương Lai, một nhà nghiên cứu xã hội và cựu thành viên của nhóm tư vấn cho thủ tướng Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn với VOA ngày 17/4 đã dự báo sẽ có nhiều “lươn lẹo”, “mưu mẹo” xuất hiện tại Đồng Tâm. Nhưng ông cũng nhận định rằng người dân Đồng Tâm có “thừa kinh nghiệm” và “thừa cảnh giác” để đối phó.
Tiết lộ với VOA tối 18/4, LS. Trần Vũ Hải cho biết “Bà con chính thức có một cái đơn mời ông Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm làm việc”. LS. Trần Vũ Hải cũng xác nhận với VOA rằng người dân Đồng Tâm đã thả 18 cảnh sát cơ động ra và còn giam giữ 20 người.
Vụ Đồng Tâm đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Nhiều người bày tỏ lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông Lê Đình Kình (cụ Kình), 83 tuổi, người đại diện cho dân làng Đồng Tâm sau khi có tin ông phải nhập viện sau khi bị chính quyền “bắt cóc”.
Cập nhật tình trạng của cụ Kình, LS. Trần Vũ Hải cho VOA biết: “Cụ Kình hiện nay, theo như ông Chung nói, đang cần phải tiểu phẫu. Mà theo luật, việc này cần phải có sự đồng ý của gia đình để đảm bảo. Nhưng gia đình hiện nay có nói rằng chúng tôi hiện nay chưa ký được. Bởi vì khi ông ra khỏi nhà thì người lành lặn, nhưng khi bị bắt, mà theo họ là bị bắt cóc, thì cơ quan, đơn vị bắt cóc ông phải chịu trách nhiệm bởi vì chưa có lệnh [bắt]”.
Trên mạng xã hội, nhiều trí thức Việt Nam lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội hãy chấm dứt dùng bạo lực, bắt bớ hay truy ép người dân để tránh những “đổ vỡ khủng khiếp”.
TS. Phạm Chí Dũng nói: “Tôi e rằng nếu cứ tình hình như thế này thì mọi chuyện sẽ còn kéo dài lâu và sẽ giống như vết dầu loang lan ra các vùng, các tỉnh miền Bắc. Ngày hôm nay (18/4), đã có 200 người dân Bắc Giang kéo về Hà Nội để phản đối nạn trưng thu đất đai rồi. Tôi nghĩ trong những ngày tới sẽ có cả một làn sóng lớn người nông dân từ các tỉnh kéo về Hà Nội và đồng thời phản ứng ở tại địa phương của họ”.
Tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm đã kéo dài khoảng 10 năm nay. Người dân tố cáo lãnh đạo địa phương tham nhũng đất đai cũng như “nhập nhèm” trong việc đo đạc ranh giới giữa đất nông nghiệp và đất quốc phòng. Người dân đã khiếu kiện nhiều năm nhưng các cơ quan có trách nhiệm không đưa ra một kết luận rõ ràng.
Xô xát bắt đầu nổ ra ngày 15/4 khi chính quyền muốn giao 47 ha đất cho Viettel. Người dân Đồng Tâm đã bắt 38 cảnh sát cơ động nhốt vào nhà văn hóa địa phương sau khi chính quyền bắt những người đại diện dân làng. Ngày 18/4, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thiếu tướng Bạch Thành Định nói đây là những hành vi “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và “cần phải xử lý nghiêm minh”.
Bị áp lực,
Việt Nam buộc phải thu hồi lệnh cấm 5 ca khúc trước 1975
Trước phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên gửi công văn tới Cục nghệ thuật biểu diễn yêu cầu thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 vì lý do “không đủ cơ sở.”
Theo báo Tuổi Trẻ, cũng hôm 14/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “không tùy tiện cấm ca khúc xưa” trước thông tin dư luận bức xúc về quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975.
Nhận xét về việc rút lại lệnh cấm này, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng từ Bỉ viết trên trang mạng xã hội rằng: “Phản ứng dữ dội và đồng loạt của lề dân thông qua Facebook, vụ việc dần dần lấn sang lề đảng và nhà cầm quyền đã đi đến quyết định khá khôn ngoan sáng suốt… Ai cũng thấy tính cách phi lý, bất cập về hành xử của lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), phát xuất từ thứ tư duy giáo điều, máy móc, vô văn hóa đến độ kệch cởm, quái dị của họ.”
Theo trang mạng news. Zing.vn, ông Biên yêu cầu các tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng 5 bài hát nêu trên phải “kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc.”
Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật biểu diễn nói họ sẽ vẫn phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu và báo cáo tới Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch để hoàn thiện văn bản pháp luật “về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác trước năm 1975 và các nhạc phẩm do người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác.”
Giáo sư Hưng và nhiều Facebooker khác yêu cầu Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương, người đã ban hành lệnh tạm dừng năm ca khúc hôm 13/3, phải từ chức.
Năm ca khúc được sáng tác trước 1975 bị tạm dừng lưu hành gồm có: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), và Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).
Hôm 4/4, ông Chương còn khẳng định với báo chí rằng 5 ca khúc trước năm 1975 “sẽ chính thức bị cấm lưu hành vĩnh viễn do bị sai về mặt bản quyền vì bị sửa lời.”
Báo Người Lao động đặt câu hỏi bày tỏ hoài nghi về quyền hạn của cơ quan chức năng: “Tại sao Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải cấp phép phổ biến cho ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và của tác giả người Việt sinh sống ở nước ngoài? Câu hỏi này chưa ai trả lời, kể cả cơ quan cấp phép là Cục NTBD. Chẳng rõ cơ quan quản lý đề ra quy định này để làm gì nhưng những diễn biến thời gian qua cho thấy chính các quy định không hợp thời đó đã gây cho các nhà quản lý sự rối rắm.”
Báo Tuổi trẻ viết: “Gần một tháng trời, tâm trạng xã hội bị khuấy động cả theo chiều hoang mang lẫn bực tức.”
Bà Nguyễn Thế Thanh, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin thành phố HCM viết trên báo Tuổi trẻ: “Âm nhạc tự thân nó là một phương cách để người ta nhớ nhung quá khứ của mình, cho dù quá khứ ấy không phải lúc nào cũng êm đềm…”
Bà Thanh viết tiếp: “Điều cần nhất, sâu sắc hơn, lâu dài hơn khi ứng xử với các ca khúc trước năm 1975 chính là cần suy nghĩ thật nghiêm túc, thật khách quan, thật bao dung để đưa ra nguyên tắc quản lý các ca khúc trước 1975 một cách thấu tình nhất.”
Sau khi lệnh cấm được ban hành, nhà vận động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển nói với VOA: “Thật ra không phải muốn cấm là cấm. Bởi vì sau năm 1975, họ cấm người ta vẫn hát. Sau khi họ cấm thì tôi lại hát nhiều hơn.”
Một độc giả VOA tên là Oklahoman nhận xét về nhạc sáng tác trước 1975 như sau: “Tất cả các tác phẩm văn hóa ở miền nam trước 1975 là những tác phẩm xuất phát từ lòng người. Nó là những ý tưởng thực tại sống động, và nó sống theo thời gian, vì nó không mang tính chất tuyên truyền cho những thế lực chính trị.”
Nhà báo Lâm Minh Trang của báo Tuổi trẻ kêu gọi chính quyền nên công bằng với cả các ca khúc do người Việt sinh sống ở hải ngoại sáng tác sau năm 1975: “cũng đến lúc cần có những nhận định, đánh giá công bằng với dòng văn nghệ được sáng tác sau năm 1975 trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại.”
Youtube xóa hơn 1000 clips bôi nhọ lãnh đạo
Cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay đã có hơn 1000 clip đã bị xóa.
Thông tin vừa nêu được Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn thông báo trong buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào chiều thứ Ba, ngày 18 tháng 4.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu về xử lý các trang mạng giả mạo các lãnh đạo và tung tin thất thiệt như thế nào, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm và đã xử phạt 10 trường hợp, tính từ đầu năm 2017. Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, cơ quan chức năng của Việt Nam sử dụng Thông tư 38 để xử lý những trường hợp vi phạm trên các trang mạng xã hội như Google, YouTube và Facebook.
Ông Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông cũng cho biết đang làm việc với Giám đốc nội dung của Facebook để yêu cầu gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo đăng tải trên trang mạng xã hội này.
Vụ Đồng Tâm: Ví dụ của sự sa sút lòng tin nghiêm trọng
Kính Hòa, phóng viên RFA
Ngày 18 tháng tư là ngày thứ tư của vụ khủng hoảng tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội. Mặc dù có gần một nửa con tin được dân làng trả tự do, cùng với dân làng được về nhà.
Căng thẳng vẫn tiếp tục phủ bóng lên vùng đất ven đô của thủ đô Hà Nội. Luật sư Trần Vũ Hải có nói với chúng tôi vào ngày 17 tháng tư rằng hiện nay người dân không còn lòng tin nữa.
Suy sụp lòng tin trầm trọng
Ngày 18 tháng tư Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó giám đốc công an thành phố Hà Nội nói với báo chí rằng sẽ giải quyết chuyện Đồng Tâm theo đúng pháp luật, và chính quyền sẽ không nhân nhượng.
Nhà văn Thùy Linh hiện sống ở Hà Nội, theo dõi rất sát việc xung đột đang diễn ra ở Đồng Tâm nói bà rất lo lắng:
“Nói thật là đêm nay tôi cực kỳ lo lắng, không biết có đổ máu không, nếu họ tấn công vào thì không biết việc gì sẽ xảy ra, vì hiện nay lực lượng (công an) vẫn đang bao vây xung quanh, còn dân làng vẫn đang cố thủ, con tin vẫn đang bị bắt giữ bên trong.
Nói thật là đêm nay tôi cực kỳ lo lắng, không biết có đổ máu không, nếu họ tấn công vào thì không biết việc gì sẽ xảy ra…
- Nhà văn Thùy Linh
Mọi người đang chờ là sau những lời lẽ đó sẽ là một cuộc tấn công như từng làm, như Văn Giang, hay các nơi mà họ chiếm đất. Ngày xưa vụ sân golf Đông Anh cũng dạng như thế. Sau khi dân lập hào lũy, họ tìm cách chia dân ra, rồi sau đó kiểu gì họ cũng chiến thắng, chiến thắng trong ngoặc kép, giành thế áp đặt lên người dân theo cái cách của họ.”
Trong bản thông báo đưa ra ngày 18 tháng tư, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà nội cho rằng vụ việc xung đột ở Đồng Tâm có nguyên nhân là do dân chúng cứ biểu tình khiếu kiện kéo dài, không chấp nhận những quyết định của chính quyền.
Có một điều quan trọng nữa là trong bản thông báo này khẳng định khu đất mà nông dân Đồng Tâm đang đòi là thuộc khu vực quốc phòng. Trong khi trước đó, liên tục trong 3 năm, từ 2014 đến 2016, sau nhiều lần giải quyết, Hà Nội đã công nhận khu đất mà người dân đòi là thuộc đất nông nghiệp chứ không thuộc đất quốc phòng.
Nhà văn Thùy Linh nói tiếp:
“Họ không coi trọng lời hứa của họ, cái đó chỉ là chiến thuật để kéo dài thời gian, câu giờ đễ giải quyết vấn đề theo cái cách của họ, chứ không xuất phát từ thiện chí cùng người dân giải quyết thõa đáng vấn đề. Tất cả những việc đến giờ phút này ở Đồng Tâm, những lời hứa hay những việc làm của ông Chung chủ tịch cũng giống như những lần trước đó. Bây giờ người dân ở Đồng Tâm người ta không tin bất cứ cái gì nữa. Không tin bất kể ai.”
Xung đột đất đai giữa nông dân và chính quyền các địa phương Việt Nam không phải lần đầu tiên xảy ra. Có thể kể ra rất nhiều cuộc xung đột như Văn Giang, Đông Anh, Tiên Lãng, Trịnh Nguyễn, … đều ít nhiều mang tính chất bạo lực. Và trong tất cả những cuộc xung đột này chính quyền đều đưa ra những lời hứa.
Khác với những lần trước, trong vụ xung đột tại Đồng Tâm hiện nay, người dân chỉ liên lạc với bên ngoài qua một số rất ít các luật sư đại diện quyền lợi của họ. Luật sư Hà Luân nói với RFA rằng người dân không muốn quay phim chụp ảnh và tiết lộ ra bên ngoài nhiều thông tin về họ.
Không những nhân viên công an và an ninh bị bắt giữ, dân Đồng Tâm còn không cho bất cứ người lạ nào được quyền vào làng, bao gồm tất cả những nhà báo, của nhà nước cũng như những nhà báo hoạt động độc lập, những người đưa tin tự nguyện cho mạng xã hội. Một nhà báo Việt Nam quê quán gần làng Đồng Tâm cho chúng tôi biết rằng người dân Đồng Tâm hiện nay không tin chính quyền, nhà báo, và cũng không tin cả nhau. Luật sư Hà Huy Sơn bình luận:
“Lòng tin của người dân đối với chính quyền có thể do chính những bức xúc trong cuộc sống hàng ngày, công ăn việc làm, chuyện ô nhiễm, rồi tệ nạn xã hội, những bất công của cơ quan pháp luật,… thành ra chuyện giảm sút lòng tin cũng là một chuyện thực tế. Tôi nghĩ là những năm gần đây chính quyền cũng có những tiến bộ nhất định, nhưng mà so với cái đòi hỏi của cuộc sống thì chưa đáp ứng được. Đó cũng là lý do người dân người ta mất niềm tin.”
Nguyên nhân của những lời hứa
Trong cơ chế quyền lực chính trị tập trung như ở Việt Nam việc quyết định thường mang tính tập thể, do đó một cá nhân đứng trước một việc thuộc trách nhiệm của mình thường rất khó đưa ra một quyết định chính xác hay một lời hứa có thể thực hiện được. Ngoài ra với cơ chế xã hội hiện nay được đảng cầm quyền gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người ta cho rằng tham gia vào các quyết định còn có các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Nhà văn Thùy Linh nói với chúng tôi:
Họ cực kỳ lúng túng khi giai quyết sự việc này. Luôn luôn họ chờ lệnh cấp trên, họ chờ sự bàn bạc ở cái cấp nào đó, cho nên tất cả những việc họ làm là chỉ để xoa dịu đúng thời điểm đó thôi.
- Nhà văn Thùy Linh
- Nhà văn Thùy Linh
“Họ cực kỳ lúng túng khi giai quyết sự việc này. Luôn luôn họ chờ lệnh cấp trên, họ chờ sự bàn bạc ở cái cấp nào đó, cho nên tất cả những việc họ làm là chỉ để xoa dịu đúng thời điểm đó thôi. Họ không có phương pháp giải quyết rốt ráo vấn đề, nên cái việc mà như hiện nay ở Đồng Tâm, thì tôi cũng nghĩ là lãnh đạo Hà Nội chờ chỉ đạo bên trên, hoặc bản thân họ bị áp lực của các nhóm lợi ích, những nhóm mà đang muốn chiếm đất của dân Đồng Tâm.”
Trong tất cả những cơ sở kinh doanh có liên quan đến đất đai ở Đồng Tâm thì công ty truyền thông Viettel do quân đội quản lý là lớn nhất. Chính việc giao đất cho dự án này đã thổi bùng ngọn lửa xung đột trong những ngày giữa tháng tư này tại Đồng Tâm. Tổng giám đốc của Viettel là Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, một ủy viên trung ương đảng, cơ quan bao gồm hơn 100 người có quyền lực nhất Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một ủy viên của Quân ủy trung ương, cơ quan đảng đầy quyền lực của quân đội Việt Nam.
Một nguồn tin giấu danh tính nói với chúng tôi rằng vụ việc ở Đồng Tâm nằm ngoài tầm tay của các nhà lãnh đạo của thành phố Hà Nội.
Vụ Đồng Tâm thu hút dư luận trong nước
Nhiều ý kiến bày tỏ bất bình với cách chính quyền giải quyết căng thẳng giữa dân và chính quyền tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Kinh tế gia Vũ Thành Tự Anh viết trên Facebook cá nhân mô tả vụ việc này “chính quyền xa dân, gần thân hữu”.
Ông Tự Anh dẫn chiếu tới một video clip đưa lên mạng cho thấy một người lãnh đạo cộng đồng là ông Lê Đình Kình đã lên tiếng để chống lại sự bất công của chính quyền địa phương, bảo vệ sinh kế và quyền cơ bản của người dân Mỹ Đức.
“Một con người như vậy mà chính quyền địa phương không tìm cách đối thoại, trái lại còn đàn áp và bắt đi thì chính quyền này quả thật đã xa dân và gần các nhóm thân hữu quá mất rồi!.
“Dưới con mắt của chính quyền địa phương, người dân nơi đây – trong đó có cụ Kình – bị quy giản thành những người “thiếu hiểu biết pháp luật” và “không hợp tác”, bị quy chụp “vi phạm đất quốc phòng”, và bị quy kết “gây rối trật tự công cộng”.
“Sự kiện Mỹ Đức – giống như Ninh Hiệp, Dương Nội, hay Văn Giang trước đây – là hệ quả của nhiều sai lầm nghiêm trọng kéo dài của chính sách đất đai – trong đó quan trọng nhất là chế độ sở hữu đất đai, quyền tài sản của người dân, và quyền thu hồi đất của chính quyền địa phương,” ông Tự Anh viết.
‘Đối đầu nguy hiểm’
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng bày tỏ bất bình về vụ việc này và nhận định sự kiện Đồng Tâm một lần nữa cảnh báo rằng pháp luật về đất đai đang có vấn đề.
“Có lẽ là vấn đề lớn nhất của thế chế. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà toàn dân không có cách gì để thực thi quyền sở hữu của mình; đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà toàn bộ chênh lệch địa tô chỉ làm giàu cho các nhóm lợi ích nhỏ bé trong xã hội, thì đó chỉ là một sự đánh tráo khái niệm,” ông Dũng viết trên Facebook.
Trên Facebook cá nhân, ông cũng kêu gọi lãnh đạo Hà Nội và cấp cao hơn nữa, hãy lắng nghe cụ Kình.
“Chỉ có Cụ mới nói được cho dân nghe. Chỉ có Cụ mới giúp giải tỏa được sự đối đầu đầy nguy hiểm và đầy định mệnh hiện nay.
Trong khi đó nhà hoạt động chống tiêu cực, cụ bà Lê Hiền Đức nói với BBC rằng không có chủ tịch hay bí thư thành ủy nào có thể xuống tận nơi để biết cái mảnh đất này ai bán ai mua.
“Họ có đọc được đơn từ của dân đâu mà biết vì đơn có đến tay họ đâu.
“Cách đây chưa đến một năm dân Đông Anh tới phòng tiếp dân Thành phố Hà Nội ở 34 Lý Thái Tổ mang nộp đơn thì thấy ở đây họ mang hai bao tải đơn từ ra bán đồng nát ở dạng giấy vụn.
“Dân bức xúc quá đuổi theo người mua đồng nát thì lấy lại được một bao tải và đã gọi điện cho tôi và tôi đã mời công an tới lập biên bản ngay tại hiên trưởng, trong bao tải đó vẫn còn đơn từ gửi chủ tịch, phó chủ tịch thành phố, thậm chí còn chưa bóc ra.”
Tuy nhiên bà Đức mô tả là muốn làm rõ đúng sai về đất đai ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức thì cứ “gõ mấy ông cấp huyện cấp xã là ra hết vì họ ăn đất của dân”.
“Vấn đề là xã đẩy lên huyện, huyện đẩy lên thành phố và thành phố thì viết vào đó là ‘xin chuyển về địa phương giải quyết theo thẩm quyền’.
“Tôi vẫn thường nói dưới thường đẩy lên trên, trên thì đá xuống dưới. Họ biến dân thành quả bóng,” bà Đức nói.
Tôi vẫn thường nói dưới thường đẩy lên trên, trên thì đá xuống dưới.Lê Hiền Đức
Bà Đức dẫn chiếu tới những bất cập xảy ra với hai cựu thanh tra chính phủ là Trần Văn Truyền và Huỳnh Phong Tranh.
Bà Đức nói: “Những người này khi tôi tiếp xúc họ đều nói với tôi là họ đang làm đúng qui trình.
“Vậy đến lúc họ chịu kỷ luật thì những cái sai trái đó nó là qui trình gì,” bà Đức nói.
Từ Hà Nội, nhà quan sát, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói với BBC rằng ông “rất thất vọng” với cách ứng xử của chính quyền.
“Lẽ ra đây có thể là cơ hội để họ sửa chữa những sai lầm nhưng rất tiếc là đầu óc họ đã bị xơ cứng suốt nhiều chục năm qua và cách phản ứng của họ vẫn rập khuôn, máy móc giống hệt như phản ứng của thời xa xưa.”
Ông Nguyễn Quang A cho rằng trước vụ việc ở xã Đồng Tâm đã từng có các vụ tương tự.
“Nó có nguyên nhân rất sâu xa và cơ bản là chính sách đất đai của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà người ta luôn lên tiếng hô hào là ‘đất đai thuộc sở hữu của toàn dân’.”
“Đây là mấu chốt của vấn đề, không giải quyết cái đó thì tất cả mọi thứ khác chỉ là vấn đề kỹ thuật.”
Phải thay đổi hiến pháp, thay đổi luật đất đai, một vài quy định, và thực sự Đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa nhận sai lầm của mình và phải thay đổi.Nguyễn Quang A
Ông Quang A kêu gọi: “Phải thay đổi hiến pháp, thay đổi luật đất đai, một vài quy định, và thực sự Đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa nhận sai lầm của mình và phải thay đổi.”
“Nhìn từ quan điểm của chính họ, lợi ích của họ thì đó là những chính sách rất khôn ngoan cho họ, nhưng lại là tai họa cho đất nước.”
Ông nhận xét: “Có thể một số người dân cũng vi phạm pháp luật trong sự kiện vừa rồi vì người ta bức xúc quá.”
“Nhưng nếu có nền tư pháp độc lập như thế thì có lẽ là 99% tội phải quy cho quan chức nhà nước.”
“Luận điệu mà họ nói là người dân vi phạm pháp luật thế này thế kia, còn họ như thiên thần thì đó là luận điệu muôn thuở của họ.”
Đồng Tâm: Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp?
Chủ đề tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã nhiều lần được truyền thông trong nước đề cập đến.
Các tường thuật, cả dạng báo viết lẫn báo hình, đã được đưa từ nhiều năm trước.
Mới đây nhất, sau diễn biến ‘chính quyền bắn dân dân bắt cảnh sát’ hôm 15/4, sau hai ngày đầu không đăng tin, từ 17/4 nhiều báo có bài nói về tình trạng “vi phạm trên đất quốc phòng”, sau khi Thành ủy Hà Nội chính thức ra thông tin vào chiều 16/4.
Tuy nhiên, dân địa phương cáo buộc chính quyền cấp xã và cấp huyện muốn lấy đất nông nghiệp để trao cho công ty Viettel làm dự án.
BBC điểm lại một số thông tin đăng trên báo ở Việt Nam về vụ việc.
Nhập nhằng giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp
Hồi đầu năm 2016, báo Người Cao Tuổi có bài ‘Chuyện lạ: Xẻ ‘đất công’ để bán?’ dẫn nguồn đơn thư khiếu nại của dân địa phương theo đó nói hồi đầu thập niên 1980 Chính phủ có quyết định thu hồi 47,36ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, cùng đất của một số xã khác lân cận để chuyển sang phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.
Diện tích đất trên được giao cho Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không, Không quan quản lý, với mục đích xây dựng sân bay Miếu Môn.
Việt Nam có 33 triệu hectare đất nhưng trong số đó chỉ còn 6,9 triệu hectare (21%) là để dùng vào nông nghiệp và trồng lúa. Người dân nông thôn Việt Nam, nhất là những người sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp để có thu nhập chính, vẫn chiếm hai phần ba số người nghèo cả nướcNgân hàng Thế giới (06/2016)
Do dự án không khả thi nên tới 2007, Lữ đoàn 28 đã bàn giao lại diện tích từng là đất nông nghiệp này lại cho UNBD Đồng Tâm, với việc xác định lại mốc giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp được tiến hành vào ngày 30/7 năm đó, báo Người Cao Tuổi viết.
Vụ việc lại được truyền thông trong nước đồng loạt nhắc lại sau khi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ra tiếp thông tin vào sáng 18/4/2017.
Báo Thanh Niên cùng ngày 18/4 nói rằng vào tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng đã giao cho Quân chủng Phòng không Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân cho Lữ đoàn 28 với “các mốc giới không thay đổi”.
Tuy nhiên, các báo không nhắc tới việc bàn giao xác định mốc giới giữa địa phương và đơn vị Lữ đoàn 28 hồi 2007.
Về phần mình, người dân địa phương từ nhiều năm nay nói rằng dựa vào giới mốc đã được xác định hồi tháng 7/2007 thì phần đất mà giới chức nói là dân vi phạm trên thực tế không thuộc đất quốc phòng mà nằm trong phần đất nông nghiệp của xã.
Báo Người Cao Tuổi trong bài đăng hồi 2016 mặc dù ghi nhận rằng theo một văn bản của Lữ đoàn 28 cũng như tuyên bố của cán bộ xã Đồng Tâm thì diện tích đất mà người dân khiếu nại ‘là đất của quốc phòng’, nhưng nói việc ‘xác minh’ của phóng viên cho thấy những lô đất này ‘có dấu hiệu nằm ngoài mốc giới đất quốc phòng’.
Trong một video clip đăng trên mạng xã hội, một cụ ông cao tuổi, được cho là cụ Lê Đình Kình đại diện dân xã Đồng Tâm, giải thích rằng diện tích đất dân đang khiếu nại trước đây ‘từng nằm trong dự án [an ninh quốc phòng]… nhưng chưa bị thu hồi’ và đã được trao lại cho xã vào năm 2007.
Cụ ông cũng giải thích chỗ đất này hoàn toàn nằm ngoài khu vực 47,36ha đất mà xã Đồng Tâm đã giao cho nhà nước hồi 37 năm trước.
BBC được gia đình cụ ông Kình, người hiện đang nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Đức sau vụ bị bắt đi hôm 15/4/2017 xác nhận rằng đoạn video đó được ghi cách đây khoảng hơn một tháng, khi đại diện Viettel lần đầu tiên tới tiếp xúc với người dân địa phương, với đại diện là cụ Kình, để trao đổi về vấn đề đất đai được giao cho Viettel.
Cụ Kình nói trong video clip là vào cuối 2016, chính quyền huyện Mỹ Đức đã đưa khoảng gần 600 công an, an ninh, cảnh sát cùng xe vòi rồng, xe thùng bắt người xuống cưỡng chế đất đang có khiếu kiện này, khiến người dân phản đối mạnh mẽ và từ đó dẫn đến hàng loạt vụ tranh chấp căng thẳng diễn ra vào đầu năm 2017.
Hôm 15/4/2017, chính quyền địa phương mời đại diện người dân trong xã ‘ra khu vực đất đang tranh chấp để cùng đo đạc, xác định mốc, ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm”.
Sau đó, đã xảy ra chuyện giới chức bắt chín người dân xã, và đổi lại, phía dân Đồng Tâm bắt hơn 30 công an, an ninh.
Tất cả người dân Đồng Tâm bị bắt hôm 15/4 đều đã được thả, trừ cụ ông Kình hiện đang phải nằm viện vì ‘phải phẫu thuật xương đùi’, một người cháu ngoại của cụ ông Kình nói với BBC hôm 18/4.
0 nhận xét