Tin Việt Nam – 09/09/2016
Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm đã bị xoá sổ
Vậy là chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn đã chính thức bị xóa sổ từ sáng ngày 8 tháng 9 năm 2016. Tất cả mọi ngã đường vào chùa đều bị ngăn trở. Không có Phật tử nào chứng kiến giờ phút cuối cùng của ngôi chùa có hơn 70 năm tuổi đời. Những hình ảnh trong clip này giờ đây chỉ còn là một dĩ vãng, khi mà các nhà sư của chùa cũng chưa rõ số phận của mình sẽ đi về đâu. Từ bệnh viện, Hòa thượng Thích Không Tánh đã kể lại câu chuyện sáng nay.
Chưa “đả hổ” mới “diệt ruồi” đã lúng túng
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Chiến dịch làm trong sạch Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động hay còn gọi là “đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam có vẻ không được suôn sẻ, khi nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, người bị xem là con ruồi bị đập đã có những phản ứng khác thường. Nhân vật này ẩn mặt suốt tháng qua và chủ động xin ra khỏi Đảng. Việc này làm cho đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tỏ ra vừa chậm trễ vừa lúng túng.
Ông Trịnh Xuân Thanh đang bị điều tra về những sai phạm, liên quan tới trách nhiệm quản lý nhà nước qua vụ làm lỗ 3.300 tỉ đồng, khi là lãnh đạo PVC Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí. Lúc đó nhiều người khác bị truy tố, nhưng ông Thanh lại được điều chuyển về Bộ Công thương giữ vị trí cao cấp và sau đó tiếp tục được điều chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Dĩ nhiên đây là sự chậm trễ của tổ chức đảng, đúng ra sau khi có ý kiến của Tổng Bí thư thì phải đình chỉ tư cách đảng viên của ông ấy đi, rồi sau này xử lý.
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Trả lời chúng tôi vào tối 8/9/2016, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:
“Dĩ nhiên đây là sự chậm trễ của tổ chức đảng, đúng ra sau khi có ý kiến của Tổng Bí thư thì phải đình chỉ tư cách đảng viên của ông ấy đi, rồi sau này xử lý. Hoặc là sau khi Hội đồng Bầu cử tước danh hiệu đại biểu Quốc hội của ông ấy thì có thể người ta tổ chức kiểm điểm và khai trừ đi. Sự chậm chạp của tổ chức đảng là điều đáng tiếc.”
Khá chậm chạp, ngày 8/9/2016 Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức đề nghị khai trừ Đảng ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Tuy báo chí đồng loạt đưa tin này, nhưng từ hôm 6/9 ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động gọi điện thoại cho báo Thanh Niên và cho biết ông đã nạp đơn xin ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau mấy ngày không xác nhận sự kiện vừa nêu, nhưng đến chiều 8/9 Tỉnh Ủy Hậu Giang đã ra Thông báo xác nhận việc ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng. Theo Thanh Niên Online, Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang đã nhận được văn bản gửi qua đường bưu điện. Trong văn bản được photocopy, ông Trịnh Xuân Thanh giải trình một số vấn đề mà Đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương đặt ra, đồng thời xin ra khỏi Đảng. Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang cũng có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề vừa nêu. Ông Thanh đã hết thời gian nghỉ phép vào ngày 3/9 vừa qua, nhưng chưa trở lại Hậu Giang.
Dao mổ trâu đập ruồi
Trước đó trên mạng xã hội lan tràn hình chụp bản báo cáo gởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh. Trong đó người ký tên Trịnh Xuân Thanh nêu lý do xin bỏ Đảng là vì không còn tin vào sự chỉ đạo của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra đương sự còn chỉ trích Đảng về điều gọi là, áp lực cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật và sử dụng truyền thông báo chí nói sai sự thật để quy trách nhiệm cho đương sự.
Ngược dòng thời gian, thời sự có vẻ như được sắp đặt có lớp lang, trước tiên một tờ báo nhỏ đưa tin vụ xe Lexus đắt tiền được ông Trịnh Xuân Thanh gắn biển số công trái quy định. Cả tháng trời dư luận chẳng để ý gì đến thông tin này, cho đến khi tờ báo nhiều độc giả là Thanh Niên vào cuộc và lôi kéo được cả làng báo làm náo động vụ xe tư đắt tiền lại mang biển số công.
Từ đó báo chí phanh phui tiểu sử của chủ xe là ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng như quá khứ của ông này khi lãnh đạo Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC và làm lỗ lã hơn 3.000 tỷ đồng, rồi vụ hạ cánh an toàn ở Bộ Công thương làm vụ trưởng dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và sau đó điều chuyển về làm lãnh đạo ở Hậu Giang.
Điều khá ngạc nhiên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mau lẹ liên tiếp ra chỉ đạo huy động các tổ chức Đảng và cơ quan chính phủ phải điều tra làm rõ vụ xe tư biển số công và sự dính líu của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, trong quá trình điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vụ con trai ông này là Vũ Quang Hải được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo ở Tổng Công ty bia rượu và nước giải khát Saigon Sabeco.
TS Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, người tranh đấu cho quyền tự do biểu đạt từng đưa ra nhận định về điều gọi là sự sắp xếp các diễn biến thời sự. Ông nói:
“Tôi cho rằng việc điều tra ông Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là ông Vũ Huy Hoàng đã được tổ chức trước, được sự lên tiếng đồng loạt của một số tờ báo, đánh giá về vụ chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh, về vụ ông Vũ Quang Hải là con ông Vũ Huy Hoàng và liên quan tới một số vụ việc nữa của ông Vũ Huy Hoàng. Nếu không được chuẩn bị tài liệu từ trước, thì các báo chắc chắn đã không có những tư liệu đó, không có những câu hỏi sắp sẵn và không có những dàn bài được sắp sẵn để tung ra tại thời điểm này.”
Trong những dịp trò chuyện với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng với kinh nghiệm phân tích thông tin tình báo chính trị đã thể hiện cách nhìn của ông, về điều gọi là thử thách đối với sự phân hóa quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam.
“Một trong những nguồn cơn chính của những xung đột chính trị là lợi ích, nhóm quyền lực cũ hiện nay vẫn còn giữ một mảng thị phần rất lớn, những thị trường màu mỡ làm ăn đa ngành và những nhóm lợi ích mới, những nhóm quyền lực mới đương nhiên phải chú ý chuyện đó…thực chất đây không phải là sự xung đột chỉ về mặt quyền lực mà còn vì lợi ích kinh tế.”
Thông tin về việc ông Trịnh Xuân Thanh chủ động xin ra khỏi Đảng được báo chí giật tít lớn. Giữa khi đó mạng xã hội rộ tin đồn ông Trịnh Xuân Thanh đang ở nước ngoài, kể từ khi ông này xin nghỉ phép 1 tháng để chữa bệnh. Báo chí nhà nước nói không thể liên lạc được với ông Trịnh Xuân Thanh qua điện thoại, tuy vậy báo Tuổi Trẻ Online ngày 8/9 đưa tin cho tới thời điểm này, ông Trịnh Xuân Thanh chưa bị cấm xuất cảnh.
Tờ báo cho biết, ở thời điểm 8/9/2016 trên hệ thống của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công An chưa thấy có dữ liệu về việc cấm xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an TP.HCM cũng chưa nhận được văn bản nào từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng về việc cấm xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Một trong những nguồn cơn chính của những xung đột chính trị là lợi ích, nhóm quyền lực cũ hiện nay vẫn còn giữ một mảng thị phần rất lớn … thực chất đây không phải là sự xung đột chỉ về mặt quyền lực mà còn vì lợi ích kinh tế.
Trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng, rất ít khả năng về việc ông Trịnh Xuân Thanh bỏ chạy ra nước ngoài như thông tin trên mạng xã hội. Ông nói:
“ …Tới bây giờ chắc chưa chạy đâu…Ủy ban Kiểm tra mới vừa họp công bố kỷ luật khai trừ đảng ông ấy. Ông này cương vị Phó Chủ tịch tỉnh thuộc diện cán bộ của Trung ương quản lý…không ai để cho ông ấy chạy đâu, chắc là các cơ quan trách nhiệm họ có cách. Đến bây giờ chưa thấy dấu hiệu gì, người ta chỉ đồn rùm như thế, đâu có gì cho thấy ông này bỏ chạy đâu…nếu chạy thì phải truy bắt cho được, Việt Nam là thành viên của Interpol, nếu cần họ sẽ truy lùng bắt về như trước đây đã có một người như vậy.”
Bên cạnh câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh chủ động xin ra khỏi Đảng vài ngày trước khi bị Đảng đề nghị khai trừ, báo chí trong nước còn rộ tin Bà Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc Hội khóa 13 khai báo với cơ quan điều tra là đã bỏ ra 30 tỷ đồng tương đương 1,5 triệu USD để được đưa vào danh sách ứng cử và được trúng cử Quốc hội khóa đó. Bà Nga từng bị bãi miễn, bị bắt và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ tháng 1/2015.
Phản ứng về nguồn tin vừa nêu, Báo điện tử VietnamNet trích lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội nói rằng phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc Hội, vì câu chuyện này quá động trời.
Quốc Hội Việt Nam vừa qua xảy ra nhiều chuyện cũng không kém giật gân, như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh đắc cử Quốc hội khóa 14 nhưng không được chấp thuận tư cách đại biểu Quốc hội vì nghi án chạy chức. Một trường hợp khác cũng bị bác tư cách đại biểu Quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì có hộ chiếu nước Malta.
Bầu cử ở Việt Nam được mô tả là theo hình thức Đảng cử dân bầu, với việc gạt bỏ những ứng cử viên độc lập mà nhiều người trong đó là những tên tuổi lớn nhiều uy tín. Tuy là Đảng cử dân bầu nhưng xem ra bộ máy cử tuyển cán bộ nhân tài của Đảng đã thể hiện những góc khuất tệ hại.
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 nêu lên vấn đề sống còn của Đảng, đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng kể cả cán bộ quản lý nhà nước. Nhưng cuối cùng cả một khóa 5 năm mà Trung ương Đảng cũng không tìm ra được một bộ phận không nhỏ đó.
Việt Nam đề nghị Anh Quốc
giúp giải quyết hậu quả chiến tranh
Quan chức quốc phòng chính quyền Hà Nội và London gặp nhau trước thượng đỉnh quốc phòng Liên Hiệp Quốc khai diễn hôm qua ở thủ đô nước Anh. Động thái này được cho là hai phía đang xây dựng mối quan hệ mới khi mà Việt Nam muốn mở rộng quan hệ với những nước đồng minh tiềm năng nhằm củng cố sức mạnh trước hành động lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tin cho biết tại cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng Anh, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam đưa ra đề nghị nhờ Anh Quốc giúp giải quyết những hậu quả do chiến tranh để lại cũng như đề xuất làm kênh cho Anh đi vào khu vực.
Cả hai phía cũng đề cập đến hợp tác quốc phòng trong tương lai và thống nhất quan điểm mọi tranh chấp phải được giải quyết trên tinh thần hòa bình.
Gia đình đặt thi thể hài nhi lên bàn giám đốc bệnh viện
đòi giải thích
Bộ Y Tế CSVN hôm 9 tháng 9 gửi công văn khẩn yêu cầu Sở Y Tế Hà Nội xác minh trường hợp em bé tử vong tại bệnh viện Đa Khoa Quốc Oai.
Trước đó báo chí loan tin gia đình sản phụ Ngô Thị Kim Cương, 31 tuổi, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội, đã mang thi thể hài nhi đặt lên bàn giám đốc bệnh viện Đa Khoa Quốc Oai yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong.
Sáng ngày 5 tháng 9, bà Cương có dấu hiệu chuyển dạ, được gia đình đưa vào bệnh viện Đa Khoa Quốc Oai chuẩn bị sinh. Do trường hợp sinh khó, trưởng khoa Sản là Bác sĩ Cường đã đến đỡ đẻ, đón bé trai nặng 3.8 kg vào trưa cùng ngày. Sau khi chào đời một lúc, bé trai mới khóc được, da dẻ tím tái, không có phản xạ bú. Cha của em bé cho biết ông lo lắng chạy đi tìm bác sĩ để nhờ kiểm tra, nhưng người thì đi ngủ, người thì không có mặt, chỉ có vài sinh viên thực tập ở lại bệnh viện. Thấy tình trạng đứa bé ngày một nặng, gia đình xin cho chuyển viện nhưng bệnh viện không đồng ý. Đến gần 11 giờ đêm, khi thấy quá nguy cấp, bệnh viện mới cử hai nhân viên y tế theo xe chuyển bệnh nhi lên bệnh viện Nhi Trung Ương cấp cứu. Tại đây, em bé đã tử vong vào trưa Thứ Tư ngày 7 tháng 9.
Tối cùng ngày, gia đình đưa thi thể em bé trở lại bệnh viện Đa Khoa Quốc Oai đặt lên bàn Giám đốc Đỗ Văn Vy trước sự chứng kiến của nhiều nhân viên y tế và lực lượng an ninh, yêu cầu bệnh viện làm rõ.
Huy Lam / SBTN
Bán hết doanh nghiệp lớn,
ngân sách Việt Nam còn gì để bán?
Nhiều năm trước, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra vô cùng ậm ạch với đủ thứ lý do. Nhưng chỉ mới từ cuối năm 2015 sau phát pháo hiệu của thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cho đến nay, tốc độ bán vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn bất thần tăng vọt.
Nếu thời điểm cuối năm 2015 chứng kiến Thủ tướng Dũng báo cáo sẽ bán cổ phần tại những doanh nghiệp nhà nước, kể cả “con bò sữa” như Vinamilk như một cách lấy thành tích và phần nào để “bù đắp khó khăn ngân sách”, trong bối cảnh “ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”, nay Thủ tướng Phúc đang tiếp tục “kiến tạo” những gì mà ông Nguyễn Tấn Dũng làm trước đó.
Ngân sách không chỉ “khó khăn”, mà là nguy ngập!
Tại cuộc họp với các bộ ngành về chủ trương bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT…
Theo một chuyên gia ngành tài chính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới 7 tỉ USD (khoảng 150,000 tỉ đồng).
Con số 150,000 tỷ đồng trên, bằng khoảng 13% chi ngân sách năm 2016, là một số tiền lớn và đáng kể trong bối cảnh đảng không biết lấy tiền đâu để chi xài.
Thực ra, cuộc cách mạng bán tháo vốn nhà nước đã diễn ra ngay vào đầu năm 2016, để đến giữa năm phía chính phủ “xông xênh” bước ra trước Quốc hội với món tiền bán vốn được 10,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là quá ít.
Trong khi kế hoạch bán đường, bán cảng, bán sân bay… mà Thủ tướng Dũng chỉ đạo các bộ ngành “nghiên cứu thực hiện” vẫn chưa đâu vào đâu, đơn giản là vì chưa có ai mua, thì việc rút tiền của nhà nước từ các doanh nghiệp có sẵn vốn nhà nước là chóng vánh và thuận lợi nhất.
Số tiền 150,000 tỷ đồng trên, ngay trước mắt sẽ bù đắp cho khoản bội chi ngân sách năm 2016 có thể lên đến 150,000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau khi bán những cổ phần ngon ăn và màu mỡ nhất tại các doanh nghiệp, chính quyền Việt Nam còn gì để bán?
Mới đây, một chuyên gia kinh tế là bà Phạm Chi Lan đã phải thốt lên rằng các nguồn lực đã cạn kiệt. Vậy lấy gì để bảo đảm cho “kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2020”?
Cũng trong thời gian gần đây, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính một lần nữa “nhìn trộm túi quần dân chúng”: 500 tấn vàng vẫn còn rải rác trong dân, làm thế nào tung “chứng chỉ vàng” để thu gom tất cả, lấy vàng chi xài cho ngân sách và đổi sang ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, còn phần trả vàng cho dân chúng thì để các chế độ sau gánh!
Lê Dung / SBTN
Ông Trịnh Xuân Thanh
bị khai trừ khỏi đảng sau khi đã tự xin ra
Ban bí thư trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam hôm 8 tháng 9 đã nhóm họp dưới sự chủ tọa của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, để khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh- nguyên phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang- ra khỏi đảng cộng sản.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cho là người chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng thua lỗ hơn 150 triệu Mỹ kim tại Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC. Cuộc họp khai trừ diễn ra sau khi ông Trịnh Xuân Thanh đã gửi thư xin ra khỏi đảng cộng sản, và sự việc đã được báo chí công bố trong tuần này.
Tình trạng thua lỗ được cho là trầm trọng ở PVC xảy ra trong thời gian từ 2007 tới 2013, khi ông Thanh làm phó bí thư đảng ủy rồi lên bí thư đảng ủy, kiêm tổng giám đốc rồi lên chủ tịch hội đồng quản trị của tổng công ty. Nhiều tổ chức và cá nhân trong PVC đã bị kỷ luật và thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng riêng ông Thanh thì không hề hấn gì. Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu xem tại sao guồng máy cai trị của đảng cộng sản tiếp tục đề bạt ông Thanh sau thất bại của ông này tại PVC, ban bí thư đảng quy trách nhiệm cho cá nhân ông Thanh là đã “đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận”, xem như không ai có sai sót gì ngoài cá nhân ông Thanh!
Truyền thông trong nước cho hay hôm Thứ Sáu 9 tháng 9, tỉnh ủy Hậu Giang đã gửi thư triệu tập đến nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh tại Hà Nội, yêu cầu ông này phải có mặt tại Hậu Giang để giải quyết công việc. Báo chí trong nước gần đây đưa tin ông Thanh biến mất cả tháng nay sau khi xin nghỉ phép đi chữa bệnh. Nay thời hạn nghỉ phép đã hết, ông Thanh vẫn chưa trở lại công sở. Tỉnh ủy Hậu Giang cho hay “không biết ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu”.
Huy Lam / SBTN
Một kiểm sát viên bị bắt vì nhận tiền hối lộ
Ông Lê Ngọc Phổ, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát thành phố Nha Trang bị cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao bắt ngay tại trụ sở làm việc. Lý do ông này liên quan đến việc nhận hối lộ trong vụ án “mua bán trái phép chất ma túy” do chính ông điều tra.
Trưa ngày 9/9/2016, ngay tại trụ sở Viện kiểm sát thành phố Nha Trang, Cơ quan điều tra đã đọc lệnh bắt đối với ông Lê Ngọc Phổ (32 tuổi), làm việc tại Viện kiểm sát thành phố Nha Trang từ 2011 cho đến nay.
Việc bắt ông Lê Ngọc Phổ diễn ra hết sức nhanh gọn, đến ngay cả lãnh đạo Viện kiểm sát thành phố Nha Trang cũng bất ngờ. Trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Viện kiểm sát Nha Trang nói: “Chỉ thấy anh em đang làm việc tại cơ quan, đại diện cơ quan điều tra đến mời lên làm việc rồi đọc lệnh bắt luôn”. Sau khi bị bắt, cơ quan điều tra đưa ông Phổ về nhà để khám xét nhà cửa.
Từ những điều tra sơ khởi, ông Lê Ngọc Phổ được phân công điều tra vụ án “mua bán trái phép chất ma túy”. Trong quá trình điều tra, ông Phổ đã lân la qua lại với gia đình nghi can là bà Võ Thị Kim Anh. Ông Phổ nói với phía gia đình bà Kim Anh, muốn con mình được nhận án nhẹ phải chi tiền cho ông. Giữa hai bên mới có những thỏa thuận để ông Phổ lo giúp cho bà Kim Anh được giảm nhẹ hình phạt.
Ngay 7/7/2016, đang lúc nhận tiền từ người nhà gia đình nghi can Võ Thị Kim Anh, ông Phổ đã bị lực lượng công an bắt quả tang. Phía công an không nói rõ số tiền mà ông Phổ nhận là bao nhiêu, nhưng cho biết đó là số tiền “rất lớn”.
Được biết, ông Phổ mới mua căn nhà tại thôn Phước Trung, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang.
Ngọc Quân/SBTN
Tại sao Việt Nam lại hấp dẫn nước Pháp?
Tập đoàn Airbus vừa ký loạt hợp đồng bán máy bay với tổng trị giá lên đến 6,5 tỉ đô la cho Việt Nam nhân chuyến công du của tổng thống Pháp François Hollande. Theo nhận định của trang mạng Capital.fr (06/09/2016), quốc gia Đông Nam Á này hiện rất năng động và trở thành thị trường ngày càng được Pháp chăm chú đến. Vậy Việt Nam có những điểm mạnh gì để Pháp lại quyết tâm chinh phục đến như vậy?
Một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất châu Á
Kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng bền vững, đạt hơn 6% mỗi năm kể từ năm 2014. Theo thẩm định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế(OCDE), nhịp độ này tương đương với mức tăng trưởng của Trung Quốc và sẽ được tiếp tục duy trì trong những năm tới. Trong khi đó, mức lạm phát sẽ được kìm hãm dưới ngưỡng 3%, sau nhiều năm tăng vọt. Ông Charlie Carré, kinh tế gia chuyên về châu Á của Coface, đánh giá mục tiêu trên là nhằm duy trì tính năng động của sức tiêu thụ trong các gia đình.
Ngoài ra, vẫn theo chuyên gia kinh tế này, các kế hoạch xúc tiến xây dựng hạ tầng cơ sở của nhà nước cũng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng. Trong vòng 15 năm qua, mức sống của người dân đã tăng một cách rõ rệt và tỉ lệ nghèo giảm từ 58% xuống còn 14%, theo thống kê của trang Moniteur du Commerce international (Moci).
Nguồn nhân lực đông đảo, có trình độ và rẻ hơn Trung Quốc
Dân số Việt Nam có hơn 90 triệu người. Theo thống kê của France Diplomatie (Ngoại giao Pháp), 56% dân số là thanh niên dưới 30 tuổi và hơn 1 triệu lao động mới gia nhập thị trường mỗi năm. Người Việt có trình độ giáo dục với hơn 93% dân số biết chữ, nhưng hiện vẫn có mức lương khá thấp, đây chính là điểm thu hút các doanh nghiệp, so với mức nhân công tại Trung Quốc ngày càng đắt hơn. Điều này cũng giải thích ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyển sang hoạt động tại Việt Nam.
Một nền công nghiệp năng động, xuất khẩu và sản xuất hàng chất lượng cao
Các thương hiệu tầm cỡ quốc tế xây dựng các nhà máy tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực như điện tử, may mặc, đồ gia dụng, ô tô, lập trình… Nhờ bùng nổ lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (mở doanh nghiệp hay các tập đoàn nước ngoài mua lại doanh nghiệp), Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm ngày càng công phu hơn. Vẫn theo báo cáo của Coface, “Nước này là một trung tâm sản xuất các loại điện thoại thông minh và máy tính bảng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc”.
Trong khi các nước Đông Nam Á khác đang gặp khó khăn, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong vùng có lượng xuất khẩu tăng trong năm 2015. Nhờ là thành viên của tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) từ năm 2007, Việt Nam cũng “tham gia nhiều hiệp định mậu dịch cấp vùng và song phương”. Ngoài ra, theo đánh giá của chuyên gia Carlos Harkenberg (thuộc Franklin Templeton), hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp kích thích hoạt động xuất khẩu sang các nước đối tác như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Vị trí địa lý được ưu đãi
Vị trí địa lý đặc biệt cũng là một trong những lợi thế của đất nước. Việt Nam có nhiều hải cảng nhờ đường bờ biển dài hơn 3.200 km và nằm trên một trong những trục đường thương mại chính của thế giới dẫn đến thị trường Trung Hoa rộng lớn. Các lợi thế địa lý này đã tạo điều kiện cho đất nước mở cửa với thương mại quốc tế.
Một tiềm năng nông nghiệp chắc chắn
Khí hậu tại Việt Nam rất thuận lợi cho nông nghiệp. Hiện lĩnh vực này vẫn sử dụng đến một nửa số lao động và chiếm đến 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm 2015. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nhà sản xuất chủ yếu của thế giới, về cafe (đứng thứ hai, với 16% sản lượng của thế giới và là nhà sản xuất số 1 về cafe robusta), gạo và hải sản (đặc biệt là tôm)…
Ngành du lịch phát triển “như diều gặp gió”
Lĩnh vực du lịch là một đòn bẩy khác của nền kinh tế Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2016, 900.000 du khách (chủ yếu là người Trung Quốc) đã đến Việt Nam, tăng khoảng 25% chỉ trong vòng 1 năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không che giấu tham vọng nhắm đến con số 15 triệu lượt khách mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2020. Nhờ du lịch, Việt Nam sẽ thu về được khoảng 20 tỉ đô la, tương đương với 10% GDP của đất nước. Để phát triển ngành du lịch, chính phủ đã nới lỏng hệ thống cấp visa (sắp được miễn phí cho các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu) và dỡ bỏ giờ giới nghiêm tại thủ đô Hà Nội.
Một thị trường đầy tiềm năng cho Pháp
Dù GDP của Việt Nam hiện vẫn chưa vượt quá ngưỡng 200 tỉ đô la, thấp hơn 12 lần so với Pháp, nhưng thị trường này hứa hẹn đầy tiềm năng và các doanh nghiệp Pháp ngày càng tỏ ra quan tâm nhiều hơn.
Pháp có mối quan hệ lịch sử với Việt Nam, từng nằm trong hệ thống thuộc địa Pháp trong gần suốt một thế kỷ (1858-1954) và hiện có khoảng 300.000 người gốc Việt sống tại Pháp. Thế nhưng, từ 20 năm nay, thị phần của Pháp giảm tại quốc gia Đông Nam Á này. Pháp hiện chỉ đứng thứ 17 trong danh sách các nhà cung cấp của Việt Nam (chủ yếu trong lĩnh vực hàng không, vũ khí và trang thiết bị) và chỉ chiếm hơn 0,8% lượng nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, hơn 3% xuất khẩu của Việt Nam được chuyển đến thị trường Pháp, chủ yếu là hàng may mặc, lương thực và điện thoại. Cuối cùng, Pháp có mức thâm hụt thương mại 2,4 tỉ euro. Vì vậy, các doanh nghiệp Pháp vẫn còn miếng bánh trong thị trường này.
Vẫn để trả lời câu hỏi : “Tại sao Việt Nam lại hấp dẫn nước Pháp?”, Dominique Baillard, phóng viên của đài RFI, nhấn mạnh trong bài nhận định ngày 06/09/2016 là “Việt Nam đang trở thành một con rồng mới ở Đông Nam Á”. Cũng như Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam đang chơi lá bài ngoại thương để đảm bảo sự phát triển.
Tập đoàn xây dựng Vinci thông báo đã ký một thỏa thuận hợp tác với một công ty nhà nước Việt Nam. Thách thức đối với quốc gia hơn 90 triệu dân này là xây dựng hệ thống đường xá. Điểm yếu trong cơ sở hạ tầng là một bước cản cho tăng trưởng của Việt Nam. Vì đất nước đang còn nhiều khoản nợ, nên mô hình đối tác giữa lĩnh vực công và tư mà Vinci đề xuất đã thu hút được sự quan tâm của Hà Nội.
Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là châu Á, có mặt tại Việt Nam và chính họ thúc đẩy các hoạt động sản xuất tại đây. 3/4 số lượng điện thoại thông minh Galaxy của tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) được sản xuất tại Việt Nam. Năm 2016, Singapore trở thành nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam, theo thống kê của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư. Đây là lần đầu tiên, cơ quan này công bố chính thức các con số đầu tư nước ngoài. Cũng trong năm 2016, Việt Nam trở thành một trong những nước đang phát triển thu hút nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất trên thế giới.
Quá trình tư nhân hóa đã kích thích các nhà đầu tư và trong năm nay, hiện tượng này sẽ còn lặp lại. Trong khi các nước láng giềng đang phát triển chững lại, Việt Nam lại trở thành một nước có sức tăng trưởng mạnh. Với dân số hơn 90 triệu người, chủ yếu là dân số trẻ, Việt Nam sẽ là thị trường nội địa tiềm năng đầy hứa hẹn với sức mua ngày càng tăng. Đây cũng sẽ là nguồn cung cấp lao động dồi dào, giá rẻ và có tay nghề nhờ các nhà đầu tư Nhật và Hàn Quốc đào tạo tại chỗ từ nhiều năm nay.
0 nhận xét