Ranh giới mong manh giữa khiêu dâm và khỏa thân nghệ thuật
- Lizzie Enfield
- BBC Culture
Trong hơn 100 năm, các nhà hoạt động đã khiến công chúng chú ý tới việc miêu tả cơ thể người phụ nữ khỏa thân trong nghệ thuật. Đã đến lúc ta nhìn lại chúng bằng quan điểm mới.
Vào thời gian xảy ra phong trào Black Lives Matter ở Anh Quốc, cả quốc gia này chú ý tập trung vào bức tượng một nhà buôn nô lệ, trong khi đó, có một nhà hoạt động lại nhấn mạnh đến cách miêu tả hình ảnh phụ nữ trong cách tạc tượng.
Nét gợi tình trong tranh khỏa thân thời Phục hưng
"Hãy nhìn vào cách mà bạn đang bị xã hội hóa để coi đó là chuyện bình thường…" tờ rơi của nhà hoạt động viết, nhấn mạnh đến một tượng đài bên ngoài Trung tâm Trafford ở Manchester.
Bức tượng thể hiện một người đàn ông ngồi rửa chân, vây quanh là một nhóm phụ nữ bán khỏa thân khúm núm quỵ lụy.
Một nội dung khác viết bên cạnh hình ảnh bức tượng ở Iowa, Mỹ - về một phụ nữ bằng đồng không mặc áo, uốn lưng và nâng ngực lên như thể nàng đang cố ý tôn vinh đường rãnh trên cơ thể - tờ rơi này viết: "Iowa như biểu tượng bà mẹ đang dành sự nuôi dưỡng cho con của nàng? Yeah."
Người cầm tờ rơi này là ArtActivistBarbie (AAB - Nhà hoạt động nghệ thuật Barbie), một búp bê Barbie đứng tạo dáng trước các tác phẩm nghệ thuật và tượng đài, và là hiện thân vui vẻ của Sarah Williamson, giảng viên cao cấp ở Đại học Huddersfield.
Williamson bắt đầu dự án như một cách giúp sinh viên tương tác với ý tưởng về nữ quyền, chủ yếu là trong cách nghệ thuật mô tả nữ giới.
"Bằng cách này, tôi có thể nhẹ nhàng dẫn dắt người xem vào cuộc đối thoại," Williamson nói với BBC Culture. "Đó là tiếng nói ngầm về nữ quyền - tiếng nói của tôi, cất lên từ bên thứ ba với AAB, tương tự như người lồng tiếng cho bù nhìn."
Trong một nội dung đăng trên Twitter, ArtActivistBarbie tưởng tượng về người đặt hàng cho bức họa Circe của họa sĩ Wright Barker vẽ năm 1889, miêu tả người phụ nữ để ngực trần với bầy sư tử vây quanh.
"Tôi muốn một cô gái trẻ quyến rũ, bán khỏa thân, vây quanh là bầy thú lớn,' người bảo trợ nghệ thuật nói", nội dung trên Twitter viết.
"Xem thử bức Circe xem sao, là có khoảng 5 đến 6 con hổ?'" họa sĩ nói. 'Mọi người sẽ ngưỡng mộ sự quan tâm uyên bác của ông với Thần thoại Hy Lạp.'"
Với nụ cười nửa miệng, ArtActivistBarbie đặt câu hỏi liệu đây là bức tranh mô tả khung cảnh cổ điển hay chỉ là một bức tranh khiêu dâm kín đáo thời Victoria.
Giáo sư về nghệ thuật cổ điển Mary Beard hỏi câu tương tự trong loạt chương trình truyền hình của bà có tên Cú sốc Khỏa thân (Shock of the Nude), lên sóng đầu năm nay ở Anh Quốc.
Chương trình tìm hiểu nhiều cách mà các nam họa sĩ cố gắng diễn giải sự hiện diện của phụ nữ trần truồng trong tranh vẽ của họ: khỏa thân nằm nghiêng được coi là vô tình bị bắt gặp, còn lúc đang tắm hay đang buồn ngủ lfa lý do có thể dùng để giải thích cho trạng thái không mặc đồ.
Vậy ta đang xem tranh nghệ thuật hay đang xem hình khiêu dâm?
"Đây là câu hỏi phức tạp và bất kỳ ai nghĩ rằng họ biết câu trả lời thì hãy nên xem xét kỹ lưỡng hơn một chút," Giáo sư Beard nói với BBC Culture.
"Quan điểm của tôi là lằn ranh giữa nghệ thuật và khiêu dâm luôn luôn gian trá, và khi nhìn về quá khứ là ta phải nhìn vấn đề trong bối cảnh quá khứ cũng như trong bối cảnh thời đại chúng ta. Ta phải học cách nhìn thẳng vào quá khứ và những lỗi lầm trong quá khứ."
Vấn đề gây tranh cãi
Trong hơn 100 năm qua, các nhà nữ quyền đã gây chú ý tới thái độ kỳ thị giới tính trong thế giới nghệ thuật.
Vào năm 1914, nhà vận động đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, Mary Richardson dùng rìu tấn công bức họa Thần Vệ Nữ Rokeby của Velazquez.
Bức tranh miêu tả Thần Vệ Nữ soi gương, xoay lưng về phía công chúng và để lộ phần mông ở trung tâm bức tranh.
Richardson tuyên bố sự phản kháng của bà một phần nhắm phản đối cách những người đàn ông sững sờ nhìn ngắm bức tranh treo tại Bảo tàng Quốc gia London.
"Phụ nữ liệu có phải trần truồng để được bước vào Bảo tàng Nghệ thuật Trung tâm?" một tấm biển quảng cáo do nhóm vận động nữ quyền nghệ thuật Guerrilla Girls đăng tải vào thập niên 1980 viết.
Vào thời đó có vẻ đúng là như vậy - có chưa đến 4% họa sĩ trong mảng nghệ thuật hiện đại của bảo tàng là nữ giới, nhưng 76% tranh khỏa thân là vẽ phụ nữ.
Với thông điệp thông minh và rõ ràng thông qua biển quảng cáo quy mô lớn, nhóm Guerilla Girls đã gọi tên và chỉ mặt việc giới nghệ thuật coi thường phụ nữ và những nhóm thiểu số khác trong nghệ thuật.
Vào năm 2018, họa sĩ người Anh Sonia Boyce có cách tiếp cận khác khi bà tháo bỏ bức tranh Hylas and the Nymphs của John William Waterhouse, ngay trước mắt công chúng, tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Manchester.
Không gian trên tường, vị trí treo bức tranh miêu tả một nhóm các cô gái trẻ bán khỏa thân dụ dỗ Hylas vào bồn tắm đầy hoa huệ, đã bị để trống trong một tuần.
"Mục đích của tôi là gây chú ý và đặt câu hỏi về cách bảo tàng quyết định cho khách tham quan xem gì, trong bối cảnh gì và dán nhãn chúng là gì," Boyce nói sau khi sự việc gây ra làn sóng phản tác dụng, theo đó phe phản đối cáo buộc sự kiểm duyệt, đúng đắn chính trị (political correctness) và chủ nghĩa nữ quyền cực đoan.
"Gỡ bỏ bức tranh là để bắt đầu một thảo luận, không phải để kích thích cơn phẫn nộ truyền thông." Nó gây ra cả hai. Chủ đề nghệ thuật và khiêu dâm là chủ đề gây tranh cãi.
"Lằn ranh luôn luôn mờ nhạt," Hans Maes, giảng viên lịch sử nghệ thuật ở Đại học Kent, người từng viết chuyên sâu về đề tài này, cho biết.
"Nói chung, mọi người cho rằng khiêu dâm có hai tính chất cơ bản: Nó mô tả trần trụi yếu tố tính dục và mục đích là kích thích người xem về mặt tình dục. Vâng, trong suốt lịch sử và nhiều nền văn hóa, bạn có thể tìm thấy những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại có những tính chất này."
"Hãy nghĩ đến một số tranh ghép ở Pompeii, các tượng điêu khắc Kama Sutra hoặc một số tranh vẽ trần trụi của Gustav Kilmt. Nếu muốn, hãy so sánh bức tranh Maja Khỏa thân của danh họa Goya với bức ảnh cỡ lớn trên tạp chí Playboy và nói tôi nghe xem, ranh giới liệu có bị xóa nhòa chưa."
Năm 2014, nghệ sĩ trình diễn Deborah de Robertis tìm cách thể hiện quan điểm này bằng cách phơi bày thân thể của chính bà trước bức tranh Cội nguồn Thế giới của Gustave Courbet trong Bảo tàng Musée d'Orsay ở Paris, nhằm tái hiện hình ảnh cận cảnh bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
Sau đó, bà đã bị bắt vì khỏa thân trước bức tranh Olympia của Manet, cũng trong bảo tàng Musée d'Orsay.
Mục đích của bà là khơi lên câu hỏi: Tại sao cùng là thể hiện bộ phận cơ thể con người nhưng một thứ thì được coi là nghệ thuật, còn một thứ khác thì lại bị coi là khiêu dâm?
Trong quá khứ, sự kiểm duyệt hình ảnh trần trụi thường bắt nguồn từ những giá trị tôn giáo, từ sự bảo thủ và từ nỗi sợ tha hóa đạo đức.
Ngược lại, các nhà nữ quyền chống lại việc vật thể hóa hình ảnh tính dục vì muốn sự bình đẳng cho phụ nữ, và họ sợ rằng lan tỏa những hình ảnh vật thể hóa này gây bất lợi cho mục đích đó.
Vào thời gian xảy ra sự can thiệp của Boyce ở Manchester, làn sóng nữ quyền thứ tư đang dâng lên giữa làn sóng cáo buộc Harvey Weinstein, Jeffrey Epstein và những người khác. Sự căng thẳng dâng cao trong cách ứng xử với tác phẩm nghệ thuật ra đời dưới những giá trị đạo đức khác biệt so với thời đại của chúng ta.
Bạn không cần phải nhìn rất xa để tìm ví dụ. Benvenuto Cellini một mực muốn sử dụng nữ đồng trinh làm người mẫu và "khai hoa" họ sau khi ông hoàn thành bức vẽ về họ. Eric Gill dùng các con gái của chính mình làm người mẫu và xâm hại tình dục chúng.
"Có lẽ ta nên phân biệt giữa sự sùng bái và sự sáng tạo," Maes nói với BBC Culture. "Nếu ta biết một họa sĩ xâm hại phụ nữ và thái độ xâm hại đó cũng thể hiện trong tác phẩm, thì nó ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm. Tự thân tác phẩm sẽ xuất hiện một cách gớm ghiếc và có vấn đề về đạo đức, một khi bạn biết về chuyện đó."
Trong bộ phim tài liệu gần đây trên Netflix về Jeffrey Epstein, một trong những sĩ quan cảnh sát đến bắt giữ đã bình luận về số lượng tranh khỏa thân treo trong dinh thự của kẻ xâm hại tình dục. Nếu đặt trong phòng tranh, những bức khoả thân tương tự có thể là các tác phẩm được ngưỡng mộ.
"Vâng, đúng là nó khiến bạn phải nghĩ," Sarah Williamson đồng tình. "Có rất nhiều tranh trong các bảo tàng nghệ thuật công là vẽ về những thiếu nữ tuổi dậy thì, khiến người xem thấy khó chịu. Bức tranh Syrinx của họa sĩ Arthur Hacker treo ở Phòng Trưng bày Nghệ thuật Manchester chẳng hạn, tác phẩm này thể hiện một cô gái trẻ, trần truồng, trông rất yếu ớt và sợ hãi và nó khiến tôi cảm thấy cực kỳ không thoải mái khi xem. Nhưng có một kiểu tôn kính với những người đã thành danh với ngôn ngữ Bậc thầy Cổ điển và với các tác phẩm nổi tiếng mà ta đã lĩnh hội, chấp nhận một cách vô thức."
"Ở truồng" hay "khỏa thân"?
Vẽ tranh tả thực người mẫu khỏa thân vẫn chiếm vị trí quan trọng trong giáo dục nghệ thuật hiện đại, và đa số người mẫu vẫn là nữ giới; nhưng trong "sự tôn nghiêm" của xưởng vẽ, những phụ nữ này không phải ở truồng mà là "khỏa thân", và họ không cởi truồng mà là "thoát y".
"Nhưng tất nhiên, những ánh nhìn của nam giới vẫn tồn tại trong lớp vẽ tả thực," Mary Beard nói, người mà chính bản thân bà cũng làm mẫu trong cuộc điều tra của bà cho chương trình "Cú sốc Khỏa thân".
"Có nhiều cách mà văn hóa cố gắng loại bỏ nó và những công cụ ngôn ngữ được sử dụng để cố gắng loại bỏ yếu tố tính dục. Nhưng nó vẫn hiện diện."
"Tạo dáng hầu như là thứ mà tôi hi vọng tránh phải làm," người mẫu Fra Beecher viết trong một blog về việc làm mẫu chân dung trên mạng trong thời gian cách ly, trong đó cho thấy cô để ý đến ánh nhìn của nam giới.
"Tôi không bao giờ cho phép chụp ảnh khi tôi đang làm mẫu. Tôi tự hỏi liệu có thể cân bằng cảm xúc bản thân về hình ảnh khỏa thân với nỗi sợ hình ảnh khỏa thân của mình xuất hiện trên mạng hay không."
Một người mẫu khác thể hiện lo lắng rõ ràng về việc khi rời xa không gian kiềm tỏa của phòng vẽ, những người tham dự có thể thoải mái thủ dâm thay vì chú tâm vào việc vẽ tranh.
Lo lắng của cả hai người phụ nữ này là làm sao có thể thấy được lằn ranh mỏng manh giữa nghệ thuật và khiêu dâm, và việc phải vượt qua được vấn đề này phức tạp ra sao.
Trong một cuộc phỏng vấn, Mary Beard cho rằng khỏa thân luôn có nguy cơ bị biến thành "khiêu dâm mềm cho giới tinh hoa", và nhận xét này đã bị tấn công bởi những bình luận về bài báo và trên Twitter.
Giống như Boyce, bà phát hiện ra rằng việc cố gắng tạo ra một cuộc thảo luận về chủ đề này sẽ có xu hướng gây ra tâm lý thù nghịch thay vì gợi mở sự quan tâm.
Đó cũng là lý do khiến ArtActivistBarbie, một cô búp bê nhựa bị giới nữ quyền coi là kẻ thù vì định kiến giới, là ý tưởng thông minh của người sáng tạo ra cô.
"Vấn đề là cần thảo luận và bắt đầu nhìn mọi thứ khác đi," Sarah Williamson cho biết. "AAB khiến điều này có thể được thực hiện một cách vui vẻ và dễ chịu, và từ đó cố gắng tạo ra một thế giới bình đẳng hơn cho nữ giới, để họ không phải chỉ là một thứ vật thể trong ánh nhìn của đàn ông."
Một trong những nội dung đăng tải có nhiều bình luận nhất của ArtActivistBarbie, là cảnh cô búp bê tạo dáng ở phòng triển lãm, ngay trước bức tranh Le Déjeuner sur l'herbe của Manet.
Trong bức tranh đầu tiên, Barbie cũng trần truồng giống người phụ nữ trong tranh và hai người bạn nam giới của cô mặc quần áo đầy đủ. Nhưng sau đó thiết kế trong tranh bị đảo ngược, với Barbie khoác tấm khăn choàng, trong khi hai người đàn ông lại ở truồng.
Đó là sự đối sánh thú vị và dĩ nhiên là khiến bạn phải suy nghĩ.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
0 nhận xét