Tin Biển Đông – 06/09/2016
Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/9 tuyên bố sự can thiệp của một cường quốc bên ngoài khu vực vào tranh chấp Biển Đông chỉ có thể gây trở ngại cho giải pháp của vấn đề.
Reuters dẫn lời ông Putin tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh G2O ở Hàng Châu, Trung Quốc, nhấn mạnh ‘Điều này gây phản ứng ngược’ đồng thời cho biết Nga ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Tòa án ở La Haye hôm 12/7 bác những xác quyết chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông qua bản đồ đường lưỡi bò, đồng thời tuyên bố rằng Bắc Kinh vi phạm quyền của Philippines, nước kiện Trung Quốc ra tòa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Bắc Kinh phủ nhận phán quyết của Tòa và tố cáo Mỹ khuấy động rắc rối ở Biển Đông, nơi Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
Việt Nam gặp khó khi Tổng thống Nga ủng hộ TQ về Biển Đông
Phát biểu với báo giới mới đây ở Hàng Châu, Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông. Ông cũng nói Nga phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ bên thứ ba vào vấn đề Biển Đông.
Một số nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng quan điểm của nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga đang đặt Việt Nam vào một thế khó. Việt Nam là một bên tranh chấp chính tại vùng biển. Các bên khác là Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Tổng thống Nga đã nói với các phóng viên hôm 5/9 rằng: “Chúng tôi tin rằng can thiệp của bất kỳ nước nào ngoài khu vực sẽ chỉ làm hại cho việc giải quyết. Tôi tin rằng sự can dự của bất kỳ bên thứ ba ngoài khu vực là có hại, gây trở ngại. Thứ hai, về Tòa Trọng tài Hague và phán quyết của tòa, chúng tôi tán thành và ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa”.
Ông Putin cũng nói về cuộc tập trận Nga-Trung sẽ diễn ra ở Biển Đông. Ông cho rằng hoạt động đó “không ảnh hưởng lợi ích của ai mà có lợi cho an ninh của cả Nga và Trung Quốc”.
Nhiều báo Việt Nam đã đưa tin này, đồng thời nhận xét phát biểu của ông Putin thật “bất ngờ” và đây là “lần hiếm hoi” khi nhà lãnh đạo Nga công khai nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông.
Cho đến cuối ngày 6/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng chính thức nào về phát biểu của ông Putin.
Một nhà nghiên cứu Việt Nam đưa ra nhận định trên tư cách cá nhân với VOA rằng phía chính phủ Việt Nam sẽ phải nghiên cứu, đánh giá trong ít ngày tới. Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói:
“Nói thật là mình hơi bất ngờ vì từ trước đến nay ít khi đích thân Tổng thống Putin bày tỏ lập trường đối với vấn đề quốc tế. Nội dung của nó khá là khác với lập trường trước đây mà Bộ Ngoại giao Nga hay là các học giả Nga, chính giới Nga bày tỏ từ trước đến nay về vấn đề Biển Đông. Trước mắt thì bọn mình chưa đánh giá được cái chiến lược của Nga là gì, tính toán của họ là cái gì. Mình cũng chưa có thông tin chính thức về quan điểm của Việt Nam. Người phát ngôn cũng chưa nói gì. Mình nghĩ là trong một, hai hôm nữa chắc là các cơ quan nghiên cứu, rồi chính phủ Việt Nam sẽ phải có cái đánh giá”.
Trong khi đó, một chuyên gia về Biển Đông nói với VOA rằng ông đã dự đoán Nga sẽ ủng hộ Trung Quốc ngay từ sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết hồi tháng 7 không công nhận tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, giải thích rõ hơn:
“Thứ nhất là Nga sau lần chiếm Crimea thì bị nhiều quốc gia phản đối, đặc biệt là nhiều quốc gia phương Tây. Nga bị cô lập khá nhiều, và vì vậy Nga rất cần tìm đồng minh, và người đó chính là Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc cũng là đối tác kinh tế quan trọng của Nga. Đặc biệt là nền kinh tế của Nga vẫn còn nhiều vấn đề, thì Trung Quốc là đối tác mà hỗ trợ về kinh tế cho Nga khá nhiều. Vấn đề thứ ba là thái độ của Nga và Trung Quốc đối với luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Biển có nhiều điểm tương tự”.
Chuyên gia Hoàng Việt nhận định rằng trong bối cảnh hiện đại với những lợi ích, tính toán của các quốc gia đan xen nhau rất phức tạp, các nhà chính trị Việt Nam đang đứng trước bài toán khó khi tìm cách bảo vệ lợi ích của đất nước. Ông cho rằng việc vạch ra chiến lược mới không phải điều một sớm một chiều có thể làm được.
Phát biểu ủng hộ Trung Quốc của Tổng thống Nga cũng đã một lần nữa làm dấy lên câu hỏi rằng Việt Nam có cần phải lựa chọn rõ ràng một nước lớn nào đó làm đồng minh hay không. Về vấn đề này, Thạc sỹ Hoàng Việt nhắc lại quan điểm chính thức trong Sách trắng Quốc phòng của Việt Nam về không liên minh, liên kết quân sự với nước ngoài. Ông nói chính sách đó đặt Việt Nam vào thế khó.
Ông cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể còn ngần ngại khi nhìn vào quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ và giữa Việt Nam và Mỹ chưa tuyệt đối tin tưởng nhau.
Ông Việt nói:
“Rất nhiều người bảo Việt Nam cần là đồng minh của Hoa Kỳ thì sẽ được tốt hơn. Thế nhưng có những người đặt ngược lại, ngay cả Philippines đang là đồng minh của Hoa Kỳ đó, nó cũng có những vấn đề của nó. Và ngay cả Philippines nhiều lúc cũng cảm thấy thất vọng, đặc biệt trong sự kiện Scarborough năm 2012, bởi vì là hiệp ước đồng minh với cả Hoa Kỳ dường như không ngăn nổi các tham vọng, các hành động của Trung Quốc. Giữa người Việt Nam với cả Hoa Kỳ cái độ tin cậy càng ngày càng phát triển, nhưng mà tin tưởng tuyệt đối có lẽ là chưa đâu. Vì vậy, họ cũng phải tính toán là đồng minh thì sẽ giải quyết được vấn đề gì, và không đồng minh thì sẽ có vấn đề gì”.
Vị chuyên gia về Biển Đông lưu ý rằng có thể Việt Nam thận trọng trong việc trở nên thân thiết với các nước lớn còn vì về mặt địa lý Việt Nam ở ngay cạnh và có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, dễ bị tác động nhiều mặt từ Trung Quốc, dễ thấy trước mắt là trong quan hệ kinh tế.
Nhật sẽ cung cấp
máy bay do thám, tàu tuần tra cho Philippines
Một phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này, ông Shinzo Abe, hôm 6/9 đã đồng ý cung cấp cho Philippines 2 tàu tuần tra cỡ lớn và cho mượn 5 máy bay do thám đã qua sử dụng. Cả hai nước đều đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Koichi Hagiuda cho biết khi gặp nhau ở Vientiane, Lào, Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Philippines Duterte đã nhất trí tăng cường hợp tác để bảo đảm giải quyết một cách hòa bình tranh chấp Biển Đông.
Trước đó, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp 10 tàu tuần tra cỡ nhỏ cho Philippines.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi nước này có nhiều tranh chấp với Việt Nam và Philippines. Ngoài ra, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng đòi chủ quyền một phần ở vùng biển có lượng hàng hóa thương mại trị giá 5 nghìn tỷ đôla qua lại hàng năm.
Hồi tháng 7, Tòa Trọng tài ở La Haye đã bác bỏ tính pháp lý của lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông khi ra phán quyết về vụ khiếu nại do Philippines nộp đơn. Bắc Kinh không công nhận phán quyết này.
Trung Quốc tăng đội tàu tại bãi cạn Scarborough,
Philippines quan ngại
Philippines ngày 4/9 bày tỏ quan ngại sâu sắc và yêu cầu đại sứ Trung Quốc phải giải thích về sự hiện diện ngày càng gia tăng của các tàu Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Phillipines, Delfin Lorenzana, cho biết máy bay của Manila một ngày trước đó phát hiện đội tàu của Trung Quốc lưu lại khu vực này kể từ khi Bắc Kinh chiếm giữ bãi cạn sau sự cố căng thẳng hồi năm 2012 bỗng tăng số lượng nhiều hơn thường lệ.
Trong một tin nhắn gửi cho báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho hay có 4 tàu tuần duyên Trung Quốc cùng 6 chiếc khác, kể cả các sà lan, xung quanh bãi cạn Scarborough. Vẫn theo lời ông, ‘sự hiện diện của nhiều tàu ngoài tàu của lực lượng tuần duyên trong khu vực này là lý do gây quan ngại sâu sắc.’
Không liên lạc được với đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để ghi nhận bình luận.
Manila nói hành động phong tỏa của Trung Quốc ở bãi cạn vừa kể là vi phạm luật quốc tế.
Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc hôm 12/7 phán quyết rằng bãi cạn Scarborough không được hưởng quyền có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Đây là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam, Trung Quốc, và Philippines.
Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa và tố cáo vừa rồi của Manila có thể là một sự khuấy động trước thượng đỉnh khu vực tại Lào bắt đầu vào ngày 6/9, nơi họp mặt lãnh đạo Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.
Dù muốn Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng Tổng thống Philippines đã cam kết sẽ không nêu vấn đề tại thượng đỉnh vào ngày mai. Ông Rodrigo Duterte muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thương lượng song phương với Bắc Kinh và tháng rồi đã phái cựu Tổng thống Fidel Ramos làm đặc sứ sang Hong Kong gặp các đại diện của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói trước đây trong năm Bắc Kinh từng đưa các sà lan nạo vét tới bãi cạn Scarborough nhưng tới nay chưa có dấu hiệu về hoạt động bồi đắp. ‘Chưa rõ liệu các sà lan này có là tín hiệu cho thấy sắp có hoạt động nạo vét hay chăng,’ ông Lorenzana nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh tìm cách xây dựng trên bãi cạn Scarborough thì sẽ có những hiệu ứng ngược về an ninh.
Biển Đông và chuyển biến khó lường
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Hội nghị ngành Ngoại giao Việt Nam lần thứ 29 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua là cơ hội để giới quan sát nhìn lại và đánh giá tình hình Biển Đông vốn được xem là cốt lõi của chính sách ngoại giao Việt Nam.
Mặc Lâm phỏng vấn TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Tổng biên tập tuần báo Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao để tìm hiểu thêm quan điểm của một nhà ngoại giao có quan tâm sâu sắc tới vấn đề này.
Quyết định lịch sử: không cần phải đồng thuận?
Mặc Lâm: Trong tuyên bố của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Singapore có gợi ý là Việt Nam có thể sẽ xem xét lại sự đồng thuận của ASEAN, TS có ghi nhận gì về việc này?
TS Đinh Hoàng Thắng: Từ lâu, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ASEAN cần phải thay đổi nguyên tắc đồng thuận nếu như không muốn khối này tan vỡ. Bởi vì không bao giờ có được đồng thuận tuyệt đối cả. Absolute Consensus không thể tồn tại. Chỉ có thể có một Majority Consensus, đồng thuận của số đông. Đồng thuận tuyệt đối là trái quy luật tự nhiên.
Chính vì vậy tại đối thoại Singapore 38 ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á ngày 30 tháng 8, Chủ tịch Trần Đại Quang có đưa ra 2 tuyên bố hoàn toàn mới, mà từ trước tới nay một chủ tịch nước, một trong tứ trụ của định chế quyền lực nhất Việt Nam chưa từng nói như thế bao giờ. Thứ nhất nếu để xẩy ra xung đột vũ trang thì không có người thắng, kẻ thua, mà tất cả cùng thua, xin lưu ý tất cả cùng thua này đây là cảnh tỉnh cho những cái đầu nóng. Thứ hai khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN. Hơn 40 năm tồn tại đồng thuận là quy tắc vàng. Nguyên văn: “Với sự phát triển mới của tình hình, chúng tôi có thể xem xét và bổ sung nguyên tắc (đồng thuận) bằng các cơ chế khác”.
Hàng ngàn năm trước đây, chưa có toàn cầu hóa, chưa có ASEAN, cha ông chúng tôi vẫn kiên cường. Ngày nay, không có lý do gì để biện minh cho việc Việt Nam phải nhân nhượng nhiều hơn nữa!
- TS Đinh Hoàng Thắng
- TS Đinh Hoàng Thắng
Theo dõi từ khi Campuchia làm chủ tịch ASEAN năm 2012 cho đến hội nghị đặc biệt của ASEAN mới đây tại Lào thì thấy tình hình không thể duy trì như cũ, nếu duy trì sẽ dẫn đến sự tan đàn xẻ nghé của tổ chức này.
Đặc biệt là nếu ta chú ý đến bài xã luận trên báo Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây nhất Trung Quốc đã đi xa tới mức không cần phải che dấu một sự thật trần truồng: “Hun Sen và Campuchia có thể giữ vững lập trường (ủng hộ Trung Quốc), hiển nhiên không phải vì các bên đều bỏ tiền mua chuộc, nhưng Bắc Kinh đã trả giá cao nhất. Tất cả đủ nói lên nhu cầu cấp bách cần phải thay đổi nguyên tắc hoạt động của ASEAN.
Mặc Lâm: Rõ ràng Trung Quốc đang lấy Campuchia, Lào để bao vây Việt Nam trong vấn đề Biển Đông thế nhưng cho tới nay vẫn không thấy Việt Nam chính thức lên tiếng, tại sao?
TS Đinh Hoàng Thắng: Trung Quốc không bao giờ từ bỏ chính sách chia để trị, chia để phá nát ASEAN.
Việt Nam chưa chính thức lên tiếng thì cũng không hoàn toàn chính xác. Tuyên bố của Chủ tịch Trần Đại Quang ở Singapore là một cú phản đòn khá mạnh Việt Nam nhận thức rất rõ những thách thức mới và chủ động đề nghị sẽ có những điều chỉnh về nguyên tắc đồng thuận.
Giới quan sát cho rằng tuyên bố trên đây là một bước ngoặt, một khúc quanh khá cơ bản trong nhận thức và hành động, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam luôn bị Trung Quốc o ép, bị Trung Quốc dùng láng giềng của Việt Nam để chống lại Việt Nam. Bước ngoặt này chứng tỏ trong tương quan lực lượng ngày nay, các nước nhỏ có thể đứng trên đôi chân của mình, không nhất thiết phải quy phục bất cứ thế lực nào, dưới bất cứ danh nghĩa gì.
Trước đây, khi bình luận về tình hình bê bối trong ASEAN, tôi có nói đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi chính sách của mình. Bị nước lớn bắt nạt đã đành, nhưng để cả những đối tác mình có quan hệ đặc biệt cũng gây khó cho mình thì rõ ràng là chính sách của mình có vấn đề. Thì nay, như chúng ta đã thấy, Việt Nam tuyên bố sẽ thay đổi và tôi nghĩ Việt Nam sẽ không dừng lại ở đây nếu tiếp tục bị bắt nạt, nếu tiếp tục bị chèn ép. Vì Việt Nam vốn là một dân tộc quật cường. Hàng ngàn năm trước đây, chưa có toàn cầu hóa, chưa có ASEAN, cha ông chúng tôi vẫn kiên cường. Ngày nay, không có lý do gì để biện minh cho việc Việt Nam phải nhân nhượng nhiều hơn nữa!
Chơi với lửa sẽ bỏng tay mình
Mặc Lâm: Việt Nam và Campuchia có trở thành đối nghịch sau khi hơn 5.000 kiều bào bị đuổi chạy về Việt Nam trong vài ngày qua nhất là thái độ của Hun Sen về vấn đề Biển Đông?
TS Đinh Hoàng Thắng: Ý đằng sau câu hỏi của nhà báo là muốn thăm dò khả năng người ta có chơi lại ván bài cũ, ván bài Khơ me đỏ đối với Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước hay không? Tôi nghĩ, bổn cũ ấy dù được cải biên dưới bất cứ hình thức nào thì cũng khó mà lặp lại.
Khuấy động cho thiên hạ đại loạn, thiên hạ đối nghịch nhau để một mình mình đại trị, hưởng thái bình, kế sách này quá đát rồi. Nhân loại giờ đây không khờ khạo như nhiều người nghĩ. Hơn nữa, người dân Việt Nam và người dân CPC là những dân tộc yêu hòa bình, chán chiến tranh. Nếu ai đó, vì những mục tiêu thiển cận, muốn phục vụ cho một ý đồ xấu nào đấy, tôi nghĩ cũng khó thực hiện. Vì đằng sau khu vực Đông Nam Á ngày nay chúng ta còn có cả thế giới tự do.
Phải nhìn bức tranh Việt Nam-Đông Nam Á trong một khuôn khổ rộng lớn như vậy Việt Nam mới phát huy được mọi ưu điểm để làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa chính sách liên kết khu vực, đường lối đa dạng hóa, chủ trương hội nhập toàn diện để đề phòng mọi bất trắc. Nói thế nào cũng không thể chủ quan, thuốc súng luôn luôn phải giữ khô. Phải cảnh tỉnh những ai muốn chơi với lửa thì phải đề phòng bị bỏng tay!
Nếu Việt Nam có một hậu phương vững chắc, hậu phương ở đây hiểu theo nghĩa rộng hệ thống đối tác chiến lược, toàn diện triển khai tốt. Trong nước dân chủ hóa về mọi mặt, thì có thể kiên trì đấu tranh về pháp lý đối với những ai vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lanh thổ. Nếu Việt Nam kết nối với phần còn lại của thế giới một cách toàn diện và sâu rộng, thì có thể đối phó với các thách thức.
Triển khai vũ khí: một quyết định thức thời?
Mặc Lâm: Trung Quốc và Mỹ đều đã có phản ứng khi Việt Nam triển khai vũ khí tại khu vực Trường Sa, Theo TS tại sao Việt Nam lại triển khai vũ khí trong giai đoạn này?
TS Đinh Hoàng Thắng: Trước hết tôi nghĩ, tin này cần được kiểm chứng, vì khi được hỏi câu này thì người phát ngôn Bộ ngoại giao nói tin Việt Nam đưa vũ khí ra Trường Sa là không hoàn toàn chính xác. Vậy ta cứ cho là nó đúng một nửa đi, đúng 50% đi, thì đây có thể là một động thái Việt Nam khẳng định quyết tâm làm chủ tình hình trong hoàn cảnh mới… Sau phán quyết PCA Việt Nam có 3 chủ trương: thứ nhất, trong khi Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Liên Hiệp Quốc, coi đó chỉ là “tờ giấy lộn”, có những hành động, tuyên bố quyết liệt hơn thì Việt Nam phải lo chuẩn bị đối phó vói mọi tình huống, mặc dầu biết nổ ra xung đột thì không ai có lợi, tất cả sẽ cùng thua.
Hai nữa Việt Nam tận dụng môi trường thuận lợi, chuẩn bị cho đấu tranh pháp lý, vì PCA thu hẹp khoảng cách tranh chấp, mở rộng lãnh địa pháp lý; thứ ba, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN bằng cách tăng cường kết nối và có những điều chỉnh nguyên tắc hoạt động khi cần.
Tuy nhiên, để hiểu động cơ thực sự của Việt Nam, tôi muốn nhắc lại một thành ngữ mới của Nam Bộ: “Nói dzậy mà không phải dzậy?” Phản ứng của Trung Quốc và của Mỹ là hai loại phản ứng khác nhau về chất. Nếu vì mục đích để phòng thủ, Việt Nam có thể triển khai hệ thống hỏa tiễn ngay trên bờ còn an toàn hơn nhiều. Khi Mỹ phản ứng với Việt Nam, chắc Hoa Kỳ đã có những thông tin tình báo về động cơ thực sự đằng sau “cái gọi là” Việt Nam triển khai vũ khí ra Trường Sa.
Mặc Lâm: Mới đây Trung Quốc đã hứa sẽ cho phép ngư dân Phi được đánh cá tại khu vực Scaborough khi TT Phi có những tuyên bố rất khó đoán định lúc mạnh lúc hòa hoãn. Theo Tiến sĩ thì lý do nào Trung Quốc xuống nước? hành động của Phi hay phán quyết của tòa trọng tài PCA?
TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi e rằng, đây không phải là việc Trung Quốc xuống nước. Ý đồ chiến lược của Trung Quốc đối với cả Mỹ, chứ không chỉ đối với Phi là không thay đổi, kể cả sau phán quyết của PCA thì Trung Quốcvẫn xây đắp khu vực Scaborough.
Tuy nhiên, tình hình hậu PCA buộc Trung Quốc phải tính đến việc điều chỉnh một số động thái thuộc về sách lược, về chiến thuật. Cụ thể Trung Quốc sẽ lợi dụng chủ trương khó đoán định của Phi để xoay xở sao cho không mang tiếng mình là kẻ đứng ngoài luật pháp quốc tế, chống lại luật pháp quốc tế, bị mang hình ảnh xấu… cho nên cố ép Phi ngồi lại nhưng phải bỏ qua phán quyết. Phi ngược lại cũng biết tận dụng tính pháp lý của phán quyết, tuyên bố có tính hai mặt, khi nhu khi cương để giảm thiểu rủi ro…
Hơn nữa, vừa qua, Trung Quốc chưa muốn mạnh tay trước Hội nghị G20. Tới đây, Bắc Kinh vẫn sẽ bác phán quyết, nhưng chắc chắn không thể bác hoàn toàn (Ít nhắc tới đường lưỡi bò, ít nhắc nhưng vẫn ngấm ngầm hiện thực hóa ADIZ). Tình trạng mập mờ này sẽ được cả Trung Quốc lẫn Phi duy trì trong một thời gian nữa, vì lợi ích của mỗi bên…
Cuộc chiến sẽ bùng nổ?
Mặc Lâm: Tiến sĩ có tin vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra tại biển Đông hay không khi mà giới chuyên gia quân sự Mỹ ngày càng cảnh giác lớn hơn về khả năng này? Nhất là cuộc tập dượt PLAN của Trung Quốc nhằm đối phó với nguy cơ nổ ra chiến tranh với Mỹ trên Biển Đông và Hoa Đông.
Quyền lợi hai nước Trung Quốc – Mỹ dính chặt, không phải từ bây giờ, mà từ năm 1949. Tuy nhiên việc đụng độ ngoài biển là hơi khó tránh.
- TS Đinh Hoàng Thắng
TS Đinh Hoàng Thắng: Vâng, vài hôm trước đây vào ngày 30 tháng 8, cựu Phó Thứ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Seth Cropsey đã viết một bài xã luận đại diện cho Viện nghiên cứu Hudson, một think-tank về nội trị và ngoại giao của Hoa Kỳ, dự đoán rằng xung đột giữa hải quân Mỹ với hải quân Trung Quốc là không thể tránh khỏi.
Nhưng đối với phần đông giới phân tích chiến lược, đối với những đầu óc tỉnh táo từ cả 2 phía, giữa Trung Quốc – Mỹ khó có thể xẩy ra chiến tranh. Quyền lợi hai nước Trung Quốc – Mỹ dính chặt, không phải từ bây giờ, mà từ năm 1949. Tuy nhiên việc đụng độ ngoài biển là hơi khó tránh. Mỹ có ưu thế vũ khí, Trung Quốc chủ nghĩa cực đoan, mù quáng nghĩ họ sẽ chiến thắng cho nên cũng khó kìm nén một khi Trung Quốc gây sự với Mỹ hay các nước đồng minh của Mỹ. Nhưng chiến tranh quy mô lớn khó xẩy ra.
Cuộc tập dượt nhà báo nhắc đến tôi cho chỉ là một đòn nắn gân giữa các cường quốc Trung-Nhật-Mỹ. Tôi cho rằng ở đây các nước đang hành động theo tinh thần của minh triết Latinh đó là “nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc trong khu vực những năm qua bị đẩy lên khá mạnh, đặc biệt là dân tộc đại hán. Đây là một công cụ của lãnh đạo Trung Quốc nhằm để ổn định nội bộ và tiếm quyền cho một cá nhân, một phe phái nào đó. Khi cần Trung Quốc rất dễ đẩy cái dân tộc quá khích này ra bên ngoài. Đây là nhân tố khó lượng định nhất. Bởi vì không chỉ có một Trung Quốc, trong lãnh đạo Trung Quốc cũng có nhiều phe phái, người đứng đầu phải cân bằng giữa các bên, nhất là những đòi hỏi của giới quân sự (PLAN).
Một điểm nữa, các cường quốc họ không thể tỏ ra yếu thế trước các thách thức mới xuất hiện. Nước nhỏ có thể nhân nhượng, chứ đường đường hai lớn mà nhân nhượng quá nhiều, người ta cứ sợ chiến tranh vẫn đến kèm theo nhiều nỗi nhục khác, cho nên họ dóng trống mở cờ là chuyện có thể giải thích được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Biển Đông :
Pháo phản lực Việt Nam chống căn cứ quân sự Trung Quốc
Tin Việt Nam đã âm thầm triển khai một số giàn bắn pháo phản lực EXTRA ra 5 hòn ‘đảo’ mà Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa tiếp tục thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Trong bài phân tích đăng ngày 28/08/2016 trên trang blog của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại Foreign Policy Research Institute tại Mỹ, chuyên viên nghiên cứu cao cấp Felix K. Chang cho rằng nếu quả đúng là như vậy, thì rất có thể là phản ứng đáp trả của Việt Nam trước việc Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự trên những đảo đá mà họ kiểm soát trong vùng.
Chuyên gia này trước hết nêu bật sự kiện đã đượcReuters tiết lộ : là Việt Nam được cho là đã phân tán và che giấu các giàn phóng pháp phản lực EXTRA, nhưng chỉ cần một vài ngày chuẩn bị là có thể đưa phương tiện này vào hoạt động.
Đối với Felix Chang, trong bối cảnh Việt Nam thiếu (phương tiện) để theo dõi và giám sát tức thời các mục tiêu di động là tàu Trung Quốc trên biển, hệ thống pháo phản lực EXTRA vẫn có thể đe dọa các căn cứ cố định của Trung Quốc trên các đảo đá. Với tầm bắn tối đa là 150 cây số và độ chính xác chỉ sai lệch khoảng 10 mét, EXTRA có thể phá hỏng các phi đạo mới xây của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Mỹ, Việt Nam không phải là một nước nhát gan, suy sụp trước các thách thức, kể cả khi phải đối phó với những khó khăn chồng chất. Đấy có thể là trường hợp ở Biển Đông, khi với sức mạnh hải quân đang gia tăng và thái độ kiên quyết áp đặt chủ quyền trên toàn vùng, Bắc Kinh đang làm cho việc kháng cự lại ngày càng khó thêm.
Thế nhưng, Hà Nội đã làm những gì có thể làm được. Đã vung tiền ra mua tàu ngầm lớp Kilo và khu trục hạm lớp Gephard của Nga. Đã chấp nhận sự giúp đỡ của Nhật để củng cố lực lượng tuần duyên, đã thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Philippines, cho dù vẫn quan ngại trước thái độ (thiếu dứt khoát) cũng như sức mạnh quân sự (không cao lắm) của nước này.
Việc Việt Nam tăng cường quân sự ở Biển Đông có thể khiến Trung Quốc tiến thêm nhiều bước để nắm chặt hơn quyền kiểm soát khu vực. Trung Quốc đã không để sót điều gì. Họ đã xây dựng những cơ sở kiên cố và an toàn để bảo vệ máy bay của họ trên các đảo đá. Đầu hè này, Không Quân Trung Quốc bắt đầu gởi chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đi « tuần tra tác chiến » trong khu vực.
Trong suốt thời gian đó thì Trung Quốc tiếp tục các cố gằng nhằm xua đuổi Philippines và Việt Nam ra khỏi những hòn đảo mà hai nước này kiểm soát bằng cách phong tỏa đường tiếp tế cho các đơn vị trú đóng trên các đảo.
Tuy nhiên, việc củng cố hệ thống phòng thủ trên các đảo mà Philippines và Việt Nam nắm giữ có mục tiêu là khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong mưu đồ chiếm thêm lãnh thổ mới. Cách thức dễ dàng mà Trung Quốc chiếm bãi Scarborough năm 2012 có vẻ khó lập lại. Những đảo còn lại trong vùng mà bây giờ được xem là dễ tấn công là các đảo của Malaysia, như James Shoal chẳng hạn.
Thoạt nhìn thì sự leo thang vũ trang trên các đảo ở Biền Đông có thể đáng ngại. Nhưng bản thân sự hiện diện của thêm nhiều vũ khí không có nghĩa là xung đột không thể tránh khỏi, mà nó mang ý nghĩa là nếu bùng lên, thì xung đột có nguy cơ nhanh chóng trở thành vòng xoáy.
Do tính chất dễ bị chiếm đoạt của các đảo liên can, việc triển khai vũ khí tấn công, như giàn phóng pháo phản lực có thể làm cho các chỉ huy tại chỗ phải lựa chọn giữa sử dụng hay là chịu thua khi khủng hoảng bùng lên. Điều đó có thể rất đáng ngại.
G20 : Trung Quốc
tránh được vấn đề Biển Đông và nhân quyền
Hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu kết thúc ngày 05/09/2016. Nước chủ nhà Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp gỡ giữa 20 lãnh đạo các nước giàu có nhất hành tinh. Trước khi khai mạc Bắc Kinh đã xem đây là một hội nghị « lịch sử ».
G20 Hàng Châu có phải là một thành công của Trung Quốc ? Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Heike Schmidt phân tích :
« Rốt cuộc bầu trời vẫn không xanh trong, dù hàng trăm nhà máy đã bị buộc phải đóng cửa. Các vấn đề chính trị mà Bắc Kinh muốn tránh né đã trở thành những bóng mây xám phủ lên hội nghị thượng đỉnh được giữ an ninh nghiêm ngặt.
Hồ sơ Syria một lần nữa lại được nêu ra ở G20, nhưng cuộc thương lượng giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barack Obama không đạt đến một thỏa thuận nào. Hai nhà lãnh đạo này tuy vậy suýt nữa đã chiếm mất vai trò nổi bật của ông Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới và nhân dân trong nước là ông xứng đáng đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, tương đương với đồng nhiệm Mỹ.
Ông Tập Cận Bình đã gây được sự chú ý ngay trước lúc G20 chính thức khai mạc, khi loan báo phê chuẩn hiệp ước khí hậu cùng với tổng thống Barack Obama.
Một điều khiến Bắc Kinhhài lòng : trong thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh, vấn đề sáng tạo và tài chính phục vụ môi trường chiếm vị trí quan trọng, như động cơ mới cho mục tiêu tăng trưởng bền vững. Ngoài ra ông Tập Cận Bình còn thành công trong việc tránh được những chủ đề gây bối rối : sự lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông hay vấn đề nhân quyền. Cả hai đề tài này đã không được bàn đến nhiều trong hội nghị G20 lần này ».
0 nhận xét