Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 07/04/2017

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017 18:12 // , ,

Tin Việt Nam – 07/04/2017

Thỉnh nguyện thư tới Tòa Bạch Ốc phản đối Trung Quốc

WASHINGTON DC —
Ngoài cuộc biểu tình ở Florida nhân cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 6/4, cộng đồng người Việt tại Mỹ còn phát động chương trình thỉnh nguyện thư gửi tới Tòa Bạch Ốc phản đối Trung Quốc.
Mục tiêu của chương trình thỉnh nguyện thư kéo dài đến ngày 4/5 là nhân rộng tiếng nói phản đối Trung Quốc của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Ban tổ chức hy vọng chiến dịch thỉnh nguyện thư trong vòng một tháng, nếu thành công, sẽ đem lại những phản ứng thực tế và lâu dài hơn từ phía Tòa Bạch Ốc.
Nội dung chính của thỉnh nguyện thư nêu ra 3 vấn đề quan trọng nhất mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt trong mối quan hệ với Trung Quốc. Thứ nhất là việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, nạn ăn cắp bản quyền những phát minh, sáng chế khiến nhiều công ty Hoa Kỳ phải đóng cửa, người dân mất việc làm. Thứ hai là việc Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa đến an ninh và tự do hàng hải trong khu vực cũng như những quyền lợi căn bản của các nước. Và thứ 3 là Trung Quốc đang tiếp tay cho những chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và sử dụng điều này như mồi nhử đánh lạc hướng sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với vấn đề Biển Đông.
Đại diện ban vận động thỉnh nguyện thư, bà Genie Giao Nguyễn, cho biết: “Ngay trước cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và ông Tập Cận Bình, Bắc Triều tiên đã được giật dây tiến hành vụ một thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để nhằm đánh lạc hướng sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với các vấn đề cần đưa lên bàn đám phán. Vì thế chúng ta cũng phải nhắn nhủ tới những người có trách nhiệm rằng mục tiêu chính của Trung Quốc hiện nay là bành trướng và kiểm soát Biển Đông. Điều này sẽ đe dọa nghiêm trong an ninh và tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.”
Hiện tại, thỉnh nguyện thư phản đối Trung Quốc đã được gửi tới các cơ quan truyền thông và phổ biến rộng rãi trên hệ thống mạng xã hội để tiếp cận không chỉ cộng đồng người Việt mà cả những người Mỹ bản địa quan tâm, đặc biệt là cộng đồng Phillipines, Indonesia, Malaysia đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Ngay đêm đầu tiên phát động, chương trình đã nhận được chữ ký của gần 1,300 người Việt ủng hộ. Chương trình hy vọng đến hết ngày 4/5 tới đây sẽ thu thập đủ 100,000 chữ ký để văn phòng Tòa Bạch Ốc phải phản hồi chính thức.
Bà Gienie Giao Nguyễn tiếp lời: “ Mặc dù là những người Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ nhưng chúng ta luôn phải nhớ về đất nước Việt Nam và có những hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền chính đáng của đất nước. Hơn thế, những hành động cụ thể của chúng ta còn góp phần bảo vệ chính người thân và đồng bào hiện đang sinh sống tại Việt Nam, trong đó có những người ngư dân ven biển, những người mà cuộc sống vốn đã vô cùng khó khan kể từ khi thảm họa môi trường Formosa xảy ra tại khu vực biển miền trung thời gian qua.”
Trung Quốc một mực bác bỏ tố cáo của cộng đồng quốc tế về các chính sách bành trướng, quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, tuyên bố rằng Trung Quốc muốn bảo vệ tự do hàng hải và muốn đối thoại với các quốc gia trực tiếp liên quan để tìm giải pháp hoà bình.“Chúng tôi hối thúc Hoa Kỳ tôn trọng thực tiễn, phát ngôn và hành động thận trọng để tránh làm tổn hại tới hoà bình, ổn định tại Biển Đông,” Tân Hoa Xã dẫn phát biểu của bà Hoa hôm 24/1.

Trung Quốc và Việt Nam đạt thỏa thuận

về nhà máy điện hạt nhân gần biên giới

Việt Nam và Trung Quốc đạt được một số thỏa thuận liên quan 3 nhà máy điện hạt nhân mà Bắc Kinh cho xây dựng giáp biên giới Việt Nam.
Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học- Công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Khải, cho biết như vừa nêu.
Theo thông tin được đưa ra thì vào tháng 9 năm ngoái, Việt Nam hoàn tất dự thảo biên bản ghi nhớ về vấn đề hợp tác giữa cơ quan pháp quy và ngành năng lượng hạt nhân hai nước và gửi sang cho phía Trung Quốc liên quan hợp tác đối với ba nhà máy điện hạt nhân giáp biên giới với Việt Nam.
Đó là các nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở Quảng Tây, nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở Quảng Đông và nhá máy điện hạt nhân Xương Giang trên đảo Hải Nam.
Gần đây phía Việt Nam nhận được văn bản trả lời từ phía Trung Quốc cho biết đồng ý phần lớn các điểm ghi nhớ hợp tác được Hà Nội đề xuất ra.
Điểm mà Bắc Kinh chưa đồng ý là hợp tác trong xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ, tăng cường năng lực ứng phó sự cố hạt nhân.
Thỏa thuận hợp tác giữa hai phía được dự kiến ký kết vào quý hai năm nay.

Dân chờ 7 năm chưa được bồi thường

Hàng ngàn người dân của hơn 1500 hộ tại huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai vẫn chưa được nhận tiền bồi thường thu hồi đất để làm đường ĐT 768 suốt 7 năm qua.
Mạng báo Pháp luật cho biết tin như vừa nêu vào ngày 7/4, trích dẫn lời một số người dân cho biết họ đã kêu cứu, khiếu nại, tố cáo khắp nơi nhưng các cơ quan chức năng chỉ hứa hẹn rồi không thấy thực hiện.
Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Cửu yêu cầu UBND huyện này phải bồi thường cho người dân, nhưng nhiều người dân cho biết đến nay vẫn chỉ là bồi thường trên giấy tờ.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Vĩnh Cửu  cho biết tổng kinh phí bồi thường cho người dân huyện Vĩnh Cửu khoảng 66 tỷ đồng. Tuy nhiên  trong quá trình bồi thường gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, việc thay đổi giá đất vật kiến trúc hàng năm đã kéo dài thời gian bồi thường cho dân.
Ông này cũng cho biết thêm rằng hiện tại cơ quan chức năng đã lập phương án bồi thường cho hơn ngàn hộ dân này để trình lên cấp tỉnh phê duyệt. Theo ông Phương, nhanh nhất thì cũng phải trong quý II năm 2017 mới làm xong.
Tin cho biết từ cuối năm 2009, Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Đồng Nai và Công ty Cổ Phần Sonadezi Châu Đức ký hợp đồng triển khai dự án đường DT 768 theo hình thức BOT ( Xây dựng- Vận hành- Chuyển giao)
Đoạn qua huyện Vĩnh gần 77 ngàn mét vuông của hơn 1500 hộ dân bị thu hồi. Vào thời điểm đó chính quyền vận động người dân cứ bàn giao mặt bằng trước, việc bồi thường sẽ tiến hành sau. Chủ đầu tư đưa con đường vào sử dụng và thu phí gần 4 năm qua.

Cá nuôi bè ở Vũng Tàu chết hàng loạt

Hiện tượng cá chết hàng loạt lại xảy ra đối với các lồng cá bè nuôi trên sông Chà Và, xã Sơn Long, thành phố Vũng Tàu.
Tin loan đi ngày 7 tháng tư cho hay trong 5 ngày qua cá nuôi trong lồng bè tại hộ của ông Nguyễn Văn Lợi đã chết trắng với số lượng 30.000 con. Đặc biết đây là những loại cá giống vừa được thả trong một vài tháng. Ông Lợi còn cho biết không chỉ cá mà tôm nuôi cũng chết với số lượng lớn. Những bè nuôi cá lồng sát với bè ông Lợi cũng xảy ra chuyện cá chết bất ngờ hàng loạt.
Người dân địa phương báo cáo  nguyên nhân cá chết là do nước thải từ cống số 6 chảy ra sông Chà Và và gây ô nhiễm nguồn nước. Hôm 6 tháng tư, Chi  Cục Thủy Sản tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, đến kiểm tra và thống kê, cho biết khoảng 45.000 con cá giống đã chết.
Trước đó báo chí trong nước từng đưa tin về việc nguồn nước tại hồ  chứa nước thải ở khu vực cống số 6  chuyển màu và bốc mùi hôi thối. Người dân tin rằng dòng nước bị ô nhiễm này chảy thoát ra nước sông Chà Và khiến hàng trăm hộ dân nuôi cá ở đây bị tác động.
Lãnh đạo địa phương đang cam kết làm rõ và xử lý việc này.
Trong khi đó thì hiện tượng ca chết trắng trên sông Bồ ở Thừa Thiên, Huế được cơ quan chức năng giải thích là do nuôi lồng quá dày.
Đó là kết luận ban đầu của Chi Cục Thú Y tỉnh Thừa Thiên, Huế, nói rằng cá chết hàng loạt là do được thả quá nhiều trong lúc dòng chảy không có, thiếu lượng oxy trong nước  và lượng thức ăn lại dư thừa.
Vẫn theo nhận định của Chi Cục Thú Y Thừa Thiên Huế thì phân tích mẫu nước cho thấy cá chết không phải vì dịch bệnh mà do môi trường nuôi thả không bảo đảm đúng phương cách.
Người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ được khuyến cáo không nên thả thêm cá giống vào lúc này, nới rộng khoảng cách giữa các lồng cá và bơm thêm không khí vào các lồng nuôi.
Tình trạng cá chết tại Sông Bồ trong những ngày qua được người nuôi cho biết khiến họ phải lâm cảnh nợ nần.

Xử lý quan chức kiểu “dê tế thần” liệu có đủ?

Cát Linh, phóng viên RFA
Cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, nhân vật được cho là đã có nhiều sai phạm liên quan đến thảm họa môi trường Formosa, bị Đảng ủy khối cơ quan trung ương bỏ phiếu đề nghị cách chức ngày 4 tháng 4 vừa qua.
Vì sao đến một năm sau mới có quyết định? Điều này có làm nhẹ đi những bức xúc của người dân cả nước hay không?
Không chỉ một người
Cuối cùng, ông Võ Kim Cự, hiện là Bí thư Đảng đoàn – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh, bị Đảng uỷ khối cơ quan trung ương bỏ phiếu đề nghị kỷ luật cách chức ngày 4 tháng 4, 201. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng có phiếu đồng thuận với đề nghị trên. Lý do vì những sai phạm của ông này trong vụ việc nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng hình phạt cách chức ông Võ Kim Cự được đề nghị sau một năm thảm hoạ Formosa là mang tính chất rất bình thường, vì liên quan đến nhiều người.
“Cái này tôi thấy nó cũng bình thường, vì chuyện này là chuyện cũ, mà chuyện cũ cũng nhiều người chịu trách nhiệm chứ không phải một người. Cho nên bóc tách đường dây khuyết điểm để xử lý kỷ luật là chuyện phải có thời gian. Nói lâu thì cũng có cái lý.”
Cái này tôi thấy nó cũng bình thường, vì chuyện này là chuyện cũ, mà chuyện cũ cũng nhiều người chịu trách nhiệm chứ không phải một người. 
- Ông Nguyễn Minh Nhị
Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi nhà máy gang thép Formosa phải rời khỏi Việt Nam kiên quyết cho rằng ai có lỗi trong việc đưa Formosa vào và để Formosa xả thải chất độc làm chết biển miền Trung thì những người đó cần phải được xử lý.
Và ông khẳng định thêm, một cá nhân thì chưa đủ.
“Không chỉ riêng ông Võ Kim Cự mà còn nhiều người nữa.”
Đồng thuận với ý kiến trên là ông Trần Bang, nhà đấu tranh khởi đầu cho biểu ngữ “Formosa get out”.
“Thế nhưng giả sử việc này được sự đồng thuận với cấp cao hơn thì sao? Điều đó chúng tôi mới quan tâm. Chứ còn đưa ông Võ Kim Cự ra làm chốt thí thì cũng là bình thường. Không giải quyết được vấn đề.”
Một vị đại biểu hiện đang tham gia hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách tại Hà Nội, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng ý kiến với báo chí việc đề nghị cách chức ông Võ Kim Cự là bình thường.
Ngay từ khi tai hoạ ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây ra vào tháng 4 năm 2016, ông Võ Kim Cự, hiện là Bí thư Đảng đoàn – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh, là người đầu tiên lên tiếng với truyền thông báo giới trong nước.
Phát ngôn về việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm để làm nhà máy gang thép ở Khu Công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh “được tất cả các cấp, bộ ngành đồng ý” của ông từng gây chú ý cho dư luận cả nước. Trước đó đã có nhiều nhà quan sát khẳng định việc cấp phép cho Formosa vào Việt Nam bức tử môi trường biển thì không thể một mình ông Võ Kim Cự quyết định.
Chưa thể làm dịu dư luận
Báo Lao Động trong nước ngày 2 tháng 8, 2016 từng đăng tải bài viết ký tên “Nhóm PV điều tra” phanh phui sự thật của vấn đề cấp phép cho Formosa là do “Lãnh đạo Bộ TNMT uỷ nhiệm bừa và…nhắm mắt ký”. Danh tính của nhiều quan chức cấp cao và những con đường “bí ẩn” dẫn đến tờ giấy phép 70 năm hoạt động của nhà máy Formosa được trưng dẫn chi tiết từ khi Bộ TNMT chấp thuận vào tháng 6.2008.
Nổi bật trong đó là lời phát biểu của ông Bùi Cách Tuyến, cựu Thứ trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, tuy ông ký quyết định cho phép Formosa xả thải ra biển, nhưng đó là quyết định tập thể của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên Môi trường gồm rất nhiều người.
Tuy trong cuộc gặp cử tri TP.HCM vào tháng 8 năm ngoái, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã lên tiếng nói rằng sẽ xử lý nghiêm bất kỳ ai liên quan đến Formosa. Nhưng từ đó đến nay, ngoài khởi tố hình sự đối với ông Lê Quang Hoà, giám đốc Công ty Môi trường Kỳ Anh vì liên quan đến hợp đồng vận chuyển xử lý chất thải giữa Formosa và Công ty Cổ phần Xây dựng Quản lý Môi trường đô thị Kỳ Anh, thì hoàn toàn không có cá nhân nào hay ban ngành nào đứng ra chịu trách nhiệm đối với vấn nạn Formosa.
Thêm vào đó là hàng loạt vụ bắt bớ, đánh đập, bắt giam những ai lên tiếng đòi minh bạch cho môi trường biển và đền bù cho người dân. Những cuộc biểu tình, tuần hành ngày càng nhiều hơn với quy mô lớn hơn.
Qua những điều đó, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh không nghĩ rằng kỷ luật cách chức ông Võ Kim Cự là động thái có thể làm dịu như bức xúc của người dân.
Vấn đề không phải chỉ là xử lý những quan chức đưa đến các sai trái, mà phải đền bù thiệt hại cho người dân. 
- Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Vấn đề không phải chỉ là xử lý những quan chức đưa đến các sai trái, mà phải đền bù thiệt hại cho người dân. Formosa gây ra thiệt hại đó thì Formosa phải đền bù thoả đáng cho người dân.”
Với ông Huỳnh Ngọc Chênh nói rằng, số tiền 500 triệu USD do Formosa đền bù là không thể bù đắp cho thiệt hại của ngư dân cả nước.
“Muốn kỷ luật ai thì kỷ luật, vấn đề cuối cùng phải là đền bù, bởi vì người dân đang chịu rất nhiều khó khăn. Khi cá chết, du lịch không phát triển được, người dân không có kế sinh nhai.”
Theo quan sát của ông Nguyễn Minh Nhị, ông nhận thấy tương lai sẽ còn nhiều người bị kỷ luật.
“Chuyện này có gây ra cái không hài lòng, bức xúc trong người dân. Nhưng chuyện xử lý này, như tôi đã nói, chỉ là một trong nhiều người thôi. Tôi nghĩ có thể còn nhiều người nữa. Người dân sẽ thấy từng bước có giải quyết và họ cũng đang chờ đợi.”
Chưa biết được dự đoán ông Nguyễn Minh Nhị có thành sự thật hay không, nhưng có một ý kiến được nhiều người quan tâm trong những ngày vừa qua, đó là chia sẻ của  Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trên trang cá nhân của ông: “Cách xử lý tốt hơn hết là đàm phán trực tiếp với dân!”

Đoàn người vượt biên từ Bình Thuận bị đưa về trại giam

Đoàn thuyền nhân 18 người của ba gia đình bà Trần Thị Lụa, Trần Thị Thanh Loan và Trần Thị Phúc từ Bình Thuận đã bị đưa về trại tạm giam ở Indonesia, nhà vận động của họ cho biết.
Họ đã có hai cuộc phỏng vấn với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) để xin quy chế tỵ nạn và đang chờ cứu xét.
Trong khi đó, ông Lê Đức Mạnh, quan chức Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nói với BBC hôm 7/4: “Họ [những người này] không chịu gặp đại sứ quán. Họ nói với phía Indonesia rằng họ không muốn làm việc với chúng tôi.”
“Họ muốn xin được tỵ nạn ở một đất nước thứ ba. Họ không muốn Indonesia trả họ về Việt Nam,” đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết.

Xin tỵ nạn

Nhà vận động cho đoàn thuyền nhân, bà Grace Bùi, nói sau khi tới Indonesia họ đã nộp đơn xin quy chế tỵ nạn và được chấp nhận là người xin tỵ nạn (asylum seeker).
Tiếp đó họ sẽ phải qua các vòng phỏng vấn với UNHCR để xem họ có đạt tiêu chuẩn để nhận quy chế người tỵ nạn (refugee) hay không.
“Rất nhiều người bị rớt ở bước này, vì họ không thể chứng minh họ đáp ứng quy chế tỵ nạn,” bà Bùi nói.
Đoàn này vừa có vòng phỏng vấn thứ hai với UNHCR hôm 30 và 31/3.
Cả đoàn sẽ bị giữ tại trại tạm giam của Sở di trú cho đến khi UNHCR đưa ra quyết định.
Nếu không được chấp nhận, họ có thể kháng cáo để phỏng vấn lại. Nhưng nếu cuộc phỏng vấn này cũng không thành công, họ phải trở về Việt Nam.

Báo VN nói Nguyễn Văn Hóa nhận ‘ngàn đô’ để kích động

Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cáo buộc một nhà hoạt động bị bắt từ hồi tháng Giêng “nhận 1.500 đôla mỗi tháng từ các đài, trang mạng nước ngoài để viết phóng sự xuyên tạc, kích động” vụ Formosa.
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, ở tỉnh Hà Tĩnh, bị bắt hồi tháng 1/2017 vì “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Nơi gia đình ông Hóa sinh sống là gần huyện Kỳ Anh, cách nhà máy Formosa khoảng 18km.
Cùng lúc có ý kiến nói khó có khả năng một người mới 22 tuổi như ông Hóa lại “kích động được hàng ngàn người”.
Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam hôm 6/4 tường thuật “Nguyễn Văn Hóa tham gia biểu tình tại cổng chính công ty Formosa, dùng flycam quay và truyền trực tiếp lên mạng xã hội, đồng thời trực tiếp hô hào, kích động người dân theo sự chỉ đạo của một số đối tượng cực đoan, nhằm gây mất an ninh trật tự, đập phá tài sản của Formosa.”
“Hóa sử dụng tài khoản Facebook để đăng tải các video, hình ảnh kích động biểu tình sau sự cố môi trường biển, lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình do y quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn người dân,” bài báo viết.
“Hóa nhận tiền của các tổ chức, cá nhân; ký hợp đồng với một số đài, trang mạng nước ngoài với mức 1.500 đôla mỗi tháng để viết 16 phóng sự với các thông tin xuyên tạc, kích động…”.
Báo này cáo buộc “Vì đồng tiền trước mắt, Nguyễn Văn Hóa đã trở thành con rối trong tay Việt Tân và các đối tượng cực đoan để chống Đảng, Nhà nước, thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của quê hương.”
‘Bớt đi một chút’
Hôm 7/4, trả lời BBC từ Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Huệ, chị của ông Hóa nói: “Gia đình cũng đã xem bài báo về Nguyễn Văn Hóa nhưng những thông tin trong bài đúng sai thế nào thì gia đình chưa thể trả lời được.”
“Chúng tôi là những người nhà quê ở nông thôn, không hiểu biết nhiều về Điều 258, pháp luật và mạng xã hội, nên có những việc Hóa làm thì gia đình lại là những người biết sau cùng.”
“Trong lần đi thăm Hóa cuối tháng 3/2017, Hóa đã từ chối việc mời luật sư mà muốn tự mình đứng ra bào chữa cho bản thân.”
“Do vậy chỉ mong em tôi được khoan hồng khi ra tòa, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Gia đình cũng mong Hóa bớt đi một chút trong những việc em nó làm.”
“Về chuyện Hóa có nhận tiền từ nước ngoài hay không thì nói thật là gia đình không biết, do em nó thường đi làm xa, vắng nhà thường xuyên.”
“Hiện tại thì gia đình chỉ biết cầu nguyện cho Hóa mỗi ngày.”
Cùng ngày, nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn, người tham gia truyền thông từ các tỉnh miền Trung về thảm họa cá chết trên mạng xã hội, nói với BBC: “Tôi thấy cáo buộc của chính quyền rằng Nguyễn Văn Hóa vi phạm Điều 258 là rất vô lý, không đúng sự thật.”
“Một người mới ở tuổi 22 như Hóa thì có lẽ chưa đủ tầm để kích động hàng ngàn người cùng tham gia biểu tình trước cổng nhà máy Formosa hồi tháng 10/2016.”
“Có thể Hóa bị bắt là vì đã truyền tải thông tin đúng sự thật về các cuộc biểu tình trên mạng xã hội và đó là điều chính quyền lo sợ và muốn ngăn chặn.”
“Bản thân tôi cũng từng bị chính quyền câu lưu, cáo buộc tội kích động và nhận tiền từ nước ngoài, nhưng do họ không có bằng chứng nên phải trả tự do cho tôi.”
“Tôi nghĩ mỗi khi chính quyền quyết định bắt một người thì vấn đề không phải là có bằng chứng hay không, mà là yếu tố thời điểm và hoàn cảnh.”
“Có thể họ muốn trấn áp một người để làm cho những nhà hoạt động khác và người dân lo sợ.”

USCIRF:

‘Tự do tôn giáo phải được tôn trọng trên khắp Việt Nam’

Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) nói rằng chính quyền Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo.
Tại buổi giới thiệu Đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, do Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) tổ chức hôm 6/4, linh mục Thomas Reese nói chính quyền Hà Nội phải đảm bảo quyền tự do tôn giáo trên khắp nước Việt Nam:
“Chúng tôi muốn chính quyền trung ương phải đảm bảo tự do tôn giáo được tôn trọng ở mọi nơi trên cả nước, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, khu vực người thiểu số, vùng nông thôn, nơi một số giới chức đã ngăn cản tu sĩ, hành hung các mục sư, linh mục, và can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo.”
Linh mục Thomas Reese nói Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ sẽ giám sát chặt chẽ việc thi hành Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng mới của Việt Nam, một bộ luật bị nhiều tổ chức quốc lên án là còn nhiều hạn chế.
Chúng tôi muốn chính quyền trung ương phải đảm bảo tự do tôn giáo được tôn trọng ở mọi nơi trên cả nước, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, khu vực người thiểu số, vùng nông thôn, nơi một số giới chức đã ngăn cản tu sĩ, hành hung các mục sư, linh mục, và can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo.
Chủ tịch USCIRF Thomas Reese
Ông Reese nói:
“Chúng tôi vẫn còn quan ngại. Chúng tôi muốn theo dõi xem Việt Nam sẽ thực hiện Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng mới như thế nào. Bộ luật có một vài cải tiến, nhưng cũng có vài điều luật còn sử dụng từ ngữ không rõ ràng.”
Linh mục Reese xác định rằng Đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo năm nay, 2017, có bao gồm hồ sơ về những vụ vi phạm tự do tôn giáo đối với mục sư Nguyễn Công Chính -đang bị cầm tù- và vợ ông, bà Trần Thị Hồng, là một nỗ lực nhằm đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC- Các Quốc gia đáng Quan tâm Đặc biệt về tự do tôn giáo – như USCIRF đề xuất vào tháng trước, khi cơ quan này công bố phúc trình đánh giá tự do tôn giáo ở Việt Nam, 10 năm sau khi ra khỏi CPC.
Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi CPC từ 2006 đến nay, mỗi năm USCIRF đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì thường xuyên vi phạm tự do tôn giáo, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ không tán thành đề nghị của USCIRF.
Theo đề án công bố hôm 6/4, hàng năm USCIRF có trách nhiệm tổng hợp danh sách các tù nhân tôn giáo ở nhiều quốc gia khác nhau. Bất cứ ai trên thế giới đều có thể nộp cho USCIRF những thông tin về các vụ đàn áp tôn giáo xảy ra ở nước họ.
Ngoài hồ sơ về Việt Nam nêu bật trường hợp mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng, các hồ sơ khác được USCIRF đơn cử hôm 6/4 tại trụ sở quốc hội Mỹ bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Nga, Iran, Ả Rập Xê-út , và Eritrea.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức phi chính phủ đã đề xuất với USCIRF việc ra đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo Việt Nam năm nay nói với VOA rằng sở dĩ năm nay có đề án này là vì 2017 là năm đầu tiên USCIRF thực thi Đạo luật Tăng Cường Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế (H.1150) do cựu Tổng thống Obama ký ban hành hồi tháng 12/2016.
Luật mới này đòi hỏi USCIRF tổng hợp danh sách các tù nhân tôn giáo ở nhiều quốc gia khác nhau. Nếu một quốc gia có nhiều tù nhân tôn giáo, tức là đàn áp tự do tôn giáo ở mức nghiêm trọng và phổ biến, thì sẽ bị đưa vào danh sách cần theo dõi đặc biệt, và nếu một quốc gia nằm trong danh sách này trong hai năm mà không có sự cải thiện nào thì tự động sẽ bị đưa vào danh sách CPC.
Tiến sĩ Thắng nói việc đưa Việt Nam trở lại CPC dù mất nhiều thời gian nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khó có thể “nương tay’ với Việt Nam hay từ chối đưa Việt Nam trở lại CPC:
“Luật Tăng cường Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế làm cho việc từ chối khó khăn hơn. Bởi vì từ trước tới giờ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn nói rằng Việt Nam có vi phạm về tự do tôn giáo hết sức nghiêm trọng nhưng chưa vượt ngưỡng để đưa vào danh sách CPC. Luật mới nói rằng chưa vượt ngưỡng CPC mà đã trầm trọng thì phải đưa vào danh sách cần theo dõi đặc biệt và hai năm liền mà không chứng minh được sự cải thiện thì tự động rơi vào danh sách CPC, chứ không thể chống chế được nữa.”
Mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính thuộc Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ đang thọ án 11 năm tù ở trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, theo điều 87 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” từ tháng 4 năm 2011.
Theo tin trên trang mạng USCIRF, thì tình trạng sức khỏe của mục sư Chính đang nguy cấp: các giám thị trại giam bị cáo buộc là “xúc phạm thân thể, khủng bố tinh thần”, và mục sư Chính “bị cao huyết áp, viêm xoang mũi cấp tính và mắc bệnh dạ dày nhưng ông không được điều trị”.
USCIRF viết thêm: “Trong khi chính quyền Việt Nam giam cầm một cách bất chính mục sư Chính, họ còn sách nhiễu bà Trần Thị Hồng, vợ ông. Họ giám sát chặt chẽ, niêm phong nhà, ngăn cản bà Hồng đi thăm chồng hoặc mua thuốc cho con gái khi bị bệnh.”
Vào ngày 30/3/2016, nhà chức trách địa phương ngăn cản bà Hồng gặp Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein. Mặc dù cuối cùng bà đã gặp ông Đại sứ, nhưng bà phải đối đầu với nhiều khó khăn sau đó: bà bị hành hung khiến bị thương ở đầu, đầu gối, chân, bàn tay và bàn chân. Sau khi gặp ông Đại sứ, bà bị thẩm vấn suốt ba ngày, bà còn bị ép phải ký một văn bản xác nhận rằng cuộc gặp với ông Đại sứ là bất hợp pháp và phải nhận bà là thành viên của một hội thánh bất hợp pháp, có tính cách phá hoại. Theo USCIRF, vì từ chối ký tên, vợ của Mục sư Chính đã bị nhiều phụ nữ làm việc cho chính quyền Gia Lai sách nhiễu trong bốn giờ liền.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.