Tin khắp nơi – 14/04/2017
TT Donald Trump
cảnh cáo sẽ “giải quyết” vấn đề Bắc Triều Tiên
Hôm thứ Năm 13/4 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh cáo Bắc Triều Tiên chớ nên tham gia những hành động khiêu khích mới, giữa lúc tin tức cho hay Bình Nhưỡng có thể có một động thái công khai để đánh dấu ngày lễ trọng đại nhất của quốc gia, và có khả năng đó là một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Lên tiếng tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump tuyên bố: “Bắc Triều Tiên là một vấn đề. Vấn đề này sẽ được giải quyết.”
Bắc Triều Tiên là một vấn đề. Vấn đề này sẽ được giải quyết.
Tổng thống Donald Trump
Trong khi đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence vào Chủ Nhật này sẽ lên đường sang thăm Hàn Quốc, trong một chuyến đi mà các phụ tá của ông nói là dấu hiệu của sự cam kết của Mỹ đối với nước đồng minh này, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang về chương trình hạt nhân của miền Bắc.
Hãng tin Reuters nói chặng dừng chân của Phó Tổng thống Pence sẽ mở đầu chuyến công du Châu Á kéo dài 10 ngày đã được hoạch định từ lâu. Chuyến đi diễn ra giữa lúc đang có quan ngại rằng Bình Nhưỡng có thể thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 6 trong nay mai.
Hôm thứ Sáu, Phó Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Han Song Ryol nói với hãng thông tấn AP rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ở trong một cái “vòng luẩn quẩn” và rằng CHDCND Triều Tiên sẽ không ” khoanh tay đứng yên” trước một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ.
Ông Han Song Ryol nói:
“Nếu Hoa Kỳ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự liều lĩnh thì CHDCND Triều Tiên chúng tôi sẽ đối đầu bằng cuộc tấn công phủ đầu.”
Ông Han tuyên bố:
“Chúng tôi hiện đã có trong tay khả năng răn đe hạt nhân, và chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng yên trước một cuộc tấn công phủ đầu của Hoa Kỳ.”
Chúng tôi hiện đã có trong tay khả năng răn đe hạt nhân, và chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng yên trước một cuộc tấn công phủ đầu của Hoa Kỳ.
Phó Ngoại Trưởng Bắc Triều Tiên Han Song Ryol
Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho AP ở Bình Nhưỡng, ông Han còn đổ lỗi cho ông Trump là đã làm tăng căng thẳng, ông mô tả những phát biểu “hung hăng” của ông Trump trên trang Twitter là “gây rắc rối”.
Trong khi tuyên bố của ông Trump được coi như một lời đe dọa sẽ có hành động quân sự chống lại Bắc Triều Tiên, ông Trump nói thêm rằng Trung Quốc “đang cật lực làm việc ” để xoa dịu căng thẳng quốc tế về tình hình Bắc Triều Tiên, và ông hy vọng rằng các nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh sẽ có hiệu quả.
Tuy nhiên, trong một bình luận khác trong ngày hôm qua, thứ Năm, ông Trump tuyên bố nếu cần thiết, Hoa Kỳ sẵn sàng một mình giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên mà không cần tới Trung Quốc.
Một tàu sân bay và nhiều tàu chiến khác của Mỹ đang tiến về bán đảo Triều Tiên trong tuần này như một động thái để phô trương lực lượng. Nhóm tàu tấn công bao gồm tàu sân bay USS Carl Vinson và ba tàu khu trục có tên lửa dẫn đường.
Tại Ngũ Giác Đài, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói Washington đang “làm việc với các đối tác quốc tế để làm dịu tình hình.” Nhưng ông tuyên bố cốt lõi của câu chuyện là, Bắc Triều Tiên “phải đổi cách hành xử.”
TQ liệu có giúp Mỹ kiềm chế tham vọng hạt nhân Bắc Hàn?
Trong một dấu hiệu thể hiện mối quan hệ đang nồng ấm lên với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư 12/4 nói ông tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình ‘muốn có hành động đúng đắn’ liên quan tới mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn. Phát biểu bên cạnh Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg không lâu sau cuộc họp thượng đỉnh với ông Tập, Tổng thống Trump nói không như Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông đã hiểu được nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trước đó, ông Trump nói với tờ The Wall Street Journal rằng khác với những tuyên bố đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước đây, ông không nghĩ Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ. Chuyên gia về Trung Quốc Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) nói với phóng viên Victor Beattie của VOA rằng hội nghị thượng đỉnh “rất tích cực” ở Florida giữa hai nhà lãnh đạo dường như đang mang lại kết quả.
Bà Bonnie Glaser nói bà vẫn chưa thấy một sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Bắc Hàn. Nhưng bà cho rằng việc Trung Quốc từ chối không cho tàu chở than của Bắc Hàn cập cảng Trung Quốc là một dấu hiệu tốt.
Theo bà, vấn đề quan trọng hơn là liệu Bắc Kinh có tiếp tục với hướng hành động này hay không và siết chặt việc tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Bình Nhưỡng, ngay cả đóng cửa các ngân hàng và các công ty trá hình đã cho phép Bắc Hàn tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.
Nhà nghiên cứu nói một động cơ có thể là lời khuyến cáo của ông Trump rằng Mỹ sẽ đơn phương đối phó với Bắc Hàn mà không cần sự hợp tác của Trung Quốc để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn. Trong các biện pháp này có các biện pháp chế tài phụ trội nhằm trừng phạt các ngân hàng và công ty Trung Quốc có liên quan.
Bác sĩ David Dao có thể kiện United
Một luật sư đại diện cho người đàn ông bị lôi ra khỏi chiếc máy bay của United Airlines hồi đầu tuần này cho hay thân chủ của ông có thể sẽ kiện hãng hàng không United sau khi sự cố vừa rồi gây thương tích nghiêm trọng cho ông.
Luật sư Thomas Demetrio nói hãng hàng không United đã “bắt nạt” hành khách trong thời gian quá lâu rồi và ông “có thể” đại diện cho Bác sĩ David Dao, đâm đơn kiện United Airlines. Hiện bác sĩ David Dao đang chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật để chữa trị các vết thương.
Ông Demetrio cho biết bác sĩ Dao phải được phẫu thuật chỉnh hình vì bị gãy mũi và mất hai chiếc răng. Luật sư Demetrio nói bác sĩ Dao bị chấn động não trong vụ xô xát với cảnh sát, nhưng ông đã được xuất viện.
Vụ việc xảy ra hôm Chủ Nhật khi Bác sĩ Đào không chịu rời máy bay để nhường ghế cho người khác trong một chuyến bay từ thành phố Chicago đến thành phố Louisville.
Đoạn băng ghi hình bằng điện thoại di động cho thấy bác sĩ Đào bị ba nhân viên cảnh sát tại Sân bay Quốc tế O’Hare ở Chicago lôi ra khỏi máy bay, cơ thể xuội lơ và máu tuôn ra từ một vết thương trên mặt.
Bác sĩ Đào là một trong bốn hành khách bị chọn ngẫu nhiên để nhường chỗ lại cho bốn nhân viên hàng không. Ông được chọn sau khi các hành khách khác từ chối đề nghị của United đền bù bằng tiền mặt nếu họ đồng ý nhường chỗ và đáp chuyến bay kế tiếp tới Louisville, bang Kentucky.
Hôm Thứ Tư, luật sư của ông Đào đệ nạp hồ sơ sơ khởi yêu cầu tòa án bang Illinois ra lệnh cho hãng United lưu giữ băng ghi hình và các bằng chứng khác liên quan đến vụ việc.
Các luật sư muốn hãng United và thành phố Chicago, là cơ quan chủ quản giám sát sân bay, phải bảo lưu các video an ninh, bản ghi âm thanh buồng lái, danh sách hành khách và phi hành đoàn cùng các tài liệu khác có liên quan đến chuyến bay.
Giám đốc điều hành United Airlines Oscar Munoz nói ông cảm thấy “xấu hổ” khi xem lại đoạn video và nói rằng hãng hàng không sẽ không dùng vũ lực buộc hành khách phải rời máy bay nữa.
Trung Quốc cảnh báo dùng quân sự chống Bắc Triều Tiên
Ngày thứ Năm 13 tháng 4,Trung Quốc tuyên bố là dùng vũ lực không thể giải quyết được căng thẳng về Bắc Triều Tiên. Trong khi đó một tờ báo Trung Quốc có thế lực thúc đẩy Bắc Triều Tiên ngưng chương trình hạt nhân để đổi lấy sự bảo vệ của Trung Quốc.
Với một lực lượng Hải quân Mỹ do một tàu sân bay dẫn đầu tiến vào vùng biển bán đảo Triều Tiên và căng thẳng lên cao, Hàn quốc tin rằng Hoa Kỳ sẽ tham khảo nước này truớc khi tấn công miền Bắc.
Lo ngại gia tăng về việc Bắc Triều Tiên có thể sớm thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 hay phóng phi đạn bất chấp những chế tài của Liên hiệp quốc và cảnh báo mạnh mẽ của Hoa Kỳ là chính sách kiên nhẫn đã qua rồi.
Tuy nhiên Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất và hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên, đã chống lại chương trình vũ khí của nước này, kêu gọi thương thuyết để tiến tới một giải pháp hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong khi Tổng thống Donald Trump đã lưu ý Bắc Triều Tiên là ông sẽ không dung thứ bất cứ khiêu khích nào, nhưng các giới chức Mỹ nói chính quyền ông Trump đang chú trọng đến chiến lược trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn.
Ông Trump đã chuyển hướng lực lượng tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu về phía bán đảo Triều Tiên. Đoàn tàu sẽ mất hơn một tuần để đến vùng biển này, để biểu dương lực lượng nhằm làm Bắc Triều Tiên nãn lòng không thử nghiệm hạt nhân hay phóng thêm phi dạn nữa trùng hợp với những sự kiện và kỷ niệm quan trọng.
Các lời đồn đoán về hành động của Hoa Kỳ gia tăng sau khi hải quân Mỹ bắn 59 phi đạn Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria trong tuần qua để giáng trả một cuộc tấn công bằng khí độc làm nhiều người thiệt mạng tại nước này.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo là lịch sử sẽ qui trách nhiệm cho bất cứ kẻ chủ mưu nào.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn quốc Yun Byung-se phát biểu trước quốc hội tại Seoul là ông tin Washington sẽ tham khảo ý kiến Seoul nếu Hoa Kỳ cứu xét việc tấn công phủ đầu vào miền Bắc. Mỹ hiện có khoảng 28.500 binh sĩ trú đóng tại Hàn quốc.
Kết quả thả bom:
36 phần tử IS chết, kho vũ khí lớn bị phá huỷ
Afghanistan nói quả bom khổng lồ do một máy bay chiến đấu Mỹ thả xuống hôm thứ Năm đã giết chết 36 thành viên của nhóm Nhà Nước Hồi giáo và phá huỷ một kho vũ khí lớn.
Một thông báo do Bộ Quốc phòng Afghanistan công bố hôm 14/4 cho biết không có thường dân nào bị thiệt mạng trong cuộc tấn công này. Quả bom GBU-43 nặng 10.000 kg, được mệnh danh là “mẹ của tất cả các loại bom” (Mother of all bombs,viết tắt là MOAB), được thả xuống một hệ thống hầm trú ẩn của Nhà Nước Hồi giáo tại tỉnh Nangarhar ở vùng tây-bắc Afghanistan hôm 13/4.
Văn phòng Tổng thống Ashraf Ghani nói vụ thả bom xảy ra trong một chiến dịch phối hợp với các Lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan.
Phủ Tổng thống Afghanistan cho biết thêm rằng các lực lượng Afghanistan cũng đang hợp tác với sứ mạng NATO hỗ trợ cho Afghanistan chống các nhóm khủng bố khác.
Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai mạnh mẽ lên án việc thả bom “mẹ của các loại bom” tại đất nước ông.
Ông Karzai viết trên trang Twitter: “Tôi cực lực lên án, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất việc quân đội Hoa Kỳ thả vũ khí mới nhất, quả bom không hạt nhân lớn nhất, xuống lãnh thổ Afghanistan.”
Ông viết tiếp: “Đây không phải là chiến tranh chống khủng bố mà là việc sử dụng sai trái đất nước chúng tôi cho một cuộc thí nghiệm vô nhân đạo và tàn bạo để thử vũ khí mới, nguy hiểm. Mọi sự tuỳ thuộc nơi chúng ta, người Afghanistan, phải ngăn chặn người Mỹ làm điều đó.”
Đại tướng John Nicholson, Tư Lệnh hàng đầu của Mỹ ở Afghanistan hôm thứ Sáu nói rằng quyết định của ông triển khai quả bom MOAB được đưa ra trong khi tham khảo ý kiến của các giới chức ở Washington, và theo ông đây là một quyết định có tính chiến thuật. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, ông Nicholson nói: “Đây là một vũ khí thích hợp nhắm vào một mục tiêu thích hợp.”
Tướng Nicholson nói các phần tử cực đoan IS ở Afghanistan đã gia tăng sử dụng các đường hầm và các hang động dưới mặt đất để “củng cố hệ thống phòng thủ”, ông nói thêm rằng “đây là số lượng vũ khí thích hợp để giảm thiểu những chướng ngại và duy trì đà tiến của chiến dịch chống khủng bố.”
NATO đưa binh sĩ đến Ba Lan
Ngày thứ Năm 13 tháng 3, Ba Lan chào đón các binh sĩ Mỹ đầu tiên trong lực lượng đa quốc đến vùng Baltic để chống lại những đe dọa của Nga.
Hơn 1.100 binh sĩ trong đó có 900 binh sĩ Mỹ, cũng như 150 binh sĩ Anh và 120 binh sĩ Romani sẽ trú đóng tại Orzysz, cách Kaliningrad của Nga, trong vùng biển Baltic, khoảng 57 kilômét về phía nam, nơi Moscow đặt các phi đạn có khả năng mang vũ khí hạt nhân và hệ thống phi đạn phòng không S-400.
Ba đơn vị khác sẽ đi vào hoạt động trên toàn vùng vào tháng 6 năm nay.
Báo động vì các hành vi hiếu chiến của Nga tại sườn phía đông NATO, Ba Lan đã tích cực vận động để lực lượng NATO trú đóng tại nước này, đặc biệt kể từ khi Moscow sát nhập Crimea vào năm 2014.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gọi việc triển khai quân đội NATO là một thời điểm lịch sử “được nhiều thế hệ mong đợi.”
Việc điều động quân đội tại Orzysz diễn ra vào lúc Tổng thống Donald Trump dường như thay đổi quan điểm chỉ trích NATO trước đây và có thái độ khó chịu đối với Nga.
Trong khi vận động tranh cử tổng thống, ông Trump cho rằng NATO đã lỗi thời và hy vọng xây dựng mối quan hệ nồng ấm với Nga.
Tuy nhiên ngày thứ Tư 12 tháng 3, ông không ngớt lời ca ngợi NATO và nói rằng quan hệ với Nga có thể đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay.
Trung Quốc:Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên
có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay xác nhận tình trạng căng thẳng đang gia tăng ở bán đảo Triều Tiên, khiến mọi người âu lo chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên vẫn theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc, nếu chiến tranh xảy ra, kết quả là mọi quốc gia đều bị thiệt thòi, không có kẻ chiến thắng.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh là mọi căng thẳng, tranh chấp đều có thể giải quyết bằng đám phán, ôn hòa.
Hôm 13/4, bài bình luận đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo xuất bản ở Bắc Kinh cho rằng cách giải quyết tốt nhất mà Bắc Hàn có thể làm là ngưng theo đuổi chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Bài bình luận còn viết rằng nếu Bình Nhưỡng làm điều này, Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn, cũng như bảo đảm bán đảo Triều Tiên sẽ là khu vực phi nguyên tử.
Tại Matxcơva, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin cũng cho hay Nga theo dõi thật sát chuyện liên quan đến tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên, kêu gọi tất cả những quốc gia liên can phải bình tĩnh, đừng có những hành động tạo thêm căng thẳng.
Bắc Hàn đe dọa vũ khí hạt nhân
Đến giờ, tin tức phát xuất từ Bắc Hàn cho thấy chính phủ Bình Nhưỡng vẫn giữ thái độ cứng rắn, tiếp tục lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ là quốc gia đang gây hấn và Washington vẫn chủ trương tấn công Bắc Hàn bằng quân sự.
Trong bản tuyên bố mới phổ biến ngày hôm nay, Viện Nghiên Cứu Giải Trừ Võ Khí Và Hòa Bình của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn viết rằng chính những hành động Hoa Kỳ đang làm khiến nguy cơ chiến tranh xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.
Bản tuyên bố cũng nói là cuộc chiến sử dụng võ khí nhiệt hạch có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Xin thưa thêm võ khí nhiệt hạch là một loại võ khí hạt nhân, còn được gọi là bom H.
Mỹ sẽ đáp trả bằng quân sự
nếu Bắc Hàn nổ thử nghiệm hạt nhân
Một ngày trước khi Bắc Hàn tổ chức đại lễ mừng sinh nhật thứ 105 của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, Nhà Trắng cho biết có thể Hoa Kỳ sẽ dùng biện pháp quân sự để đáp trả nếu Bình Nhưỡng nổ thử nghiệm hạt nhân hoặc bắn hỏa tiễn gây rối.
Điều này được một cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với báo chí sáng ngày 14/4, trong lúc đồn đoán khắp nơi đều cho rằng Bắc Hàn sẽ có một hành động nào đó để phô trương sức mạnh quân sự nhân dịp mừng sinh nhật ông Kim Nhật Thành, người thành lập Nhà Nước Cộng Hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên, đồng thời cũng là ông nội của lãnh tụ đương thời Kim Jong-Un.
Dự đoán này được đưa ra từ nhiều ngày qua, đặc biệt từ hôm thứ Ba 11/4, sau khi một viên chức Bắc Hàn nói với các nhà báo quốc tế đang có mặt tại Bình Nhưỡng là sẽ có một sự kiện rất trọng đại diễn ra.
Viên chức Bắc Hàn không nói rõ sự kiện trọng đại đó là gì, và sẽ xảy ra vào lúc nào.
3 phương án của chính phủ Trump
Tại Washington, cố vấn đối ngoại của Nhà Trắng nói rằng Hoa Kỳ không ngạc nhiên về những hành động Bắc Hàn đã làm và sẽ làm, do đó nhiều biện pháp đáp trả đã được nói tới, kể cả biện pháp sử dụng giải pháp quân sự để ngăn chận kế hoạch chế tạo võ khí hạt nhân và hỏa tiễn mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.
Mới hôm 13/4, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với báo chí rằng vấn đề Bắc Hàn “sẽ được giải quyết”.
Ông Trump không cho hay phương cách mà Hoa Kỳ sẽ giải quyết căng thẳng đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, nhưng đầu tuần trước, tin phát xuất từ Washington cho hay các cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ đã để trình cho ông ít nhất 3 đề nghị, trong đó có đề nghị Hoa Kỳ oanh kích những cứ điểm quân sự của Bắc Hàn, phá hủy những tuyến đường Bình Nhưỡng thường sử dụng để chuyên chở võ khí, và có cả ý kiến tìm cách ám sát lãnh tụ Kim Jong-Un và những viên chức cao cấp chuyên trách chương trình võ khí hạt nhân.
Không phải là chuyện dễ
Ngay từ khi còn vận động tranh cử, Tổng Thống Trump đã nhiều làn nói một trong những điều ông sẽ làm là ngăn cản, không cho Bắc Hàn cơ hội chế tạo hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ.
Theo tin từ Washington, điều này đã được ông Trump bàn thảo với Tổng Thống Barack Obama trong thời gian chuyển giao quyền lưc, và là để tài được Tổng Thống Trump bàn thảo với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau hồi tuần trước ở bang Florida, cũng như trong cuộc điện đàm vài ngày trước đây giữa ông Trump và ông Tập.
Giới thạo tin ở Washington cũng nói Tổng Thống Barack Obama có trình bày với ông Trump rằng vấn đề Bắc Hàn “là một quyết định khó khăn” mà ông Trump phải quyết định ngay ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Tuần này, trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Wall Street Journal, Tổng Thống Trump tiết lộ rằng chỉ sau 10 phút đồng hồ nghe Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày câu chuyện, ông hiểu ra rằng Bắc Hàn không phải là chuyện dễ giải quyết.
Điều này cũng được một cố vấn khác của Tổng thống Hoa Kỳ nói với báo chí cách đây một ngày, khi bảo rằng oanh kích Bắc Hàn không dễ làm như vụ oanh kích mà Hoa Kỳ thực hiện hôm thứ Năm tuần trước, khi phóng hỏa tiễn vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, cho dù chính các cố vấn thân cận của Tổng thống Trump từng nói vụ oanh kích Syria là lời cảnh báo mà Washington dành cho Bình Nhưỡng, ám chỉ Hoa Kỳ có thể đánh phủ đầu Bắc Hàn khi thấy cần thiết.
Hai người biểu tình ở Venezuela thiệt mạng
Biểu tình tiếp tục ở Venezuela, thêm hai người bị bắn chết.
Một thiếu niên tham gia biểu tình chống chính phủ bị bắn chết ở Venezuela trong khi khủng hoảng chính trị và kinh tế gia tăng.
Thiếu niên 14 tuổi và một người biểu tình khác bị bắn thiệt mạng ở thành phố Barquisimeto phía Tây đất nước vào tối hôm thứ Ba 12/4.
Thị trưởng thành phố nói thủ phạm bắn chết họ là người biểu tình ủng hộ chính phủ. Tuần trước hai sinh viên biểu tình cũng đã bị bắn chết.
Tổng thống Nicolas Maduro ngày càng bị chỉ trích vì tình trạng kinh tế xuống cấp và phe đối lập cáo buộc ông thiết lập chế độ độc tài.
Hôm thứ Ba, ông Maduro bị người dân giận dữ ném trứng vào người khi ông rời một sự kiện của quân đội ở bang Bolivar.
Làn sóng biểu tình bùng lên sau khi chính phủ ra lệnh cấm lãnh đạo đối lập Henrique Capriles tham gia chính trường trong thời gian 15 năm.
‘Bắn vào bụng’
Thiếu niên bị bắn chết được nói tên là Brayan Principal, theo dân biểu đối lập Alfonso Marquina.
Ông Marquina cũng nói thiếu niên này bị bắn vào bụng.
Công tố viện cho hay một người đàn ông 36 tuổi cũng thiệt mạng ở Barquisimeto trong một vụ khác.
Lãnh đạo đối lập kêu gọi đưa ra ngày tháng tổ chức bầu cử khu vực, vốn đã bị hoãn.
Ông Maduro lâu nay khước từ tổ chức trưng cầu dân ý bất tín nhiệm đối với ông theo yêu cầu của phe đối lập và tuyên bố tiếp tục cuộc “cách mạng xã hội chủ nghĩa” mà người tiền nhiệm Hugo Chavez khởi xướng.
Ông tổng thống nói khủng hoảng kinh tế là do bàn tay của đế quốc tư bản.
Liên hoan phim Cannes 2017 và màu sắc chính trị
Chính trị Pháp, chống biến đổi khí hậu, chính sách đón nhận người tị nạn của châu Âu, hệ thống phân phối phim trên mạng, công nghệ thực tế ảo trong điện ảnh : đó là những nét nổi bật của chương trình Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 70.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13/03/2017, giới thiệu 18 bộ phim tranh được chọn tranh Cành Cọ Vàng, Liên hoan Cannes 2017, chủ tịch Festival, Pierre Lescure tuyên bố hy vọng « liên hoan lần này là dịp để mọi người chỉ chú ý đến điện ảnh, nhưng điện ảnh luôn phản ánh thời cuộc (…) mà ở thời điểm này thì người ta nói nhiều về chính trị và những đề tài lớn ».
Trong vế chính trị, Liên hoan Cannes diễn ra giữa hai vòng bầu cử tổng thống Pháp và chỉ vài tháng sau khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.
Chống biến đổi khí hậu và nhập cư là hai đề tài lớn nổi bật năm nay. Cannes 2017 chọn đưa vào chương trình chính thức ít nhất hai tác phẩm nói về người tị nạn. Một là « Happy End » của đạo diễn Michael Haneke. Ông đã hai lần đoạt Cành Cọ Vàng. Bộ phim thứ nhì của đạo diễn Hungary Kornel Mandrucszo : « Jupiter’s Moon ». Không tranh giải, nhưng bộ phim tài liệu của nữ đạo diễn Anh, Vanessa Redgrave, « Sea Sorrow » cũng dành để nói về thảm cảnh của người bỏ xứ ra đi. Sau cùng, « Out » của đạo diễn Slovakia Gyorgy Kristof được chọn ở hạng mục Nhãn quan độc đáo – Un Certain Regard, nhìn về hoàn cảnh của những người lao động nhập cư tại châu Âu.
Trên bàn cờ quốc tế, Bắc Triều Tiên là đề tài nóng bỏng. Điều đó cũng được phản ánh trên các rạp chiếu phim ở Cannes năm nay qua tác phẩm « Napalm ». Bộ phim này có thể gây tranh cãi, nhất là gần đây tác giả bộ phim này, Claude Lanzmann đã tuyên bố :« theo cựu tổng thống Bush, Bắc Triều Tiên không nằm trong trục tội ác ».
Một số các đề tài gây chú ý trong công luận khác, như chế độ điều trị của những người bị nhiễm HIV, đã có chỗ đứng riêng biệt trong mùa liên hoan năm nay, qua « 120 battements par minute », 1 trong số 4 bộ phim Pháp tranh Cành Cọ Vàng.
Về trách nhiệm của nhân loại với môi trường, 11 năm sau khi « An Inconvenient Truth » lần này cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore trở lại với thảm đỏ Cannes với « An Inconvenient Sequel: Truth to Power »
Những bước đột phá của Cannes 2017
Lần đầu tiên, ban tổ chức mời hai bộ phim của nhà phân phối Netflix tranh Cành Cọ Vàng. « Okja » của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho và bộ phim Mỹ « The Meyerowitz Sotries » của nhà làm phim Noel Baumbach. Cả hai tác phẩm này nhằm phục vụ cho khách hàng của Netflix tại các quốc gia mà dịch vụ cung cấp phim của tập đoàn Mỹ này hoạt động. Từ năm 2015 hai nhà cung cấp dịch vụ lớn trên thế giới là Amazon và Netflix đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh. Quyết định này của ban tổ chức Liên hoan Cannes bị các nhà phân phối truyền thống chỉ trích kịch liệt.
Để chào mừng Festival Cannes tròn 70 tuổi, nhà làm phim người Mêhicô Alejandro Gonzalez Inarritu đến thành biển biếc với « Carne y arena – Cát và xác thịt ». Đây là một bộ phim ngắn 6 phút 30, sử dụng kỹ thuật « thực tế ảo- Virtual Reality ». Ở đây khán giả xem phim qua một cặp kính đặc biệt để xem hình ảo. Mỗi chi tiết, hay nhân vật trong phim đều hiện ra ngay trước mặt người xem. Với cặp kính này, khán giả không cần đến màn ảnh lớn cố định như trong các rạp phim truyền thống từ trước tới nay. Một trong những liên hoan điện ảnh quốc tế uy tín nhất thế giới đang đưa kỹ thuật thực tế ảo lên hàng nghệ thuật.
Đức bắt giam nghi can thánh chiến trong vụ nổ Dortmund
Tư pháp Đức hôm qua 13/04/2017 đã ra lệnh bắt giam một nghi can người Irak, bị câu lưu sau vụ nổ nhắm vào chiếc xe chở các cầu thủ đội bóng Borussia Dortmund. Nghi can vốn là thành viên của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Chưởng lý liên bang cho biết Abdul Beset A., 26 tuổi, đã tham gia tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) tại Irak từ cuối năm 2014 và chỉ huy một đơn vị gồm 10 quân thánh chiến. Nhiệm vụ của nhóm này là chuẩn bị các vụ bắt cóc, trấn lột và giết người. Nghi can đến Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2015 và sang Đức vào đầu năm ngoái. Từ Đức, nghi can vẫn tiếp tục giữ liên lạc với các thành viên Daech.
Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Abdul có tham gia vụ tấn công vào chiếc xe chở đội bóng Dortmund tối thứ Ba 11/4, hành động được chính quyền Đức cho là mang tính khủng bố. Nghi can bị câu lưu hôm thứ Tư 12/4, sau khi cảnh sát khám xét nhà. Theo nhật báo Bild, cảnh sát đang chú ý đến hai nghi can khác, một cảm tình viên tân phát-xít và một thành viên cực tả.
Tờ báo cho biết các ngòi nổ quân sự đã được sử dụng để nối liền ba quả bom, được kích nổ từ xa bằng điện thoại di động. Vụ nổ làm hậu vệ người Tây Ban Nha Marc Bartra và một cảnh sát bị thương, gây chấn động cách xa hàng trăm mét.
Ba lá thư có nội dung giống nhau và in tại Đức, đã được tìm thấy tại hiện trường, « nhân danh Allah » đòi hỏi Đức chấm dứt các phi vụ thám sát ở Syria và đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ ở Ramstein. Tuy vậy thư không có logo hay cờ của Daech, và tổ chức thánh chiến này thường nhận trách nhiệm qua các video và thông cáo chứ không phải bằng thư.
Vụ nổ đã làm cho trận đấu lượt đi vòng tứ kết Cúp C1 giữa Borussia Dortmund và AS Monaco bị hoãn lại 24 tiếng đồng hồ, với kết quả Monaco thắng 3-2. Huấn luận viên đội Dortmund tố cáo : « Chỉ vài phút sau vụ tấn công, người ta bảo chúng tôi vẫn phải thi đấu, cứ như là chiếc xe buýt chỉ bị một lon bia ném trúng ».
Về mặt chính trị, thủ tướng Đức Angela Merkel than phiền cuộc chiến chống khủng bố bị ngăn trở do các bang có luật lệ khác nhau. Đặc biệt là tại bang Nordrhein-Westfalen mà thành phố Dortmund trực thuộc, cảnh sát chỉ được kiểm soát những người tình nghi trên đường phố khi có những dấu hiệu thật cụ thể.
Pháp đề nghị
Nghị Viện Châu Âu tước quyền miễn trừ của bà Le Pen
Các thẩm phán Pháp đã gửi yêu cầu Nghị Viện Châu Âu tước quyền miễn trừ tư pháp đối với nghị sĩ Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống. Bà Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, đang bị điều tra về vụ tạo việc làm giả, để rút tiền của Nghị Viện Châu Âu.
Theo Reuters, ngày 29/03/2017, các thẩm phán phụ trách cuộc điều tra đã gửi công văn đến bộ Tư Pháp và cơ quan công tố để đề nghị chuyển hổ sơ qua Nghị Viện Châu Âu, yêu cầu chấm dứt quyền miễn trừ đối với bà Marine Le Pen.
Ngày 30/03, một yêu cầu tương tự được gửi đi liên quan đến dân biểu châu Âu Marie-Christine Boutonnet, cũng thuộc đảng Mặt Trận Quốc Gia. Hai người bị tình nghi sử dụng tiền của châu Âu để trả lương cho các nhân viên làm việc cho đảng chính trị Pháp nói trên.
Bà Le Pen đã hai lần từ chối ra trình diện tư pháp, để trả lời các thẩm phán về vụ việc nói trên, ngày 10/03/2017 và hồi cuối tháng 2. Lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia tuyên bố sẽ chỉ ra trình diện tư pháp sau kỳ bầu cử Quốc Hội vào tháng 6. Hành động này của lãnh đạo đảng cực hữu bị lên án nhiều tại Pháp. Những người chỉ trích khẳng định bà Le Pen coi thường thể chế Nhà nước pháp quyền.
Trả lời phỏng vấn đài Franceinfo, lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia cho rằng yêu cầu dỡ bỏ quyền miễn trừ là “thủ tục bình thường”, không có gì đáng ngạc nhiên.
Theo các chuyên gia, rất ít có khả năng là việc tước quyền miễn trừ sẽ xảy ra trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ngày 23/04, tức trong 9 ngày nữa. Nhìn chung, đây là một thủ tục rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian.
Trong nghi án lạm dụng tiền của Nghị Viện Châu Âu, đã có hai trợ lý của Mặt Trận Quốc Gia bị khởi tố, trong đó có chánh văn phòng của bà Le Pen, Catherine Grisset.
Riêng nghị sĩ châu Âu Marine Le Pen đã bị tước quyền miễn trừ tư pháp trong một vụ khác, liên quan đến việc công bố trên Twitter ảnh về các vụ hành quyết do Daech tiến hành. Bà Le Pen bị điều tra vì hành động tuyên truyền cho bạo lực.
Ngoại giao Mỹ:
Quan điểm của Donald Trump quay ngoặt 180°
Từ chủ trương đối với NATO, cho đến lập trường đối với Trung Quốc hay là Nga, trong những ngày qua, chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã biểu thị những quan điểm đối nghịch hoàn toàn với những gì ông đã hô hào trong thời gian qua hơn một năm qua. Ngày 13/04/2017, hãng tin Pháp AFP đã trích dẫn giới quan sát cho rằng đó là những dấu hiệu phản ánh đà « bình thường hóa » đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ.
Thay đổi được AFP đánh giá là « hoành tráng » nhất liên quan đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, và nhiều tuần lễ đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Donald Trump đã liên tục mệnh danh NATO là một khối đã « lỗi thời », bao gồm các đồng minh chủ yếu là châu Âu chuyên ăn bám vào Mỹ, cho nên cần bị buộc phải chia sẻ « gánh nặng tài chính » với Washington bằng cách gia tăng chi tiêu quân sự.
Thế nhưng, hôm 12/04 vừa qua, tại một cuộc họp báo với tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, ông đã thay đổi hẳn thái độ, và công khai rút lại từ ngữ « lỗi thời » từng khiến cho NATO bực bội : « Tôi từng nói (là NATO) lỗi thời, nhưng (giờ đây NATO) không còn lỗi thời nữa ».
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn yêu cầu là toàn bộ 28% thành viên NATO phải nâng chí phí quân sự của mình lên mức tối thiểu là 2% GDP, một yêu cầu vốn đã được toàn khối đồng ý từ lâu.
Dẫu sao thì thay đổi đánh giá 180° của tổng thống Mỹ trên tính chất gọi là « lỗi thời » của NATO đã dự báo tốt cho chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Trump trong tư cách chủ nhân Nhà Trắng sẽ đưa ông đến Bruxelles ngày 25/05 tới đây để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO.
Thay đổi cũng đáng chú ý không kém là lập trường đối với Trung Quốc, nước đã bị ông Donald Trump tố cáo thậm tệ là một kẻ « thao túng ngoại hối », ghìm giá đồng nhân dân tệ để gây hại cho nước Mỹ. Ông Trump đồng thời tuyên bố sẵn sàng trừng phạt thương mại Bắc Kinh bằng cách áp thuế cao trên hàng nhập từ Trung Quốc. Một trong những tuyên bố gây sốc của ông Trump là sẽ ký ngay lệnh quy định Trung Quốc là nước lũng đoạn ngoại tệ ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Thế nhưng mới đây, trong cuộc phỏng vấn ngày 12/04 dành cho nhật báo tài chánh Mỹ Wall Street Journal, ông Trump đã cho rằng Trung Quốc không hề phá giá đồng tiền của họ trong thời gian qua, và xác định rõ ràng : « Không, họ (tức là Trung Quốc) không phải những kẻ thao túng tiền tệ ». Dĩ nhiên là lệnh quy định rằng Trung Quốc là quốc gia lũng đoạn ngoại tệ mà ứng cử viên Trump từng hứa ban hành đã không hề xuất hiện.
Thay đổi lập trường đối với Nga cũng được ghi nhận trong bối cảnh là trước đây ông Donald Trump không hề che giấu ý muốn xích lại gần Mátxcơva hơn, không ngừng khen ngợi tổng thống Nga Putin mà ông cho là một lãnh đạo « mạnh » và « thông minh ».
Thế nhưng mới đây ông đã bớt hẳn những tuyên bố phấn khởi về Nga, thậm chí vào hôm qua, 14/04, ông còn nhấn mạnh rằng ông không hề « quen biết » ông Putin, rằng quan hệ giữa hai bên « có lẽ đang ở mức xấu nhất từ trước đến nay », và khả năng hòa giải khó thực hiện.
Đối với phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, thay đổi quan điểm của ông Trump không có gì là lạ vì « bối cảnh đã thay đổi ». Nhận định này tương ứng với một lập luận rất phổ biến là một khi đã ngồi vào Phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng, bất kỳ một tổng thống Mỹ nào cũng nhìn sự việc bằng một con mắt khác.
Ngoài ra, theo AFP, thay đổi quan điểm 180° của ông Trump cũng một phần bắt nguồn từ việc giàn cố vấn thân cận của ông đã thay đổi, với những nhân vật cực đoan như Steve Bannon, Mike Flynn và KT McFarland đã bị gạt ra, thay vào bằng tướng McMaster có cái nhìn truyền thống hơn.
Trong lãnh vực kinh tế, sự vươn lên của các nhân vật chuộng toàn cầu hóa trong chính quyền Trump cũng không xa lạ gì với thay đổi lập trường của tân tổng thống Mỹ. Trong số này phải kể đến ba người : Con gái Ivanka, và con rể Jared Kushner của ông Trump, cũng như là cố vấn kinh tế hàng đầu Gary Cohn.
Nga tổ chức hội nghị quốc tế về Afghanistan,
Mỹ không tham gia
Hôm nay 14/04/2017, một hội nghị quốc tế về hòa bình cho Afghanistan diễn ra tại Matxcơva. Ngoài Nga và Afghanistan, bốn khách mời là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Iran. Matxcơva đã gửi lời mời, nhưng Washington không hồi đáp. Hội nghị trước đó do Nga tổ chức cũng tại Matxcơva ngày 15/02/2017. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây về khu vực Trung Á, tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích về mối quan tâm mới đối với Afghanistan của Matxcơva.
Thông tín viên Muriel Pompone tường trình từ Matxcơva,
“Người Nga đang trở lại Afghanistan. Tuy nhiên 30 năm sau, không phải là với các chiến xa, mà là với các nhà ngoại giao. Đối với Matxcơva, việc lập lại ổn định tại Afghanistan là điều cần thiết, để ngăn chặn nạn buôn lậu và nguy cơ khủng bố đối với Nga, thông qua khu vực Trung Á. Ổn định chỉ có thể trở lại với sự hòa giải giữa các thế lực tại Afghanistan.
Quan điểm của tổng thống Nga là cần phải tiếp xúc với tất cả các lực lượng nào chấp nhận ba nguyên tắc. Đó là tôn trọng Hiến Pháp, giải trừ vũ khí, hòa giải quốc gia. Matxcơva không loại trừ Taliban.
Theo đại sứ Nga tại Kabul, Alexandre Mantiytskiy, mới đây Nga đã tiến hành đối thoại với Taliban. Theo Matxcơva, cho dù có tham vọng chính trị ở quy mô quốc gia, nhưng lực lượng Taliban không theo đường lối độc tài như Daech, và có thể là một thành trì chống lại các lực lượng khủng bố trong khu vực. Trong khi đó, một cựu thủ lĩnh Taliban khẳng định đã có các tiếp xúc với Nga và Trung Quốc từ ba năm nay.
Matxcơva đồng thời cũng phát triển quan hệ với chính quyền Afghanistan. Ngày 17/03 vừa qua, lãnh đạo ngoại giao Nga đã gặp cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Afghanistan. Nga cũng muốn các nước khác tham gia vào tiến trình này, đặc biệt là các nước trong khu vực. Trung Quốc, Iran hay Pakistan là những nước có nhu cầu như vậy, nhân danh cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhân tố gây bất ổn quốc gia”.
Washington lo ngại Matxcơva can dự vào Afghanistan với việc hậu thuẫn cho lực lượng Taliban trong cuộc chiến chống lại quân đội chính phủ và liên quân quốc tế. Cuối tháng 3/2017, một tướng lĩnh cao cấp Mỹ, ông Curtis Scaparrotti, tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, nêu nghi vấn Nga cung cấp vũ khí cho Taliban.
Về tình hình tại chỗ, chính quyền Afghanistan đang chờ đợi một đợt phản công lớn mùa xuân của Taliban, sau khi hàng loạt các nỗ lực thương thuyết giữa Kabul và quân nổi dậy không thành công. Theo AFP, ngày 23/03 vừa qua, Taliban đã giành được thêm một huyện thuộc tỉnh Helmand, ở miền nam, ngay trước khi đợt phản công lớn mùa xuân hàng năm bắt đầu.
Bắc Triều Tiên :
Mỹ xem xét « giải pháp quân sự », Nhật lo di tản kiều dân
Hoa Kỳ đang cân nhắc một « giải pháp quân sự » trước việc Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí. Một viên chức cao cấp Mỹ hôm nay 14/04/2017 khẳng định như trên. Về phía Nhật Bản, chính quyền đã chuẩn bị kế hoạch di tản 60.000 kiều dân Nhật ở Hàn Quốc.
Một cố vấn của Nhà Trắng, xin giấu tên, cho biết : « Khả năng quân sự đang được nghiên cứu ». Nhận định rằng Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình nguyên tử và bắn hỏa tiễn sang Biển Nhật Bản, viên chức này nói : « Với chế độ Bình Nhưỡng, vấn đề không phải có bắn thử hay không mà là khi nào xảy ra. Các cơ quan tình báo sẽ thông tin đầy đủ cho tổng thống và phó tổng thống ».
Nhiều dấu hiệu cho thấy địa điểm Punggye-ri đang sẵn sàng cho một vụ thử nguyên tử dưới lòng đất, theo các chuyên gia của trang 38th North. Nhiều viên chức Mỹ cũng cho rằng Bắc Triều Tiên « dường như đã đặt một quả bom nguyên tử trong một đường hầm », có thể kích nổ vào sáng thứ Bảy 15/4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm qua đã nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên mà không cần đến Trung Quốc, tuần trước đã điều hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng với ba chiến hạm trang bị hỏa tiến hướng về bán đảo Triều Tiên. Hàng không mẫu hạm này có thể chở theo 70 đến 80 máy bay, trong đó có khoảng năm chục chiến đấu cơ. Vài ngày sau đó ông Trump lại nói đến một « hạm đội » có cả tàu ngầm.
Khả năng diễn ra một cuộc tấn công quân sự lại càng khả tín, sau khi Mỹ cho bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào một căn cứ không quân Syria để cảnh cáo việc chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib.
Bình Nhưỡng hôm nay tố cáo Hoa Kỳ tạo ra một « tình trạng nguy hiểm », khiến « một cuộc chiến tranh nhiệt hạch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trên bán đảo Triều Tiên », đồng thời kêu gọi « hòa bình bằng vũ lực ».
Về phía Nhật Bản, chính phủ Tokyo cho biết sẽ vận dụng mọi biện pháp đề phòng cần thiết trước các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật (NSC) hôm qua bàn bạc cách thức di tản gần 60.000 kiều dân Nhật tại Hàn Quốc.
Ngoài các tàu dân sự và máy bay, Nhật còn muốn đưa các phi cơ quân sự và chiến hạm sang hỗ trợ, nếu chính phủ Hàn Quốc đồng ý. NSC cũng thảo luận về khả năng đối phó với luồng người Bắc Triều Tiên đổ sang Nhật Bản tị nạn, trong đó rất có thể có các điệp viên của Bình Nhưỡng trà trộn.
Paris và cà phê vỉa hè
Thành phố Paris có hơn 15.000 quán cà phê và nhà hàng vỉa hè được bài trí theo phong cách riêng từ dân dã đến sang trọng. Một tách cà phê đi kèm chiếc bánh ngọt là bữa sáng nên thử ít nhất một lần khi đến Paris. Ngoài nổi tiếng về các loại cà phê được pha chế đặc trưng Pháp và Ý, các quán cà phê ở Paris còn gây ấn tượng nhờ khoảng hiên lấn ra vỉa hè và những chiếc ghế độc đáo đầu mầu sắc.
Khi những tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân chợt đến, người dân Paris chuẩn bị cặp kính đen, thêm một cuốn sách hay tờ báo và có thể ngồi hàng giờ “tắm nắng”… ở quán cà phê vỉa hè, từ những khu du lịch nổi tiếng như Champs-Elysées, Opéra, Grands Boulevards, Saint-Germain des Prés, Saint-Michel…, đến mỗi con phố nhỏ ở Paris. Ba khách hàng ở khu Montparnasse, quận 14 Paris, giải thích với RFI tiếng Việt, tại sao họ thích ngồi cà phê vỉa hè như vậy :
“Mình thích cà phê vỉa hè vì sau giờ làm việc, thích uống một cái gì đó, thích la cà, lang thang và thường ở khu Beaubourg hoặc khu “quartier Latin” tại vì ở đó nhộn nhịp và không khí rất Việt Nam. Ngồi ngoài đường thì thứ nhất được thưởng thức không khí. Vì khi uống lúc trời lạnh có thú vui của trời lạnh, còn khi có nắng lên thì thích kiểu nắng đẹp, phơi nắng, khác hẳn với Việt Nam mình vì ở Việt Nam mình trốn nắng, còn ở đây thì lại thích nắng bởi sau những tháng mùa đông, thì cần không khí, nắng ấm hoặc vitamin”.
“Vì chúng tôi được hưởng không khí mát mẻ, hít thở không khí trong lành vì mùa xuân tới rồi nên tôi thấy vui khi ngắm cây cỏ một chút và những người qua đường, trông rất nhộn nhịp”.
“Đơn giản là rất dễ chịu khi được uống cà phê ngoài đường vì trời nắng đẹp. Hơn nữa, tôi cảm thấy rất thân mật vì mọi người có thể nói chuyện với nhau ở bên ngoài. Và vì môi trường này giúp mọi người dễ bắt chuyện làm quen với nhau hơn. Đơn giản vậy thôi !”
Quán cà phê, ở Paris cũng như những nơi khác trên thế giới, là điểm hẹn hò hay nơi làm việc, là lúc nói chuyện trên trời dưới biển hay chỉ là những phút nhàn rỗi ngắm người qua lại và cảm nhận nhịp sống hiện đại nhưng sâu lắng của Paris.
“Dù sao, vì thường xuyên trong tầu điện ngầm nên người ta cũng muốn thình thoảng được lên mặt đất. Và ở Paris không có quá nhiều không gian xanh, dĩ nhiên có nhiều vườn cây, vì thế cà phê vỉa hè hay các hiên ngoài trời của các nhà hàng luôn là địa điểm thú vị vì nếu không, ở Paris, người ta suốt ngày ở bên trong”.
“Ở đây, các căn hộ không phải lúc nào cũng có khoảng không riêng, vì thế, uống cà phê vỉa hè cho chúng tôi chút không khí thoáng đãng và có chút không gian xanh”.
Cà phê vỉa hè, cách hiệu quả để thu hút khách
Những chiếc ghế kê ngoài vỉa hè, cùng với khung cảnh đẹp, là cách hiệu quả nhất của chủ quán để thu hút khách hàng, chủ yếu là khách vãng lai vì Paris là một trong những điểm du lịch nổi tiếng lãng mạn nhất thế giới. Vì vậy, họ không ngần ngại đầu tư để có được giấy phép khai thác khu vực vỉa hè trước quán. Đơn xin phép phải được gửi đến đô chính Paris, theo giải thích của anh Fabien Chébaut, cán bộ quy hoạch lãnh thổ của vùng Ile-de-France :
“Tại Paris cũng như những thành phố khác của Pháp, khu vực công cộng không thuộc về ai cả mà thuộc về tập thể. Và không một ai có thể kê bàn ghế ở ngoài đường như họ muốn. Vì vậy, có những điều khoản cho phép người kinh doanh sử dụng không gian chung của các thành phố.
Còn tại Paris, thành phố có cả một bộ quy tắc và đơn xin phép phải được gửi đến thị chính. Theo nguyên tắc chung, mỗi nhà kinh doanh, mỗi tiệm cà phê hay nhà hàng chỉ được chiếm 1/3 vỉa hè vì phải dành chỗ cho người đi lại.
Mỗi nhà kinh doanh đến đăng ký tại thị chính, điền hồ sơ chi tiết về kỹ thuật. Sau đó, thị chính Paris sẽ cấp giấy phép sử dụng. Đổi lại, chủ tiệm phải trả một khoản tiền thuê định kỳ, tương ứng với diện tích được phép sử dụng.Tuy nhiên, giấy phép này không phải là vĩnh viễn và có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào”.
Bộ quy tắc của thành phố Paris giải thích rất chi tiết về cách sắp xếp giá bày bán hàng, dựng vách ngăn bằng kính và kê bàn ghế trên vỉa hè. Đối với các quán cà phê giải khát, thường có hai kiểu hiên chính : hiên khép kín và khu vực vỉa hè được phép kê bàn ghế. Tuy nhiên, chủ cơ sở kinh doanh chỉ được lấn tối đa 1/3 vỉa hè và phải chừa lối đi rộng tối thiểu 1,60 m cho người đi bộ tính từ mép vỉa hè. Còn chiều dài không được vượt quá bề mặt của cơ sở kinh doanh, có nghĩa là không được lấn sang nhà bên cạnh.
Đối với khu vực cà phê vỉa hè khép kín, chiều rộng cho phép từ 0,70 m đến 1,20 m. Vách ngăn phải được làm bằng kính trong suốt, cao tối đa 2,25 m, không được dán áp-phích hay che mành rèm để tránh khuất tầm nhìn. Các vách ngăn phải xê dịch được, được lắp song song và vuông góc với cửa hàng chính. Khu vực cà phê ngoài trời, nơi khách hàng được phép hút thuốc, phải có chiều rộng tối thiểu 0,60 m. Như vậy, ở những khu vực có vỉa hè rộng 2,2 m, hàng quán không được phép xếp bàn ghế ra ngoài. Trong trường hợp vỉa hè rộng, chủ quán có thể được phép kê bàn ghế sát quán và sát mép vỉa hè, với điều kiện chừa lối đi ở giữa rộng 1,80 m cho người đi bộ. Đặc trưng của các quán cà phê vỉa hè Paris là mái hiên đỏ với viền rủ, nơi ghi tên quán, không được rộng quá 0,25 m.
Ngoài ra, chủ quán còn phải tuân thủ nhiều quy định khác như bảng ghi thực đơn không được cao quá 1,60 m hoặc giá đỡ thực đơn không được cao quá 1 m ; không được để chướng ngại vật trên lối dành cho người đi bộ, kể cả bảng thực đơn hay ô dù ; trên mỗi bàn ngoài trời phải có một gạt tàn thuốc lá và thường xuyên được đổ sạch… Trong trường hợp ngừng kinh doanh hoặc bị thu hồi giấy phép, chủ quán phải trả lại nguyên trạng cho vỉa hè.
Ghế mây : Biểu tượng của cà phê vỉa hè Paris
Cà phê vỉa hè Paris còn nổi tiếng với những chiếc ghế mây cong cong độc đáo của hai nhà sản xuất Drucker (ra đời năm 1885) và Gatti (năm 1920). Mỗi quán có kiểu ghế đặc trưng, nổi bật nhờ các họa tiết ở lưng ghế cùng với tên của nhà sản xuất được khắc trên một tấm kim loại gắn đằng sau hoặc bên cạnh ghế.
Sản phẩm của nhà Drucker và Gatti đều được làm thủ công, theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi chiếc ghế có giá ít nhất là 100 euro/chiếc, cần khoảng 4 giờ làm việc và trải qua 6 công đoạn khác nhau : xử lý mây, đan khung, lắp ráp, đan lưng ghế, lắp viền, hoàn thiện và đánh véc-ni.
Chất liệu được sử dụng chính là sợi mây rất nhẹ và bền, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới như Indonesia, Malaysia, Philippines… và được nhập vào Pháp ngay từ cuối thế kỷ XIX. Cho đến những năm trước Thế Chiến Thứ Nhất, cả nước Pháp sôi sục với trào lưu đồ mây tre đan. Cơn sốt chỉ tạm ngớt trong hai cuộc chiến rồi lại bùng lên khi Thế Chiến II kết thúc.
Theo nhận xét với l’Express của ông Bruno Dubois, giám đốc Nhà Drucker, “không một thành phố nào khác có những chiếc ghế đầy mầu sắc như vậy ở ngoài phố. New York không có cà phê vỉa hè. Ở Madrid hay Barcelona cũng có một ít, nhưng ở phần còn lại của Tây Ban Nha hay Ý, thường thì trời quá nóng để ngồi ngoài đường. Trong khi đó, ở Bắc Âu thì lại thường xuyên mưa”.
Vậy đó, những chiếc ghế mây trở thành biểu tượng của Paris. Vừa lịch sự, thuận tiện, lại nhẹ bền và đẹp mắt, chúng trở thành vật không thể thiếu trong các quán cà phê, nhà hàng. Kích thước mỗi chiếc ghế đều được tính toán chi tiết để không cồng kềnh, vừa đủ ngồi, như vậy chủ quán mới có thể khai thác triệt để diện tích được sử dụng ngoài vỉa hè và không tốn chỗ xếp trong nhà.
Một số du khách Việt khi đến Paris cho rằng nếu đến kinh đô ánh sáng mà không vào quán uống cà phê, bạn sẽ “không thấy và không có Paris. Hãy chọn một góc khuất ở bất cứ ngã tư nào của thành phố, gọi một cốc cà phê sữa, ngắm nụ cười mỉm đặc biệt của người Pháp và tận hưởng cuộc sống êm đềm trôi nơi đây”.
0 nhận xét