Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Nghĩa tình Ba Chúc

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016 19:30 // , ,


Thứ sáu, 11/11/2016 06:51
(AGO) - Ngày 13-10 âm lịch hàng năm, tại Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia chùa Tam Bửu - Phi Lai (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn), long trọng tổ chức kỷ niệm Đức Bổn sư Ngô Lợi viên tịch. Dịp này, người hành hương, du khách khắp nơi về dự lễ và thưởng ngoạn vùng núi Tượng, núi Nước, núi Dài lớn.
Dấu ấn bậc tiền nhân
 
Đức Bổn sư Ngô Lợi tên thật là Ngô Viện (còn tên khác là Ngô Tự Lợi, Cao Văn Do, Năm Thiếp…), sinh năm 1830 tại huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Ông là sĩ phu Cần Vương, tham gia khởi nghĩa vùng Mỹ Tho (Tiền Giang), rồi bị giặc truy nã, mới chạy về vùng Thất Sơn (An Giang) ẩn thân. Ngày mùng 5 tháng năm Đinh Mão (1867), ông cũng là người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại cù lao Ba (nay là huyện An Phú ). Tôn chỉ hành đạo của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là “Hành Tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc” và lấy đạo hiếu làm đầu. 
 
Giáo lý đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa phát triển nhiều khía cạnh, Đức Bổn sư Ngô Lợi dạy tín đồ phải tu nhân, vì phải trau dồi đạo đức thì mới hoàn thành tốt công việc và sống tốt với mọi người, trở thành người có ích cho xã hội. Tu nhân có nghĩa là phải thực hiện tứ đại trọng ân: Ân cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào. Trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nguyên lý của đạo được nhấn mạnh, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về dân tộc. Khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tích cực tham gia.
 
93-t5-1.jpg
 
Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ trao quyết định công nhận đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (2010)   
 
Với tư tưởng “Ân tổ tiên, ông bà và đất nước”, các làng có đạo vùng Bảy Núi lập nhiều chiến công oanh liệt, góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Từ những thành tích đặc biệt xuất sắc của các xã có đông tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Ba Chúc, Lương Phi) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn đạo có 5 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 380 gia đình liệt sĩ, 250 gia đình thương binh và 430 gia đình có công với cách mạng.
 
Người con ưu tú Ba Chúc
 
Đó là liệt sĩ Hà Văn Nết (sinh năm 1934, xã Ba Chúc, Tri Tôn), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 16 tuổi, tham gia du kích mật xã Lương Phi, đến năm 1960 công tác Xã đội Ba Chúc. Năm 1961, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và phân công Xã đội phó, đến năm 1964 đề bạt Xã đội trưởng Ba Chúc. Từ 1961-1964, đồng chí Hà Văn Nết lãnh đạo Xã đội Ba Chúc đánh trên 20 trận và phối hợp địa bàn, hỗ trợ 3 cuộc đấu tranh chính trị, 8 lần phá hủy ấp chiến lược, khu trù mật…  
 
Ngoài ra, còn phối hợp bao vây địch liên tục 3 ngày đêm tại đồn Phổ Đà; hỗ trợ Nhân dân xã Ba Chúc nổi dậy tổ chức mít-tinh, cảnh cáo bọn tay sai ác ôn, giải tán hội đồng xã… Trưa ngày 23-10-1960, du kích Ba Chúc phối hợp với nội tuyến, phục kích đánh tan rã 1 trung đội Bảo an tăng cường cho khu trù mật tại ấp An Phước. Ngày 20-2-1961, đồng chí Hà Văn Nết cùng du kích Ba Chúc hỗ trợ Nhân dân, cán bộ nòng cốt kéo đến chùa Tà Miệt trên (xã Lương Phi, Tri Tôn) dự mít- tinh ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh An Giang.
 
Ngày 2-1-1963, cơ sở báo tin địch hành quân vào Ô Cạn (núi Dài lớn, Tri Tôn), đồng chí Hà Văn Nết cùng với 11 du kích đón đánh, ngăn chặn không cho tiến sâu vào căn cứ. Kết quả tiêu diệt 6 tên (1 đại úy, 1 trung úy) và nhiều binh lính bị thương (có 1 cố vấn Mỹ). Tháng 9-1964, lực lượng vũ trang địa phương tỉnh An Giang tổ chức đánh đồn Phổ Đà bằng chiến thuật “vây đồn, đã viện”. Du kích xã Ba Chúc huy động bà con đào hào, lập trận địa bao vây, bắn tỉa địch tại đồn Phổ Đà (nay là chùa Phổ Đà, đường Ngô Tự Lợi, khóm An Hòa, thị trấn Ba Chúc). 
 
Box: Hiện, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có khoảng 78.000 tín đồ, tập trung ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trong đó, An Giang là trung tâm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Di tích Lịch sử - Văn hóa chùa Tam Bửu - Phi Lai (thị trấn Ba Chúc). 
 
Bài, ảnh: TRẦN ĐĂNG – TRỌNG ÂN

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.