Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tranh chấp Biển Đông – 11/09/2016

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016 19:26 // , ,

Tin Biển Đông – 11/09/2016

4 tàu TC vào vùng biển Senkaku do Nhật chiếm giữ

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết có bốn chiếc tàu tuần duyên của TC đi vào hải phận của quần đảo Senkaku do Nhật Bản chiếm giữ, mà TC gọi là Điếu Ngư và cũng nói là thuộc chủ quyền của mình.
Bốn chiếc tàu này đã rời vùng biển Senkaku sau chín mươi phút, nhưng đây là lần đầu tiên mà tàu TC đi vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch TC Tập Cận Bình bên lề hội nghị Hàng Châu của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra mới cách đây vài ngày.
Tại cuộc gặp gỡ này hai nhà lãnh đạo cố gắng gạt sang một bên các bất đồng, nhưng chủ tịch Tập cũng kêu gọi Tokyo nên thận trọng trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lảnh thổ.
Chỉ vài ngày trước khi cuộc gặp gỡ diễn ra hàng trăm tàu đánh cá TC đã tràn vào khu vực tranh chấp, làm Nhật Bản lên tiếng phản đối rất giận dữ.

Nga Trung tập trận tại Biển Đông kể từ 12/09

Trong bản tin Chủ nhật 11/09/2016, Hải Quân TC loan báo cuộc tập trận chung Nga-Trung bắt đầu vào ngày thứ hai 12/09 và kéo dài trong 8 ngày tại Biển Đông, mà Bắc Kinh gọi là biển Nam Trung Hoa.
Cuộc tập trận được đặt tên «Joint Sea 2016» (Hải Thượng Liên Hợp 2016) với một số hải thuyền thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga được loan báo ở “biển Nam Trung Hoa“. Theo bản tin của Hoàn Cầu Thời Báo thì địa điểm thao dợt là ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, tức là ở phía đông bắc đảo Hải Nam, huy động cả tàu ngầm, trực thăng và máy bay.
Trong chương trình dự kiến, ngoài tập dợt phòng thủ trên biển, tấn công diệt tàu ngầm còn có thực tập «chiếm đảo» và phối hợp tác chiến trên bộ.
Bản tin của quân đội TC gọi đây là cuộc thao diễn quân sự với qui mô lớn chưa từng thấy. Binh sĩ hai nước cùng thực tập “phóng tên lửa đạn đạo, bảo vệ đảo, tác chiến trên bộ”.
Nếu thông tin của Hoàn Cầu Thời Báo về địa điểm tập trận là chính xác thì có thể nói là Nga và TC đã không kéo hải thuyền xuống các khu vực Biển Đông có tranh chấp với Việt Nam và Philippines.
Theo nhận định của Reuters, chiến dịch «Hải Thượng Liên Hợp 2016» được tổ chức trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng cao độ nhất là từ khi Toà Trọng Tài La Haye ra phán quyết công nhận Philippines có lý và phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền của TC.
Cuộc tập trận chung Nga -Trung «Joint Sea» lần đầu diễn ra vào năm 2012 tại biển Hoàng Hải ngoài khơi Thanh Đảo. Năm sau, gần Vladivostok, trong biển Nhật Bản. Năm 2014 thì diễn ra ở Biển Hoa Đông và đến năm vừa qua thì chia làm hai đợt, đợt một trong Địa Trung Hải và đợt hai trong vịnh Peter Đại đế, thuộc biển Nhật Bản.

TC tăng viện trợ cho Cam Bốt sau thượng đỉnh ASEAN

Trong buổi làm việc giữa thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và đồng nhiệm TC Lý Khắc Cường bên lề thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane (Lào), Bắc Kinh đã hứa viện trợ thêm cho Phnom Penh thông qua một loạt dự án. Thông tin trên được Kao Kim Hourn, bộ trưởng Văn phòng thủ tướng Hun Sen, công bố trước báo giới đêm 08/09/2016, tại sân bay quốc tế Phnom Penh.
Tờ Cambodia Daily, trích phát biểu của Kao Kim Hourrn, cho biết: «Chính phủ Trung Hoa chấp nhận giúp đỡ dự án thủy lợi trên sông Vaiko, tiếp theo là các dự án trên tuyến đường quốc lộ 51».
Ngoài ra, TC cũng sẽ giúp Cam Bốt trùng tu đền Preah Vihear và hứa tăng gấp đôi lượng gạo nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này, từ 100.000 tấn lên thành 200.000 tấn mỗi năm.
Kao Kim Hourn từ chối công bố tổng số tiền mà TC hứa để thực hiện các dự án đó.
Bắc Kinh hào phóng để được Cam Bốt ủng hộ
Sự hào phóng của Bắc Kinh đối với Phnom Penh tăng mạnh trong những năm gần đây. Giới phân tích khẳng định Cam Bốt ủng hộ TC khi ngăn khối ASEAN không ra được thông cáo chung về tranh chấp tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển.
Tháng 07/2016, TC từng hứa tài trợ khoảng 600 triệu đô la cho Cam Bốt, chỉ vài ngày sau khi chính phủ của thủ tướng Hun Sen ngăn ASEAN ra một thông cáo chung về phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, có lợi cho Philippines.
Trong thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Lào, bộ trưởng Kao Kim Hourn tái khẳng định lập trường giống TC của Cam Bốt. Đó là các tranh chấp cần được giải quyết song phương giữa các nước có liên quan, chứ không phải là giữa TC với ASEAN, điều có thể mang lại nhiều lợi thế cho các thành viên ASEAN có tranh chấp với Bắc Kinh.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.