Tin khắp nơi – 17/04/2017
Thế giới có đoàn kết
trước thái độ thách thức của Bắc Triều Tiên?
Mọi sự chú ý ở Washington đang đổ dồn về Bắc Triều Tiên sau khi Bình nhưỡng thực hiện vụ phóng phi đạn mới nhất và phô trương các loại vũ khí có thể là phi đạn tầm xa và phi đạn đặt trên các tàu ngầm. Thông tín viên Mike Bowman của VOA tường trình rằng vụ phóng một phi đạn tầm trung của Bắc Triều Tiên đã thất bại, phát nổ chỉ vài giây sau khi được phóng lên, nhưng cũng chứng minh thái độ của Bình nhưỡng tiếp tục thách thức áp lực từ bên ngoài, đòi Bắc Triều Tiên phải ngưng các chương trình vũ khí và phi đạn đạn đạo của họ.
Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc vài giờ sau vụ phóng thử phi đạn, một sự cố ông không thể làm ngơ trong bài diễn văn đọc trước các binh sĩ Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc.
“Hành động khiêu khích của miền Bắc sáng hôm nay là một nhắc nhở mới nhất về những nguy cơ mà mà mỗi một người trong các bạn phải đối phó mỗi ngày trong nhiệm vụ bảo vệ tư do cho nhân dân Nam Triều Tiên và bảo vệ Hoa Kỳ tại khu vực này của thế giới. ”
Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ lại có một vấn đề mới để cân nhắc: những phi đạn tầm xa nhất của Bắc Triều Tiên là gì, tính tới thời điểm này.
Phát biểu trên chương trình This Week của đài ABC, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ McMaster nói:
“Mục đích của cuộc diễn hành này là chứng minh khả năng quân sự của miền Bắc nhằm đe doạ người khác. Còn liệu các vũ khí đó là vũ khí thực hay giả, thì hiện chưa rõ.”
Dù là vũ khí có thực hay là vũ khí giả, chính quyền của Tổng thống Trump đang ra những dấu hiệu về quyết tâm ngày càng mạnh mẽ của mình để loại bỏ mối đe doạ do Bắc Triều Tiên đặt ra.
Cố vấn an ninh quốc gia McMaster:
“Tất cả mọi giải pháp đều được công khai đặt ra. Điều rõ ràng là Tổng thống Trump quyết không cho phép khả năng quân sự đó đedoạ Hoa Kỳ. Và Tổng thống của chúng tôi sẽ hành động.”
Trong nhiều thập niên, nhiều chính quyền Mỹ liên tiếp đã hối thúc Trung Quốc hãy tăng sức ép đối với Bắc Triều Tiên. Tổng thống Trump cũng đang làm điều đó, và dương như sẵn sàng dẹp bỏ một lời cam kết chủ yếu của ông để bảo đảm sự hợp tác của Bắc Kinh.
Tổng thống Trump phát biểu hôm 28/7, trong thời gian vận động tranh cử:
“Tôi sẽ chỉ thị Bộ trưởng Tài chính của tôi chỉ định Trung Quốc là một nước thao túng đơn vị tiền tệ, điều lẽ ra đã phải làm từ nhiều năm trước.”
Thất bại hay thành công trong nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình nhưỡng sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn, theo những nhân vật có kinh nghiệm trực tiếp về tình hình bán đảo Triều Tiên.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, Christopher Hill, nói trên chương trình This Week của kênh ABC:
“Bắc Triều Tiên đã thực hiện hơn 25 vụ thử nghiệm phi đạn. Họ đang làm việc để phát triển cả một thế hệ phi đạn mới. Nhiều người thường có quan điểm cho rằng theo cách nào đó, đây chỉ là vì sự sống còn của chế độ Bắc Triều Tiên, có vũ khí hạt nhân là cách để họ sống còn. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng tham vọng của họ cao hơn thế. Bắc Triều Tiên coi đây là một phương tiện để theo cách nào đó, họ có thể tách Hoa Kỳ ra khỏi các đồng minh của nước này.”
Cố vấn an ninh McMaster nhận định trên kênh ABC:
“Hiện có một sự đồng thuận quốc tế, kể cả trong giới lãnh đạo ở Trung Quốc, rằng tình hình hiện nay không thể kéo dài.”
Sự đồng thuận đó có phần chắc sẽ bị mang ra thử thách trong những tháng sắp tới.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ gặp lãnh đạo Pakistan
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster đang đi thăm Pakistan và gặp gỡ với các giới chức dân sự và quân sự về các vấn đề an ninh song phương và các nỗ lực nhằm ổn định tình hình ở nước Afghanistan lân cận.
Ông McMaster tới thủ đô Islamabad của Pakistan hôm thứ Hai, một ngày sau khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Afghanistan ở thủ đô Kabul để xem xét và đánh giá tình hình liên quan đến các hoạt động chống nổi dậy và chống khủng bố của quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan.
Sau cuộc gặp giữa ông McMaster với cố vấn chính sách đối ngoại của Pakistan Sartaj Aziz, một thông báo chính thức cho biết Islamabad đã nêu lên những quan ngại về tình hình an ninh đang xấu đi ở Afghanistan.
Thêm vào đó, ông Aziz “tái khẳng định” cam kết của Pakistan trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để hỗ trợ các nỗ lực hòa bình và hòa giải cho Afghanistan. Thông báo này đề cập việc ông McMaster ghi nhận những sự hy sinh của Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.
Đây là chuyến đi đầu tiên của ông McMaster tới khu vực này kể từ khi ông trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump. Chuyến đi cũng được thực hiện sau khi có các tư lệnh quân đội Mỹ kêu gọi tăng quân lên hàng ngàn người, ngoài số 8.400 binh sĩ Mỹ đã có mặt ở Afghanistan, để giúp phá vỡ tình trạng “bế tắc” trong cuộc chiến chống Taliban.
Phát biểu với một đài truyền hình địa phương của Afghanistan sau khi kết thúc cuộc họp ở thủ đô Kabul, ông McMaster không bình luận về câu hỏi liệu một chiến lược mới mà chính quyền tổng thống Trump đề ra có bao gồm quyết định tăng cường lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan hay không.
Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster nói:
“Một phần của chiến lược mới sẽ do Tổng thống Trump quyết định. Tổng thống Trump sẽ quyết định về phương thức hành động tốt nhất để giúp thúc đẩy tiến bộ trong cuộc chiến và mang lại hòa bình và an ninh vững bền cho nhân dân Afghanistan.”
Ông cũng có một thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo ở Pakistan, giữa lúc các giới chức Afghanistan tố cáo các phần tử nổi dậy Taliban đã lập căn cứ tại Pakistan và tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Afghanistan với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Pakistan.
Các giới chức Pakistan bác bỏ những cáo buộc nói họ chứa chấp quân Taliban và khẳng định các hoạt động chống khủng bố gần đây đã phá huỷ cơ sở hạ tầng của khủng bố, đặc biệt là ở các khu vực biên giới. Islamabad nhấn mạnh rằng quân nổi dậy đã trốn sang hàng chục quận ở Afghanistan hiện đang do Taliban kiểm soát.
Những lời tố cáo lẫn nhau về việc bên nào chứa chấp các phần tử chủ chiến chống lại nhà nước và tài trợ các cuộc tấn công khủng bố ở nước kia, đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Afghanistan và Pakistan trong những năm gần đây.
Mỹ: ‘Thời kỳ kiên nhẫn với Bắc Hàn’ đã hết
Phó tổng thống Mike Pence nói “thời kỳ kiên nhẫn với Bắc Hàn” của Hoa Kỳ đã kết thúc.
Ông Pence đưa ra tuyên bố này trong chuyến thăm đến Khu Phi quân sự (DMZ), nơi phân chia hai miền của bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm diễn ra khi căng thẳng giữa Bắc Hàn và Mỹ leo thang chỉ trong vài tuần gần đây, với những tuyên bố khiêu khích từ hai bên.
Phó tổng thống Mỹ đến Seoul hôm 16/4, chỉ vài giờ sau khi Bắc Hàn bắn thử một tên lửa đạn đạo, một động thái ông cho là “khiêu khích”.
Cuộc thử tên lửa này đã thất bại, nổ tung chỉ sau vài phút rời bệ phóng.
Hôm 17/4, Mỹ và Nam Hàn tiến hành một cuộc tập dợt không quân để đảm bảo sẵn sàng đối phó với Bắc Hàn, theo truyền thông Nam Hàn.
Ông Pence đi trực thăng đến Doanh trại Bonifas, một khu vực quân sự của Liên Hiệp Quốc gần Khu Phi quân sự.
Ông dự kiến sẽ thăm ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi ký kết thỏa thuận đình chiến của Chiến tranh Triều Tiên.
Cha ông từng chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên. Ông nói với phóng viên rằng sự liên minh giữa quân đội Mỹ và Nam Hàn mang tính “lịch sử” và là “một minh chứng cho mối quan hệ bền vững giữa hai nước.”
Ông Pence nói: “Đã có một thời kỳ có sự kiến nhẫn chiến lược, nhưng thời kỳ đã kết thúc.”
Mỹ mong muốn đảm bảo an ninh trong bán đảo “bằng cách biện pháp hòa bình, qua các thỏa hiệp,” ông nói, “nhưng giờ mọi biện pháp đã được đặt lên bàn.”
Một cố vấn quân sự cấp cao của Hoa Kỳ nói nước này đang lên một danh sách với Trung Quốc về các biện pháp đối phó với Bắc Hàn, sự xác nhận đầu tiên về việc hai quốc gia hợp tác để giải quyết vấn đề Bắc Hàn.
Trong khi đó khoảng 1,000 lính không quân Mỹ và phi cơ chiến đấu đang tham gia vào một cuộc tập dợt quân sự ở Nam Hàn, theo như thông xã Yonhap. Nam Hàn cũng gửi 500 lính và máy bay tham gia. Cuộc tập dợt Max Thunder sẽ kéo dài trong hai tuần.
Ông Mike Pence, người dự kiến sẽ có cuộc gặp với quyền tổng thống Nam Hàn, sẽ có chuyến thăm bốn nước trong 10 ngày ở châu Á.
Ngoài đợt bắn thử thất bại cuối tuần rồi, Bắc Hàn cũng đã có nhiều loạt bắn thử tên lửa vào tuần trước bao gồm một cuộc diễu binh quy mô lớn hôm 15/4.
Bà Park Geun-hye chính thức bị buộc tội tham nhũng
Các công tố viên Hàn Quốc đã chính thức buộc tội bà Park Geun-hye, Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất, về tội hối lộ trong một vụ bê bối tham nhũng gây nhiều chú ý.
Viện công tố công bố bản cáo trạng hôm thứ Hai 17/4, và chuyển hồ sơ sang tòa án hình sự.
Bà Park là vị tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ bị bắt và tạm giam vào tháng trước, khi tòa án Hàn Quốc phê chuẩn lệnh bắt giữ của một công tố viên, cáo buộc bà về tội hối lộ, tống tiền và lạm dụng quyền lực.
Những truy tố hình sự chống lại bà Park có liên quan đến vụ bê bối chính trị đã buộc bà phải rời khỏi chức vụ. Bà Park bị cáo buộc là thông đồng với một người bạn lâu năm là bà Choi Soon-sil để gây ép các tập đoàn Hàn Quốc phải đóng góp hơn 69 triệu đôla cho hai quỹ từ thiện mờ ám.
Trong nhiều tháng qua, vụ án bà Park đã gây chia rẽ trong công chúng, khi cả các đối thủ chính trị và những người ủng hộ bà đều tổ chức các cuộc tuần hành quy mô để phản đối lẫn nhau.
Bà Park có thể đối mặt với bản án hơn 10 năm tù nếu bị kết tội nhận hối lộ từ chủ nhân của các tập đoàn lớn, kể cả tổng giám đốc của tập đoàn Samsung Jay Y. Lee, để đổi lấy những quyền lợi từ bà Park.
Ông Lee bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông có đưa hối lộ để đổi lấy các lợi ích cho tập đoàn Samsung.
Ông Lee và bà Choi đang bị tạm giam và sẽ được xét xử riêng.
Syria kêu gọi thế giới hãy tập trung chống khủng bố
Bộ Ngoại giao Syria nói cộng đồng quốc tế cần đoàn kết trong các nỗ lực chống khủng bố, và “ngăn chặn âm mưu đánh lạc hướng hay làm ngơ” ưu tiên của cuộc chiến đó hầu tái ổn định Syria, sau cuộc chiến tranh tàn phá kéo dài hơn sáu năm qua.
Bộ Ngoại giao Syria đưa ra bình luận vừa kể hôm Chủ Nhật trong các thư gửi tới Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an LHQ. Những bức thư đề cập tới vụ đánh bom ở thị trấn Rashideen hôm thứ Bảy, nhắm vào một đoàn xe buýt chở những người di tản từ các khu vực thân chính phủ ra khỏi các thị trấn bị bao vây theo một thỏa thuận đã đạt được trước đó.
Cuộc xung đột tại Syria có sự tham gia của nhiều nhóm, kể cả những nhóm có liên kết với khủng bố như al-Qaeda. Nhưng chính phủ Syria từ trước tới giờ vẫn đổ gộp tất cả các chiến binh chống đối Tổng thống Bashar al-Assad và liệt tất cả vào thành phần mà họ gọi là “khủng bố”.
Các lá thư của chính quyền Syria lặp lại lời tố cáo của nước này rằng các nước như Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, hậu thuẫn các nhóm nổi dậy, là hỗ trợ cho “các tổ chức khủng bố”.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria -có trụ sở ở Anh, nói cuộc tấn công đã giết chết ít nhất 126 người và làm bị thương nhiều người hơn.
Hiện chưa rõ ai chịu trách nhiệm về vụ đánh bom, nhưng các nhóm thánh chiến Hồi giáo Sunni, bao gồm cả chi nhánh của al-Qaeda ở Syria, hoạt động trong khu vực này và thường xuyên tấn công người Shia.
Phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Guterres đã lên án cuộc tấn công ở thị trấn Rashideen, và kêu gọi tất cả các bên liên quan đến thỏa thuận di tản phải đảm bảo an toàn cho những người chờ tản cư.
Điều phối viên đặc trách dịch vụ cứu trợ khẩn cấp của LHQ Stephen O’Brien cũng kêu gọi các bên tranh chấp ở Syria phải “bảo vệ thường dân và nên phân biệt giữa các mục tiêu quân sự và dân sự”.
Ông O’Brien cho biết các tổ chức nhân đạo, kể cả Liên hội Chữ Thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ Syria-Ả rập (SARC) và các đối tác của LHQ, đang hỗ trợ những người bị thương, kể cả chở họ tới bệnh viện.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Syria viết trên Twitter: “Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án các cuộc tấn công dã man chống lại thường dân vô tội ở bắc Syria, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.”
Trung Quốc và Nga tuần thám hàng không mẫu hạm của Mỹ
Trung Quốc và Nga đều đưa tầu tuần thám bám sát hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đoàn tầu hộ tống của Mỹ, trong lúc các chiến hạm Hoa Kỳ đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên.
Tin này được nhật báo Yomiuri Shimbun xuất bản tại Tokyo loan tải, viết rằng nghe được từ những nguồn tin phát xuất từ chính phủ Nhật. Khi trích dẫn tin này, hãng thông tấn AP nhận định dường như cả Trung Quốc lẫn Nga đều muốn dọ thám động thái của Hoa Kỳ trước những biến chuyển liên tục xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.
Bản tin của AP cũng cho thấy đoàn tầu chiến Mỹ đang ở trong hải phận Biển Hoa Đông, tiếp tục tiến về hướng Bắc để đến vùng biển sát với Bán Đảo Triều Tiên.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc và Nga đều lên tiếng kêu gọi giải quyết căng thẳng theo đường lối ôn hòa, thông qua nỗ lực chính trị và ngoại giao. Thứ Sáu tuần trước, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại Trưởng Nga Seigei Lavrov cùng nói là sẵn sàng tiếp tay để giảm bớt mực căng thẳng đang có, và kêu gọi các nước trở lại bàn đàm phán.
Trong cuộc họp báo thường lệ, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng phải tức khắc nối lại cuộc đàm phán quy tụ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam và Bắc Hàn. Cuộc đàm phán bị gián đoạn từ năm 2009, sau khi Bình Nhưỡng không thực hiện đúng lời cam kết là sẽ ngưng theo đuổi chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Dưới thời Tổng Thống Barack Obama, đề nghị này từng nhiều lần được nói tới nhưng không thực hiện được, vì Hoa Kỳ cùng với 2 đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản đặt điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng phải ngưng chương trình chế tạo võ khí trước khi nói tới chuyện gặp nhau trở lại ở bàn hội nghị.
ASEAN sắp gặp nhau ở Philippines
Hơn 200 đại biểu đại diện cho các nước ASEAN sẽ gặp nhau vào ngày 19 tháng Tư tới đây ở đảo Panglao thuộc tỉnh Bohol, Philippines, để tiếp tục cuộc thảo luận về bản hiệp định tự do mậu dịch ASEAN dự tính sẽ ký kết với Hồng Kong.
Khi thông báo tin này, ông Catalino Cuy, Quyền Bộ Trưởng Nội An Philippine, nói rằng “hiện giờ địa điểm tổ chức là địa điểm an toàn nhất của Phi”, nhắc lại “mục tiêu Manila đặt ra là đảm bảo an ninh cho tất cả những hội nghị quốc tế” diễn ra trên đất Phi.
Phát biểu này được đưa ra sau khi một số nước ASEAN bày tỏ quan ngại về những bất ổn đang xảy ra ở Philippines, nhất là chuyện khủng bố Abu Sayyab và những tổ chức Hồi Giáo quá khích làm việc cho ISIS thường dùng tầu đi từ đảo này sang đảo khác để đặt bom phá hoại, hoặc bắt cóc du khách nước ngoài để đòi tiền chuộc.
Jean Luc Mélenchon, ‘Chiến hạm Rạng Đông’ trên sông Seine
Phạm Cao PhongGửi tới BBC Tiếng Việt từ Paris
Gần đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp (23/04/2017), ứng cử viên đảng Nước Pháp Bất Khuất – La France Insoumise – ông Jean Luc Mélenchon đang gặt hái những bước tiến quan trọng.
Hiện nay chỉ số dự đoán là ứng cử viên cực tả này có lúc đã vượt qua ứng cử viên cánh hữu và trung hữu François Fillon. Ở hai vị trí dẫn đầu trong cuộc thăm dò, vẫn là hai gương mặt quen thuộc: ứng cử viên Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia FN (25%) và ứng viên Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước (25%).
Khi con số 30% cử tri còn lưỡng lự chưa lựa chọn ai là người đại diện cho mình vào ghế Tổng thống, thì ứng cử viên được coi là ‘Hugo Chavez’ của Pháp cũng không phải là không có hy vọng lọt vào vòng hai.
Sự lo ngại đó thể hiện trong việc tất cả những ứng cử viên tốp đầu là Marine Le Pen, Emmanuel Macron, François Fillon đều đang chĩa mũi dùi vào cơn bão đỏ.
Việc ‘Maximilien Ilitch Melenchon’ (chơi chữ – người theo chủ nghĩa Mác và Ilitch Lenin) tiến tới Điện Elysée giống như việc chiến xa Nga nghiến xích trước cửa ngõ Paris. Hay như hình ảnh của Công xã Paris với Robes Pierre.
Thăm dò dư luận cử tri
Có tài hùng biện, Jean Luc Mélenchon có thể diễn thuyết trong vòng sáu đến bảy tiếng, gợi nhớ đến nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro.
Ly khai với Đảng Xã hội từ năm 2008, J.L Mélenchon đã thu được 11,1% số phiếu trong lần tranh cử năm 2012.
Hiện tại, thăm dò dư luận đánh giá ông có được 18-19%, chỉ cách đảng FN của bà Marine Le Pen và phong trào ‘Tiến bước’ của ông Emmanuel Macron một khoảng cách nhỏ.
Một kịch bản có thể xẩy ra là cuộc đối đầu giữa hai cánh cực tả và cực hữu. Ứng cử viên chính thức của Đảng Xã hội Benoit Hamon hiện đã bị bỏ xa, chỉ còn chiếm 8% số phiếu. Nhiều khả năng những người kỳ vọng vào Hamon sẽ ngả theo Melenchon.
Cũng nên nhớ rằng, thắng lợi hai nhiệm kỳ 1974 và 1981 của Tổng thống François Mitrand cũng dựa trên liên minh của Đảng Xã Hội và Đảng Cộng Sản Pháp.
Đảng Cộng Sản Pháp cũng đang tích cực sát cánh ủng hộ ‘Nước Pháp Bất Khuất – La France Insoumise’.
Không còn hát ‘Quốc tế ca’ của phong trào cộng sản như lần tranh cử năm 2012, song Mélenchon cũng lấy Marseillais, bản quốc ca đã là cảm hứng cho cuộc cách mạng nước Nga năm 1917 trong mỗi cuộc mit tinh.
Mạnh về Internet và kỹ thuật mới, thậm chí Mélenchon còn sử dụng kỹ thuật ảnh ảo ‘hologramme’ để ‘có mặt’ tại hai nơi cùng một lúc, nhằm thu hút tối đa người nghe.
Vậy tại sao J.L Mélenchon đang nổi lên vang dậy như những phát đại bác của chiến hạm ‘Rạng Đông’ đã đánh thức cuộc Cách mạng tháng Mười Nga lại không thể làm rung chuyển nền Đệ ngũ Cộng hoà, một nền ‘Quân chủ Tổng thống’ mà mỗi cá nhân ngồi vào chiếc nghế quyền lực này muốn làm gì thì làm, được những miễn trừ tư pháp khi đương nhiệm và nhiều đặc quyền khác cho đến hết đời?
Jean Luc Mélenchon tuyên bố: ‘Phong trào của chúng ta là một biểu hiện chính trị, là một sự nổi dậy của công dân chống lại chế độ Quân chủ Tổng thống’.
Sức hấp dẫn
Ông thu hút đám đông cảm tình viên của phong trào tập hợp xung quanh với ước muốn nổi dậy chống lại các định chế bị cho là đã xa rời quần chúng, hiện tượng các nhà làm chính trị truyền thống bỏ ngoài tai những kiến nghị của người dân.
Nước Pháp Bất Khuất đang lôi cuốn được thành phần cử tri bị lãng quên, đánh thức sự nổi dậy của một bộ phận ngày càng lớn dân chúng phản kháng lại một xã hội ngày càng nẩy sinh bất công và lớp trẻ đầy lo âu trước tương lai.
Melenchon biết nắm bắt mạch đập đó và trong cả hai cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống ông đều kiếm điểm, xuất sắc với tài hùng biện trước những đối thủ cạnh tranh.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận cử tri do hãng Ifop-Fiducial thực hiện cho thấy, Mélenchon là ứng cử viên duy nhất trong số 5 ứng cử viên lớn được thêm cử tri ủng hộ, tăng 2% so với một tuần lễ trước đó.
Ví dụ gần đây là trong cuộc truyền hình trực tiếp ngày 04/04/2017 giữa 11 ứng viên tổng thống, thăm dò dư luận qua internet cho thấy ông được đánh giá là người thuyết phục nhất, vượt cả ông Emmanuel Macron, cũng nổi tiếng về cách ăn nói.
Sau chương trình trên kênh TF1, con số người ghi tên ủng hộ ông tăng từ 280.000 lên 354.000 người, và thu được 2,2 triệu Euros, hơn cả phong trào ‘Tiến bước’ của E.Macron.
‘Sự trỗi dậy của các ứng viên cực tả’
Hứng khởi đó đã tạo thêm đà cho ứng cử viên cực tả này. Riêng trong hai tuần gần đây, J.L.Mélenchon đã đi qua 30.000km để đến với cử tri. Vượt qua Benoit Hamon (PS) đang tắt giọng, ông Mélenchon mặc nhiên trở thành ứng cử viên số một của cánh tả Pháp.
Tổng thống François Hollande dù tránh không muốn bày tỏ lập trường cũng phải lên tiếng tỏ ý nghi ngại trước những diễn biến của cuộc bầu cử có thể dẫn tới kịch bản hai ứng viên Marine Le Pen và Jean-Luc Melenchon vào vòng hai.
Emmanuel Macron thì tuyên bố ‘sợ một nền hoà bình của Vladimir Putin mà ông Mélenchon đang biện hộ’.
Lãnh tụ đảng Nước Pháp Bất Khuất nêu bật cương lĩnh tranh cử của mình là thiết lập nền Đệ Lục Cộng Hòa, rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và NATO, chế độ hưu bổng 100% ở tuổi 60, sau khi đóng góp đủ 40 năm, bình đẳng về lương giữa nam và nữ, tự do sử dụng cannabis, y tế công cộng miễn phí, ngừng tư nhân hóa dịch vụ công cộng, tạo thêm 60.000 việc làm cho giáo dục, 62.000 bác sĩ và y tá, cải cách sâu rộng điều trị y tế…
Sinh ngày 19/8/1951 tại Tanger (Maroc), Mélenchon có bố và mẹ đều sinh ra tại Algérie. Sau cách mạng Algérie thành công, ông trở về Pháp.
Liệu đây có thể là lợi thế cho ứng cử viên này thu hút sự ủng hộ của 6 triệu người là sắc dân Bắc Phi sinh sống tại Pháp?
Theo thống kê của Viện Ifop, 86% người Hồi giáo đã bỏ phiếu cho chiến thắng của Tổng thống F.Hollande. Liệu lần này họ sẽ ngả về phía nào?
Sau bầu cử Mỹ, yếu tố Nga cũng nên được tính đến trong bầu cử Pháp lần này. Đứng về khía cạnh địa chính trị, bầu cử ở Pháp còn có trọng lượng hơn vì thắng lợi của một ứng viên thân Nga sẽ tạo nên một trục Nga-Pháp, đối trọng với Đức vốn từ trước tới nay vẫn đoàn kết với Pháp trong các hồ sơ quốc tế, hay việc cấm vận nước Nga.
Đối với ông Putin, điều đó có nghĩa là một sự chia cắt phương Tây.
Sau khi François Fillon thất thế với những bê bối tạo việc làm ma, nước Nga đặt hy vọng vào Marine Le Pen, người đến Nga vay tiền năm 2014, dự định công nhận việc sáp nhập Crimée nếu đắc cử.
Jean-Luc Melenchon lại là người bảo vệ chính sách về Syria của chính phủ Nga.
Vậy tại sao Nga phải chần chừ không giúp ‘đồng chí’ Mélenchon, một từ mà chính ứng cử viên này vẫn hay dùng ngay từ năm 2012?
Ngày 23/4/2017 tới, cử tri Pháp sẽ ra phán quyết, liệu ông Jean Luc Mélenchon sẽ là thuyền trưởng của chiến hạm ‘Aurora-Rạng Đông’ hay người buôn sắt vụn của con tầu Titanic huyền thoại.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả, một nhà báo tự do sống tại Paris.
Đường vào Elysée :
Khoảng cách giữa bốn ứng viên dẫn đầu tiếp tục thu ngắn
Trong cuộc chạy đua nước rút trước khi về đến đích, chiều ngày 17/04/2017, hai ứng cử viên đang dẫn đầu, Marine Le Pen và Emmanuel Macron cùng tổ chức meeting tại Paris. Đại diện của phong trào Tiến Bước ! chờ đợi 20.000 ủng hộ viên tại khu Bercy. Đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia chọn rạp hát Zénith với 6.000 chỗ ngồi để thuyết phục cử tri.
Sáu ngày trước cuộc bỏ phiếu vòng 1, một tuần lễ quyết định đang mở ra cho 11 ứng cử viên tổng thống Pháp. Khoảng cách giữa bà Le Pen, ông Macron và hai ứng viên theo sau là các ứng cử viên Fillon cánh hữu và Mélenchon cánh cực tả đang bị thu hẹp lại.
François Fillon, đảng Những Người Cộng Hòa, vận động tại Nice, miền nam nước Pháp. Trong khi đó, ông Jean-Luc Mélenchon, phong trào Nước Pháp Bất Khuất, ngày 16/04/2017 tại Toulouse đã huy động được tới 70.000 người đến nghe ông diễn thuyết. Ngày mai, một lần nữa ứng cử viên cực tả này sẽ sử dụng kỹ thuật hình nổi ba chiều hologramme để hiện diện và nói chuyện với cử tri cùng một lúc tại 8 thành phố khác nhau trên toàn quốc.
Với ứng cử viên đảng Xã Hội Benoit Hamon, đang bị hụt hơi trong các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu, ông này chuẩn bị gửi thư đến 9 triệu gia đình để trình bày về kế hoạch cho tương lai nước Pháp. Ông Hamon cũng kêu gọi người dân tập hợp đông đảo ở quảng trường République ngày thứ Tư 19/04 để phô trương lực lượng của cử tri cánh tả.
Liệu Kim Jong Un có sợ bom của Donald Trump ?
Để chứng tỏ quyết tâm ưu tiên hành động hơn là lý thuyết, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng đã đến lúc giải quyết « dứt điểm » hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chủ nhân mới của Nhà Trắng có trong tay bốn loại vũ khí: kinh tế, gián điệp, đàm phán và quân sự. Theo giới phân tích, mỗi biện pháp đều có giới hạn, một phần vì tính chất đặc biệt của chế độ Bình Nhưỡng.
GBU-43, quả bom quy ước có sức công phá dữ dội nhất của Mỹ, được ném ở Afghanistan để hủy diệt một hệ thống hang động của Daech, có thể xem là một lời cảnh báo đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un : nước Mỹ của Donald Trump sẽ hành động khi phải hành động.
Theo Reuters, cho đến nay, mọi biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại, tài chính của quốc tế không làm chế độ Bình Nhưỡng chùn bước. Hết thử nghiệm hạt nhân đến phóng tên lửa tầm trung, tầm xa, Bắc Triều Tiên từng bước cải tiến sức mạnh vũ trang chiến lược và buôn lậu để tồn tại. Sau vụ phóng tên lửa bị thất bại hồi tuần trước, Bắc Triều Tiên chờ đợi một loạt biện pháp trừng phạt mới. Theo giới chức Mỹ, chiến lược này bao gồm bốn kế hoạch : bao vây kinh tế, tấn công mạng, áp lực ngoại giao và tấn công quân sự. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có những giới hạn cản trở.
Về kinh tế, theo Reuters, Washington dự kiến sẽ thêm một loạt biện pháp ngăn cấm mới gần như là phong tỏa nhiên liệu, nhất là dầu hỏa, hàng không dân dụng, thương thuyền và trừng phạt những ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên. Nhưng giới chuyên gia ở Washington không tin là Bắc Kinh ngồi yên nhìn Bắc Triều Tiên sụp đổ, đưa đến một làn sóng di dân tràn qua Trung Quốc.
Biện pháp thứ hai là gián điệp mạng và tình báo. Trước khi chính quyền Hồi giáo Iran chấp nhận đàm phán với lục cường tây phương một thỏa thuận về hạt nhân để được bỏ cấm vận thì Hoa Kỳ, với sự trợ giúp của Israel, đã thành công trong việc cài virus Stuxnet, phá hủy hàng ngàn máy ly tâm tinh lọc uranium của Teheran. Thế nhưng, chính quyền Barack Obama bị thất bại khi tìm cách dùng virus Stuxnet tấn công chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong suốt hai năm 2009 và 2010.
Thất bại này không gây ngạc nhiên vì một giới chức tình báo cao cấp của Mỹ đã giải thích : Bản chất khép kín của chế độ Bình Nhưỡng làm giảm hiệu năng của tình báo Mỹ và hệ thống viễn thông cô lập đã vô hiệu hóa những tấn công mạng từ bên ngoài. Theo báo chí Mỹ thì Washington buộc phải tập trung « ngăn chặn » tên lửa của Bình Nhưỡng một khi đã rời dàn phóng và ít nhiều đã cải tiến được chiến thuật « làm tắt máy » bằng cyber-attack.
Về giải pháp ngoại giao, có lẽ đây không phải là lá chủ bài của Donald Trump, ít ra là ở bề mặt. Chưa bao giờ chủ nhân mới của Nhà Trắng tuyên bố có ý định mở lại đàm phán sáu bên, bị gián đoạn từ 7 năm nay. Thỏa thuận cho phép thanh tra quốc tế kiểm tra nhà máy hạt nhân Yongbyon đạt được vào năm 2012 đã bị Bình Nhưỡng đình chỉ trong sự bất lực của tây phương.
Phương án thứ tư là phong tỏa các hải cảng của Bắc Triều Tiên và dùng tên lửa hành trình hủy diệt các cơ sở hạt nhân và tên lửa. Sau khi ra lệnh cho một hải đội tác chiến gồm hàng không mẫu hạm và nhiều tàu khu trục trang bị tên lửa tiến về Bắc Á, tổng thống Donald Trump cho biết huy động thêm một lực lượng tàu ngầm. Các biện pháp phong tỏa hàng hải, cấm vận hàng không, bao vây kinh tế nằm trong một nỗ lực làm lung lay và làm sụp đổ chế độ khép kín của dòng họ Kim.
Chưa rõ Bình Nhưỡng chịu đựng đến mức độ nào nhưng thứ Sáu tuần trước, tướng Choe Ryong Hae (Thôi Long Hải), hiện giờ là nhân vật số hai của chế độ, đe dọa trước : « Mọi tấn công của Mỹ sẽ bị đáp trả một cách tàn khốc ». Nếu tổng thống Donald Trump dùng quả bom quy ước GBU-43 làm thông điệp thì cũng không chắc gì « thông điệp » này lung lạc được đối thủ ở thế cùng và phản ứng cũng khó lường không khác gì nhà tỷ phú địa ốc.
Theo đại sứ hồi hưu Chris Hill, trưởng đoàn đàm phán của Mỹ thời tổng thống George W Bush, thì ít nhất 20 triệu thường dân Hàn Quốc nằm trong tầm đạn đại bác của Bắc Triều Tiên. Do vậy, cho dù tổng thống Donald Trump tuyên bố cứng rắn nhưng cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster đã phải nhấn mạnh : Quân sự là phương án sau cùng.
Thuyền nhân : Khoảng 8.500 người được cứu ngoài khơi Libya
Mai VânĐăng ngày 17-04-2017 Sửa đổi ngày 17-04-2017 16:44
Theo tổ chức hoạt động nhân đạo Malta, MOAS, hôm qua, 16/04/2017, đã có hơn 2000 người được cứu vớt ngoài khơi Libya trong ba ngày qua, nâng số người được tuần duyên Ý và các tổ chức nhân đạo cứu giúp lúc tàu thuyền của họ trên địa Trung Hải sắp chìm lên thành hơn 8.500 người. Những người thoát nạn này này được đưa về đảo Sicilia và vùng Calabria, ở miền Nam nước Ý.
Thông tín viên RFI tại Ý, Anne Le Nir, tường thuật con đường khổ ải của thuyền nhân vừa đến cảng Reggio, vùng Calabria hôm qua :
“Đa số những người mà tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới đã cứu và đưa về cảng ở Calabria, đến từ vùng Châu Phi Nam Sahara. Hầu như tất cả đều mang dấu tích bị hành hung ở Libya.
Một phát ngôn viên của Y Sĩ Không Biên Giới giải thích là các bác sĩ đã “quen ghi nhận dấu tích hành hung, tra tấn”‘, nhưng lần đầu tiên họ thấy “dấu tích chiến tranh” qua những vết thương do súng đạn gây ra.
Tổ chức MOAS, đã cứu được hơn 1.500 người trong vòng 24 tiếng đồng hồ, cho biết là một chiếc thuyền phao bị xì hơi chìm đã làm hơn 20 người chết ngoài khơi Libya. 7 thi thể, trong đó có thi thể của 1 trẻ em đã được vớt lên.
Tại Calabria, một chiếc thuyền chở hàng chục người Syria đã tấp lên một bãi cát.
Thời tiết tốt vào lúc này sẽ còn đẩy nhiều người ra biển. Chính quyền Ý phải có giải pháp khẩn cấp vì các trung tâm đón người mới đến đã quá tải.”
0 nhận xét