Tranh chấp Biển Đông – 01/010/2016
Trung Quốc cảnh cáo Nhật chớ tuần tra Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 29/9 cảnh cáo kế hoạch của Nhật gia tăng hoạt động tại Biển Đông bằng các cuộc tuần tra chung với Hoa Kỳ là “đùa với lửa”, đồng thời nói rằng Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và liên tiếp lên án ‘sự can thiệp’ của Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản tại khu vực.
Nhật Bản đang củng cố những mối quan hệ trong vùng, đặc biệt với Philippines và Việt Nam, hai nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc một phần ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trong chuyến thăm Washington trong tháng này nói mục đích của Nhật Bản là nhằm giúp xây dựng khả năng của các quốc gia ven biển tại khu vực hàng hải bận rộn này.
Khi được hỏi về kế hoạch của Nhật, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun tố cáo rằng Nhật, vì mục đích riêng, thuờng xuyên khuấy động mọi chuyện tại Biển Đông.
Ông Yang nói: “Chúng ta phải nghiêm túc nói với Nhật rằng đó là một tính toán sai lầm. Nếu Nhật Bản muốn tham gia các cuộc tuần tra chung hay tập trận chung trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì quả là thực sự đang đùa với lửa.”
Ông nhấn mạnh “quân đội Trung Quốc sẽ không ngồi yên.”
Mỹ-ASEAN ‘tăng cường hợp tác hải quân’
Bộ chỉ huy của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương sẽ hợp tác với hải quân của các nước ASEAN, nhằm hỗ trợ khối củng cố năng lực giám sát của khối gồm 10 quốc gia thành viên này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói hôm thứ Sáu, 30/9.
Ông Carter công bố kế hoạch tại cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Hawaii, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đơn phương xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn trên đảo ở khu vực Biển Đông có tranh chấp.
“Tại cuộc họp này, chúng tôi tái xác nhận cam kết mà lãnh đạo các nước chúng ta đã đưa ra tại Sunnylands và tại kỳ họp thượng đỉnh thứ tư Hoa Kỳ – ASEAN tại Lào hồi đầu tháng này, đó là tăng cường hợp tác trước các thách thức an ninh chung tại khu vực trọng yếu của vùng Châu Á – Thái Bình Dương sôi động này,” ông Carter nói.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cùng Hoa Kỳ kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague ra phán quyết hồi trung tuần tháng Bảy, bác bỏ các yêu sách chủ quyền biển với ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có mặt tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 30/9 và 1/10 tại Honolulu.
Chiến lược ‘tái cân bằng’ của Hoa Kỳ
Tại cuộc họp, ông Carter cũng nói về các kế hoạch và cam kết của Hoa Kỳ trong việc “bước vào giai đoạn ba của điều mà chúng tôi gọi là tái cân bằng”.
“Trong giai đoạn tiếp theo này, Bộ Quốc phòng sẽ có những bước đi nhằm hỗ trợ mạng lưới an ninh tổng thể, chuẩn mực… nhằm đảm bảo rằng Hoa Kỳ và mạng lưới an ninh này sẽ có đủ nhân lực, vật lực, cơ sở, kế hoạch, và kinh nghiệm để tiếp tục duy trì châu Á – Thái Bình Dương là khu vực mà tất cả mọi người đều có thể phát triển, thịnh vượng,” ông nói.
“Việc tái cân bằng của Hoa Kỳ và việc phát triển mạng lưới an ninh khu vực là điều quan trọng vào thời điểm có những thay đổi và thách thức trong vùng.”
Ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói với giới phóng viên rằng ông và những người tương nhiệm đã thảo luận về việc cải thiện hợp tác và điều phối giữa lực lượng quân đội các nước, nhằm giữ cho vùng biển ở khu vực được thông thương, hãng tin AP tường thuật.
Ông nói ông sẽ yêu cầu người đứng đầu hải quân và lãnh đạo Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ tổ chức phiên họp với các đối tác ASEAN vào năm tới, nhằm chia sẻ cách tốt nhất để bảo đảm an ninh hàng hải.
Bốn quốc gia ASEAN, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, hiện có tranh chấp từng phần với Trung Quốc tại Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng và có trữ lượng tài nguyên, nguồn cá dồi dào.
Trong bối cảnh đó, ông Carter nói cần phải có sự phối hợp chung với ASEAN nhằm ứng phó được với các vấn đề an ninh hàng hải và đảm bảo an ninh khu vực.
Mối quan tâm của Singapore
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông, nói các nước cần tìm kiếm những biện pháp thực tiễn nhằm tháo gỡ những vụ việc ở Biển Đông.
Ông Ng Eng Hen bên lề cuộc họp nói với các phóng viên rằng các vụ đụng độ không nhất thiết phải là liên quan tới tàu chiến, hãng tin AP tường thuật, mà có thể phát sinh giữa các tàu cá hay các tàu dân sự với nhau, và đây là vấn đề mà cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng tại Hawaii cần xem xét đề tìm cách ngăn chặn.
Tuy không có tranh chấp biển đảo, nhưng Singapore, theo lời ông Ng, quan tâm tới vấn đề này bởi Biển Đông là nơi có tuyến hải hành thương mại quan trọng và sự thịnh vượng của nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào tuyến đường này.
“Với Singapore, một quốc gia không có tranh chấp, mối quan tâm chính của chúng tôi là cho dù có hay không có phán quyết [của PCA], thì làm thế nào để quý vị đảm bảo được rằng khu vực này sẽ vẫn ổn định, làm thế nào để quý vị thực sự đảm bảo có những cơ chế nhằm ngăn chặn bất kỳ sự leo thang nào?” ông nói
Ngoài ra, các lãnh đạo quốc phòng có mặt tại Hawaii xác nhận việc tăng cường hợp tác trong các biện pháp chống khủng bố, giữa lúc có những quan ngại về việc các chiến binh liên quan tới tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố vào các quốc gia thành viên ASEAN.
Singapore kêu gọi tìm biện pháp tránh va chạm tại Biển Đông
Bên lề cuộc gặp của các bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và các nước Đông Nam Á (ASEAN), tại Hawai, Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, ngày hôm qua, 30/09/2016, đã kêu gọi các quốc gia cần có các biện pháp cụ thể để tránh xẩy ra các sự cố tại Biển Đông.
Theo AP, bộ trưởng Ng Eng Hen nói với báo giới rằng các sự cố va chạm trên biển không chỉ liên quan đến tàu chiến. Hơn nữa, hải quân của nhiều nước đã phối hợp thiết lập một quy trình tránh va chạm.
Thế nhưng, nguy cơ đụng độ, va cham giữa các tàu cá hoặc các tàu dân sự ngày càng tăng. Theo lãnh đạo quốc phòng Singapore, nước này không có tranh chấp về biển đảo, nhưng rất quan tâm đến vấn đề này vì Biển Đông là nơi có nhiều tuyến hàng hải thương mại quan trọng.
Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore nhấn mạnh, các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc mang tính pháp lý nhưng trên thực tế, vẫn có những quan ngại thực sự. Ông nói : Đối với Singapore, một nước không có đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông, cho dù có phán quyết hay không, thì lợi ích chính của nước này là bảo đảm an toàn và ổn định và cần phải có những cơ chế phòng ngừa va chạm, leo thang căng thẳng.
Abbott lo ngại nguy cơ xung đột Mỹ-Trung
Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott cảnh báo nguy cơ xẩy ra đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc do căng thẳng ngày càng gia tăng tại Biển Đông.
Theo báo Daily Telegraph, phát biểu tại một diễn đàn ở New York vào tối thứ Năm 29/09/2016, ông Abbott cho rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay giống như tình hình trước khi xẩy ra đại chiến thế giới lần thứ nhất. « Một nền dân chủ tự do thống trị trên phạm vi thế giới bị thách thức bởi một một cường quốc chuyên quyền đang trỗi dậy và điều này đáng để suy ngẫm về sự tương đồng giữa Anh Quốc và Đức, cách nay một thế kỷ và Trung Quốc và Mỹ hiện nay ».
Cựu thủ tướng Úc nhấn mạnh, « mối lo ngại ám ảnh mọi người vào lúc này là lịch sử có thể lập lại »
0 nhận xét