Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 18/04/2017

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017 20:22 // , ,

Tin khắp nơi – 18/04/2017

Chính quyền Trump cứng rắn hơn

về ưu tiên hàng Mỹ, nhân công Mỹ

Chính quyền ông Trump nói rằng đã đến lúc phải cưỡng hành nghiêm ngặt hơn các quy định về tuyển dụng một số thành phần người lao động nước ngoài ở Hoa Kỳ, và tái xét các luật đòi hỏi các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng các sản phẩm do Mỹ sản xuất.
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba dự kiến sẽ ký một sắc lệnh hành chính để siết chặt các quy định về “Mua hàng Mỹ/Tuyển dụng người Mỹ” khi ông đến thăm một hãng chế tạo công cụ ở bang Wisconsin thuộcmiền trung tây nước Mỹ.
Trong một cuộc họp báo, các quan chức cao cấp trong chính quyền nói việc thực thi lỏng lẻo và nhiều lỗ hổng pháp lý đồng nghĩa là người lao động và các công ty Mỹ đã để mất việc làm và hoạt động kinh doanh vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.
Ông Trump sẽ ký sắc lệnh mặc dù ông đã xây dựng đế chế kinh doanh toàn cầu của ông trước khi chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Ông Trump thường xuyên khai thác các nguồn ở nước ngoài để sản xuất hàng chục sản phẩm tiêu dùng cho các hoạt động kinh doanh của ông.
Theo sắc lệnh mà ông Trump sắp ký, các cơ quan chính phủ được chỉ thị phải tái xét nguồn cung của các sản phẩm họ đặt mua. Sắc lệnh này còn đòi hỏi các quan chức đứng đầu các bộ phải phê duyệt những trường hợp ngoại lệ đối với các quy định về “mua hàng Mỹ”.
Các quy định về thị thực cấp cho người nước ngoài có những tay nghề nhất định, gọi là visa “H-1B” cũng sẽ được tái xét. Chương trình thị thực này có mục đích đưa vào Mỹ những người lao động có các kỹ năng còn hiếm ở Mỹ; nhưng các giới chức chính quyền Trump nói họ lo ngại rằng các công ty mướn người nước ngoài làm những việc tương tự như người Mỹ với mức lương thấp hơn.
Các cơ quan chính phủ được chỉ đạo phải rà soát từ trên xuống dưới các luật và quy định liên quan, và báo cáo các vấn đề cũng như đưa ra khuyến nghị khả dĩ có thể dẫn đến thay đổi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi Trung Đông, châu Phi

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang đi khắp Trung Đông và vùng Sừng Châu Phi giữa lúc Washington đang cân nhắc những thay đổi trong vai trò của Hoa Kỳ đối với an ninh khu vực. Các nước ông Mattis sẽ đến thăm bao gồm Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Israel, Qatar và Djibouti.
Bộ trưởng Mattis đi thăm Trung Đông trong tuần này, các nhà lãnh đạo tại đây cũng đang đánh giá cách tiếp cận của chính quyền mới ở Mỹ đối với Iran, đối thủ của họ trong khu vực.
Ông Brian Katulis thuộc Trung tâm vì Tiến bộ Mỹ, nói: “Trên thực tế, khi tôi ở Ả-rập Xê-út vào tháng 2, các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này nói họ đã cảm thấy nhẹ nhõm khi chính quyền ông Obama không còn nắm quyền vì theo họ, Tổng thống Obama dường như đã tỏ ra quá mềm mỏng đối với Iran”.
Chính quyền ông Trump có thể can dự nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng ở Yemen, thường được xem là một cuộc chiến tranh gián tiếp giữa Iran và Ả-rập Xê-út. Các quan chức Mỹ đã ra dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trumpmuốn tăng cường hơn nữa các mối quan hệ chiến lược với Ả-rập Xê-út, nước đã ủng hộ cuộc chiến chống phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn.
Ông Mattis cũng sẽ thảo luận về cách các đồng minh trong khu vực có thể giúp ổn định tình hình tại Iraq và Syria, nơi các lực lượng địa phương được liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu hậu thuẫn đang chiến đấu chống các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
Bộ trưởng Mattis cũng sẽ tới Djibouti, nơi đặt căn cứ duy nhất của Hoa Kỳ ở châu Phi. Nhưng lực lượng Mỹ không phải là đội quân duy nhất có mặt ở đó.
Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh với Mỹ, đang xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài chỉ cách các lực lượng Mỹ có vài kilômét, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Sừng Châu Phi.
Ông Rudy Deleon, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói: “Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ tại đây. Trung Quốc rõ ràng chú ý tới cáctài nguyên ở đó.”
Trong khi nhiều người dân trong khu vực hãy còn nghèo, các vùng đất và thềm lục địa lại rất phong phú về tài nguyên dầu mỏ, vàng và khí đốt thiên nhiên.
Các chuyên gia nói Trung Quốc đã tỏ ý định muốn đầu tư để phát triển một số khu vực nghèo nhất trong vùng, nơi người dân địa phương đang đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng.

TT Trump đối mặt với những thách thức đối nội và đối ngoại

Giữa lúc mốc điểm 100 ngày từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền đang nhanh chóng tới gần, mức độ ủng hộ của công chúng giành cho ông vẫn chững lại ở mức khoảng 40%, một mức thấp đối với một tân Tổng thống Mỹ. Mức tín nhiệm dành cho ông Trump đã cải thiện đôi chút tiếp theo sau các cuộc tấn công quân sự tại Syria và Afghanistan, tuy nhiên nghị trình đối nội của ông Trump dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Từ Washington, Thông tín viên Jim Malone gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Sau vài tháng đầy khó khăn trên mặt trận đối nội, Tổng thống Trump ngày càng xoay sang chú ý tới những quan tâm trong chính sách đối ngoại, bao gồm chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và các cuộc tấn công quân sự mới đây tại Syria và Afghanistan.
Tổng thống Trump phát biểu:
“Thế giới ngày nay đang rối rắm như một mớ bòng bong. Nhưng tôi tin rằng đến khi chúng ta làm xong nhiệm vụ thì thế giới sẽ là một nơi chốn tốt đẹp hơn để sống, tôi có thể khẳng định với các bạn như vậy, đại diện cho chính cá nhân tôi, tới lúc tôi hết nhiệm kỳ, thế giới sẽ là một nơi chốn tốt đẹp hơn để sống bởi vì ngay bây giờ thì thế giới thật là xấu xa.”
Việc Hoa Kỳ vận dụng sức mạnh quân sự đã được lãnh đạo khối Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện hoan ngênh. Ông Mitch McConnell nói:
“Một thông điệp lý thú cho rất nhiều đối thủ cũng như các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới, cho thấy chính phủ này trong thời gian tới sẽ quyết liệt hơn so với chính phủ tiền nhiệm.”
Tuy nhiên vị thế của Tổng thống Trump trên trường nội địa thì phức tạp hơn như vậy.
Những người biểu tình đã kéo nhau xuống đường để đòi Tổng thống Trump công bố hồ sơ thuế của ông. Tại California đã xảy ra một vụ đụng độ giữa những ủng hộ và những người chống đối ông Trump.
Những cố gắng của ông Trump tìm cách cải cách hệ thống chăm sóc sức khoẻ và các ưu tiên khác trong chính sách đối nội vẫn dậm chân tại chỗ, lâm vào bế tắc vì những chia rẽ chính trị và đảng phái, theo thủ lãnh của Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer.
Thượng nghị sĩ Schumer nói:
“Ông Trump sẽ luôn luôn gặp khó khăn trừ phi ông thay đổi vị thế để theo trường phái trung dung. Chúng tôi đang chờ ông Trump làm điều đó.”
Theo nhà phân tích Sarah Binder của Viện nghiên cứu Brookings, thì ngay từ lúc khởi đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông, ông Trump đã chật vật tìm cách nới rộng thành phần cốt cán ủng hộ ông.
“Khởi sự với mức ủng hộ thấp kỷ lục, bất chấp các mức đó vẫn tương đối cao trong thành phần theo Đảng Cộng hoà, và ngay cả mức ủng hộ trong thành phần đó cũng đã giảm đôi chút. Thế cho nên rất khó để ông Trump tiến tới xây dựng những liên minh lớn trên chính trường Mỹ từ một căn bản quá hẹp hòi như vậy.”
Niềm hy vọng tốt nhất của ông Trump để đạt tiến bộ trong các vấn đề đối nội có thể là vận động sự hợp tác của các thành viên Đảng Dân chủ, ngay cả trong trường hợp làm như vậy có thể gây giận dữ trong thành phần ủng hộ Đảng Cộng hoà, theo ông William Galston thuộc Viện nghiên cứu Brookings:
“Nếu thực sự chính phủ này muốn tiến tới hướng đó, họ sẽ phải lập tức khởi sự các cuộc thảo luận với thành viên của Đảng Dân chủ về các vấn đề như cải cách thuế khoá và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, theo nhận định của tôi.”
Trong khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump chưa vượt ngưỡng 100 ngày, ông Trump giờ đây đang phải tìm cách cân bằng những nhu cầu cấp thiết nhất trong nghị trình làm việc đối nội của ông trong bối cảnh một thế giới bất định và luôn luôn thay đổi.

Bắc Hàn sẵn sàng chiến tranh với Mỹ bằng ‘bất cứ kiểu nào’

Một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc hôm thứ Hai nói rằng Bình Nhưỡng sẽ đáp trả bằng những biện pháp nghiêm khắc nhất, kể cả bằng phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân, nếu bị Mỹ tấn công. Trước đó Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói với các phóng viên báo chí ở Seoul rằng “giai đoạn kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt,” sau khi Bắc Hàn phóng thử một tên lửa nữa hôm Chủ nhật, vi phạm luật pháp quốc tế.
Bắc Triều Tiên bất chấp những cảnh cáo và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của quốc tế nhằm ngăn chặn tham vọng thủ đắc vũ khí hạt nhân của nước này. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng Bắc Hàn không được phép chế tạo bom hạt nhân.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khuyến cáo Bình Nhưỡng trong chuyến thăm Nam Triều Tiên:
“Thế giới đã chứng kiến nghị lực và quyết tâm của tân tổng thống của chúng tôi trong hành động tại Syria và Afghanistan. Bắc Triều Tiên sẽ yên ổn bằng cách đừng cố thử quyết tâm của nhà lãnh đạo của chúng tôi.”
Tổng thống Trump kêu gọi Trung Quốc, láng giềng và là đồng minh chính của Bắc Triều Tiên, dùng ảnh hưởng của họ đối với Bình Nhưỡng để ngặn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Phó Tổng thống Pence nói rằng nếu Trung Quốc không làm được thì Mỹ sẽ hành động bằng bất cứ cách thức nào cần thiết để ngăn chặn tham vọng đó của Bình Nhưỡng.
Phó đại sứ Bắc Hàn Kim In Ryong ở Liên hiệp quốc đã đáp lại bằng một thách thức:
“Nếu Hoa Kỳ dám chọn hành động quân sự, dám tìm cách tấn công quân sự trước để phá hủy cơ sở chỉ huy của chúng tôi, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ sẵn sàng đáp lại với bất cứ hình thức chiến tranh nào mà Mỹ muốn.”
Nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên nói tiếp rằng nước ông sẵn sàng với một cuộc thử hạt nhân mới.
Tổng thống Trump không tiết lộ kế hoạch của ông đối với quốc gia cộng sản này.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc nói:
“Tổng thống đã nói rõ rằng việc vạch ra một lằn ranh đỏ thực sự không mang lại hiệu quả trong quá khứ. Tổng thống rất cẩn trọng. Và theo tôi, sẽ không có một dấu hiệu nào báo trước cách ông sẽ phản ứng bằng hành động quân sự hay bất cứ một tình huống nào sắp tới.”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói Hoa Kỳ trước tiên sẽ tìm cách giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên theo đường lối hòa bình, với sự giúp sức của Trung Quốc.
Ông Spicer nói: “Theo tôi thì tất cả các bên đều đồng ý rằng Bắc Triều Tiên thủ đắc vũ khí hạt nhân không phải là lợi ích tốt nhất cho bất cứ ai. Chúng tôi tiếp tục làm việc với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề này.”
Thông điệp của Tổng thống Trump đánh đi cho lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn hôm thứ Hai là “hãy cử xử cho phải phép.”

Pence nói quan hệ thương mại với Hàn Quốc còn “bất cập”

Trong chuyến thăm Hàn Quốc tuần này, khi phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết quan hệ kinh tế song phương đang có vấn đề.
Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-U.S. (KORUS FTA) có hiệu lực vào năm 2012 là thỏa thuận thương mại lớn nhất được thực thi dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Kể từ khi thực hiện hiệp định, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi. Xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc giảm 1,2 tỷ đôla, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Mỹ tăng hơn 13 tỷ đôla. Năm 2016, mức thặng dư là 23,2 tỷ đôla, theo dữ liệu chính thức của Hoa Kỳ.
Phó tổng thống Mỹ nhắc lại mối quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng Hàn Quốc đã sử dụng các quy định phi thuế quan về môi trường và kiểm tra để lách qua hiệp định FTA.
Ông nói: “Đó là sự thật phũ phàng, và các doanh nghiệp của chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với quá nhiều rào cản để nhập hàng vào, những rào cản đó gây bất lợi cho sự tăng trưởng của công nhân Mỹ và người Mỹ”.
Ông Pence cho biết Mỹ sẽ tìm cách đàm phán lại một số điều khoản của hiệp định thương mại với Hàn Quốc mang lại cho các công ty Mỹ con đường tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và công bằng.
Ông phát biểu: “Chúng tôi sẽ mưu cầu thương mại vừa tự do vừa công bằng. Và điều đó sẽ đúng trong mọi quan hệ thương mại của chúng tôi, kể cả hiệp định KORUS. Chúng tôi sẽ xem xét lại tất cả các hiệp định thương mại của chúng tôi trên toàn thế giới để đảm bảo rằng các hiệp định đó đem lại lợi ích cho nền kinh tế của chúng tôi tương tự như các đối tác thương mại của chúng tôi”.
Mặc dù các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul đã chỉ trích việc Hàn Quốc áp dụng các rào cản thương mại phi thuế quan, nhất là trong ngành công nghiệp ô tô, chiếm tới 80% thâm hụt thương mại của Mỹ, nhưng về tổng thể họ ủng hộ hiệp định KORUS FTA.
Các lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã lên tiếng lo ngại rằng chính quyền ông Trump đang chỉ trích thái quá về hiệp định khi nhấn mạnh quá nhiều vào thâm hụt thương mại, vốn chỉ là một khía cạnh trong mối quan hệ kinh tế phức tạp và vẫn đang phát triển.
Ví dụ, đầu tư của Hàn Quốc vào Hoa Kỳ, từ các công ty như Samsung và Hyundai, đã tạo ra hơn 45.000 việc làm ở Mỹ. Ông James Kim, Chủ tịch của GM Korea và cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, nói: “Đầu tư trực tiếp của các công ty Hàn Quốc ở Hoa Kỳ kể từ khi có KORUS đã nhiều hơn mức thâm hụt thương mại với Hàn Quốc”.
Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hàn Quốc Jeffery Jones cũng cho rằng hiệp định KORUS có thể đã giúp hàng nhập khẩu Mỹ vào Hàn Quốc không bị giảm nhiều hơn so với mức độ trong thời gian vừa qua. Ông lưu ý rằng tất cả hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Hàn Quốc đều giảm trong những năm gần đây, nhưng nhập khẩu của Mỹ chỉ giảm 2,8%, trong khi nhập khẩu của Nhật giảm 15%, nhập khẩu của Úc giảm 20% và nhập khẩu từ EU giảm gần 10%.
Sau cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul, Phó Tổng thống Pence đã tới Tokyo để gặp Bộ trưởng Tài chính Taro Aso của Nhật Bản, bàn về các biện pháp thương mại song phương sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Pence cảnh báo:

“không loại trừ giải pháp nào” đối với Bắc Hàn

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cảnh báo rằng “mọi phương án sẽ được để ngỏ” để đối phó với Bắc Triều Tiên.
Ông Pence đưa ra cảnh báo hôm thứ Ba sau khi tới Tokyo để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe và các quan chức khác. Ông trấn an nhà lãnh đạo Nhật Bản rằng Hoa Kỳ sẽ sát cánh với nước đồng minh châu Á kiên định trong những thời điểm khó khăn.
Phó tổng thống Mỹ phát biểu:
“Như tôi đã nói rõ thay mặt cho tổng thống trong chuyến thăm mới đây ở Hàn Quốc, thời đại kiên nhẫn chiến lược đã hết. Trong khi mọi lựa chọn đều được xem xét, Tổng thống Trump quyết tâm làm việc chặt chẽ với Nhật Bản, với Hàn Quốc, với tất cả các đồng minh của chúng tôi trong khu vực, và với Trung Quốc để đạt được một giải pháp hòa bình và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên”.
Ông Abe hoan nghênh cách tiếp cận “mọi lựa chọn” của chính quyền ông Trump đối với chế độ cộng sản tự cô lập.
Thủ tướng Nhật Bản phát biểu: ”Tất nhiên chúng ta nên tìm cách giải quyết hòa bình cho vấn đề, mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng đối thoại chỉ để đối thoại thật vô nghĩa, chúng ta cần phải áp lực Bắc Triều Tiên để họ phải tham gia đối thoại nghiêm túc”.
Chuyến thăm của ông Pence tới Đông Bắc Á diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng liên quan đến các nỗ lực có tính thách thức của Bắc Triều Tiên để phát triển cho được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump đã triển khai một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tới khu vực để ứng phó với các báo cáo rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tiến hành một cuộc thử hạt nhân trong dịp kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ lập quốc Kim Nhật Thành.
Bắc Triều Tiên vẫn chưa tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 như người ta tiên liệu, nhưng miền Bắc đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn hôm thứ Bảy, phô diễn một số tên lửa tầm xa và tên lửa lắp trên tàu ngầm mới. Chính quyền nước này đã tiến hành một vụ phóng tên lửa từ căn cứ tàu ngầm tại Sinpo vào Chủ nhật, nhưng tên lửa đã nổ tung chỉ vài giây sau khi phóng.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói quan điểm của chính quyền hiện nay cho rằng “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược” là một chính sách của chính quyền của ông Obama mà “về cơ bản là chờ xem”, và đó không phải là điều khôn ngoan đối với Hoa Kỳ.

Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục thử phi đạn

Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục thử nghiệm phi đạn thường xuyên và bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ chống lại Bình Nhưỡng sẽ khơi mào ‘chiến tranh hoàn toàn’, Reuters dẫn lời một giới chức cao cấp của Bắc Triều Tiên tuyên bố với BBC ngày 17/4.
Bình Nhưỡng đã tiến hành một số vụ thử hạt nhân và phi đạn bất chấp các biện pháp trừng phạt từ Liên hiệp quốc và loan báo rằng đã phát triển một phi đạn có thể đánh trúng lục địa Hoa Kỳ. Vụ thử mới nhất của Bắc Triều Tiên được thực hiện hôm 16/4 nhưng thất bại sau vài phút phóng đi.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/4 khuyến cáo Bắc Triều Tiên rằng các cuộc không kích gần đây của Mỹ tại Syria và Afghanistan chứng tỏ không nên thách thức giải pháp của Tổng thống Donald Trump.
“Chúng tôi sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc thử nghiệm phi đạn hàng tuần, hàng tháng, và hàng năm,” BBC trích thuật tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên, Han Song-Ryol.
Ông Han còn nhấn mạnh rằng “Nếu Mỹ liều lĩnh dùng phương tiện quân sự thì cũng có nghĩa là ngay ngày hôm đó sẽ có chiến tranh toàn diện.”
Tuần trước, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đã cảnh báo sẽ có một vụ tấn công hạt nhân nhắm vào Mỹ nếu Washington có bất kỳ dấu hiệu gây hấn nào. Tòa Bạch Ốc nói không có bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng đó.
Giới chức ngoại giao của Bình Nhưỡng nói Bắc Triều Tiên tin rằng võ khí hạt nhân của họ có thể bảo vệ họ trước đe dọa hành động quân sự của Mỹ.

Illinois có thể cấm đuổi hành khách xuống máy bay

Một nhà lập pháp bang Illinois ngày 17/4 đưa ra một dự luật cấm nhân viên chính quyền địa phương hay chính quyền liên bang không được cưỡng chế hành khách xuống máy bay sau vụ một hành khách của hãng hàng không United Airlines bị lôi ra khỏi máy bay hồi tuần trước.
Đạo luật Bảo vệ Khách hàng Hàng không do dân biểu Peter Breen bảo trợ xuất hiện sau vụ bác sĩ gốc Việt David Dao, 69 tuổi, bị đuổi khỏi chuyến bay United Airlines tại sân bay quốc tế O’Hare của Chicago để có chỗ cho bốn thành viên phi hành đoàn.
Vụ việc của bác sĩ Đào gây phẫn nộ công luận, làm hãng United Airlines phải nhiều lần lên tiếng xin lỗi, cũng như khiến mọi người thắc mắc về các chính sách của các hãng hàng không liên quan đến tình trạng đặt chỗ quá tải.
Theo dự luật của dân biểu Breen đề xuất, hành khách không thể bị cưỡng chế ra khỏi máy bay trừ khi họ đề ra nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác, trong trường hợp khẩn cấp hay hành khách đó gây rối nghiêm trọng.
Luật cũng cấm tiểu bang Illinois không được sắp xếp lữ hành, kinh oanh hoặc đầu tư vào bất kỳ hãng hàng không thương mại nào duy trì chính sách tống xuất hành khách để nhường chỗ cho nhân viên.
Sau sự cố hôm 9/4, bác sĩ Đào bị gãy mũi, chấn động tâm lý, và bị gãy hai chiếc răng vì bị lực lượng an ninh Cục Hàng không Chicago cưỡng chế ra khỏi máy bay để có chỗ cho bốn nhân viên trên chuyến bay quá tải.
Giám đốc điều hành của United Airlines, Oscar Munoz, ngày 17/4 một lần nữa lên tiếng xin lỗi công chúng vì sự việc này.
Luật sư của bác sĩ Đào đã yêu cầu bảo vệ chứng cứ, gửi đơn yêu cầu giữ lại các đoạn video an ninh và các tài liệu khác có liên quan đến chuyến bay 3411 để chuẩn bị cho một vụ kiện.
Chính quyền thành phố và hãng United đã đồng ý bảo vệ chứng cứ, luật sư của bác sĩ Đào cho biết hôm thứ Bảy.

TT Trump lại tấn công Đảng Dân Chủ và truyền thông

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai lại tấn công hai mục tiêu ưa chuộng của ông: các thành viên Đảng Dân chủ đối lập và truyền thông đại chúng.
Trong một bình luận trên Twitter, ông Trump viết:
“90 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của tôi đã phơi bày sự thất bại hoàn toàn của chính sách đối ngoại của 8 năm qua dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Đúng như vậy.”
Ông Trump không đơn cử bất kỳ thành công cụ thể nào, nhưng trong hai tuần qua ông đã phát động một cuộc tấn công phi đạn vào Syria để trả đũa việc chính quyền nước này sử dụng vũ khí hoá học, điều mà ông Obama đã không làm. Ông Trump còn ca ngợi quân đội Mỹ đã sử dụng bom phi hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay để phá hệ thống địa đạo của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan.
Ông Trump, một ông nhà kinh doanh trở thành chính khách đảng Cộng hòa, cũng bình phẩm về một sản phẩm văn hóa, khi ông ca ngợi “một cuốn sách tuyệt vời dành cho người thích đọc sách”. Sách hài dài hơn 260 trang mang tên “Những lý do để bỏ phiếu cho đảng Dân chủ: Cẩm nang đầy đủ”.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến cho thứ Ba, ông Trump lập luận: “Một chính khách siêu Dân chủ Tự do… muốn bảo vệ bọn tội phạm, cho phép các cuộc nhập cư bất hợp pháp và ủng hộ tăng thuế!”
Trong một dòng nhắn khác trên Twitter, ông Trump viết: “Truyền thông Giả mạo (chứ không phải truyền thông chính danh) lại còn tồi tệ hơn kể từ sau cuộc bầu cử tới nay. Mỗi câu chuyện đều thiên vị. Chúng ta phải đưa buộc họ phải tôn trọng sự thật.”
Ông Trump trải qua lễ Phục Sinh cuối tuần tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida, hôm thứ Hai ông đã trở lại thủ đô Washington để dự sự kiện nhân Lễ Phục Sinh hàng năm dành cho cho trẻ em và gia đình các em trên thảm cỏ Tòa Bạch Ốc.

Giải mã chiến thuật ba bước của ngoại giao Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao THAAD ở Hàn Quốc trong khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đang đến vùng Đông Bắc Á nhằm răn đe Bắc Hàn.
Nhưng cách xử lý cuộc khủng hoảng mà tác giả Niall Ferguson (Sunday Times 16/04/2017) gọi là ‘của chính Trung Quốc”, cũng làm lộ ra những chiêu thức Bắc Kinh đã áp dụng trong ngoại giao khu vực.
Grant Newsham, trong bài ‘The Real Reason China Is Desperate to Stop THAAD’ (National Interest, 25/03/2017 ) nêu ra mô thức hành xử quen thuộc (familiar Chinese modus operandi) của Trung Quốc.
Đây là cách Trung Quốc làm gần đây nhất nhắm vào Hàn Quốc giống như đã làm với Nhật Bản, Đài Loan và Philippines trước đây.
Sự kiện nhỏ – thách thức lớn
Về cơ bản, theo tác giả, mục tiêu của Trung Quốc là làm lung lay các cam kết của Hoa Kỳ trợ giúp đồng minh có hiệp ước hoặc đối tác trong vùng thông qua các bước đi nhỏ, cụ thể, tưởng như không có liên quan gì đến nhau.
Ông Grant Newsham mô tả rằng trong vụ gây sức ép lên Seoul, Bắc Kinh đã:
quan hệ với Hoa Kỳ không đáng cái giá phải trả về kinh tế và an ninh nếu làm xúc phạm Cộng hòa Nhân dân Trung HoaLời nhắn từ Trung Quốc
1. Chọn cách đánh vào một hành động bị Trung Quốc coi là mang tính tấn công – vụ triển khai tên lửa THAAD - dù Hoa Kỳ nói nó chỉ nhằm ngăn chặn tên lửa Bắc Hàn.
2. Đe dọa liên tiếp và gây thiệt hại về kinh tế: cấm tập đoàn Lotte, xóa tour du lịch và chặn mua bán hàng Hàn Quốc trên mạng.
3. Chối bỏ thẳng thừng rằng sự việc có chỉ đạo mà nói phản ứng chính đáng chỉ đến từ người dân Trung Quốc ’bị xúc phạm’.
Trung Quốc cũng tìm cách nhắn nhủ Hàn Quốc rằng quan hệ với Hoa Kỳ không đáng cái giá phải trả về kinh tế và an ninh nếu làm xúc phạm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, theo Grant Newsham.
Kể cả khi Seoul vẫn tiếp tục kế hoạch nhận hệ thống THAAD, liên minh quân sự với Hoa Kỳ ít ra cũng bị rung động và các bên có thể sẽ phản tự hạn chế trong quan hệ tương lai vì lo ngại về phản ứng của Trung Quốc.
Chính thức mà nói, Trung Quốc, qua lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã cảnh báo ‘xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào’ trong khi căng thẳng về chủ đề Bắc Hàn gia tăng.
Đây là cách ‘kiểu gì Trung Quốc cũng thắng’.
Grant Newsham nhắc lại vụ việc tương tự với Philippines năm 2012 sau khi Tổng thống Aquino sát lại gần Hoa Kỳ.
1. Trung Quốc chọn một điểm tưởng như chẳng có gì quan trọng là bãi cạn Scarborough, nằm trong Vùng Kinh tế Đặc quyền của Philippines, đưa thuyền vào nhằm nắn gân Hoa Kỳ đi kèm với lời hứa (suông) rằng Trung Quốc sẽ rút ra nếu Hải quân Philippines cũng rút khỏi vùng này.
2. Gây sức ép về kinh tế như chặn nhập khẩu chuối từ Philippines và dọa sẽ còn làm nặng tay hơn.
3. Hoa Kỳ phản ứng èo uột trong vụ Trung Quốc ngăn lối vào Scarborough và có vụ Tòa án Trọng tài Thường trực bác bỏ hành vi của Trung Quốc. Điều này tạo ra nghi ngờ về khả năng Hoa Kỳ giữ cam kết theo hiệp ước phòng thủ với Philippines.
Cùng với nhiệm kỳ tổng thống của ông Rodrigo Duterte vốn đã không mặn mà với Mỹ, liên minh Hoa Kỳ- Philippines không tan rã nhưng bị lung lay.
Trung Quốc cũng làm như vậy với Đài Loan (dùng đe dọa trực diện, tiếp theo là trả đũa kinh tế…) và thậm chí với cả Nhật Bản.
Năm 2012, Trung Quốc chọn cớ Nhật Bản “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku mà Tokyo nắm để tung ra cuộc khẩu chiến, rồi liên tiếp cho tàu cá và tàu hải giám vào biển của Nhật, có tàu Hải quân Quân Giải phóng đứng trông coi.
Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật với lý do là loại khoáng sản này chỉ còn đủ cho khách hàng Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình “tự phát” bài Nhật và vì ‘quần đảo Điếu Ngư’ cũng đột nhiên bùng lên ở Trung Quốc, gồm cả các vụ đập phá cơ sở kinh doanh của Trung Quốc.
Thậm chí lái những xe do Nhật Bản sản xuất cũng trở nên rủi ro với một số người.
Tất cả chỉ nhằm tạo ra nghi ngờ ở Nhật về cam kết của Hoa Kỳ, và cũng tạo ra lo ngại ở Mỹ sợ bị lôi kéo vào một cuộc chiến nhân danh Nhật Bản “chỉ vì vài khối đá ngoài biển”, tức quần đảo Senkaku.
Chỉ giỏi chiến thuật nhưng phản tác dụng?
Theo kết luận của Grant Newsham, các nỗ lực của Trung Quốc gây sức ép lên Nhật Bản lại tạo ra hậu quả không trông đợi.
Nhật Bản đã tăng quyết tâm thúc đẩy quốc phòng và công chúng Nhật cũng có thái độ cứng rắn hơn trước Trung Quốc.
Hai Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh lại cam kết phòng thủ với Nhật Bản, gồm cả việc bảo vệ lãnh thổ cho Nhật.
Tác giả này cho rằng Trung Quốc cũng từng dùng chiêu thức tương tự gần đây với Singapore, đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong ASEAN và có thể nhắm vào cả liên minh Mỹ – Úc cũng như khai thác vấn đề nội bộ ở Malaysia và Thái Lan để làm yếu đi vị thế của Mỹ.
Nhưng lời kết luận là Trung Quốc có thể chỉ giỏi tính về chiến thuật hơn là chiến lược và chiến thuật của họ cũng không phải lúc nào cũng có hiệu quả.
Tác giả kêu gọi Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ Donald Trump nên tránh không bị Trung Quốc lôi kéo vào các sự kiện cụ thể mà hãy nhìn toàn bộ bức tranh khu vực, tập trung đặt ưu tiên cho việc xây đắp các liên minh chính thức và không chính thức trong toàn vùng Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.
Điểm mấu chốt, theo Grant Newsham là Hoa Kỳ cần hiểu rằng “THAAD ở Nam Hàn không phải chỉ là hỏa tiễn và Biển Nam Trung Hoa không phải chỉ là chuyện tranh chấp cá”.

Chuyên gia: TQ có nhiều cách áp lực Bắc Triều Tiên

Trung Quốc có nhiều cách áp lực Bắc Triều Tiên hơn mọi người thường nghĩ, theo đánh giá của một cựu nhân viên CIA chuyên phân tích về Trung Quốc được CNBC trích dẫn ngày 17/4.
Ông Dennis Wilder, một chuyên gia về Trung Quốc, từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thốngs George W. Bush và Barack Obama, nhận xét cuộc diễu hành hoành tráng của Bình Nhưỡng hôm thứ bảy vừa rồi là một bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với quốc gia cô lập Bắc Triều Tiên như thế nào.
“Trong cuộc diễu hành đó, chúng ta thấy những thiết bị vận tải mà Trung Quốc cung cấp cho ngành công nghiệp vận tải gỗ Bắc Triều Tiên. Đây là chỉ là một chỉ dấu về loại thiết bị nào Trung Quốc tiếp tục cung cấp cho người Triều Tiên mà thẳng thừng hỗ trợ và tiếp tay cho dân Triều Tiên và những hoạt động của họ,” ông Wilder phát biểu với CNBC.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/4 tới thăm khu phi quân sự giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Ông cùng với quyền Tổng thống Hàn Quốc, Hwang Kyo-ahn, tuyên bố sẽ tăng cường quốc phòng sau đợt thử nghiệm phi đạn đạn đạo thất bại của Bình Nhưỡng một ngày trước đó.
Ông Pence cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng Trung Quốc sẽ có hành động cần thiết để thay đổi chính sách ở Bắc Triều Tiên.
Các nhà lập pháp thuộc cả lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ cho rằng Trung Quốc nắm chiếc chìa khóa giải tỏa căng thẳng với Triều Tiên và thúc giục Tổng thống tập trung nỗ lực áp lực Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của họ.
Giới lập pháp nói quan hệ ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng là đòn bẩy chính để giảm thiểu đe dọa từ Bắc Triều Tiên, và lãnh tụ phe thiểu số ở Thượng viện, ông Chuck Schumer, yêu cầu Tổng thống Trump ‘cứng rắn hơn’ với Trung Quốc.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, ngày 17/4 tuyên bố ‘Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các bên liên quan để phi hạt nhân hóa và bảo vệ hòa bình ổn định bán đảo Triều Tiên.’
Tuy nhiên, ông Lục cũng tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc rằng đối thoại và tham vấn là cách duy nhất để giải quyết vấn đề của bán đảo Triều Tiên.
Theo CNBC / Washington Post

Các lực chống đối thế lực truyền thống

sẽ chi phối cuộc bầu cử ở Pháp

Tương tự như ở Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái, động cơ chính dẫn dắt cử tri trong các cuộc bầu cử tại Pháp là những tình cảm chống thành phần ăn trên ngồi trốc bấy lâu và sự phẫn nộ về nạn tham nhũng, bè phái và các chính sách di trú mà một số người tin là đang đe doạ nền văn hoá Pháp và an ninh quốc gia. Các quan điểm ấy rất phổ biến không những tại các vùng thuộc vành đai công nghiệp, một cứ địa của ứng cử viên chống di trú Marine Le Pen, nhưng còn ngay tại Paris. Không như các khu vực công nghiệp, nhiều cư dân Paris về mặt bề ngoài không ra mặt ủng hộ bà Le Pen, nhưng thay vào đó, ủng hộ các ứng cử viên trung hữu sẽ tiếp tục lộ trình toàn cầu hoá có thể duy trì lối sống mới, thoải mái hơn cho thành phần chuyên nghiệp trẻ tại các khu vực thành thị giàu có ở Paris. Thông tín viên Luis Ramirez của Đài VOA tường thuật từ Paris.
Cảnh sát vũ trang tận răng đứng gác bên ngoài các nhà thờ và địa điểm du lịch nhắc nhở rằng các cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan đã trở thành một phần đời sống tại đây.
Tại quận 11 đầy màu sắc của Paris, dưới bóng của hí viện Bataclan, quang cảnh của các vụ cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất xảy ra vào tháng 11/2015, cư dân bá bỏ mọi ý kiến cho rằng những quan tâm về nạn khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo sẽ làm họ đổi ý để bầu cho bất cứ ai khác hơn là những nhân vật trung hữu.
Nhà khoa học chính trị Jean Yves Camus, một cư dân quận 11, nói:
“Chúng tôi có kỹ nghệ du lịch, những thắng cảnh Paris cho các công ty và doanh nghiệp nước ngoài. Nếu bầu cho Mặt trận Quốc gia, thì coi như là bỏ phiếu chống lại các lợi ích của chính mình, chống lại các lợi ích của thành phố đa văn hoá này. Chúng tôi nhận thức cao độ rằng mối đe doạ của thành phần cực đoan vẫn còn đó hầu như mỗi ngày, nhưng chúng tôi không phải là nạn nhân của Hồi giáo cực đoan.”
Bà Marine Le Pen và Mặt trận quốc gia của bà đã đưa vấn đề người di dân Hồi giáo vào tâm điểm của chiến dịch tranh cử của bà.
Các ứng cử viên thuộc cánh trung-tả về phần lớn tìm cách né tránh vấn đề, cũng như giới truyền thông dòng chính. Nhiều cư dân Paris thích bàn về nền kinh tế, nạn tham nhũng và bè phái, và vì sao họ không ủng hộ Mặt trận quốc gia.
Michel Molinas, một cử tri ở Paris, giải thích:
“Bởi vì phong trào cực hữu đi ngược với tinh thần của người Pháp. Bởi vì những người theo cánh cực hữu là những kẻ phát-xít. Đối với người Pháp đây không phải là phong trào của họ. Thật vậy. Đó là cách nhìn của tôi và tôi sẽ không bao giờ bầu cho họ. Không bao giờ. Không bao giờ.”
Một cử tri khác tên Vincent Terpant nhận định:
“Ông Macron, ông Fillon, đôi khi người ta nói những điều tiêu cực về các ông ấy, nhưng hai ông vẫn là các ứng cử viên có giá trị và vì vậy tôi sẽ chọn một trong hai người. Thành phần nắm quyền hành chính trị truyền thống vẫn như xưa. Sau 30 năm, 40 năm, có một số vấn đề nhưng chủ yếu, các tàu cao tốc vẫn tiếp tục chạy, các phi trường vẫn hoạt động, nên mục tiêu là như vậy. Ngay hiện nay thì các doanh nghiệp có mặt ở mọi nơi. Chủ yếu là con cái chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn một chút.”
Nhưng không phải tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái về hiện trạng này. Giới phân tích tiên đoán một số người sẽ lẳng lặng bầu cho bà Le Pen, như một cách phản đối, trong một cố gắng nhằm gây chấn động cho hệ thống cầm quyền.
Nhà bình luận chính trị Thomas Guenole:
“Họ căm thù các thành phần ăn trên ngồi trốc ở nước này. Hơn ¾ dân số Pháp tin rằng các chính khách là những con người đồi bại, truyền thông đại chúng cũng thế. Trong bối cảnh này, một vài người, một thiểu số, chỉ muốn đặt lựu đạn phá hoại cuộc bầu cử. Thế thôi.”
Trong khi một số muốn đoạn tuyệt với quá khứ, nhiều người không thấy có lý do để nổi loạn chống khuynh hướng toàn cầu hoá.
Tại khu vực thương mại La Defense ở Paris, anh Jeremy Teixeira, con của một gia đình di dân đến từ Bồ Đào Nha, đang tập sự tại một công ty đa quốc sẽ trả tiền học phí cho anh theo đuổi bằng cấp hậu đại học.
Anh nói:
“Trong tư cách một người trẻ, tôi ủng hộ toàn cầu hoá. Đó là một điều được áp đặt lên chúng ta. Chúng takhông thể lội ngược dòng, chúng ta phải nương theo nó. Đối với các doanh nghiệp, đối với các cá nhân, toàn cầu hoá là một điều tốt.”
Tại Paris, một thành phố đã thiết lập một chuẩn mực mới cho ý niệm công dân của thế giới và tính đa dạng văn hoá, ý niệm về một nước Pháp mới theo dân tộc chủ nghĩa, hướng nội và đi ngược về quá khứ, đối với nhiều cử tri, có thể lạ lẫm. Trong cuộc bầu cử tại Pháp lần này, vấn đề nằm ở mức độ chống đối sẽ mạnh mẽ tới đâu chống lại tình trạng hiện tại.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi Trung Đông, châu Phi

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang đi khắp Trung Đông và vùng Sừng Châu Phi giữa lúc Washington đang cân nhắc những thay đổi trong vai trò của Hoa Kỳ đối với an ninh khu vực. Các nước ông Mattis sẽ đến thăm bao gồm Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Israel, Qatar và Djibouti.
Bộ trưởng Mattis đi thăm Trung Đông trong tuần này, các nhà lãnh đạo tại đây cũng đang đánh giá cách tiếp cận của chính quyền mới ở Mỹ đối với Iran, đối thủ của họ trong khu vực.
Ông Brian Katulis thuộc Trung tâm vì Tiến bộ Mỹ, nói: “Trên thực tế, khi tôi ở Ả-rập Xê-út vào tháng 2, các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này nói họ đã cảm thấy nhẹ nhõm khi chính quyền ông Obama không còn nắm quyền vì theo họ, Tổng thống Obama dường như đã tỏ ra quá mềm mỏng đối với Iran”.
Chính quyền ông Trump có thể can dự nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng ở Yemen, thường được xem là một cuộc chiến tranh gián tiếp giữa Iran và Ả-rập Xê-út. Các quan chức Mỹ đã ra dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trumpmuốn tăng cường hơn nữa các mối quan hệ chiến lược với Ả-rập Xê-út, nước đã ủng hộ cuộc chiến chống phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn.
Ông Mattis cũng sẽ thảo luận về cách các đồng minh trong khu vực có thể giúp ổn định tình hình tại Iraq và Syria, nơi các lực lượng địa phương được liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu hậu thuẫn đang chiến đấu chống các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
Bộ trưởng Mattis cũng sẽ tới Djibouti, nơi đặt căn cứ duy nhất của Hoa Kỳ ở châu Phi. Nhưng lực lượng Mỹ không phải là đội quân duy nhất có mặt ở đó.
Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh với Mỹ, đang xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài chỉ cách các lực lượng Mỹ có vài kilômét, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Sừng Châu Phi.
Ông Rudy Deleon, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói: “Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ tại đây. Trung Quốc rõ ràng chú ý tới cáctài nguyên ở đó.”
Trong khi nhiều người dân trong khu vực hãy còn nghèo, các vùng đất và thềm lục địa lại rất phong phú về tài nguyên dầu mỏ, vàng và khí đốt thiên nhiên.
Các chuyên gia nói Trung Quốc đã tỏ ý định muốn đầu tư để phát triển một số khu vực nghèo nhất trong vùng, nơi người dân địa phương đang đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng.

Pháp bắt hai kẻ cực đoan, ngăn chặn âm mưu tấn công

Cảnh sát Pháp hôm thứ Ba bắt hai người đàn ông Pháp đã bị cực đoan hoá, ngăn chặn một vụ tấn công mà nhà chức trách cho là “có thể xảy ra bất cứ lúc nào” chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống.
Tại một cuộc họp báo ngắn, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Matthias Fekl, cho biết cảnh sát đã tịch thu súng và các vật liệu chế tạo bom của hai nghi can. Ông không cung cấp thêm chi tiết về các mục tiêu có thể bị tấn công, hoặc động cơ tấn công, nhưng ông nói ông nghi rằng vụ tấn công đã được lên kế hoạch để diễn ra vào “đêm hôm trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp”.
Ông nói: “Hai nghi can đã bị cực đoan hóa, sinh năm 1987 và 1993, có quốc tịch Pháp, có ý định tấn công trên đất Pháp trong nay mai, tức là trong những ngày tới”.
Ông Fekl nói rằng hai nghi can đã bị các đặc vụ an ninh quốc nội Pháp bắt ở thành phố Versailles. Ông nói công tác điều tra đang được xúc tiến, và cảnh sát đã phát hiện “những yếu tố chứng minh ý định tấn công khủng bố”.
Tổng thống Francois Hollande nói vụ bắt giữ “có tầm quan trọng lớn” và ca ngợi cảnh sát đã ngăn chặn được âm mưu tấn công khủng bố.
Pháp đã nâng cao cảnh giác đối với nạn khủng bố từ tháng 1 năm 2015, khi một tay súng Hồi giáo xông vào toà soạn của một tạp chí và bắt đầu giết người. Kể từ đó, hơn 230 người đã bị khủng bố giết chết ở Pháp.

Trung Quốc :

Phương Tây tẩy chay thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa

Trong danh sách được ngoại trưởng Trung Quốc công bố ngày 18/04/2017, trong số khách đã nhận lời mời đến dự hội nghị thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa mới, tổ chức vào tháng 5/2017, chỉ có duy nhất một lãnh đạo nhóm G7 là thủ tướng Ý. Đối với một hội nghị mà Bắc Kinh muốn là sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm, sự vắng mặt của các lãnh đạo tầm cỡ trên thế giới đã rất được chú ý.
Phát biểu nhân dịp giới thiệu hội nghị, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh trên con số đại diện của 110 quốc gia đến tham dự, trong đó có 28 nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ. Trong số này, dĩ nhiên là có lãnh đạo những nước được cho là thân thiết với Bắc Kinh, từ tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cho đến thủ tướng Cam Bốt Hun Sen.
Bên cạnh đó là một số nước muốn giao hảo tốt với Trung Quốc, từ tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, thủ tướng Malaysia Najib Razak, tổng thống Indonesia Joko Widodo hay bà Aung San Suu Kyi, nhân vật số một trong chính quyền Miến Điện hiện nay, cho đến tổng thống Kazakhstan, thủ tướng Thụy Sĩ, Cộng Hòa Séc, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Hungari, Serbia và Ba Lan.
Thế nhưng, ngoài thủ tướng Ý Paolo Gentiloni, danh sách không có tên 6 lãnh đạo còn lại trong nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhu Nhật, Mỹ, Anh, cho đến Pháp, Đức. Thủ tướng Úc cũng vắng mặt, tương tự như các lãnh đạo Ấn Độ, Hàn Quốc…
Theo hãng tin Anh Reuters, các nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh tiết lộ Trung Quốc đã hy vọng là sẽ có ít nhất là một lãnh đạo cấp cao phương Tây đến dự hội nghị, chẳng hạn như thủ tướng Anh Theresa May, để tăng thêm uy tín cho kế hoạch Con Đường Tơ Lụa, và nhất là xóa đi hình ảnh đó là sản phẩm Trung Quốc.
Thế nhưng, ngoại trưởng Trung Quốc hôm nay đã phải công nhận rằng Luân Đôn chỉ cử bộ trưởng Tài Chính Philip Hammond, đi thay, trong lúc Paris và Berlin cũng chỉ dự trù một phái đoàn cao cấp mà thôi vì cả Pháp lẫn Đức đều bận bịu với những cuộc bầu cử.
Bị phóng viên chất vấn là liệu Bắc Kinh có tức giận trước sự vắng mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây hàng đầu hay không, ông Vương Nghị xác định rằng Trung Quốc không muốn chính trị hóa một sự kiện mang tính chất « hợp tác tích cực ».
Tuy nhiên, Reuters đã nhắc lại vào năm 2015, nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh đã rất tức tối vì phần lớn các lãnh đạo phương Tây khước từ lời mời tham gia lễ duyệt binh rầm rộ mà Trung Quốc tổ chức để đánh dấu 70 năm kết thúc Thế Chiến Thứ II.
Các lãnh đạo phương Tây khi ấy không hài lòng với danh sách khách mời của Bắc Kinh, trong đó có tổng thống Nga Putin, người đã dùng võ lực chiếm vùng Crimée của Ukraina một năm trước đó. Phương Tây cũng cảnh giác với thông điệp mà Trung Quốc muốn bắn đi khi phô trương sức mạnh quân sự nhân dịp đó.
Lần này cũng vậy. Mặc dù Trung Quốc đã mô tả kế hoạch Con Đường Tơ Lụa như là một cố gắng của Bắc Kinh nhằm chia sẻ thành quả phát triển kinh tế cho mọi người, nhiều nước phương Tây đã lo ngại về sự thiếu vắng minh bạch và chi tiết trong dự án này và rất nghi ngờ các ý đồ chính trị thâm sâu của Trung Quốc.
Một lần nữa, theo các nguồn tin ngoại giao được Reuters trích dẫn, sự hiện diện của tổng thống Nga Putin và các lãnh đạo khác từ các quốc gia có hồ sơ đáng ngờ về nhân quyền, như Philippines và các nước Trung Á, đã góp phần làm cho phương Tây không muốn tham dự.

Bắc Triều Tiên thử nghiệm mô hình kinh tế tự do

Là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới, một trong những thành trì cuối cùng của mô hình kinh tế tập trung, Bắc Triều Tiên bắt đầu dành một chỗ đứng cho “thị trường“. Còn quá sớm để nói tới một sự “chuyển mình”, nhưng các phóng viên quốc tế đến Bình Nhưỡng tác nghiệp nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) nhận thấy một “sự thay đổi” tại Bắc Triều Tiên.
Trong bài phóng sự, đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos số ra ngày 14/04/2017, Yann Rousseau ghi nhận : Các cửa hàng ở Bình Nhưỡng ồn ào không kém những khu thương mại tại các thành phố lớn Á châu. Mọi người chen lấn nhau trước kệ bán bánh. Ở gian bán bia, bên cạnh những chai bia hàng “nội” mang nhãn hiệu Taedonggan của Bắc Triều Tiên còn có những chai Bia Saigon của Việt Nam.
Bất chấp cấm vận quốc tế, có tiền dân Bắc Triều Tiên vẫn có thể mua những chai rượu mạnh như Martini Bacardie hay rượu cô -nhắc Courvoisier của Pháp. Đến hàng rau quả, người mua không có nhiều sự lựa chọn.
Theo phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP, ở các siêu thị tại Bình Nhưỡng có cả những lon nước ngọt Coca Cola nổi tiếng của Mỹ. Trong các cửa hàng của Nhà nước, các dịch vụ mua bán được thanh toán bằng đồng won Bắc Triều Tiên. Nhưng đi taxi, hay ăn hiệu, hoặc mua bán lặt vặt ở vỉa hè, trả tiền bằng đô la, euro, hay đồng nhân dân tệ là chuyện thường tình mà không bị từ chối bao giờ. Đời sống của một phần dân cư thủ đô Bắc Triều Tiên “có vẻ dễ chịu hơn“.
Ngoại tệ được mua bán khá dễ dàng trên thị trường “chợ đen“. Điện thoại thông minh, xe hơi mới nhập của Trung Quốc hay được lắp rắp ngay tại Bắc Triều Tiên xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Những người bán rong thập thò ở các ngã tư, nhưng họ không còn bị đuổi bắt. Những người giàu có bắt đầu mua nhà ở các chung cư.
Về mặt chính thức, chế độ dòng họ Kim vẫn chủ trương “tự lực tự cường“, không lệ thuộc vào hàng hóa, vào tiền tệ của nước ngoài. Thực tế thì khác.
Khác biệt giữa lập trường chính thức và thực tế
Kinh tế Bắc Triều Tiên đang “từng bước thay đổi“. Đành là trên những đại lộ thênh thang ở Bình Nhưỡng không ai trông thấy bóng những bảng quảng cáo, mà chỉ đầy những bích chương hoành tráng, ca ngợi công lao các chiến sĩ, những người lao động, những vị anh hùng dân tộc Bắc Triều Tiên hay thành tích của Đảng.
Giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Khoa Học Xã Hội Bình Nhưỡng nói với phóng viên AFP : “Bắc Triều Tiên là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa (…) và không hướng tới một kế hoạch cải tổ theo mô hình kinh tế thị trường“.
Có điều cả AFP lẫn báo Les Echos cùng đưa ra nhận định : Tuyên bố chính thức này của một quan chức tại Bình Nhưỡng khác hẳn với những quyết định gần đây của Kim Jong Un.
Les Echos nói tới “vùng xám” trong kinh tế Bắc Triều Tiên : nơi mà ở đó Nhà nước trên nguyên tắc vẫn kiểm soát tất cả các, nhưng dân tình bắt đầu được mua bán giữa tư nhân với nhau. Theo giáo sư Andrei Lankov giảng dây tại đại học Kookmin-Seoul, “giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hiểu được rằng, nếu không để cho thị trường hoạt động, thì kinh tế không thể khá lên được, cho dù là ở một mức còn kém cỏi như hiện tại“. Andrei Lankov là tác giả một công trình nghiên cứu về tình hình kinh tế Bắc Triều Tiên vừa được đăng trên tạp chí của Quỹ Carnegie vì Hòa Bình Quốc Tế, trụ sở tại Hoa Kỳ.
Vài dấu hiệu “cởi trói”
Về những sáng kiến của tư nhân, AFP nêu lên trường hợp của công nhân viên các hợp tác xã. Ngoài các khoản đóng góp cho Nhà nước, họ sản xuất thêm “cho sinh hoạt gia đình“. Một số các hợp tác xã ở Bắc Triều Tiên đã được giải thể. Đất canh tác được trả lại cho nông dân. Phép lạ kèm theo là năng suất nông nghiệp tăng vọt.
Nhìn đến khu vực công nghiệp, AFP ghi nhận : một khi đạt chỉ tiêu về sản xuất mà chính quyền đặt ra, các lãnh đạo nhà máy được quyền “tự quản lý“, tự giao dịch với khách hàng hay các nhà cung cấp. Một kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại thành phố Wonsan nói với phóng viên Pháp : ngoài hợp đồng cho Nhà nước, công ty của ông đã “mở rộng cả một mạng lưới thương mại” để tự kiếm thêm các nguồn mua bán với tư nhân.
Wonsan là một thành phố duyên hải, hướng ra biển Nhật Bản, sống nhờ công nghiệp dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp hóa chất.
Cán bộ được chỉ thị “không can thiệp”
Một điều đáng chú ý khác, là cán bộ Nhà nước Bắc Triều Tiên được chỉ thị “không can thiệp vào các hoạt động kinh tế của tư nhân cho dù về mặt kỹ thuật thì đó vẫn là những hoạt động bất hợp pháp“.
AFP trích dẫn một số các nhà nghiên cứu nước ngoài, cho rằng, lĩnh vực kinh tế tư nhân có thể chiếm từ 25 % đến 50 % GDP Bắc Triều Tiên. Tại một đất nước khép kín như Bắc Triều Tiên, chỉ số tăng trưởng được giữ kín như thuộc phạm trù bí mật quốc gia.
Ngay cả các chuyên gia Hàn Quốc không thể xác định được rằng trong năm 2015, kinh tế Bắc Triều Tiên có tăng trưởng hay đã bị thu hẹp lại. Có điều, bước chuyển biến, dù chỉ mới manh nha trên quê hương của Kim Nhật Thành, khiến mọi người liên tưởng đến những bước đầu trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc dưới năm tháng Đặng Tiểu Bình.
Như ghi nhận của các chuyên gia, Bắc Kinh, đồng minh thân thiết nhất của chế độ Bình Nhưỡng đang khuyến khích Bắc Triều Tiên theo gương Trung Quốc. Giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Khoa Học Xã Hội Bình Nhưỡng nhìn nhận “chính sách cải tổ của Trung Quốc phù hợp với hoàn cảnh của quốc gia này. Người Trung Quốc ước ao và mong mỏi tiến trình cải tổ đó“. Nhưng Bắc Triều Tiên thì vẫn “quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa” !
Trước lời lẽ này của chuyên gia Bắc Triều Tiên, giáo sư Lankov, đại học Seoul cho rằng Bắc Triều Tiên không bao giờ nhìn nhận là phải “học tập” kinh nghiệm của nước khác. Nhưng điều ấy không cấm cản Bình Nhưỡng âm thầm đi theo mô hình mà Bắc Kinh đã vạnh ra, bởi mô hình đó đã giúp cho kinh tế Trung Quốc thành công mỹ mãn, để quốc gia châu Á này vươn lên thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Thái độ khăng khăng có tính toán của Bình Nhưỡng
Vẫn theo giáo sư Lankov, Kim Jong Un “hoàn toàn ý thức được” về tầm mức quan trọng của kinh tế thị trường. Lập luận khăng khăng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa chỉ là hình thức bề ngoài.
Marcus Noland, viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson tại thủ đô Washington cho rằng thái độ nói trên của Bình Nhưỡng là có tính toán. Về mặt chính thức, các hoạt động kinh tế tư nhân vẫn bị xem là bất hợp pháp – thậm chí những tội phạm có thể bị tử hình, và điều đó để ngỏ một cánh cửa cho phép chế độ “gài số lùi” trong trường hợp cần thiết.
Công khai nhìn nhận tiến hành cải tổ, hướng tới kinh tế thị trường không khác nào nhìn nhận một thất bại của chế độ.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng luôn gieo vào lòng dân ý tưởng Bắc Triều Tiên được gia đình xuất chúng của dòng họ Kim lãnh đạo. Nhà nghiên cứu Marcus Noland kết luận : Kim Jong Un bắt buộc phải “nuôi ảo vọng” về mặt ý thức hệ cho dù trên thực tế, chính sách kinh tế được thay đổi đến 180 độ.
Tại Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình xưa kia dám nhìn nhận đường lối của cố chủ tịch “Mao Trạch Đông đúng 70 % nhưng sai 30 %“. Ở Bắc Triều Tiên, “Kim Jong Un không thể nào tuyên bố rằng hai đời lãnh tụ trước, là ông nội và bố đã sai lầm, dù chỉ là 1 %“.

Bầu cử Pháp :

Ứng viên cực hữu đánh mạnh vào người nước ngoài

Không đầy một tuần trước vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, bị mất ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đảng Mặt Trận Quốc Gia ngày 18/04/2017 tiếp tục khai thác triệt để quan điểm bài ngoại, hứa hẹn sẽ trục xuất các phần tử cực đoan nước ngoài, phong tỏa các visa dài hạn và tái lập việc kiểm soát biên giới với nước Pháp.
Phát biểu trên đài phát thanh RTL, bà Le Pen nhắc lại rằng nếu đắc cử, bà sẽ ra lệnh đình chỉ các visa dài hạn trong khoảng thời gian hai tuần để chính phủ có thể xác minh rằng những người được cấp loại thị thực đó không cướp việc làm của công dân Pháp. Bà cũng chủ trương đánh thuế 10% đối với các hợp đồng lao động dành cho người nước ngoài và huy động lực lượng quân trừ bị ra kiểm soát vùng biên giới.
Đây là những lập luận đã được ứng viên cực hữu nhấn mạnh nhân cuộc mít tinh tại Paris vào hôm qua, một cuộc mít tinh được cho là không thu hút được lượng ủng hộ viên mong muốn.
Các cuộc thăm dò cho thấy bà Le Pen là một trong bốn ứng cử viên đang dẫn đầu, nhưng càng lúc càng bị ứng viên trung dung Emmanuel Macron phong trào Tiến Bước ! trực tiếp đe dọa.
Trong cuộc thăm dò mới nhất Opinonway-Orpi công bố hôm nay, bà Le Pen (22%), thua ông Macron 1 điểm, cho dù vẫn hơn hai người đi sau là François Fillon, cánh hữu (20%) và Jean-Luc Mélenchon cực tả 19%. Cuộc thăm dò tiếp tục cho thấy là ở vòng 2, bà Le Pen sẽ bị bại, bất kể đối thủ là Fillon hay Macron.
Vài giờ trước cuộc mít tinh của bà Le Pen vào hôm qua, cũng tại Paris, ứng cử viên Macron phát biểu trước một đám đông 20.000 ủng hộ viên, lớn hơn gấp gần 4 lần lượng cổ động viên của bà Le Pen. Và một lần nữa ông lên tiếng ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, hoàn toàn trái ngược với lập trường của bà Le Pen.
Trong khi đó, ứng cử viên François Fillon luôn tỏ ra tin tưởng vào chiến thắng và khẳng định chắc chắn ông sẽ lọt vào vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp. Trước những người ủng hộ tại Nice (miền đông nam nước Pháp), ông cho biết : « Tôi đã gây bất ngờ ngay tại vòng sơ bộ và chúng ta sẽ gây bất ngờ lần nữa tại các vòng bầu cử tổng thống sắp tới ».
Còn đại diện cực tả Jean-Luc Mélenchon, thì sáng tạo kiểu vận động mới, đi dọc sông Seine Paris trên một chiếc thuyền. Ông tỏ ý tin tưởng là sẽ vào được vòng trong.

Tướng McMaster cảnh cáo chiến thuật « hai mặt » của Pakistan

Nhân chuyến viếng thăm Afghanistan, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ ghé qua Pakistan, ngày hôm qua, 17/04/2017. Tại Islamabad, tướng McMaster khuyến cáo chính quyền và quân đội Pakistan không nên chơi trò hai mặt vừa chống khủng bố trong nước vừa dung thứ một số tổ chức cực đoan đánh phá các nước lân cận.
Từ Islamabad, thông tín viên Michel Picard tường thuật :
” Từ Kaboul, tướng Mc Master đã bất ngờ quá cảnh tại Islamabad trên đường về Mỹ. Vài giờ sau khi chỉ trích Pakistan thiếu hiệu năng trong cuộc chiến chống khủng bố, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ đưa ra một thông điệp có thể nói là thẳng thừng cảnh báo giới tướng lĩnh Pakistan : Phải chấm dứt chuyện phân biệt ở hậu trường giữa « taliban xấu » và « taliban tốt ». Taliban hoạt động ở Afghanistan là « tốt » còn taliban khủng bố trong lãnh thổ Pakistan là « xấu ».
Tướng McMaster yêu cầu Islamabad phải nỗ lực hơn nữa chống tất cả các nhóm võ trang cực đoan mà không phân loại thứ bậc xấu – tốt và bài trừ khủng bố dù dưới hình thức nào.
Tiếp theo đó, cố vấn an ninh Mỹ khen ngợi nền kinh tế và dân chủ của Pakistan. Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Nawaz Sharif, tướng McMaster gián tiếp báo trước là trong tương lai, hàng trăm triệu đô la viện trợ quân sự hàng năm cho Pakistan của Mỹ có thể sẽ được gắn liền với điều kiện : đó là thành quả cụ thể của chính sách diệt trừ khủng bố “.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên :

Mỹ – Nhật kiên quyết với Bình Nhưỡng

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence rời Seoul bay sang Tokyo ngày 18/04/2017 sau hai ngày làm việc tại Hàn Quốc để khẳng định quyết tâm bảo vệ đồng minh trước hiểm họa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Để trấn an các đồng minh, phó tổng thống Hoa Kỳ cam kết sẽ bàn luận kỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi lấy bất cứ quyết định nào.
Washington vừa trấn an các đồng minh Đông Bắc Á, vừa tiếp tục gia tăng áp lực buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Sau chặng dừng chân tại Hàn Quốc, phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tới Nhật Bản. Hội kiến với thủ tướng Abe, đôi bên khẳng định chủ trương phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng cho mọi giải pháp, nhưng trước mắt ưu tiên con đường ngoại giao để giải quyết khủng hoảng.
Washington và Tokyo kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn. Theo Reuters, trong cuộc họp báo trước bữa ăn trưa với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, phó tổng thống Mỹ nhắc lại : « Thời kỳ ‘‘kiên nhẫn chiến lược’’ đã qua và hiện tại mọi giải pháp đều đang được xem xét. Tổng thống (Donald) Trump kiên định trong lập trường phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản, với Hàn Quốc, với tất cả các đồng minh trong khu vực, và với Trung Quốc nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ».
Ông Pence tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho Nhật Bản, thể theo các thỏa thuận quân sự giữa hai đồng minh. Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản cho biết : Phó tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật nhất trí về việc cần thuyết phục Trung Quốc « đóng một vai trò quan trọng hơn ».
Thủ tướng Nhật nhấn mạnh : « Điều rất quan trọng là tiếp tục nỗ lực về mặt ngoại giao và tìm kiếm một giải pháp hòa bình… Nhưng cùng lúc đó (cần hiểu là) việc đối thoại thuần túy không có giá trị gì hết. Cần phải gia tăng áp lực ».
Trả lời phỏng vấn báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố Nhật Bản đang chuẩn bị gửi các binh sĩ đến bán đảo Triều Tiên để bảo vệ kiều dân nước mình, trong trường hợp khủng hoảng bùng phát, cần sơ tán.
Mỹ cam kết « hội ý » với Seoul trước khi xử lý Bình Nhưỡng.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tổng kết :
“Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thực hiện một loạt hành động biểu tượng. Lần lượt, ông đặt chân đến biên giới chia đôi bán đảo Triều Tiên và thăm viếng một căn cứ quân sự Mỹ để gặp gỡ một số binh sĩ trong lực lượng 28.500 quân Mỹ đồn trú thường trực tại Hàn Quốc.
Sau khi hội đàm với quyền tổng thống Hwang Kyo Han, phó tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ nhanh chóng bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm trung-cao THAAD, kế hoạch đang bị đối lập cánh tả phản đối mạnh.
Điểm nổi bật nhất là từ Seoul, ông Mike Pence gửi thông điệp mới cảnh cáo chính quyền Bình Nhưỡng không nên trắc nghiệm « quyết tâm » của tổng thống Donald Trump trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Cuối cùng, phó tổng thống Mỹ cam kết với đồng minh là « Hoa Kỳ sẽ bàn tính kỹ với giới lãnh đạo Hàn Quốc trước khi lấy bất cứ quyết định gì liên quan đến Bắc Triều Tiên ». Thông điệp này nhằm trấn an đồng minh Nam Hàn mà mối lo âu lớn nhất là Hoa Kỳ đơn phương tấn công Bắc Triều Tiên.”

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.