Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Lễ Dolta- Nét đặc sắc của đồng bào Khmer

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016 19:29 // , ,


Thứ hai, 26/09/2016 01:13
(AGO) - Ba tháng nhập hạ của chư tăng ở 65 chùa Khmer trên địa bàn tỉnh vừa kết thúc thì đến lễ Dolta. Với bà con Khmer Bảy Núi, vụ mùa sản xuất cơ bản đã xong, ai nấy cũng thảnh thơi, mọi người tổ chức Ngày hội đua bò gắn liền với lễ Dolta để ăn mừng và cầu mong những điều bình an, phước lành.
Mùa “An cư Kiết hạ”
t6a.jpg
Cúng dường chư tăng
Hòa thượng Chau Ty (trụ trì chùa Svaiso Tum Nớp, xã Núi Tô), Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Tri Tôn cho biết, lễ Nhập hạ hay còn gọi là An cư Kiết hạ xuất phát từ Phạn ngữ, còn Pali ngữ là: Vassavàsa (an cư mùa mưa). Theo đó, người xuất gia phải ở tại một nơi, không được ra khỏi chùa và muốn đi phải xin phép ngôi Tam Bảo. Người xuất gia phải Nhập hạ một lần vào mỗi năm để dưỡng đạo tâm, trau dồi giới, định và tuệ; giữ hạnh từ bi và phát triển trí huệ, đời sống tâm linh, xây dựng mối hòa hiệp giữa các thành viên.
t6b.jpg
Đi lễ Dolta- nét đẹp văn hóa
Theo truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer, ngày mùng 1 trăng tròn của tháng Asalha, chính là ngày 16 tháng 6 âm lịch và kết thúc mùa Nhập hạ vào ngày 16 tháng 9 âm lịch. Mùa Nhập hạ đối với sư sãi vùng Bảy Núi còn có ý nghĩa tập hợp tăng chúng để tu hành, kiểm điểm hành vi, cử chỉ theo luật Phật mà hành trì. Trong thời gian 3 tháng Nhập hạ, chư tăng dành trọn thời gian cho việc tu học, trau dồi giới luật. Đồng thời, cũng là cơ hội cho phật tử trong các phum, sóc phát tâm cúng dường, ngoại hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chư tăng an cư tu học, cầu mong quốc thới dân an. Cuối mùa Nhập hạ và bước sang đầu tháng 9 âm lịch là thời điểm diễn ra lễ Dolta nên đây được coi là một lễ lớn trong năm, phật tử lễ Phật, cúng dường chư tăng ở chùa và cúng ông bà và cha mẹ tại nhà.
Đặc sắc lễ Dolta
Lễ Dolta của đồng bào Khmer có ý nghĩa tương tự lễ Vu lan của người Kinh, là dịp để con cháu thể hiện sự báo hiếu đối với đấng sinh thành. Trong lễ Dolta, con cháu trong gia đình quây quần bên nhau, cầu mong sức khỏe, dâng quà cho ông bà, cha mẹ và làm lễ cầu phước cho người quá cố, phù hộ cho phum, sóc được thịnh vượng. Lễ Dolta hay còn gọi lễ cúng ông bà là một trong những lễ lớn nhất trong năm, diễn ra trong 3 ngày. Đây là nét đẹp văn hóa mang đậm nét truyền thống của đồng bào Khmer cả nước nói chung và bà con Khmer Bảy Núi nói riêng. Những ngày diễn ra lễ Dolta, không khí trong gia đình ở các phum, sóc đều rất ấm cúng, vui vẻ. Nhà nhà đều nhộn nhịp tiếng nói cười của các thành viên, người đi làm ăn xa tranh thủ về thăm cha mẹ, anh em, còn dòng họ xa gần cũng được dịp tay bắt mặt mừng, ăn với nhau bữa cơm thân mật.
t6.jpg
Điệu nhạc ngũ âm truyền thống trong ngày lễ
Được truyền tụng từ lâu đời, có 2 truyền thuyết gắn liền với nguồn gốc của lễ Dolta của bà con Khmer. Theo đó, phần đông đồng bào Khmer ở Nam Bộ sinh sống bằng nghề nông, trồng lúa nước. Vào thời điểm này, mùa nước lũ lên, bà con sau khi đã cấy lúa xong, chuẩn bị quà cáp đi thăm ông bà, cha mẹ. Người thì vui mừng sum họp, người thì đau buồn khi người thân đã mất. Từ đó, ngày lễ Dolta được hình thành là dịp để thăm hỏi đấng sinh thành và cầu phước cho những người đã khuất. Nguồn gốc lễ Dolta còn được biết đến từ sự tích trong kinh điển Phật giáo, nhà Vua Ping-pis-sara thỉnh chư tăng làm lễ hồi hướng cho ma quỷ và những người đã quá cố. Cũng từ đó, thành phong tục, hàng năm, đồng bào Khmer tổ chức lễ Dolta, gắn với nghi thức tôn giáo, nhờ sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ, người thân đã mất được siêu thoát.
Lễ Dolta diễn ra trong 3 ngày, mỗi ngày đều có công việc và ý nghĩa riêng. Ngày đầu tiên, trang hoàng nhà cửa, dọn 4 chén cơm lên bàn, đốt đèn, mời ông bà về ăn và sau đó mời ông bà vào chùa nghe tụng kinh…; ngày thứ hai sau khi ở chùa một ngày và một đêm, đến chiều mọi người rước ông bà về nhà; ngày cuối, mỗi gia đình lại chuẩn bị thức ăn, bánh trái để cúng tiễn đưa ông bà...

Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.