Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Hoa Kỳ – 16/11/2016

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016 19:01 // , ,

Tin Hoa Kỳ – 16/11/2016

Mỹ không thể tiến hành chính sách ngoại giao

theo kiểu người hùng

Bản tổng kết cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama không tồi cũng không tuyệt hảo ; Trung Quốc không thể là chủ nhân thế giới ; Liên Hiệp châu Âu không phải là đồng minh lớn của Hoa Kỳ… Đó là những nhận định của chuyên gia Aaron Miller về chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian qua, được đăng trong bài phỏng vấn của tuần san Le Point, số ra ngày 09-16/11/2016.
Ông Aaron Miller, phó chủ tịch hiệp hội Những Sáng Kiến Mới thuộc Woodrow Wilson International Center, một trung tâm cố vấn có trụ sở tại Washington. Chuyên nghiên cứu về Trung Đông, ông từng là cố vấn dưới nhiều đời chính quyền Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa và Dân Chủ từ năm 1988-2003. Về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thời gian tới, chuyên gia Aaron Miller cho rằng « Washington sẽ không thể tiến hành chính sách ngoại giao theo kiểu người hùng ». RFI xin giới thiệu.
Le Point : Ông Donald Trump sẽ có chính sách ngoại giao ra sao ?
Aaron Miller : Nói thẳng ra, điều này chẳng đáng bàn. Tôi không biết ông ấy sẽ đưa ra những đề xuất gì. Có rất nhiều thứ lệ thuộc hoàn toàn vào ứng xử của ông ấy, vốn dĩ đã rất khó đoán lắm rồi.
Liệu ông Obama phải chịu một phần trách nhiệm ?
Tôi không cho rằng bản tổng kết của Obama là tuyệt vời, nhưng cũng không hẳn là một thảm họa, như một số người nói. Họ đã đặt quá nhiều hy vọng lên ông cả trên phương diện đối nội lẫn đối ngoại. Ông Obama kế thừa một cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất kể từ năm 1929 và hai cuộc chiến dai dẳng nhất trong Lịch sử Hoa Kỳ, ấy vậy mà người ta đã trông đợi ông tái lập trật tự và sáng tạo ra cách thức mới để thúc đẩy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ…
Thế nhưng, ông Obama lại phải đối mặt với một khu vực Trung Đông nóng bỏng và hỗn loạn, với những phần tử Hồi giáo, với một Vladimir Putin quyết tâm phục hồi lại vị thế nước Nga trên trường quốc tế. Ông ấy chỉ mất có một năm thì đã hiểu rằng thế giới này rất khắt nghiệt và các chọn lựa cho Hoa Kỳ rất hạn hẹp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quan hệ với Trung Đông và Nga. Để rồi cuối cùng ông Obama đã trở nên trơ ì trước rủi ro. Đó mới chính là dấu ấn của toàn bộ chính sách đối ngoại của ông.
Nhưng ông Obama cũng làm thổi bùng niềm hy vọng với các bài diễn văn kêu gọi thay đổi thế giới ?
Chắc chắn rồi ! Chính quyền Obama luôn có những phát biểu vượt quá khả năng của mình. Ví dụ như bài diễn văn Cairo đã vượt quá tất cả những gì mà ông ấy có thể thực hiện. Ông ấy nói về việc ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái và còn tỏ ra quyết tâm đạt được một thỏa thuận trong một thời gian tương đối ngắn. Điều đó đã cho thấy là không thể làm được. Ông ấy còn vạch ra lằn ranh đỏ không nên vượt qua tại Syria…
Theo ý tôi, những bài phát biểu hùng hồn đó chỉ là một phần của vấn đề. Câu hỏi mà tất cả các nhà phân tích nghiêm túc nào cũng đang đặt ra đó là : Trách nhiệm của ông Obama đến đâu về tình trạng hiện nay trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ? Phải chăng là tình hình thế giới trong giai đoạn 2008-2016 ít nhạy cảm hơn với các học thuyết quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ ?
Cá nhân tôi, tôi thiên về giả thuyết thứ hai. Do bản chất các thách thức hiện nay, tôi nghĩ thật là ảo tưởng khi cho rằng ông Obama hay vị tổng thống sắp tới có thể tiến hành một chính sách mà tôi gọi là chính sách ngoại giao hào hùng hoặc thậm chí tạo thuận lợi cho việc đưa ra các giải pháp. Không một vấn đề nào – như vấn đề Putin, Ukraina, châu Âu, Iraq, Israel… có giải quyết được một cách đơn giản. Điều tốt nhất mà một tổng thống có thể làm, đó là tìm cách tác động lên những sự kiện một cách có lợi cho những lợi ích của Hoa Kỳ.
Ông Obama có xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình hay không ?
Ông ấy không tìm cách có mà cũng không hề muốn giải thưởng này. Châu Âu hiểu lệch lạc chính sách đối ngoại của chúng tôi (nước Pháp, với tư cách là một cựu cường quốc, lẽ ra phải ý thức được những bất cập và sự giả dối vốn dĩ là cố tật của mọi đại cường) và đã trao cho ông ấy giải thưởng mà không hề có ý niệm gì về cái mà ông Obama có thể thật sự hoàn thành. Họ trao cho ông ấy giải thưởng đó bởi vì họ vui mừng ông George Bush ra đi. Đó là một món quà chào mừng.
Vậy ông ấy có thể tự hào về những thành công nào ?
Tái lập quan hệ với Cuba và thương thuyết hạt nhân với Iran có thể được xếp vào loại « thành công bán phần », dù rằng cần phải có thời gian để đánh giá các tác động của chúng. Đó là những tiến trình đang được thực hiện. Tôi nghĩ là thay đổi chính sách đối với Cuba lẽ ra phải được tiến hành từ lâu. Liệu mọi việc sẽ diễn ra như dự kiến hay không ? Đó là chuyện khác. Thỏa thuận với Iran đã làm chậm lại việc sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng trong 6 năm nữa, phần lớn các lệnh cấm vận sẽ được dỡ bỏ và vấn đề là phải chờ xem liệu vào lúc đó, Iran có tái khởi động chương trình hạt nhân của mình hay không.
Thỏa thuận về biến đổi khí hậu là một hồ sơ lớn. Nhưng trong hồ sơ này, tổng thống sắp tới sẽ phải làm gì ? Ông Obama đã kịp thời ngăn cản một vụ tấn công khủng bố mới tại Hoa Kỳ, điều đó cực kỳ quan trọng và nên đưa vào bản thành tích của ông. Có thể là ông Obama đã chậm trễ đối phó với sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng xét cho cùng, tôi nghĩ là chính sách của ông có lẽ sẽ thu được kết quả tốt trong những tháng tới đây. Và rồi, đương nhiên, mục tiêu chiến lược của ông là đưa Hoa Kỳ thoát khỏi hai cuộc chiến tranh tại Irak và Afghanistan không hợp lòng dân và quá tốn kém mà Hoa Kỳ không tài nào thắng được. Rút quân khỏi Irak là cần thiết cho dù kế hoạch này được thực hiện một cách lộn xộn không thể tả được.
Thế còn những sai lầm của ông Obama thì sao ?
Nếu như quý vị so sánh hai bài diễn văn Cairo và Oslo (nhân lễ trao giải Nobel Hòa Bình), được đọc vào năm 2009, cả hai bài diễn thuyết này trình bày hai quan niệm khác nhau. Một bài mang tính chất lý tưởng, bài kia thể hiện rõ tính rất thực dụng. Bởi vì chính bản thân ông Obama cũng bị phân tâm về những gì ông có thể hoàn thành. Ông ấy muốn thực hiện cải cách nhưng không làm được. Về hồ sơ Cuba và Iran, ông tỏ ra sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vì đó là những tiến trình có thể kiểm soát được. Điều này khá tế nhị, nhưng trước mặt ông là những đối tác dễ dàng tiếp thu và mong muốn thương lượng.
Nhưng khi cần phải chống lại một thế lực như nước Nga chẳng hạn, thì đấy lại là một Obama khác. Nhiều người nghĩ rằng ông đã thực hiện một chính sách ngoại giao yếu kém, không hiệu quả và rằng Hoa Kỳ không còn là một cường quốc thống trị nữa. Nhưng riêng tôi, tôi nhìn thẳng vào thế giới hiện nay, vào những gì công luận và Quốc hội Mỹ sẵn sàng làm, và tôi tự hỏi ông Obama thật sự có trong tay bao nhiêu lựa chọn.
Tại Syria, lẽ ra ông Obama đã phải hành động khác đi ? Rất nhiều người xem việc ông từ chối can thiệp là một sự thoái lui.
Trước hết, ông Obama lẽ ra không bao giờ nên đề cập đến lằn ranh đỏ nổi tiếng mà ông không có ý định bắt Syria phải tuân thủ. Một vị tổng thống lẽ ra nên nói những gì ông ấy có ý định làm và làm những gì ông nói. Phải chăng tôi cho rằng bằng cách bắn vài quả tên lửa người ta có thể làm thay đổi một cách cơ bản thế cân bằng lực lượng ? Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Trừ phi là Hoa Kỳ sẵn sàng chấp thuận một nỗ lực chung bằng cách thực thi một chiến lược quân sự, có nghĩa là phải triển khai các lực lượng Mỹ, huy động cộng đồng quốc tế và tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Iran vào lúc mà tổng thống đang thương lượng thỏa thuận hạt nhân. Liệu điều đó có mang lại kết quả hay không ? Đó là một chuyện khác. Vấn đề cần biết không phải là những gì ông lẽ ra phải làm, mà là những gì ông có thể làm. Sau kinh nghiệm Afghanistan và Irak cay đắng, ông ấy không còn hứng thú đối với kiểu can thiệp như thế nữa. Thế giới và Trung Đông hoàn toàn hỗn loạn. Người ta không thể coi ông Obama như một nhà cải cách để rồi kết luận rằng ông ấy đã thất bại, bởi vì ông ấy không thích mạo hiểm… Tất cả những điều đó, theo tôi, là quan điểm của châu Âu mà thôi.
Nhưng điều đó có nghĩa là để rộng đường cho ông Putin…
Ông Putin đã ý thức được rằng Hoa Kỳ không chấp nhận hy sinh vì Ukraina. Syria thì khác hẳn. Giả như chúng ta có những hành động đáp trả và hành động sớm hơn chống lại chế độ Assad, liệu chúng ta có thể hạn chế được những tham vọng của ông Putin hay không ? Ông Obama chưa sẵn sàng trả giá cho hành động can thiệp đó bởi vì ông ấy sợ bị sa vào một vũng lầy khác nữa, và tôi cho rằng có lẽ không một tổng thống nào muốn như vậy.
Ông có quan ngại về mối đe dọa có thể từ phía Trung Quốc và Nga hay không ?
Liệu tôi có e ngại một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Nga hay không ? Không hẳn. Tôi cũng không lo sợ Trung Quốc sẽ trở thành chủ nhân của thế giới. Trung Quốc cũng giống như Nga, sẽ phải hứng chịu một loạt vấn đề. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của họ trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc gia và sự phồn thịnh. Thỉnh thoảng, Bắc Kinh sẽ tự khẳng định vai trò của mình theo cách có thể gây tổn hại đến lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ. Nhưng cũng có lúc Trung Quốc họ sẽ hợp tác với chúng tôi.
Thế giới phức tạp hơn nhiều, có nhiều mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng tôi không tin là Hoa Kỳ yếu hơn trước đây. Theo tôi, nước Mỹ vẫn là cường quốc quan trọng nhất trên thế giới, trong ngắn hạn, vẫn duy trì tốt nhất thế cân bằng kinh tế – chính trị – quân sự. Ngược lại, điều làm tôi lo lắng chính là khi Hoa Kỳ được xem như là một dạng cường quốc không thể thiếu, rằng các đồng minh luôn nhờ cậy vào Hoa Kỳ để giải quyết mọi vấn đề của họ. Đối với tôi điều đó là hoàn toàn không thực tiễn.
Hoa Kỳ cũng có những vấn đề riêng của mình – hệ thống chính trị vận hành tồi tệ, nợ công, cơ sở hạ tầng trong tình trạng tồi tệ…Tôi đã từng làm việc với nhiều bộ trưởng trong suốt 25 năm qua và tôi có thể nói với quý vị thật là ảo tưởng nếu nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ giải quyết hết mọi vấn đề.
Ông Obama đã cố tỏ ra cứng rắn với Ả Rập Xê Út và Israel nhưng không mấy thành công. Người Palestin và Israel không sẵn sàng, không muốn và không thể đưa ra kiểu quyết định cho phép Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian hiệu quả như Mỹ đã từng làm trong quá khứ. Chính quyền Obama đã tiến hành nhiều cuộc tranh đấu mà họ không thể thắng được, chẳng hạn như đòi Israel ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái. Thủ tướng Netanyahou là một đối tác rất khó.
Mối quan hệ với Ả Rập Xê Út, từ 50 năm qua vốn dựa trên sự đổi chác – bên này cung cấp dầu lửa, bên kia bảo đảm an ninh – đang bị lật nhào. Ả Rập Xê Út không có cùng quan điểm với Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh, họ căm ghét thỏa thuận với Iran, họ nghĩ rằng nước Mỹ quá thận trọng về Syria… Họ đi theo hướng riêng của họ, đó là điều không thể tránh khỏi.
Với vụ Brexit, làn sóng tị nạn, khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa dân túy gia tăng, châu Âu đang gặp khó khăn. Ông có lo lắng về những yếu kém của đồng minh lớn này của Hoa Kỳ hay không ?
Đây không phải là một đồng minh lớn, mà là 28 nước. Trên thực tế, Hoa Kỳ là đối tác của một số quốc gia trong số này và cần phải xem xét từng trường hợp một. Châu Âu vận hành không tốt. Tôi chưa bao giờ xem châu Âu như là một thực thể gắn bó chặt chẽ, thậm chí bây giờ còn ít gắn bó hơn bao giờ hết. Những năm gần đây đã làm lộ rõ những mâu thuẫn và các bất thường tồn tại trong lòng châu Âu và điều đó đã làm cho Hoa Kỳ sáng mắt ra.

Mỹ : Donald Trump nhức đầu

trong việc đề cử ê kíp lãnh đạo mới

Tổng thống tân cử Donald Trump hiện đang chuẩn bị ráo riết cho ê kíp cầm quyền mới : Đưa ai vào thay thế cho 4000 người trong chính quyền mãn nhiệm Obama sẽ phải ra đi. Tiến trình chọn lọc và thay thế này có vẻ không hề đơn giản.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Marie Capomaccio, giải thích :
Tiến trình chuyển tiếp giữa ban tham mưu của ông Trump và Nhà Trắng đã bị khựng lại do việc thay đổi nhân vật đứng đầu ê kíp của tổng thống tân cử. Phó tổng thống Mike Pence đã thay thế thống đốc tiểu bang New Jersey được đề cử trước đây. Những điều khoản bảo mật phải được tôn trọng, những tài liệu mới phải được điều chỉnh và ký kết. Những điều này phải mất nhiều ngày mới xong, làm cho tiến trình bị chậm lại.
Trong lúc đó, ông Trump cũng chưa chọn được các bộ trưởng ở những vị trí then chốt Ngoại Giao, Quốc Phòng, An Ninh Nội Địa. Một số cố vấn cho biết là việc chọn lựa rất khó khăn, vì ông Trump vừa phải thưởng công cho những người trung thành, vừa không được làm phật ý Quốc Hội, hai nhóm mà quyền lợi lại rất khác nhau.
Các nghị sĩ Quốc Hội thì muốn có những người bảo thủ thuần chất, thúc đẩy những chính sách, đường lối không phải lúc nào cũng phù hợp với lời hứa của ông Trump lúc tranh cử. Còn giới thân cận với tổng thống tân cử lại muốn chọn những người có cá tính hơn, không chịu rập khuôn. 
Nhưng theo một số tiết lộ, thì tổng thống tân cử vẫn còn do dự, vì muốn tránh việc bị phản đối dữ dội mỗi khi đưa ra một quyết định gì, chẳng hạn như tranh cãi đang bùng lên sau thông báo chọn ông Steve Bannon, nổi tiếng với những quan điểm cực đoan, làm cố vấn chiến lược“.

Tướng Mỹ trấn an: Hoa Kỳ không quay lưng với châu Á

Để trấn an các đồng minh châu Á đang hoang mang chưa biết chính sách của Washington đối với khu vực này sẽ ra sao dưới chính quyền Trump, hôm qua 15/11/2016, một quan chức cao cấp quân sự Mỹ lên tiếng khẳng định Hoa Kỳ không quay lưng lại với châu Á trong những năm tới.
Tại Washington, đô đốc Harry Harris, tư lệnh các lực lượng Mỹ trong vùng châu Á – Thái Bình Dương, đã nói với báo chí rằng : mặc dù lúc này suy đoán chính sách của chính quyền sắp tới là việc không thích hợp, nhưng ông khẳng định chắc chắn Mỹ sẽ duy trì những cam kết không lay chuyển đối với các nước châu Á.
Ông Doanld Trump đắc cử tổng thống, các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á có lý do lo ngại về chính sách của chính quyền sắp tới đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bởi vì trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ cắt giảm các viện trợ, thay đối các cam kết với các đồng minh để giảm gánh nặng chi tiêu cho nươc Mỹ. Thí dụ như với đồng minh Nhật Bản, ông Trump chủ trương đòi Tokyo phải cùng gánh vác chi phí cho việc bảo đảm an ninh của mình.
Đô đốc Mỹ nói rõ là : « Tôi muốn trấn an các lo ngại của những đối tác của chúng ta cũng như những đối thủ tiềm ẩn của chúng ta là vùng châu Á-Thái Bình Dương giờ đây cũng quan trọng như từ trước tới nay », Hoa Kỳ vẫn luôn là « đối tác đáng lựa chọn » trong lĩnh vực an ninh của những nước châu Á và điều này sẽ còn tồn tại lâu dài.
Với trường hợp Philippines, một đồng minh lâu đời của Mỹ và cũng có một tổng thống Rodrigo Duterte ăn nói bốc đồng không kém gì ông Donald Trump, từng có lần ngỏ ý muốn quân đội Mỹ rút khỏi đất nước mình, đô đốc Harry Harris khẳng định đến giờ hợp tác quân sự Mỹ-Philippines không có thay đổi gì.
Tất cả những tuyên bố hứa hẹn tranh cử của ông Donald Trum chưa thể gọi là đường lối chính sách của chính quyền tương lai ở Mỹ, cũng như chỉ huy quân đội không phải người quyết định chính sách. Dư luận có thể đoán được phần nào chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ, khi ông Trump công bố tên của ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng trong những ngày tới. Bắt đầu từ ngày 20 tháng Giêng năm tới, chính quyền của tổng thống tân cử mới chính thức hoạt động.

Mỹ-Syria: Trump sẽ bắt tay với Assad?

Trong một cuộc phỏng vấn được phát trên đài truyền hình công Bồ Đào Nha RTP tối qua, 15/11/2016, tổng thống Syria Bachar al-Assad đã khẳng định rằng tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump sẽ là một “đồng minh tự nhiên” nếu ông nhất quyết chống khủng bố. Đây là phản ứng đầu tiên của lãnh đạo Syria kể từ khi ứng cử viên Cộng Hoà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 08/11.
Tuyên bố nói trên của ông Assad được đưa ra vào lúc cả thế giới đang chờ xem chính sách tương lai của Mỹ về khủng hoảng Syria sẽ như thế nào một khi ông Trump nhậm chức tổng thống ngày 20/01. Nhưng những gì mà tổng thống tân cử của Hoa Kỳ nói cho đến nay về tình hình Syria khiến người ta phải đặt câu hỏi: Trump có sẽ bắt tay với Assad?
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ The Wall Street Journal ngày 12/11 vừa qua, nhà tỷ phú Mỹ đã đề ra chủ trương là nên tập trung nhiều hơn vào việc chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Ông Trump cho rằng, nếu cứ tìm cách thay thế Bachar al-Assad, rồi chúng ta cũng sẽ đánh luôn cả nước Nga, đồng minh của chế độ Damas.
Trước đó, trên tờ New York Times vào tháng 7 năm nay, ông Trump cũng đã tuyên bố rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa lớn hơn chế độ Damas. Lúc đó, ứng cử viên Cộng Hòa đã nhấn mạnh đến lập trường của ông là không muốn Mỹ can thiệp vào Syria, vì ông cho rằng “ đã 50 năm rồi Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, nhưng chỉ toàn gây ra các vấn đề, chứ không giải quyết được gì”.
Tổng thống tân cử cũng đã ngầm nêu lên khả năng Mỹ ngưng trợ giúp vũ khí cho các nhóm vũ trang thuộc phe đối lập ôn hòa, hiện vừa chiến đấu chống chế độ Assad, vừa đương đầu với lực lượng thánh chiến Hồi giáo.
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura, trên đài BBC ngày 15/11 đã cho rằng lập trường của ông Trump, qua những phát biểu nói trên, là “hợp lý”, tức là cứ tập trung đánh Daech trước đã, rồi sau đó với Nga tìm ra một giải pháp thương lượng cho khủng hoảng Syria.
Khả năng Washington và Matxcơva hợp tác chặt chẽ trên vấn đề Syria là có thể xảy ra, do tổng thống tân cử Hoa Kỳ có vẻ muốn làm hòa với Nga. Trong cuộc điện đàm ngày 14/11 vừa qua, ông Trump và tổng thống Vladimir Putin đã thỏa thuận là hai bên sẽ cùng làm việc để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Mỹ – Nga. Theo điện Kremlin, tổng thống Putin đã tuyên bố sẳn sàng đối thoại với chính quyền mới của Hoa Kỳ “ trên cơ sở bình đẳng, theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Như vậy là chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách của Mỹ về Syria, theo hướng tìm một giải pháp với chế độ Assad để chống khủng bố Hồi giáo. Nhưng chưa chắc là chính sách này sẽ giúp chặn đứng cuộc nội chiến đã kéo dài 5 năm nay.

Hàng chục ngàn cá chết

gây tắc nghẽn kênh Shinnecock ở New York

Hàng chục ngàn con cá chết nổi lên làm tắc nghẽn kênh Shinnecock ở New York vào sáng thứ Hai. Cư dân địa phương còn thấy cả những con cá còn sống đang vùng vẫy, cố nhảy lên khỏi lớp cá chết để sống sót.
CBS News dẫn lời Cơ quan Bảo vệ môi trường New York nói hôm Thứ Ba rằng họ đang theo dõi hiện tượng này.
Công nhân đã nhanh chóng dọn dẹp số cá chết và ngăn chặn luồng cá chết trôi ra biển.
Một giới chức địa phương cho biết con kênh được đóng và mở liên tục để giữ mức oxy cần thiết cũng như để những con cá còn sống có thể thoát ra ngoài.
Trong khi nguyên nhân gây ra cá chết vẫn chưa được xác nhận, một số chuyên gia địa phương cho rằng luồng cá trên bị săn đuổi chạy vào kênh và đã bị kẹt lại khi kênh đóng, gây ra tình trạng thiếu oxy.
Hiện các mẫu nước đã được lấy đi để kiểm chứng giả định trên.
Các giới chức địa phương nói nước và cá chết hoàn toàn không gây nguy hiểm cho người dân.
Hồi đầu năm nay, cũng xảy ra hiện tượng hàng trăm ngàn cá chết nổi lên tương tự tại Vịnh Raritan ở New Jersey. Nguyên nhân vụ cá chết này được xác định là do luồng cá bị cá bạc má và cá skates săn đuổi vào vịnh và chúng bị chết vì lượng oxy thấp trong vịnh.

Đảng Dân chủ phẫn nộ về đề cử của ông Trump

Michael Bowman
ĐIỆN CAPITOL —
Các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong quốc hội hứa sẽ có hành động cứng rắn một khi ông Donald Trump lên làm tổng thống vào đầu năm tới, trong khi đó các chính khách đảng Dân chủ bày tỏ phẫn nộ về những nhân vật đầu tiên được tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử vào những chức vụ trọng yếu trong Tòa Bạch Ốc.
“Tình yêu chiến thắng hận thù.”
Các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu phản đối tổng thống tân cử Donald Trump diễn ra trước tòa nhà quốc hội, nơi mà đương kim Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan được đề cử thêm một nhiệm kỳ nữa và mừng rỡ đón nhận những cơ may đến với Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này.
Chủ tịch Hạ viên Paul Ryan phát biểu:
“Chào mừng bình minh của một chính phủ mới đoàn kết của đảng Cộng hòa. Thật vinh hạnh khi được phát biểu như vậy. Đây sẽ là một chính phủ quyết tâm chuyển thắng lợi của tổng thống tân cử Donald Trump thành những tiến bộ thực sự để phục vụ nhân dân Hoa Kỳ. Ê-kíp của chúng tôi rất háo hức và quyết tâm sắn tay lên làm việc để thực hiện mục tiêu của mình.”
Các đảng viên đảng Cộng hòa muốn giảm thuế, huỷ bỏ nhiều điều khoản chủ yếu trong luật chăm sóc y tế của Tổng thống Obama, và nới lỏng các quy định đối với các hoạt động kinh tế. Họ thở phào nhẹ nhõm khi ông Trump, chứ không phải bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ, là người sẽ đề cử người để điền vào chiếc ghế để trống tại Tòa án Tối cao.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn, bang Texax nói:
“Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiến hành ngay việc này sau khi có đề cử.”
Đảng Dân chủ cho rằng quyết định của ông Trump chọn ông Steve Bannon làm cố vấn chính trị cao cấp của ông là một khởi đầu tệ hại. Ông Bannon từng điều hành một trang mạng có lập trường cực hữu, cổ vũ các lập trường của thành phần theo chủ nghĩa độc tôn da trắng, và miệt thị các nhóm thiểu số.
Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow thuộc đảng Dân chủ, đại diện bang Michigan nói:
“Ông Bannon là một người từng có những phát biểu có tính cách kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, bài Do Thái, chống những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới, và còn nhiều điều khác nữa. Ông ấy là một người có quan điểm hoàn toàn không xứng đáng với một người làm việc trong Toà Bạch Ốc.”
Thượng nghị sĩ Harry Reid của đảng Dân chủ, đại diện bang Nevada nói:
“Khi một người có quan điểm phân biệt chủng tộc ngồi cách Phòng Bầu dục có vài bước thì điều đó sẽ không giúp gì cho nỗ lực hàn gắn quốc gia của ông Trump.”
Đảng Cộng hòa nói ông Trump hoàn toàn có quyền quyết định chọn ứng cử viên.
Thượng nghị sĩ John Cornyn đảng Cộng hòa, đại diện bang Texas nói:
“Chúng ta đã chiến thắng trong cuộc bầu cử. Người dân Mỹ đã bầu chúng ta. Người dân Mỹ đã chọn vị tổng thống kế tiếp.”
Các cuộc biểu tình chống ông Trump vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một người biểu tình nói:
“Tôi rất lo lắng về việc ông ấy đòi xây một bức tường, tôi cũng lo lắng không biết ông ta sẽ làm gì với Đạo luật chăm sóc y tế hiện nay, và đất nước của chúng ta trong bốn năm nữa sẽ ra sao đây.”
Nghi vấn hiện nay của các thành viên đảng Cộng hòa là liệu ông Trump sẽ nương hay dập làn sóng cuồng nhiệt của những người ủng hộ đã giúp ông giành được chiến thắng trong ngày bầu cử. Nó có thể làm lạc hướng hoặc phá vỡ chương trình nghị sự rất bận rộn của quốc hội sau lễ nhậm chức tổng thống.

Thách thức đối với ông Trump:

Thực hiện cam kết cùng lúc với đoàn kết quốc gia

Jim Malone
WASHINGTON —
Trong vỏn vẹn hơn 2 tháng nữa, ông Donald Trump sẽ làm lễ nhậm chức trong cương vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Một trong những thách thức chủ yếu mà ông phải đối mặt sẽ là cân bằng những lời hứa hẹn lúc tranh cử mà ông ta đã cam kết với các ủng hộ viên, trong khi cùng lúc đề ra những bước để hàn gắn quốc gia tiếp theo sau một chiến dịch vận động tranh cử đầy chia rẽ và có tính cách tấn công cá nhân.
Chiến thắng gây kinh ngạc của ông Donald Trump cho tới giờ vẫn như một giấc mơ đối với một số ủng hộ viên của ông, và ông Trump nhanh chóng đưa ra những lời lẽ có tính cách hoà giải ngay trong bài diễn văn chiến thắng. Ông tuyên bố:
“Đây là lúc chúng ta nên ngồi lại với nhau trong tư cách một dân tộc đoàn kết.”
Nhưng sự đắc thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua đã vấp phải các cuộc biểu tình phản đối trên khắp nước, từ bang Oregon tới bang California ở bờ Tây, cho tới New York, thành phố nơi ông cư ngụ, và Massachusetts trên bờ Đông.
Một người biểu tình phản đối kết quả bầu cử trao phần thắng cho ông Donald Trump nói:
“Tôi đôi khi cảm thấy thất vọng sau bầu cử, nhưng lần này, thì tôi cảm thấy kinh hãi.”
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đã xảy ra một số sự cố khi các cộng đồng thiểu số và người Hồi giáo bị đe doạ, một điều mà ông Trump được hỏi trong cuộc phỏng vấn trên chương trình 60 Minutes của kênh truyền hình CBS. Ông trả lời:
“Tôi rất buồn khi nghe về những vụ việc như thế. Tôi sẽ nói: ‘Hãy ngưng làm như vậy,’ nếu lời nói đó của tôi có thể giúp phần nào.”
Hàn gắn cái hố chia rẽ chính trị cũng là một quan tâm đối với Tổng thống Barack Obama. Ông nói:
“Điều vô cùng quan trọng là tìm cách đánh đi những tín hiệu về tình đoàn kết, và giang cánh tay tới các nhóm thiểu số hoặc phụ nữ, và nhiều thành phần khác nữa vốn hết sức quan ngại về những giọng điệu trong chiến dịch vận động tranh cử.”
Bất ổn chính trị diễn ra giữa lúc ông Trump khởi sự tiến trình đề cử người vào các chức vụ trong chính phủ kế nhiệm. Một trong những nhân vật được đề cử là Chủ tịch Đảng Cộng hoà Reince Priebus sẽ đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng tại Toà Bạch Ốc. Nhân vật thứ hai gây tranh cãi hơn nhiều là Stephen Bannon, là người được chọn làm cố vấn chính trị hàng đầu của Tổng thống tân cử. Ông Bannon là một nhà báo gây rất nhiều tranh cãi, thần tượng của thành phần cực đoan cánh hữu.
Thách thức lớn đầu tiên của ông Trump là chọn nhân sự cho tân chính phủ, theo nhà phân tích chính trị độc lập John Fortier. Ông nói:
“Tiến trình chọn nhân sự để vận hành guồng máy chính phủ mới rất phức tạp ở Hoa Kỳ. Trong tư cách một ứng cử viên đến từ bên ngoài chính phủ, ông Trump không có những quan hệ truyền thống, và nguồn nhân sự mà một chính phủ thường có.”
Nhưng khả năng của ông Trump có thể hàn gắn và đoàn kết quốc gia sẽ tuỳ thuộc nhiều hơn vào những luận điệu của ông, theo nhà phân tích Molly Reynolds thuộc Viện Brookings. Bà Molly Reynolds nói:
“Chúng ta đã có vài ý niệm về ông Trump mà chúng ta đã chứng kiến trong chiến dịch vận động tranh cử, đôi khi chúng ta thấp thoáng thấy bóng dáng của một ông Trump trầm lắng hơn. Vấn đề ở đây là nhân vật trầm lặng hơn này, người mà chúng ta mong đợi nhưng thực sự không thấy xuất hiện trong chiến dịch tranh cử, liệu có xuất hiện một khi ông Trump vào đến Toà Bạch Ốc hay không? Thực sự chúng ta không biết.”
Trong những tuần lễ sắp tới, dự kiến ông Trump sẽ loan báo các thành phần trong nội các của ông, và những nhân vật được ông chọn và bổ nhiệm vào các chức vụ trọng yếu sẽ nói lên những sắc thái mà ông muốn nêu bật trong cương vị là vị Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.

Hai ông Trump và Pence

cân nhắc bổ sung các vị trí trong Nội các

Tổng thống và Phó Tổng thống tân cử Donald Trump và Mike Pence ngày thứ Ba thảo luận về việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong chính phủ mới. Các phụ tá cho biết cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani có thể được cử làm Ngoại trưởng.
Ông Trump và ông Pence phải cử nhiệm hơn 4.00 chức vụ trong chính phủ để sẵn sàng nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 sang năm. Tuy nhiên trọng tâm ngay lúc này của hai ông là Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng An ninh Nội địa. Tất cả những chức vụ này đại diện cho khuôn mặt của chính phủ Mỹ đối với thế giới và giúp lãnh đạo nước Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Giuliani, 72 tuổi, không có kinh nghiệm ngoại giao, nhưng các người có liên hệ đến ông Trump nói ông là người được ưa thích để trở thành Ngoại trưởng. Ông Giuliani là người ủng hộ trung thành của ông vua bất động sản tỉ phú này trong cuộc chạy đua dài ngày với kết quả chiến thắng bất ngờ của ông Trump cách đây một tuần. Ông Giuliani thường xuất hiện trên truyền hình để quảng cáo cho ứng cử viên Donald Trump.
Ông Giuliani ăn nói bộc trực đã nổi tiếng trong nước khi ông làm Thị trưởng New York cách đây hơn một thập niên. Đối với nhiều người Mỹ, ông trở thành một biểu tượng của quyết tâm của nước Mỹ trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Hồi Giáo sau những cuộc tấn công khủng bố năm 2001 vào New York và Washington làm gần 3.000 người thiệt mạng.
Tuy nhiên việc bổ nhiệm ông Giuliani không chắc chắn. Các phụ tá của ông Trump nói tổng thống tân cử cũng đang xem xét một số tên tuổi khác, trong đó có ông John Bolton, một nhà cựu ngoại giao diều hâu, Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Bolton thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama cho rằng ông Obama đã làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới.
Truyền thông cho biết một người ủng hộ khác của ông Trump trong cuộc tranh cử là Đại tướng Lục quân hồi hưu Michael Flynn, từng là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng, có thể được chọn là cố vấn an ninh quốc gia. Thượng nghị sĩ Alabama Jeff Sessions, một cố vấn trong thời kỳ đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, có thể được cử làm bộ trưởng quốc phòng hay bộ trưởng tư pháp.

Bắc Triều Tiên: ‘Chúng tôi không quan tâm’ ông Trump

Margaret Besheer
LIÊN HIỆP QUỐC —
Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên lúc đầu ca ngợi ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nhưng sau chiến thắng của ông, một quan chức cấp cao đã thể hiện sự thờ ơ đối với tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ.
“Chúng tôi không quan tâm đến việc bất kỳ ai trở thành tổng thống của Hoa Kỳ”, ông Kim Yong Ho, Giám đốc bộ phận phụ trách các vấn đề nhân đạo và quyền con người của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên, nói với các nhà báo tại Liên Hiệp Quốc.
“Vấn đề cơ bản ở đây là liệu Hoa Kỳ có ý chí chính trị để hủy bỏ chính sách thù địch đối với nước CHDCND Triều Tiên hay không”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump đã đề xuất việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu hai nước không thể đồng ý về một thỏa thuận công bằng hơn trong việc hỗ trợ cho các bĩnh sĩ đồn trú tại đây. Bắc Triều Tiên đã thúc giục ông Trump giúp thống nhất bán đảo bằng cách rút binh sĩ. Một tổ chức truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên trong thời gian đó đã gọi ông Trump là một “chính trị gia khôn ngoan” và là ứng cử viên tổng thống “nhìn xa trông rộng”.
Hoa Kỳ lâu nay nói sẽ không bao giờ chấp nhận một Bắc Triều Tiên có trang bị vũ khí hạt nhân và đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt nghiêm ngặt đối với việc theo đuổi công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các cuộc đàm phán sáu bên nhằm tháo dỡ chương trình hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ trừng phạt và viện trợ đã bị đình trệ từ năm 2009.

Trump bác bỏ tin đồn về chuyển giao quyền lực

Trump viết trên mạng Twitter rằng tiến trình chọn lọc nội các mới của ông và các chức vụ khác diễn ra “rất quy củ”.
Báo chí Hoa Kỳ trong khi đó cho hay hai thành viên cao cấp trong nhóm chuyên trách chuyển giao chịu trách nhiệm về an ninh quốc nội đã bị sa thải.
Donald Trump, tỷ phú về địa ốc, người bị coi là “ngoại đạo” trong Đảng Cộng hòa, chiến thắng một cách bất ngờ trước chính trị gia lão luyện của Đảng Dân chủ – bà Hillary Clinton.
Ông đã thay thế Chris Christie, thống đốc New Jersey, bằng Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence trong vai trò người đứng đầu nhóm chuyển giao.
Tin tức cho hay con rể Trump – Jared Kushner, người cũng là cố vấn thân cận của ông, đứng đằng sau thay đổi này.
Christie từng là tổng chưởng lý bang New Jersey khi cha của Jared Kushner bị bỏ tù năm 2004 vì tội trốn thuế, vận động hậu trường bất hợp pháp và vi phạm chứng cứ.
Cựu nghị sỹ, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers, người phụ trách lĩnh vực an ninh quốc nội trong quá trình chuyển giao, thông báo hôm 15/11 rằng ông sẽ ra đi.
Tờ New York Times nói ông và thành viên khác của nhóm phụ trách lĩnh vực an ninh, Matthew Freedman, thực chất bị sa thải.
Rogers bị cho là thân cận với Chris Christie, và Freedman từng là cộng sự thân cận của Paul Manafort, người quản lý chiến dịch tranh cử của Trump nhưng thôi việc từ tháng Tám.
Cựu Thị trưởng New York, Rudolph Giuliani – người được trông đợi sẽ nắm một trong các chức vụ quan trọng – nói chuyển giao quyền lực tổng thống luôn luôn là tiến trình phức tạp, và sai sót là chuyện thường.
Donald Trump theo kế hoạch sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ ngày 20/1/2017.

Các con của ông Trump làm cố vấn cho cha?

Một số người thân của ông Donald Trump đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch mang lại thắng lợi bầu cử và bây giờ là một phần của nhóm lên kế hoạch cho ông Trump nhậm chức. Liệu họ có trong chính phủ của ông hay không và việc này có hợp pháp?
Nhóm chuyển giao của tng thống mới đắc cử đã bác bỏ thông tin rằng ông đã tìm cách thông qua thủ tục sàng lọc an ninh cho con cái của mình, theo một quan chức. Các con của ông Trump đã không điền vào giấy tờ cần thiết để thông qua thủ tục sàng lọc an ninh, quan chức này nói.
Ivanka, Eric và Donald Trump Jr muốn được chỉ định là cố vấn an ninh quốc gia để nhận được quyền truy cập thông tin.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các con của ông Trump sẽ nhận các vị trí chính thức trong chính quyền của cha mình hay không.
Các con của ông Trump sẽ phục vụ trong chính phủ của ông?
Báo cáo kiểm tra an ninh đưa ra sau thông báo của ông Trump tuần trước rằng ba đứa con của mình và chồng cô Ivanka Trump, ông Jared Kushner, sẽ phục vụ trong nhóm chuyển giao tổng thống của ông.
Ivanka Trump và chồng cô từng là cố vấn chính cho ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử của ông.
Việc bổ nhiệm này tạo những lo ngại về khả năng có xung đột lợi ích một khi các con của ông tiếp quản đế chế kinh doanh hết sức qui mô của cha mình.
Ông Trump đã khẳng định ông sẽ trao quyền kiểm soát đối với Tổ chức Trump (tập đoàn kinh doanh) cho ba người con cả của ông trước khi chuyển vào Nhà Trắng.
Khi Ivanka Trump được hỏi liệu cô sẽ giữ một vai trò chính thức trong chính quyền của cha cô trong cuộc phỏng vấn 60 phút phát sóng vào Chủ nhật hay không, cô ngần ngại.
“Không,” cô nói. “Tôi sẽ chỉ là con gái. Nhưng tôi đã nói trong suốt chiến dịch rằng tôi rất đam mê về những chủ đề nhất định. Và tôi muốn đấu tranh cho các chủ đề này.”
Đồng minh ông Trump và là cựu Thị trưởng New York, ông Rudy Giuliani cũng nói với CNN hôm Chủ nhật rằng các con của tổng thống mới đắc cử sẽ không trở thành cố vấn.
Có một quy tắc khống chế khả năng tuyển người nhà cấm việc sử dụng người thân?
Ông Trump có thể có sự linh hoạt trong việc bổ nhiệm các thành viên gia đình vào nhóm chuyển giao của mình, nhưng ông bị hạn chế hơn trong việc lựa chọn chính quyền của ông.
Theo một luật chống đưa người thân vào làm, US Code 5 USC 3110, ông Trump không thể “bổ nhiệm, tuyển dụng, đề nghị, hoặc ủng hộ” người thân trong “cơ quan mà ông đang phục vụ, kiểm soát hoặc thực thi quyền hạn”.
Tuy nhiên, ông có thể “lách luật” để tuyển dụng một trong các thành viên trong gia đình của mình vào chính quyền của ông, tờ Washington Post đưa tin. Ví dụ, ông Trump có thể bổ nhiệm một người con của ông nếu họ từ chối nhận lương, là hoàn cảnh thiếu rõ ràng về pháp lý.
Tổng thống đắc cử cũng có thể gây ảnh hưởng đến các nhánh khác của chính phủ để nhận một người con của ông, giữ cho con cái của ông gần gũi với mình ở Washington.
Đã có tổng thống khác của Mỹ tuyển người thân hay con cái làm việc?
Được ban hành vào năm 1967, luật chống đưa người thân vào làm cấm một tổng thống bổ nhiệm một thành viên trong gia đình.
Trước khi đạo luật được thông qua, Tổng thống John F Kennedy nổi tiếng vì bổ nhiệm em trai Robert Kennedy là Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ.
Robert Kennedy, tuy nhiên, vẫn phải được sự chấp thuận trong phiên điều trần của Thượng viện.
Tổng thống Bill Clinton phải đối mặt với thủ tục giám sát khi ông bổ nhiệm vợ mình, khi đó là đệ nhất phu nhân Hillary Clinton là người đứng đầu một nhóm đặc trách cải cách y tế vào năm 1993.
Giới phê bình đưa ra luật chống tuyển dụng người nhà khi họ khởi kiện nhằm ngăn chặn nhóm đặc trách này, nhưng tòa kháng án ra phán quyết ủng hộ việc bổ nhiệm này.
Một tổng thống có thể làm kinh doanh và vẫn ở cương vị tổng thống?
Không có luật xung đột lợi ích ngăn ông Trump lãnh đạo Tổ chức Trump trong khi làm tổng thống, nhưng các tổng thống Mỹ từ trước tới nay tiến hành các bước để tránh bất kỳ sự không thích hợp nào.
Các tổng thống trước đây, từ Lyndon B Johnson trở đi, đã tránh được xung đột lợi ích bằng cách đặt lợi ích kinh doanh của họ vào một quỹ mù (quỹ ủy thác).
Điều này có nghĩa rằng tổng thống để những người ủy thác độc lập quản l‎ý tiền của mình.
Trong trường hợp Lyndon B Johnson, như BBC Robert Plummer cho hay, ông lập một quỹ vào năm 1963 sau khi đảm nhận chức tổng thống trong bối cảnh của vụ ám sát John F Kennedy.
Tổng thống Johnson và vợ ông, bà Lady Bird, sở hữu một đài truyền hình, KTBC, tại Austin, Texas, và muốn tránh các vấn đề pháp lý mà không cần phải bán nó.
Năm 1978, Đạo luật Đạo đức trong Chính phủ chính thức hóa các quy định về quỹ mù, nhưng lại hoàn toàn cho các tổng thống tự nguyện.
Ông Trump không phải là ứng cử viên tổng thống hay phó tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt với những lo ngại về sự giàu có của mình.
Phó Tổng thống Dick Cheney đã chỉ trích gay gắt vì 34 triệu USD trong lựa chọn cổ phiếu ông nhận được từ công ty dịch vụ dầu khí Mỹ Halliburton trước khi cùng tranh cử với ông George W Bush vào năm 2000.
Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney và đối thủ đảng Dân chủ của ông Trump là bà Hillary Clinton cũng có tài sản lớn ở dạng bất động sản, chứng khoán, quỹ đầu tư và các quỹ khác, khi họ tranh cử.
Nhưng không giống như các ứng viên trước đó, tài sản của ông Trump chủ yếu dựa vào thương hiệu cá nhân của mình.
Vậy các con của ông Trump có thể quản lý hoạt động kinh doanh của ông trong khi ông là tổng thống?
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông sẽ bàn giao công ty cho ba người con cả.
Nhưng để Ivanka, Eric và Donald Jr kiểm soát tiền bạc sẽ không được tính là quỹ mù, như ông Trump từng nói, vì ông sẽ tiếp xúc với những người quản lý quỹ này và nắm thông tin trực tiếp về tài sản của ông.
Rồi ông sẽ vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những cáo buộc rằng các quyết định chính trị của ông bị chi phối nhằm mang lại lợi ích tài sản kinh doanh cho mình.
Và nếu một hoặc cả ba con lớn của ông được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao, hay là cố vấn không chính thức và có quyền truy cập thông tin an ninh, xung đột lợi ích của ông Trump sẽ là chưa từng có.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.