Tin Hoa Kỷ – 15/11/2016
Obama : Donald Trump là tổng thống « thực dụng »
Trước khi bắt đầu chuyến công du cuối cùng với tư cách là tổng thống Mỹ, ngày 14/11/2016, ông Barack Obama đã có buổi họp báo đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump trở thành người kế nhiệm ở Nhà Trắng.
Nhân dịp này, tổng thống sắp mãn nhiệm đề nghị người dân Mỹ chấp nhận kết quả bầu cử. Về tổng thống mới đắc cử, ông Obama đánh giá đó là một « người thực dụng » và « khuyên » ông Donald Trump nên duy trì các thỏa thuận lịch sử đã được Hoa Kỳ ký kết.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
« Cuộc họp báo lần này như lời mở đầu cho chuyến công du từ biệt với tư cách là tổng thống Mỹ mà ông Barack Obama còn đảm nhiệm đến ngày 20/01/2017. Vị tổng thống từng vận động chống lại nhà tỉ phú đảng Cộng Hòa phát biểu : « Dân tộc Hoa Kỳ đã lên tiếng lựa chọn, Donald Trump sẽ là vị tổng thống sắp tới, vị tổng thống thứ 45 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, ông từ chối bình luận việc bổ nhiệm chính trị gia gây nhiều tranh cãi Steve Bannon làm cánh tay phải của tân tổng thống (cố vấn cao cấp và giám đốc chiến lược).
Tổng thống sắp mãn nhiệm cũng tin rằng quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ sẽ làm thay đổi chính sách của ông Donald Trump, từng là ứng viên tổng thống theo khuynh hướng dân túy. Ông Obama nhận xét : « Tôi nghĩ ông ấy không phải là một người vì lý tưởng, đó là một con người thực dụng. Và điều này có thể giúp tổng thống tân cử nếu ông ấy có những người tốt quanh mình và nếu ông Trump có được một ý tưởng về mục tiêu muốn hướng tới về phía trước. Tôi có lo lắng không ? Dĩ nhiên là có ! Ông ấy và tôi bất đồng trên rất nhiều hồ sơ ».
Tất nhiên là Barack Obama lo lắng, song ông yên tâm về « Obamacare » vì Donald Trump quyết định giữ lại những biện pháp quan trọng. Về hồ sơ hạt nhân Iran và thỏa thuận Paris về khí hậu, ông tỏ ra nghi ngờ Donald Trump trước khi chính quyền mới nghiên cứu hồ sơ. Cuối cùng, ông Barack Obama không ngần ngại yêu cầu người kế nhiệm đừng trục xuất những « người mang giấc mộng Mỹ », đó là những sinh viên không giấy tờ đến Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ ».
Quốc hội Mỹ tái triệu tập
sau chiến thắng của ông Trump
Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu làm việc trở lại sau cuộc bầu cử đã thay đổi hoàn toàn những giả định của các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về sự cân bằng quyền lực tại Washington trong năm tới, và có thể có tác động ngay lập tức trên những nỗ lực về ngân sách hoạt động của chính phủ Mỹ trong những tháng tới.
Thế đa số của Đảng Cộng hòa đã giảm sút ở cả hai viện Quốc hội nhưng đảng này sẽ nắm Tòa Bạch Ốc, bắt đầu từ tháng Giêng sang năm, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức.
Trước cuộc bầu cử, nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã hình dung sẽ phải làm việc với Đảng Dân chủ về một dự luật dài hạn để tài trợ cho các hoạt động của chính phủ sau ngày 9 tháng 12, khi quyền chi tiêu của chính quyền liên bang hết hạn.
Nhưng triển vọng về ngân sách kéo dài một năm đã bị lu mờ cùng với chiến thắng của ông Trump. Các đảng viên Cộng hòa giờ đây ủng hộ dự luật tạm thời để tránh chính phủ phải đóng cửa, và sẽ tài trợ cho các hoạt động của chính phủ cho đến tháng Hai hoặc có thể tới tháng Ba, và sau đó sẽ hình thành một dự luật chi tiêu khác với chính phủ mới.
Dân biểu đảng Cộng hòa Kevin Cramer đại diện bang North Dakota nói:
“Chúng ta phải tìm cách để tài trợ hoạt động của chính phủ cho đến khi chúng ta đạt được một thỏa thuận quy mô hơn do tổng thống kế tiếp ký”. Ông Cramer nói thêm rằng ông hy vọng “thỏa thuận quy mô” sẽ bao gồm một danh sách dài các ưu tiên mà đảng Cộng hòa không thể thông qua khi đảng Dân chủ còn kiểm soát Tòa Bạch Ốc.
Thượng viện cũng sẽ trở lại làm việc trong ngày thứ Ba. Lãnh đạo Khối Đa số Mitch McConnell nói gia hạn tài trợ cho chính phủ liên bang là một ưu tiên cho giai đoạn hậu bầu cử, còn được gọi là “phiên họp vịt què” của Quốc hội.
Thiểu số đảng viên Dân chủ vẫn có thể ngăn chặn một số – nhưng không phải tất cả – các sáng kiến của đảng Cộng hòa tại Thượng viện với “thủ tục câu giờ
TT Obama trấn an các nước NATO
TÒA BẠCH ỐC —
Tổng thống Obama nói ông sẽ mang theo một thông điệp tới các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới rằng Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ mong muốn duy trì các mối quan hệ cốt lõi của Mỹ, kể cả quan hệ với các thành viên khối NATO. Tổng thống Obama sẽ gặp các lãnh đạo thế giới trong chuyến công du sang Đức, Hy Lạp, và Peru.
Tổng thống Obama nói với các phóng viên rằng ông sẽ trao lại một thông điệp rất quan trọng cho các nhà lãnh đạo thế giới… sau cuộc hội đàm gần đây với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông nói tổng thống tương lai của Mỹ muốn duy trì các mối quan hệ chiến lược, kể cả với các thành viên khối NATO.
Tổng thống Obama:
“Một trong những thông điệp mà tôi mang theo là sự cam kết của Tổng thống tân cử Mỹ đối với khối NATO và liên minh xuyên Đại Tây Dương. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà tôi có thể thực hiện trong giai đoạn này trong chuyến công du lần này, đó là Hoa Kỳ quyết tâm duy trì cam kết của mình.”
Trước đó ông Trump đã gây bất an cho các thành viên NATO khi phát biểu trong chiến dịch tranh cử của ông rằng một số thành viên NATO sẽ phải đóng góp thêm tài chánh để đánh đổi đảm bảo an ninh của Mỹ.
Ông Obama từ chối không bình luận về việc ông Trump đề cử ông Stephen Bannon vào chức chiến lược gia trưởng kiêm cố vấn cao cấp.
Các nhà bình luận nói ông chủ trang web Breitbart News gây nhiều tranh cãi này có dính dáng đến các nhóm theo chủ nghĩa độc tôn da trắng.
Nhưng Tổng thống Obama từ chối, không muốn bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi này. Ông cho rằng cử tri Mỹ đã lên tiếng.
Tổng thống Barack Obama:
“Ông Donald Trump sẽ là vị tổng thống tiếp theo của chúng ta, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, mọi việc sẽ do ông ấy quyết định và đề cử thành viên nội các sao để họ có thể giúp ông làm tốt công việc và phản ánh đúng các chính sách của ông. người không bầu cho ông phải nhận biết rằng đó là cách vận hành của nền dân chủ.”
Thắng lợi của ông Trump vào ngày 8/11 đã khơi dậy các cuộc biểu tình trên khắp nước.
Việc ông Trump đắc cử đã gây bàng hoàng cho các thành viên Đảng Dân chủ.
Ông Obama nói tiếp:
“Tôi nghĩ sẽ là điều lành mạnh đáng để Đảng Dân chủ suy ngẫm. Tôi nghĩ điều quan trọng là tôi không can thiệp vào cuộc đối thoại đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta muốn lắng nghe những quan điểm mới, những ý tưởng mới.”
Tổng thống Obama nói ông đã hối thúc ông Trump nên giang một cánh tay tới mọi thành phần cử tri, những người không ủng hộ ông… như vậy công việc của ông sẽ đỡ vất vả hơn khi ông vào Toà Bạch Ốc.
Ông Giuliani, ứng viên sáng giá cho chức Ngoại trưởng
Giữa lúc Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump cân nhắc thành phần nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của chính phủ mới, các nguồn tin thông thạo nói rằng cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani là một ứng viên hàng đầu cho chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ mới.
Ông Giuliani từng là công tố viên liên bang song không có những kinh nghiệm về chính sách đối ngoại thường thấy nơi những nhân vật từng được giao phó chức vụ này.
Ông John Kerry từng là Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện trước khi lên nắm chức Bộ Trưởng Ngoại giao. Bà Condoleeza Rice là Cố vấn An ninh dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Colin Powell cũng là Cố vấn An ninh Quốc gia và từng nắm nhiều chức vụ cấp cao trong quân đội. Bà Madeleine Albright từng là Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Nhưng ông Giuliani là một ủng hộ viên kiên cường của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử, và hai nhân vật này quen biết nhau đã lâu.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, một người khác ủng hộ ông Trump, hôm thứ Hai (14/11) nói với chương trình tin tức của đài Fox rằng ông Giuliani có thể muốn được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Tư pháp hoặc chọn ra lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa, nhưng sẽ thật “tuyệt vời” nếu ông được đề cử vào chức Ngoại trưởng.
Ông Gingrich nói:
“Tôi không có thông tin, nhưng nếu ông Rudy muốn, thì ông sẽ được giao chức vụ đó.”
Ông Newt Gingrich nói thêm rằng ông Giuliani sẽ mang lại những cải cách cần thiết cho Bộ Ngoại giao. Tin cho hay một ứng viên khác cho chức vụ Ngoại trưởng là cựu Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, người từng phục vụ dưới quyền Tổng thống Bush và trong nhiều năm đã được giao nhiều nhiệm vụ cấp cao trong Bộ Ngoại giao.
Theo lịch trình, ông Trump sẽ gặp Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence hôm nay để tiếp tục duyệt xét thành phần nhân sự mới.
Ông Newt Gingrich còn nêu tên Thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions mà ông cho là cùng với ông Giuliani, là những nhân vật thân tín nhất của ông Trump. Với kinh nghiệm tại Bộ Tư pháp, ông Sessions có thể rất thích hợp trong vai trò Bộ trưởng Tư pháp kế tiếp của Mỹ, theo ông Gingrich.
Trước đó, ông Trump đã đề cử Chủ tịch Đảng Cộng hoà Reince Priebus vào chức Chánh Văn phòng tại Toà Bạch Ốc, một vị trí thông thường có trách nhiệm điều hành những hoạt động của Toà Bạch Ốc, kể cả lập nghị trình làm việc cho Tổng thống.
Nhưng quyết định của ông Trump chọn ông Stephen Bannon vào vị trí Chiến lược gia trưởng đã bị các nhóm bênh vực nhân quyền chỉ trích, kể cả từ các thành viên của Đảng Dân chủ và một số thành viên Đảng Cộng hoà. Ông Bannon là người được thành phần da trắng theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt liệt hoan nghênh. Trước khi tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông này từng điều hành trang web của Breibart vốn có lập trường cực hữu.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, nói quyết định chọn ông Bannon cho thấy ông Trump vẫn “quyết tâm đứng sau lập trường hận thù và chia rẽ vốn là dấu ấn trong chiến dịch vận động tranh cử của ông.”
Bà nói:
“Sau khi đắc cử Tổng thống nhưng không chiếm được đa số phiếu phổ thông, Tổng thống tân cử Trump phải tìm cách hàn gắn và đưa tất cả mọi người Mỹ lại gần với nhau, chứ không nên tiếp tục đổ dầu vào lửa gây thêm chia rẽ và kỳ thị.”
Ông John Weaver, một chiến lược gia lão thành của Đảng Cộng hoà, viết trên trang Twitter:
“Thành phần kỳ thị và phát xít thuộc cánh cực hữu có đại diện trong Toà Bạch Ốc, chỉ cách Phòng Bầu dục có vài bước. Nước Mỹ, hãy cảnh giác cao độ.”
Ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc điều hành Liên đoàn Chống Phỉ báng, nói tổ chức của ông chống đối việc đề cử ông Bannon bởi vì ông ta và cánh cực hữu theo đuổi những lập trường “đối nghịch với các giá trị cốt lõi của Mỹ.”
Bênh vực sự chọn lựa này, trưởng ban vận động của ông Trump Kellyanne Conway miêu tả ông Bannon là “một chiến lược gia xuất sắc” và lưu ý rằng ông Bannon đã từng phục vụ trong vai trò một sĩ quan hải quân và có bằng hậu đại học của trường Harvard nổi tiếng.
Nói chuyện với báo chí hôm qua tại trụ sở quốc hội Mỹ, Chủ tịch Khối đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy cũng bênh vực chọn lựa của ông Trump, nói rằng ông Trump “có quyền chọn bất cứ người nào mà ông xét là tốt nhất cho nhiệm vụ trước mắt.”
TT Obama kêu gọi dân chúng để ông Trump làm việc
Tổng thống Obama nói rằng những tuyên bố hay ho không phải lúc nào cũng mang lại chính sách tốt và rằng Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ nhận ra rằng vào Tòa Bạch Ốc sẽ “nhanh chóng thức tỉnh ông ấy”.
Ông Obama hôm 14/11 đã chủ trì buổi họp báo đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc kể từ chiến thắng gây choáng váng của ông Trump trước bà Hillary Clinton tuần trước.
Tổng thống đã có một cuộc gặp ở Tòa Bạch Ốc với ông Trump và nói rằng ông tin tưởng vị Tổng thống kế nhiệm không có tư tưởng giống như mọi người nghĩ, và rằng ông ấy sẽ là một nhà lãnh đạo thực tế miễn là có những người giỏi xung quanh.
Ông Obama cho biết ông để lại một đất nước tốt đẹp hơn hồi ông lên nắm quyền vào năm 2009, khi kinh tế bên bờ vực suy thoái và có rất nhiều điều cần phải giải quyết. Vẫn theo lời ông, ông Trump sẽ có “thời gian và không gian để đưa ra những quyết định đúng đắn” và rằng tính khí nổi tiếng của ông Trump sẽ không giúp ích cho ông ấy tại một số thời điểm nhất định.
Tổng thống Obama nói những người phản đối ông Trump phải nhận ra rằng đây là cách nền dân chủ hoạt động. Ông kêu gọi để cho ông Trump đưa ra quyết định và nói thêm rằng người Mỹ sẽ đánh giá nếu thích những gì họ chứng kiến.
Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử– trong đó tổng số cử tri đi bầu chỉ có 55% và ông Trump dù thua số phiếu phổ thông, nhưng lại thắng số phiếu Cử tri Đoàn – là một nhắc nhở rằng những cuộc bầu cử và tất cả các lá phiếu đều rất quan trọng. Ông tự hỏi nước Mỹ đã phải học bài học này bao nhiêu lần rồi.
Ông Trump đã nhiều lần phản đối các thỏa thuận quốc tế đạt được trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, bao gồm cả thỏa thuận giới hạn chương trình hạt nhân của Iran, thỏa thuận biến đổi khí hậu quốc tế đã có hiệu lực từ tháng trước và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được Thượng viện Mỹ thông qua.
Tổng thống Obama nói trong buổi họp báo rằng Iran là một ví dụ điển hình của “khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế”. Ông nói, rất dễ để gọi một thỏa thuận là khủng khiếp nếu bạn không có trách nhiệm với nó.
Ông cho biết bằng chứng cho thấy Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký kết hồi năm ngoái với Mỹ và 5 nước đồng minh lớn.
Trump-Putin nhất trí ‘hợp tác xây dựng’
Tổng thống Nga ngày 14/11 đã điện đàm với Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, và nhất trí cùng làm việc hướng tới ‘hợp tác xây dựng’, theo tin từ Điện Kremlin.
Reuters dẫn nguồn tin này cho hay hai nhà lãnh đạo sẽ duy trì liên lạc qua điện thoại và sẽ tìm cơ hội gặp gỡ trực tiếp.
Ông Trump sẽ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1, kế nhiệm Tổng thống Barack Obama. Dưới chính quyền của ông Obama, quan hệ Mỹ-Nga đã trở nên căng thẳng về nhiều vấn đề bao gồm xung đột tại Syria và Ukraine.
Ông Trump bổ nhiệm nội các
Một cố vấn cấp cao của Tổng thống tân cử Donald Trump cho biết trong tuần này, ông Trump sẽ bổ nhiệm thêm đội ngũ nhân sự.
Phát biểu tại Tháp Trump, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Kellyanne Conway, cho báo giới biết đội ngũ chuyển tiếp đang nỗ lực đề cử các thành viên cho ban nhân sự và nội các của Tổng thống vừa đắc cử.
Hôm 13/11, ông Trump đề bạt Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, Reince Priebus, làm Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc và cố vấn chiến dịch vận động tranh cử Steve Bannon là chiến lược gia trưởng kiêm cố vấn cao cấp.
Bà Conway cho biết thêm rằng vợ ông Trump, bà Melania Trump, đang phỏng vấn các ứng viên phụ tá tiềm năng và đội ngũ cố vấn của ông Trump đang đề ra các kế hoạch điền khuyết chỗ trống của cố Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia.
Ông Richard Grenell
được cân nhắc làm tân đại sứ Mỹ tại LHQ
Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, đang xem xét việc bổ nhiệm ông Richard Grenell làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, AP trích dẫn một nguồn thạo tin cho hay.
Nếu được chấp thuận, ông Grenell sẽ là người đồng tính công khai đầu tiên nắm giữ vị trí chính sách ngoại giao cấp nội các.
Ông Grenell từng làm phát ngôn nhân của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc trong suốt nhiệm kỳ của cựu Tổng thống George W. Bush.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng viên Cộng hòa Mitt Romney năm 2012, ông Grenell từng đảm nhiệm chức cố vấn chính sách ngoại giao trong một thời gian ngắn.
Biểu tình chống Trump tiếp diễn
Các cuộc biểu tình chống Tổng thống tân cử Donald Trump tại Mỹ tiếp diễn hôm nay 14/11.
Hàng trăm học sinh tại một trường cấp ba ở Los Angeles và một trường ở ngoại ô Washington bỏ lớp, tham gia biểu tình ôn hòa.
Đêm trước, nhiều cuộc xuống đường đã diễn ra tại các thành phố lớn của Mỹ tiếp theo các cuộc biểu tình rầm rộ sau khi ông Trump đánh bại đối thủ Dân chủ, bà Hillary Clinton.
“Tôi biết mọi người đã không chuẩn bị tâm lý là chúng tôi sẽ thắng,” quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Kellyanne Conway, tuyên bố tại New York. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng “Chúng ta nên tập trung vào ý chí của quần chúng.”
Bà kêu gọi Tổng thống Barack Obama và ứng viên thất cử Hillary Clinton “hãy nói với những người biểu tình rằng ‘Nhân vật này là Tổng thống của chúng ta.’”
Tuần trước, cả Tổng thống Obama và bà Clinton đã kêu gọi đoàn kết quốc gia để cho ông Trump cơ hội điều hành khi ông vào Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/1 tới đây. Tuy nhiên, ông Obama và bà Clinton chưa đề cập công khai về các cuộc biểu tình hậu bầu cử.
Trong cuộc phỏng vấn tối qua, 13/11, ông Trump trấn an dân chúng rằng người Mỹ không việc gì phải lo sợ về nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Quốc hội Mỹ sẽ không chấp nhận xây tường biên giới
Lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện Mỹ, Kevin McCarthy, tỏ ý cho biết Quốc hội sẽ không thông qua đề nghị của Tổng thống tân cử Donald Trump muốn xây tường biên giới với Mexico.
Dân biểu Cộng hòa này cho báo giới biết rằng Hạ viện sẽ bắt tay vào làm việc ngay về luật lệ an ninh biên giới.
Tuy nhiên, ông McCarthy cho biết có thể có những phương cách khác về vấn đề an ninh biên giới ngoài việc xây tường rào, chẳng hạn như dùng công nghệ máy bay không người lái.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hứa xây một bức tường kiên cố ở biên giới phía Nam để ngăn di dân bất hợp pháp từ Mexico tràn vào Mỹ và bắt Mexico phải chi trả cho bức tường này.
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình ’60 phút’ trên CBS hôm 13/11, ông Trump cho biết sẽ cho dựng hàng rào thay vì xây tường tại một số địa điểm.
Tuần trước, lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện, Mitch McConnell, cũng không tán thành việc xây tường chắn là giải pháp cho vấn đề an ninh biên giới.
Mới chọn 2 ‘tướng’, ông Trump đã gây phẫn nộ
Hôm thứ Hai, các đảng viên Dân chủ, các nhóm quyền dân sự và thậm chí một số đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc ông lựa chọn nhân vật gây kích động thuộc cánh hữu Stephen Bannon làm một trợ lý chính. Những người này nói sự lựa chọn trên sẽ nâng phong trào dân tộc của người da trắng lên mức độ cấp cao ở Tòa Bạch Ốc.
Trong những bổ nhiệm đầu tiên kể từ khi giành được chiến thắng gây phản ứng hồi tuần trước trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông Trump đã chọn ông Bannon làm chiến lược gia trưởng kiêm cố vấn, và nhân vật bên trong chính giới Washington Reince Priebus làm Chánh văn phòng vào hôm Chủ nhật, nói rằng hai người này sẽ chia sẻ nhiệm vụ dẫn dắt chính quyền của ông như những “đối tác bình đẳng”.
Việc lựa chọn ông Priebus được xem là một sự hòa giải, cho thấy sự sẵn lòng của ông Trump để làm việc với Quốc hội sau khi ông nhậm chức vào ngày 20. Nhưng những người chỉ trích đã lên án việc chọn lựa ông Bannon, người đứng đầu trong việc thay đổi trang tin Breitbart News thành một diễn đàn của cánh hữu, một trang mạng không chuyên của các phần tử phát xít, những người theo thuyết ưu thế của người da trắng và những người bài Do Thái.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeff Merkley, người kêu gọi ông Trump hủy bỏ việc bổ nhiệm trên, nói: “Không cần phải hoa mỹ ở đây: ông Donald Trump đã mời một người theo chủ nghĩa dân tộc của người da trắng vào những vị trí cao nhất trong chính phủ”.
Ông nói: “Ông Bannon đã khoe khoang rằng ông ta đã biến tờ Breitbart News thành ‘diễn đàn của cánh hữu’, một thuật ngữ chính trị chính xác cho sự sống lại của chủ nghĩa dân tộc của người da trắng”.
Các đảng viên Dân chủ và các nhóm vận động cánh tả gọi ông Bannon là người quảng bá cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thù ghét phụ nữ, những người được nhóm chủ trương ưu thế của người da trắng Ku Klux Klan hậu thuẫn.
Thậm chí một số nhân vật bảo thủ và đảng viên Cộng hòa cũng đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng. Ông Evan McMullin, một ứng cử viên bảo thủ tranh cử tổng thống độc lập, đặt câu hỏi trên Twitter rằng liệu có bất kỳ lãnh đạo quốc gia của đảng Cộng hòa sẽ lên án lựa chọn ông Bannon “bài Do Thái” hay không.
John Weaver, một chiến lược hàng đầu cho Thống đốc Ohio của đảng Cộng hòa John Kasich, viết trên Twitter rằng “phân biệt chủng tộc, cánh hữu cực đoan phát xít là đại diện cho những dấu chân từ Phòng Bầu dục. Hãy cảnh giác, nước Mỹ”. Ông Kasich là một trong 16 ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã bị ông Trump đánh bại trong bầu cử sơ bộ của đảng trước ngày bầu cử cuối cùng hôm thứ Ba.
Hôm thứ Hai, ông Priebus đã bảo vệ ông Bannon, gọi ông là một cựu sĩ quan hải quân khôn ngoan và được giáo dục tốt và nói rằng ông đã không bị nhiễm các loại quan điểm cực đoan hoặc phân biệt chủng tộc mà những người chỉ trích nói tới.
“Ông ấy là một nhân lực lành mạnh trong chiến dịch”, ông Priebus nói trên Fox News. Ông Priebus cho biết thêm rằng họ đã đồng thuận về “gần như tất cả mọi chuyện” trong việc tham mưu cho Tổng thống đắc cử.
Những người hậu thuẫn cho đường lối cứng rắn của ông Trump trông cậy vào việc tỉ phú bất động sản có giữ lời hứa trong chiến dịch vận động của mình là xóa bỏ việc xem thường mọi chuyện của những nhân vật trong chính giới Washington. Những người này có thể thất vọng khi ông Trump chọn ông Priebus làm tham mưu trưởng, một vị trí được xem như người gác cổng và người lập ra nghị trình làm việc cho tổng thống.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Trump cho thấy ông thường tạo ra những sự cạnh tranh về phe phái trong nhân viên với nhau. Những giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử không chính thức của ông được đánh dấu bởi các cuộc đụng độ thường xuyên giữa ông Paul Manafort, một nhân vật trong chính giới dày dạn kinh nghiệm, và người quản lý Corey Lewandowski. Cả hai cuối cùng đã từ chức.
Ông Trump nói trong một tuyên bố rằng ông Priebus và ông Bannon là “những nhà lãnh đạo có trình độ cao”, những người đã giúp cho ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama đã cam kết một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ dù có sự khác biệt chính trị sắc nét với ông Trump. Nhiều khả năng ông Obama sẽ bị các nhà báo hỏi về những bổ nhiệm mới này khi ông chủ trì một cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Hai.
Mỹ nhận người tị nạn mà Úc từ chối
Hoa Kỳ đồng ý tiếp nhận người tị nạn đang bị Úc giam giữ ở Papua New Guinea và Nauru.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm Chủ Nhật cho biết đây là “thỏa thuận duy nhất” và “sẽ không được lặp lại.” Ông nói: “Ưu tiên của chúng tôi là tái định cư cho phụ nữ, trẻ em, và các gia đình.”
Những người tị nạn tìm cách đến Úc bằng đường biển đã bị giam giữ ở các trại tạm cư trên hai đảo quốc ở Thái Bình Dương và bị cấm nhập cư vào Úc vĩnh viễn, dù cho họ có chứng minh được họ là người tị nạn thực sự. Các tổ chức nhân quyền lên án mạnh mẽ về điều kiện sống trên các đảo nơi người tị nạn phải chịu đựng trong nhiều năm qua.
Những người tị nạn nào từ chối cơ hội tái định cư ở Mỹ sẽ được cấp visa 20 năm lưu trú trên đảo quốc Nauru.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang công du đến New Zealand xác nhận thỏa thuận này.
Ông Kerry nói: “Chúng ta cùng hợp tác để bảo vệ người tị nạn gặp khó khăn trên khắp thế giới, và chúng ta chia sẻ trách nhiệm với bạn bè ở các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thử thách này.”
Chưa có tin chính xác về số người tị nạn sẽ được xin tái định cư theo chương trình này hay liệu chính phủ của tổng thống tân cử Donald Trump có tôn trọng thỏa thuận này hay không.
Ông Trump kêu gọi tạm ngưng chính sách di dân đối với người theo đạo Hồi. Hãng tin AP cho biết: “Hầu hết người tị nạn là các tín đồ Hồi giáo từ Trung Đông, châu Phi, và châu Á.”
Chỉ có những người tị nạn đang bị giam ở các trại mới đủ điều kiện tái định cư ở Hoa Kỳ.
Thủ tướng Úc nói: “Chúng tôi đoán rằng những kẻ buôn người sẽ lợi dụng thỏa thuận này để dụ người vượt biển. Chúng tôi đã thực hiện tuần tra hàng hải rộng khắp và hải quân Úc đã lập đội phản ứng nhanh để truy lùng tàu thuyền đưa người vượt biên tìm kiếm cơ hội tái định cư ở Hoa Kỳ.”
Mark Zuckerberg bác bỏ tác động của Facebook lên bầu cử Mỹ
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg của Facebook một lần nữa bác bỏ ý tưởng cho rằng mạng xã hội này đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Hôm thứ Bảy, ông chủ Facebook nói “vô cùng khó khăn” để các tin tức lừa đảo có thể làm thay đổi kết quả bầu cử.
Bị dính vào một chuỗi những tranh cãi về nội dung trong những tháng gần đây, Facebook đã phải khẳng định rằng mình là một công ty công nghệ, không phải là một công ty truyền thông. Nhưng mạng xã hội này đã bị “soi” sau chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Ba. Những người chỉ trích cáo buộc trang mạng xã hội đã giúp lan truyền những lời dối trá thông qua các mẩu tin tức giả và lừa đảo.
Ông Zuckerberg đã quyết liệt bảo vệ trang mạng trước những lời chỉ trích trên. Tại một cuộc họp hôm thứ Năm, ông Zuckerberg nói ý tưởng cho rằng Facebook tác động lên cuộc bầu cử là “điên rồ”. Ông chủ Facebook nhắc lại rằng lập trường đã đăng tải hôm thứ Bảy, rằng công ty Facebook sẽ cố gắng hơn để ngăn chặn tin giả.
Zuckerberg nói những tin tức lừa đảo như vậy chỉ là một phần rất nhỏ của nội dung được chia sẻ trên Facebook và bởi vì chúng không bị giới hạn bởi quan điểm đảng phái hay chính trị, nên nhiều phần chắc chúng không thể làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, tuyên bố của Facebook cho biết mạng xã hội này đã ra mắt chức năng cho phép người dùng mách thông báo về các tin lừa đảo và tin giả.
Facebook đã bị nhiều chỉ trích về nội dung trong năm nay, bao gồm cả những phản đối quốc tế sau khi loại bỏ bức ảnh Em bé Napalm, một biểu tượng chiến tranh Việt Nam vì lý do ảnh khỏa thân. Facebook sau đó đã phải bỏ quyết định này. Những vấn đề gai góc nhất về nội dung được quyết định bởi một nhóm các giám đốc điều hành hàng đầu tại Facebook.
Những câu hỏi về việc kiểm soát nội dung càng trở nên nổi bật trong những ngày căng thẳng sau bầu cử. Kết quả bầu cử cũng đã dẫn tới các cuộc biểu tình chống lại ông Trump và các chính sách đề xuất của ông ở các thành phố lớn của Hoa Kỳ.
Trước cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, người dùng Facebook đã thấy những bản tin giả nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô tán thành ông Donald Trump và rằng một nhân viên liên bang điều tra ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton bị phát hiện đã chết.
Quản lý cấp cao đã tổ chức một cuộc thảo luận để xem xét sự ảnh hưởng của Facebook trên các ý kiến và phiếu bầu, tin của tờ The New York Times hôm thứ Bảy cho biết một nhóm các Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành đã bắt đầu thảo luận vào cuối ngày thứ Ba về vai trò của Facebook trong kết quả của cuộc bầu cử.
Bài báo của The New York Times trích nguồn tin ẩn danh cho biết nhóm chính sách của Facebook đã được tập họp và công ty này có kế hoạch để giải quyết các mối quan ngại của nhân viên trong một cuộc họp rộng lớn hơn.
Các đại diện của Facebook không đưa ra bình luận ngay tức thời về thông tin trên.
“Sau cuộc bầu cử, nhiều người đang tự hỏi liệu tin tức giả có góp phần vào kết quả bầu cử hay không, và trách nhiệm của chúng tôi là ngăn chặn sự lan truyền của các tin tức giả mạo”, Mark Zuckerberg nói hôm thứ Bảy.
“Đây là những câu hỏi rất quan trọng và tôi quan tâm sâu sắc đến việc xử lý chúng một cách đúng đắ
Trump, TPP là chủ đề nóng
trong chuyến công du cuối của TT Obama
Hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã khởi hành chuyến công du nước ngoài dự kiến cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Các cố vấn của ông dự đoán Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ trở thành chủ đề chính trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo khác.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes cho biết chuyến đi của Tổng thống Obama với các điểm dừng ở Hy Lạp, Đức và Peru là một tín hiệu của tình đoàn kết với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ và là một cách thể hiện “sự ủng hộ một châu Âu mạnh mẽ, hòa nhập và thống nhất”.
Bài phát biểu lớn duy nhất dự kiến diễn ra ở Hy Lạp vào thứ Tư, nói về những công việc còn tồn đọng để giải quyết những thách thức kinh tế tại đây và ở những nơi khác trên thế giới, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và đấu tranh chống bất bình đẳng.
Ông Rhodes cho biết trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Alexis Tsipras, Tổng thống Obama cũng sẽ bày tỏ sự ủng hộ đối với những gì mà người dân Hy Lạp đã phải trải qua để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến gói cứu trợ quốc tế và những yêu cầu nghiêm ngặt về việc cắt giảm chi tiêu và các dịch vụ công cộng ở Hy Lạp.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ chủ trì cuộc thảo luận với Tổng thống Obama vào thứ Năm. Ông Rhodes nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước và gọi bà Merkel là “đối tác thân cận nhất của tổng thống trong toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của ông”.
Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha cũng sẽ đến Berlin để dự các cuộc họp hôm thứ Sáu, dự tính sẽ bao gồm các nội dung về cuộc chiến đang tiếp diễn chống Nhà nước Hồi giáo, các vấn đề liên quan đến di cư, tình hình ở Ukraine và cuộc bầu cử của Hoa Kỳ hồi tuần trước.
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng các thỏa thuận quốc tế đã đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, bao gồm thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, thỏa thuận khí hậu quốc tế đã có hiệu lực vào tháng trước và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được thông qua tại Quốc hội Mỹ. Ông Trump đã đánh bại ứng cử viên Hillary Clinton, đồng đảng Dân chủ với ông Obama.
Ông Rhodes nói với các nhà báo trong cuộc họp trước chuyến đi của Tổng thống Obama rằng dù kết quả bầu cử có ra sao, Obama và chính quyền của ông cũng mong muốn chính quyền kế nhiệm sẽ thành công, và thế giới cũng có mong muốn tương tự.
Về Hiệp định TPP, ông Obama dự kiến sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo khác có liên quan đến thỏa thuận trong chặng dừng chân ở Peru để đánh giá về những ảnh hưởng của việc thắng cử của ông Trump đến hiệp ước này và các vấn đề thương mại khác. Ông Obama cũng sẽ có một cuộc họp theo dự kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, quốc gia không nằm trong thỏa thuận TPP.
Ông Obama đã đưa khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một trọng tâm chính của chính sách đối ngoại của mình. Tại Peru, chương trình nghị sự chính của ông là thảo luận với các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Ông Trump có thể sẽ có một lập trường khác đối với châu Á, nhưng theo ông Rhodes, vì sự phát triển của khu vực và số lượng các hiệp ước thương mại và các đối tác của Hoa Kỳ tại đây, ông tin rằng khu vực này vẫn sẽ là một ưu tiên trong chính sách của Hoa Kỳ.
Đệ nhất phu nhân Obama bị gọi là “vượn đi giày cao gót”
Một post phân biệt chủng tộc trên Facebook về bà Michelle Obama đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn liên quan đến một thị trưởng tại một thị trấn ở bang Tây Virginia.
Pamela Ramsey Taylor, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận địa phương tại Quận Clay, gọi đệ nhất phu nhân là một “con vượn”.
“Sẽ thật là tươi mát khi lại có một đệ nhất phu nhân xinh đẹp, đẳng cấp và sang trọng trong Nhà Trắng. Tôi mệt mỏi lắm rồi khi phải nhìn thấy một con vượn đi giày cao gót,” bà Taylor nói.
Thị trưởng địa phương Beverly Whaling sau đó bình luận về post này rằng “Pam, chị làm tôi thật mãn nguyện”.
Bà Whaling là thị trưởng của thị trấn Clay, trong đó có số dân là 491.
Thị trấn này không có người Mỹ gốc Phi, theo điều tra dân số năm 2010. Tại Quận Clay nói chung, hơn 98% số cư dân 9.000 người là người da trắng.
Bất chấp dân số ít của khu vực, post gây tranh cãi đăng lên Facebook lan tỏa ở khắp Hoa Kỳ và trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Một thỉnh nguyện thư kêu gọi sa thải cả hai phụ nữ này đã thu thập được hơn 85.000 chữ ký.
The Washington Post và New York Daily News đưa tin bà Taylor đã bị cách chức vào hôm thứ Hai.
Bà nói với WSAZ, kênh tin địa phương vốn đăng chuyện này đầu tiên rằng bà thừa nhận post Facebook của bà có thể bị “diễn giải theo cách phân biệt chủng tộc, nhưng toàn toàn đây không phải là chủ ý như thế”, và rằng bà thể hiện một ý kiến cá nhân về sự hấp dẫn chứ không phải là màu da của một người”.
Bà nói với kênh tin này rằng bà đang cân nhắc hành động pháp lý đối với các cá nhân không nêu tên về hành vi thóa mạ.
Nhóm The Clay County Development, nơi bà Taylor là Giám đốc, được tài trợ một phần thông qua khoản tài trợ của tiểu bang và liên bang, và tổ chức này cung cấp dịch vụ cho cư dân lớn tuổi và người có thu nhập thấp.
Trong một tuyên bố gửi tờ Washington Post, Thị trưởng Whaling nói: “bình luận của tôi đã không có ý định phân biệt chủng tộc chút nào” và xin lỗi về những lời bình luận “bị mất kiểm soát”
“Tôi nói về ngày có được sự thay đổi trong Nhà Trắng! Tôi thực sự xin lỗi vì bất kỳ sự ác cảm nào có thể đã có! Những người biết tôi đều biết rằng tôi không phải là người phân biệt chủng tộc!” bà nói.
0 nhận xét