Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Ba đêm biểu tình liên tiếp ở Charlotte phản đối cảnh sát giết người da đen – Chính khách Mỹ kêu gọi hoà giải giữa cảnh sát và cộng đồng

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016 20:11 // ,

Các cuộc biểu tình tại Charlotte, bang North Carolina ở miền đông nước Mỹ để phản đối vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen đã bước sang đêm thứ ba, về phần lớn diễn ra trong ôn hòa.

Bất chấp lệnh giới nghiêm từ nửa đêm, hàng trăm người biểu tình tham gia cuộc tuần hành cho tới sáng sớm hôm 23/9 trong bối cảnh không có sự cố nào đáng tiếc xảy ra.

Chính quyền cho biết họ không có kế hoạch để thực thi lệnh giới nghiêm chừng nào mà cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong ôn hòa.

Video truyền hình cho thấy một số người biểu tình bắt tay với vệ binh quốc gia tươi cười vào sáng sớm hôm 23/9, giữa lúc trời còn mờ tối.

Tối ngày 22/9, một đám đông biểu tình tuần hành qua trung tâm Charlotte-thành phố lớn nhất của North Carolina. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay tại một địa điểm, nhưng biện pháp này hiếm khi được dùng.

Cảnh sát trang phục chống bạo động được phân tán trên toàn thành phố.

Thống đốc Pat McCrory, cựu thị trưởng Charlotte, trước đó đã công bố tình trạng khẩn cấp và cảnh báo cảnh sát sẽ bắt giữ những người vi phạm luật pháp. Ông nói: “Chúng tôi không thể dung thứ bất cứ hình thức bạo động … hay phá hoại tài sản nào.”

Người dân khắp tiểu bang North Carolina đổ về Charlotte để tham dự các cuộc biểu tình.

Nhiều lãnh tụ tôn giáo cũng có mặt, họ kêu gọi tất cả những người hiện diện hãy bình tĩnh và ôn hòa. Tuy nhiên một số người biểu tình khác tranh cãi với các nhà lãnh đạo tôn giáo, nói rằng họ không thấu hiểu những nỗi thống khổ mà cư dân Charlotte phải chịu đựng và vì thế họ khó có thể bình tĩnh. Một thanh niên đi biểu tình bị bắn một ngày trước đã qua đời. Anh Justin Carr 26 tuổi bị trúng đạn bên ngoài một khách sạn trong khu vực xảy ra bất ổn. Cảnh sát nói không phải họ đã bắn phát súng giết chết nạn nhân.

Vụ bắn chết Justin Carr hôm 21/9 hình như xảy ra sau khi những người biểu tình đụng độ với cảnh sát và biểu tình trở nên bạo động. Cảnh sát bắn hơi cay để giải tán đám đông, một số người biểu tình đập phá các cửa hàng và gây những đám cháy nhỏ trên đường phố.

Cái chết của anh Carr là trường hợp tử vong đầu tiên kể từ khi xảy ra những cuộc biểu tình trong tuần này sau khi cảnh sát bắn chết Keith Lamont Scott khi ông này bước ra khỏi xe hôm 20/9. Có hơn 30 người bị thương sau khi những cuộc biểu tình trở thành bạo động.

Cảnh sát từ chối công bố video về vụ nổ súng. Tuy nhiên hôm 22/9 họ chiếu những hình ảnh cho thân nhân gia đình ông Scott xem. Những người này nói là không rõ có vật gì trong tay của Scott khi cảnh sát bắn ông.

Cảnh sát trưởng Charlotte cũng nói là khó xác định được những gì xảy ra trong video của cảnh sát, vì camera được đặt ở trong xe của cảnh sát đậu cách xa nơi Scott và cảnh sát chặn xe. 

Luật sư Justin Bamber, đại diện cho gia đình ông Scott, tối hôm 22/9 nói với các phóng viên là gia đình muốn video được tức khắc công bố cho công chúng. Cảnh sát trưởng thành phố Kerr Putney trước đó tuyên bố sẽ không công bố video trừ phi ông tin là có “lý do thuyết phục” phải làm như vậy.

Chi nhánh North Carolina của Hiệp hội các quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) cũng kêu gọi công bố ngay tức khắc bất cứ video nào liên hệ đến vụ nổ súng hôm 20/9.

Bộ Tư pháp Mỹ đang gởi một nhóm nhân viên hoà giải đã được huấn luyện đến Charlotte để giúp giải quyết vụ xung đột. Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch kêu gọi công dân chọn con đường hòa giải. – VOA

***
Các nhà chính trị Mỹ đã có phản ứng thận trọng về vấn đề liên quan tới các cuộc biểu tình bạo động diễn ra tiếp theo sau những vụ cảnh sát nổ súng, giết chết thêm 2 người Mỹ gốc Phi nữa.

Thái độ thận trọng này đặc biệt đúng đối với các ứng cử viên Tổng thống vốn không muốn cử tri Mỹ gốc Phi xa lánh họ nếu họ về phe với cảnh sát, và cũng không muốn làm phật lòng những người khác nếu họ chỉ trích hành động của các nhân viên thi hành công lực. Thế cho nên an toàn nhất là bày tỏ những lời chia buồn với gia đình và bạn bè của những người đàn ông da đen mới bị bắn chết ở North Carolina và ở Tulsa, bang Oklahoma. 

Trên đường vận động ở bang Pennsylvania hôm thứ Năm, ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump chỉ trích tội phạm và bạo động tại các thành phố Mỹ.

Ông Trump phát biểu:

“Hình ảnh đất nước chúng ta xấu đi trong mắt của thế giới, đặc biệt khi lẽ ra chúng ta phải đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Làm thế nào chúng ta có thể lãnh đạo thế giới khi chúng ta thậm chí không thể kiểm soát được những thành phố trên chính đất nước của mình?” 

Ông Trump quy lỗi cho các hoạt động buôn bán ma tuý bất hợp pháp về tình trạng này, và hứa sẽ vãn hồi luật pháp và trật tự trong nước.

Ông cam kết: “Chúng tôi sẽ bổ nhiệm các công tố viên, nhân viên điều tra, các nhân viên thi hành công lực tài giỏi nhất trong nước để đập tan các tập đoàn ma tuý quốc tế, các băng đảng và tổ chức tội phạm, và tôi sẽ chặn, không để ma tuý đổ vào đất nước chúng ta và đầu độc tuổi trẻ của chúng ta cũng như những thành phần khác.”

Đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ, đề cập tới các sự cố đó hôm thứ Tư tại thành phố Orlando, bang Florida. Bà gọi cái chết của thêm hai người da đen khác là “không thể chịu đựng được.” Tuy nhiên bà cũng ca ngợi năng lực làm việc và hiệu quả của cảnh sát chống lại các hoạt động khủng bố tại các thành phố New York, New Jersey và Minnesota hồi tuần trước.

Bà Hillary Clinton không đi vận động hôm qua, thứ Năm 22/9, nhưng người đứng phó trong liên danh của bà, là ứng viên Phó Tổng thống Tim Kaine, đã lên tiếng tại Reno, bang Nevada. Ông Kaine nói:

“Cần phải xây những chiếc cầu nối tốt hơn giữa các giới chức thi hành công lực và các cộng đồng mà họ phục vụ. Hillary và cá nhân tôi hiểu điều đó. Chúng tôi muốn đầu tư vào công tác huấn luyện sẽ củng cố các mối quan hệ đó.”

Toà Bạch Ốc hôm thứ Năm lên án các cuộc biểu tình bạo động ở bang North Carolina tiếp theo sau vụ nổ súng hôm thứ Ba. Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Josh Earnest phát biểu:

“Tổng thống chắc chắn không tin là có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho hành vi bạo động của một người nào đó trong bối cảnh các cuộc biểu tình. Nhưng đồng thời, ông cũng tin rằng các cuộc biểu tình sẽ mang lại nhiều kết quả hơn, và có tiềm năng gây ảnh hưởng lớn hơn nếu nó diễn ra trong ôn hoà.”

Tổng thống Barack Obama đã gặp gỡ các đại diện của giới thi hành công lực và các nhà hoạt động trong cộng đồng người da đen vào tháng Bảy vừa qua để lắng nghe các quan điểm của họ, và khuyến khích hai bên hãy mở đối thoại về công tác của cảnh sát phục vụ cộng đồng, và vấn đề cải cách hệ thống tư pháp. – VOA

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.