Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Hàng hóa Thái Lan “lấn sân”

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016 19:56 // , ,




Thứ ba, 11/10/2016 01:03
(AGO) - Hàng hóa Thái Lan đang nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng An Giang thông qua các kênh bán hàng từ truyền thống đến hiện đại. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ đối với hàng nội địa.
Từ kênh bán lẻ  truyền thống…
 
Ở thị trường An Giang, các mặt hàng kim khí điện máy, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo do người Thái Lan sản xuất đã có mặt từ rất sớm. Đặc biệt, từ khi tỉnh xúc tiến, triển khai chương trình khai thác kinh tế biên giới, bằng con đường nhập khẩu tiểu ngạch (thông qua nước thứ 3), hàng Thái đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khu vực biên giới lẫn nội địa. Nếu lĩnh vực thực phẩm có gạo, nếp, các loại thức uống thì hàng mỹ phẩm có xà bông, dầu gội đầu, nước xả quần áo, dầu thơm. Lĩnh vực kim khí điện máy có đầu đĩa, nồi cơm điện, đèn chiếu sáng… “Đa phần các sản phẩm Thái Lan vào thị trường An Giang có giá cả phù hợp túi tiền của người tiêu dùng” - anh Trần Văn Nam, tiểu thương chợ Tịnh Biên, khẳng định.
 
t7a.jpg
 
Hàng Thái bây giờ rất dễ tìm mua
 
Từ biên giới, bằng nhiều con đường khác nhau, hàng Thái vào sâu trong thị trường nội địa để phục vụ người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu đến người nghèo. “Tân Lập được xem là vùng sâu của huyện Tịnh Biên. Dân ở đây rất thích ăn gạo Thái nên tiểu thương mang về bán rất nhiều. Ngoài gạo, còn có trái cây và cả mặt hàng nhôm nhựa. Tuy là xã vùng sâu, nhưng muốn mua hàng Thái thứ gì cũng có” - chị Nguyễn Thị Lan, xã Tân Lập, khẳng định.
 
Hơn 10 năm qua, nhìn vào thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam, điều dễ nhận thấy là người Thái tiếp cận thị trường này rất có chiến lược. Từ hàng tiêu dùng đến sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp Thái đã thiết lập được một mạng lưới phân phối đến tận địa phương.
 
Năm 1988, thấy được sức hấp dẫn của ngành chăn nuôi, Tập đoàn C.P đã mở văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh để bắt đầu khảo sát thị trường. Năm 1993, tập đoàn này thành lập Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam theo hình thức FDI, tiến hành xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi (TACN), trại gà giống và nhà máy ấp trứng số 1 ở Đồng Nai. Ngay sau đó, sản phẩm TACN cho heo, gà, vịt đã có mặt tại An Giang, phục vụ người chăn nuôi trong tỉnh. “Nếu tính ở thời điểm 1995, 1996 thì TACN heo, gà mang nhãn hiệu C.P được nông dân trong tỉnh sử dụng rất nhiều. Tôi cho rằng, đây là một thành công của người Thái trong việc tiếp cận thị trường An Giang” – ông Nguyễn Phú Hưng, nông dân xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), chia sẻ.
 
… đến hệ thống phân phối hiện đại 
 
Ở TP. Long Xuyên, từ đầu năm đến nay, hàng Thái Lan đã “tràn ngập” trên các kệ trưng bày của hệ thống siêu thị Metro, Co.opmart. Người tiêu dùng rất dễ lựa chọn hàng Thái từ thực phẩm, mỹ phẩm đến hàng nhôm, nhựa, túi xách, quần áo, hàng điện tử. Các doanh nghiệp Thái Lan đã “dọn đường” cho hàng hóa của mình vào thị trường Việt Nam bằng việc thâu tóm 4 chuỗi siêu thị lớn bậc nhất là Metro, Big C, Nguyễn Kim, Family Mart. Cụ thể, tập đoàn Central Group đã hoàn tất thương vụ mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam với trị giá hợp đồng 1,1 tỷ USD. Trước đó, Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tập đoàn Thai Charoen Corp (TCC) mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Cary Việt Nam với giá 876 triệu USD. Berli Jucker mua lại Family Mart rồi đổi tên thành B’s mart.
 
t7.jpg
 
Người Thái Lan đã đầu tư nhà máy tại Khu công nghiệp Bình Hòa để sản xuất hàng may mặc
 
Đến nay, 2 trong 4 hệ thống siêu thị trên đã có mặt ở An Giang (Metro và Nguyễn Kim), 2 hệ thống còn lại sắp tới cũng sẽ có mặt. Hàng Thái theo con đường này tiến thẳng vào thị trường An Giang, chính thức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp trong tỉnh. “Chúng tôi cảm thấy rất lo lắng trước sự “đổ bộ” của hàng Thái ở thị trường Việt Nam. Ngay sản phẩm của ngành rèn, dao thép không cạnh tranh nổi với dao inox của người Thái. Sản phẩm của làng rèn Phú Mỹ chỉ chiếm lĩnh được thị trường nông thôn, còn thị trường thành thị thì dao inox là số 1” – ông Đặng Văn Ruộng, nguyên Chủ nhiệm HTX rèn Phú Mỹ (Phú Tân), chia sẻ.
 
Chất lượng, giá thành, mẫu mã đẹp là 3 yếu tố then chốt để doanh nghiệp Thái Lan mang sản phẩm của mình vào Việt Nam một cách nhanh nhất và họ đã chọn nguyên tắc “đôi bên cùng thắng” để làm chiến lược phát triển. Như vậy, không chỉ bằng con đường nhập khẩu chính ngạch, hàng Thái còn vào thị trường An Giang bằng con đường nhập lậu như thuốc lá và đường cát. “1 tấn mía ở Thái Lan chỉ có giá thành 45 USD, trong khi Việt Nam là 70 USD. Đường Thái nhập lậu, giá bán ở thị trường từ 12.000-14.000 đồng/kg, trong khi đường cát do doanh nghiệp trong nước sản xuất từ 17.000 – 20.000 đồng/kg thì làm sao cạnh tranh” – ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương, phân tích.
 
Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập (31-12-2015) đến nay, hàng Thái càng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đổ bộ vào thị trường An Giang. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong tỉnh cần nhanh chóng hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt cần suy nghĩ đến chiến lược ngành hàng của mình để cạnh tranh, tồn tại được trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
 
Bài, ảnh: MINH HIỂN

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.