Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 09/04/2017

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017 20:29 // , ,

Tin khắp nơi – 09/04/2017

Nhóm tàu tấn công Mỹ tiến về Bắc Triều Tiên

Hải quân Hoa Kỳ đang điều một nhóm tàu tấn công tới bán đảo Triều Tiên để củng cố sự hiện diện của Hoa Kỳ ở đó và gửi một thông điệp đến Bắc Triều Tiên. Nước này trong tuần qua đã tiến hành một cuộc thử tên lửa đạn đạo bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cấm các vụ phóng như vậy.
Nhóm tàu tấn công Carl Vinson đã ghé thăm cảng tại Singapore và có kế hoạch đi tới Australia thì thay vào đó Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ ra lệnh cho các tàu này đi về phía bắc.
Trung tá Dave Benham, Giám đốc Hoạt động Truyền thông của Hạm đội 3, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói với VOA: “Các tàu của Hạm đội 3 hoạt động ở tiền phương có mục đích bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương. Mối đe doạ số một ở khu vực vẫn là Bắc Triều Tiên, do nước này có chương trình thử tên lửa liều lĩnh, vô trách nhiệm và gây bất ổn, cũng như do họ mưu cầu khả năng về vũ khí hạt nhân”.
Nhóm tàu tấn công bao gồm tàu sân bay USS Carl Vinson và ba tàu khu trục tên lửa điều hướng.
Bình Nhưỡng đã nhiều lần thách thức các cảnh báo quốc tế về việc tiến hành phóng tên lửa và thử nghiệm các thiết bị hạt nhân.
Hôm Chủ Nhật, truyền thông nhà nước trích lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên nói nước này thề sẽ tăng cường phòng thủ để tự bảo vệ mình khỏi những cuộc không kích như Mỹ đã tiến hành đánh vào Syria hồi tuần trước.
Quan chức không rõ danhtính này nói với Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên rằng các cuộc không kích của Mỹ là “hoàn toàn không thể tha thứ được” và điều đó chứng minh rằng Bình Nhưỡng có lý do chính đáng để có vũ khí hạt nhân.
Tuy Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng để đối phó với quốc gia bị cô lập này, song ông đã chỉ trích chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Mỹ tiền nhiệm liên quan đến những nỗ lực không ngừng của Bắc Triều Tiên nhằm phát triển khả năng tấn công hạt nhân tầm xa. Ông Trump cũng kêu gọi Trung Quốc, một trong vài quốc gia ít ỏi có quan hệ chặt chẽ với Bình Nhưỡng, hãy hành động mạnh mẽ hơn để kiềm chế những tham vọng hạt nhân này.
Đầu tháng này, ông Trump nói Mỹ có thể hành động đơn phương nếu Trung Quốc không muốn làm nhiều hơn nữa.
Ông Trump nói với The Financial Times vào ngày 2/4: “Nếu Trung Quốc không giải quyết Bắc Triều Tiên, chúng tôi sẽ. Trung Quốc sẽ quyết định hoặc là giúp chúng tôi về vấn đề Bắc Triều Tiên, hoặc họ sẽ không làm như vậy. Nếu họ có giúp, điều đó sẽ rất tốt cho Trung Quốc, còn nếu họ không, điều đó sẽ không tốt cho bất cứ ai”.
Có tin ông Trump đã bàn thảo về Bắc Triều Tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh khi hai ông gặp nhau hôm thứ Năm và thứ Sáu ở Florida. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng vấn đề tăng cường vũ khí của Bình Nhưỡng đã đạt tới giai đoạn rất nghiêm trọng, tuy nhiên không có thông tin chi tiết về những hành động mà Mỹ hoặc Trung Quốc có thể thực hiện để làm suy yếu chương trình của Bắc Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật ca ngợi Tổng thống Trump

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 9/4 đã ca ngợi “cam kết mạnh mẽ” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với an ninh toàn cầu và đồng minh, sau khi có cuộc điện đàm thứ hai với nhà lãnh đạo Mỹ trong bốn ngày.
Hai nguyên thủ của Nhật và Hoa Kỳ đạt đồng thuận rằng Washington, Tokyo và Seoul sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ về vấn đề Bắc Hàn.
Trao đổi với các phóng viên, ông Abe cũng nói rằng Nhật và Mỹ sẽ theo dõi sát xem phản ứng của Trung Quốc đối với các diễn biến liên quan tới hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Lời ca ngợi của ông Abe được đưa ra trong bối cảnh hải quân Hoa Kỳ điều một nhóm tàu tấn công tới bán đảo Triều Tiên để củng cố sự hiện diện của Hoa Kỳ ở đó nhằm gửi một thông điệp đến Bình Nhưỡng.
Trong một cuộc điện đàm giữa tuần trước, một ngày sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn, ông Abe nói rằng cả ông và Tổng thống Trump đều cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo là “một mối đe dọa nghiêm trọng và một sự khiêu khích nguy hiểm”.
Hôm 8/4, chính quyền Seoul cho biết rằng họ đã được chính quyền của Tổng thống Trump thông báo về việc nhà lãnh đạo Mỹ đã giải thích cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quan điểm của Hoa Kỳ đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.
Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân viết tắt là THAAD ở Hàn Quốc, cho rằng nó có thể đe dọa tới an ninh của Bắc Kinh, nhưng cả Seoul và Washington nói rằng hệ thống đó nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa của Bắc Hàn.
Trong một diễn biến khác, hôm 7/4, Thủ tướng Nhật cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc ông Trump hạ lệnh không kích Syria, sau khi Damascus cho thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học gây chết chóc ở một khu vực do quân nổi dậy kiểm soát.

Đụng độ với phiến quân

làm 9 binh sĩ Afghanistan, 1 binh sĩ Mỹ thiệt mạng

Các quan chức Afghanistan nói 9 nhân viên an ninh đã thiệt mạng tại một hang ổ của Taliban, trong khi các quan chức Mỹ nói rằng một quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong khi tiến hành các hoạt động chống nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Các quan chức địa phương hôm Chủ nhật cho hay các binh sĩ Afghanistan đã thiệt mạng vào tối thứ Bảy tại quận Chimtal thuộc tỉnh Balkh ở miền bắc. Một số binh sĩ khác đã bị thương.
Thương vong xảy ra ngay trước mùa chiến sự vào mùa xuân khi Taliban đẩy mạnh cuộc chiến chống các lực lượng Afghanistan và đồng minh.
Trước đó, một phát ngôn viên của phái bộ Kiên quyết Trợ giúp do NATO đứng đầu tại Afghanistan cho hay một quân nhân Mỹ đã thiệt mạng vào tối thứ Bảy trong một cuộc hành quân chống ISIS-Khorasan ở tỉnh Nangarhar. ISIS-Khorasan là một chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo hoạt động tại Afghanistan, Pakistan và các khu vực khác của Nam Á.
Đây là thiệt hại nhân mạng đầu tiên trong chiến đấu của Hoa Kỳ trong năm 2017. Con số quân nhân Mỹ thiệt mạng trong chiến đấu đã giảm mạnh kể từ khi quân đội Hoa Kỳ dừng việc lãnh đạo các hoạt động chiến đấu vào năm 2014.

Quan chức Mỹ nói ông Assad phải rời vị trí lãnh đạo Syria

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nói không thể đạt được hòa bình ở Syria khi Tổng thống Bashar al-Assad còn nắm quyền.
Trong lời phát biểu sẽ được phát sóng trên CNN hôm Chủ nhật, bà Nikki Haley nói: “Với việc ông Assad đứng đầu chế độ, không có bất kỳ sự lựa chọn nào để dẫn đến một giải pháp chính trị”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết đánh bại Nhà nước Hồi giáo vẫn là ưu tiên ở Syria.
Trong những phát biểu để phát sóng trong kênh CBS hôm Chủ nhật, ông Tillerson nói: “Ưu tiên hàng đầu là đánh bại ISIS” và “Một khi mối đe dọa ISIS được giảm bớt hoặc bị loại bỏ, tôi nghĩ chúng tôi có thể hướng sự chú ý trực tiếp đến việc ổn định tình hình ở Syria”.
Hôm thứ Bảy, theo lời một viên tỉnh trưởng, các máy bay chiến đấu Syria đã nối lại các phi vụ từ một căn cứ không quân đã là mục tiêu của cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ hôm thứ Sáu.
Theo Reuters, Tỉnh trưởng Talal Barazi của Homs phát biểu chỉ vài giờ sau khi chính phủ Syria cho biết cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Shayrat đã gây ra thiệt hại lớn.
Ông Barazi đã không cung cấp thêm chi tiết, trong khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói báo chí nên hỏi chính quyền Damascus về tình hình tại căn cứ không quân đó.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh thực hiện tấn công tên lửa vào Shayrat sau khi các nhân viên cứu hộ nói có ít nhất 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Sheikhoun.
Ông Trump sau đó viết trên Twitter hàm ý rằng các đường băng ở Shayrat không phải là mục tiêu chính của vụ tấn công tên lửa. Ông không nói thêm cụ thể, chỉ lưu ý rằng các đường băng được sửa chữa nhanh chóng và dễ dàng.
Đô đốc Michelle Howard, người đứng đầu lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở châu Âu và châu Phi, nói với Reuters rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công nữa, nếu cần.

Báo chí TQ: Đối đầu Mỹ – Trung không sớm xảy ra

Truyền thông Trung Quốc hôm 8/4 ca ngợi cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho rằng nó chứng tỏ cho thế giới thấy rằng cuộc đối đầu Mỹ – Trung sẽ không sớm xảy ra.
Tờ China Daily viết rằng cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida “diễn ra tốt đẹp”, sau khi có “các dấu hiệu lẫn lộn” từ Washington về cách thức tiếp cận của chính quyền này đối với quan hệ Mỹ – Trung.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump có nhiều tuyên bố chỉ trích Trung Quốc khiến Bắc Kinh tức giận, và ông làm phật lòng giới lãnh đạo Trung Quốc vì điện đàm với Tổng thống Đài Loan, trước cả khi lên nhậm chức.
Nhưng đôi bên đôi bên đã tránh được các tuyên bố gây căng thẳng ngoại giao khi ông Trump đón tiếp ông Tập tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida, theo Reuters.
China Daily viết rằng đôi bên dường như đều tỏ ra “cùng nồng nhiệt về mối quan hệ mang tính xây dựng mà họ cam kết sẽ vun xới”.
“Điều này nghe có vẻ không tưởng đối với những ai bị ám ảnh bởi kịch bản về một cuộc xung đột ‘không thể tránh khỏi’ giữa một bên họ cho là siêu cường đang lên và một siêu cường hiện thời”, tờ báo viết trong một bài xã luận.
“Nhưng việc Bắc Kinh và Washington tới nay đã cố gắng ngăn chặn xung đột cho thấy rằng việc đối đầu sẽ không sớm xảy ra”, China Daily viết.
Trong khi đó, tờ Global Times viết rằng cuộc gặp là “một chỉ dấu cho thấy quan hệ Mỹ – Trung vẫn theo đúng hướng kể từ khi chính quyền Trump nhậm chức vào tháng Một”, và rằng hai nước nhiều khả năng sẽ phát triển một “mối quan hệ thiết thực”.
Các ấn phẩm của báo chí Trung Quốc ở nước ngoài cũng có những bình luận giống như trên.
Tờ People’s Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng cuộc gặp đề ra đường hướng cho viêc phát triển quan hệ giữa hai nước.
Trong một đoạn tweet hôm 8/4, ông Trump viết rằng “thiện chí và tình bạn đã được hình thành, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời về vấn đề thương mại”.
Tuy nhiên, theo Reuters, báo chí Trung Quốc không đề cập tới cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria, được cho là phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh.

Mỹ và Trung Quốc bàn về hệ thống phòng thủ tên lửa

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/4 cho đối tác Hàn Quốc biết rằng ông đã giải thích cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quan điểm của Hoa Kỳ đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.
Reuters đưa tin rằng ông Trump đã thông báo cho Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn trong một cuộc điện đàm vào cuối tuần.
Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân viết tắt là THAAD ở Hàn Quốc, cho rằng nó có thể đe dọa tới an ninh của Bắc Kinh, nhưng cả Seoul và Washington nói rằng hệ thống đó nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa của Bắc Hàn.
Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực và áp đặt các hạn chế đối với một số công ty ở miền nam bán đảo Triều Tiên làm ăn ở Trung Quốc, khiến nhiều người ở Hàn Quốc tin rằng Bắc Kinh đang trả đũa việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD.
Thông cáo của quyền lãnh đạo Hàn Quốc có đoạn: “Tổng thống Trump nói rằng ông và Chủ tịch Tập đã thảo luận sâu về sự nghiêm trọng của vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn cũng như cách thức đối phó, và cũng nói rằng ông đã truyền đạt quan điểm của Mỹ về việc triển khai THAAD”.
Ông Trump gây áp lực cho nhà lãnh đạo Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Hàn trong cuộc họp thượng đỉnh tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida, theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu triển khai THAAD tháng trước, một ngày sau khi Bắc Hàn phóng bốn quả tên lửa đạn đạo.
Trung Quốc không công khai thừa nhận rằng nước này đang nhắm mục tiêu vào các công ty Hàn Quốc.

Ông Tập ghé thăm Alaska trên đường trở về Trung Quốc

Sau hai ngày tham dự những cuộc hội đàm thu hút nhiều sự chú ý với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dừng chân tại một điểm tiếp nhiên liệu ở bang Alaska vào tối thứ Sáu, nhân dịp đó gặp gỡ thống đốc của bang này.
Thống đốc Bill Walker chào đón ông Tập tới thủ phủ Anchorage của bang lớn nhất nước Mỹ nằm gần Bắc Cực, nơi cả hai thực hiện một chuyến tham quan ngắn và nói về quan hệ thương mại của Alaska với Trung Quốc.
“Chúng tôi có tiềm năng hết sức to lớn trong các ngành dầu khí, du lịch, đánh bắt thủy sản, hàng không và tài nguyên khoáng sản,” ông Walker nói trong một thông cáo được đưa ra trước cuộc hội kiến.
Ông Tập đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ với ông Walker. Ông Walker đã nhân dịp này quảng bá tài nguyên khoáng sản dồi dào của Alaska cũng như cổ súy một đường ống dẫn khí đốt sẽ tạo điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trung Quốc mua hàng hóa của Alaska trị giá gần 1,2 tỉ đôla trong năm 2016, theo số liệu từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của bang này.
Chris Hladick, người đứng đầu Sở Thương mại Alaska, nói với hãng tin AP rằng cuộc hội kiến này là “cơ hội một lần trong đời.”

Ông Tillerson đi Moscow

sau khi các cuộc oanh kích vào Syria làm Nga tức giận

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ tới Moscow vào ngày 12/4, chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ phát động cuộc tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân Syria để thể hiện phản ứng về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của Syria giết hại nhiều thường dân.
Các giới chức nói rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ thúc giục Nga suy nghĩ lại về việc họ tiếp tục trợ giúp chính phủ Syria Bashar al-Assad.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm thứ Bảy nói ông đã huỷ bỏ chuyến thăm Moscow, dự kiến diễn ra vào ngày 10/4. Ông Johnson phát biểu: “Những diễn biến ở Syria đã thay đổi tình hình về cơ bản”.
Ngoại trưởng Tillerson dự kiến sẽ tới Moscow vào thứ Tư, sau khi ông tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G-7 ở Ý từ ngày 9 đến 11/4.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời câu hỏi của VOA liệu chuyến đi Moscow của ông Tillerson có thay đổi hay bị hủy bỏ hay không sau khi quân đội Mỹ tiến hành oanh kích. Nhưng tính đến ngày Chủ Nhật, cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị đưa ra khỏi lịch trình chuyến thăm Moscow của ông Tillerson.
Các nhà phân tích nói rằng dù sao Washington cũng cần có các hoạt động ngoại giao tiếp sau hành động quân sự.

Biểu tình nổ ra thêm ở Venezuela

sau khi lãnh đạo đối lập bị cấm nắm quyền

Cảnh sát tại thủ đô Caracas của Venezuela đã bắn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình chống chính phủ hôm thứ Bảy sau khi chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro cấm một ứng cử viên đối lập nắm quyền.
Một quận trưởng ở thủ đô nói có ít nhất 17 người đã được điều trị vì bị thương.
Một số người biểu tình đã phá vỡ các rào chắn của cảnh sát gần tòa nhà Tòa án Tối cao và sử dụng vật liệu từ một công trường gần đó để đập phá và đốt cháy một số văn phòng của tòa án.
Đất nước này đã bị bất ổn trong hơn một tuần, sau khi Tòa án Tối cao cố gắng tước bỏ quyền hành của cơ quan lập pháp nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập. Hành động đó đã bị rút lại sau nhiều lời chỉ trích của quốc tế cũng như do bị phản đối trong nước.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy những cuộc biểu tình ở Caracas và một số thành phố khác sẽ sớm chấm dứt.
Hôm thứ Sáu, văn phòng Cục Quản lý Công sản Venezuela đưa ra lý do có “những sự bất thường về hành chính” để ngăn chặn Thống đốc bang Miranda Henrique Capriles nắm quyền trong 15 năm. Ông Capriles đã thua sít sao trước ông Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013 và dự kiến sẽ là đối thủ tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm tới.
Chính phủ Venezuela đã cáo buộc các thành viên phe đối lập, bao gồm cả ông Capriles, về việc kích động các cuộc biểu tình bạo lực. Nhóm các nhà hoạt động nhân quyền Penal Forum cho biết gần 100 người đã bị bắt trong thời gian bất ổn gần đây, và một viên cảnh sát đã bị bắt sau khi một nam thanh niên 19 tuổi bị bắn chết hôm thứ Năm, theo tin Reuters.

Na Uy phát hiện thiết bị nổ ở thủ đô Oslo

Cảnh sát Na Uy đã thực hiện một vụ nổ có kiểm soát, sau khi phát hiện một “thiết bị giống như bom” tại trung tâm thủ đô Oslo sớm 9/4.
Một nghi can đã bị bắt giữ trong cuộc điều tra sau đó. Tuy nhiên, cảnh sát không cho biết danh tính của nghi phạm này, theo Reuters.
Một phóng viên của hãng này miêu tả về một tiếng nổ lớn sau khi một nhóm rà phá bom của Oslo đưa một robot phá bom điều khiển từ xa tới hiện trường sau khi khu vực đó đã bị phong tỏa.
Theo cảnh sát địa phương, thiết bị nổ chỉ có khả năng gây ra thiệt hại một cách hạn chế.
An ninh của các nước Bắc Âu đã được tăng cường và lực lượng an ninh trong tình trạng cảnh giác sau khi một nghi can dùng xe tải đâm vào một đám đông ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển hôm 7/4.
Bốn người thiệt mạng và 15 người bị thương trong vụ khủng bố.
Tại Na Uy, năm 2011, một nhân vật cực đoan cánh hữu đã thực hiện một vụ đánh bom xe ở Oslo làm 8 người chết cũng như phá hủy một tòa nhà của chính phủ trước khi xả súng trên một hòn đảo làm hàng chục người thiệt mạng.

Tổng thống Nga lên án vụ không kích Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani cùng cho rằng vụ oanh kích bằng tên lửa của Hoa Kỳ vào một căn cứ không quân của Syria cuối tuần trước “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Reuters dẫn lời Điện Kremlin cho biết hôm 9/4 rằng, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo của Nga và Iran cùng cho rằng Mỹ không được phép tiến hành các hành động xâm lược nhắm vào Syria.
Trong tuyên bố trên trang web, chính quyền Moscow còn cho biết rằng Tổng thống Nga và Iran cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra khách quan vào vụ tấn công công sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib, Syria, đồng thời cho hay rằng họ sẵn sàng hợp tác chống khủng bố.
Điện Kremlin nói rằng cuộc điện đàm diễn ra theo gợi ý của Iran.
Trong một tuyên bố riêng rẽ hôm 9/4, ông Rouhani lên án “sự xâm lược trắng trợn của Hoa Kỳ đối với Syria”, đồng thời chỉ trích các quốc gia Ảrập đã hậu thuẫn cuộc tấn công bằng tên lửa.
Theo Press TV, trong một cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Syria, Bashar al-Assad, nói rằng “các cáo buộc việc Syria tấn công hóa học chỉ là một cái cớ để phá hoại tiến trình hòa bình Syria”.
Trong một diễn biến mới nhất hôm 9/4, theo Reuters, một trung tâm chỉ huy gồm các lực lượng của Nga, Iran, và liên minh dân quân đồng minh ủng hộ ông Bashar al Assad ra tuyên bố nói rằng vụ oanh kích của Hoa Kỳ đã vượt quá “lằn ranh đỏ”, và rằng liên minh này giờ sẽ đáp trả bất kỳ cuộc xâm lược mới nào cũng như sẽ gia tăng mức độ hậu thuẫn dành cho Tổng thống Syria.
Mỹ hôm 7/4 phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat của Syria từ các tàu chiến ở Địa Trung Hải.

Khủng bố ở Stockholm :

Người dân Thụy Điển tỏ tình đoàn kết

Hàng chục ngàn người dân Thụy Điển hôm nay tập trung tuần hành để tỏ lòng đoàn kết sau vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Stockholm cách nay 2 ngày khiến 4 người thiệt mạng và 15 người bị thương.
Vụ tấn công bằng xe tải đã làm người dân Thụy Điển bị sốc nặng. Hàng chục ngàn người đã lên mạng xã hội Facebook kêu gọi tổ chức và tham gia vào cuộc « tuần hành vì tình yêu » diễn ra vào lúc 14h chiều hôm nay, gần nơi xảy ra vụ khủng bố tại thủ đô Stockholm.
Liên quan tới cuộc điều tra, sau vụ khủng bố dùng xe tải cán chết 4 người tại thủ đô Stockholm, hôm thứ Sáu, các nhà điều tra Thụy Điển đã bắt giữ một người Uzbekistan, 39 tuổi.
Theo thông tín viên trong khu vực Régis Genté, thì nghi can chính dường như tên là Rahmat Akilov, người gốc Samarkande, Uzbekistan. Người này đã bị khước từ quy chế tị nạn và có dính líu đến một vụ rửa tiền nhằm tài trợ cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria và Irak.
Trong thời gian qua, một số vụ khủng bố đã xẩy ra mà thủ phạm là những người Uzbekistan. Vậy tại sao có nhiều người Uzbekistan dính líu vào làn sóng khủng bố trong những tháng qua, thông tín viên Régis Genté giải thích :
« Bản chất độc tài của chính quyền tại Uzbekistan giải thích phần nào vì sau đất nước này lại sản sinh ra nhiều chiến binh thánh chiến đến như vậy trong những năm gần đây.
Sự thô bạo của chế độ Uzbekistan đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra đời của Phong Trào Hồi Giáo Uzbekistan, từ đầu những năm 1990. Phong trào này được biết đến do ủng hộ phe Taliban tại nước láng giềng Afghanistan cũng như ở Trung Á với ý định lật đổ tổng thống Uzbekistan Islam Karimov trong những năm 2000. Ông Karimov đã qua đời hồi tháng Chín năm ngoái.
Năm 2015, bị suy yếu, Phong Trào Hồi Giáo Uzbekistan đã ủng hộ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.
Hiện nay, có hàng trăm người Uzbekistan trong hàng ngũ của Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria và Irak. Đấy cũng chính là vì Uzbekistan, khoảng 30 triệu dân, một nước Cộng Hòa Xô Viết cũ, thế tục và có đa số dân theo đạo Hồi, đã hội nhập mạnh mẽ trong một thế giới toàn cầu hóa.
Thân phận những người Uzbekistan di cư, nhất là ở Nga, nơi có tới hơn 2 triệu người, thường làm nẩy sinh những cảm giác thất vọng, hẫng hụt, bất công, những hoàn cảnh kinh tế, xã hội khó khăn nhất ».
Theo tin mới nhất, các nhà điều tra Thụy Điển đã bắt được thêm 1 nghi can. Tuy nhiên, tòa án Stockholm không nói rõ liệu nghi can này có liên hệ gì với nghi can chính Rahmat Akilov người Uzbekistan hay không.
Còn tại nước láng giềng Bắc Âu Na Uy, nhà chức trách thông báo đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, cảnh sát đã phá được một thiết bị nổ « giống như một quả bom » ở khu phố Gronland, tại thủ đô Oslo. Khu phố Gronland là một khu phố có nhiều quán bar và nhà hàng, nằm cách trung tâm Oslo chưa đầy 1km. Cảnh sát đã bắt được một nghi phạm. Cuộc điều tra hiện vẫn đang tiếp tục.

Nga và Iran thông báo

đẩy mạnh tấn công các tổ chức vũ trang ở Syria

Sau vụ Hoa Kỳ tấn công một căn cứ không quân của Syria, hai đồng minh chủ chốt của chế độ Damas là Iran và Nga đã có phản ứng mạnh mẽ, tố cáo Hoa Kỳ muốn hỗ trợ các nhóm vũ trang nổi dậy. Quân đội hai nước cho biết sẽ gia tăng các hoạt động quân sự nhắm vào các nhóm này ở Syria.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi gửi về bài tường trình :
« Trong một động thái chưa từng thấy, chỉ huy quân đội Nga và Iran, ngày hôm qua, 08/04, đã khẳng định quyết tâm tiếp tục cuộc chiến chống các nhóm vũ trang Syria. Iran và Nga là hai đồng minh chủ yếu của Syria trong khu vực.
Tham mưu trưởng quân đội Iran và Nga lên án vụ tấn công của Mỹ nhắm vào một căn cứ không quân Syria và coi đây là một hành động xâm lược chống một quốc gia độc lập. Theo tham mưu trưởng hai nước, vụ tấn công của Mỹ nhằm làm chậm lại các chiến thắng của quân đội Syria và các đồng minh và nhằm hỗ trợ củng cố các tổ chức khủng bố. Lãnh đạo quân đội hai nước cam kết gia tăng cuộc đấu tranh chống các tổ chức vũ trang ở Syria.
Theo thông cáo của phía Iran, quân đội hai nước sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với Syria cho đến khi đánh bại hoàn toàn những tên khủng bố và những kẻ ủng hộ chúng.
Cũng trong ngày hôm qua, trước đó, tổng thống Iran Hassan Rohani đã tố cáo tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ các tổ chức vũ trang, qua việc tấn công quân đội Syria đang chiến đấu chống các nhóm khủng bố.
Phản ứng của Iran và Nga về cuộc tấn công của Mỹ chống Syria làm cho cuộc khủng hoảng trong vùng thêm nghiêm trọng, với nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự lớn ».
Ngoại trưởng Nga-Mỹ điện đàm về Syria
Sau cuộc phản công của Mỹ nhắm vào sân bay quân sự Al Chaayrate của Syria, ngày 08/04/2017, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson về tình hình Syria.
Trong bản thông cáo, được Reuters trích dẫn, ông Lavrov nhấn mạnh : « Tấn công nhắm vào một đất nước mà chính phủ nước đó đang chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố chỉ mang lại lợi ích cho lực lượng cực đoan và tạo ra những mối đe dọa mới cho an ninh khu vực và thế giới ». Ông cũng khẳng định với ngoại trưởng Mỹ là quân đội Syria không sử dụng vũ khí hóa học trong vụ không kích ngôi làng Khan Cheikhoune ở tỉnh Idlib.
Trên thực địa, tại tỉnh Idlib, ít nhất 18 thường dân làng Urum Al Joz bị thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em, trong một trận không kích ngày 08/04. Tỉnh Idlib do liên quân nổi dậy chiếm đóng, trong đó có một chi nhánh cũ của Al Qaida ở Syria, và thường xuyên bị quân chính phủ và quân đội Nga oanh kích.

Chính giới Mỹ phản ứng khác nhau

về quyết định tấn công Syria của Donald Trump

Quyết định dùng tên lửa tấn công Syria ngày 07/04 của tổng thống Mỹ nhằm trừng phạt Damas sử dụng vũ khí hóa học đã được các đồng minh ủng hộ, nhưng chính giới Hoa Kỳ lại có những phản ứng khác nhau và tỏ ra thận trọng. Các nghị sĩ Mỹ đòi Nhà Trắng phải tôn trọng các quy định của Hiến Pháp liên quan đến mọi hành động quân sự.
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình :
« Nếu như các nghị sĩ thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, nhìn chung, ủng hộ vụ tấn công Syria, thì một số nghị sĩ khác lại tỏ ra khó chịu vì không được thông báo hoặc tham khảo trước. Đó là trường hợp của Thượng nghị sĩ Rand Paul, thuộc đảng Cộng Hòa, theo xu hướng tự do chủ nghĩa. Ông cho rằng vụ tấn công này về mặt pháp lý không thể biện minh được và chẳng giúp ích gì. Ý kiến này trái ngược với quan điểm của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, cũng thuộc đảng Cộng Hòa.
Còn đối với Thượng nghị sĩ Tim Kaine, thuộc đảng Dân Chủ, nguyên là ứng viên phó tổng thống, liên danh với bà Hillary Clinton, thì quyết định của Donald Trump là vi hiến. Ông nói, Hiến Pháp quy định rất rõ : Quốc Hội lưỡng viện có quyền tuyên bố chiến tranh. Nếu để cho một tổng thống đơn phương hành động thì khi ông ta bừng tỉnh và nghĩ rằng đó là một ý tưởng hay ho, thì sẽ là hỗn loạn.
Để tạ lỗi, hai ngày sau khi mọi việc đã diễn ra, Donald Trump gửi thư tới Thượng và Hạ Viện giải thích các lý do ông đã quyết định như vậy : Đó là để bảo vệ các lợi ích sống còn, trong lĩnh vực an ninh, của Hoa Kỳ, làm giảm khả năng của quân đội Syria tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, ổn định khu vực và tránh làm cho tình hình nhân đạo tồi tệ hơn. Tổng thống Mỹ cũng báo trước là có thể lại có những hoạt động quân sự.
Tuy nhiên, những chỉ trích gay gắt nhất lại đến từ những nghị sĩ ủng hộ Donald Trump mạnh mẽ nhất. Họ coi đây là một hành động phản bội. Các nghị sĩ này nghĩ rằng họ đã bầu một vị tổng thống chủ trương co cụm, biệt lập. Giờ đây họ phát hiện ra đó là người, nếu có cơ hội, sẵn sàng đóng vai trò tổng thống của toàn thế giới, cho dù Donald Trump không thừa nhận điều này ».
Trong khi đó, đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nikky Haley, trong buổi phỏng vấn của CNN, phát biểu : « Việc lật đổ chế độ của tổng thống Syria Bachar al-Assad là một trong những ưu tiên của chính quyền Donald Trump ». Theo bà Nikky Haley, Syria không thể có hòa bình chừng nào Bachar al-Assad vẫn còn là tổng thống. Những tuyên bố trên của đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc hoàn toàn đi ngược lại phát biểu của bà trước khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria rằng lật đổ Bachar al-Assad không còn là ưu tiên của Washington.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.