Tin Việt Nam – 04/09/2016
Trở thành công an Việt Nam dễ hay khó?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Trong mùa tuyển sinh Đại học năm 2016 tại Việt Nam vừa qua xuất hiện bức tâm thư của hai nữ sinh gửi Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an cứu xét cho ước mơ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân và Học viện An ninh Nhân dân của họ.
Vụ việc ra sao? Vấn đề liên quan đến ngành đào tạo ra những người chuyên trách thực thi pháp luật như thế nào?
Ứớc mơ bị dập tắt
Với kết quả thi Trung học Phổ thông Quốc gia đạt cao 30, 5 và 30 điểm, hai nữ sinh ở Lạng Sơn là Nguyễn Như Quỳnh và Tô Thị Đệ tin tưởng rằng sẽ được nhận vào Học viện An Ninh Nhân Dân và Học viện Cảnh Sát Nhân Dân; tuy nhiên họ phải viết đơn cầu cứu vì mong ước của họ không được toại nguyện do vấn đề nhân thân của thành viên trong gia đình. Theo trình bày của nữ sinh Nguyễn Như Quỳnh thì do thân phụ nhận thức pháp luật bị hạn chế nên bị án tích 12 tháng tù treo từ khi em chưa chào đời và vì thế em thiết tha mong được cứu xét.
Đối với em, trong đầu óc các em này đang hình tượng những người công an rất là tốt đẹp và họ muốn theo đuổi hình tượng này. Thứ hai nữa là theo học ngành đó không tốn tiền.
-Bạn Sơn
-Bạn Sơn
Qua lời trần tình này, những người quan tâm nêu lên câu hỏi vì sao ước mơ của một người trẻ có thực lực bị dập tắt vì hành vi phạm pháp không phải do chính mình gây ra và phải chăng những người tài năng vẫn không được trọng dụng vì mãi duy trì xét duyệt theo cơ chế lý lịch? Chúng tôi liên lạc với một nhân viên làm việc ở Bộ Công an và được cho biết đây là ngành có các quy định rất khắc khe, thậm chí là nhân viên đang công tác trong ngành nhưng thân nhân có hành vi phạm pháp dù không cố ý thì nhân viên đó vẫn bị đào thải ra khỏi ngành.
Dù có khó khăn như thế, nhưng khoảng một thập niên trở lại đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn thi tuyển vào các trường Công an Nhân dân. Bạn Sơn ở Đà Nẵng chia sẻ lập luận vì sao có hiện tượng này:
“Đối với em, trong đầu óc các em này đang hình tượng những người công an rất là tốt đẹp và họ muốn theo đuổi hình tượng này. Thứ hai nữa là theo học ngành đó không tốn tiền. Đa số họ nói rằng theo ngành để phục vụ cho dân cho nước thì chuyện đó hạ hồi phân giải, em không rõ được. Nhưng em nghĩ rằng đầu tiên hầu như thiếu thông tin và thứ hai là liên quan đến tiền học phí.”
Trao đổi với một số bạn trẻ có nguyện vọng trở thành công an, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận được câu trả lời tương tự của bạn Sơn nêu ra là vì các bạn có lý tưởng muốn góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại; đồng thời cũng vì mục đích không phải trả tiền học phí, ra trường không bị thất nghiệp và đời sống được ổn định cùng các ưu đãi đặc biệt của ngành, chẳng hạn như con cái được miễn học phí từ lứa tuổi mầm non cho đến hết phổ thông công lập.
Cảm nhận của phụ huynh
Trong khi đó, Hòa Ái đặt câu hỏi với các bậc phụ huynh cảm nhận như thế nào nếu như những đứa con muốn trở thành công an, an ninh; đa phần trong số họ bày tỏ sự hài lòng và cảm kích vì cho rằng con mình thật sự trưởng thành khi chọn ngành nghề bảo vệ trật tự an ninh cho người dân, cho quốc gia. Mặc dù vậy, cũng có không ít các bậc cha mẹ lên tiếng sẽ góp ý khuyên răng nên suy nghĩ lại vì lo ngại những đứa con của họ sẽ là những người máy chỉ biết phục tùng mệnh lệnh khi ngày càng nhiều hình ảnh cảnh sát, công an, nhân viên an ninh nhũng nhiễu dân lành, thậm chí trở thành lực lượng đối đầu với người dân trong các vụ cưỡng chế đất đai phi lý hay đàn áp những cuộc tuần hành ôn hòa vì biển đảo và môi trường của Việt Nam.
Ông Quý, ở Kiên Giang, khẳng định với RFA sẽ phản đối không đồng ý cho con ông vào ngành công an bởi vì ông là nạn nhân của Cảnh sát Giao thông luôn vòi vĩnh tiền các chuyến xe chở hàng trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Ông còn chia sẻ thêm về tình trạng tham nhũng của công an địa phương nơi gia đình ông sinh sống:
“Ở đây lên thành phố Bình Dương làm mướn, trước tiên đến chính quyền xã, ấp là phải đóng hết 400 ngàn thì mới được chứng giấy tờ. Người ta nghèo, chỉ có một vé xe đi lên thành phố làm mướn là 170 ngàn, còn một trăm mấy chục ngàn để ăn uống trong những ngày đầu ở thành phố. Vậy mà công an xã, ấp chứng giấy đòi thêm 400 ngàn nữa. Lắm lúc người dân cự cãi. Không chứng, người ta xe giấy bỏ tại văn phòng.”
Người ta nghèo, chỉ có một vé xe đi lên thành phố làm mướn là 170 ngàn, còn một trăm mấy chục ngàn để ăn uống trong những ngày đầu ở thành phố. Vậy mà công an xã, ấp chứng giấy đòi thêm 400 ngàn nữa.
-Ông Quý
Nêu lên vấn đề “con sâu làm sầu nồi canh” với ngụ ý ngành nghề nào cũng có người tốt người xấu nhưng dường như những thính giả mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc đều cho rằng tình trạng lạm quyền và tiêu cực của của các nhân viên trong ngành thực thi pháp luật càng khiến niềm tin của dân chúng sút giảm đối với chính phủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Một nhân viên từng phục vụ trong quân đội lên tiếng về tính chất đặc thù của các ngành có nhân viên mặc sắc phục với tên gọi “chiến sĩ nhân dân”:
“Nghĩa là thật sự chỉ phục vụ cho đảng là chính, phải trung thành với đảng và nhà nước, phải là như vậy; chứ không phải lý tưởng vì nhân dân. Chẳng qua là khẩu hiệu hô hào, không phải gì đất nước. Vào trong đó chưa chắc mình có tài mà có thể cống hiến được. Sĩ quan mà nếu không có gốc gác cũng vẫn bị ‘đì’. Còn sĩ quan có gốc gác hoặc có thế lực thì mới được nâng đỡ thăng tiến. Những người như vậy thì đâu có tài gì đâu, chỉ vì cái ‘lon đeo’ để lãnh lương thôi. Trong đó cũng quan liêu chứ không trong sạch gì hết.”
Trở lại với trường hợp của hai nữ sinh viết tâm thư thiết tha được cứu xét vào Học viện An Ninh Nhân Dân và Học viện Cảnh Sát Nhân Dân trong mùa tuyển sinh Đại học năm nay, Bộ Công an đã trả lời bằng văn bản rằng dù Nguyễn Như Quỳnh là học sinh xuất sắc nhưng rất đáng tiếc vì đó là quy định của ngành. Trong khi nhiều người quan tâm bày tỏ sự nuối tiếc cho hoài bão của các em không thực hiện được thì cũng có rất nhiều người khác khuyên nhủ hai nữ sinh ở Lạng Sơn cùng những bạn trẻ nên tìm hiểu thông tin tận tường hơn để không cảm thấy thất vọng khi các em không được gia nhập vào lực lượng thực thi pháp luật ở Việt Nam.
Riêng các bạn trẻ được thỏa nguyện vào các học viện để trở thành những “chiến sĩ nhân dân”, dư luận mong mỏi họ sẽ là những nhân viên chân chính, vì dân phục vụ, chứ không phải là những người mặc sắc phục mà dân chúng phải hỏi “các anh phục vụ ai” như nhạc sĩ Việt Khang, tác giả bài hát “Anh là ai?” từng bị án tù vì câu hỏi đó.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-easy-to-become-a-policemen-in-vn-ha-09042016081210.html
Người Úc giúp thuyền nhân Việt bị hồi hương
Một phụ nữ Úc đứng ra lập quỹ giúp đỡ một bà mẹ trẻ vượt biển sang Úc tị nạn, bị hồi hương, và bị Việt Nam kết án tù về tội danh ‘tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép.’
Ghe đánh cá của vợ chồng chị Trần Thị Thanh Loan, sinh năm 1974, chở 46 người vượt biển qua Úc bị hải quân nước này chặn bắt và trả về Việt Nam ngày 18/4 năm ngoái sau gần 1 tháng rưỡi khởi hành từ thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Bất chấp những hứa hẹn từ phía Việt Nam rằng sẽ đối xử nhân đạo với nhóm người tị nạn bất thành, chồng chị Loan cùng một số người khác vừa về nước đã bị bắt giam. Tháng tư năm nay, vợ chồng chị cùng hai người khác chính thức bị tuyên án tổng cộng 10 năm tù. Đến tháng bảy, tòa phúc thẩm y án, trong đó chồng chị lãnh 2 năm tù, còn chị bị 3 năm tù, để lại bốn đứa con nhỏ tuổi từ 3 đến 15 không cha mẹ, không nhà ở, không nơi nương tựa.
Hoàn cảnh đáng thương của gia đình người tị nạn bị hồi hương này đã lay động trái tim một phụ nữ tại Úc, đích đến hụt của chị Loan. Chị Shira Sebban đã lập quỹ Gofundme trên mạng, quyên góp được 10 ngàn đôla Úc, nhận cấp dưỡng 4 đứa con thơ của chị Loan hàng tháng cho đến khi vợ chồng chị mãn án.
Chị Shira chia sẻ:
“Tôi theo dõi trường hợp của chị Loan từ báo chí. Có một bài viết về chị trên tờ Australian. Qua đó cho biết chị kháng cáo về bản án dành cho vợ chồng chị và lo lắng rằng cả vợ chồng đi tù thì không còn ai chăm sóc 4 đứa con thơ, ắt chúng phải thôi học và vào viện mồ côi. Tôi thật sự rất bức xúc nên đã lên Facebook tìm cách liên lạc với người bảo vệ pháp lý của chị Loan là luật sư Võ An Đôn tại Việt Nam, và nhờ làm cầu nối liên lạc với chị. Tôi rất quan tâm đến hoàn cảnh những người tị nạn. Nhiều người Úc hiện nay cũng đã từng là người tị nạn tới Úc bằng nhiều phương tiện khác nhau, vào nhiều thời điểm khác nhau. Chúng tôi được đất nước này dang tay đón nhận. Cho nên, tôi nghĩ chúng tôi phải mở rộng tấm lòng giúp những người trong tình cảnh nguy nan, ngặt nghèo. Mỗi tuần tôi đều tới thăm trung tâm giam giữ người tị nạn tại Sydney này. Tôi rất thương cảm hoàn cảnh của họ và không đồng ý với lập trường của nhà chức trách Úc, nhưng tiếc là quan điểm của tôi không nằm trong khối đa số. Tôi thắc mắc tại sao họ cứ tiếp tục gửi trả người tị nạn về nước trong khi giờ đây đã biết rõ là họ sẽ bị trừng phạt. Chính phủ Úc nói không tiếp nhận người tị nạn vì lý do kinh tế. Nhưng trong trường hợp chị Loan, chị nói rằng chị vượt biên vì 3 lý do: thứ nhất, bị chính quyền cướp đoạt đất đai; thứ hai, chồng chị đi đánh bắt ngoài khơi bị hải tặc Trung Quốc cướp bóc; và thứ ba là gia đình chị bị đàn áp tôn giáo. Trường hợp chị Loan không chỉ vì lý do kinh tế mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Cho nên, theo tôi, Úc nên dành cho những người tị nạn cơ hội trình bày hoàn cảnh.”
Luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ pháp lý miễn phí cho chị Loan, cho biết:
“Theo quy định pháp luật Việt Nam, chỉ những người tổ chức chuyến đi mới bị xử lý hình sự, những người còn lại chỉ bị phạt hành chính. Người ta vượt biên vì điều kiện kinh tế, hoàn cảnh khó khăn, những người này đa số dân lao động, trình độ học vấn lớp 1, lớp 2. Họ chỉ mong muốn được thay đổi cuộc sống thôi, mà Việt Nam phạt tù vậy là quá nặng. Phạt tù hết cả hai vợ chồng, bỏ 4 đứa con lại không người chăm sóc thì không mang tính nhân đạo của luật pháp. Bị bắt phạt tù như vậy, tôi nghĩ chính phủ Úc nên nhận họ lại tị nạn thì hay hơn vì những người này có hoàn cảnh rất khó khăn, bán hết tài sản, nhà cửa để sắm phương tiện đi vượt biên. Giờ họ trắng tay hết, rất khổ cực.”
Thuyền nhân Việt vượt biên tị nạn từng phổ biến vào thập niên 70, 80, hay 90 sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc, nhưng là chuyện hiếm hoi trong thế kỷ 21 này vì những quy định khắt khe và đa số đều bị hồi hương. Vì sao gia đình chị Loan lại liều mình vượt biển bất chấp những rủi ro tù tội?
Bà mẹ trẻ tâm sự:
“Mẹ chồng cho em miếng đất cất nhà. Em đang xây lên nửa chừng, công an xuống nói đây là đất quy hoạch rồi cho người cưỡng chế, đập phá, lấy hết. Hoàn cảnh khó khăn nên em không có điều kiện thưa kiện, vả lại, người ta có quyền, có chức, mình không có gì kiện sao lại? Nhà em có ghe, đi đánh bắt xa bờ thì bị hải tặc cướp. Khi không bị cướp thì về còn đôi chút, còn khi bị cướp là về lỗ, nợ chồng chất, càng ngày càng thua lỗ. Thấy vậy em mới tìm cách vượt biển qua Úc. Em đi ngày 8/3/2015, tới Úc sau 13 ngày. Lúc họ trả về tới cảng Vũng Tàu là ngày 18/4/2015. Tàu hải quân Úc chặn bắt tụi em. Tụi em vẫn trên ghe đúng một tuần, sau đó có bão họ mới cho tụi em qua bên tàu của Úc ở luôn tới ngày về. Trên tàu Úc, họ đối xử rất tốt, cho ăn uống đầy đủ, bác sĩ đầy đủ, em bé vẫn có sữa uống. Lúc đó, tụi em có van xin đừng trả tụi em về vì nếu về tụi em sẽ đi tù. Có năn nỉ nhưng chỉ ra hiệu thôi chứ đâu nói được tiếng Anh. Về đến cảng Vũng Tàu, công an K18 của Việt Nam lên cầm micro đọc là ‘Chúng tôi hân hạnh đón tiếp 46 thành viên đã về đến Việt Nam an toàn. Chúng tôi xin hứa không bắt bớ, tù đày mà sẽ tạo công ăn việc làm cho các bạn, cho con em đến trường hòa nhập với cộng đồng.’ Nói rồi, công an đưa tụi em từ Vũng Tàu về La Gi lấy lời khai. Xong họ cho phụ nữ, trẻ em về. Còn đàn ông thì họ đưa ra Phan Thiết nhốt tới 10 ngày lấy lời khai. Khi chồng em được thả về, địa phương gọi kêu về sẽ được ‘tạo quyền lợi gia đình’. Lúc hai vợ chồng em về là họ còng anh đi luôn, giam luôn. Em không được gặp mặt cho tới 10 tháng sau khi ra tòa. Đã cam kết với Úc là không bắt bớ, tù đày, tạo điều kiện mà giờ lại bắt, kêu án chồng em 2 năm, em 3 năm, thiệt quá nặng.”
Khi được hỏi vì sao chọn Úc là đích đến, chị Loan nói gần nhà chị cách đây vài năm cũng có người đi như thế và cho biết qua đó được tự do, con cái được học hành chu đáo.
Chị bày tỏ nguyện vọng:
“Em mong muốn Úc can thiệp cho gia đình tụi em để chồng em sớm được về đi làm nuôi con, và em khỏi tù đày để ở nhà chăm các cháu. Các cháu còn nhỏ lắm chị ơi. Tội nghiệp cho các cháu lắm chị à. Bây giờ tụi em có van xin thì bên Việt Nam cũng không tha thứ đâu. Tụi em lúc đó chỉ nghĩ là đi khỏi Việt Nam để thay đổi cuộc sống vì quá khổ. Chèn ép quá nên em mới bất chấp ra đi. Nhiều người Việt Nam bị trả về, họ cũng bị như vậy hết. Em mong muốn được can thiệp cho các cháu đỡ lo, chứ bây giờ đối mặt với chính quyền, các cháu sợ lắm. Hàng ngày, các cháu rưng rưng nước mắt. Thấy công an tới, hoảng hốt, sợ hãi lắm chị. Em rất mong quốc tế lên tiếng cho Việt Nam xóa bỏ những điều luật đó để có nhân đạo, nhân quyền cho người Việt Nam, để cho cuộc sống tốt hơn, chứ như vầy ngày càng tệ hại.”
Về nghĩa cử cao đẹp của chị Shira dành cho các con chị, chị Loan không dấu được nỗi xúc động trong lời cảm kích:
“Họ là người nước ngoài mà họ dang tay cứu em vậy, em rất cảm động. Tấm lòng của họ rất quý báu. Em rất cảm ơn. Em chân thành cảm ơn bà Shira và Úc đã cưu mang, giúp đỡ trong lúc hoàn cảnh em khó khăn lúc này.”
Đầu tháng 8 này, chị Loan vừa được lệnh hoãn thi hành án 1 năm để chăm sóc con nhỏ, chờ ngày chồng ra tù để bắt đầu thi hành bản án 3 năm của mình.
Câu chuyện của chị Loan là một câu chuyện thuyền nhân thời hiện đại, điều đáng suy gẫm cho luật pháp và xã hội Việt Nam đầy rẫy những bất công và cay đắng và là một kết cục buồn cho gia đình chị. Kết cục ấy sẽ càng thương tâm hơn nếu không có những vòng tay nhân ái như luật sư Đôn từ Phú Yên, những tấm lòng cảm thương ‘vượt biên’ để san sẻ như chị Shira Sebban từ Úc.
Tại sao học sinh cần phải học chữ Hán?
Mặc Lâm, Biên tập viên RFA
Đó là tiêu đề của Hội thảo về vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại diễn ra hôm 27 tháng Tám, PGS-TS Đoàn Lê Giang hiện đang giảng dạy tại Đại học Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố HCM cho rằng, muốn dùng tiếng Việt một cách trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán. Từ đó ông kết luận cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy học sớm cho học sinh.
Khi tin này được báo chí loan tải, một làn sóng tranh luận lý thú xảy ra trên mạng xã hội và ngay cả tại các nơi mà người ta thường gặp gỡ nhau ngoài đời giữa những người quan tâm. Phải nói ngay rằng những người phản đối đầu tiên đa số nhìn chữ Hán và Trung Quốc hiện đại là một. Khuôn mặt chữ Hán có hình dạng Biển Đông và những ức chế đối với người Việt trong vòng vài mươi năm qua, kể từ khi chiến tranh biên giới 1979 bắt đầu.
Ám ảnh ấy đã dấy lên những tranh luận giữa một bên là văn hóa và một bên là chính trị. Nhiều người thừa nhận rằng mình không ghét chữ Hán nhưng hành động không thể chấp nhận của Trung Quốc khiến cái ghét ấy lây lan tới từng con chữ vuông vắn mà họ đã quen nhìn trong bao nhiêu năm qua. Cũng có người tuy ghét Trung Quốc nhưng cho rằng càng ghét càng phải học tiếng lẫn chữ của họ để đối phó khi cần thiết.
Những cái ghét thuần về cảm tính ấy đã ảnh hưởng không ít tới suy nghĩ của nhiều người, nhất là những ai xem vấn đề Biển Đông đang có nguy cơ mất trắng vào tay Trung Quốc.
Ý kiến chuyên gia
Trong tư cách một nhà nghiên cứu Hán Nôm, Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, nguyên Trưởng ban Văn học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận xét:
“Trong đời sống hiện nay tiếng Hán Việt, di sản Hán Nôm của chúng ta ngoài di sản bằng văn hóa chữ viết, sách vở thư tịch còn một di sản mà chúng ta đang nói với nhau hàng ngày trong đó có những âm Hán, tiếng Hán, chữ Hán. Ví dụ như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có 70-80% tiếng Hán do đó việc không học tiếng Hán là rất thiệt thòi.
Nếu biết chữ Hán thì chúng ta hiểu được tiếng Việt một cách sâu sắc hơn, về mặt khoa học người ta kết luận như thế.
- Giáo sư Trần Đình Sử
Ngay như việc giữ gìn sự trong sáng thì hồi trước ta đã làm rồi, thí dụ như nữ du kích thì dịch ra thành cô du kích gái! Cái cách hiện đại hóa đó không thành công mà phải từ từ, cái gì giữ gìn được thì giữ gìn chứ còn chủ trương dạy học Hán Nôm thì tôi bỏ phiếu ủng hộ ngay.”
Giáo sư Trần Đình Sử, nhà lý luận phê bình, nhà khoa học hàn lâm, và cũng là Nhà giáo Nhân Dân cho biết ý kiến của ông về việc học chữ Hán:
“Trong tình huống giáo dục hiện nay, nhiều người cố tìm nhiều giải pháp bởi vậy có những đề xuất rất là khác. Riêng tôi, việc học chữ Hán hay học Trung văn ở Việt Nam tôi cho rằng truyền thống thì chữ Hán đã từng là một văn tự được dùng trong quan phương cũng như trong giáo dục suốt 10 thế kỷ trước và đã có một kho Hán Nôm đã thể hiện di sản văn hóa đó. Đồng thời chữ Hán cũng do quá trình giao lưu giữa tiếng Hán và tiếng Việt như vậy thành phần chữ Hán trong tiếng Việt có tỷ lệ rất cao. Nhiều người tính toán tuy chưa thật chính xác nhưng có thể nói 60 đến 80% vốn từ trong tiếng Việt là có nguồn gốc trong chữ Hán do đó nhiều người cho rằng nếu biết chữ Hán thì chúng ta hiểu được tiếng Việt một cách sâu sắc hơn, về mặt khoa học người ta kết luận như thế.”
Với cái nhìn của một chủ nhiệm khoa Viết văn Báo chí, PGS-TS Ngô Văn Giá quan tâm đến sự thiếu tiếp cận chữ Hán đã và đang làm cho sinh viên có những khó khăn trong việc học và tìm hiểu Hán văn trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà ngay cả Thư viện quốc gia cũng không đủ tài liệu cho sinh viên nghiên cứu:
“Tôi cũng đã đọc bài của ông Đoàn Lê Giang rồi, tôi nghĩ rằng có hai ý tôi ủng hộ ông Đoàn Lê Giang. Thứ nhất Việt Nam mình có dòng chảy văn hóa mà di sản và truyền thống rất mạnh mẽ trong đó có các văn tự chữ Hán và chữ Nôm, học lại chữ Hán để chúng ta tiếp nhận trở lại. Sau khi chúng ta tiếp nhận nền giáo dục cách mạng sau năm 45 thì hầu như là bỏ chữ Hán và chỉ còn đào tạo cho chuyên ngành thôi, vì vậy toàn bộ hệ cơ bản phần lớn sau năm 45 không có chìa khóa để mở cánh cửa văn hóa của quá khứ và bây giờ khôi phục lại thì tôi nghĩ rất cần. Nó là phương tiện quan trọng cho vẻ đẹp văn hóa, cho quá khứ dân tộc và như vậy là làm giàu cho hiện đại, làm giàu cho hôm nay.
Thứ hai, đối với công việc giảng dạy văn học thì bây giờ phần lớn học trò nhầm lẫn từ mà trong đó hệ thống từ Hán Việt bị nhầm lẫn rất nhiều. Đấy là chưa nói từ Hán Việt nếu hiểu tận ngọn ngành thì nó còn nhiều lớp nghĩa nữa.
Chữ Hán được ông đồ viết trên giấy đỏ trong dịp Tết âm lịch tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 17 tháng 2 năm 2010. AFP PHOTO
Chiều sâu văn hóa trong lớp từ Hán Việt hiện nay có một cản trở rất lớn đó là học sinh không biết dùng và không hiểu từ Hán Việt. Không hiểu một cách sâu xa nên việc tiếp cận và hiểu được ý nghĩa của các tác phẩm văn học trung đại rất khó khăn do không hiểu được hết. Mà không hiểu được hết thì không thể nào yêu và có thái độ trân trọng đối với di sản văn học quá khứ được. Vì vậy học tiếng Hán ở mức độ nhất định tôi nghĩ là cần thiết.”
Tuy nhiên ý kiến về việc học chữ Hán để tiếng Việt trong sáng hơn có thể bị bắt bẻ, nhất là các trí thức không chuyên về Hán Nôm, dịch giả Phạm Nguyên Trường là một trong rất nhiều trí thức như thế đưa ra nhận xét:
“Có một số người nói phải biết chữ Hán mới thành thạo tiếng Việt thì tôi cho rằng không được chính xác tại vì chúng ta có thể học tiếng Việt bằng cách tra tự điển và nhờ vào đọc sách. Tôi chẳng biết một từ chữ Hán nào nhưng vẫn thấy mình biết khá tiếng Việt chứ không phải cần tới tiếng Hán mới thạo tiếng Việt. Thứ hai là ngôn ngữ nó phải thay đổi. Trật tự tự phát nó thay đổi liên tục, lúc này từ này nó có thể có ý nghĩa này nhưng mà hai ba chục hay một trăm năm nữa nó có thể có nghĩa hoàn toàn khác.
Nếu bám vào ý nghĩa bây giờ mà bắt người sau vài trăm năm nữa phải hiểu như bây giờ thì sẽ bị cô lập, không thể hiểu được. Một việc nữa là chữ Hán rất khó, phải nhớ bằng cách học thường xuyên nhưng chữ Hán bây giờ ít khi được dùng, chỉ khi vào trong chùa hay danh lam thắng cảnh nào đó ta mới thấy một vài chữ Hán thành ra một ngày chả đọc được bao nhiêu nên nếu có học chỉ mất thời giờ chứ không thể nhớ được. Còn một điều nữa, hiện nay học sinh các cháu đã quá tải rồi bây giờ lại bắt các cháu học thêm thì mất thời giờ mà lại làm khổ cho các cháu.”
Khó khăn
Khuôn mặt văn hóa thể hiện qua chữ Hán là điều khó phủ nhận vì Việt Nam đã chịu ảnh hưởng một cách sâu đậm từ hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên cách mà các nhà Hán Nôm muốn đem chữ Hán ngay vào trường học gặp phải sự tranh luận gay gắt về hiện trạng giáo dục Việt Nam với hình dạng vừa thiếu vừa dư mà các nhà hoạch định chính sách giáo dục vẫn đang đau đầu tìm lối thoát.
Dư là quá nhiều môn học đè nặng trên vai học sinh và thiếu là phương tiện, thầy cô và ngay cả sách giáo khoa cũng chưa có khả năng lấp đầy kiến thức cần thiết và khả tín cho học sinh.
Có một số người nói phải biết chữ Hán mới thành thạo tiếng Việt thì tôi cho rằng không được chính xác tại vì chúng ta có thể học tiếng Việt bằng cách tra tự điển và nhờ vào đọc sách.
- Dịch giả Phạm Nguyên Trường
- Dịch giả Phạm Nguyên Trường
Góp ý kiến cho vấn đề dạy và học chữ Hán nếu thực hiện ngay vào lúc này, Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ nhận xét:
“Xét những điều kiện hiện nay thì không có người làm. Trước mắt trong tương lai gần không thể có người. Thứ hai là nếu nói có yêu cầu thì thực sự cũng chưa phải là cần thiết. Thanh niên họ cũng có thể còn có nhiều điều tâm đắc khác mà mình không thể uốn nắn được vì bây giờ là xã hội tự do.
Làm gì đã có thầy mà dạy? Nếu đặt ra một chương trình dạy thì cũng bôi bác là vì thầy dạy và trò học như học vẹt không có giá trị gì cả. Người dạy không có rồi in ấn giáo trình rất khó khăn, ngay cả dạy tiếng Anh phổ thông như thế chúng ta cũng không làm được. Nếu mà dạy được thì rất tốt nhưng có điều rằng cơ sở vật chất tức là thầy giáo chúng ta còn thiếu rất nhiều lấy đâu ra mà dạy. Giảng dạy thì sinh ra biên chế mà dạy thì bao nhiêu năm?”
Để thuyết phục về dự án dạy tiếng Hán trong nhà trường, PGS-TS Hà Minh đề nghị rằng các nhà biên soạn có thể tham khảo những từ có tần số xuất hiện nhiều để làm sao sau khi học hết Trung học cơ sở thì học sinh biết được khoảng 1.500 từ. Hết Trung học phổ thông thì học sinh sẽ biết thêm khoảng 1.000 từ nữa.
Nhà giáo Nhân Dân Trần Đình Sử, chia sẻ kinh nghiệm của ông qua đề xuất này:
“Đề xuất đó tôi nghĩ rằng rất khó bởi vì nếu học một hay vài ngàn từ thì không đủ sức đọc được những câu đối ở các đình chùa. Không nổi đâu, vì những nơi đó không chỉ là những cụm từ mà nó còn là văn hóa một thời đã qua làm sao hiểu theo từ được. Nếu dùng giải pháp đó thì tôi nghĩ học ít thì không được mà học nhiều thì hiện nay thời giờ không thể đảm bảo cho học nhiều được. Bởi vì hiện nay ngay cả việc học ngoại ngữ trong nhà trường Việt Nam thì thời lượng học tiếng Anh được xem là nhiều ở trung học cũng như đại học mà các em tốt nghiệp ra trường vẫn không thể sử dụng tiếng Anh vậy thì học một ít chữ Hán làm sao có ý nghĩa được, đấy là điều cần phải suy nghĩ.”
Ngôn ngữ nào cũng có mặt lợi của nó khi được mang đến từ một nước khác. Bên cạnh sự trao đổi về văn hóa, người dân còn nhận được mối lợi từ kinh tế, kỹ thuật và những nguồn lợi không hình dáng khác. Dị ứng với ngôn ngữ từ thành kiến chủng tộc hay tự kỷ quốc gia là mối hại tiềm ẩn ngay cho chính mình vì bản thân một ngôn ngữ chúng luôn vẫn là chúng bất kể người ta có hoan hô hay chống đối.
Sách vở dù từng bị đốt như Tần Thủy Hoàng đã làm vẫn không tiêu diệt được tiếng Hán. Câu chữ tuyên truyền về các đế quốc tàn ác dã man vẫn không làm cho tiếng Anh tiếng Pháp bị tẩy chay vì ghét bỏ, vì vậy tiếng Hán đối với dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa kể cả khi ngậm đắng nuốt cay vì bị giặc Tàu xâm lấn thì các nhà nho yêu nước vẫn cặm cụi viết xuống những câu chống quân xâm lược bằng chính thứ chữ của chúng: chữ Hán.
Dạ tiệc hơn 200 Mỹ kim một người
trong hang động Vịnh Hạ Long
Nhiều báo mạng trong nước đang tường thuật về những buổi dạ tiệc xa hoa được tổ chức trong hang động tại kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long, nơi thực khách trả từ gần 100 đến hơn 200 Mỹ kim mỗi người.
Báo mạng VietnamNet hôm 4 tháng 9 đăng tải một số hình ảnh từ các nhà hàng và quán bar trong hang động ở Vịnh Hạ Long, được mô tả như dịch vụ “chui” dành cho khách VIP. Những nhà hàng trong hang động được bài trí hàng chục bàn ăn có thể tiếp đãi cả trăm người một lúc. Các du thuyền có khách VIP muốn ăn uống trong hang động thường đi theo nhóm và phải đặt chỗ trước. Các địa điểm nhà hàng được quảng cáo công khai trên mạng nằm tại hang Trống, hang Thầy và Hồ Động Tiên trong Vịnh Hạ Long, hoặc hang Thiên Cảnh Sơn thuộc Vịnh Bái Tử Long.
Theo ban quản trị du thuyền hạng sang 5 sao Ha Long Cruise, du khách muốn ăn uống trong hang động thì phải thuê tàu riêng, đi theo đoàn từ 10 người trở lên, và sẽ hợp cùng với những đoàn khác. Dịch vụ “chui” này bắt đầu từ 7 giờ tối và kết thúc trước 11 giờ đêm. Du khách sẽ ngủ đêm trên tàu, bất chấp chỉ thị của nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh cấm nghỉ đêm trên vịnh.
Báo mạng VietnamNet dẫn lời ông Hồ Quang Huy, phó chủ tịch ủy ban thành phố Hạ Long, nhìn nhận hoạt động ăn uống linh đình trong hang động đã diễn ra trên cả hai vịnh Hạ Long và Bái Tử Long từ nhiều năm nay.
Huy Lam / SBTN
Hơn 500 học sinh Nghệ An bỏ học trước ngày khai giảng
Sở Giáo Dục Và Đào Tạo tỉnh Nghệ An vừa cho biết có 510 học sinh trung học từ lớp 6 đến lớp 12 trong tỉnh này sẽ bỏ học trước ngày khai giảng năm học mới. Trong số này có hơn 200 em ở bậc từ lớp 10 đến lớp 12.
Sở Giáo Dục Nghệ An nêu nguyên do phần lớn học sinh trung học bỏ học là do học kém. Ngoài ra, một số em học sinh bỏ học vì gia đình khó khăn và nhà ở xa trường. Trong số 510 em học sinh sẽ bỏ học, có 300 em là nam sinh. Số học sinh dân tộc thiểu số bỏ học chiếm khoảng một nửa, 256 em.
Tình trạng học sinh bỏ học giờ đây đang được các quan chức chính quyền Cộng Sản Việt Nam đề cập với thái độ gần như dửng dưng. Báo Dân Việt hồi tháng 8 vừa qua dẫn lời ông Hoàng Đức Thắm, giám đốc Sở Giáo Dục tỉnh Quảng Trị, nói rằng tỉnh này có gần 1,100 học sinh bỏ học một năm là “chuyện bình thường”. Ông Thắm cho biết, trong năm học 2015-2016, Quảng Trị có 1,086 học sinh bỏ học, trong đó cấp trung học phổ thông có 623 em, trung học cơ sở có 400 em, và tiểu học có 63 em. Quan chức này nói rằng số học sinh bỏ học của tỉnh so với các năm trước là “bình thường”, và so với các tỉnh khác cũng “bình thường”. Nguyên nhân học sinh bỏ học chủ yếu là do lười học.
Huy Lam / SBTN
Nhiều gia đình Việt tiếp tục rời khỏi Biển Hồ Cambodia
Hàng loạt cư dân người Việt tại Biển Hồ Tonle Sap đang tiếp tục trở về Việt Nam, vì cuộc sống khó khăn và những luật lệ gắt gao do chính quyền địa phương thi hành.Nhiều người bị mất đi quê hương duy nhất mà họ từng biết đến.
Báo Khmer Times hôm 2 tháng 9 dẫn lời ông Seorn Chumsothun thuộc Tổ Chức Quyền Của Người Thiểu Số (MIRO), cho biết hơn 100 gia đình Việt sinh sống ở tỉnh Kampong Chhnang đã bỏ về Việt Nam trong vòng 2 tháng qua. Ông cho biết họ về Việt Nam bằng thuyền, và khoảng 50 gia đình khác cũng đang chuẩn bị hồi hương. Trong một bản báo cáo công bố hồi năm ngoái, MIRO cho biết người Việt Nam cư ngụ tại Biển Hồ phải đối đầu với nhiều khó khăn kinh tế và những sự vi phạm nhân quyền trắng trợn hơn hầu hết các nhóm sắc tộc khác ở Cambodia.
Năm ngoái, cộng đồng người Việt đông đảo gồm hơn 1,000 gia đình sống trong những ngôi nhà nổi trên Biển Hồ đã bị cưỡng bức di dời vào đất liền. Chính quyền Cambodia biện hộ cho việc di dời này là nhằm “làm đẹp” khu vực chung quanh thành phố Kampong Chhnang, vì các cư dân trên mặt hồ đang gây ô nhiễm. Các tổ chức nhân quyền đã lên án vụ di dời là tàn nhẫn, và nhiều người cho rằng quyết định của nhà cầm quyền Cambodia có nguyên nhân sâu xa về chủng tộc.
Truyền thông Việt Nam mới đây cho biết hàng ngàn người Việt ở Cambodia đã trở về bằng thuyền và hiện đang tạm cư trong tình trạng nghèo khổ và vô tổ quốc tại hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, cũng như các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai và Kiên Giang.
Huy Lam / SBTN
0 nhận xét