Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 08/04/2017

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017 20:42 // , ,

Tin khắp nơi – 08/04/2017

TT Mỹ nói có thể vượt qua nhiều khác biệt với Chủ tịch TQ

Tổng thống Donald Trump ngày 7/4 tuyên bố đạt tiến bộ trong các cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hy vọng đôi bên sẽ vượt qua được nhiều vấn đề, một phát biểu trái ngược với những ngôn từ gay gắt chống Trung Quốc của ông Trump trong cuộc vận động tranh cử 2016.
Ngồi đối diện với ông Tập trong ngày thứ nhì của hội nghị thượng đỉnh Florida, ông Trump tuyên bố là mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc thật tuyệt vời sau khi hai bên thảo luận về những bất bình trong thương mại và những quan ngại về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Trước cuộc gặp, ông Trump từng tuyên bố sẽ nêu quan ngại về cách thức buôn bán của Trung Quốc và áp lực để ông Tập nỗ lực hơn kìm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, dù không hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận quan trọng nào về hai vấn đề này.
Tuần qua, ông Trump cũng lên Twitter chia sẻ rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục chấp nhận thâm thủng mậu dịch và tình trạng mất công ăn việc làm vì Trung Quốc nữa và dự đoán rằng cuộc họp với ông Tập Cận Bình sẽ ‘rất cam go.’
Ông đã thay đổi giọng điệu vào ngày 7/4 khi nói rằng “Chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn trong quan hệ với Trung Quốc. Tôi nghĩ đã thật sự đạt tiến bộ. Chúng ta sẽ tiếp tục đạt thêm nhiều tiến bộ nữa. Mối quan hệ giữa tôi và Chủ tịch Tập thật tuyệt vời.”
Tổng thống Mỹ nói thêm: “Và tôi tin là nhiều vấn đề rất khó khăn sẽ qua đi.”
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung được nhiều người trông đợi bị mất một phần chú ý vì những cuộc tấn công phi đạn của Mỹ nhắm vào một căn cứ không quân của Syria đêm qua. Ông Trump cho rằng căn cứ này là nơi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học gây chết người đã được thực hiện. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Hoa Kỳ vào chính phủ Bashar al-Assad được Nga ủng hộ trong 6 năm nội chiến Syria.
Hành động mạnh mẽ của Mỹ tại Syria có thể được giải thích như là một tín hiệu đặc biệt đối với Bắc Triều Tiên, và rộng hơn nữa là Trung Quốc, cũng như nhiều quốc gia khác như Iran hay Nga rằng ông Trump sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần.
Những quan ngại về an ninh của Mỹ đối với Trung Quốc cũng chú trọng đến việc Bắc Kinh mở rộng tuyên bố chủ quyền tại vùng Biển Đông chiến lược.
Một giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ nói ông Trump thông báo cho ông Tập về cuộc tấn công tại Syria vào lúc kết thúc buổi ăn tối ngày thứ Năm. Ông Trump sau đó loan báo trên truyền hình là đã ra lệnh tấn công để trả đũa vụ tấn công bằng khí độc làm chết nhiều người, trong đó có trẻ em, tại một khu vực do phe nổi dậy chiếm đóng.
Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên tại Syria tìm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến tại đây.

Ông Trump nhận lời mời thăm Bắc Kinh

Tổng thống Donald Trump đã nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm chính thức Bắc Kinh trong năm nay nhưng ngày giờ chưa xác định.
Tin này được đưa ra trong một cuộc họp báo của ba Bộ trưởng Mỹ trong lúc ông Trump và ông Tập gặp nhau tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida, và được truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận. Không có chi tiết nào khác được công bố.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày thứ Sáu 7 tháng 4 nói với các phóng viên là Hoa Kỳ có kế hoạch hành động 100 ngày về thương mại với Trung Quốc. Ông nói kế hoạch này “thần tốc” và bao gồm “những phương thức hoàn thiện,” nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết hai nhà lãnh đạo thảo luận về Bắc Triều Tiên và nhất trí rằng vấn đề Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí đã tới giai đoạn rất nguy hiểm. Ông Tillerson nói đôi bên đều chia sẻ cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đồng ý tăng cường những hợp tác trong mục đích này.
Đáp câu hỏi về những cuộc không kích của Mỹ tại Syria, ông Tillerson cho hay đích thân Tổng thống Trump thông báo cho Chủ tịch Tập về những cuộc không kích này vào cuối bữa ăn tối ngày thứ Năm. Ông Trump cũng loan báo với ông Tập về số lượng phi đạn được phóng và lý do tấn công.
Sáng ngày thứ Sáu, ông Trump tuyên bố với báo giới đã đạt được “những tiến bộ lớn” với Chủ tịch Tập trong các cuộc thảo luận tại Mar-a-Lago và rằng ông tin tưởng “những vấn đề rất khó khăn sẽ qua đi” như một kết quả của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Ông Tập cho biết ông nhận được sự tiếp đón nồng hậu của các thành viên trong chính quyền ông Trump và hai bên đạt được “nhiều hiểu biết” sau khi đã “trao đổi sâu rộng.”
Hôm 6/4, ông Trump loan báo gần 310 tỉ thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc nằm cao trong lịch trình thảo luận giữa hai bên. Ông cũng cho biết ông và các thành viên trong chính quyền Mỹ khẳng định rõ hy vọng tăng áp lực để Bắc Kinh nỗ lực hơn giúp kìm chế Bắc Triều Tiên trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc cung cấp cho Bắc Triều Tiên xăng dầu, hàng hóa nhập khẩu, hàng tiêu dùng, và cả nguyên liệu thô dùng trong chương trình chế tạo vũ khí của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng ngày càng lo ngại về khát vọng quân sự của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Một loạt chế tài của Liên hiệp quốc đối với Bắc Triều Tiên cũng không cản trở nước này thử nghiệm các phi đạn, gần đây nhất là trong tuần này.
Một vài cuộc biểu tình được tổ chức tại Florida trong chuyến viếng thăm của ông Tập trong đó có cuộc biểu tình do Cộng đồng người Việt tại miền Trung Florida tổ chức. Phó trưởng ban tổ chức biểu tình, ông Châu Ngọc An, nói với Ban Việt ngữ VOA đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất, với 500 người tham dự.
Ông cho biết có một nhóm nhỏ vài chục người tuần hành ủng hộ ông Tập.

Chủ tịch Trung Quốc, hãy cấm ăn thịt chó

Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc tới Mỹ lần này thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận quốc tế với các cuộc biểu tình kêu gọi Bắc Kinh từ ngưng quân sự hóa Biển Đông, tôn trọng luật quốc tế về chủ quyền lãnh hải, kinh tế, thương mại, đến…thôi ăn thịt chó.
Thỉnh nguyện thư trên trang Care2Petitions được khởi xướng nhân dịp ông Tập Cận Bình họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida trong hai ngày 6 và 7 tháng này thúc giục Chủ tịch Trung Quốc cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó trong Lễ hội Ngọc Lâm vào ngày 21/6 tới đây, nói riêng, và chấm dứt việc mua bán thịt chó tại Trung Quốc, nói chung, để luật lệ hóa và thực thi Luật Chống Đối xử tàn bạo với Động vật.
Thư viết: “Chúng tôi là những người nước ngoài tôn trọng văn hóa và nhân dân Trung Quốc. Lễ hội Ngọc Lâm được quảng bá là lễ hội văn hóa, hoàn toàn không đúng như vậy. Lễ hội được khởi xướng bởi những người buôn bán thịt chó vào năm 2010 để thúc đẩy doanh số thịt chó suy giảm. Không thể sử dụng văn hóa để biện minh cho kỹ nghệ mua bán tàn bạo.”
Những người khởi xướng chiến dịch nói trong Lễ hội thường niên kéo dài 10 ngày ở Khu tự trị Dân tộc Tráng Quảng Tây này, khoảng 15 ngàn con chó bị tra tấn và giết hại. Đa số là những chú khuyển bị đánh cắp hay những chú chó hoang. Chúng bị nhốt chen chúc vào các lồng sắt, bị bỏ đói nhiều ngày trong suốt thời gian được vận chuyển trước khi được giao tới các lò mổ mất vệ sinh, chờ bị đưa lên thớt.
Các nhà hoạt động bảo vệ động vật cho biết vì tâm lý cho rằng thịt những con chó bị tra tấn sẽ mềm hơn, tăng thêm khẩu vị, nên các chú chó này luôn bị đánh đập, bị treo ngược, bị thọc tiết và bị lột da hay đun sống.
Thỉnh nguyện thư yêu cầu Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco (California) ủng hộ lời kêu gọi của họ gửi tới lãnh đạo khu vực Ngọc Lâm, lãnh đạo đảng ở Quảng Tây, và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Giữa năm ngoái, một thỉnh nguyện thư gồm 11 triệu chữ ký yêu cầu chấm dứt Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm đã được đệ trình nhưng bị bác tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở London.
Một quy định hồi năm 2011 của Bộ Nông Nghiệp yêu cầu mỗi con chó được vận chuyển từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác phải có giấy phép, nhưng nạn vận chuyển lậu và buôn bán, tiêu thụ thịt chó ở Trung Quốc vẫn tràn lan.
Thư gửi Chủ tịch Tập Cận Bình dịp ông tới Mỹ lần này nhấn mạnh lời kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc giết mổ và tiêu thụ thịt chó là vì an toàn công cộng, an toàn thực phẩm, đạo đức xã hội, và danh tiếng của Trung Quốc.

Đề xuất xây tường chặn di dân bằng tiền di dân

WASHINGTON DC —
Tại cuộc gặp 45 phút với Tổng thống Donald Trump ở Tòa Bạch Ốc, hôm 4/4, dân biểu Dana Rohrabacher, đại diện tiểu bang California, đề xuất ý tưởng thu phí 1 triệu đô la người nào muốn trở thành công dân Mỹ. Và nếu ai nộp đủ số tiền này, họ sẽ thành ‘dân Mỹ’ trong vòng 2 năm.
Đối tượng mà ông Rohrabacher nhắm tới là con số trung bình hàng năm có 50,000 người, chủ yếu từ Đông Âu và Châu Phi, được sang Mỹ định cư qua chương trình xổ số di dân. Những người này phải tốt nghiệp trung học và xuất thân từ một đất nước có ít di dân tới Hoa Kỳ. Khác với hàng trăm ngàn visa khác mà Mỹ cấp mỗi năm như diện đoàn tụ gia đình hay diện lao động có tay nghề cao hoặc trong các ngành nghề Mỹ cần nhân lực, chương trình xổ số visa này là chương trình duy nhất dựa trên ý muốn của người ‘trúng giải’ sẵn sàng phủi bỏ tất cả mọi thứ để di cư sang Mỹ.
Dân biểu Rohrabacher nói chương trình visa lựa chọn ngẫu nhiên nên chấm dứt, thay vào đó, ai muốn tới Mỹ phải trả tiền, và số tiền đó sẽ dùng để xây tường thành biên giới với Mexico theo kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm ngăn di dân lậu tràn vào Mỹ. Để hiện thực hóa ý tưởng này, cần có luật, tuy nhiên, dân biểu Rohrabacher cho biết ông chưa hoàn tất soạn thảo.
Ý tưởng xây tường chặn di dân từ tiền của di dân đang gây tranh cãi trong cộng đồng di dân người Việt tại Hoa Kỳ.
Anh Nguyễn Văn Thắng, một chủ tiệm nail tại Florida, nói: “ Đây là một câu chuyện thật hài hước. Họ nói muốn ngăn chặn di dân, bảo vệ nước Mỹ, nhưng thực tế cái gì họ cũng dựa vào di dân. Từ những công việc nặng nhọc như xây dựng đường xá, nhà cửa, dọn dẹp môi trường cho tới những dịch vụ nhà hàng, làm đẹp. Bây giờ không có tiền để xây bức tường như tuyên bố trước đây thì đối tượng đầu tiên mà người ta nghĩ tới để cầu cứu lại cũng là… di dân.”
“Như vậy là giành quyền ưu tiên cho những người có tiền. Nước Mỹ từ khi được thành lập đến nay qua hàng trăm vẫn tự hào là quốc gia đi đầu trong tự do và công bằng xã hội. Nếu ý tưởng này được thực thi thì rõ ràng nó đã đi ngược lại những giá trị cốt lõi của nước Mỹ. Chẳng lẽ nước Mỹ thiếu tiền đền mức phải làm những chuyện đó hay sao,” ông Đỗ Văn Toàn, chủ tiệm 99 cent tại Phoenix, bang Arizona, nêu thắc mắc.
Chị Nguyễn Vân Hà, một di dân mới tới Mỹ và hiện đang sinh sống tại California, chia sẻ suy nghĩ: “Những người có tiền, đóng góp nhiều cho nước Mỹ thì tất nhiên là họ có quyền được ưu tiên. Nhưng chẳng ai dám chắc, sau khi trở thành công dân Mỹ, họ sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn những người nhập cư chăm chỉ lao động. Mà nếu chỉ toàn người có tiền, thì lấy ai đảm trách những công việc của những người lao động hiện nay. Tôi chắc rằng những người Mỹ bản địa sẽ không có nhiều người làm những công việc chân tay đó đâu.”
Nước Mỹ là thỏi nam châm thu hút di dân từ khắp thế giới với cụm từ “Giấc mơ Mỹ” đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay, nơi các quyền tự do-dân chủ luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng có thể nói ngược lại, nước Mỹ có được vị thế dẫn đầu hiện nay cũng nhờ vào những đóng góp rất quan trọng từ các cộng đồng di dân. Vì thế, khi gặp khó khăn về tài chính trong việc xây dựng tường thành với Mexico, xuất hiện ý tưởng tìm kiếm nguồn quỹ từ những di dân giàu có không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Theo dân biểu Dana Rohrabacher, có vẻ như Tổng thống Trump khá hứng thú với ý tưởng này.

Nga xóa dấu vết tội ác tại Syria?

Ngũ Giác Đài tiến hành điều tra cụ thể, có phải chiến đấu cơ Nga thả bom một bệnh viện tại Khan Sheikhoun, 5 tiếng đồng hồ sau khi vụ tấn công bằng vũ khí hóa học được tiến hành tại Syria.
Vụ ném bom ấy, nếu có, có thể nhằm mục đích xóa dấu vết.
Tin của CNN nói Ngũ Giác Đài điều tra xem có bằng chứng Kremlin biết, hoặc đã a tòng, trong vụ tấn công bằng chất hóa học tại tỉnh Idlib khiến tối thiểu 80 người chết; hàng chục người khác bị thương. Theo lời một giới chức quốc phòng cao cấp của Mỹ.
Vụ không kích 60 hỏa tiễn Tomahawk của Mỹ đêm thứ Năm, 6 tháng Tư, là hành động trả đũa của Washington đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.
Mục tiêu của Hoa Kỳ trong vụ bắn hỏa tiễn là một phi trường quân sự của Syria, mà Hoa Kỳ tin là căn cứ của các chiến đấu cơ tiến hành vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Giới chức quốc phòng Mỹ được CNN trích lời nói rằng thông tin tình báo cho thấy một phi cơ không người lái của Nga đã bay bên trên bệnh viện tại Idlib, nơi đang chữa trị các nạn nhân vụ tấn công bằng võ khí hóa học. Và sau đó thì bệnh viện này bị một máy bay khác, không rõ danh tánh, ném bom.
Theo CNN, lực lượng Nga vẫn đều đặn cho máy bay không người lái – drone – vận hành trong khu vực này, do đó Ngũ Giác Đài không thể biết chắc là người vận hành chiếc máy bay không người lái bên trên bệnh viện ở Idlib biết rõ những gì đang xảy ra. Nhưng chiếc drone này là tài sản của Nga. Và quân đội Hoa Kỳ có nhiều phương tiện kỹ thuật mật có thể xác định ai đang vận hành máy bay trong khu vực.
Phía Nga thì nói những người chết tại Khan Sheikhoun là nạn nhân của một vụ không kích do phía chính phủ Syria thực hiện nhắm vào một nhà máy vũ khí hóa học do phía nổi dậy kiểm soát. Các chuyên gia đã phủ nhận ý kiến này, cho rằng điều ấy là tưởng tượng.
Tối thứ Năm, 6 tháng Tư, các khu trục hạm của Hoa Kỳ tại vùng phía Đông Địa Trung Hải nã 60 hỏa tiễn hành trình Tomahawk vào phi trường Shayrat, một căn cứ quan trọng cho lực lượng Nga hỗ trợ chế độ Assad.
59 hỏa tiễn đánh trúng mục tiêu, CNN dẫn lời phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Đại Úy Jeff Davis.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Florida

Tổng thống Donald Trump đón chào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại nơi nghỉ mát của ông ở Florida để họp hội nghị thượng đỉnh hai ngày trong đó nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hy vọng làm áp lực lên Bắc Kinh để Trung Quốc làm nhiều hơn nữa nhằm kìm chế Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông Trump và ông Tập ăn tối tại một phòng ăn riêng có thắp nến ở Mar-a-Lago vào ngày thứ Năm 6 tháng 4. Tổng thống Mỹ nói với báo giới ông nghĩ rằng ông sẽ có một “mối quan hệ tuyệt vời với ông Tập trong dài hạn.”
“Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận dài. Tới giờ tôi hoàn toàn chưa được gì cả, nhưng chúng tôi đã phát triển tình hữu nghị. Và tôi nghĩ trong dài hạn, chúng tôi sẽ có một mối quan hệ rất tuyệt, và tôi trông mong việc này.”
Chủ tịch Tập không phát biểu khi các phóng viên có mặt tại phòng ăn ở Mar-a-Lago và Tổng thống Trump không trả lời các câu hỏi của nhà báo về Syria hay Bắc Triều Tiên.
Trước đó, Tổng thống Trump và các thành viên chính quyền ông nói rõ là họ hy vọng áp lực Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa giúp kìm chế Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong phát biểu với các phóng viên trên chiếc Air Force One bay đến Florida, ông Trump cho biết khoảng 310 tỉ đô la thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc nằm cao trong lịch trình thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.
“Chúng ta đã bị đối xử không công bằng và đã có những thỏa thuận thương mại không thuận lợi với Trung Quốc trong nhiều năm. Đó là một trong những điều chúng ta sẽ thảo luận.”
Tuy nhiên ông cũng dường như liên kết vấn đề này với những quan ngại của Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Anh Quốc: Nga ‘nhục nhã’ vì không khiển nổi Syria

Sớm ngày thứ Sáu, một ngày sau khi Hoa Kỳ oanh kích Syria, đại diện Nga tại Liên Hiệp Quốc lên tiếng chỉ trích Washington, gọi đây là hành động “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và là một hành động gây hấn.” Theo tường thuật của CNN.
Lời đại diện ngoại giao Nga được đưa ra trong buổi họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ Sáu.
“Chúng tôi cực lực kết án hành động phi pháp của chính phủ Hoa Kỳ.” Phó Đại Sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vladimir Safronkov, phát biểu. “Hệ quả của hành động này đối với sự ổn định của khu vực và thế giới có thể rất trầm trọng.”
Vẫn theo CNN, cùng phía với Nga, đại sứ Bolivia tại Liên Hiệp Quốc, Sacha Sergio Llorenti Soliz, chỉ trích Hoa Kỳ tự cho mình vai trò “công tố,” “thẩm phán,” và “bồi thẩm” tại Syria.
Ngược lại, Vương Quốc Anh bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ hành động của Hoa Kỳ.
Anh Quốc ủng hộ vụ không kích của Mỹ “vì tội ác chiến tranh để lại hậu quả, và tội phạm chiến tranh lớn nhất, Bashar al-Assad, nay đã bị cảnh cáo.” Đại Sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, Matthew Rycroft, phát biểu.
“Cuộc không kích của Hoa Kỳ là sự đáp trả tương ứng với hành động không lời nào diễn tả [của Syria] khiến làm gia tăng thiệt hại nhân mạng.” Lời đại sứ Rycroft. Cuộc không kích “cũng là nỗ lực mạnh mẽ để cứu sinh mạng người, bằng cách bảo đảm những hành động như vậy không bao giờ được tái diễn.”
Tiếp theo, CNN tường thuật, người đại diện nước Anh quay sang chỉ trích chính quyền Nga. “Nước Nga đã cho Assad mọi thứ ông ta mong ước.” “Nếu không có phiếu phủ quyết của Nga trong Hội Đồng Bảo An, bất chấp quan điểm của các quốc gia thành viên của Hội Đồng, thì giờ này Assad hẳn đã phải đối mặt với trừng phạt và công lý.”
Rồi vị đại sứ nói thêm: “Ngày hôm nay, nước Nga ngồi đây, nhục nhã vì đã không thể khiển nỗi một con rối độc tài, được dựng lên bởi chính nước Nga, và Hezbollah và Iran.”

Hoa Kỳ trong tư thế ‘làm nữa’ ở Syria

Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, hôm thứ Sáu cảnh báo rằng “Hoa Kỳ trong tư thế để làm nữa,” nhằm đáp trả hành động sử dụng võ khí hóa học của Syria.
Đại sứ Haley đưa ra phát biểu này chỉ một ngày sau khi các khu trục hạm Hoa Kỳ từ Địa Trung Hải bắn gần 60 hỏa tiễn hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria.
Không chỉ nói đã chuẩn bị để “làm nữa,” đại sứ Haley cũng chỉ trích chính phủ Nga hỗ trợ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad.
“Cơ chế điều tra phối hợp kết luận chắc chắn rằng chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính người dân của mình, nhiều lần.” Đại sứ Haley nói.
“Assad làm được như vậy là vì ông ta nghĩ ông ta có thể thoát được. Ông ta nghĩ ông ta có thể thoát được là vì ông ta biết có Nga chống lưng phía sau.” Vẫn lời đại sứ Haley. “Hiện trạng này đã thay đổi từ tối hôm qua.”
Đại sứ Haley nhấn mạnh rằng chính phủ Nga “gánh trách nhiệm lớn” trong hành động của Assad. “Cứ hễ Assad đi quá lằn ranh của tính nhân bản thì [chính phủ] Nga lại đứng phía sau lưng.”
Đại diện của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ đi xa hơn nữa nếu cần thiết, để ngăn chặn Assad sử dụng võ khí hóa học thêm một lần nữa.
Vụ không tập của Hoa Kỳ diễn ra vào tối thứ Năm, 6 tháng Tư, trong khi Tổng Thống Donald Trump đang cùng chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, dự yến tiệc tại Mar-a-Lago, Florida.
Trưởng Văn Phòng Đại Diện VOA tường thuật từ Florida vào tối Thứ Năm, cho biết Tổng Thống Trump đã ra lệnh khai hỏa, và khẳng định không có gì tranh cãi về việc Syria đã dùng “vũ khí hóa học bị cấm.”
Căn cứ bị tấn công được cho là nơi xuất phát các phi cơ chiến đấu mang theo vũ khí hóa học. Theo lời giới chức quân sự Hoa Kỳ.
Cuộc tấn công này là để trả đũa vụ sử dụng vũ khí hóa học giết hại nhiều dân thường, kể cả trẻ em, tại Syria hồi đầu tuần.
“Tối nay, tôi đã ra lệnh một cuộc tấn công quân sự có mục đích, nhắm vào một căn cứ không quân của Syria, nơi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được thực hiện.” Ông Trump nói trong một phát biểu ngắn với giới báo chí tại Mar-a-Lago tối thứ Năm. Hành động này “nằm trong vấn đề an ninh quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự lan truyền sử dụng vũ khí hóa học giết người.”
Ông nói thêm: “Không có gì chối cãi rằng Syria đã sử dụng vũ khí hóa học bị cấm, vi phạm Công Ước Vũ Khí Hóa Học và xem thường lời cảnh báo của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nhiều năm nỗ lực trước đây để thay đổi thái độ của Assad đã thất bại và thất bại một cách thảm hại.”
Ông Trump đã rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh trẻ em bị chết trong số dân thường tử vong trong vụ tấn công ấy, và ông cảm thấy phải hành động, theo lời một giới chức dân sự cao cấp được CNN trích lời.

Bắc Hàn: Vụ không kích Syria ‘không thể tha thứ’

Bắc Hàn hôm 8/4 nói rằng các vụ không kích bằng tên lửa của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria trước đó một ngày là “một hành động xâm lược không thể tha thứ”, và rằng quyết định phát triển vũ khí hạt nhân của nước này là “sự lựa chọn đúng đắn một triệu phần trăm”.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn được hãng tin chính thức của nước này là KCNA loan đi.
Hãng tin này dẫn lời một phát ngôn viên không rõ danh tính của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói: “Vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria là một hành động xâm lược nhắm vào một nước có chủ quyền và chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động này”.
KCNA nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã trao đổi những lời chúc nồng ấm cũng như cam kết về tình bạn hữu và hợp tác giữa hai nước.
Theo hãng tin này, ông al-Assad đã cám ơn ông Kim vì đã nhận ra sự tranh đấu của người Syria nhằm “đối mặt với các thách thức như các hành động độc ác của những kẻ khủng bố trên thế giới và khuyến khích Syria đương đầu thành công với cuộc khủng hoảng”.
Đây là phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi các tàu chiến của Mỹ ở Địa Trung Hải phóng hàng chục tên lửa vào một căn cứ không quân của Syria mà Lầu Năm Góc cáo buộc có liên quan tới vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trước đó trong tuần.
Reuters đưa tin, quốc gia bị quốc tế cô lập nằm ở phía bắc bán đảo Triều Tiên coi Syria là một trong các đồng minh chính.
Trước đó, Nga, một đồng minh khác của Damascus, cảnh báo về các hậu quả “hết sức nghiêm trọng” từ vụ không kích bằng tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat từ các tàu chiến USS Porter và USS Ross của Mỹ.
Đây được coi là quyết định ngoại giao lớn nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi nhậm chức vào tháng Một, cũng như sự can thiệp được coi là trực tiếp đầu tiên của Mỹ vào cuộc nội chiến kéo dài suốt 6 năm qua ở Syria.
Hành động của Hoa Kỳ được cho là đẩy Washington vào thế đối đầu với Nga, nước có các cố vấn tại thực địa để hỗ trợ Tổng thống Syria Assad.
Cuộc không kích được tiến hành khi ông Trump tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida nhằm tìm cách thuyết phục đồng minh chính yếu của Bắc Hàn ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc-Na Uy tái đàm phán tự do mậu dịch

Trung Quốc và Na Uy ngày 7/4 ký một thỏa thuận tái tục các cuộc thương thuyết về tự do mậu dịch, kết thúc 6 năm đóng băng ngoại giao, một động thái mà Trung Quốc gọi là có ý nghĩa quốc tế, chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng trên toàn thế giới.
Bản ghi nhớ là 1 trong 6 thỏa thuận bao gồm hợp tác về kinh tế, công nghệ, y tế, khoa học và thể thao trong chuyến viếng thăm Trung Quốc lần đầu tiên của Thủ tướng Na Uy, Erna Solberg, kể từ khi hai bên nối lại các quan hệ ngoại giao vào tháng 12 năm ngoái.
Trước thời điểm đó, quan hệ giữa Oslo và Bắc Kinh bị đóng băng sau khi Giải Nobel Hòa bình năm 2010 được trao cho ông Lưu Hiểu Ba, một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc bị cầm tù.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói trước cuộc họp chính thức giữa hai bên “Chuyến viếng thăm Trung Quốc của bà chứng tỏ mối quan hệ của chúng ta lại một lần nữa sánh bước dài lâu, từ một khởi điểm mới.”
Bà Solberg nói điều quan trọng là tìm được các lĩnh vực quan tâm chung khi mối quan hệ được bình thường hoá.
Ông Lý nhấn mạnh đến ý nghĩa quốc tế của việc tái tục các cuộc thương thuyết, giữa bối cảnh toàn cầu hóa đang bị trì trệ và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, theo lời một giới chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Khôi nguyên Nobel Hòa bình, Lưu Hiểu Ba, người có liên hệ đến những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn bị quân đội Trung Quốc dẹp tan, bị kết án tù 11 năm vào năm 2009 về tội lật đổ chính phủ vì đã đưa ra một kiến nghị đòi chấm dứt chế độ cai trị độc đảng. Ông hiện đang bị cầm tù.
Ông Lưu được một uỷ ban tại Oslo chọn trao giải, trong khi các giải Nobel khác được quyết định tại Stockholm.
Tranh cãi giữa Oslo và Bắc Kinh đã khiến các nhà xuất khẩu cá hồi của Na Uy gặp khó khăn.
Bà Solberg sẽ đến trung tâm thương mại Thượng Hải và thành phố Hàng Châu ở miền đông Trung Quốc trước khi quay lại Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày thứ Hai tuần tới.

Ngoại trưởng Anh hủy chuyến thăm Nga

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm 8/4 cho biết rằng ông đã hủy chuyến công du Moscow vào ngày 10/4.
Theo Reuters, quyết định này được đưa ra sau vụ tấn công sử dụng chất độc hóa học vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, làm ít nhất 70 người chết và dẫn tới vụ không kích bằng tên lửa của Mỹ. Damascus bác bỏ cáo buộc họ tiến hành cuộc tấn công này.
Ông Johnson nói trong một tuyên bố: “Các diễn biến ở Syria đã làm hoàn toàn thay đổi tình hình”.
Ngoại trưởng Anh được Reuters trích lời nói: “Ưu tiên của tôi hiện giờ là tiếp tục liên hệ với Hoa Kỳ và các nước khác trước khi diễn ra cuộc họp của nhóm G7 vào ngày 10-11/4 nhằm kêu gọi sự hậu thuẫn quốc tế đối với một lệnh ngừng bắn trên thực địa và một tiến trình chính trị tăng cường”.
Trong khi đó, Nga, một đồng minh của Syria, đã lên tiếng cảnh về các hậu quả “hết sức nghiêm trọng” sau khi Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat của Syria từ các tàu chiến ở Địa Trung Hải.
Hành động của Hoa Kỳ được cho là đẩy Washington vào thế đối đầu với Nga, nước có các cố vấn tại thực địa để hỗ trợ Tổng thống Syria Assad.
“Chúng tôi mạnh mẽ lên án các hành động trái phép của Hoa Kỳ. Các hậu quả của hành động này đối với sự ổn định của khu vực và quốc tế hết sức nghiêm trọng”, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vladimir Safronkov, nói trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 7/4.

Lãnh đạo đối lập Venezuela bị cấm tranh cử trong 15 năm

Chính phủ Venezuela đã cấm nhà lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles tranh cử trong 15 năm tới. Ông Capriles là một trong những người chỉ trích Tổng thống Nicolas Maduro mạnh mẽ nhất và hai lần từng là ứng cử viên tổng thống nặng ký.
Ông Capriles đọc những trích đoạn lệnh cấm của tổng trưởng tài vụ tại một cuộc tập hợp vào tối thứ Sáu và kêu gọi những người ủng hộ xuống đường, bắt đầu với cuộc biểu tình dự kiến diễn ra hôm thứ Bảy để bảo vệ các quyền chính trị của họ và đòi bãi nhiệm Tổng thống Nicolas Maduro.
Ông Capriles, 44 tuổi, hiện là thống đốc bang Miranda giáp khu vực thủ đô Caracas, là một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất đằng sau phong trào phản kháng đang lan rộng khắp toàn quốc trong tuần qua.
Ông Maduro không bình luận về lệnh này khi xuất hiện trên truyền hình toàn quốc vào ngày thứ Sáu, nhưng kêu gọi những người ủng hộ ông đừng để bị phân tâm bởi lời lẽ cứng rắn đến từ “Capriloca,” một kiểu chơi chữ trong tiếng Tây Ban Nha ý nói ông Capriles “bị điên.”
Những nhà lãnh đạo đảng Xã hội đương quyền trong những ngày qua đã cáo buộc ông Capriles tìm cách gây nên một cuộc tắm máu thông qua sự lãnh đạo của ông trong các cuộc biểu tình gần như hàng ngày. Nhiều cuộc biểu tình đã kết thúc bằng một vụ xả hơi cay và bắn đạn cao su.
Các cuộc biểu tình đã gia tăng cường độ trước đó trong tháng này sau khi Tòa án Tối cao của Venezuela ra phán quyết hạn chế quyền hành của cơ quan lập pháp do phe đối lập kiểm soát. Tòa án đã đảo ngược phán quyết này vài ngày sau đó sau khi vấp phải sự công phẫn, nhưng phe đối lập nói hành động này cho thấy bản chất độc đoán của chính quyền.

Thụy Điển xác định nghi phạm tấn công là người Uzbekistan

Cảnh sát Thụy Điển đã xác định người đàn ông mà họ bắt giữ, bị tình nghi là người lái chiếc xe tải tông chết bốn người, đến từ Uzbekistan, 39 tuổi.
Cảnh sát hôm thứ Bảy cho báo giới biết rằng người đàn ông này trước đó đã được giới tình báo Thụy Điển biết tới.
“Người đàn ông bị bắt không nằm trong bất cứ cuộc điều tra nào đang diễn tiến của cảnh sát. Tuy nhiên, ông ta trước đây có nằm trong dòng tình báo của chúng tôi,” trưởng cảnh sát an ninh Sapo, Anders Thornberg, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy.
Cảnh sát cũng xác nhận a “một thiết bị khả nghi” được tìm thấy trong chiếc xe tải lao vào người đi bộ bên ngoài một cửa hàng bách hóa ở Stockholm hôm thứ Sáu, giết chết 4 người và làm bị thương 15 người khác.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nói vụ việc này chắc chắn là một “vụ tấn công khủng bố.” Sau đó ông đến thăm địa điểm xảy ra vụ tấn công để đặt một bó hoa hồng và thắp nến. “Mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố là làm suy yếu nền dân chủ,” ông nói. “Nhưng mục tiêu này sẽ không bao giờ đạt được ở Thụy Điển.”
Đây là vụ tấn công mới nhất trong một loạt những vụ tấn công tương tự ở Châu Âu mà trong đó xe tải được sử dụng, bao gồm ở Nice thuộc miền nam của Pháp, London và Berlin. Những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về những vụ tấn công trước đó.
Chưa có tuyên bố nhận trách nhiệm ngay lập tức về vụ tấn công hôm thứ Sáu.
Sau vụ tấn công, ga tàu trung tâm của Stockholm đã được di tản và các tòa nhà gần đó đã bị phong tỏa trong nhiều giờ. Cảnh sát nói rằng họ đã tăng cường an ninh ở biên giới nước này.
Quốc vương Carl Gustaf của Thụy Điển gửi lời chia buồn đến các nạn nhân và gia đình họ trong một thông cáo ngắn ngủi.
“Chúng tôi đang theo dõi diễn biến nhưng bây giờ tâm tư của chúng tôi hướng về các nạn nhân và gia đình của họ,” ông nói. Quốc vương đã cắt ngắn chuyến thăm Brazil vào ngày thứ Sáu để trở về nhà.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và thị trưởng London, Saddiq Khan, đã đưa ra những tuyên bố biểu thị sự đoàn kết với Thụy Điển.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên án vụ tấn công, nói thêm rằng: “Các vụ tấn công như thế này nhằm mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi, nhưng trên thực tế chúng chỉ củng cố thêm quyết tâm chung của chúng ta chống lại chủ nghĩa khủng bố khắp thế giới.”

Mỹ không kích Syria, Nga cảnh báo ‘hậu quả’

Nga ngày 7/4 cảnh báo các cuộc không kích bằng phi đạn hành trình của Mỹ tại Syria có thể có những hậu quả “hết sức nghiêm trọng” giữa lúc can thiệp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump vào một cuộc xung đột ở nước ngoài đang khơi ra rạn nứt giữa Moscow với Washington.
Hai chiến hạm USS Porter và USS Ross tại Địa Trung Hải phóng hàng chục phi đạn Tomahaw vào căn cứ không quân Shayrat mà Ngũ Giác Đài cho rằng có liên hệ đến một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong tuần này.
Đây là một quyết định về chính sách ngoại giao lớn nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, và là một sự can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến kéo dài 6 năm tại Syria mà người tiền nhiệm Barack Obama đã tránh né.
Những cuộc tấn công này là phản ứng của Washington trước một vụ tấn công bằng khí độc của chính phủ của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, làm ít nhất 70 người thiệt mạng trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.
Những cuộc tấn công này đã khiến cho Washington đối đầu với Nga là nước có cố vấn trên bộ để giúp đồng minh thân cận Assad.
Phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vladimir Safronkov phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 7 tháng 4: “Chúng tôi mạnh mẽ lên án những hành động bất hợp pháp của Hoa Kỳ. Hậu quả của việc này đối với sự ổn định trong vùng và quốc tế hết sức nghiêm trọng.”
Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cáo buộc những cuộc không kích của Mỹ suýt trúng quân đội Nga.
Các giới chức Mỹ đã thông báo cho lực lượng Nga trước cuộc tấn công và tránh bắn trúng nhân lực Nga.
Hình ảnh vệ tinh cho biết căn cứ này là nơi trú đóng của lực lượng đặc biệt và máy bay trực thăng Nga, trong khuôn khổ nỗ lực của Điện Kremlin giúp ông Assad chống lại Nhà nước Hồi Giáo và những tổ chức hiếu chiến khác.
Ông Trump thường xuyên thúc đẩy cải thiện những quan hệ với Nga, vốn đã căng thẳng dưới thời ông Obama liên quan vấn đề Syria, Ukraine, và những vấn đề khác. Nhưng đối với việc mở những cuộc tấn công tối 6/4, ông Trump nói đó là những hành động phải làm để chống lại ông Assad.
Tại nơi nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi loan báo cuộc tấn công tối thứ Năm, ông Trump nói “Nhiều năm nỗ lực trước đây để thay đổi thái độ ông Assad đã thất bại và thất bại rất thảm hại.”
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley hôm thứ Sáu nói chính quyền ông Trump sẵn sàng tiến thêm những bước nữa nếu cần.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có mặt tại Florida với ông Trump dự trù đến Moscow vào tuần tới. Ông Tillerson nói ông thất vọng nhưng không ngạc nhiên về phản ứng của Nga vì việc này chứng tỏ Nga tiếp tục hỗ trợ Syria.
Iran, nước ủng hộ ông Assad, cũng chỉ trích ông Trump và lên án cuộc tấn công. Tổng thống Hassan Rouhani nói việc này chỉ mang lại “hủy diệt và nguy hiểm cho khu vực và thế giới.”
Các giới chức Mỹ nói hành động can thiệp này nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong tương lai chứ không phải nhằm nới rộng vai trò của Mỹ trong cuộc chiến Syria.
Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cho biết Mỹ sẽ loan báo thêm những chế tài đối với Syria trong tương lai gần, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Các đồng minh của Mỹ tại châu Á, châu Âu và Trung Đông đều bày tỏ ủng hộ về cuộc tấn công, có thể có đôi chút dè dặt.

Vụ Stockholm: ‘Nghi phạm bị bắt là tài xế xe tải’

Người đàn ông bị bắt tại Stockholm sau vụ tấn công chết người bằng xe tải hôm thứ Sáu được cho là tài xế của chính chiếc xe đó, cảnh sát Thụy Điển nói.
Người này bị bắt ở phía bắc thành phố và chưa bị nêu danh, nhưng truyền thông Thụy Điển nói là người đến từ Uzbekistan.
Bốn người thiệt mạng, 15 người bị thương khi chiếc xe tải lao vào phần trước một cửa hàng.
Cảnh sát ban đầu nói họ chưa thể xác nhận được các tường thuật trên truyền hình địa phương theo đó nói có chất nổ được tìm thấy bên trong chiếc xe tải.
Sau đó, cảnh sát xác nhận đã tìm thấy một thiết bị khả nghi trong chiếc xe tải đâm lao và cửa hàng ở Stockholm hôm thứ Sáu.
“Thiết bị kỹ thuật” này được tìm thấy trong ghế lái của chiếc xe, cảnh sát trưởng Dan Eliasson nói.
Vào lúc này, ông cho biết chưa thể nói đó là cái gì, chỉ có điều “nó lẽ ra không nằm ở đó”.
Ông Eliasson cũng nói nghi phạm bị bắt giữ đến từ Uzbekistan, 39 tuổi, và là đối tượng mà các lực lượng an ninh đã biết tới.
Chiếc xe – bị cướp bên ngoài một nhà hàng gần đó – đã lao và phần trước của hàng bách hóa Ahlens ở Drottninggatan, một trong những đoạn phố đi bộ chính của thành phố, vào giữa giờ chiều.
Các nhân chứng mô tả cảnh tượng kinh hoàng bên ngoài cửa hàng, người chết người bị thương nằm trên phố.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã gọi đây là một cuộc tấn công khủng bố, và ra lệnh thắt chặt an ninh biên giới.
Nghi phạm bị bắt giữ vào tối thứ Sáu, sau khi cảnh sát công bố một hình ảnh do camera an ninh ghi được, không rõ nét cho thấy một người mặt áo khoác có mũ. Sau đó, tin tức nói đã có một vụ bắt giữ thứ hai được thực hiện.
Cảnh sát xác nhận một người trông giống với hình ảnh trên đã bị bắt giữ tại Marsta, nằm cách Stockholm 40km về phía bắc.
“Chúng tôi đã điều tra một số người trong buổi tối hôm nay, là những người mà chúng tôi quan tâm, và mới đây chúng tôi đã bắt giữ người chúng tôi rất quan tâm,” điều tra viên của cảnh sát, Jan Evensson nói tới vụ bắt giữ ở Marsta.
Phát ngôn viên cảnh sát Lars Bystrom sau đó nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi nghi rằng người đàn ông bị bắt giữ chính là thủ phạm.”
Người này bị bắt giữ do bị tình nghi phạm tội khủng bố, văn phòng công tố nhà nước nói, và sẽ bị giam giữ dài hạn, theo trang web của cảnh sát.
Người đàn ông thứ hai bị bắt tại Hjulsta ở khu vực tây bắc Stockholm, có những mối liên hệ với đối tượng bị bắt tại Marsta, truyền thông địa phương dẫn các nguồn cảnh sát nói.
Khu vực trung tâm Stockholm đã bị phong tỏa sau vụ việc, nhà ga chính được cho sơ tán người và các đường tàu điện ngầm các tuyến phố trung tâm và một số tuyến xe buýt bị đóng.

Mỹ ‘thất vọng’ trước lập trường của Nga về Syria

Hoa Kỳ bày tỏ “sự thất vọng nhưng không ngạc nhiên” trước phản ứng của Nga trước việc họ bắn hỏa tiễn nhắm vào một căn cứ không quân ở Syria bị nghi tích trữ vũ khí hoá học.
Ít nhất sáu người bị ghi nhận thiệt mạng trong vụ Mỹ phóng tên lửa rạng sáng 7/4.
Nga, đồng minh của Syria, cáo buộc Mỹ khuyến khích “những kẻ khủng bố” khi hành động đơn phương.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói: “Tôi thất vọng về phản ứng đó.
“Điều đó cho thấy họ liên tục ủng hộ chế độ Assad, và nhất là họ tiếp tục trợ giúp một chế độ tiến hành vụ tấn công khủng khiếp nhắm vào chính người dân nước họ.”
“Vì vậy, tuy cảm thấy rất thất vọng, nhưng thật đáng buồn là tôi không ngạc nhiên”, ông nói thêm.
Moscow cam kết sẽ giúp tăng cường năng lực phòng không cho Syria.
Họ cũng ngưng một đường dây nóng với Mỹ được thiết lập nhằm tránh xảy ra va chạm giữa lực lượng không quân của Mỹ và Nga tại Syria.
Theo cơ quan y tế do phe đối lập vận hành ở Idlib, 89 người, trong đó có 33 trẻ em và 18 phụ nữ, đã thiệt mạng trong vụ tấn công bị nghi là dùng chất động thần kinh tại thị trấn Khan Sheikhoun hôm 4/4. Syria bác cáo buộc này.
‘Lợi ích an ninh quốc gia’
Trong phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại tổ chức này nói rằng Hoa Kỳ hành động nhằm đảm bảo Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hoá học nữa.
“Chúng tôi chuẩn bị có thêm hành động nhưng hy vọng rằng sẽ không cần phải làm thế”, bà nói.
“Chúng tôi có lợi ích an ninh quốc gia khi ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hoá học”.
Bà quy trách nhiệm cho Iran và Nga vì hậu thuẫn cho chính phủ Syria phạm tội ác. “Việc giúp sức cho chế độ Assad sẽ chỉ dẫn đến nhiều vụ giết người hơn mà thôi”, bà nói.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vladimir Safronkov, mô tả cuộc oanh kích của Mỹ là “bất hợp pháp”.
Ông nói với đại diện Mỹ rằng: “Khi quý vị đi theo con đường riêng của mình, điều này sẽ dẫn đến những bi kịch khủng khiếp trong khu vực này.”
Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steve Mnuchin cho biết ông đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với Syria.

Nghị sĩ Mỹ muốn giám sát

quyền can thiệp quân sự của tổng thống Trump

Sau quyết định nhanh chóng của Donald Trump cho tấn công căn cứ không quân Syria tối 06/04/2017 vừa qua, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu từ giờ trở đi, nếu có ý định tuyên chiến hay can thiệp quân sự, tổng thống Trump phải xin phép hoặc ít ra phải thông báo cho Quốc Hội.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào căn cứ quân sự của Syria theo lệnh của tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên các tranh luận xung quanh quyền lực quân sự của tổng tư lệnh quân đội, tức tổng thống. Ở Mỹ, quyền hạn này của tổng thống vẫn được hiểu là phải nằm trong khuôn khổ của quyền lập pháp.
Nhiều tiếng nói trong cả phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã ủng hộ quyết định hành động của tổng thống Donald Trump. Nhưng cũng không ít các nghị sĩ cho đó là quyết định nóng vội, không mang tính chiến lược và trong một quyết định lớn mang tính chiến lược thì cần phải có sự can dự của Quốc Hội. Đó có thể là các tham khảo ý kiến, các cuộc điều trần và được phép chính thức sử dụng sức mạnh.
Trên thực tế, nhiều tổng thống Mỹ đã đơn phương ra lệnh mở các chiến dịch quân sự, nhân danh quyền của tổng tư lệnh quân đội đã được Hiến pháp Mỹ quy định.
Từ sau chiến tranh Việt Nam, Quốc Hội Mỹ đã thông qua luật War Powers Resolution để buộc tổng thống phải thông qua Quốc Hội trước khi tiến hành các cuộc can thiệp quân sự kéo dài trên 60 ngày, dưới thời hạn trên thì phải có thông báo trước. Tuy nhiên, nhiều tổng thống đã làm ngơ trước bộ luật trên. Đó là trường hợp của tổng thống Bill Clinton trong các cuộc chiến ở Bosnia-Herzegovina năm 1995 và Kosovo 1999, và của tổng thống Barack Obama trong cuộc tấn công Libya năm 2011.
Sau vụ tấn công vào Syria hôm thứ Năm, nhiều nghị sĩ của cả hai đảng đã lên tiếng kêu gọi tổng thống Mỹ nên hành động theo luật. Hầu hết các tổng thống Mỹ trước khi tuyên chiến ở nước ngoài đều thông qua phê chuẩn ở Quốc Hội.

Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng tiếp tục tấn công Syria

Ít giờ sau khi Mỹ tấn công căn cứ không quân của chế độ Damas, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã triệu tập phiên họp khẩn cấp theo đề nghị của Nga và Bolivia để thảo luận về hành động tấn công Syria của Mỹ. Các cuộc đấu khẩu giữa đại diện Nga và Mỹ đã diễn ra rất gay gắt xung quanh tính hợp pháp của vụ can thiệp quân sự. Khẳng định hành động của mình là sự đáp trả chính đáng, Hoa Kỳ thậm chí còn cảnh báo sẵn sàng đi xa hơn nữa.
Thông tín viên RFI tại New York Marie Bourreau tường trình:
« Hoa Kỳ đã có quyết định rất chừng mực tối qua, chúng tôi sẵn sàng làm hơn thế, nhưng tôi hy vọng điều đó không cần thiết ».
Không có ý làm dịu tình hình, Hoa Kỳ qua lời đại diện tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã gửi đến Bachar al-Assad và đồng minh Nga lời cảnh báo mới. Hoa Kỳ không thể chấp nhận thêm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. Làn ranh đỏ đó nếu bị vượt qua lần nữa sẽ dẫn tới một chiến dịch quân sự mới.
Một phần của cuộc thảo luận hôm qua xoay quanh tính hợp pháp của cuộc can thiệp của Mỹ mà không có đồng ý của Liên Hiệp Quốc. Nga đánh giá đó là hành động bất hợp pháp và họ được đại diện của Bolivia ủng hộ. Đại sứ Bolivia phát biểu : « Giờ đây, Hoa Kỳ tự cho mình vừa là người điều tra, luật sư, thẩm phán và là đồ tể luôn. Việc làm này hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế ».
Phần đông các nhà ngoại giao không muốn tranh cãi về vấn đề đánh giá sự đáp trả của Mỹ có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, giờ đây họ mong đợi Mỹ cam kết lại là thực sự ủng hộ tiến trình chính trị tại Syria.
Mỹ nghi Damas đã được trợ giúp trong vụ tấn công hóa học
Giới quân sự Mỹ nghi rằng chế độ Syria đã được « trợ giúp » để tiến hành vụ tấn công bằng vũ khí khí hóa học ngày 04/04/2017, nhưng chưa thể khẳng định đó là sự trợ giúp của nước Nga, đồng minh chủ chốt của tổng thống Bachar al-Assad. Đó là tuyên bố của của một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ, xin miễn nêu tên, với các phóng viên hôm qua, 07/04.
Theo lời quan chức này, ít ra là Matxcơva đã không kiểm soát được hoạt động của đối tác Syria, vì người Nga đã có mặt tại căn cứ không quân al-Chaayrate bị tấn công bằng tên lửa Tomahwak của Mỹ, nơi mà các máy bay Syria đã cất cánh để tấn công bằng vũ khí hóa học vào Khan Cheikhuon, khiến 86 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.
Quan chức quân sự Mỹ tuyên bố hiện giờ chưa thể xác định được vai trò của Nga trong vụ này, nhưng nếu có bằng chứng hoặc cáo buộc khả tín nào, họ sẽ có hành động tương xứng.
Theo thẩm định của Lầu Năm Góc, hiện có khoảng từ một chục đến một trăm người Nga ở căn cứ không quân bị tấn công. Họ đã được Hoa Kỳ thông báo trước về cuộc tấn công. Theo các quân nhân Mỹ, các tên lửa Tomahwak đã tránh khu vực mà Nga sử dụng ở sân bay này.
Tuy nhiên, vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ đã bị Matxcơva lên án kịch liệt. Hôm qua, Nga loan báo đã đình chỉ thi hành thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc ngăn ngừa các sự cố giữa phi cơ hai nước trên không phận Syria. Matxcơva và Washington đã ký thỏa thuận này vào tháng 10/2015, vài tuần sau khi Nga khởi động chiến dịch can thiệp vào Syria để hỗ trợ cho chế độ Bachar al-Assad.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm nay cũng vừa thông báo hủy chuyến viếng thăm ở Nga, dự trù cho ngày thứ hai tuần tới, do có những « diễn biến ở Syria làm thay đổi căn bản tình hình ». Ông Johnson lấy làm tiếc là Matxcơva tiếp tục bảo vệ chế độ al-Assad, ngay cả sau khi xảy ra vụ tấn công hóa học vào thường dân vô tội.

Bắc Triều Tiên :

Hoa Kỳ sẳn sàng « hành động một mình » nếu cần

Bên lề cuộc gặp giữa tổng thống Donald Trump với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua, 07/04/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố là Hoa Kỳ sẳn sàng « hành động một mình » chống Bắc Triều Tiên nếu cần.
Ông Tillerson nói : « Chúng tôi sẳn sàng hành động một mình nếu Trung Quốc không thể phối hợp được với chúng tôi, để chống lại những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, đang vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố như trên một ngày sau khi Hoa Kỳ bất ngờ mở các cuộc oanh kích vào một căn cứ không quân của Syria để đáp trả một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, mà quân đội chế độ Damas bị cáo buộc là thủ phạm.
Từ nhiều tuần qua, Washington vẫn thúc giục Bắc Kinh gây áp lực lên đồng minh Bắc Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 02/04 vừa qua, tổng thống Trump thậm chí ngầm đe dọa là Mỹ sẽ đơn phương can thiệp quân sự, sẳn sàng « một mình » giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên nếu Trung Quốc chần chờ quá lâu.
Bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng vẫn có tham vọng trang bị các tên lửa liên lục địa, có thể mang đầu đạn hạt nhân đến tận lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Cho tới nay, Bắc Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 5 vụ thử hạt nhân, trong đó có hai vụ riêng trong năm 2016.

Hậu trường vụ tấn công Syria :

Tướng lãnh Mỹ lấn lướt giới chính trị

Reuters hôm 07/04/2017 dẫn lời một số nhân vật trung tâm trong cuộc tấn công vào Syria mới đây cho biết, để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ đã dựa vào các chuyên gia quân sự hơn là các chính khách – trước đây vẫn chiếm ngôi vị cao trong những tuần lễ đầu ông Donald Trump mới nhậm chức. Quyết định này cũng cho thấy ông Trump muốn có phản ứng nhanh chóng.
Rất nhanh, chỉ vài giờ sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học làm mấy chục người chết hôm thứ Ba 4/4 tại một ngôi làng ở tỉnh Idlib, miền tây bắc Syria, các cố vấn về tình báo của Donald Trump đã cung cấp cho ông những chứng cứ cho thấy tổng thống Syria Bachar Al Assad đứng sau sự kiện tàn bạo này.
Tổng thống Trump, mà ưu tiên ở Syria là đấu tranh chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS), ngay lập tức ra lệnh lập ra danh sách các biện pháp trừng phạt chế độ Assad. Các quan chức cao cấp đã tham dự các cuộc họp kín kéo dài hai ngày liên tiếp, cho Reuters biết như trên.
Chiều thứ Năm 6/4, nhà tỉ phú địa ốc đã trở thành tổng thống đại cường hàng đầu thế giới, ra lệnh khai hỏa. Một cơn mưa hỏa tiễn Tomahawk trút xuống căn cứ không quân Chayrat ở phía bắc Damas – căn cứ được Lầu Năm Góc nhận định là nơi tồn trữ các vũ khí hóa học, sử dụng trong vụ tấn công Khan Cheikhoune hôm thứ Ba.
Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với báo chí : « Đối với tôi, điều này chứng tỏ tổng thống Trump muốn hành động thực sự, khi các chính phủ hoặc những người có quyền quyết định đã đi quá trớn (…) Đây rõ ràng là lời tuyên bố của tổng thống Trump trước thế giới ».
Các quan chức chính quyền Mỹ kể lại là họ đã họp với tổng thống từ tối thứ Ba. Trong cuộc họp này, họ trình bày các khả năng hành động : trừng phạt, gây áp lực ngoại giao, và một kế hoạch quân sự tấn công Syria đã được thảo ra từ trước khi Donald Trump lên nắm quyền.
« Quý vị sẽ thấy »
Một quan chức cho biết: « Tổng thống đưa ra rất nhiều câu hỏi. Ông nói muốn cân nhắc, nhưng cũng có những điểm được ông gợi lên, để xoáy sâu vào từng giải pháp ».
Tối thứ Tư, các cố vấn quân sự nói với ông Trump rằng họ đã biết được căn cứ không quân nào đã được sử dụng để tung ra vụ tấn công hóa học, và nhận dạng được chiếc Soukhoi-22 đã tiến hành vụ này. Tổng thống bèn bảo họ tập trung vào kế hoạch quân sự. Một viên chức khác kể lại : « Chỉ cần lấy lại kế hoạch cũ, thay vào mục tiêu và thời điểm thích ứng ».
Cũng trong buổi chiều hôm ấy, Donald Trump xuất hiện trong vườn hồng của Nhà Trắng và tuyên bố vụ tấn công « không thể gọi tên » nhắm vào « cả những em bé xinh đẹp », đã làm thay đổi quan điểm của ông về Bachar Al Assad. Được hỏi có chuẩn bị một chính sách mới về Syria hay không, Donald Trump chỉ đáp gọn : « Rồi quý vị sẽ thấy ! ».
Cuối buổi chiều thứ Năm, tổng tham mưu trưởng liên quân đã triệu tập một hội nghị ở Lầu Năm Góc để hoàn chỉnh kế hoạch tấn công quân sự, trong lúc tổng thống đến dinh cơ nghỉ mát Mar-a-Lago tại Florida để gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đó, trong một cuộc họp khác, tổng thống Donald Trump đã bật đèn xanh cho việc phóng hỏa tiễn, rồi đi ăn tối với Tập Cận Bình.
Đấu tranh quyền lực trong Nhà Trắng
Và, vào lúc hai nhà lãnh đạo kết thúc bữa tối, hai chiến hạm Mỹ neo đậu tại phía đông Địa Trung Hải là USS Ross và USS Porter đã bắn đi 59 hỏa tiễn hành trình, nhắm vào căn cứ quân sự Syria ở vùng duyên hải phía đông. Lúc đó là khoảng 00 giờ 40 GMT (2 giờ 40 sáng ở Paris, 7 giờ 40 sáng Việt Nam).
Những người tham dự hội nghị cho biết trong ba ngày họp, những cố vấn quân sự có ảnh hưởng lớn lên tổng thống Trump là cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis và tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford.
Trong Nhà Trắng vốn nhiều lần dậy sóng, một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng đã diễn ra giữa tướng H.R.McMaster và ông Stephen Bannon, cố vấn chiến lược của Donald Trump. Ông Bannon đã bị mất ghế trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia hôm thứ Tư, ngay trong thời điểm đang bận rộn chuẩn bị tấn công quân sự.
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm thứ Năm đã báo cho các đồng minh của Hoa Kỳ biết rằng sẽ tấn công Syria lập tức, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Quyết định này khiến Nga, đồng minh lớn của Bachar Al Assad giận dữ. Khả năng xích lại gần nhau giữa Matxcơva và Washington mà ông Trump gợi ra, có vẻ đang lùi xa, nhất là trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Tuy nhiên theo ngoại trưởng Rex Tillerson, không nên suy diễn là người đứng đầu Nhà Trắng khi quyết định như thế đã từ bỏ chủ trương « America First ». Và, đối với một quan chức khác có tham gia vào kế hoạch tấn công Syria, các hỏa tiễn hành trình được trút xuống căn cứ Chayrat là một cuộc tấn công tập trung vào một mục tiêu chứ không phải là một chiến dịch quân sự trên diện rộng.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.