Tin Việt Nam – 14/04/2017
Tàu ngư dân VN bị ‘tàu lạ’ đưa đi
Một tàu cá của ngư dân với bảy lao động bị một tàu không mang số hiệu và quốc tịch bắt và dẫn giải đi.
Truyền thông trong nước cho hay vụ việc xảy ra vào sáng 12/04 tại vùng nước khoảng cách Vũng Tàu khoảng 44 hải lý về phía tây nam.
Nhân chứng nói rằng tàu cá của ngư dân, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tý, từ Tuy Hòa, bị tàu lạ bắt, dẫn giải và mất thông tin liên lạc.
Nhà chức trách tỉnh Phú Yên gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã được thông báo về sự việc.
“Tàu lạ trên ban đầu được xác định không rõ số hiệu, quốc tịch, nên cũng chưa thể khẳng định đó là tàu của nước nào, nên chưa thể thực hiện các biện pháp can thiệp theo quy định được.
Bên Ban chúng tôi cũng đã hoàn thành văn bản, sáng hôm nay gửi lên Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia và một số cơ quan chức năng khác đề nghị được phối hợp giúp đỡ tìm kiếm và điều tra, vì đây là trường hợp đặc biệt.
“Về phía địa phương thì Bộ đội biên phòng tỉnh vẫn đang tiếp tục theo dõi, thông báo cho các tàu cá ngư dân đánh bắt trên biển phối hợp tìm kiếm, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin gì mới,” bà Đặng Thị Lành, cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, được báo Đất Việt dẫn lời.
Hồi tháng Một năm nay, một tàu cá của ngư dân Vũng Tàu đang trên đường vào bến thì cũng bị một chiếc tàu lạ đâm chìm nhưng may mắn vì được một chiếc tàu cá khác đánh bắt gần đó cứu sống 9 ngư dân.
Mới đây Indonesia đã cho phá hủy 81 tàu cá mang quốc tịch nước ngoài, bị bắt giữ do ‘đánh bắt cá’ trái phép trong vùng biển Indonesia, đưa tổng số các tàu cá nước ngoài bị giới chức Indonesia phá hủy, đánh chìm nay lên tới 317 chiếc kể từ khi Tổng thống Joko Widodo ra chiến dịch đối phó nạn đánh bắt cá trộm, hồi tháng Mười 2014.
Trong số các tàu bị Indonesia tịch thu và phá hủy, chủ yếu là các tàu mang quốc tịch Việt Nam, 142 chiếc, Philippines, 76, Malaysia, 49, và có ít nhất một tàu Trung Quốc, theo Strait Times.
2 quan chức cao cấp
bị đề nghị kỷ luật vì liên quan đến Formosa
Nguyên Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự, bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng đề nghị kỷ luật, vì các vi phạm liên quan đến dự án Formosa.
Vi phạm cấp phép cho Formosa
Hai cựu quan chức đứng đầu Bộ Tài nguyên Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị với Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật vì liên quan đến việc cấp phép cho nhà máy thép Formosa, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường tại khu vực 4 tỉnh bắc miền Trung từ đầu tháng tư năm ngoái.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đưa ra trong thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 13 của ủy ban ngày diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng 4 tại Hà Nội.
Kỳ họp do ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương chủ trì.
Trong thông cáo, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ghi rõ ông Võ Kim Cự là người chịu trách nhiệm chính về vi phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh giai đoạn 2008-2016, và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh trong hai năm, 2008 – 2010.
Ông Cự được cho là đã đặt bút ký nhiều văn bản cấp giấy phép đầu tư nước ngoài sai với qui định, trong đó nổi bật là khu công nghiệp gang thép Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Sau khi xác nhận tính chất của những vi phạm trên là nghiêm trọng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức đối với ông Võ Kim Cự theo Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ chính trị về xử lý kỹ thuật đảng viên vi phạm.
“Được tất cả các cấp, bộ ngành đồng ý”
Trước đó, vào ngày 4/4 vừa qua, Đảng uỷ khối cơ quan trung ương cũng đã bỏ phiếu đề nghị kỷ luật cách chức ông Võ Kim Cự và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng có phiếu đồng thuận.
Ông Võ Kim Cự, là người đầu tiên trong số các quan chức Hà Tĩnh lên tiếng với truyền thông báo giới trong nước sau khi xảy ra tai hoạ ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây ra vào tháng 4 năm 2016,
Trong lần lên tiếng đó, ông Võ Kim Cự cho biết việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm để làm nhà máy gang thép ở Khu Công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh là “được tất cả các cấp, bộ ngành đồng ý”.
Ngoài Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên- Môi trường, danh tính của những nhân vật từng đảm nhiệm chức vụ trong nhiệm kỳ 2011-2016 ở Bộ Tài nguyên-Môi trường gồm Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang; các Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai, cùng các cục trưởng Lương Duy Hạnh, Mai Thanh Dung cũng nằm trong thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 14/4.
Cách chức quan chức trong vụ nước mắm nhiễm thạch tín
Quan chức chủ trì cuộc họp báo thông tin nước nắm truyền thống của Việt Nam nhiễm Asen bị cách chức.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, gọi tắt là Vinastas, hôm nay 14/4 ra quyết định cách chức Phó tổng thư ký Vương Ngọc Tuấn, người chủ trì cuộc họp báo hồi tháng 10 năm ngoái công bố nước mắm truyền thống của Việt Nam có chứa chất Asen gây hại cho sức khỏe.
Ông Vương Ngọc Tuấn là một trong những thành viên đoàn khảo sát của Vinastas có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng nước mắm, sau đó đồng chủ trì cuộc họp báo ngày 17/10/2016 loan báo là nhiều loại nước mắm truyền thống Việt Nam có lượng Asen, tức thạch tín vượt mức cho phép.
Tuy nhiên các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương, sau đó phủ nhận kết quả khảo sát của Vinastas, cho rằng Vinastas lập luận có vẻ mập mờ và không chính xác, không phân biệt rạch ròi giữa hai loại Asen hữu cơ và Asen vô cơ như thế nào.
Sau đó Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ chỉ thị cho Vinastas phải cải chính thông tin sai lệch này, đồng thời kiểm điểm các cá nhân liên quan trong đó có ông Đoàn Phương là Chủ tịch Vinastas.
Theo Bộ Công Thương thì việc xử lý của Vinastas chưa hội đủ qui định pháp luật.
Liên quan vụ việc Vinastas công bố nước mắm nhiễm Asen, có 50 cơ quan báo chí trong nước bị xử phạt hành chính vì thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
TT Trump đón nhận dấu hiệu kết thân của Việt Nam?
Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông sẵn sàng sang thăm Hoa Kỳ rồi sau đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiết lộ đã nhận được thư của Tổng thống Donald Trump, giới quan sát nhận định Hà Nội đang đánh đi tín hiệu rõ ràng muốn kết thân với chính quyền mới của Mỹ.
Mặc dù chính sách “xoay trục sang châu Á” của cựu tổng thống Barack Obama dường như không còn được đặt nặng dưới thời Tổng thống Trump, và Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn không bỏ cuộc, theo nhận định của nhiều nhà phân tích chính sách.
Phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) Murray Hiebert nói “các nhà lãnh đạo Việt Nam đã không phí phạm thời gian để tìm cách kết nối với tổng thống mới của Mỹ và quảng bá vai trò của Việt Nam” như một trong các đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.
“Có một số lý do tại sao Việt Nam làm điều đó. Một là anh hàng xóm khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc ở sát cạnh và đang tăng sức ép với Việt Nam trên biển Đông và nhiều nơi khác trong hơn 8 năm qua. Nhưng Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập mối quan hệ sâu rộng hơn với Mỹ dưới thời của Tổng thống Obama. Nhờ đó Việt Nam trở thành một thành viên của TPP để tìm cách giảm thiểu sự lệ thuộc nặng nề về kinh tế vào Trung Quốc và tìm kiếm những lựa chọn khác để thoát ra khỏi sự lệ thuộc này bằng cách tiếp cận với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Mexico và các nước thành viên khác của TPP,” theo ông Hiebert.
Ngay khi lên nhậm chức vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Trump lập tức rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng chỉ hơn 1 tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ‘đánh tiếng’ trên trang Facebook của chính phủ rằng ông đã sẵn sàng sang Mỹ để thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ và bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Phúc sau khi nhậm chức vào đầu tháng này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiết lộ với Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Ted Osius trong một cuộc gặp rằng Tổng thống đương nhiệm của Mỹ đã gửi thư cho ông để tăng cường hợp tác 2 chiều. Các nhà phân tích nói bức thư này có thể đã làm Hà Nội bớt lo lắng hơn về nguy cơ Washington có thể bớt chú trọng tới Việt Nam, mặc dù bức thư của ông Trump cũng chưa thể hiện được bước đột phá nào trong tức thời.
Tuy chưa có phản hồi chính thức nào từ phía Mỹ nhưng nhà nghiên cứu Hiebert của CSIS tin rằng một số nhân vật làm việc trong các cơ quan trọng yếu ở Washington đang nắm bắt các tín hiệu từ giới lãnh đạo Việt Nam tuy rằng chính quyền Mỹ còn đang trong giai đoạn hình thành, nhân sự chưa đầy đủ và cũng đang trong giai đoạn hình thành chính sách.
“…dù đã có nhiều thay đổi giữa chính quyền Obama và chính quyền Trump nhưng chắc chắn trong các hồ sơ từ kinh tế đến quốc phòng, Việt Nam vẫn cần Mỹ và Mỹ cũng cần Việt Nam.”
Jonathan London, giáo sư Đại học Leiden và nhà quan sát Việt Nam
Chính sách của tổng thống Trump khi còn là ứng cử viên tổng thống và cả lúc mới nhậm chức là “đặt nước Mỹ lên trên hết” có xu hướng rút nước Mỹ ra khỏi vai trò lãnh đạo thế giới. Nhưng một nhà quan sát Việt Nam, Giáo sư Jonathan London của trường Đại học Leiden, Hà Lan, cho biết những động thái của tổng thống Trump gần đây cho thấy “sự hiện diện của Mỹ trên trường quốc tế có khuynh hướng quay lại với vai trò truyền thống trước đây”.
Theo giáo sư London “dù đã có nhiều thay đổi giữa chính quyền Obama và chính quyền Trump nhưng chắc chắn trong các hồ sơ từ kinh tế đến quốc phòng, Việt Nam vẫn cần Mỹ và Mỹ cũng cần Việt Nam. Một tỷ lệ rất lớn của tổng xuất khẩu của Việt Nam vẫn sang Mỹ. Đó là vì Mỹ đóng một vị trí không thể thay thế được trong chiến lược kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với giới đầu tư của Mỹ và quan trọng hơn là có 1 vị trí duy nhất đối với những vấn đề thuộc an ninh ở khu vực Đông Nam Á.”
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ với kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 52 tỷ đô la vào năm ngoái. Lượng hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ Mỹ đạt hơn 10 tỷ đô la trong năm 2016, tăng hơn 43% so với năm trước đó, theo số liệu trong 1 bài phân tích của nhà nghiên cứu Hiebert.
Giáo sư London nói những gì mà chúng ta nhận thấy từ chính quyền của ông Trump ở Đông Nam Á thì “biên số lớn nhất đến nay chính là Việt Nam” nhưng nhà quan sát Việt Nam này cũng nói rằng vẫn chưa nhìn thấy “những trao đổi lớn nào” từ phía chính quyền Trump với Việt Nam cho tới lúc này.
Các nhà phân tích của Mỹ đều cho rằng Việt Nam đóng một vai trò chiến lược trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ dưới thời tổng thống Obama, và vẫn sẽ là một đối tác quan trọng trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Hiebert của CSIS nói “Việt Nam là một trong những đối tác đáng tin cậy trong khu vực đối với Mỹ” vì nhiều nước khác có bất ổn về chính trị. ”Tôi nghe nhiều quan chức của Mỹ nói vậy, rằng Việt Nam tương đối ổn định về chính trị và họ có một nhóm nhân sự khôn ngoan về mặt đối ngoại và chiến lược quốc tế. Tôi cho rằng Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia có lối tư duy có tính chiến lược nhất trong khu vực Đông Nam Á.”
Giáo sư London đồng ý với điều này và cho rằng đối với Hoa Kỳ, “Việt Nam có 1 vị trí chiến lược độc đáo và vẫn có một tầm quan trọng lâu dài trong khu vực”. Chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS nói Hoa Kỳ cần tiếp tục duy trì mối liên hệ với khu vực trong đó có Việt Nam.
Theo dự kiến vào đầu tháng 5 tới đây, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tiếp đón Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cùng với Ngoại Trưởng các nước ASEAN khác tại thủ đô Washington.
Khởi tố vụ biểu tình Lộc Hà là ‘thêm dầu vào lửa’
Công an tỉnh Hà Tĩnh hôm 12/4 quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật” liên quan đến một cuộc biểu tình ở một xã thuộc huyện Lộc Hà, do người dân bức xúc về vấn đề đền bù sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, thuộc Phong trào Lao động Việt, nói với VOA hôm 13/4 rằng quyết định khởi tố không khác nào là đổ thêm dầu vào lửa.
Nếu mà họ [công an] bắt người ở vùng Lộc Hà, thì sẽ dấy lên một làn sóng căm phẫn của người dân tại vì người dân họ rất bức xúc. Cái việc họ lên bao vây trụ sở không phải hành vi vi phạm luật mà là hành vi đi đòi quyền lợi rất chính đáng. Đấy là việc cần thiết của người dân lúc bấy giờ. Họ lên đối thoại chứ không đập phá. Nếu họ [công an] bắt người ở vùng Lộc Hà, đó là sai lầm nghiêm trọng, giống như hành động đổ thêm dầu vào lửa, không giải quyết được sự việc, càng làm sự việc căng thẳng thêm
Ông Hoàng Đức Bình, Phong trào Lao động Việt
Vụ việc xảy ra hồi đầu tháng, khi người dân ở xã Thạch Bằng và Thạch Kim cáo buộc công an hành hung các thanh niên địa phương và một số nhà hoạt động vào đêm 2/4, công an còn bị cáo buộc đã nổ súng. Ngày 3/4, hàng nghìn người dân của hai xã này đã kéo đến trụ sở chính quyền huyện Lộc Hà để phản đối vụ đánh đập, đồng thời tiếp tục đòi đền bù thỏa đáng sau vụ ô nhiễm bị quy trách cho công ty Formosa.
Khi người dân tràn vào trụ sở, các quan chức và nhân viên ở đó đã rời đi. Những người biểu tình ở lại trong trụ sở cho đến chiều. Họ chỉ giải tán khi đại diện chính quyền hứa sẽ đối thoại với dân về các vấn đề họ nêu ra, kể cả tìm người chịu trách nhiệm về vụ đánh đập và nổ súng đêm 2/4.
Trong khi đó, từ góc độ của chính quyền, công an ra quyết định khởi tố vì cho rằng cuộc biểu tình đã gây “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến tình hình “an ninh chính trị, trật tự xã hội” và có dấu hiệu “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Phản ứng về quyết định này, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, một trong những người bị đánh hôm 2/4 và cũng tham gia biểu tình hôm 3/4, nói với VOA:
“Đây là quyết định sai lầm của chính quyền tại vì lúc đầu họ đứng ra thương thuyết, hứa với dân là họ sẽ đền bù và lắng nghe ý kiến của dân, mà không ngờ là sau một thời gian rất là ngắn, họ đã quay lưng lại lật mặt lại với lời hứa và cam kết ban đầu. Nếu mà họ [công an] bắt người ở vùng Lộc Hà, thì sẽ dấy lên một làn sóng căm phẫn của người dân tại vì người dân họ rất bức xúc. Cái việc họ lên bao vây trụ sở không phải hành vi vi phạm luật mà là hành vi đi đòi quyền lợi rất chính đáng. Đấy là việc cần thiết của người dân lúc bấy giờ. Họ lên đối thoại chứ không đập phá. Nếu họ [công an] bắt người ở vùng Lộc Hà, đó là sai lầm nghiêm trọng, giống như hành động đổ thêm dầu vào lửa, không giải quyết được sự việc, càng làm sự việc căng thẳng thêm”.
Đây không phải lần đầu nhà chức trách Việt Nam khởi tố những người biểu tình chống chính quyền.
Sau khi tin tức về việc khởi tố vụ Lộc Hà xuất hiện trên báo chí nhà nước, trên mạng xã hội, các nhà hoạt động và nhiều người khác chỉ trích việc Việt Nam nhiều năm nay đã trì hoãn thảo luận và thông qua luật về biểu tình, vốn là một quyền công dân được khẳng định trong Hiến pháp. Họ nói do không có luật nên người dân luôn gặp bất lợi khi thực hiện các hoạt động phản kháng ôn hòa, trong khi chính quyền dễ dàng khép dân vào tội gây rối hoặc chống người thi hành công vụ.
Nhà hoạt động Hoàng Bình đưa ra ý kiến:
“Họ nợ người dân một luật biểu tình. Quyền hiến định quy định rất rõ ràng là người dân có quyền tự do biểu tình. Rõ ràng đấy là cái lỗi thuộc về họ, mà họ lại đưa ra một nghị định của chính phủ để xử lý người dân về quyền biểu tình là rất vô lý. Họ luôn luôn nói rằng người dân tụ tập gây mất trật tự công cộng, rõ ràng đấy là cái chuyện hết sức là vô lý. Trong khi quyền hiến định đã ghi rõ rồi. Thế mà họ cứ lập lờ lập lờ, không ra luật mà còn nợ dân một luật về biểu tình. Họ để trống luật biểu tình để mà chụp người dân vào việc tụ tập gây rối mất trật tự”.
Ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An lân cận, từ năm ngoái đến nay đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn của những ngư dân bị thiệt hại do vụ Formosa gây thảm họa ô nhiễm môi trường. Người dân không chỉ đòi đền bù thỏa đáng mà còn yêu cầu Formosa phải đóng cửa.
Những ngày gần đây, có dấu hiệu cho thấy chính quyền tỏ ra cứng rắn hơn trong việc đáp trả những cuộc biểu tình của dân. Trước khi Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ Lộc Hà, hôm 10/4, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới “kiên quyết” không để xảy ra các vụ “tụ tập đông người, chặn quốc lộ” như đã xảy ra ở miền trung.
Trước đó, hôm 9/4, công an thị xã Kỳ Anh, cũng ở Hà Tĩnh, đã khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” đối với vụ dân biểu tình chặn quốc lộ hôm 3/4.
Luật mới hạn chế quyền chống tham nhũng của dân
Cát Linh, phóng viên RFA
Trong hàng loạt những phản ứng của người dân về dự luật cấm sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, một vấn đề được đặt ra liên quan đến quyền của người dân tham gia chống và tố cáo tham nhũng.
Làm sao có bằng chứng?
Nếu tìm hiểu rõ, quy định tại khoản 3, Điều 4 của dự luật “Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” do Bộ Công an soạn thảo và lấy ý kiến, có nhấn mạnh chỉ cơ quan chuyên trách được sử dụng những thiết bị, phần mềm có tính chất “nguỵ trang”. Những cơ quan đó chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Về phương diện nghiệp vụ chuyên môn, những thiết bị đó được hiểu như mắt kính, khuy áo, bút viết…được cài đặt tính năng quay phim, ghi âm hoặc chụp ảnh. Đương nhiên, tính năng đó hoàn toàn bí mật không thể phát hiện được bằng mắt thường vì nó được che giấu trong một vật thể khác.
Đưa ra lập luận trên cương vị một luật sư, luật sư Trần Vũ Hải đặt sự việc vào tình huống nếu không có những chứng cứ quan trọng thì những vụ án tham nhũng được xử lý như thế nào?
Mọi lời hô hào của nhà nước, như ông Tổng bí thư có nói là toàn dân phải tham gia việc này, giờ cấm người ta thì lấy đâu ra bằng chứng để đưa ra?
- Luật sư Trần Vũ Hải
“Giả sử họ cấm đoán như thế thì họ gây tác động tai hại cho hoạt động của nhà báo, luật sư cũng như hoạt động của công dân trong hoạt động chống tham nhũng.
Chúng ta đều biết là tất cả người dân muốn có bằng chứng về chống tham nhũng thì đương nhiên họ sử dụng những thiết bị đó. Thế thì nếu không chấp nhận những thiết bị đó, người dân lấy đâu ra bằng chứng chống tham nhũng, chống tiêu cực? Mọi lời hô hào của nhà nước, như ông Tổng bí thư có nói là toàn dân phải tham gia việc này, giờ cấm người ta thì lấy đâu ra bằng chứng để đưa ra? Đó là những bằng chứng rất quan trọng.”
Cuối năm 2016, tại Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 28-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Phải hành động quyết liệt hơn nữa.
Ông Tổng bí thư có nêu rõ trong phiên họp là “phải căn cứ vào bản chất sự việc để kết luận.”
Nếu thế, khi chiếu theo định luật Bản chất và hiện tượng của chủ nghĩa Mác-Lenin, một tư duy mà ông Tổng bí thư từng tuyên bố “Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm theo đuổi”, sẽ thấy bản chất của sự vật phải xuất phát từ những sự vật, hiện tượng, quá trình thực tế.
Và theo định nghĩa ở phạm trù pháp lý, thì “bản chất sự việc” chính là những bằng chứng pháp lý quan trọng mà luật sư Trần Vũ Hải đã đề cập.
Một ví dụ cụ thể được luật sư Hải dẫn giải, liên quan đến nghiệp vụ báo chí:
“Các nhà báo họ đi tác nghiệp, họ vào các khu vực rất phức tạp, có buôn lậu, an toàn thực phẩm… nếu họ vác cái camera thì chắc chắn không ai chấp nhận cho ghi là do không có bằng chứng.”
Về phía cơ quan công quyền, Luật sư Hải cho biết các luật sư có quyền thu thập chứng cứ. Đó là những sự vật, sự việc họ thu thập được từ thân chủ hoặc hướng dẫn cho người nhà của thân chủ thực việc việc đó.
Do đó, theo dự thảo luật mới, hoạt động nghề nghiệp của luật sư sẽ bị ảnh hưởng, cũng như quyền bảo vệ mình và bảo vệ sự thật, bảo vệ bằng chứng của người dân cũng bị tước đoạt.
Hiện nay, qua mạng xã hội, tất cả những sự việc tiêu cực ngoài xã hội được truyền bá với tốc độ tính bằng giây. Cũng chính nhờ những phương tiện có tính năng quay hình, ghi âm, hàng loạt những câu chuyện “cười ra nước mắt” do người dân quay lại đã bộc trần được rất nhiều hiện trạng xã hội.
Tiến sĩ kinh tế, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nhìn thấy ngay một lực lượng thể hiện rõ nhất hiện trạng tham nhũng đó:
“Những lực lượng sờ sờ ngoài đường, những lực lượng làm ảnh hưởng nhất đến hình ảnh bộ công an, là cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, đặc biệt là cảnh sát giao thông, với tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, ăn hối lộ, mãi lộ, của cảnh sát giao thông đã làm ô uế cả ngành công an. Có lẽ là chính cảnh sát giao thông đã đưa ra cái đề nghị cấm người dân quay phim chụp hình.”
Vấn đề cũng được Luật sư Trần Vũ Hải nhìn nhận với cùng quan điểm.
“Hiện nay chúng ta thấy thường xuyên nhất là người dân quay cảnh cảnh sát giao thông hối lộ, hoặc nhữngđoạn các ông quan chức gạ gẫm vấn đề tiền nong.”
Một bài viết trên báo Lao động trong nước có đặt ra vấn đề nếu “doanh nghiệp gặp những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, đòi hối lộ, nếu không ghi lại chứng cứ thì đấu tranh với ai?”
Cần phải rõ ràng hơn
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết ông có tham dự cuộc họp báo sáng thứ Năm, 13 tháng 4, Bộ Công an có đề cập đến nhiều vụ án trong đó có sử dụng những thiết bị ấy. Điều đầu tiên được luật sư Trần Vũ Hải ghi nhận ở dự thảo này là nên qui định rõ những thiết bị nào. Trong cuộc họp báo, ngoài câu hỏi đề nghị những thiết bị đó phải được liệt kê ra một cách rõ ràng, vấn đề ông đặt ra là cũng cần phải rõ ràng về quyền của người mua và người bán, vì đây là Nghị định về kinh doanh:
Nếu cho rằng những thiết bị đó không được phép mua bán trên thị trường Việt Nam thì phải có qui định của Quốc hội rằng đây là hàng cấm.
- Luật sư Trần Vũ Hải
“Nếu cho rằng những thiết bị đó không được phép mua bán trên thị trường Việt Nam thì phải có qui định của Quốc hội rằng đây là hàng cấm. Còn nếu không thì phải được kinh doanh mua bán. Khi mà đã kinh doanh mua bán thì có thể anh cho là trường hợp đặc biệt thì anh cấp giấy phép. Thế nhưng người mua thì người mua phải được công bằng, ai cũng có thể mua được.
Hiện nay họ cho rằng chỉ có người trong lực lượng của họ mới được mua, các công dân khác không có quyền mua. Thì chúng tôi đặt vấn đề là căn cứ theo luật nào cấm các công dân được mua những thiết bị hoặc trang bị đó?”
Nói một cách khác, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng cần làm rõ hơn quyền mua bán và sử dụng của các cá nhân trong dự luật này.
Nếu không như thế, khi dự luật này được thông qua, tất cả những bằng chứng mà luật sư có được từ phía người dân hay bất kỳ cá nhân nào không thuộc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ bị xem là vô giá trị.
Khi đó, theo Luật sư Trần Vũ Hải, phía công tố và luật sư của đối phương sẽ dựa vào đó để bác bỏ chứng cứ hoặc yêu cầu chứng minh bằng chứng được thu thập một cách hợp pháp.
Chưa biết được dự luật này có được thông qua hay không, nhưng có hai vấn đề được các nhà quan sát lưu tâm đến. Thứ nhất, đầu năm 2016, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố xếp hạng mức độ tham nhũng 2015 ở 168 nước và vùng lãnh thổ. trong đó Việt Nam đứng thứ 112 trong danh sách này, tăng 7 bậc so với năm 2014.
Và vấn đề thứ hai, nếu không cho báo chí, luật sư, người dân sử dụng các thiết bị ghi lại chứng cứ tham nhũng, hối lộ theo cách họ vừa có thể bảo vệ họ vừa có được bằng chứng, thì làm sao họ có thể tham gia chống tham nhũng hối lộ kiên quyết như mong muốn của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Thách thức trước Hội nghị Trung ương 5
Việt Hà, phóng viên RFA
Theo dự kiến, hội nghị trung ương 5 khóa 12 đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Cho đến lúc này báo chí trong nước hầu như vẫn chưa nói gì nhiều về những nội dung chính sẽ được bàn thảo trong hội nghị tới, tuy nhiên những nhà quan sát chính trị ở Việt Nam cho rằng hội nghị lần này sẽ phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức bắt buộc các lãnh đạo đảng phải bàn thảo.
Những khó khăn của nền kinh tế, cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách thể chế được cho là những vấn đề chính có nhiều khả năng sẽ được thảo luận trong hội nghị trung ương 5 lần này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nhà phân tích chính sách thuộc Bộ Kế Hoạch Đầu từ của Việt Nam nói với đài Á châu Tự do:
Có ba vấn đề lớn, nợ xấu, nợ công và ngân sách quốc gia. Thứ 4 là liên quan đến các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước.
- Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
Thứ nhất là công tác cán bộ, học tập nghị quyết trung ương 4 đợt vừa rồi chắc chắn cũng được nêu lên xem là việc kiểm điểm, rồi khó khăn, kết quả đến đâu. Cái thứ hai thì trong cải cách thể chế bây giờ thì phải đặt ra một cách quyết liệt hơn. Nếu không quyết liệt hơn thì sẽ làm cho quá trình đổi mới đang gặp nhiều khó khăn trở ngại, trong đó có khắc phục những hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng cũ, rồi hướng đi mới cho phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Do đó cải cách thể chế phải được đặt ra. Đảng và chính phủ cũng đặt ra bước làm thí điểm ở một số tỉnh thành là nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo của đảng và chính quyền ở một cấp nào đó. Ví dụ như cấp phường xã, cấp huyện thị. Người ta đã làm ở một số tỉnh thí điểm như Quảng Ninh. Các đoàn đi khảo sát về thì bây giờ cũng đang tích cực để có báo cáo cuối cùng để xem là kết quả ra sao, để xem có thể mở rộng.
Khó khăn về kinh tế và đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Nội dung tái cơ cấu kinh tế và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước được các nhà quan sát chính trị tại Việt Nam đánh giá là nội dung đầu tiên quan trọng phải được đề cập trong hội nghị lần này. Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, đây là nội dung rất lớn bao gồm nhiều khó khăn mà ngay cả các chuyên gia kinh tế của nhà nước cũng có thể thấy bế tắc
Có ba vấn đề lớn, nợ xấu, nợ công và ngân sách quốc gia. Thứ 4 là liên quan đến các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước nợ đầm đìa. Tình trạng lỗ là phổ biến. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước cho tới nay là khoảng 237 tỷ đô la, là một con số rất lớn.
Tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội vào hồi đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải lên tiếng thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần. Ông cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng nợ công tăng nhanh không chấm dứt. Nợ công của Việt Nam hiện được ước tính tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 5 năm qua và hiện chiếm khoảng 64.73% GDP vào cuối năm ngoái, theo số liệu của Bộ Tài Chính. Ngưỡng cho phép là 65% GDP. Ngân Hàng Thế giới đánh giá nợ công của Việt Nam tăng nhanh là do tham hụt tài khóa. Ngoài ra các chuyên gia kinh tế trong nước cũng nói đến việc sử dụng kém hiệu quả trong chi tiêu đầu tư công.
Việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lâu dài của chính phủ thể hiện qua tiến trình cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tiến trình này vẫn còn diễn ra quá chậm.
Tiến trình rất chậm. Nó chậm bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là nhiều doanh nghiệp nhà nước muốn giữ thế độc quyền của họ và không muốn cổ phần hóa vì sẽ làm mất thế độc quyền và lợi ích của họ. thứ hai họ chỉ cổ phần hóa khi có lợi cho một số nhóm cá nhân nào đó, lãnh đạo doanh nghiệp.
Ví dụ như những tập đoàn lớn độc quyền của nhà nước như tập đoàn điện lực Việt nam, dầu khí, than khoáng sản mặc dù dư luận đã kêu gào rất nhiều là phải cổ phần hóa và bỏ độc quyền và quốc tế cũng yêu cầu như vậy nhưng cho đến giờ vẫn không nhúc nhích. Việc cổ phần hóa gần như thuần túy phụ thuộc vào mức độ và lợi ích của nhóm lãnh đạo. Họ chỉ buông những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước khi nó không làm ra lợi ích cho họ nữa hoặc nó quá bi đát.
Mới đây, báo Thanh Niên đưa tin trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận báo cáo và sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến về 12 dự án ngàn tỷ bị thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những dự án thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả với những khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước được ước tính lên đến hàng trăm tỷ đô la đang khiến cho việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thêm khó khăn đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng vì khó kiếm được các doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại các doanh nghiệp nhà nước đang gánh trên mình những khoản nợ xấu khổng lồ.
Chống tham nhũng chưa có kết quả
Vấn đề chống tham nhũng cũng được cho là một nội dung có thể phải được đề cập đến trong hội nghị trung ương 5. Tuy nhiên dường như những kết quả của chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ tháng 6 năm ngoái đến giờ chưa đạt được kết quả gì. Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định:
Những vụ xử lý tham nhũng thì Tổng Bí thư đã phát động rồi và vẫn đang làm nhưng chính ông ấy cũng nói việc này là ta đánh ta nên rất khó khăn, rất nhạy cảm.
- Tiến sĩ Phạm Quý Thọ
Những vụ xử lý tham nhũng thì Tổng Bí thư đã phát động rồi và vẫn đang làm nhưng chính ông ấy cũng nói việc này là ta đánh ta nên rất khó khăn, rất nhạy cảm. Những vụ phát động thì đều chưa có kết quả cuối cùng. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh thì chưa có kết quả cuối. Những cái mà Tổng Bí thư nói như vụ bà Hồ Thị Kim Thoa thì cũng chưa có kết quả có thể chưa phải là đánh giá cuối cùng để người ta đưa ra những giàn xếp. Tất nhiên người ta cũng đồn đoán sự chuẩn bị cho nhân sự giữa kỳ hay cho đại hội tới thì cũng là một bước để người ta bàn đến nhưng chưa phải là đánh giá về kết quả chống tham nhũng ở hội nghị này được mà chỉ là những kiểm điểm hoặc có thể đánh giá sơ bộ thì có thể đặt ra, vì nghị quyết trung ương 4 có vẻ quyết liệt, nhưng có lẽ không có đánh giá thì nó cũng không đi đến đâu cả.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Bí thư tỉnh Hậu Giang, người đã từng có thời nắm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí hiện đang lẩn trốn ở nước ngoài với cáo buộc tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Thanh nhưng vẫn chưa có kết quả. Hồi đầu năm nay, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu phải làm rõ tài sản của thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, người mà theo thông tin của báo chí trong nước có nhiều tài sản đáng ngờ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi phát động đến nay đã không có thành công. Vì vậy, theo ông hội nghị trung ương 5 lần tới sẽ là một trong những cơ hội ít ỏi để ông Tổng Bí Thư có thể tạo một dấu ấn không quá mờ nhạt trước khi rời chính trường. Theo dự kiến, ông Trọng sẽ chỉ giữ chức Tổng Bí thư cho đến hết giữa nhiệm kỳ này tức là tới khoảng cuối năm 2018.
Người Việt ở Mỹ không có giấy tờ có thể bị trục xuất?
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Kể từ lúc tổng thống Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng với chính sách di dân và di trú nghiêm khắc hơn trước, không chỉ tập thể người Mỹ La Tinh mà cả người Châu Á trong đó có Việt Nam, cũng thấp thỏm lo âu với lệnh trục xuất về nguyên quán.
Họ là những người về mặt pháp lý không được coi là dân Mỹ gốc Việt, không được phép nhập quốc tịch vì đã phạm pháp và đã ở tù trong thời gian đầu đến Mỹ. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cư dân California, là một trong những người như vậy:
Em đã từng qua 18 năm tù rồi được thả ra năm 2011. Khi về lại quận Cam, mục tiêu của em là thành lập APIROC nhằm giúp đỡ cho những người ra tù có được một chương trình giúp đỡ để làm lại cuộc đời.
Theo thống kê từ 1998 cho đến 2010, tổng cộng gần 120.000 người Việt Nam nằm trong hoàn cảnh chờ bị trục xuất.
- Anh Nguyễn Tùng
Được biết trong vài tháng qua, nhiều người đã ra tù và trở lại cuộc sống bình thường như Nguyễn Thanh Tùng bị UCE tức Cơ Quan Di Trú Và Hải Quan Mỹ gọi lên trình diện, một số đã bị giữ lại. Chỉ nội hai tuần đầu tháng Ba vừa qua, gần 100 người Việt bị bắt rồi được chuyển về về trại giam Quận York ở Pensylvania hay trại Krome ở tiểu bang Florida.
Đây là số liệu được anh Nguyễn Thanh Tùng, người sáng lập APIROC Asian Pacific Island Re-Entry Orange County, tổ chức đấu tranh cho sự tái hòa nhập của Người Châu Á Thái Bình Dương từng bị cầm tù ở Quận Cam, đưa lên thông cáo báo chí mà APIROC soạn thảo chung với các tổ chức yểm trợ khác như Vietlead ở Philadelphia, Searac ở Wahington DC:
Thời gian gần đây qua tìm hiểu tụi em biết chính phủ mới của tổng thống Trump có liên lạc với chính phủ bên Việt Nam, yêu cầu Việt Nam nhận người bị trục xuất về. Sau đó xảy ra vấn đề là bên văn phòng Sở Di Trú bắt đầu tìm người Việt Nam nhốt đi để chuẩn bị trục xuất. Khi trục xuất họ phải theo cái gọi là Repatriation Agreement hay MOU Memoramdum of Understanding là chỉ những người đến Mỹ sau 1995 thì Sở Di Trú mới có quyền trục xuất.
Đa số những người mà chính quyền Trump coi như mục tiêu trục xuất la những người có tiền án trước khi trở thành công dân Mỹ. Khi đa số phạm án rồi thì theo luật Mỹ coi như mình mất quyền công dân của mình, mình bị đưa qua một chương trình coi như sẽ bị trục xuất về nước.
Khổ nỗi trong thời gian mà văn phòng Sở Di Trú đi lùng bắt mấy người Việt Nam thì không biết vô tình hay cố ý họ bắt luôn nhiều người đến trước 95. Hoàn cảnh đó rất là không công bằng vì những người đến trước 95 thuộc về chương trình tị nạn, không nằm trong trường hợp của hợp đồng Repatriatuon Agreement hay MOU giữa Việt Nam và nước Mỹ về vấn đề trục xuất.
Ai sẽ trong diện bị trục xuất?
Thông cáo báo chí của APIROC dẫn lời luật sư Jessica Shullruff Scheneider chuyên về di trú, cũng là giám thị chương trình Detention Watch của American For Immigrant Justice Công Lý Cho Di Dân tại Miami Florida, rằng sau khi tiếp xúc với những người Việt mới được chuyển về nhà giam Krome ở Florida thì bà nhận thấy hầu hết đều lớn lên và ăn học ở Mỹ, từng bị tù vì những lỗi lầm phạm phải trong quá khứ. Khi luật di trú được thi hành một cách khắc nghiệt như vậy, luật sư Schneider nhận định, nhiều phần sẽ dẫn đến những kết cuộc bất công.
Người Việt dính đến hệ thống xử lý hình sự của Hoa Kỳ tương đối cao so với các cộng đồng thiểu số Đông Nam Á khác. Anh Nguyễn Tùng:
Theo thống kê từ 1998 cho đến 2010, tổng cộng gần 120.000 người Việt Nam nằm trong hoàn cảnh chờ bị trục xuất. Đó là chưa tính từ năm 98 trở về 95 hay là từ năm 98 đi tới 2017 như ngày hôm nay.
Bản thân em lỡ phạm tội từ năm 17 tuổi, năm 1993, việc em làm đã quá xa cả mấy thập niên luôn. Bây giờ ra tù em sống một cuộc sống đàng hoàng, có vợ có con và không làm lỗi nữa. Rồi tự nhiên hôm nay chính quyền lùng bắt em vì những việc em đã làm quá xa. Em là một trong những người có thể bị bắt, em thấy mình cần phải có tiếng nói để mà chia sẻ vận động với cộng đồng.
Rất nhiều người Việt Nam đang sống trên đất Mỹ cứ nghĩ là nếu Việt Nam không nhận thì Mỹ đâu có trả về được đâu. Hồi xưa tới giờ ở Cali mình chỉ thấy người Mễ Tây Cơ bị bắt bị trả về mà mình ít thấy người Á Đông. Hiện tại chính quyền này đang lùng bắt người Việt Nam mà như hồi nãy em chia sẻ đó là họ lùng bắt những người trước 95 luôn.
Chị Nancy Nguyễn, giám đốc tổ chức phi chính phủ Vietlead ở Pensylvania, Philadelphia, đang góp sức cùng APIROC của Nguyễn Thanh Tùng liên quan đến vấn đề người Việt có tiền án đã hay chưa bị bắt nhưng đều là đối tượng có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ, cho biết vì trước đây chị từng giúp đỡ về vấn đề trục xuất của cộng đồng người Kampuchia nên có đôi chút kinh nghiệm rồi:
Đầu tháng Ba thì có mấy người kêu vô văn phòng của Nancy, nói là ICE Immigration and Customs Enforcement Sở Di Trú yêu cầu mấy người đã ra tù mà mỗi năm phải check in với ICE, tự nhiên năm nay ICE kêu người ta vô sớm hơn 6 tháng. Văn phòng mình ngờ là ICE sẽ bắt mấy người đó.
Và đúng như điều chị Nancy của VietLead đã nghĩ, đó là trường hợp của người tên Lý Vinh, sinh ra trong trại tị nạn năm 1982, đến Mỹ cùng gia đình năm 1989. Năm 2002, Lý Vinh bị bắt vì dính líu đến ma túy, bị thu hồi thẻ xanh và không bao giờ được nhập tịch với hồ sơ tội phạm của mình. Khi được ra tù sau này anh phải đều đặn đi trình diện với Sở Di Trú hàng năm. Sáng thứ Tư ngày 10 tháng Ba khi đến trình diện sớm tại ICE, Lý Vinh bị bắt trở lại.
Rất may là nhờ sự can thiệp kịp thời và mau mắn của luật sư cũng như các tổ chức trong mạng lưới hỗ trợ những cựu tù có nguy cơ bị trục xuất theo lệnh của hành pháp Trump, anh Lý Vinh được trả tự do ngay khi được chuyển đến nhà giam Quận York ở Philadelphia, nơi nhốt những người nằm trong diện bị trục xuất. Chị Nancy:
Bây giờ ICE làm rất lẹ, bắt vô trung tâm giam giữ này hai ba ngày là người ta chuyển qua trung tâm giam giữ khác ở tiểu bang khác. Thực sự trường hợp của anh này là tới trước năm 1995 nên không theo cái MOU, vì vậy văn phòng của VietLead với mấy tổ chức trong Philadelphia bắt đầu vận động cho anh đó. Rồi thì trong 2 ngày, tại mình vận động mạnh quá thì anh ta được ICE cho ra, nói đó là sự nhầm lẫn.
Chính vì thế thông cáo báo chí, đang được trình bày ở đây, chị Nancy Nguyễn lý giải, là điều vô cùng cần thiết để các gia đình có người thân bị trục xuất biết cách làm việc với Sở Di Trú cũng như tìm nơi giúp đỡ hữu hiệu:
Thực sự ở Philadelphia có rất nhiều tổ chức đang chuẩn bị vận động nhưng vì cộng đồng người Việt tại nhiều tiểu bang khác, nhiều thành phố khác chưa biết nhiều về vấn đề này. Đó là tại sao lần này VietLead với APIROC đưa ra thông tin cho cộng đồng biết là chuyện này đang xảy ra và người ta cần được bảo vệ như thế nào.
Đừng im lặng
Thông cáo báo chí vừa công bố , anh Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, cho thấy một mạng lưới hỗ trợ toàn quốc là cần thiết nhằm khuyến khích những người bị ảnh hưởng tìm kiếm sự giúp đỡ thay vì giữ im lặng, cho người Việt đối diện nguy cơ bị bắt và bị trục xuất, bao gồm những tổ chức có khả năng hành động, có kiến thức pháp lý đề vận động bảo vệ người đúng luật pháp.
Trong trường hợp cần giúp đỡ xin vui lòng liên lạc số điện thoại 856 320 6668.
- Cô Quyên Đinh, SEARAC
- Cô Quyên Đinh, SEARAC
Được hỏi về việc làm của APIROC hay VietLead, bà Katrina Dizon Mariategue, người chuyên trách chính sách di dân trong SEARAC Trung Tâm Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á, tổ chức hướng tới giúp đỡ những cộng đòng Đông Nam Á như Lào, Cambodia và Việt Nam, trả lời một cách trực tiếp vì sao SEARAC tham gia mạng lưới hỗ trợ mà VietLead và APIROC đang vận động:
Vietlead là tổ chức có qui cũ mà chúng tôi đang cộng tác, Tùng Nguyễn của APIROC cũng là người từng tham dự một khóa huấn luyện của SEARAC hồi năm ngoái. Chúng tôi làm việc rất thân cận với nhau.
Qua VietLead và APIROC mà chúng tôi biết rõ về những cá nhân người Việt gần đây phải đối diện với nguy cơ bị truc xuất về Việt Nam trong lúc bên Việt Nam chừng như không muốn nhận họ. Những gì mà Trung Tâm Hành Động Vì Nguồn Lực Đông Nam Á Searac có thể làm được cùng APIROC cũng như VietLead là trợ giúp về mặt chuyên môn, liên lạc cũng như góp ý kiến với luật sư biện hộ cho người có vấn đề di trú, đồng thời quảng bá mọi nguồn thông tin cần thiết cho truyền thông giòng chính cũng như lôi kéo sự chú ý của chính giời Mỹ về vần đề này.
Đối với cô Quyên Đinh, giám đốc điều hành SEARAC, điều cô muốn bày tỏ chỉ đơn giản là nhắc lại lời cô đã nói và được ghi trong thông cáo báo chí, rằng:
Những gia đình Việt Nam ở trong những trường hợp khó khăn như vậy phải biết mình sẽ được giúp đỡ bởi SEARAC, bởi APIROC, bởi VietLead và nhiều những cơ quan khắp nước Mỹ. Hãy biết là mình sẽ không bị cô đơn và không im lặng.
Trong trường hợp cần giúp đỡ xin vui lòng liên lạc số điện thoại 856 320 6668.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
Formosa: Giải pháp nào cho xung đột dân và chính quyền?
Các diễn biến hậu thảm họa môi trường biển nghiêm trọng do Công ty TNHH Gang Thép Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan gây ra cho các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam sau hơn một năm đang đi vào một pha mới với nhiều diễn biến ngày càng phức tạp, gay cấn, khi người dân và chính quyền đang trực tiếp ‘đối đầu’ và chính quyền đối phó bằng các biện pháp pháp lý.
Đâu là giải pháp cho vấn đề mà có thể ‘hệ quả’ chưa thể lường tính hết, như các khách mời tham gia chương trình Bàn tròn thượng tuần tháng Tư của BBC Việt ngữ chia sẻ.
Không có một giải pháp nào hết cho đến khi nào đảng và nhà nước có thể đưa ra một ủy ban hoàn toàn độc lập, có quốc tế giám sát để giải quyết vụ việc một cách nghiêm túc, một cách minh bạch dựa trên những tiêu chuẩn của quốc tế đưa ra về vấn đề môi trường, vấn đề môi sinh, cũng giống như dựa trên những nguyên tắc căn bản về đời sống của người dân, những sự thiệt hại của họKỹ sư Hoàng Ngọc Diêu
Trả lời câu hỏi cho vấn đề ‘hóc búa’ này tại Bàn tròn Thứ Năm hôm 14/3/2017, nhà quan sát xã hội dân sự, Kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu, từ Sidney, Úc, nói:
“Thực tình vấn đề Formosa tôi đã nghĩ từ rất lâu rồi, nhưng tôi không thấy có một giải pháp nào hết.”
“Đối với tình trạng luật pháp ở Việt Nam cũng như những chuyện chồng chéo bên trong như vậy, những chuyện không được minh bạch ngay từ đầu đến bây giờ, thì tôi nghĩ giải pháp là không có.
“Nó không có một giải pháp nào hết cho đến khi nào Đảng và nhà nước có thể đưa ra một ủy ban hoàn toàn độc lập, có quốc tế giám sát để giải quyết vụ việc một cách nghiêm túc, một cách minh bạch dựa trên những tiêu chuẩn của quốc tế đưa ra về vấn đề môi trường, vấn đề môi sinh, cũng giống như dựa trên những nguyên tắc căn bản về đời sống của người dân, những sự thiệt hại của họ.
“Chứ nếu cứ lấp lửng như vậy, báo chí của Đảng nói không nên đẩy chuyện này thành chuyện chính trị, nhưng rốt cuộc cũng đẩy nó thành chuyện chính trị, nói không nên mang tôn giáo vào trong chuyện này, nhưng rồi rốt cuộc cũng đẩy chuyện tôn giáo vô trong chuyện này.
“Thậm chí còn đánh lạc đề bằng cách bắt em (Nguyễn Văn) Hóa nào đó, nói là em Hóa làm việc cho Việt Tân để xúi giục, cái đó tiếp tục đẩy vấn đề vào chuyện chính trị và giống như là cố tình đánh lạc đề câu chuyện ấy.
‘Chính quyền cần tạo điều kiện cho dân kiện Formosa’
“Chuyện đó, một trăm hay một ngàn em Hóa, … có bị Việt Tân kích động hay không bị Việt Tân kích động nữa, thì sự thật vẫn đang xảy ra như vậy, cho nên tôi không thấy có một giải pháp nào khác, ngoài những điều tôi vừa nêu là phải có những ủy ban được làm việc một cách rất minh bạch,” ông Hoàng Ngọc Diêu từ Úc nói với BBC.
‘Cần bản lĩnh và quyết tâm chính trị’
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập, blogger Phạm Đoan Trang nêu quan điểm:
“Tôi xin nói ngắn gọn là chính quyền hãy chấm dứt ngay chính sách đàn áp, chính sách ‘bàn tay sắt’ đối với nhân dân hiện nay, hãy để cho xã hội dân sự vào cuộc, hãy để cho người dân được quyền lên tiếng.
“Và hãy đảm bảo minh bạch trách nhiệm giải trình trong quá trình bồi thường cho người dân, chấm dứt sự can thiệp của công an vào quan hệ dân sự,” nhà hoạt động xã hội dân sự với Tọa Đàm.
Từ Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói với BBC:
“Tôi cho rằng trước những sự việc này, lãnh đạo Đảng, nhà nước, chính phủ và chính quyền các cấp cần phải đối thoại trực tiếp với người dân để tìm ra một hướng giải quyết tiếp theo, còn chưa thể có một giải pháp cuối cùng được,” chuyên gia về chính sách công nêu quan điểm.
Lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ và chính quyền các cấp cần phải đối thoại trực tiếp với người dân để tìm ra một hướng giải quyết tiếp theo, còn chưa thể có một giải pháp cuối cùng đượcPGS. TS. Phạm Quý Thọ
Từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện trưởng, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nêu mong muốn:
“Theo tôi, trước sự việc như thế này, tôi mong muốn Đảng và nhà nước hãy có bản lĩnh chính trị, quyết tâm chính trị để giải quyết câu chuyện Formosa, cụ thể hơn nữa là để cho người dân thực hiện quyền khởi kiện Formosa tại tòa án ở Việt Nam, cũng như xã hội dân sự, các tổ chức, người dân có thể kiện kiện Formosa ra trước tòa án tại Đài Loan.
“Để đòi bồi thường, tôi đồng ý là ở đây không phải là vấn đề bồi thường bao nhiêu tiền cho bà con, ở đây vấn đề nó lớn hơn, đó là khởi kiện và buộc Formosa phải phục hồi lại môi trường sinh thái biển.
“Việc này, chính phủ hãy để cho người dân tự lo và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền khởi kiện của mình trước tòa án của Việt Nam, cũng như khởi kiện Formosa tại tòa án ở Đài Loan.
“Thứ hai, chính quyền cũng cần có minh bạch trong chính sách kiểm soát môi trường đối với Formosa, đặc biệt trong thời gian sắp tới, bởi vừa rồi chính quyền có nêu rằng đủ điều kiện, chuẩn về môi trường, có thể cho hoạt động, nhưng mấy hôm vừa rồi chúng ta lại thấy sát bờ biển Formosa, các vệt nước loang đỏ rất lớn, tiếp tục xả thải ra biển.
“Vậy nếu chính quyền vẫn theo hướng chưa kiểm soát được Formosa, tôi tin rằng Formosa tiếp tục gây tai họa cho vùng biển miền Trung, và nó sẽ còn kéo dài xuống tận Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận, chứ không phải nó dừng lại ở bốn tỉnh miền Trung đâu,” PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC.
Vụ Formosa: ‘Căng thẳng chưa có hồi kết’
Diễn biến người dân biểu tình ở Lộc Hà, Hà Tĩnh hôm 3/4/2017 với hàng nghìn người tham gia phản đối công an và chính quyền ‘đàn áp’ khi họ đi đòi công lý trong vụ Formosa và không lâu sau đó, họ bị chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ‘khởi tố vụ án’ cho thấy quan hệ giữa người dân và chính quyền đang hết sức ‘nóng’ và căng thẳng giữa hai bên ‘chưa có hồi kết’.
Trao đổi ý kiến tại Bàn tròn Thứ Năm tuần này hôm 13/4, từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói với BBC:
Tôi thấy rằng hiện tượng ngày 3/4 đúng là một hiện tượng rất nóng bỏng ở trong quan hệ giữa người dân với chính quyền và tôi không nghĩ rằng đây sẽ là điểm kết thúc của tình trạng căng thẳngPGS. TS. Hoàng Ngọc Giao
“Tôi thấy rằng hiện tượng ngày 3/4 đúng là một hiện tượng rất nóng bỏng ở trong quan hệ giữa người dân với chính quyền và tôi không nghĩ rằng đây sẽ là điểm kết thúc của tình trạng căng thẳng như thế này, trong quan hệ giữa người dân, nhất là người dân miền Trung với chính quyền.
“Kể từ một năm trước đây, câu chuyện thảm họa vùng biển miền Trung đã làm cho người dân miền Trung hết cơ hội sinh kế. Biển không còn cá để đánh bắt, các doanh nghiệp ven biển cũng không còn cơ hội để kinh doanh, sản xuất.
“Chính vì thế chuyện nhà nước ta (Việt Nam) giải quyết như thế nào câu chuyện Formosa, theo tôi, đến bây giờ vẫn là câu chuyện để ngỏ.
“Và nhà nước cần nhìn nhận vấn đề này như một vấn đề thực sự nghiêm trọng, chứ không chỉ thuần túy là một vụ việc cứ lờ đi thì nó sẽ qua…
“Bởi vì nó gắn với đời sống của hàng trăm ngàn bà con ở bốn tỉnh miền Trung, đấy là tôi chưa nói nhà máy Formosa nếu đi vào hoạt động một cách chính thức, với đầy đủ công suất, thì chắc chắn việc xả thải ra môi trường biển còn tiếp diễn nữa.
“Và như vậy nó sẽ loang rộng ra các tỉnh khác ở phía Nam, điều đó là một điều tất nhiên và chắc chắn, nhiều nhà khoa học đã nói,” Viện trưởng Viện PLD, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nêu quan điểm.
Quan hệ hành chính – quyền lực
‘Chính quyền cần tạo điều kiện cho dân kiện Formosa’
Trở lại với việc xảy ra thảm họa Formosa, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nói tiếp:
“Đáng nhẽ quan hệ dân sự đối với việc bồi thường, người dân đòi bồi thường với Formosa, cái này chính phủ cần phải tạo điều kiện để người dân khởi kiện trên cơ sở pháp luật, đòi bồi thường thỏa đáng những thiệt hại mà Formosa đã gây ra cho họ…
“Điểm thứ hai, chính phủ, nếu giả sử đã lỡ tạm nhận 500 triệu đô-la Mỹ của Formosa, thì hãy coi đây là tiền tạm ứng đền bù cho người dân và cũng cần giải quyết cho người dân tiền tạm ứng đền bù này.
“Còn việc Formosa phải đền bù bao nhiêu, hãy để cho tòa án và người dân đi khởi kiện ở tòa án xem xét, cân nhắc thiệt hại thực tế để mà bồi thường.
Đây là quan hệ hành chính – quyền lực, bất cứ doanh nghiệp nào nếu vi phạm, gây ra thảm họa sự cố môi trường, nhà nước có quyền kiểm tra hành chính, có quyền phạt hành chính và có quyền yêu cầu khắc phục tình trạng ban đầuPGS. TS. Hoàng Ngọc Giao
“Và tôi nghĩ rằng nếu ta (Việt Nam) làm như vậy thì chắc chắn nó sẽ yên ổn tình hình và đảm bảo lợi ích của người dân.
“Thậm chí thiệt hại của người dân sẽ lớn hơn rất nhiều 500 triệu, điều đó là rất rõ, đấy là trong quan hệ dân sự giữa người dân với Formosa, hãy để cho họ giải quyết câu chuyện này qua tòa án.”
Về vấn đề quan hệ giữa nhà nước với Formosa, ông Hoàng Ngọc Giao tiếp tục nêu quan điểm:
“Đây là quan hệ hành chính – quyền lực, bất cứ doanh nghiệp nào nếu vi phạm, gây ra thảm họa sự cố môi trường, nhà nước có quyền kiểm tra hành chính, có quyền phạt hành chính và có quyền yêu cầu khắc phục tình trạng ban đầu.
“Thế thì trong trường hợp Formosa, nhà nước hoàn toàn có thể trước hết là phạt hành chính đối với Formosa, sau nữa ra một lệnh buộc Formosa phải khôi phục môi trường biển miền Trung, quay lại vị trí ban đầu.
“Việc đó rất quan trọng và tôi tin rằng việc yêu cầu Formosa phải phục hồi hệ sinh thái của biển bốn tỉnh miền Trung chắc chắn sẽ buộc Formosa phải chi phí hàng chục tỷ đô-la, chứ không phải chỉ có 500 triệu đô-la đền cho bà con,” PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao từ Hà Nội nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 13/4.
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu ý kiến của các khách mời tại Bàn tròn trong các bài vở tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.
0 nhận xét