Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Thế giới – 04/10/2016

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016 18:57 // , ,

No sub-categories
Tin khắp nơi – 04/10/2016

Nobel vật lý về tay ba khoa học gia Anh

Giải Nobel Vật lý 2016 đã được trao cho ba nhà khoa học gốc Anh sống và làm việc tại Hoa Kỳ.
Các ông David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz, sẽ cùng nhận giải thưởng 8 triệu kronor (727,000 bảng), cho những khám phá về dạng lạ của vật chất.
Công trình nghiên cứu có thể dẫn đến vật liệu cải tiến cho điện tử và điện toán siêu nhanh.
Ba người được công bố thắng giải tại một cuộc họp báo ở Thụy Điển.
Tên của họ sẽ được ghi vào danh sách cùng 200 người khác đoạt các giải Nobel Vật lý từ năm 1901.
Ủy ban Nobel cho biết những khám phá này đã “mở cánh cửa tới một thế giới chưa từng được biết”.
Khi vật chất trong điều kiện khắc nghiệt, chẳng hạn như khi ở dạng rất lạnh hoặc phẳng, các nhà khoa học bắt đầu thấy chuyển động bất thường của các nguyên tử.
Những hiện tượng này bổ trợ cho các giai đoạn quen thuộc hơn của vật chất, cụ thể là khi mọi thứ thay đổi từ dạng rắn sang lỏng và sang khí.
Giáo sư Haldane nhận xét: “Tôi đã rất ngạc nhiên và rất cảm kích.”
“Công trình này đã có từ lâu nhưng nay có rất nhiều khám phá mới và qui mô được dựa trên công trình gốc này, và đã mở rộng nó.”
Tất cả ba nhà nghiên cứu đã sử dụng toán học để giải thích hiệu ứng vật lý trong trạng thái lạ của vật chất, chẳng hạn như các chất siêu dẫn, siêu lỏng và màng từ mỏng.
Mặc dù là người gốc Anh Quốc, ba người đoạt giải hiện đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ.
Ông David Thouless sinh năm 1934 tại Bearsden. Ông là một giáo sư danh dự tại Đại học Washington.
Ông Duncan Haldane đã được sinh ra vào năm 1951 tại London. Ông là giáo sư vật lý tại Đại học Princeton.
Ông Michael Kosterlitz sinh năm 1942 tại Aberdeen. Ông hiện đang giảng dạy tại Đại học Brown.

Mỹ ngừng đàm phán với Nga về Syria

Sự kiên nhẫn đối với Nga đã hết, Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã đình chỉ các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Syria với Moscow, viện dẫn các cuộc tấn công quân sự liên tục nhắm vào các mục tiêu thường dân tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Elizabeth Trudeau nói:
“Người Nga đã cho thấy rõ rằng họ sẽ không dừng các cuộc tấn công mà chúng ta đã thấy hồi cuối tuần này, chúng ta đã thấy cuộc tấn công vào bệnh viện. Bạn thấy đó, khi chúng tôi bận bịu trong việc đối thoại với Nga, quan điểm của chúng tôi luôn rõ ràng, đó là để cho công tác nhân đạo được tiếp cận, tái lập hưu chiến. Nhưng chúng tôi cảm thấy chúng tôi đã không đạt được mục tiêu đó với Nga”.
Các giới chức Hoa Kỳ đã nhiều lần đe dọa ngừng đàm phán, trừ khi Nga kết thúc việc đánh bom vào thành phố Aleppo của Syria. Căng thẳng đặc biệt bùng ra sau vụ đánh bom ngày 19 tháng 9 vào một đoàn xe cứu trợ của Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ đổ lỗi cho Nga và Syria đã thực hiện vụ đánh bom này.
Hai bên đã đồng ý ngừng bắn hồi tháng trước để hạ giảm bạo lực, mở đường cho công tác nhân đạo và làm suy yếu các nhóm khủng bố. Nhưng thỏa thuận này đã nhanh chóng bị phá vỡ khi hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Các cuộc đàm phán tiếp theo đã không thể giải quyết tình trạng bế tắc.
Moscow đã hỗ trợ quân sự và tiến hành các cuộc không kích nhằm hỗ trợ cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Washington ủng hộ một số nhóm phiến quân để lật đổ Tổng thống Syria.
Mỹ rút khỏi đàm phán với Nga về cuộc xung đột Syria vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai ký sắc lệnh đình chỉ một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc tiêu hủy chất plutonium đã được tinh chế đến cấp độ có thể chế tạo vũ khí. Lý do Moscow đưa ra là vì “hành động thù nghịch” của Washington.

Vụ tránh thuế 1995 của ông Trump

khuấy động cuộc đua tổng thống Mỹ 2016

Quá trình khai và đóng thuế thu nhập của ứng cử viên đảng Cộng hòa – ông Donald Trump – trong hai thập niên qua đang làm khuấy động cuộc đua tranh chức tổng thống Mỹ năm 2016. Ứng cử viên bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, tố cáo ông Trump làm giàu bằng cách tiêu xài tiền đóng thuế của dân thường.
“Trong lúc phải bận rộn với các nhà tư vấn để tìm cách làm sao tiếp tục sống như một tỉ phú, và trong suốt thời gian qua đã dùng các mối quan hệ chính trị để rút về cho doanh nghiệp của ông ta hàng trăm triệu đôla trợ cấp và khoanh thuế của chính phủ. Nói một cách khác, ông ta vơ vét của nước Mỹ bằng cả hai tay, rồi để hóa đơn thanh toán lại cho tất cả chúng ta.”
Bà Clinton chế nhạo ông Trump tại cuộc mít tinh hôm thứ Hai tại bang quan trọng Ohio ở miền trung tây sau khi báo New York Times mới đây đăng tin hé lộ một phần chi tiết khai thuế thu nhập của ứng cử viên Ðảng Cộng hòa này năm 1995 ở bang New York. Trong bản khai thuế đó, ông Trump khai kinh doanh thua lỗ 916 triệu đôla do các sòng bạc và các mảng kinh doanh khác làm ăn thất bại. Khoản giảm thuế theo đó lớn đến mức cho phép tỉ phú bất động sản này khỏi phải đóng thuế thu nhập ở Mỹ một cách hợp pháp suốt 18 năm tiếp theo sau đó.
“Trong khi hàng triệu gia đình ở Mỹ, trong đó có gia đình tôi và gia đình của quý vị, làm việc cật lực, đóng góp phần nghĩa vụ công bằng của mình, thì hình như ông ấy chẳng đóng góp gì cho đất nước chúng ta.”
Ban vận động tranh cử của ông Trump chưa bác bỏ liệu thông tin được tung ra về chi tiết khai thuế của ông có chính xác hay không. Trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử hôm thứ Hai ở Colorado, ông Trump bênh vực cho cách làm của doanh nghiệp của ông.
“Tôi hiểu rõ về luật thuế khóa hơn đa số mọi người. Điều đó cho thấy tại sao tôi chính là người có khả năng thực sự để sửa luật thuế. Tôi hiểu luật thuế, và tôi đã áp dụng luật thuế. Và đó là điều tôi cam kết sẽ làm. Chúng ta cần sự công bằng, và chúng ta cần tiền đóng vào đó. Chúng ta muốn tiền của chúng ta được chi tiêu khi cần phải chi tiêu, nhưng bởi vì họ đã tiêu tiền của người thọ thuế một cách bất công và thiếu khôn ngoan. Chúng ta hãy nhớ điều đó.”
Ông Trump lâu nay từ chối công bố thuế thu nhập cá nhân bất chấp truyền thống tranh cử tổng thống Mỹ 4 thập niên qua. Ông nói thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ của ông trong mấy năm qua đang được các giới chức chính phủ liên bang kiểm tra và ông sẽ ngay tức khắc công bố chúng khi được kiểm tra xong, mặc dù không có sự cấm cản nào là ông không thể công bố các chi tiết khai thuế đó trước kết quả kiểm tra.
Hai ứng viên tranh phó tổng thống – Thống đốc bang Indiana Mike Pence của bên ông Trump và Thượng nghị sĩ Tim Kaine của bên bà Clinton – sẽ so tài trong cuộc tranh luận phó tổng thống duy nhất tối nay, thứ Ba 4/10. Ông Trump và bà Clinton sẽ so tài vào Chủ nhật tới trong cuộc tranh luận tổng thống thứ hai của ba cuộc tranh luận trực tiếp trước bầu cử.

Cử tri vùng nông thôn Virginia mạnh mẽ ủng hộ ông Trump

Thị trấn nhỏ bé Farmville ở bang Virginia có thể trông không giống như một nơi để tổ chức cuộc tranh luận phó tổng thống đầu tiên và duy nhất của mùa bầu cử này. Nhưng Farmville là điển hình cho một phía của sự chia rẽ khiến bang Virginia trở thành bang chiến trường trong mùa bầu cử này.
Từng là nơi tập trung những xưởng chế biến lá cây thuốc lá từ những trang trại xung quanh, Farmville giờ là nơi mà nhiều cử tri quan tâm về công ăn việc làm và nền kinh tế và sẵn sàng tiếp nhận thông điệp của liên danh tranh cử Trump-Pence đưa công ăn việc trở về Mỹ, mặc dù ông Tim Kaine – ứng cử viên phó tổng thống của bà Hillary Clinton – là Thượng nghị sĩ hiện thời của họ.
Bà Carolyn Bowman, một cư dân lâu năm sống ở thị trấn Rice gần Farmville, là một trong những cử tri vùng nông thôn. Bà cho biết tất cả những người bà quen biết đều sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.
Bà nói: “Ông ấy sẽ cho mọi người trở lại làm việc, và ông ấy muốn cho mọi người trở lại làm việc.”
Bà Bowman mở một doanh nghiệp tạo cảnh quan vườn nhà và kinh doanh những mặt hàng miền quê cách đây 17 năm, sử dụng sáu người chị em của bà theo cách gợi nhớ tới thời họ cùng nhau làm việc trên những cánh đồng thuốc lá khi họ còn nhỏ.
Đối với bà Bowman, ông Trump là một doanh nhân thể hiện phương châm lao động của bà và là người sẽ giải quyết vấn đề mà bà quan tâm nhất trong cuộc bầu cử năm 2016 này: Những khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ.
Tại một bữa tối gia đình vào mỗi Chủ nhật, bà Bowman và ba thế hệ gia đình bà, tất cả đều nói rằng họ ủng hộ ông Trump – nhớ lại thời xưa khi người ta có lý do để làm việc chăm chỉ.
“Mọi người muốn mơ và có được những thứ như hàng rào trắng tươm tất. Bây giờ họ chỉ muốn được cho không. Người ta cứ muốn được cho không vì chính phủ làm chuyện này quá thường xuyên.”
Bà cho rằng nếu ông Trump lên làm tổng thống thì sẽ có cơ hội thay đổi xu hướng này.
Dễ nhận thấy nỗi lo lắng về kinh tế ở khu chợ trời mở hai lần mỗi năm trong bãi đậu xe của cơ sở kinh doanh của bà Bowman. Các gia đình dựng bàn bày bán những món đồ cổ và đồ đã qua sử dụng. Nhiều người trong số họ nói đây chỉ là một trong nhiều điểm dừng chân trong khi họ tìm cách tăng thu nhập hoặc thậm chí để kiếm sống.
Ông Cliff Christian là một trong những người bán đồ ở chợ này để kiếm sống. Ông cho biết ông làm việc bảy ngày một tuần, làm bốn công việc khác nhau để nuôi vợ và con trai bảy tuổi. Gian hàng của ông bán những món đồ với khẩu hiệu ủng hộ ông Trump làm tổng thống và cờ của Liên minh miền Nam thời Nội Chiến. Ông nói đây chỉ là một chiến lược tiếp thị tốt để câu khách trong mùa bầu cử bất định này.
Ông không nói sẽ bỏ phiếu cho ai vào tháng 11 này, nhưng ông tỏ ra ngờ vực đối với cả hai ứng cử viên.
“Mọi thứ thật lộn xộn. Dù ai được bầu cũng đều đối mặt với một con đường khó khăn phía trước. Và nếu họ thất bại thì họ sẽ bị đổ lỗi về tất cả mọi thứ đang xảy ra bây giờ. Tôi không ganh tị với họ.”
Theo một cuộc thăm dò cử tri bang Virginia của báo The Washington Post vào tháng 8 năm 2016, cả hai ứng cử viên phó tổng thống Mike Pence và Tim Kaine đều bị đánh giá “tiêu cực” ở mức 20 phần trăm, trong khi ở mặt tích cực ông Kaine nhỉnh hơn đối thủ Cộng hòa với tỉ 54-37 phần trăm.
Cuộc khảo sát là chỉ dấu cho thấy trong khi nhiều cử tri ở Farmsville sẽ cổ vũ cho ông Pence vào đêm tranh luận, song thành phần cử tri thành phố ở Virginia, những người hiểu rõ công tác của ông Kaine trên cương vị thống đốc và thượng nghị sĩ, có thể sẽ ưu ái chọn liên danh tranh cử của ông trong ngày bầu cử.
Nhưng đối với bà Carolyn Bowman, cuộc bầu cử này là cơ hội để bà bỏ phiếu về những giá trị mà lâu nay là phương châm làm việc của bà.
“Tôi biết là tôi đã làm việc chăm chỉ cả đời, và tôi mệt mỏi về chuyện đất nước này đang bị cho không.”

New York ra lệnh ngưng quyên góp cho Quỹ Trump

Giới chức tư pháp cao cấp nhất tiểu bang New York ngày 3/10 ra lệnh cho quỹ từ thiện do ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đứng đầu lập tức ngưng việc mời gọi đóng góp vì chưa từng đăng ký để gây quỹ trong công chúng.
Người đứng đầu ngành tư pháp tiểu bang New York, ông Eric Schneiderman, cho biết trong vòng 15 ngày tới, nếu Quỹ Trump không nộp các giấy tờ theo yêu cầu thì sẽ bị xem là “một hoạt động lừa đảo tiếp diễn đối với người dân New York.”
Vì nhiều lý do khác nhau, Quỹ của ông Trump và Quỹ do ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton và chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton thành lập, đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016.
Ông Schneiderman đã mở một cuộc điều tra về Quỹ Trump được thành lập vào năm 1987, và trong nhiều năm, ông Trump là người đóng góp duy nhất. Tuy nhiên vào năm 2006, ông đã cho hầu hết tất cả số tiền ông trao tặng cho quỹ. Kể từ đó, ông kêu gọi những người giàu có hiến tặng cho quỹ này. Tài liệu của quỹ cho thấy cơ quan từ thiện này đã chi trả một số hóa đơn cho công việc kinh doanh vì lợi nhuận của ông Trump.
Ngoài ra, quỹ còn chi 30.000 đôla để mua hai bức ảnh chân dung của ông Trump.
Những người chỉ trích cho rằng những nhà giàu hiến tặng tiền cho quỹ Clinton, tổ chức từ thiện nhằm giải quyết những vấn đề y tế toàn cầu và tăng tiến giáo dục trên toàn thế giới, được tiếp cận đặc biệt với các giới chức Bộ Ngoại giao trong thời gian bà Clinton giữ chức vụ Ngoại trưởng từ năm 2009 đến năm 2013.

Tổng thống Philippines

được Nga-Trung ủng hộ khi chỉ trích Mỹ

Tổng thống Philippines tuyên bố nhận được sự hậu thuẫn từ Nga và Trung Quốc khi chỉ trích Mỹ.
Ông Rodrigo Duterte nói trong cuộc họp bên lề thượng đỉnh tại Lào hồi tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tán đồng với ông khi ông phê phán Mỹ.
Trong một bài diễn văn ngày 2/10 ông Duterte nói: “Giờ để tôi tiết lộ cho quý vị biết tôi đã họp với ông Medvedev, tôi nói về tình hình hiện nay rằng họ xử ép tôi, không tôn trọng tôi, họ không biết xấu hổ” và ông ấy đáp rằng: “Quả thật đó là cách hành xử của người Mỹ,” “Chúng tôi sẽ giúp ông.”
Những chỉ trích của Tổng thống Philippines đối với Mỹ ngày một tăng lên sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ nêu quan ngại về chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông Duterte.
Tòa Bạch Ốc đã hủy cuộc họp giữa ông Obama với ông Duterte tại Lào sau khi nhà lãnh đạo Philippines gọi Tổng thống Obama là ‘đứa con hoang.’
Cùng ngày 2/10, ông Duterte cũng cho biết ông đã nêu lên những ý kiến phản đối Mỹ với Trung Quốc.
“Trung Quốc nói ‘đi với Mỹ, anh sẽ không có lợi’,” ông Duterte thuật lại. Không rõ ông trích dẫn câu này từ giới chức nào của Trung Quốc và bình luận đó được đưa ra khi nào.
Trong các bài diễn văn gần đây, ông Duterte lặp đi lặp lại nhiều lần rằng ông định mở các liên minh mới với Nga và Trung Quốc, đặc biệt về thương mại. Đây là một phần trên con đường theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập của tân Tổng thống gây nhiều tranh cãi của Philippines.
Một số nguồn tin ngoại giao và thương mại xác nhận với Reuters rằng một phái đoàn doanh nghiệp Philippines sẽ tháp tùng ông Duterte trong chuyến công du Bắc Kinh từ ngày 19 đến 21 tháng này.

LHQ kêu gọi chấm dứt tàn sát tại Syria

Lisa Schlein
GENEVA —
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi chấm dứt chiến dịch không kích kéo dài tại Aleppo, thành phố phía bắc Syria, khiến nhiều thường dân bị thương tích và thiệt mạng cũng như tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng.
Ông Ban Ki-moon sẽ rời khỏi chức vụ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào cuối năm nay. Trong cuộc họp báo cuối cùng tại Geneva, ông bày tỏ hối tiếc là trong 10 năm ông giữ chức vụ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, vẫn còn “khói lửa trên thế giới.” Và cuộc khủng hoảng tai hại nhất là tại Syria.
Ông Ban nói:
“Không còn lời nào để bày tỏ sự phẫn nộ trước những vụ tàn sát, nhất là tại Aleppo. Tàn bạo diễn ra không ngừng. Tôi mạnh mẽ lên án chiến dịch cố ý chống lại thường dân và những nhân viên y tế hay nhân viên cứu trợ đang nỗ lực cứu giúp.”
Trong khi các bên tham chiến bị quy trách nhiều nhất trong cuộc xung đột đang tiếp diễn này, những nước có nhiều ảnh hưởng, thường ám chỉ Hoa Kỳ và Nga, cũng chịu trách nhiệm giúp chấm dứt các cuộc tấn công.
Trong trường hợp đặc biệt Aleppo, thế giới đồng ý là lực lượng của chính phủ Syria được Nga yểm trợ đang gây chết chóc và hủy diệt nhiều nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có hơn 330 người, một phần ba số này là trẻ em, đã thiệt mạng trong những tuần lễ gần đây vì những cuộc oanh kích. Thêm vào đó, hầu hết các bệnh viện ở Aleppo bị cố ý nhắm mục tiêu và không còn hoạt động được nữa.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói mọi người cần phải hành động vì 13,5 triệu người Syria đang khẩn thiết cần được giúp đỡ và vì sự ổn định của khu vực.
Ông Ban nhấn mạnh:
“Việc cố ý và rõ ràng bất chấp luật nhân đạo quốc tế đang gieo rắc những đau khổ trên diện rộng và những thiệt hại lâu dài. Điều này cần phải được thế giới đáp ứng một cách mạnh mẽ…Tôi hết sức quan ngại rằng sau gần 6 năm, và với những can thiệp mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc, chúng ta vẫn còn thấy bạo động tiếp tục.”
Ông Ban nói các bên tham chiến cần phải từ bỏ ý niệm phi thực tế là có thể thắng được cuộc chiến này. Ông nói không có giải pháp quân sự mà chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt được tình hình này.

Bão cấp 4 đổ xuống Haiti

Một trong những cơn bão mạnh nhất trong những năm gần đây từ Đại Tây Dương vừa đổ xuống Haiti, mang theo gió với tốc độ 230 cây số giờ và mưa lớn.
Bão Matthew, một cơn bão cấp Bốn, đã độ bộ vào mỏm phía tây nam Haiti lúc 11:00 GMT.
TTrung tâm Dự báo Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết Haiti đang “chịu tất cả những gì một cơn bão lớn mang lại”.
Tin tức từ bờ biển phía nam cho hay tình trạng các cộng đồng dân cư đang bị ngập nước và nhiều tòa nhà bị tốc mái.
Marie Alta Jean-Baptiste, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự của nước này, nói với hãng thông tấn Associated Press: “Còn quá sớm để biết được tình trạng tồi tệ tới mức nào nhưng chúng tôi tôi biết là nhiều nhà cửa đã bị phá hủy và thiệt hại ở miền nam.”
Một người dân quá ốm không thể di tản đã bị thiệt mạng khi bão đổ xuống thị trấn Port Salut.
Tổng thống lâm thời Haiti, ông Jocelerme Privert, nói: “Chúng tôi đã chứng kiến có tử vong. Những người đang đi trên biển. Có người đang mất tích. Đó là những người đã bỏ qua các cảnh báo.”
Bão Matthew có thể mang theo lượng mưa 40in (102cm) và gió với tốc độ 145mph (230km/h), và có nhiều khả năng sẽ gây ra lở đất và lũ quét.
Tâm bão được dự báo sẽ đổ xuống phía tây nam Haiti vào khoảng rạng sáng (1100 GMT).
Hình ảnh trên mạng xã hội từ thị trấn ven biển phía nam Haiti, thị trấn Les Cayes, cho thấy những cây cọ bị gió thổi dạt và nhiều tòa nhà tốc mái.
Phóng viên Mỹ Jacqueline Charles nói với BBC từ thủ đô Port-au-Prince rằng tin từ Les Cayes cho hay người dân đi trong nước lụt ngập tới vai và các nhân viên cứu trợ cho biết cộng đồng cư dân vùng ven biển đang bị ngập lụt.
Haiti là một trong những nước nghèo nhất thế giới và nhiều cư dân hiện đang sống tại những khu vực dễ bị ngập lụt.
Giới chức trách đã kêu gọi người dân hãy tích trữ lương thực, nước và chống đỡ nhà cửa của mình. Hàng ngàn người vẫn đang sống trong các lều trại sau trận động đất lớn hồi năm 2010.
Thị trưởng khu ổ chuột lớn nhất ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti, ông Frederic Hislain, kêu gọi chính phủ hãy sơ tán khoảng 150.000 người mà nhà cửa của họ đang ở trong tình trạng bị đe dọa.
Các quan chức Haiti nói rằng khoảng 1.300 nơi ở tạm trú khẩn cấp đã được xây dựng, đủ để chứa 340.000 người. Cả hai sân bay ở Haiti nay đều đã đóng cửa.
Tuy nhiên một số người dân Haiti đã không chịu đi tới tạm trú vì sợ hãi tài sản của họ bị đánh cắp.
Khoảng 13.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ cao ở nước láng giềng Cộng hòa Dominica, nước cũng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của mưa và gió bão, theo người đứng đầu cơ quan phòng vệ dân sự của nước này.
Mưa và gió lớn đã đổ xuống một số vùng ở Jamaica, với nước lũ tràn qua đường phố ở thủ đô Kingston.
Bão Matthew được dự kiến sẽ tràn sang miền đông Cuba, và tại đây đã có cảnh báo bão với sáu tỉnh miền đông. Cư dân tại miền đông cũng đang được chuyển đi khỏi các vùng trũng thấp.
Người ta cũng dự đoán là Bờ Đông Hoa Kỳ cũng sẽ bị bão đổ vào cuối tuần này. Bang Florida và một số vùng thuốc Bắc Carolina đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Bão Matthew là cơn bão mạnh nhất khu vực kể từ cơn bão Felix hồi năm 2007.

Nghị Viện châu Âu phê chuẩn Thỏa thuận khí hậu

Ngày 04/10/2016, Nghị Viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Thỏa thuận Paris về hạn chế Biến đổi khí hậu với 610 phiếu thuận và 38 phiếu chống. Quyết định rất được trông đợi của châu Âu mở đường cho việc Thỏa thuận Paris có hiệu lực ngay trước thềm thượng đỉnh khí hậu COP 22 tại Maroc, khai mạc ngày 07/11.
Theo quy định, Thỏa thuận Paris – nhằm giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp – sẽ có hiệu lực sau khi được sự phê chuẩn của ít nhất 55 quốc gia chịu trách nhiệm ít nhất 55% lượng khí thải. Cho đến nay, mới chỉ có điều kiện thứ nhất được thỏa mãn, với việc 62 quốc gia – với 51,89% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – chính thức phê chuẩn Thỏa thuận (theo số liệu của UNFCCC – Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu).
Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực, một khi Liên Hiệp Châu Âu, với khoảng 12% lượng khí thải, hoàn thành thủ tục phê chuẩn. Như vậy, việc châu Âu phê chuẩn Thỏa thuận mang ý nghĩa biểu tượng cao, « một bước đi nhỏ của châu Âu, nhưng là một bước đi dài của nhân loại » như bình luận của một báo Pháp.
Sau thủ tục tại Nghị Viện, việc phê chuẩn sẽ được Hội Đồng Châu Âu khẩn cấp thông qua, để Liên Hiệp Châu Âu – cùng với bảy quốc gia thành viên đã hoàn thành thủ tục phê chuẩn ở cấp quốc gia – kịp đệ trình quyết định phê chuẩn chính thức lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 07/10/2016.
Bảy quốc gia thành viên châu Âu đã phê chuẩn COP 21 là các nước Hungary, Pháp, Slovakia, Áo, Malta, Đức và Bồ Đào Nha. Các nước này chịu trách nhiệm khoảng 5% lượng khí thải toàn cầu.
Khác với 195 thành viên còn lại, các quốc gia châu Âu tham gia Thỏa thuận Paris về khí hậu với tư cách là một khối. Phê chuẩn ở cấp quốc gia châu Âu chỉ có hiệu lực, một khi cam kết chung của toàn khối được thông qua.
Sau khi được thông qua tại COP 21 Paris tháng 12/2015, Thỏa thuận về hạn chế Biến đổi khí hậu đã được 175 nước ký kết hồi tháng 4/2016, tại New York. Tuy nhiên, giai đoạn phê chuẩn kéo dài khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực ngay trong năm nay, như dự kiến.
Lo ngại phần nào được giải tỏa với việc Mỹ và Trung Quốc (hai quốc gia chịu trách nhiệm gần 40% lượng khí thải toàn cầu, Mỹ 17,89% và Trung Quốc 20,09%) cùng phê chuẩn hồi đầu tháng 9. Ngày 02/10, đến lượt Ấn Độ – quốc gia phát thải đứng hàng thứ ba (4%). Bây giờ đến lượt châu Âu, và tiếp theo châu Âu là Canada với 1,8% khí thải cũng cam kết sớm phê chuẩn.
Bước tiếp theo của Thỏa thuận Parislà gì ?
Với Thỏa thuận Paris, cộng đồng quốc tế hy vọng các cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, thậm chí ở mức 1,5°C so với thời tiền công nghiệp. Sau khi Thỏa thuận có hiệu lực, câu hỏi đặt ra : bước tiếp theo sẽ là gì ?
Việc cải cách thị trường các bon, giảm trợ giá năng lượng hóa thạch và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là các hướng ưu tiên. Để thực thi các cam kết, chính phủ Canada chẳng hạn dự kiến sẽ áp đặt một sắc thuế các-bon kể từ năm 2018, để đáp ứng các đòi hỏi của Thỏa thuận. Thuế các bon sẽ là 10 đô la Canada (tương đương 6,8 euro) năm 2018, và sẽ tăng lên 50 đô la canada năm 2022. Về phần Ấn Độ, New Delhi có chính sách tăng gấp hơn 10 lần công suất điện mặt trời hiện nay lên mức 100 gigawatt vào năm 2022.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà hoạt động môi trường, việc phê chuẩn Thỏa thuận là chưa đủ, các quốc gia phải nỗ lực hơn nữa trong việc điều chỉnh chính sách. Cụ thể là, theo mạng lưới Action Climat France, các chính phủ phải « từ bỏ hoàn toàn mọi dự án mới gắn với năng lượng hoá thạch và tăng tường phát triển các năng lượng tái tạo ». Đối với châu Âu, theo Quỹ Nicolas Hulot, nếu chỉ tiết kiệm năng lượng ở mức 27% (như cam kết của châu Âu), như Thỏa thuận Paris, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng hơn 3°C, vì vậy phải tăng mức tiết kiệm lên 40%.
Cần nỗ lực gấp bội mới kịp
Ít tuần trước khi Thỏa thuận COP 21 có hiệu lực, giới chuyên gia về khí hậu quốc tế phát ra một loạt tín hiệu hối thúc hành động khẩn cấp.
Ngày 29/09/2016, thông báo 7 trang của các chuyên gia hàng đầu thế giới khẳng định « cần tăng đôi, gấp ba nỗ lực » mới có thể giữ được mức nhiệt độ như Thỏa thuận đề ra. Thông báo nói trên khẳng định ngay ở những năm đầu thập niên 2030, nhiệt độ Trái đất có thể sẽ đạt mức tăng 1,5°C. Và mức 2°C sẽ đến vào năm 2050, cho dù các nước thực hiện đúng các cam kết.
Theo các chuyên gia, thuộc nhóm GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ về Biến đổi khí hậu), phải giảm từ 40 đến 70% lượng khí thải trong khoảng thời gian từ 2010-2050, và lượng khí thải toàn cầu phải là ở mức zero từ đây đến 2060-2075, mới đủ để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C. Điều vô cùng khó khăn, khi có đến 82% năng lượng toàn cầu hiện nay là từ các năng lượng hóa thạch.
Theo cựu chủ tịch GIEC Robert Watson, người phát ngôn của nhóm, Trái đất đang « bị hâm nóng với tốc độ nhanh hơn dự kiến ». Theo Cơ quan Khí tượng Quốc tế, năm 2015, nhiệt độ trung bình Trái đất đã nóng hơn 1°C so thời tiền công nghiệp, trong khi năm 2012 chỉ mới tăng hơn 0,85°C. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gắn với việc Trái đất bị hâm nóng, như khô hạn, cháy rừng, lụt, bão, tăng gấp đôi so với năm 1990, theo các chuyên gia.
Bên cạnh việc Thỏa thuận vắng mặt một cơ chế mang tính bắt buộc, việc có đến 80% các nước phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính và trợ giúp kỹ thuật từ các nước giàu nhất là trở ngại lớn cho việc thực thi các cam kết. Một lo ngại lớn khác của các chuyên gia là việc Hoa Kỳ rời bỏ các cam kết, nếu Donald Trump – vốn là người phủ nhận Biến đổi khí hậu – đắc cử và, cho dù Hilarry Clinton chiến thắng, nếu Lưỡng viện Hoa Kỳ vẫn do đối lập kiểm soát.
Theo giáo sư Watson, cánh Cộng Hòa vẫn có tư tưởng phủ nhận Thỏa thuận Paris, để có thể tiếp tục sản xuất và xuất khẩu than, và điều này sẽ tạo ra một ảnh hưởng dây chuyền, khiến nhiều nước khác cũng từ bỏ cam kết.
400 khoa học gia lên án ứng cử viên Trump
Sự kiện được công luận quốc tế chú ý là bức thư ngỏ ngày 22/09 (được công bố trên trang responsablescientists.org), của 375 nhà khoa học, trong đó có 30 giải Nobel, lên án lập trường của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi đầu năm nay, ứng cử viên Trump tuyên bố sẽ « chôn vùi » Thỏa thuận Paris, nếu ông đắc cử.
Lá thư khẳng định Thỏa thuận này là « một bước đi đầu tiên khiêm tốn, nhưng có ý nghĩa lịch sử, và rất quan trọng để hướng đến việc quản lý hệ thống khí hậu Trái đất một cách sáng suốt ». Lập trường của ông Trump, một khi đắc cử tổng thống, sẽ có « những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài đối với khí hậu trên hành tinh và uy tín quốc tế của nước Mỹ ». Dù sao, theo các nhà quan sát, quyết định của tân tổng thống Mỹ khó đảo ngược tình thế chung, nếu thỏa thuận Paris có hiệu lực trước ngày nhậm chức tháng Giêng 2017.
Con cháu phải chi hàng trăm nghìn tỉ đô la để hút CO2
Trước thái độ bảo thủ của một bộ phận chính giới Mỹ, hôm nay, 04/10/2016, nhà khí hậu học nổi tiếng người Mỹ James Hansen, chuyên gia NASA, một lần nữa lên tiếng, khi giới thiệu một nghiên cứu mới nhất của ông : « Gánh nặng đối với giới trẻ : Giảm CO2 là mệnh lệnh ».
James Hansen báo động : Nếu thế hệ hiện tại không nỗ lực trong việc giảm khí thải, thì các thế hệ tương lai sẽ buộc phải dùng giải pháp hút khí CO2 từ khí quyển với một cái giá khủng khiếp, « từ 104 nghìn tỉ đến 570 nghìn tỉ đô la ».
Năm 2015, nhà khí hậu James Hansen – cùng với 21 người trẻ Mỹ từ 8 đến 19 tuổi – đã kiện chính quyền Liên bang Hoa Kỳ ra tòa, vì tội « không hành động đủ để chống lại Biến đổi khí hậu, với hệ quả là không bảo vệ được các tài sản công như không khí và nước sạch ». Hôm 08/04/2016, một thẩm phán liên bang tiểu bang Orgeon đã thụ lý đơn kiện.
Giữa tháng 11 tới, một thẩm phán khác của tiểu bang Orgeon sẽ ra phán quyết. Nhà khí hậu học James Hansen hy vọng « các thẩm phán sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các lobby dầu mỏ và thanđá ».

Mỹ phớt lờ lời lẽ của tổng thống Duterte

trong quan hệ với Manila

Phải chăng Washington đang thực hiện sách lược bỏ ngoài tai những lời công kích đầy ác ý của tổng thống Philippines Duterte để tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Manila ? Câu hỏi này đang được giới phân tích đặt ra sau khi một số quan chức Mỹ cao cấp tỏ vẻ an tâm, khi cho rằng dù nói nhiều nhưng chưa thấy ông Duterte biến lời nói thành hành động cụ thể và giảm bớt hợp tác quân sự song phương.
Theo hãng tin Anh Reuters, hai quan chức Mỹ cao cấp vào hôm qua, 03/10/2016, chủ trương của giới chức Mỹ hiện nay là không nên kích động thêm tổng thống Philippines, không để cho ông có cớ nổi giận thêm, nhưng đồng thời tiếp tục công cuộc hợp tác quân sự cũng như hợp tác khác ở cấp thấp hơn, với các đối tác Philippines.
Một quan chức cao cấp đặc trách vùng Đông Nam Á so sánh ông Duterte với ửng cử viên đảng Cộng Hòa Mỹ Donald Trump, cho rằng tổng thống Philippines « khao khát sự chú ý, và càng bị chú ý, ông ta càng trở nên thái quá. Tốt hơn hết là nên phớt lờ ông ấy đi ».
Hai quan chức Mỹ ghi nhận là trong khi ông Duterte từng công khai đề nghị là ông đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung, đuổi lực lượng đặc biệt Mỹ ra khỏi miền nam Philippines, và xét lại một hiệp ước quốc phòng đã ký hai năm trước đây, cho đến này, chưa thấy điều nào được thực hiện.
Còn các quan chức quân đội Mỹ cũng cho biết là họ đã biết rõ về những ý kiến của ông Duterte, nhưng các đối tác của Mỹ ở Philippines đã trấn an rằng công việc hợp tác vẫn tiến triển bình thường và « Không ai thực sự mất ngủ » vì những tuyên bố của vị tổng thống thô lỗ.
Hiện có khoảng 100 binh sĩ Hoa Kỳ ở thành phố Zamboanga ở miền Nam, thấp hơn nhiều so với lực lượng 1.200 quân hồi đầu. Phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết là chưa thấy bất kỳ kế hoạch nào về việc yêu cầu lính Mỹ rút đi.
Còn về Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng Cao (EDCA), ký kết cách đây hai năm, cho phép quân đội Hoa Kỳ xây dựng trên lãnh thổ Philippines các cơ sở dùng cho vấn đề an ninh hàng hải và các hoạt động nhân đạo và cứu trợ, cứu nạn, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định rằng EDCA là một thỏa thuận quốc tế, và Hoa Kỳ và Philippines bị luật pháp quốc tế ràng buộc.
Trích dẫn các văn bản của thỏa thuận, nhân vật này cho rằng hiệp định EDCA có một thời hạn ban đầu là 10 năm, sau đó hai bên có thể kết thúc với thông báo bằng văn bản trong một năm.
Philippines là một yếu tố quan trọng trong chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Obama qua châu Á, cho nên Washington cố gắng duy trì quan hệ hữu hảo với Manila, bất chấp tính khí thất thường và những lời lẽ nhiều khi thô tục của vị tổng thống mới tại Philippines nhắm vào nước Mỹ.
Tuy nhiên, đối với giới lập pháp Mỹ, các hành động quá đáng của ông Duterte đã bắt đầu gây khó chịu. Philippines hiện là nước đã nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ của Hoa Kỳ, và hiện đứng thứ ba Châu Á trong danh sách nhận viện trợ quân sự của Mỹ, sau Afghanistan và Pakistan.
Hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng, Ben Cardin, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng viện, và Patrick Leahy, thuộc tiểu ban viện trợ nước ngoài, đòi Quốc Hội Mỹ xét lại chính sách đối với Philippines khi xem xét viện trợ cho năm tài chính hiện hành.
Dẫu sao thì một viên chức Hoa Kỳ xin giấu tên xác nhận rằng ở nỗi lo ngại trong chính quyền Obama về ông Duterte lớn nhiều so với những biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên, trong lãnh vực quốc phòng, Mỹ không lo lắm vì đã có phương án thay thế.
Viên chức này nêu lên ba hướng : Trung Tâm Hải Quân Khu Vực tại Singapore, các cơ sở huấn luyện tại Brunei, và khả năng sử dụng thường xuyên và dễ dàng hơn các quân cảng tại Việt Nam.

Colombia :

Biểu tình lên án cựu tổng thống Uribe “gieo rắc thù hận”

Tại Colombia, sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả 52% cử tri bác bỏ hòa ước với lực lượng nổi dậy FARC, tổng thống Juan Manuel Santos đã triệu tập các chính đảng để thảo luận với phe đối lập, đặc biệt là phe của cựu tổng thống Alvaro Uribe, người đã dùng áp lực để phản đối thỏa thuận này. Còn các sinh viên đã biểu tình chiều hôm qua 03/10/2016 ở khu vực trung tâm Bogota để phản đối cựu tổng thống Uribe.
Từ Bogota, thông tín viên RFI Véronique Gaymard tường thuật :
Khoảng 200 sinh viên Đại Học Sư Phạm Quốc Gia đã tụ tập ở đại lộ Canrera 7 chạy dọc từ Bắc xuống Nam Bogota. Với các biểu ngữ : “ Nói thuận với hòa bình, nói không với chiến tranh ”, họ yêu cầu chính phủ không quên điều cốt lõi của thỏa thuận hòa bình với quân nổi dậy FARC là chấm dứt xung đột vũ trang.
Họ giận dữ phản đối cựu tổng thống Alvaro Uribe. Theo họ, chính ông Uribe đã gieo rắc chiến dịch thù hận dẫn đến chiến thắng của phe nói “ không ” với thỏa thuận hòa bình trong cuộc trưng cầu dân ý hôm chủ nhật.
Andrés Ospina, một sinh viên vật lý, dẫn đầu đoàn biểu tình cho biết: “ Chúng tôi tuần hành vì hòa bình, chúng tôi không đồng ý với những lá phiếu hôm chủ nhật vì chúng dựa trên nỗi sợ hãi, lòng hận thù, mối oán hận. Các lực lượng chính trị này không muốn có một thỏa thuận hòa bình chung cuộc, điều đó đã khiến chúng ta phải quay lưng lại với những người dân sống ở nông thôn dễ bị tổn thương, đã phải trải qua chiến tranh và sống trong nỗi đau. Phe đối lập đã quay lưng lại với họ, các nạn nhân, những người phải sống lưu vong. Chúng tôi đến để phản đối điều này. Tạm thời, chúng tôi đang sống trong một giai đoạn không thể chắc chắn về những gì sắp xảy ra. Và đó cũng là điều chúng tôi phản đối ”.
Hôm nay, tổng thống Juan Manuel Santos đã triệu tập các chính đảng ủng hộ thành lập một ủy ban đối thoại quốc gia và mời phe đối lập tham gia.

Hơn 5.600 di dân được cứu vớt ngoài khơi Địa Trung Hải

Hôm qua, 03/04/2016, tổ chức nhân quyền Amnesty International đã cáo buộc các nước giàu là ích kỷ. Theo báo cáo của tổ chức này, 10 nước chiếm chưa đến 2,5% tổng sản lượng toàn cầu lại tiếp nhận tới 56% số người tị nạn. Đầu tiên phải kể đến Jordanie, sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Liban…
Amnesty phê phán Anh Quốc vì nước chỉ tiếp đón 8.000 người Syria từ năm 2011 tới nay, trong khi Jordanie, với số dân bằng 1/10 dân số Anh và tổng sản phẩm quốc nội chỉ bằng 1,2% của Anh nhưng đã đón tiếp tới 655.000 người tị nạn.
Theo Amnesty, chính sự ích kỷ của các nước giàu làm cuộc khủng hoảng di dân ngày càng trầm trọng.
Hôm nay, Italia đã cứu được 5600 di dân ngoài khơi Địa Trung Hải, cách đường bờ biển Libya 20 hải lý. Nhiều tàu trục vớt của các tổ chức nhân đạo đã được huy động, trong đó có con tàu Aquarius của tổ chức phi chính phủ SOS Méditerranée. Phái viên đặc biệt của RFI Juliette Gheerbrant, có mặt trên con tàu Aquarius cho biết tàu này tới nơi vào lúc 5h30 sáng nay, khi trời còn chưa sáng. Hai xuồng cứu hộ của con tàu lao về phía con tàu gỗ màu xanh nổi trên màn biển đen thăm thẳm.
Cảnh này gợi nhắc lại thảm họa chìm tàu Lampedusa cũng xảy ra vào ngày này cách đây 3 năm khiến 360 người thiệt mạng. May mắn nay, thảm kịch đã không lặp lại vào ngày hôm nay. Phải mất 7 tiếng để đưa được tất cả các di dân lên tàu Aquarius, khoảng 720 người, trong đó có 200 trẻ em không có người lớn đi kèm. Hầu hết họ đều đến từ Erythrée. Đây là chuyến cứu hộ lớn nhất mà tổ chức phi chính phủ SOS Méditerranée từng thực hiện.
Theo lực lượng hải cảnh của Ý, hôm nay có 12 đợt cứu nạn ngoài khơi Tripoli. Một di dân kể lại : “Ở Libya, chúng tôi không còn là con người. Chúng tôi chỉ là những món hàng trong tay những kẻ đưa người vượt biên”.

Syria : LHQ thảo luận dự thảo nghị quyết ”ngưng bắn”

Trưa nay 04/10/2016, Hội Đồng Bảo An phải bắt đầu bàn thảo về một dự thảo nghị quyết kêu gọi Hoa Kỳ và Nga thiết lập hưu chiến tại Aleppo, Syria, và « chấm dứt mọi hoạt động không quân trên thành phố ».
Theo Reuters, bản sao dự thảo mà hãng tin Anh có được còn yêu cầu tổng thư ký Ban Ki Moon trình Hội Đồng Bảo An những đề nghị « ban hành lệnh ngưng bắn với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc » và đe dọa « sử dụng các biện pháp khác » trong trường hợp một trong các bên liên can không tôn trọng nghị quyết. Dự thảo nghị quyết do Pháp và Tây Ban Nha đề nghị và được Anh Quốc ủng hộ. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao chưa rõ phản ứng của Nga và Trung Quốc ra sao. Từ trước đến nay, Matxcơva và Bắc Kinh luôn ngăn chận các nghị quyết lên án chế độ Damas.
Ngoại trưởng Pháp, Jean-Marc Ayrault, mong muốn nghị quyết ngưng bắn và ngưng oanh kích sẽ được thông qua « trong những ngày tới ». Theo ngoại trưởng Pháp, mọi quốc gia chống lại dự thảo nghị quyết « sẽ bị trách nhiệm phạm tội ác chiến tranh ».
Thảm kịch của người dân Aleppo buộc Liên Hiệp Quốc phải có biện pháp hạn chế sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực. Trên đây là tuyên bố của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad al Husein vào lúc dự thảo nghị quyết về Syria sắp được thảo luận. Trong bản thông cáo, Cao ủy Nhân quyền lên án Nga oanh kích thường dân Aleppo và lưu ý rằng « tội ác của một bên (thánh chiến khủng bố) không cho phép bên kia (Nga) gây tội ác tương tự ».
Để thoát ra khỏi bế tắc ngoại giao, Cao ủy Nhân quyền kêu gọi sửa đổi cách vận hành của Liên Hiệp Quốc, giới hạn sử dụng quyền phủ quyết trong trường hợp phải đưa vấn đề ra Toà án Hình sự Quốc tế.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.