Việt Nam: Tin nhân sự Tổng Bí thư là 'tuyệt mật', người dân không biết gì?
BBC
Chỉ vài tuần trước khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng Cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam, Chính phủ nước này ban hành một danh mục được xếp hạng các "bí mật nhà nước", trong đó có các thông tin liên quan nhân sự và nội bộ của đảng, một động thái được giới quan sát chú ý.
Hôm 30/12/2020, hàng loạt báo mạng chính thống của nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin, trong đó báo Tiền phong, thuộc Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, trong bài viết có tựa đề "Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật", cho hay:
"Thủ tướng vừa ban hành quyết định danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Theo đó, bí mật nhà nước độ tuyệt mật đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, gồm có: Kết luận, tờ trình, báo cáo, thông báo, biên bản, công văn của Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh khi có dấu hiệu vi phạm, đề nghị thi hành kỷ luật Đảng, giải quyết tố cáo đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai."
Đại hội 13: Công tác nhân sự có nên "biệt lệ hóa" mãi hay không?
BBC được cho hay đây là một quyết định không quá mới, vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng, trong đó, bí mật nhà nước độ Tuyệt mật của Đảng.
Trong đó có các thông tin 'tuyệt mật' như:
- Quyết định, kết luận, tờ trình, kế hoạch, báo cáo, thông báo, công văn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai,
- Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.
Quyết định 1722/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 03/11/2020.
Báo VnExpress còn nhấn mạnh khi nhắc lại một chi tiết cho hay trước đó, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua "Luật Bảo vệ bí mật nhà nước" vào ngày 15/11/2018, luật này có hiệu lực từ 01/7/2020.
Tín hiệu cho "kịch tính" sắp xảy ra?
Cùng ngày, hôm thứ Tư, ba nhà quan sát thời sự, chính trị từ Việt Nam nêu bình luận của mình về động thái này của chính quyền và có gì có thể "đọc ra" như tín hiệu từ đó.
"Tôi nghĩ rằng ở đây thực sự có một sự lẫn lộn gì đó, chuyện nội bộ của một đảng chính trị là chuyện riêng của đảng đó, không thể liệt kê những cái đó vào và gọi là bí mật của nhà nước được," Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể), nói với BBC.
"Những nội dung, lĩnh vực, đối tượng của bảo mật mà đã được quy định rất rộng như thế là chuyện nội bộ của đảng chính trị này, có lẽ theo tôi nó chỉ phải ràng buộc với đảng viên của đảng ấy mà thôi, còn người ngoài thì tuyệt nhiên lấy đâu được những thông tin như thế để mà có thể bảo người ta vi phạm luật.
"Cho nên, nếu chỉ liên quan đảng viên của đảng đó thì tôi không bàn, nhưng nếu ai đó ở bên ngoài nghe lỏm được ở đâu đó và đưa thông tin ra, như là nhân sự, nội bộ, thì rất có thể bị quy vào tội vi phạm bí mật của nhà nước, thì tôi nghĩ cái ấy là một cái rất tù mù, như cách người ta cố ý trộn lẫn vào phân loại, xếp loại rất nhiều vấn đề, nội dung vào với nhau như được báo chí vừa công bố và có thể nói là như thế dễ bị lạm dụng."
Ông Nguyễn Vũ Bình, nguyên Biên tập viên Tạp chí Cộng sản nói với BBC:
"Theo tôi, động thái này chứng tỏ một sự lúng túng, sự giằng co và căng thẳng trong việc sắp xếp, bầu chọn lãnh đạo cao cấp cho đại hội XIII. Nó cũng phản ánh đảng cộng sản lo sợ sự rò rỉ thông tin gây ảnh hưởng tới việc bầu chọn sắp xếp nhân sự, chính vì vậy cần đưa các thông tin vào danh mục bí mật để cảnh báo và răn đe những người đưa thông tin, cũng như bình luận thông tin về vấn đề này."
Ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo tự do, blogger, nguyên Thiếu tá An ninh thuộc Bộ Công an, bình luận với BBC:
"Tôi quan sát và thấy rằng quyết định của Thủ tướng chính phủ Việt Nam được ký "theo đề nghị của Văn phòng TƯ Đảng". Nó có phạm vi điều chỉnh rất rộng, dù báo chí chỉ đưa tóm lược; nhưng nhìn chung liên quan tới hai vấn đề: là nhân sự Đại hội Đảng và chống tham nhũng.
"Quyết định được đưa ra rất cận kề ngày Đại hội (cùng với một Hội nghị TƯ nữa - hội nghị thứ 15), đồng thời có những dấu hiệu sẽ có những vụ xử lý đảng viên ở cấp cao sắp tới, có thể thấy ý muốn siết chặt thông tin "rò rỉ" gây ảnh hưởng lớn "không như mong muốn". "Tín hiệu" theo tôi thì chỉ có thể nói là nó hứa hẹn "kịch tính" cao, nhiều bất ngờ trên cả hai vấn đề vừa nêu.
Câu hỏi và quan ngại nào đặt ra?
Các nhà quan sát đều cho rằng động thái của chính quyền và đảng thông qua danh mục được Thủ tướng chính phủ Việt Nam ban hành có thể đặt ra những câu hỏi và thậm chí có cả quan ngại.
Ông Nguyễn Quang A nói:
"Tôi cho rằng công luận có thể đang đặt ra nhiều câu hỏi, thậm chí là quan ngại, nhưng tôi không thể nói thay cho bất cứ ai, ý kiến riêng của tôi là bất kỳ một tổ chức nào, một đảng chính trị nào cũng phải minh bạc và chỉ có minh bạch, công khai thì lúc đó mới có thể có được tính chính đáng, sự tin tưởng ít nhiều nào đó trước công chúng.
"Còn đưa ra tất cả những quy định hết sức phức tạp và rộng rãi tủy tiện, mở đường cho những hình phạt và răn đe với ai không tuân theo, mở đường cho lạm dụng chính trị, quyền lực, thì nó ngược với tính minh bạch và nguyên tắc pháp quyền và như thế thì nó sẽ gây ra những quan ngại trong nhân dân, quần chúng và cả các đ viên và như vậy sẽ làm tổn hại đến chính đảng chính trị ấy."
Ông Nguyễn Vũ Bình bình luận:
"Câu hỏi lớn nhất mà công luận, dư luận đặt ra sau động thái này, theo tôi, là việc thông tin của một đảng (việc nội bộ của một đảng như sắp xếp nhân sự, đấu đá nội bộ…) tại sao lại trở thành bí mật nhà nước? Điều này dẫn tới sự quan ngại là sẽ có nhiều điều đảng cộng sản quy định là bí mật nhà nước trong khi nó chỉ là những thông tin, sự việc bình thường của đời sống, hay của một chính đảng… những điều đó chỉ dẫn tới việc lạm quyền ngày cảng lớn hơn mà thôi."
Ông Nguyễn Hữu Vinh nói:
"Tôi thấy có lẽ phải ngược thời gian trở lại trước Đại hội 12, với không khí "sục sôi", tới độ có những hiện tượng khó tin, như một văn bản được cho là của Thủ tướng lúc đó gửi Tổng bí thư, trả lời về những nghi vấn, chất vấn của Đảng đối với mình cùng gia đình liên quan tiêu cực. Nay thì tình hình có lẽ không "nóng" kiểu như đại hội trước, nhưng vẫn có những thông tin chứng tỏ có những sắc thái khác không kém phần gay cấn. Cho nên Đảng không muốn tái diễn những màn khó xử khi thông tin "hậu trường" cứ bị tung lên mạng để gây áp lực nhân sự.
"Trước hiện tượng này, tôi cho rằng có lẽ dư luận chẳng quan ngại gì, mà chỉ càng tò mò thích thú hơn theo dõi những gì sẽ được "hiện thực hóa" tới đây."
Liệu sẽ được tôn trọng, chấp hành?
Trước câu hỏi liệu động thái mới này của đảng và chính quyền thông qua văn bản mới ban hành của Thủ tướng chính phủ Việt Nam có được tôn trọng, chấp hành và mục đích của những người ban hành đặt ra có đạt được không, các nhà quan sát trả lời:
"Tôi cho rằng chắc chắn nó sẽ có một tác động răn đe đối với các đảng viên của đảng chính trị đó, còn đối với dân chúng, mà như tôi đã nói dân chúng không thể lấy đâu ra những thông tin đó cả, cho nên về mặt nguyên tắc, những người dân không có liên quan gì cả," ông Nguyễn Quang A nói.
"Nhưng nếu họ vin vào những cớ ấy để họ buộc tội người dân thường, thì cũng là chuyện xưa như lịch sử thường thấy ở Việt Nam này từ khi đảng cộng sản chấp chính, không có gì là lạ cả."
Ông Nguyễn Vũ Bình nêu quan điểm:
"Tôi nghĩ là quy định mới rất khó được tôn trọng, việc bầu chọn, sắp xếp nhân sự của đảng cộng sản từ trước tới này đã là đề tài bàn tán, thông tin luôn được lan truyền rộng rãi. Có thể sử dụng việc áp dụng quy định này để phạt hoặc bắt bớ một số trường hợp những cũng sẽ không ngăn được việc thông tin sẽ được tuồn ra ngoài và bàn tán rộng rãi."
Ông Nguyễn Hữu Vinh nói:
"Nhìn về lâu dài thì quy định mới này sẽ hạn chế được kha khá thông tin "rò rỉ" nói chung. Tuy nhiên, theo tôi riêng với thông tin nhân sự Đại hội 13 thì không dễ để kiểm soát, chủ yếu vì nó quá quan trọng để người ta có thể cho rò rỉ phục vụ mục đích riêng, và trong thời điểm ngắn khó để ngăn chặn, truy tìm nguồn phát tán.
"Với thông tin liên quan tham nhũng, sẽ vẫn khó tránh khỏi những hiện tượng kiểu như bỏ trốn trước khi khởi tố, hoặc tẩu tán tài sản, chứng cứ… vì công luận nói chung rất khó biết những gì đằng sau đó để mà tố cáo, còn nguồn rò rỉ thông tin lại thường có vị trí cao, quyền lực lớn."
Một bước tiến bộ về dân chủ và minh bạch?
Khi được hỏi liệu động thái mới của chính quyền có một bước tiến về mặt dân chủ, công khai, minh bạch, hay đó là một bước như thế nào và còn có cách nào làm có thể tốt hoặc khả dĩ hơn không, các nhà quan sát đáp:
"Tôi nghĩ đây là một bước lùi xa ở trong nội bộ của một đảng chính trị, như tôi đã nói đảng chính trị chỉ có thể có tính chính đáng nếu mà nó minh bạch, hợp pháp, hợp hiến, việc này cản trở tính minh bạch và như thế nó sẽ là một bước thụt lùi rất lớn đối với bản thân đảng chính trị đó," ông Nguyễn Quang A nói.
"Với tư cách của một công dân, tôi lấy làm tiếc cho mấy triệu đảng viên của đảng đó, bởi vì họ đã bị tước những quyền chính của họ, lẽ ra họ phải có quyền dân chủ của họ trong nội bộ của đảng, ngoài ra trước khi là đảng viên họ cũng là những công dân, những quyền cơ bản của công dân, nhân quyền của họ như thế cũng bị ảnh hưởng, Việt Nam đã có luật về tiếp cận thông tin và nhiều luật khác, cũng có các quy định nhân quyền trong Hiến pháp, bây giờ các đảng viên đảng Cộng sản, với tư cách là công dân, thì tôi nghĩ họ cũng phải nên có ý kiến của họ, đặc biệt là các đại biểu hội nghị Trung ương và đại biểu của Đại hội đảng 13 tới đây, chứ họ không nên im lặng."
Ông Nguyễn Vũ Bình nói:
"Đơn giản tôi có thể nói ngay rằng đây rõ ràng là bước lùi về mặt công khai, dân chủ. Trước hết đó là việc quy định sai nguyên tắc, những vấn đề của một đảng lại quy định thành bí mật quốc gia. Thứ hai, họ không dám để dư luận nhận xét đánh giá về công tác cán bộ của mình, không dám công khai quy trình bầu chọn, lựa chọn cán bộ nhất là cán bộ chủ chốt. Đồng thời những cán bộ nhận lãnh trách nhiệm cũng không dám đương đầu với dư luận. Cách làm tốt thì nhiều, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại thì chỉ cần công khai minh bạch, hoặc ít nhất theo tôi là bỏ những quy định kỳ quặc này đi là được."
Còn ông Nguyễn Hữu Vinh bình luận:
"Trước hết, tôi thấy muốn đánh giá về quyết định phải xem lại văn bản Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước. Toàn bộ nội dung Luật rất rộng về phạm vi điều chỉnh, các thể loại tài liệu, văn bản, cấp được áp dụng v.v.. và quá chung chung. Do đó, chính phủ "rộng cửa" để ban hành các quyết định kiểu này.
"Mặc khác, quyết định lại có điểm đặc thù, là nó áp dụng hoàn toàn cho hoạt động của một đảng phái, chứ không phải là của nhà nước. Đây rõ ràng là "không giống ai" so với hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới. Nó lại nhắc nhở tới một nhu cầu vô cùng quan trọng là phải có Luật về Đảng. Một khi chưa có luật về đảng thì tất cả những "đặc quyền" cho một đảng phái, từ ngân sách cho tới những quy định dạng này đều trở nên… "kỳ lạ", thiếu khả thi.
"Ví dụ như với chống tham nhũng, một khi đảng viên vẫn có "đặc quyền" là trước khi áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự với họ, thì tổ chức đảng nơi họ sinh hoạt phải được thông báo trước, thì làm sao đảm bảo bí mật. Lò chưa nổi lửa mà củi đã … chạy mất rồi. Hoặc ở khía cạnh khác, là khái niệm "dân chủ trong Đảng". Nếu không có luật về đảng, thì đảng viên vẫn chẳng khác gì… dân thường, bao nhiêu việc của đảng ở cấp cao, họ không được biết, không được bàn, kiểm tra.
"Còn nếu như cho là bao năm nay đã đang có một bước lùi dài, hay dậm chân tại chỗ về dân chủ, pháp quyền, thì hiện tượng này cũng chỉ là bình thường.
"Cuối cùng, theo tôi, cách tốt nhất vẫn là hãy cụ thể hóa Điều 4 Hiến pháp về Đảng CSVN bằng những văn bản luật, dưới luật, cũng như ra luật về Đảng như tôi vừa nói ở trên. Có như thế, thì những văn bản kiểu như quyết định này của Thủ tướng mới có nhiều tính thuyết phục cả về pháp lý lẫn dư luận."
QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH DANH MỤC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA ĐẢNG Số: 1722/QĐ-TTg, Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2020
Trích:
Điều 1. Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật gồm:
1. Thông tin về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, gồm: Kết luận, tờ trình, báo cáo, thông báo, biên bản, công văn của Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh khi có dấu hiệu vi phạm, đề nghị thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai.
2. Thông tin về công tác tổ chức xây dựng đảng:
a) Quyết định, kết luận, tờ trình, kế hoạch, báo cáo, thông báo, công văn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai.
b) Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.
3. Thông tin về công tác đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân:
a) Quyết định, kết luận, báo cáo, kế hoạch, đề án, phương án, tờ trình, công văn của Trung ương Đảng về chiến lược đối ngoại liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại của Đảng ta với các đảng, các nước lớn, các nước láng giềng về vấn đề biên giới lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của nước ta.
b) Đề án chính trị, báo cáo kết quả hội đàm của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đi thăm, làm việc với các đảng, các nước và đón các đoàn cấp cao các đảng, các nước vào thăm, làm việc tại Việt Nam có nội dung về quan hệ chính trị đặc biệt với nước ta.
c) Báo cáo, đề án, tờ trình của Ban Đối ngoại Trung ương kiến nghị Trung ương Đảng các chủ trương, chính sách của Đảng về vấn đề đối ngoại và quan hệ của Đảng ta với các đảng, các nước lớn, các nước láng giềng có nội dung liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biên giới nước ta.
4. Thông tin về kinh tế - xã hội: Quyết định, kết luận, báo cáo, thông báo, công văn của Trung ương Đảng và báo cáo, tờ trình, công văn của cơ quan, tổ chức đảng trình xin ý kiến Trung ương Đảng về kinh phí đặc biệt dành cho quốc phòng, an ninh; chủ trương thu, đổi tiền, phát hành tiền chưa công khai.
5. Thông tin về công tác dân vận: Chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận, kế hoạch, báo cáo, chương trình, thông báo, kết luận, công văn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề dân tộc, lĩnh vực công tác dân tộc liên quan đến lợi ích quốc gia, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; chủ trương chỉ đạo, biện pháp xử lý đối với các vấn đề phức tạp về tôn giáo cấp nhà nước chưa công khai.
6. Thông tin về quốc phòng, an ninh:
a) Chỉ thị, nghị quyết, quyết định, thông báo, kết luận, biên bản, công văn của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về xử lý các tình huống chiến tranh, phòng thủ đất nước, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
b) Chỉ thị, nghị quyết, quyết định, thông báo, kết luận của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương về hoạt động, phương hướng hoạt động của lực lượng tình báo, kỹ thuật nghiệp vụ trong bảo vệ an ninh quốc gia; xác định các đối tượng, phương án, đối sách đấu tranh, quy trình xử lý tình huống nghiệp vụ đối với các đối tượng, thế lực thù địch trong và ngoài nước có âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia.
0 nhận xét