Tin Việt Nam – 15/11/2016
Hoàng tử William tới Việt Nam để làm gì?
Hoàng tử William của nước Anh sẽ lần đầu tiên tới Việt Nam và với mục đích tham gia chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã ở đây.
Theo một thông báo của Điện Kensington, công tước xứ Cambridge sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam trong 2 ngày 16-17 tháng 11 để tham dự một hội nghị quốc tế về buôn bán động vật hoang dã được tổ chức tại Hà Nội.
Chuyến thăm của hoàng tử Anh sẽ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Việt Nam tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác. Theo ghi nhận của Reuters, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện việc thiêu hủy công khai quy mô lớn để phát đi thông điệp mạnh mẽ về cuộc chiến chống buôn bán trái phép các sản phẩm động vật bị đe doạ.
Việt Nam bị đánh giá là quốc gia có hoạt động săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Quỹ Bảo vệ Động Vật Hoang Dã Thế Giới (WWF) và nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là điểm trung chuyển cho các sản phẩm động vật hoang dã sang các quốc gia khác.
Chuyên gia về chống buôn bán lậu động vật hoang dã của WWF ở Việt Nam, Alegria Olmedo, khẳng định điều này với VOA Việt Ngữ.
“Việt Nam được xác định là điểm trung chuyển của khu vực về buôn bán và vận chuyển các sản phẩm động vật hoang dã. Sự thiếu thi hành luật pháp ở Việt Nam và ở các khu vực biên giới với các nước khác và sự thiếu hợp tác trong thực thi luật pháp đã cho phép việc buôn bán các động vật sắp tuyệt chủng diễn ra.”
Trong khi các quốc gia châu Phi đang chật vật đối phó với nạn săn bắn trộm tê giác do nhu cầu tăng cao về sừng tê giác từ các quốc gia như Việt Nam, thì các tổ chức tội phạm tiếp tục vận chuyển lậu hàng nghìn sừng tê giác vào đây hàng năm. Theo WWF, Việt Nam là thị trường tiêu thụ bất hợp pháp sừng tê giác lớn nhất thế giới và chính phủ Việt Nam đã không làm gì để chấm dứt cuộc tàn sát các động vật hoang dã. Theo tổ chức bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới, việc Việt Nam không thể đóng cửa các thị trường bất hợp pháp và không thể phá vỡ các mạng lưới vận chuyển lậu cũng như không thể truy tố các tội phạm vận chuyển lậu đã trở thành tâm điểm tại hội nghị quốc tế về vấn đề này được tổ chức ở Johannesburg, Nam Phi, vào tháng trước.
Trang web của WWF đã phát đi một thỉnh nguyện thư kêu gọi chính phủ Việt Nam hành động để cứu tê giác và voi 1 tuần trước khi hội nghị tuần này diễn ra ở Hà Nội.
Ngôi sao tennis của Anh, Andy Murray đã trở thành một trong hơn 163.300 người ký vào thỉnh nguyện thư này.
Theo thống kê của WWF, kể từ năm 2007 Nam Phi đã mất đi gần 6.000 con tê giác do bị săn bắn trộm. Các cuộc khảo sát khác cho thấy mỗi năm khoảng 1.300 con tê giác bị giết để lấy sừng so với con số 100 vào năm 2008.
Việt Nam cũng là nơi tiêu thụ nhiều loại động vật quý hiếm mà chủ yếu cho mục đích chữa trị đông y và làm thức ăn. Những nghiên cứu gần đây – gần đây nhất là năm ngoái – cho thấy Việt Nam tiếp nhận các container chở sản phẩm động vật quý hiếm sống để chế biến và bán cho người dân địa phương và khách du lịch Trung Quốc để buôn lậu ra bên ngoài biên giới.
Trong 1 thông cáo của WWF, Phó Chủ tịch của tổ chức này, Ginette Hemley, đã chỉ trích hồ sơ thực thi luật pháp kém của Việt Nam và cho rằng việc chấm dứt buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác và giúp cứu những con tê giác châu Phi không phải là một ưu tiên của chính phủ Việt Nam.
Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tăng cao ở Việt Nam xuất phát từ việc dùng nó trong chữa trị bệnh đông y và loại sừng này được coi là “thần dược” đặc biệt đối với bệnh ung thư. Cũng như ở Trung Quốc, sừng tê giác là nguyên liệu quý trong các bài thuốc đông y cổ truyền. Các giới chức Mỹ cho rằng nhu cầu sừng tê giác từ Trung Quốc và Việt Nam là nguyên nhân chính cho sự biến mất nhanh chóng của tê giác ở châu Phi.
Theo bà Olmedo của WWF, đã có các chiến dịch ở Việt Nam để đưa ra thông điệp rằng sừng tê giác không thể chữa được bệnh ung thư. WWF hy vọng hội nghị sắp diễn ra tại Hà Nội sẽ là nơi để chính phủ Việt Nam cam kết hành động.
“Đối với quốc gia như Việt Nam nơi có thị trường cho các hợp pháp sản phẩm động vật hoang dã, điều đó có nghĩa là phải có những biện pháp để làm giảm thiểu nhu cầu bao gồm việc củng cố khung pháp lý và thực thi pháp luật để đóng cửa thị trường tiêu thụ và buôn bán trái phép các sản phẩm này. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ làm tất cả những điều này để đóng cửa thị trường đó.”
Theo chi tiết về chuyến thăm 2 ngày của hoàng tử William từ Điện Kensington, sẽ gặp gỡ cộng đồng y học gia truyền và các nhà lãnh đạo chính trị ở Việt Nam trong 2 ngày tới. Hoàng tử William là Chủ tịch của United of Wildlife – một dự án liên hiệp giữa 7 tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lớn nhất thế giới dưới sự chủ trì của Quỹ Từ thiện Hoàng Gia Anh. Bà Almedo nói có thể hoàng tử nước Anh sẽ muốn nhấn mạnh tới việc thảo luận những bằng chứng khoa học về sự vô tác dụng trong việc dùng động vật hoang dã sắp tuyệt chủng cho mục đích chữa bệnh.
Việt Nam từ bỏ dự án điện hạt nhân : các giải pháp thay thế ?
Vào năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã thông qua kế hoạch xây dựng bốn nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận với sự trợ giúp của Nga và Nhật. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Thế nhưng, báo chí chính thức ngày 11/11/2016 cho biết, Việt Nam từ bỏ dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vì dự án này có mức đầu tư quá cao, nguồn tài chính của Nhà nước hiện nay rất eo hẹp. Mặt khác, chính phủ lo ngại về tính an toàn của nhà máy hạt nhân. RFI phỏng vấn Đặng Đình Cung, kỹ sư tư vấn chiến lược công nghiệp tại Pháp về vấn đề này.
RFI: Anh đánh giá về việc từ bỏ dự án điện hạt nhân của Việt Nam như thế nào ?
Kỹ sư Đặng Đình Cung :Trước tiên chúng tôi xin định nghĩa đơn vị lượng điện và đơn vị công suất dùng trong cuộc phỏng vấn này. Trong nghành điện, chúng tôi tính lượng điện sản xuất hay tiêu thụ bằng TWh (tê ra oắt giờ), nghĩa là một triệu kWh (ki lô oắt giờ) mà người thường quen biết. Và đơn vị công suất điện tính bằng tổ phát điện, công suất của một tổ phát điện nguyên tử 1.000 MW (mê ga oắt), nghĩa là một triệu ki lô oắt.
Theo số liệu của OECD thì mỗi năm nước ta sản xuất 141 TWh và tiêu thụ 131 TWh, sai biệt do tiêu thụ của nhà máy điện và thất thoát trong hệ thống biến thế và vận chuyển điện. Bốn tổ phát điện nguyên tử ở Ninh Thuận dự trù sẽ sản xuất khoảng 20 – 25 TWh/năm, nghĩa là 1/6 – 1/7 sản lượng điện hiện nay của cả nước. Đây là một tỷ lệ khá lớn nhưng có thể dễ dàng thay thế bằng những giải pháp khác.
Việc bỏ dự án là một điều đáng tiếc, nhưng sự mất mát cũng không quá đáng so với mất mát từ các dự án công nghiệp khác chậm tiến độ, vượt ngân sách đầu tư rồi hủy bỏ ở nước ta.
RFI : Nhu cầu điện của VN trong tương lai sẽ ra sao ?
Kỹ sư Đặng Đình Cung : Theo kinh nghiệm thế giới thì gia tăng của nhu cầu điện bằng hai lần gia tăng của kinh tế. Trung bình từ mười năm nay kinh tế nước ta tăng 6% mỗi năm, và tiêu thụ điện tăng 12%. Các chuyên gia quốc tế dự báo trong tương lai kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng 7%/năm. Nếu đi từ 141 TWh thì mỗi năm tới phải sản xuất thêm 17- 20 TWh. Với sự trợ giúp của một hai đập thủy điện cỡ trung bình thì hai nhà máy hạt nhân ở Ninh Thuận, tương đương với bốn tổ phát điện, có tiềm năng đáp ứng được đủ tăng trưởng của nhu cầu điện trong một năm.
RFI : Vậy đâu là các giải pháp thay thế ?
Kỹ sư Đặng Đình Cung :Kết cấu các nguồn năng lượng cơ bản để sản xuất điện ở nước ta là 1/4 than, 1/3 khí tự nhiên và phần còn lại là thủy điện và năng lượng tái tạo khác.
Thủy điện và năng lượng tái tạo khác không ô nhiễm. Nhưng chúng ta đã xây hết tiềm năng thủy điện rồi. Còn các nguồn năng lượng tái tạo khác như là phong điện thì chúng ta cũng đang làm thử, hoàng điện thì chúng ta cũng có ít nhất hai máy lớn sản xuất bảng quang điện. Nhưng những công nghệ này chưa hoàn chỉnh và khả năng cung cấp không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu điện của cả một nước.
Than thì chúng ta phải nhập từ Úc và Trung Quốc vì than của chúng ta chứa nhiều lưu huỳnh và quá rắn làm cho các thiết bị dập và phun than hao mòn quá mau chóng. Khí tự nhiên thì ô nhiễm ít hơn là than. Chúng ta có vài mỏ với trữ lượng lớn ở ngoài khơi Cà Mâu. Nhưng chúng ta đã đạt giới hạn cung cấp của các mỏ khí và không có hạ tầng để nhập khẩu khí hóa lỏng từ ngoại quốc.
Còn lại giải pháp tiết kiệm điện. Đây là giải pháp chỉ tốn có một chút vốn đầu tư ban đầu và hoàn toàn không ô nhiễm. Hiện nay hơn 1/3 điện dùng cho tiện nghi của tư nhân so với trung bình 27 % của thế giới, 14 % của Singapore hay 11 % của Đại Hàn. Nếu chúng ta áp dụng biểu giá điện của Đại Hàm và đạt được tỷ lệ điện gia dụng như họ thì đã tiết kiệm được 30 TWh mỗi năm, sản lượng của năm tổ phát điện nguyên tử.
RFI : Anh đánh giá thế nào về giá thành điện và mức độ ô nhiễm ?
Kỹ sư Đặng Đình Cung :Nhưng tranh cãi về giá thành và ô nhiễm của các dạng năng lượng vừa vô lý vừa vô ích.
Chúng tôi xin lấy thí dụ về phong năng. Nếu lấy giá ở hai đầu kẹp của ở phát điện thì điện gió rẻ hơn điện hạt nhân tới cả chục lần. Nhưng mang điện gió từ ngoài khơi đến đầu kẹp của nơi tiêu thụ thì giá điện sẽ đắt hơn nhiệt điện hay có thể ngang nhau vì có thể xây một nhà máy nhiệt điện ở gần nơi tiêu thụ. Mà nếu phải cung cấp lượng điện cần thiết cho lúc cần dùng thì chắc chắn là phong điện đắt gấp 5-6 lần điện nguyên tử vì phải tích trữ phong điện khi có gió mà không cần dùng đến điện.
Chúng tôi xin lấy thí dụ về phong năng. Nếu lấy giá ở hai đầu kẹp của ở phát điện thì điện gió rẻ hơn điện hạt nhân tới cả chục lần. Nhưng mang điện gió từ ngoài khơi đến đầu kẹp của nơi tiêu thụ thì giá điện sẽ đắt hơn nhiệt điện hay có thể ngang nhau vì có thể xây một nhà máy nhiệt điện ở gần nơi tiêu thụ. Mà nếu phải cung cấp lượng điện cần thiết cho lúc cần dùng thì chắc chắn là phong điện đắt gấp 5-6 lần điện nguyên tử vì phải tích trữ phong điện khi có gió mà không cần dùng đến điện.
Thực ra điều quan trọng là lợi ích của một thiết bị so với tổng-số chi phí sử-dụng thiết-bị đó mà trong đó có giá điện tiêu-thụ. Điện để chạy máy giặt mua của công ty điện là 0,15 EUR mỗi ki-lô-oắt giờ. Vài mi-li-oát-giờ điện của đồng hồ điện-tử tốn hơn cả trăm lần thế mà cũng có người mua.
Có người cho rằng năng lượng nguyên tử nguy hiểm hơn là các năng lượng khác, đặc biệt năng lượng tái tạo. Tỷ dụ plutonium là một chất hóa học rất độc hại. Nhưng plutonium cũng là một nguyên liệu quý báu dùng để chế-tạo bom nguyên tử và, từ khi có hiệp định giảm vũ khí hạt nhân đến nay, người ta tích trữ nó cặn kẽ để sau này dùng làm ngòi châm cho các lò phản ứng neutron nhanh trong tương lai. Trong trường hợp này thì có mấy ai được dịp tiếp cận plutonium đâu mà phải sợ độc hại của chất này.
Còn nói rằng nửa đời của các phế liệu hạt nhân gây hại trong cả chục cả triệu năm thì cũng vậy. Khói các nhà máy sử dụng năng lượng hóa thạch sinh ra khí có hiệu-ứng nhà kính. Đây là nguy cơ trước mắt chứ không phải là nguy cơ cho vài trăm vài nghìn năm tới. Khối lượng những phế liệu đó rất nhỏ mà rủi ro tiềm tàng thì tăng với khối lượng. Lượng bùn đỏ của một nhà máy alumin gây nhiều rủi ro hơn là những phế liệu của tất cả các nhà máy điện nguyên tử của Pháp.
Hiện nay, khói các nhà máy điện than của Trung Quốc làm cho mỗi năm nhiều người chết hơn là số người chết vì tai nạn Fukushima và số người tiềm tàng sẽ bị ung thư sau tai nạn Tchernobyl.
Giải Nhân quyền Việt Nam 2016
Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên từng công tác cho Phòng Nội chính Văn phòng tỉnh ủy Phú Yên trước khi ra mở văn phòng luật sư riêng tại thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa. Ông được biết đến sau khi phơi bày vụ án 5 công an Tuy Hòa đánh chết ông Ngô Thanh Kiều vào năm 2012. Trong vụ này, luật sư Đôn đã tình nguyện giúp đỡ pháp lý hoàn toàn miễn phí cho gia đình nạn nhân ngay từ buổi đầu. Sau vụ án này, tên tuổi ông ngày càng nổi bật với rất nhiều các trường hợp ông đứng ra bảo vệ không công cho những người nghèo bị thiệt thòi, những thành phần thấp cổ bé họng trong xã hội, và những nạn nhân bị công an bạo hành.
Trên con đường theo đuổi công lý cho người nghèo, ông đã gặp nhiều sách nhiễu và đe dọa và thậm chí đã bị đề nghị tước chứng chỉ hành nghề luật sư.
Ông từng hai lần tự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên vào năm 2011 và 2016, nhưng bị loại từ những vòng ‘đấu tố’ địa phương.
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam nói những đóng góp của luật sư Đôn đã thu hút được sự ủng hộ của những người quan tâm nhân quyền và sự cảm phục của những người yêu chuộng công lý.
Bà Trần Ngọc Anh và bà Cấn Thị Thêu là hai nhà hoạt động kiên trì phản đối việc cưỡng chế tịch thu đất đai biến nhiều người thành ‘dân oan’ khiếu kiện hoặc lâm cảnh màn trời chiếu đất giữa chính sách đất đai còn nhiều bất cập của Việt Nam.
Bà Trần Ngọc Anh và bà Cấn Thị Thêu là hai nhà hoạt động kiên trì phản đối việc cưỡng chế tịch thu đất đai biến nhiều người thành ‘dân oan’ khiếu kiện hoặc lâm cảnh màn trời chiếu đất giữa chính sách đất đai còn nhiều bất cập của Việt Nam.
Sáng lập viên Phong trào Liên đới Dân oan, bà Ngọc Anh ở Bà Rịa, và bà Thêu, cư dân Hà Tây, từng tham gia nhiều cuộc biểu tình và khiếu nại tập thể đòi giải quyết minh bạch các đơn kiện đất đai, vốn chiếm đa số tổng đơn kiện tại Việt Nam.
Cả hai phụ nữ này đều bị bắt giữ nhiều lần sau các cuộc biểu tình kiên trì kêu gọi công lý. Bà Anh từng bị bỏ tù 15 tháng vì tội danh ‘gây rối trật tự’ trong khi bà Thêu bị kêu án 15 tháng tù giam vào năm 2014 với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ và tháng 6 năm nay bà lãnh án 20 tháng tù ‘gây rối an ninh trật tự’.
Trong thông cáo công bố giải thưởng năm nay, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam nói hai nhà hoạt động này ‘đã vượt qua quyền lợi cá nhân để đấu tranh cho tập thể dân oan bị bóc lột.’
Mạng lưới Blogger Việt Nam là một tập hợp các ngòi bút độc lập trong nước cổ súy cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Bất chấp những cản trở từ nhà cầm quyền, từ ngày thành lập 10/12/2013 tới nay, Mạng lưới này đã mở ra nhiều hoạt động nâng cao ý thức của mọi người về dân chủ và nhân quyền cùng các chiến dịch quốc tế vận đánh động sự quan tâm của công luận thế giới về quyền con người tại Việt Nam.
Trong số các cuộc vận động nổi bật của Mạng lưới có chiến dịch ‘Tuyên bố 258’ hồi năm 2013 kêu gọi quốc tế áp lực Việt Nam bỏ điều 258 Bộ luật Hình sự hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân, chiến dịch ‘Chúng tôi muốn biết’ năm 2014 , ‘We are one’ năm 2015 đòi hỏi minh bạch và tôn trọng quyền con người, và tích cực tham gia các hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường, phản đối Formosa trong năm nay.
Ngoài ra, Mạng lưới các ngòi bút phản biện này cũng khởi xướng những buổi hội thảo nhân quyền và công bố hồ sơ các nạn nhân của nạn bạo hành trong ngành công an.
Từ ngày thành lập, các thành viên trong Mạng lưới đã nhanh chóng trở thành mục tiêu trấn áp của lực lượng công quyền mà gần đây nhất là trường hợp của blogger Mẹ Nấm, người bị bắt giam trong tháng rồi đang chờ ngày xét xử về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Blogger Dương Đại Triều Lâm thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam nói về Giải thưởng Nhân quyền 2016:
“Chúng tôi rất vui mừng, xem đây là điều khích lệ cho những gì chúng tôi đã làm trong những ngày tháng qua. Đây cũng là động lực cho các thành viên Mạng lưới tiếp tục hoạt động và phục vụ cho tiêu chí về tự do ngôn luận, tự do dân chủ-nhân quyền Việt Nam.”
Đại diện những người được vinh danh Giải thưởng Nhân quyền 2016, blogger Triều Lâm, chia sẻ thêm với VOA Việt ngữ:
“Cũng như tất cả anh chị em, các hội nhóm khác trong nước, chúng tôi đang ở trong vòng kiềm tỏa. Vì vậy, chúng tôi phải bằng mọi cách tận dụng những gì có thể có để cất lên tiếng nói, đưa những sự việc ra công luận quốc tế, những sự thật đang xảy ra tại Việt Nam. Chúng tôi cố gắng thực hiện những quyền căn bản của con người.”
Thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam hằng năm được trao tặng cho các cá nhân, tổ chức đóng góp bảo vệ quyền con người tại Việt Nam và cũng là thông điệp của người Việt hải ngoại bày tỏ đoàn kết, ủng hộ công cuộc tranh đấu vì nhân quyền cho người dân trong nước.
Lễ trao giải năm nay sẽ diễn ra vào Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 tại Boston, Hoa Kỳ.
TPP có thể được thay thế bằng hiệp định mới không có Mỹ -
VN sẽ tham gia?
Tổng thống Peru vừa đề xuất một hiệp định thương mại mới để thay thế cho Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và sẽ không có Mỹ tham gia.
Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski nói với kênh truyền hình RT của Nga rằng hiệp định thương mại tự do TPP do Mỹ dẫn đầu có thể được thay bằng một hiệp định tương tự có sự tham gia của Nga và Trung Quốc.
Ngay sau khi tỷ phú Donald Trump, vốn phản đối TPP, đắc cử tổng thống Mỹ, hiệp định thương mại này được coi như đã chết. TPP là một nhân tố quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.
Tổng thống Peru phát biểu trước thềm Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC sẽ diễn ra ở thủ đô Lima của Peru vào cuối tuần này.
Đại diện Việt Nam, Trần Đại Quang sẽ tham gia hội nghị APEC diễn ra vào 19-20 tháng 11.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói Việt Nam sẽ vẫn tìm cách đa phương hóa các quan hệ kinh tế để giữ vững thế độc lập và chủ quyền tại hội nghị. Ông nói:
“Ông Trần Đại Quang chắc chắn sẽ mang theo thông điệp của hội nghị 4 của Trung ương là sẽ tiếp tục đa dạng hóa đa phương hóa và tiếp tục không để cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá đáng vào một nền kinh tế nào.”
Các nhà lãnh đạo của 21 quốc gia ven Thái Bình Dương – khối kinh tế chiếm 60% lượng GDP toàn cầu – sẽ họp mặt tại hội nghị APEC. Đó cũng là nơi mà các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự ủng hộ cho một hiệp định thương mại mà họ đang xúc tiến để đối trọng với TPP. Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán RCEP – hiệp định thương mại do Trung Quốc dẫn đầu:
“Việt Nam cũng đã tham gia ngân hàng đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á VIIB mà Trung Quốc là người đứng đầu tức là Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia trong đó có vai trò của Trung Quốc. Tuy rằng kinh tế Mỹ đối với Việt Nam hiện nay vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Việt Nam lại có thặng dư thương mại đối với Mỹ cho nên nếu như không có TPP và quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ giảm sút hoặc đình trệ thì đấy cũng là một điều bất lợi đối với Việt Nam.”
0 nhận xét