Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 05/09/2016

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016 19:06 // , ,

Tin Việt Nam – 05/09/2016

Nỗi lo về thực phẩm

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Câu chuyện về lựa chọn thực phẩm an toàn không còn mới mẻ gì ở Việt Nam. Nhưng điều đáng để bàn là bao giờ người Việt mới hết đầu độc người Việt bằng những hóa chất kích thích tăng trưởng, kích thích quả chín hoặc tạo độ siêu nạc cho heo? Những người trực tiếp sử dụng hóa chất không biết tác hại của nó hay sao mà vẫn ngày ngày sử dụng và đưa một lượng thực phẩm, trái cây chứa tàn dư chất hóa học tràn ra thị trường?
Người nội trợ đau đầu
Chi Thêm, một người nội trợ ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn chia sẻ: “Bữa nay muốn chắc ăn thì vô siêu thị mua cho chắc ăn, hoặc ra chợ cái gì tươi thì mua. Thứ gì họ cũng bơm, thôi táo lê khỏi ăn. Bữa nay cũng đừng ăn cá nữa vì cá chết nhiều lắm. Chỗ nào bán đồ mà mình biết, tin tưởng thì mua, coi kĩ kĩ chút!”
Bữa nay muốn chắc ăn thì vô siêu thị mua cho chắc ăn, hoặc ra chợ cái gì tươi thì mua. Thứ gì họ cũng bơm, thôi táo lê khỏi ăn. Bữa nay cũng đừng ăn cá nữa vì cá chết nhiều lắm. Chỗ nào bán đồ mà mình biết, tin tưởng thì mua, coi kĩ kĩ chút! 
-Chị Thêm
Theo chị Thêm, trước đây chừng mười năm, mỗi khi chồng lãnh lương tháng về, và chị đi chợ, lúc đó chị hạnh phúc biết nhường nào. Bởi có thể nấu cho gia đình nhỏ của mình một bữa ngon, từ việc vun vén tình cảm gia đình cho đến độ ngon, độ an toàn đúng nghĩa của một bữa ăn. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, khi kinh tế gia đình khấm khá, chị có tiền và thời gian để đi chợ hằng ngày. Những tưởng sẽ đỡ chi phí và an toàn hơn nhưng có vẻ chị đã lầm.
Chị nói rằng không biết từ khi nào, việc đi chợ trở thành nỗi ám ảnh của chị. Từ việc chọn thực phẩm tươi cho đến thực phẩm khô. Thịt heo thì bị tiêm thuốc siêu nạc, trái cây thì nghe đâu người ta mua hóa chất Trung Quốc hoặc phân bón lá, ngâm hoặc tiêm vào, chỉ sau một đêm là mọi thứ đã khác. Từ trái đu đủ xanh chưa đủ ngày cho đến bó rau, bó hành hoặc mít, sầu riêng. Mọi thức đều trở nên bắt mắt người mua. Nhưng tiềm ẩn bên trong nó là chứng đau mắt, bỏng da, gan, mật, dạ dày đều có thể bị ảnh hưởng.
Cứ mỗi buổi sáng bước ra khỏi nhà và đến khu chợ cuối phố là chị lại thở dài một tiếng rồi tìm đến những hàng quen để mua đồ. Nói là quen vì mua bán lâu ngày nhưng trước khi mua, chị cũng nhìn kỹ xem miếng thịt có nạc quá không, bó rau có tươi quá không, hay cuống của các loại rau, củ, trái có lấm chấm vài chỗ vì người ta tiêm thuốc hay không, xong đâu đấy, chị thực hiện bước cuối cùng là nhắc đi nhắc lại với người bán rằng: có chắc không chị, đảm bảo chứ?
Việc mua hay không của chị quyết định phụ thuộc vào sự trả lời nhanh hay chậm, ú ớ hay không của người bán. Dẫu biết rằng mọi thứ chỉ là cảm tính nhưng chị mong rằng những người bán hàng này sẽ giữ chút uy tín còn lại của mình.
Nhưng đó là việc của người mua, còn những người bán họ nói gì?
Một phụ nữ tên Hân, là chủ một vựa rau trái ở Đắk Lăk, chuyên phân phối về Sài Gòn và miền Trung yêu cầu giấu tên chia sẻ: “Mít thì cắt nơi đầu cuống rồi bôi thuốc trắng trắng vào. Sầu riêng mà không ngâm thuốc là sầu riêng mình, chứ sầu riêng ghép thì toàn là có dùng thuốc… Hiện nay ít nhất là 80% hàng đều có dùng thuốc. Thì thuốc này dùng liều lượng thấp vẫn an toàn mà, nhà nước cho phép. Đa số người ta dùng số lượng nhiều, không can gì cả đâu.”
Chị này cho hay, không riêng gì vựa của chị dùng hóa chất để ép trái chín, mà hầu hết các vựa khác ở khu vực này đều vậy. Chỉ cần dùng ít bột nghệ, cộng thêm ít phân bón lá thông thường hoặc muốn nhanh hơn thì dùng loại phân bón lá cao cấp. Một vài nhân công ngồi nhúng trong vài giờ đồng hồ là đã có mấy tấn sầu riêng chín để chuẩn bị xuất hàng đi. Hoặc chỉ cần mua một lọ nhỏ bằng ngón tay út chứa chất ethephon, ở các chợ đầu mối với giá vài ngàn đồng, khi hòa tan ra rồi tiêm vào cuống mít non, đu đủ xanh, chỉ cần vài tiếng đồng hồ là tất cả đã chín mọng.
Chị này biện minh rằng không thể không làm thế vì nếu mua trái cây chín ở vườn người ta thì không tài nào vận chuyển đến các tỉnh để tiêu thụ, chúng sẽ bị thối hoặc chín quá trên đường đi. Chưa kể nhiều khoản thuế đường, thuế bảo kê ở các khu chợ mà chị phải đóng. Rồi hàng loạt trái cây Trung Quốc đội lốt trái cây Thái ồ ạt nhập vào Việt Nam. Chỉ có cách dùng dung dịch hóa chất của Trung Quốc, để ép chín trái cây rồi hạ giá bán chị mới có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc trên đất Việt Nam.
Cách nhận biết!
Như để tỏ chút tử tế còn sót lại, người phụ nữ này bày cho chúng tôi cách phân biệt các loại rau trái Việt Nam và Trung Quốc rồi trái cây an toàn và trái cây phun, ngâm thuốc để mua.
Trước tiên, nên nhìn vào độ bóng và tươi ngon của rau trái. Như đu đủ ép chín sẽ có màu vàng óng, vỏ trơn, khi ấn tay vào không có độ lún. Khi gọt vỏ vẫn còn nhiều nhựa, khi ăn ruột không mềm, ngọt, thơm mà cứng, sượng, vị ngọt rất nhẹ. Khác với đu đủ chín cây có vị ngọt tự nhiên, vỏ hay bị rám, không còn nhựa, thịt quả ăn mềm, thơm. Rồi mít chín cây thì vị ngọt tự nhiên, thơm đằm, không như mít bị ép bằng hóa chất thì có vị sượng, không ngọt lắm và nhìn lúc nào cũng rất bắt mắt.
Rồi thì sầu riêng, dù có vẻ nhìn trái sầu riêng rất đẹp, tự bung vỏ rồi múi vàng óng thơm, nhưng khi ăn vào có phần mềm có phần sượng, ắt hẳn là sầu riêng đã được ngâm hóa chất. Nếu để ý kĩ, sẽ thấy phần đít trái sầu riêng sẽ bị thâm đen.
Ở Việt Nam thường sử dụng loại rẻ tiền hơn là acetylene và ethephon để làm chín trái cây. Nhưng những chất này rất độc. Có thể bị ngứa ngày, rát cháy rát da và có thể làm hỏng vĩnh viễn mắt và một số triệu chứng khác nữa nếu ở nồng độ cao…
-TS Phạm Văn Tấn
Chúng tôi ngồi hơn 2 giờ đồng hồ để nghe chị chỉ cách phân biệt những loại rau trái an toàn để mua. Sau cùng, khi được hỏi, vậy chị có nghĩ rằng lúc ra chợ để mua những thức khác, chị cũng phải áp dụng những kinh nghiệm nhà nghề của mình để phân biệt? Và rằng như thế có phải chúng ta đang tự đầu độc nhau, người phụ nữ này lặng thinh.
Có rất nhiều loại hóa chất dùng đề kích thích tăng trưởng trong rau trái, hay thậm chí là hô biến từ thực phẩm thối thành thực phẩm tươi. Giới chuyên môn cho rằng người ta thường dùng khí ethylene và acetylene hay còn gọi là “khí đá” để làm chín trái cây. Đây là phương pháp mà nhiều người ở Việt Nam, Ấn Độ… thường sử dụng. Bản thân mỗi loại khí hay dung dịch khi sử dụng ít đều không sao nhưng khi liều lượng được tích tụ, có thể dẫn đến nhiều bệnh lý về tim mạch, ngất xỉu hoặc thậm chí là bị mù mắt.
Nói về vấn đề này, phát biểu với báo Tuổi Trẻ, Tiến sĩ bác sĩ Phạm Văn Tấn, chuyên khoa ngoại tổng quát cho hay:“Hiện nay, các nước thường dùng ethylene để làm chín trái cây. Ủ trái cây thì khoảng 24 giờ đưa ra ngoài bán được rồi, điều này tùy vào nồng độ. Cùng một lượng trái cây, tính về nồng độ, nếu chỉ cần dùng 1 phần khí ethylene thì cần đến 10 phần Acetylene để ủ trái cây chín được như nhau. Chất này không độc nhưng lại đắt tiền nên nhiều người ở Việt Nam thường sử dụng loại rẻ tiền hơn là acetylene và ethephon để làm chín trái cây. Nhưng những chất này rất độc. Có thể bị ngứa ngày, rát cháy rát da và có thể làm hỏng vĩnh viễn mắt và một số triệu chứng khác nữa nếu ở nồng độ cao…”
Nỗi lo về an toàn rau, củ, quả nghe có vẻ chẳng còn mới mẽ gì tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhà nước càng tỏ ra cố gắng khắc phục tình trạng này bằng nhiều khoản ngân sách bao nhiêu thì vệ sinh an toàn thực phẩm càng trở nên nguy hiểm bấy nhiêu. Có thể nói rằng chưa bao giờ vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở thành đề tài nhức nhối như hiện nay!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Lào không còn là ‘sân sau’ của Việt Nam?

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tới Vientiane đang thu hút sự chú ý tới quốc gia nhỏ bé nằm kẹt giữa nhiều nước, giữa lúc có ý kiến cho rằng Lào giờ không còn là “sân sau” của Việt Nam như trước.
Quốc gia giáp ranh với một số quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc trong tuần này sẽ tổ chức hai sự kiện lớn liên quan tới các nước Đông Nam Á và Đông Á, trong bối cảnh được cho là đang chịu nhiều chi phối của Bắc Kinh.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ về việc Lào có phải là “sân sau” của Việt Nam hay không:
“Nói chung, đấy là một cách nói ví von thôi. Việt Nam cũng không coi Lào là sân sau mà là nước láng giềng rất quan trọng ở phía tây của mình. Trong nửa sau của thế kỷ 20, hai nước chung lưng đấu cật, thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng, và tạo nên mối quan hệ đặc biệt. Khi hai nước tiến vào một giai đoạn phát triển mới của kinh tế thế giới và toàn cầu hóa thì hai nước đều có những thách thức riêng. Lào là nước lục địa, không có lối ra. Lào rất khó khăn về kinh tế. Trong hoàn cảnh đấy, các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc nhảy vào. Trung Quốc có 400 cây số đường biên giới với Lào, và tiếp cận Lào như là lối ra của Đông Nam Á. Họ đầu tư vào Lào với quy mô chưa từng có và đặt Lào vào tình thế khó khăn”.
Với việc đầu tư như hiện nay của Trung Quốc, theo ông Trường, Lào có thể “bị lấn át”, “bị biến thành sân sau của Trung Quốc” và “đó là thách thức lớn nhất đối với Lào”.
Theo tiến sĩ Trường, Việt Nam cũng đầu tư vào Lào, nhưng không thể “đối trọng lại với sự xâm nhập về kinh tế của Trung Quốc ở Lào”.
Một số quốc gia nhận nhiều viện trợ của Bắc Kinh như Campuchia, Miến Điện và Lào thời gian qua bị coi là trở ngại khiến khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể đạt được đồng thuận về biển Đông.
Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường nhận định:
“Không nên nói rằng Lào rơi vào vòng tay của Trung Quốc. Việt Nam rất hiểu hoàn cảnh của Lào khi đã có ảnh hưởng lớn của Trung Quốc, [nhận] viện trợ lớn của Trung Quốc. Việt Nam rất hiểu lập trường của Lào. Vấn đề biển Đông chỉ là một trong toàn bộ bức tranh chung. Điều đó không ảnh hưởng đến quan hệ đa dạng, phong phú, nhiều mặt và rất quan trọng giữa Việt Nam và Lào”.
Ông Trường nói thêm rằng chuyến đi của Tổng thống Obama “là dịp để tạo cho Lào có một chỗ dựa về mặt tinh thần và chính trị”.
Lào hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN và tuần này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối này cũng như khối Đông Á với sự tham dự của nhiều đối tác lớn trên thế giới.
Trong khi đó, tại Việt Nam, cô Hồ Cẩm Giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á ở TP HCM cho VOA Việt Ngữ biết rằng “hiện vẫn có những người quan tâm tới Lào và tiếng Lào, dù không nhiều”.
Cô nói thêm:
“Những người học tiếng Lào họ muốn học, thứ nhất, để đi buôn bán, và thứ hai để đi làm công nhân bên đó và thứ ba là muốn định cư bên đó, có người thân bên đó”.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Vientiane, tháng trước, quan chức Việt Nam và Lào đã thực hiện nhiều chuyến thăm lẫn nhau, và theo Đài tiếng nói Việt Nam, hai nước nhấn mạnh rằng “đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào là tài sản chung vô giá”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp thăm Trung Quốc

Thủ tướng Việt Nam sẽ chính thức sang thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15 tháng 9 tới đây.
Tin cho biết ông Nguyễn Xuân Phúc công du Hoa Lục lần này theo lời mời của người tương nhiệm Trung Quốc, Lý Khắc Cường. Và là chuyến thăm lân bang Trung Quốc đầu tiên trong cương vị thủ tướng Việt Nam của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội chợ Trung Quốc- ASEAN và hội nghị thượng đỉnh thương mại vầ đầu tư Trung Quốc- ASEAN lần thứ 13 diễn ra ở Nam Ninh.
Mới hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Lý Khắc Cường cũng có cuộc gặp tại Ulan Bator, Mông Cổ khi tham dự hội nghị cấp cao Á- Âu lần thứ 11.
Thống kê cho thấy từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục trong 11 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt- Trung vào năm ngoái là 66,6 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 32 tỷ đô la.
Hiện Trung Quốc là nước đứng thứ 9 trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng hai năm nay, số dự án đầu tư còn hiệu lực của Trung Quốc ở Việt Nam là hơn 1300 dự án với tổng vốn hơn 10 tỷ đô la Mỹ.

Việt – Pháp mong đợi gì ở nhau?

Tổng thống Pháp Francois Hollande đến Hà Nội tối 5/9, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài đến 7/9.
Đây là lần thứ ba một tổng thống Pháp đến Việt Nam. Cũng đã 12 năm trôi qua, một tổng thống Pháp mới quay lại Việt Nam từ khi Tổng thống Jacques Chirac đến thăm hồi 2004.
Chuyên cơ của ông Hollande dự kiến đáp xuống sân bay Nội Bài vào lúc nửa đêm hôm 5/9.
Theo chương trình, tại Hà Nội hôm 6/9, ông sẽ gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trước khi có bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về quan hệ Việt – Pháp trong tương lai.
Tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến ông Hollande sẽ có cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
‘Chỉ dấu’
Hôm 5/9, nhà báo tự do Võ Trung Dung, từ Pháp bay về Hà Nội để tường thuật về chuyến thăm của ông Hollande cho báo Pháp, nói với BBC: “Theo tôi, đây là chuyến đi nhiều lý thuyết hơn thực tế.”
“Nhìn vào quy mô của chuyến thăm của một nguyên thủ, người ta sẽ thấy chỉ dấu về mức độ quan trọng.”
“Việt Nam có thể cần đến chuyến thăm của Tổng thống Pháp hơn ngược lại.”
“Trong phái đoàn của ông Hollande chỉ có một gương mặt đáng lưu ý là Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhưng lại thiếu vắng Bộ trưởng Quốc phòng Pháp.”
“Tuy vậy, người ta cũng chờ đợi ông Hollande nhắc đến Biển Đông trong bài phát biểu trước sinh viên,” ông Dung cho biết thêm.
“Ngoài ra là việc ký kết hợp đồng mua máy bay của VietJet Air và ký hiệp ước dẫn giải tội phạm giữa hai nước trong chuyến thăm này.”
Nhà báo Võ Trung Dung cũng nhận định: “Việt Nam có vẻ muốn kéo Pháp và châu Âu vào thế đối trọng với Trung Quốc.”
Trong khi đó, ông Trần Bằng, thành viên Nhóm Biển Đông tại Pháp, nói với BBC về khả năng hợp tác an ninh, quốc phòng Việt-Pháp, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông, từ chuyến đi này.
“Chắc chắn vấn đề an ninh quốc phòng sẽ được bàn thảo ở mức độ nhất định, trong đó có vấn đề an ninh biển,” ông Trần Bằng nhận xét về những nội dung sẽ được hai bên nhắm tới trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp.
Chuyên gia từ Nhóm Biển Đông nói rằng Pháp có thể cung cấp cho Việt Nam ba điều trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, gồm trợ giúp về chính trị, hợp tác huấn luyện cũng như cách thức vận hành trong quân đội, và trang bị khí tài, “tùy thuộc vào yêu cầu của Việt Nam”.
Trong các lĩnh vực khác, ông Trần Bằng nhận xét: “Ngân sách văn hóa Pháp dành cho Việt Nam thuộc loại cao trong khu vực. Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Pháp khá mờ nhạt.”
“Gần đây, Pháp mong muốn tham gia vào ba lĩnh vực, gồm hạ tầng cơ sở, môi trường và năng lượng. Giới quan sát sẽ chờ xem trong chuyến đi tới đây của ông Hollande, Pháp sẽ phát huy được năng lực cạnh tranh ở những lĩnh vực nào.”
Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 4,3 tỷ đôla. Về đầu tư, Pháp là nước đứng thứ ba châu Âu, và đứng thứ 16 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD.

Một mùa hè nhiều biến động

Kính Hòa, phóng viên RFA
Bất ổn xã hội kéo dài
Một cuộc biểu tình có hàng ngàn người tham gia lại nổ ra tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào ngày một tháng chín. Người ta xuống đường vì môi trường, đòi nhà máy thép Formosa phải đóng cửa.
Như vậy là từ đầu tháng Năm đến nay, những cuộc biểu tình lớn đến hàng ngàn người liên tục nổ ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Nguyên nhân của những cuộc biểu tình là thảm họa môi trường tại Vũng Áng đã làm hàng ngàn người sống nhờ vào biển phải mất việc làm, nước biển nhiễm độc đe dọa cuộc sống.
Một đặc điểm của những cuộc biểu tình này là được tổ chức chặt chẽ, đại đa số người tham gia là giáo dân Công giáo được các vị lãnh đạo tinh thần dẫn dắt.
Blogger Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc cho Tạp chí cộng sản của đảng cầm quyền nhận xét về phong trào đối kháng hiện nay sau thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam:
Sự dồn nén của người dân về vấn đề cá chết, ô nhiễm môi trường trong cả nước đang sục sôi. Số người bị ảnh hưởng và nhận thức được về tác hại là vô cùng lớn, nhưng họ chưa có, chưa được tổ chức lại để lên tiếng. 
_ Blogger Nguyễn Vũ Bình
Sự dồn nén của người dân về vấn đề cá chết, ô nhiễm môi trường trong cả nước đang sục sôi. Số người bị ảnh hưởng và nhận thức được về tác hại là vô cùng lớn, nhưng họ chưa có, chưa được tổ chức lại để lên tiếng. Vì vậy, nhà cầm quyền dễ dàng bẻ gãy sự phản kháng có tính chất đơn lẻ đó. Nhưng khi giáo phận Vinh đồng lòng lên tiếng, từ những đức cha lãnh đạo giáo phận, cho tới các giáo xứ, giáo họ người giáo dân đồng lòng đứng lên thì nhà cầm quyền Việt Nam đã không dám ra tay đàn áp số lượng người cực lớn như vậy. Ý nghĩa lớn nhất của sự kiện người công giáo đứng lên tại Vinh là sự động viên tinh thần rất lớn cho những người đấu tranh khắp cả nước, cho phong trào dân chủ. Sự kiện này cũng khẳng định, khi người dân đồng lòng, lại có sự tổ chức thì không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi sức mạnh của người dân.
Những cuộc biểu tình này không hề được mấy trăm tờ báo chính thống của nhà nước đề cập đến, cũng giống như những sự kiện mà nhà nước cảm thấy bất lợi từ trước đến nay. Tuy nhiên tầm mức của thảm họa môi trường lần này lớn hơn. Trên trang blog của tờ Kinh tế Sài Gòn, tuy không đề cập đến các cuộc biểu tình, nhưng tác giả Nguyễn An Sa nói đến những hệ lụy khó lường nếu xã hội bất ổn vì thảm họa môi trường:
Khủng hoảng môi trường nếu tiếp tục kéo dài sẽ khó tránh khỏi một viễn cảnh khác: người dân nghèo, dễ bị tổn thương sẽ không còn trụ vững trên quê nhà, vùng biển của họ; sẽ xuất hiện những đợt di cư tị nạn môi trường lớn. Kịch bản này sẽ gây ra những xáo trộn xã hội, tổn thất kinh tế, thách thức lớn đối với an ninh và phát triển. Nhưng đây là kịch bản dường như các cơ quan chức năng chưa dự tính đến.
Biển chết
Trong một đêm mưa gió giữa cơn bão Thần sét, blogger nhà báo Đoan Trang cùng các bạn vào Vũng Áng Hà Tĩnh. Hãy lắng nghe cô tả cảnh biển Hà Tĩnh trong bài viết Nỗi buồn của biển:
Xế chiều, khi ghe của chúng tôi trở về, một vài phụ nữ ở trong xóm trên bờ cũng chạy ra đón, giúp kéo ghe lên bãi. Nhưng trong khoang… trống huếch trống hoác. Không có gì cả. Và chúng tôi cảm thấy đắng ngắt: Vẫn tiếng hò ấy, vẫn những giọng nói chào đón ấy, vẫn những động tác quen thuộc ấy của dân biển ngàn đời nay, song có cái khác hoàn toàn, là không còn niềm vui “thuyền anh mãi về cho cá bạc đầy khoang”  nữa. Những nụ cười trở nên vô cùng gượng gạo.
Sao biển buồn đến thế?
Nỗi buồn đó lan đến cả những người Việt xa xứ. Trong những ngày mùa hè này, khi về thăm quê hương, đứng trước bãi biển Nha Trang, vẫn còn xanh trong, bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên cảm thán:
Biển ngày xưa vẫn thế, ngày nay vẫn thế và muôn đời vẫn vậy. Sóng và cát. Giận dữ và dịu êm. Nhưng chỉ có con người thì quay lưng với biển. Đứa con như bị biển bỏ rơi trong sự chết chóc của đầu độc, sự cô đơn của vắng thuyền cá xa khơi, sự vụn vỡ trong xé nát của thương trường. Biển bị biến thành xô bồ, hỗn mang. Thất thểu và thất vọng. Tôi e rằng, giờ bạn sẽ không bao giờ tìm thấy sự yên bình của biển thế nữa trên chính quê hương mình. Một mình ra biển, nhưng ở đó bạn không được một mình, bạn không có được thiên đường biển vắng riêng cho bạn nữa. Nếu có, thì chỉ là biển của ngày xưa.
Một mùa hè biến động
Nhà báo Bùi Tín nhận xét rằng vụ Formosa Hà Tĩnh là một đại án, nhưng trong mùa hè năm nay không chỉ có đại án Formosa mà còn có đại án Yên Bái, một viên chức nhà nước hạ sát hai lãnh đạo cao cấp nhất của tỉnh, rồi tự sát. Một đại án làm tốn bao nhiêu từ ngữ của các blogger. Ông Bùi Tín viết rằng hết biển chết, rồi lại đến tiếng gầm thét của núi rừng.
Mà mùa hè này không chỉ có hai đại án đó, mà còn có nhiều vụ khác nữa, trong đó có vụ  một thiếu niên 11 tuổi tự sát vì nghèo túng. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tự hỏi sao tính mạng con người Việt Nam lại rẻ rúng đến như thế.
Một cựu viên chức nhà nước là ông Phạm Quang Long còn liệt kê thêm hàng loạt những vụ khác nữa, và theo ông thì trách nhiệm đó là của tất cả mọi người:
Những chuyện tương tự nhiều lắm. Tôi cũng không muốn làm phiền lòng ai vì những chuyện chẳng hay ho này. Tôi chỉ muốn nói là căn bệnh mất khả năng thấy hổ thẹn, tự thấy mình có lỗi đang trầm trọng. Nó không chỉ xảy ra với đám  ”dân gian” mà đã thấm vào đám công chức, trong đó có cả công chức cao cấp, cả người đã được học hành. Mà đau nhất là nó lại ngấm vào hệ thống, có ở nhiều nơi lắm.
Làm sao đây để dân khí công chức đừng rơi xuống mức mà trước đây ngay cả những kẻ thất phu cũng không mắc phải? Trong chuyện này mỗi chúng ta cũng có trách nhiệm vì đã rủ áo, khoanh tay đứng ngoài, những tưởng cứ tránh xa nó, cứ không dối trá thì mình sẽ được yên ổn. Ta đã nhầm và phải gánh chịu những sai lầm của chính mình.
Nhà báo Đoan Trang kêu gọi trách nhiệm của các nhà báo Việt Nam:
Các bạn nhà báo thân mến: Xin các bạn đừng im lặng nữa. Nếu có thông tin, xin các bạn hãy chia sẻ. Nếu sợ không an toàn, hãy tìm cách. Không ai cấm được các bạn tạo ra những bút danh, tên giả để gửi bài ra bên ngoài (như Chềnh A Sáng năm nào, các bạn nhớ không?). Không ai cấm được các bạn bí mật gửi thông tin cho những người các bạn tin tưởng. Xin hãy tin tôi: Nếu chúng ta thực sự chiến đấu vì quyền được biết của độc giả, khán-thính giả, chúng ta không chết đâu.
Trong cái không khí vẫn còn vương vấn mùi những cón cá chết tại biển Hà Tĩnh, vẫn đang sực sôi những cuộc biểu tình của giáo dân Công giáo miền Trung, thì một đại dự án luyện thép nữa được công bố tại bờ biển Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận, vốn là một nơi cũng nổi tiếng với biển xanh cát trắng nhiều tiềm năng du lịch.
Ông Tô Văn Trường viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng không thể có được vừa hải sản, vừa thép, vừa du lịch trong cơ chế quản lý và con người Việt Nam hiện nay.
Rời bỏ sự đồng thuận
Trong không khí đó một đảng viên, ông Võ Văn Thôn, tại Sài Gòn bỏ đảng. Luật sư  Lê Công Định nhận xét về vụ bỏ đảng mới nhất đó:
Tôi lập luận, Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, cũng không còn đại diện cho quyền lợi của dân tộc trong thời đại nhiều chuyển biến như hiện nay, thay vào đó chỉ là một ổ tham nhũng không hơn không kém; vậy lý do nào để mọi người tiếp tục đứng trong hàng ngũ ấy?
Nhưng suy nghĩ của luật sư Lê Công Định lại không phải là dễ dàng với nhiều người đã từng đứng trong hàng ngũ của đảng. Tác giả Hải Tượng viết trên trang Dân Luận:
Tôi chỉ muốn nói là căn bệnh mất khả năng thấy hổ thẹn, tự thấy mình có lỗi đang trầm trọng.
- Ông Phạm Quang Long 
Đảng Cộng Sản Việt Nam rồi đây sẽ xóa tên thêm một người trong danh sách đỏ. Đối với rất nhiều người đảng viên, họ luôn canh cánh trong lòng câu hỏi mình vì đảng, nhưng đảng có vì mình hay không? Đảng bây giờ đã thay đổi rất nhiều.
Nhà văn Phạm Thị Hoài mô tả hình ảnh của đảng cộng sản hiện nay, qua lăng kính của vụ Yên Bái:
Vấn đề của phần lớn các quan chức trong một chính quyền kiểu Việt Nam là họ không có một diện mạo riêng nào hết. Họ nhuộm tóc và rẽ ngôi giống nhau, phụ nữ thì đều uốn tóc. Thân hình họ phát triển mạnh như nhau. Họ đoàn kết trong những chiếc áo sơ mi trắng giắt trong quần màu đen và cả trong những chiếc quần tắm nhiều màu trên bãi biển, phụ nữ thì trong những chiếc áo dài râm ran hoa và kim tuyến.
Họ sống sót qua những lộ trình tiến thân như nhau để giành một chỗ ngồi nhạy cảm như nhau trên những chiếc ghế cùng một loại gỗ quý cùng một gu chạm trổ trong những văn phòng cùng một phong cách trang trí ở những trụ sở cùng một mô hình thiết kế. Họ đọc những bài diễn văn trùng nhau và ra những chỉ đạo giống hệt nhau, cả tốc độ nói và cách ngắt câu của họ cũng y chang nhau. Họ chung sở thích về xe hơi, về tường cổng bao quanh biệt thự, về tủ kính phòng khách, về trường học cho con cái, về cặp xách đi họp, về nén hương dâng trong đền thờ, về các điếu văn, vòng hoa và cả những người phúng viếng trong tang lễ của chính họ.
Vụ Yên Bái cũng có thể đơn thuần là một tai nạn, dù khó tin tới mức nào. Quan chức cộng sản cao cấp hay gia đình họ cũng có quyền hưởng những trớ trêu lãng xẹt của số phận. Song bức màn bí mật có lẽ là đặc điểm nhận dạng cuối cùng của những người cộng sản sau tiến trình biến tướng và chà đạp chính lý tưởng của họ. Nó phủ lên tất cả, khiến một chuyện tình cũng thành thông tin cấm đoán và sau mỗi đồng chí về hưu là một âm mưu căng thẳng.
Ông Võ Văn Thôn rời bỏ sự đồng thuận, sự bí mật đó của đảng, nhưng ông không chọn ngày thành lập đảng để làm chuyện ấy, người ta cho rằng ông bỏ đảng một cách tự nhiên, và điều đó chính là một tín hiệu lành mạnh giữa mùa hè nhiều biến động.

Ý kiến: Tại sao cấm giáo viên dạy thêm?

Thiên ThanhGiáo viên, từ Tp.Hồ Chí Minh
Giáo viên cũng là một nghề, dạy học là sở trường của chúng tôi. Tại sao việc dạy thêm ở trường – do nhà trường tổ chức – lại bị cấm, khiến chúng tôi cảm thấy mình như là “tội phạm”?
Chúng tôi không chèn ép học sinh đi học, cũng không gợi ý này nọ, học sinh đi học là tự nguyện. Sao lại vì một số trường hợp tiêu cực mà cấm tất cả chúng tôi dạy thêm?
Là một giáo viên PTTH gần 20 năm, dạy một trong những môn chính, có tham gia dạy thêm học sinh chính khóa và không chính khóa ở trường của mình và các trường bạn, tôi nhận thấy như sau:
Nhu cầu dạy thêm và học thêm là nhu cầu rất thật của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Bằng cớ là việc dạy thêm học thêm có từ thời rất xa xưa và bây giờ vẫn phát triển rất mạnh ở các quốc gia trên thế giới không riêng Việt Nam.
…Ngành nào chẳng có tiêu cực, thực ra nghề giáo cũng là một nghề kiếm tiền như các nghề khác.
Đương nhiên, việc dạy thêm học thêm phát triển mạnh ở các quốc gia nặng về thi cử học thuật như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Gần đây có một số trường A, B, C, cô A, thầy B bị lên báo Điện tử Giáo dục, báo Giáo dục Việt Nam và các báo khác vì là trường dạy hai buổi mà dạy thêm hè, vì là giáo viên dạy thêm cả học sinh chính khóa.
Thực ra, nhà báo chỉ bắt nọn được một vài trường và một vài giáo viên có máu mặt một chút thôi (là hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn).
Thực tế vẫn còn rất nhiều trường công lập khác, giáo viên khác thản nhiên dạy mà có bị gì đâu, thậm chí có những giáo viên dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Anh ở các quận nội thành và ngoại thành một ngày dạy rất nhiều ca, mỗi ca cả trăm học sinh.
Tại những lớp học thêm này, học sinh tự nguyện đi học ầm ầm, ngay trong tháng 7, tháng 8 khi mà năm học mới chưa thực sự bắt đầu.
Có người hỏi sao phóng viên không công bằng, sao không đi viết hết các trường, các giáo viên vi phạm lệnh cấm? Mà nói vậy thôi, bảo đảm anh phóng viên A, B đó viết cả năm cũng chưa hết chuyện.
Nói về tiêu cực, ngành nào chẳng có tiêu cực, thực ra nghề giáo cũng là một nghề kiếm tiền như các nghề khác.
Hư danh
Tôi ở trong nghề lâu vì tin rằng nghề của mình là nghề lương thiện, học sinh đi học phải trả học phí, công bằng mà nói mình có cho không đâu nên giáo viên cũng đừng nên bắt học sinh phải biết ơn mình.
Thiển ý của tôi cho rằng nhiều giáo viên nặng quan điểm phong kiến xưa cho rằng mình là nhà giáo thì mặc nhiên học sinh, phụ huynh và xã hội phải trọng vọng mình nên rất khó chịu khi thấy có đứa học trò nào “lếu láo”.
Cái quan trọng là giáo viên cần phải làm cho học sinh tôn trọng mình thì việc dạy và học mới đạt kết quả.
Khi học sinh nói những điều khó nghe, làm mình nản lòng thì cũng đừng cay đắng cho rằng nghề giáo là nghề bạc bẽo mà chỉ nên coi nó là ‘tai nạn nghề nghiệp’.
Học sinh bây giờ có thể học từ rất nhiều nguồn, đương nhiên thầy cô không phải là nguồn duy nhất.
Dĩ nhiên, khi đi dạy ta cũng mong có tình cảm, có được sự cộng hưởng giữa thầy trò.
Ngày xưa thì “không thầy đố mày làm nên” nhưng thời buổi hiện đại thì câu này không còn đúng nữa. Học sinh bây giờ có thể học từ rất nhiều nguồn, đương nhiên thầy cô không phải là nguồn duy nhất.
Có ai nói rất hay rằng vì hiện nay xã hội ở Việt Nam cho ngành giáo một cái hư danh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, mọi người kỳ vọng nhiều ở cái chữ “cao quý” nên không ít người bức xúc trước việc có một số giáo viên chèn ép học sinh đi học thêm một cách trắng trợn.
Họ ủng hộ ý kiến của ông bí thư nọ, nói những điều giáo viên cảm thấy bị xúc phạm, giậu đổ bìm leo, họ bươi móc ra trường A, trường B thu tiền quá mức quy định này nọ, rồi thầy hiệu trưởng trường A, trường B trả lời né tránh.
Họ cho rằng trường A, trường B không chấp hành nghiêm lệnh của Sở Giáo dục nhưng họ quên mất trường A, trường B đó có những cơ sở vật chất rất tốt cho việc học của con cái họ, và cũng vì những cái tốt đó mà họ cho con mình thi tuyển vào những trường đó.
Khi nào nên cấm dạy thêm?
Thực ra theo tôi thì chỉ nên cấm hay hạn chế học thêm, dạy thêm ở cấp 1. Vì thực tế có những bé mới vô lớp 1, cả ngày học ở trường hai buổi, tối về lại phải đến học thêm ở nhà thầy, cô hay nhà thầy, cô mướn gần trường.
Ở cấp 1 kiến thức có nặng không mà học ở trường hai buổi vẫn chưa đủ? Có bé vào lớp 1, ngay ngày đầu đi học, cô giáo đã viết số điện thoại, địa chỉ nhà cô ở cuối cuốn tập để phụ huynh cho con đến học thêm.
Nhưng trời ơi, học sinh cấp 3 cũng ghê lắm, giáo viên chèn ép chúng thì với phương tiện thông tin xã hội rộng như hiện nay, bọn trẻ cũng không chịu thua đâu.
Việc học thêm, dạy thêm ở cấp 2, 3: Ở cấp ba của tôi thành thật mà nói cũng có nhiều giáo viên chèn ép học sinh học thêm với mình như vô lớp trả bài học sinh yếu môn mình nhiều lần, sỉ vả học sinh ngu dốt đến nỗi học sinh đó bị khủng hoảng, đến khi học sinh đó đi học thêm với mình thì không gọi trả bài trên lớp nữa.
Rồi học sinh đi học thêm thì sẽ được “nhá trước đề” kiểm tra trong lớp, thậm chí đề kiểm tra tập trung 1 tiết. Học sinh đi học thêm sẽ được giáo viên bộ môn cho điểm rộng, có đứa nói đi học thêm cô A, thầy B là để “mua điểm” hay “mua bảo hiểm” lên lớp.
Nhưng trời ơi, học sinh cấp 3 cũng ghê lắm, giáo viên chèn ép chúng thì với phương tiện thông tin xã hội rộng như hiện nay, bọn trẻ cũng không chịu thua đâu.
Bọn trẻ sẽ lên Facebook, Zalo, Viber, Confession của trường mình nói này nói nọ, một đứa nói, bao nhiêu đứa nhiệt tình “like” và còn bổ sung chế nhạo chuyên môn hay tính cách của cô A, thầy B, rồi kể ra đủ thứ “kinh nghiệm” khi học với cô, với thầy đó.
Có đứa nói suốt ngay cả khi không còn học giáo viên đó nữa, và sau khi ra trường cũng vậy.
Nên giáo viên cấp 3 cũng đừng ỷ mình là thầy là cô mà có quyền “sinh sát” học sinh, cho chúng là những đứa “trẻ trâu”, bởi chỉ cần không học giáo viên đó nữa là bọn trẻ chia sẻ kinh nghiệm cho tất cả mọi người biết, thậm chí khi vẫn còn học với giáo viên đó bọn trẻ cũng không từ, dĩ nhiên là không nói trước mặt giáo viên đó thôi.
Tại sao học sinh thích học thêm giáo viên đang dạy trong trường?
Ngoài những lý do tiêu cực mà tôi nói trên, không ít học sinh, nhất là lớp 12 rất cần củng cố kiến thức những môn chính để chuẩn bị thi tốt nghiệp hoặc những môn chúng đăng ký thi tuyển đại học.
Học sinh đi học thêm giáo viên trong trường vì cảm thấy những giáo viên này đáp ứng được nhu cầu của chúng: Nếu cần thêm giờ luyện tập các kỹ năng, giáo viên ở trường dễ hiểu tâm lý chúng hơn giáo viên dạy trung tâm.
Hơn nữa trường học luôn gần nhà hơn nên sắp xếp thời khóa biểu đi học thêm. Lý do thứ ba là học phí học thêm ở trường đang học cũng dễ chịu hơn so với ở các trung tâm.
Về phía giáo viên, hầu hết đều mong muốn được dạy thêm trong trường mình đang công tác vì cảm thấy “danh chính, ngôn thuận”, việc dạy thêm ở nhà hay thuê mướn chỗ bên ngoài là chẳng đặng đừng.
Việc cấm giáo viên dạy thêm trong trường học và cấm giáo viên dạy thêm ở nhà chỉ làm cho mọi thứ trở nên tiêu cực thêm mà thôi.
Chiều nay, đọc trên facebook, tôi thấy có người nói đại ý là “Luật pháp là gì? Luật pháp là để người ta làm luật” mà thôi, câu nói này sao mà rất đúng với tình cảnh của chúng tôi hiện nay!!
Bài viết thể văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là giáo viên từ thành phố Hồ Chí Minh. Quý vị có ý kiến về chủ đề này, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk.

Công an thu giữ xe không lập biên bản,

còng tay đánh dân tại đồn

Một toán công an ập vào phòng trọ của ba công nhân ở Bình Dương để thu giữ xe máy nhưng không có bất cứ biên bản nào. Một trong ba công nhân lên tiếng phản đối liền bị toán công an này bắt giữ, sau đó đưa về đồn còng tay đánh đập.
Ba thanh niên gồm: Nguyễn Văn Hùng (28 tuổi, quê Thanh Hóa, ở trọ tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương), Nguyễn Văn Cường (27 tuổi, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Xuân Huy (33 tuổi, quê Quảng Bình, cùng nhà trọ) kể lại rằng, khoảng 20 giờ tối ngày 3/9 cả ba ngồi trên chiếc xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm chạy về nhà trọ. Khi gần tới phòng, một nhóm công an cùng dân quân xuất hiện. Ba người này liền chạy vào nhà trọ cách đó 50m.
Toán công an liền ập vào phòng trọ, thu giữ xe máy với lý do ba công nhân đã vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, toán công an không lập biên bản thu giữ xe.
Anh Cường cho rằng, công an muốn thu giữ xe phải lập biên bản và phản đối không cho công an lấy xe đi. Đáp trả lại, toán công an liền xúm lại, khống chế, còng tay rồi đưa anh Cường về trụ sở công an.
Tại đó, tay anh Cường bị còng trên cửa sổ, toán công an và dân quân thay phiên nhau đánh đập vào lưng, đá vào bụng, dùng dép đánh vào mặt anh.
Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 4/9, anh Cường được công an cho về với thương tích ở mắt, bụng và sườn.
Mặc dù thu giữ xe không lập biên bản là trái với quy định luật pháp, đã vậy lại còn đánh người, nhưng đại úy công an CSVN Lê Đình Hùng-phó trưởng công phường An Phú khẳng định, việc thu giữ xe là “làm đúng quy trình”.  Ông này cho rằng, ba công nhân nói trên đã vi phạm luật giao thông nên công an phải thu giữ phương tiện. Còn việc còng tay là để tránh người dân manh động.
Ông Hùng nói có đưa biên bản ra để ba công nhân nói trên ký vào, nhưng ba người này không chịu ký. Trong khi đó, cả ba công nhân khẳng định họ không hề nhận được bất cứ biên bản gì. Họ còn yêu cầu công an phải lập biên bản.
Thượng cấp của đại úy Hùng, trung tá công an CSVN Lương Thống Nhất, trưởng công an phường An Phú tỏ ra bênh vực cho thuộc cấp của mình, ông này khẳng định việc còng tay người chống đối là đúng luật. Tuy nhiên, ông này không bình luận gì về việc thuộc cấp của ông đã thay phiên nhau đánh anh Cường trong đồn, vì ông chưa nhận được báo cáo từ cấp dưới.
Ngọc Quân / SBTN

Chọi trâu vẫn diễn ra ở Hà Nội

bất chấp khuyến cáo của Bộ Văn Hóa

Một hội thi chọi trâu đã diễn ra tại Hà Nội trong suốt hai ngày cuối tuần vừa qua, bất chấp khuyến cáo của Bộ Văn Hóa Thể Thao Và Du Lịch CSVN, cho rằng các lễ hội chọi trâu mang tính chất bạo lực và khai thác thương mại.
Có cả thảy 26 con trâu đã chia cặp húc nhau theo thể thức loại trực tiếp trong sự kiện mang tên “Hội thi trâu khoẻ – phong trào nông dân huyện Phúc Thọ” năm 2016. Hàng ngàn người dân trong và ngoài huyện đã mua vé vào sân vận động huyện Phúc Thọ để xem chọi trâu, với giá vé lên đến gần 9 Mỹ kim. Chương trình lễ hội còn bao gồm các tiết mục văn nghệ và một cuộc thi kéo co, nhưng hầu hết thời gian lễ hội dành cho các trận chọi trâu.
Trong ngày Thứ Bảy 3 tháng 9, một trâu chọi đã bị đối thủ húc chết. Hàng chục thanh niên xúm vào nắm sừng, chân và đuôi để kéo trâu bại trận ra ngoài một cách khó nhọc. Trong ngày Chủ Nhật 4 tháng 9, một trọng tài và một nài trâu bị một con trâu húc ngã. Đội bắt trâu chuyên nghiệp do ban tổ chức thuê đã phải vào sân để giải cứu những người gặp nạn.
Chủ của trâu thắng giải nhận số tiền thưởng 100 triệu đồng (4,500 Mỹ kim). Trong suốt thời gian lễ hội chọi trâu, thịt trâu được xẻ ra và bày bán trên những chiếc bàn dài. Thịt trâu có giá từ 300,000 đến 500,000 đồng (13 đến 22 Mỹ kim) mỗi kg.
Huy Lam / SBTN

Không có tiền đóng học phí,

gần 1,000 học sinh Kỳ Hà- Hà Tĩnh chưa thể đến trường

Trong khi cả nước đã khai giảng năm học mới, nhưng gần 1,000 học sinh Kỳ Hà chẳng thể đến trường vì học phí quá cao. Trong khi phụ huynh chẳng thể kiếm tiền kể từ khi thảm họa cá chết do Formosa gây ra.
Người dân ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chủ yếu sống bằng hai nghề chính, đi biển và làm muối. Kể từ khi thảm họa cá chết xảy ra đến nay, tất cả các khoản thu nhập của họ đều không còn. Việc kiếm tiền để trang trải cuộc sống cũng đủ cho người dân ở đây khốn đốn. Vậy nhưng, theo một nguồn tin mà chúng tôi được biết, trước thềm khai giảng niên học 2016-2017, chính quyền lại tăng thêm các khoản đóng phí nên khiến cho cuộc sống của người dân lại càng cơ cực hơn.
Sáng ngày 1/9, khoảng 10 ngàn người dân Kỳ Hà đã kéo lên trụ sở hành chính thị xã Kỳ Anh để yêu cầu đối thoại với chính quyền. Ngoài việc yêu cầu đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam, làm rõ khoản tiền bồi thường thảm họa cá chết, người dân còn yêu cầu chính quyền phải hoàn toàn miễn phí các khoản đóng phí đi học cho con em của họ.
Trong lần đối chất đó, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh, ông Nguyễn Quốc Hà cho biết là đã gửi kiến nghị lên trên Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng chấp thuận hay không còn phải chờ sự quyết định của cấp trên.
Còn ông Phan Duy Vĩnh-phó Chủ tịch thị xã Kỳ Anh cho rằng, việc phụ huynh không cho con em của họ đến trường là vi phạm pháp luật. Đồng thời ông còn chỉ thị cho ngành giáo dục phải xuống tận hộ gia đình để làm công tác tuyên truyền, không để cho người dân nghe theo “lời xúi giục, kích động”.
Một phụ nữ là mẹ của 4 người con ở Kỳ Hà cho biết, người dân Kỳ Hà ở gần biển, chỉ biết sống dựa vô biển. Trong khi biển thì bị ô nhiễm chẳng thể kiếm tiền, còn đất đai lại chật hẹp không thể trồng trọt được gì. Do đó, người dân mong muốn chính quyền phải giảm các khoản đóng phí để họ bớt thêm phần gánh nặng.
Ông Nguyễn Hữu Tố-phó Bí thư đảng ủy xã Kỳ Hà nói, nếu không thu các khoản tiền đóng phí thì các trường lớp khó có thể nâng cấp thiết bị, đồ dùng học tập trong năm học mới này.
Cho đến nay, cấp mầm non chỉ mới có 140/330 trẻ em Kỳ Hà đến lớp. Cấp tiểu học là 132/694 học sinh. Còn cấp Trung học cơ sở (Cấp II) là 285/530 học sinh đến trường.
Cha mẹ không có tiền để đóng học phí, những đứa trẻ Kỳ Hà đành phải quanh quẩn ở nhà mà chẳng thể đến trường. Những hệ lụy từ Formosa gây ra cho người dân Hà Tĩnh là quá lớn. Tuy vậy, chính quyền CSVN vẫn kiên quyết bảo vệ tập đoàn gang thép Hưng Nghiệp Formosa mà không truy tố hình sự.
Ngọc Quân/SBTN

Cá biển chết hàng loạt ở bờ biển Cồn Vành tỉnh Thái Bình

Vào khoảng 17 giờ chiều ngày 04 tháng 9 năm 2016, một đoạn video được đưa lên mạng xã hội facebook ghi lại cảnh cá biển chết trôi dạt vào bờ biển Cồn Vành thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Trang facebook cá nhân mang tên Hồ Huy Khang cho biết là video này do người dân ở Thái Bình sống bên bờ biển cung cấp. Đoạn video cho thấy có rất nhiều loại cá chết, nổi trắng và dạt vào bờ biển Thái Bình. Những người sống nơi đây nghe mùi hôi thối nồng nặc. Người dân không biết cá biển chết vì nguyên nhân gì, nhưng thân cá còn rất tươi, khi mổ ra thì đã thối rửa từ bên trong nội tạng.
Trong video nói cá chết trắng dọc bờ biển kéo dài gần 10km.
Theo thông tin một số nhà dân sống ở bãi biển Cồn Vành, Thái Bình, vào tháng 5/2016 vừa qua, cũng có hiện tượng cá, ốc, ngao, sò… chết rồi trôi dạt vào bờ nhưng ít ngày sau là hết. Tuy nhiên, cả hai lần đều chưa thấy cơ quan chức năng nào từ phía nhà nước về điều tra nguyên nhân sự việc.
Trao đổi với phóng viên SBTN, lãnh đạo địa phương thuộc bờ biển Cồn Vành cho biết là không có thông tin cá chết ở bờ biển.  Thông tin trên chỉ là do người dân bịa đặt đưa lên mạng xã hội facebook để câu “like” mà thôi.
Tuy nhiên, anh Tuấn,  nhân chứng quay lại đoạn video cho biết: “Hôm qua, tôi đã đi dạo tại bờ biển Cồn Vành khoảng hơn 1km bằng xe máy. Tôi thấy cá chết rất nhiều và trôi dạt vào bờ. Người dân sống ở đây cho biết là cá đã chết mấy hôm nay với số lượng ngày càng lớn. Chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân cá chết.”
SBTN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc.
Nguyên Nguyễn/SBTN

Người bỏ đảng bị áp lực nhiều hay ít?

Related news:
Cuối tháng 8/2016, lại có thêm một đảng viên kỳ cựu là ông Võ Văn Thôn – cựu giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM – tuyên bố từ bỏ đảng CSVN.
Như vậy từ đầu năm 2016 đến nay, mới có hai trường hợp công khai bỏ đảng là giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Hà Nội và ông Võ Văn Thôn ở Sài Gòn.
Nếu tính từ năm 2013 trở lại đây, thì con số bỏ đảng là quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng. Tình hình này phản ánh tâm thế e ngại và  sợ sệt vẫn bao phủ trong tuyệt đại đa số đảng viên, mặc dù tâm lý đảng viên trong đảng đã quá chán ngán chế độ chính trị, và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.
Khá tương đồng với hiện tình Trung cộng, tình trạng xa rời đảng ở Việt Nam không chủ yếu là công khai tuyên bố bỏ đảng, mà nằm ở dạng “thoái đảng”. Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy “nhắc nhở’, thì coi như không sinh hoạt đảng và “ra đảng”.
Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình…
Tuy nhiên, một trong những lý do chính mà nhiều đảng viên không dám công khai, kể cả âm thầm từ bỏ đảng CSVN là lo sợ bị chính quyền gây áp lực hoặc trả thù. Trước đây với một số trường hợp công khai bỏ đảng, chính quyền địa phương thường tổ chức các đoàn thể nhà nước và cả công an đến người bỏ đảng để “vận động”. Khi thấy kết quả thuyết phục và “giáo dục tư tưởng” không ăn thua, chính quyền có thể gây áp lực bằng cách đe dọa, cắt bớt chế độ hưu trí, gây khó khăn về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chế độ hộ khẩu… Nhưng thường nhất là chính quyền và công an gây khó khăn đối với người thân của người bỏ đảng, đặc biệt về công ăn việc làm. Đó là nguyên do chủ yếu để những người muốn bỏ đảng phải chấp nhận bỏ đảng trong âm thầm, bị khai trừ hoặc chưa dám ra đảng.
Tuy nhiên tổng hợp tình trạng của những người công khai bỏ đảng trước đây, chẳng hạn như nhà báo Kha Lương Ngãi, có thể thấy áp lực của chính quyền và công an chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nếu người bỏ đảng tỏ ra cương quyết và không sợ sệt. Khi đó, những thủ đoạn gây khó khăn dối với người thân của người bỏ đảng cũng giảm dần và sau đó mất hẳn, theo cách “mềm nắn rắn buông”.
Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước đây và còn chưa tới đáy.
Cũng gần đây, phản ánh của một số trường hợp bỏ đảng cho thấy áp lực và thủ đoạn gây khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân giảm hẳn. Thậm chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí xuất thân từ lực lượng vũ trang như quân đội và công an cũng muốn công khai bỏ đảng.
Lê Dung / SBTN

Ấn Độ được gì khi quan hệ chặt chẽ với Việt Nam ?

Thời gian gần đây, Ấn Độ gia tăng sự hiện diện trong khu vực Biển Đông. Động thái này cho thấy New Dehli khẳng định chiến lược « Hướng Đông »nhằm đối đầu với việc Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng sang khu vực phía nam châu Á. Chính sách ngoại giao này của Ấn Độ mang một tầm quan trọng lớn hơn với việc thắt chặt quan hệ song phương với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra : Ấn Độ sẽ được gì trong mối quan hệ này ?
Trong bài phân tích đề tựa « Liệu Ấn Độ có được đền đáp trong cuộc chơi với Việt Nam ? », báo mạng dnaindia.com nhắc lại rằng Hà Nội cũng giống như Bắc Kinh là một nước theo chế độ cộng sản. Nhưng trong thời gian gần đây quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đã có những chuyển biến ngoạn mục : từ thù nghịch nay trở thành đối tác. Hà Nội và Washington giờ có vẻ sát cánh bên nhau cùng dàn trận chống lại Bắc Kinh trong các vụ tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.
Về phần mình, trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Ấn Độ đã ủng hộ chế độ Bắc Việt Nam chống lại Hoa Kỳ. Nay trong bối cảnh mới, trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, cả Ấn Độ, Việt Nam và Hoa Kỳ đều đứng cùng chiến tuyến.
Lúc ban đầu, quan hệ Việt – Ấn chỉ dừng ở mức hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Bắc Kinh lên tiếng phản đối dự án này, nhưng cũng không buộc được Ấn Độ và Việt Nam phải từ bỏ ý định.
Nhân chuyến công du Việt Nam hồi đầu tháng Chín này của thủ tướng Modi, hai nước quyết định nâng mức quan hệ, từ Đối tác Chiến lược lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, ký kết 12 hiệp định hợp tác kinh tế và quốc phòng. Đồng thời, thủ tướng Ấn Độ thông báo cấp 500 triệu đô-la tín dụng để Việt Nam cải thiện năng lực quốc phòng.
Trong một cử chỉ mang ý nghĩa biểu tượng cao, thông cáo chung sau chuyến đi Việt Nam của ông Modi còn ghi nhận phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Cả hai bên nhấn mạnh sự ủng hộ đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do lưu thông hàng không và hàng hải trên Biển Đông.
Những thỏa thuận trên cho thấy Ấn Độ tham gia tích cực vào cảnh quan quốc phòng trong khu vực. Tuy nhiên, bài báo cho rằng sẽ rất là khờ dại khi nghĩ rằng việc thắt chặt quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ không gây thách thức nào cho Trung Quốc. Bởi vì, các thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Hà Nội và New Delhi là một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang đặt cược vào vùng Biển Đông. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện trong khu vực này cũng bắt nguồn từ mối hợp tác tích cực giữa New Dehli và Washington.
Đây mới chính là điểm đáng quan tâm. Hoa Kỳ đang tìm kiếm những đối tác đáng tin cậy và hùng mạnh tại châu Á để xây dựng chuỗi liên minh, một phần trong chiến lược toàn cầu của Washington. Đương nhiên, Hoa Kỳ phải lên tiếng trấn an là không nhằm kềm hãm hay bao vây Trung Quốc. Nhưng cũng không thể quên rằng Mỹ cũng đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Thế nhưng, bài viết cho rằng việc Ấn Độ muốn tham gia cuộc chơi này như thế nào cần phải được đưa ra bàn luận. Với tư cách là cường quốc kinh tế thế giới, Ấn Độ cũng không nên chỉ đóng vai trò người quan sát bên lề. Và có lẽ là Ấn Độ cũng muốn tham gia cuộc chơi bằng chính phương tiện của mình, như là Trung Quốc và Hoa Kỳ đang làm theo cách riêng của họ.
Do đó, việc lo ngại vai trò của Ấn Độ bị thu hẹp xuống còn là đối tác thứ yếu của Hoa Kỳ cũng là điều chính đáng và cần được tranh luận. Bất kể đảng phái chính trị nào lên cầm quyền hay một hệ phái tư tưởng nào thống trị thì không một chính phủ đơn lẻ nào tại Ấn Độ có thể đưa đất nước tham gia vào một liên minh toàn cầu. Một điểm khác không kém phần quan trọng : Ấn Độ là một đất nước rộng lớn, đa dạng, đông dân và có một nền dân chủ lớn nên không thể để bị đưa xuống vai trò thứ yếu trong bàn cờ chính trị thế giới.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.