Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Châu Đốc mùa lễ hội

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016 12:24 //

(TTMT) - Tháng 4 âm lịch hàng năm, TP. Châu Đốc lại bước vào mùa lễ hội. Chỉ tính riêng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã thu hút hàng triệu lượt du khách thập phương đến tham quan và trẩy hội.

Tuy nhiên, nằm trong khu du lịch núi Sam không chỉ có Miếu Bà Chúa Xứ, mà là tập hợp những quần thể di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, như: Tây An cổ tự, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… Đây đều là những danh thắng nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Châu Đốc.
 
sfdsdf.jpg
 
Di tích Tây An cổ tự
 
fdsdfsdf.jpg
 
Di tích lăng Thoại Ngọc Hầu
 
a.jpg
 
Di tích chùa Hang
 
Đầu tiên phải kể đến lăng Thoại Ngọc Hầu, một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ kính do chính ông Thoại Ngọc Hầu đứng ra chỉ huy xây dựng. Đó là sự hài hòa giữa nghệ thuật sáng tạo của con người và thiên nhiên. Toàn khu sơn lăng là một khối kiến trúc hài hòa, duyên dáng. Khu chính giữa là lăng mộ và đền thờ, hai bên là dãy mộ vô danh nằm dưới những hàng cây cao to, tỏa bóng mát rượi. Thoại Ngọc Hầu (tên thật là Nguyễn Văn Thoại) là người lập công lớn và được triều đình phong giữ nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có tước Ngọc Hầu. Cũng từ đó, người dân thường gọi ông là Thoại Ngọc Hầu. Ông tham gia quân Triều Nguyễn năm 1777 tại Long Hồ. Đến năm 1817, ông làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, trong năm này, ông đào kinh Tam Khê nối rạch Đông Xuyên (sông Long Xuyên hiện nay) đến Rạch Giá, dài khoảng 30km. Từ năm 1819-1824, ông chỉ huy đào hoàn thành kinh Vĩnh Tế dài gần 100km, rộng 36,525m, sâu hơn 2,9m, nối liền Châu Đốc đến Hà Tiên. Với An Giang, cho đến ngày hôm nay, kinh Vĩnh Tế vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, người dân vẫn còn mãi ghi nhớ công lao của Thoại Ngọc Hầu. 
 
Du khách sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua chùa Tây An (hay Tây An cổ tự), một trong những danh thắng đẹp ở núi Sam với lối kiến trúc cổ truyền của dân tộc kết hợp phong cách Ấn-Hồi, cùng theo đó là nhiều lời truyền tụng. Hai thế kỷ đi qua với biết bao biến cố thời gian, lịch sử nhưng chùa Tây An vẫn sừng sững, trường tồn cùng thiên nhiên, hữu tình cùng du khách thập phương. Nằm trên ngã ba núi Sam từ Châu Đốc vào, chùa Tây An do Tổng đốc Doãn Uẩn dựng lên năm 1847. Đến năm 1862, Hòa thượng Nhất Thừa trùng tu lại chánh điện và hậu tổ. Một thời gian dài sau này, chùa cũng được trùng tu lại nhiều lần, cho đến năm 1958, hòa thượng Nguyễn Thế Mật đứng ra vận động đóng góp, tiền, công sức xây dựng mới 3 ngôi cổ lầu, mặt chính của chùa và sửa chữa lại chánh điện. Có thể nói, chùa Tây An ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật với nhiều phù điêu chạm khắc. Chùa theo trường phái Bắc tông với hàng trăm tượng phật to lớn, mỗi tượng là một tác phẩm nghệ thuật riêng, ẩn chứa nhiều triết lý nhà Phật. 
 
Sau khi tham quan, lễ bái ở Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu, du khách có thể men theo con đường nhựa về hướng Tây khoảng 2km sẽ thấy ngôi chùa mang tên “Phước Điền tự”, còn gọi là chùa Hang. Chùa Hang có 2 khu vực chính, phần trên cùng, phía sau của công trình là hang đá thiên nhiên, phía trước là chánh điện thờ Phật, phần dưới là ngôi hậu tổ, nhà khói và các tháp. Chùa Hang do bà Lê Thị Thơ (biệt danh bà Thợ), pháp hiệu Diệu Thiện lập nên và qua nhiều lần trùng tu, xây dựng. Từ vẻ đẹp sẵn có, chùa Hang lại được trùng tu, tôn tạo nên càng nổi bật, thật sự thu hút du khách đến lễ bái và khám phá nét huyền bí. Từ chân núi đến chùa Hang, du khách phải vượt qua 300 bậc thang cao. Chùa Hang là một quần thể di tích có kiến trúc đẹp, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Mang trong mình nét đẹp của sự cổ kính, nghiêm trang và không kém phần hoành tráng, nhiều du khách bị ấn tượng, tò mò bởi gắn với tên gọi chùa Hang là hang đá thiên nhiên với bao huyền thoại được truyền tụng từ bao đời qua…
 
Sau khi trẩy hội ở Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, cũng như tham quan các quần thể di tích văn hóa nơi đây, du khách có thể thưởng thức đặc sản đậm đà hương vị ở TP. Châu Đốc, như: Bún cá, bún nước kèn, khô cá tra phồng… hay mua các loại mắm (cá trèn, cá linh, cá lóc, mắm thái…) đem về làm quà cho người thân, bạn bè.
 
Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN

Tags:

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.