Ở nơi chuối là linh thiêng và phép màu chữa lành bệnh
- Meenakshi J
- BBC Travel
Hồi 10 năm về trước, khi ấy vừa mới kết hôn, tôi dừng lại ở một xe bán chuối bên đường ở thị trấn Nagercoil, miền nam Ấn Độ, gần nhà chồng để chọn một ít chuối về làm nghi lễ tôn giáo.
Tôi trố mắt nhìn những nải chuối ngon lành, từ hình dáng thông thường có màu vàng đến những nải chuối sắc hồng, đỏ và tím khác nhau. Chúng được treo ngược bằng móc sắt lên trần của xe chuối như tặng vật tưởng thưởng. Mỗi nải chuối có gắn tên từng giống chuối bản địa - poovan, chevvazhai, matti pazzham và nhiều loại khác.
Phát cuồng vì dosai, món ăn nhanh cực ngon của Ấn Độ
Tôi chưa từng nhìn thấy nhiều giống chuối như vậy trong suốt thời gian lớn lên ở Hyderabad, thủ phủ của bang Telangana ở Ấn Độ, cách Nagercoil 1.200km về phía bắc.
Tôi chỉ biết đến chuối đơn giản là aratipandu trong tiếng Telugu (và vaazhaipazham trong tiếng Tamil, kela trong tiếng Hindi). Nhưng ở đây tại Nagercoil, có khoảng 12 đến 15 giống chuối, mỗi loại có tên và mục đích sử dụng riêng. Đột nhiên, cuộc sống có vẻ như đơn giản hơn trước khi cưới, vì giờ đây tôi đang chìm vào vùng đất đầy các loại chuối.
Chuối là loại trái cây được sử dụng phong phú và được kính ngưỡng nhất ở Ấn Độ kể từ thời xa xưa tới nay.
Nhờ khả năng sinh tồn, sự phong phú và giá rẻ, chuối là loại trái cây mà người ta nghĩ đến gần như trong mọi dịp, và cả cây chuối đã ăn sâu vào từng tầng lớp văn hóa của đất nước này.
Người ta thu hoạch các loại chuối bản địa khắp nơi ở Ấn Độ, mà chuối thì mọc đầy khắp nơi cả trong vườn trồng và ngoài đồng hoang ở các vùng như Nagercoil, phần lớn nhờ vào khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và điều kiện đất đai nhiều mùn và màu mỡ ở những vùng thuộc trung tâm khu vực Ghats Tây ở miền Nam Ấn Độ.
Người ta tin rằng chuối là một trong những loại trái cây được con người hái về sớm nhất và nhiều nhất trên thế giới, và nó đã vươn ra rất xa khỏi nguồn gốc khiêm tốn ở Ấn Độ và Đông Nam Á.
Ngày nay, chuối là một trong những loại trái cây được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Thậm chí trong thời đại dịch này, công thức làm bánh mì chuối dễ làm và ngon lành cũng trở thành xu hướng tìm kiếm trên Google toàn cầu.
Ghi chép trong lịch sử viết rằng Alexander Đại Đế đã rất thích thú với vị ngon hấp dẫn của kadali phalam (tức là chuối trong tiếng Phạn), và ngài đã đem chuối từ Ấn Độ đến Trung Đông, nơi chuối được các thương lái Ả Rập đặt tên mới là banan (tiếng Ả Rập có nghĩa là ngón tay).
Sau đó, chuối đến Châu Phi, Châu Mỹ Latin và vùng biển Caribbe từ thế kỷ 15, và rồi du hành lên phía bắc, đến Bermuda. Từ Bermuda, chuối được đưa đến Anh làm món trái cây mới trong thế kỷ 17 và 18.
Vào năm 1835, người thợ làm vườn ở Chatsworth Estate tại Derbyshire có tên là Joshep Paxton đã thu hoạch và trồng một loại chuối màu vàng mới và đặt tên nó là musa cavendishii, lấy theo họ của ông chủ mình là William Cavendish.
Dù có kích cỡ khá nhỏ và có vị khá nhạt nhẽo khi so với các giống chuối khác, nhưng sự đồng đều trong các trái chuối Cavendish cùng khả năng kháng bệnh và năng suất cao đã khiến giống chuối này trở thành con cưng của thế giới phương Tây.
Ở Ấn Độ, giống chuối Cavendish G9 cao sản (xuất xứ từ Israel) giờ đây được sản xuất thương mại hóa khắp cả nước; tuy nhiên, các giống chuối bản địa - và họ hàng của chúng là chuối lá (plantain) - vẫn được thu hoạch, chủ yếu là ở phần miền Nam Ấn Độ.
Người dân bản địa vẫn thường ca ngợi các giống chuối poovan, mondan và peyan (tên được đặt theo ba vị thần trong Đạo Hindu là Brahma, Vishnu và Shiva) vì khả năng thích nghi, hương vị và kết cấu thơm ngon của chúng.
Ở Ấn Độ, chuối được coi là có thể chữa lành cho mọi loại bệnh, cả thể xác lẫn tinh thần.
Hồi tôi còn nhỏ thì tôi thấy vị hơi mềm và dính của chuối chín không lấy gì làm hấp dẫn. Nhưng tôi vẫn còn nhớ mình đã chén hết cả nải chuối vì mẹ nài nỉ tôi ăn chuối giúp tăng cường hệ miễn dịch sau khi bị sốt vàng da, còn bà nội thì khuyên tôi ăn chuối sau khi nó được cúng lễ trong nghi thức tôn giáo và được coi là món đồ cúng thiêng liêng prasadam.
Ngày nay, mọi người cho rằng ăn chuối thì tốt nhiều bề cho sức khỏe. Trong chuối chín có nhiều phốt pho, canxi, vitamin B6 và vitamin C, và chuối là nguồn cung cấp chất xơ và carbohydrates dồi dào.
Tuy nhiên, ở Ấn Độ, mọi người hàng ngàn năm nay đã coi chuối như thuốc chữa bệnh. Cây chuối được coi là loài cây linh thiêng và người ta sử dụng tất cả các phần của cây: trái chuối để ăn, lá , hoa và bẹ chuối dùng làm thuốc trị bệnh.
"Một quả chuối chín chứa đầy kapha [nghĩa là có những nguyên tố sống như nước và đất] và được dùng trong chữa trị nhiều loại rối loạn về da ở Ayurveda," bác sĩ Sreelakshmi, cố vấn cao cấp Ayurveda từ công ty Naad Wellness ở Delhi cho biết.
Ngoài ra, ở Ayurveda, hoa chuối và thân chuối cũng được dùng chữa bệnh tiểu đường, và nhựa cây (có tính kết dính và co lại) được dùng để trị bệnh phong và động kinh, cũng như dùng để điều trị các vết côn trùng cắn.
Theo Sreelakshmi giải thích, các chứng rối loạn tâm lý như cao huyết áp và mất ngủ cũng được điều trị bằng liệu pháp có tên là thalapothichil, theo đó đầu người bệnh được đắp một hỗn hợp dược chất và sau đó quấn lại bằng lá chuối, giúp cho tâm trí người đó bình tĩnh lại.
Chuối cũng là loại trái cây duy nhất được ghi chép trong Chánh tạng Pali (nền tảng giáo lý Phật học của trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy), Kinh Vệ Đà và Bhagavad Gita (một phần trong bộ sử thi vĩ đại nhất viết bằng tiếng Phạn của Ấn Độ cổ, trường ca Mahabharata), và tạo thành bộ ba trái cây, cùng với xoài và mít, được gọi là mukkani trong văn học Tamil Sangam.
Trong Ấn Giáo, cây chuối được coi là Đức Brihaspati (Sao Mộc), người coi giữ đền thờ trong Ấn Giáo.
Cây chuối còn được coi là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở và quảng đại. Vì vậy, ở miền Nam Ấn Độ, người ta đặt một cặp cây chuối đang trổ hoa ở hai bên hoặc cửa vào nhà hoặc tại nơi diễn ra đám cưới, nơi có nghi lễ tôn giáo và các dịp đặc biệt.
Ở Bengal, trong lễ hội Durga Pujo, một bức tượng nhỏ tượng trưng cho nữ thần Durga (là nữ thần chiến tranh và năng lượng nữ tính trong Ấn Giáo) được làm bằng cây chuối, khoác tấm áo choàng saree màu vàng với đường viền đỏ. Hình hài này của nữ thần được gọi là Kola Bou, kola có nghĩa "chuối" và bou có nghĩa là "Bà" trong tiếng Bengali.
Khi nhắc đến chuối ở Ấn Độ, bạn có rất nhiều chọn lựa dù là chuối chín hay chuối xanh.
Các loại chuối dễ tiêu hóa như mati pazzham được dùng làm thức ăn cho em bé, còn những loại khác như nendran và rasthali, vì vòng đời kéo dài và lượng nước trong chuối thấp, thường được sử dụng trong các món ăn truyền thống và hiện đại của Ấn Độ.
"Chúng tôi gọi chuối là 'kele' trong tiếng Konkani [ngôn ngữ nói ở vùng Konkan dọc theo vùng Ghats Tây], và đó là nguyên liệu trong ẩm thực truyền thống Konkani," Shantala Nayak Shenoy, người viết trang blog ẩm thực The Love of Spice, cho biết.
"Tôi thường thích làm món kele upkari [chuối xanh xào nhạt] và kele koddel [cà ri nước dừa cay], rồi dùng chuối chín ngon lành làm món kele phodi giòn (với bột đậu gà chiên giòn) và kele halvo (chè chuối bột báng). Có cách để thưởng thức những món ăn khoái khẩu nhất với chuối."
Đầu bếp Vignesh Ramachandran, đồng chủ sở hữu nhà hàng Once Upon A Time ở Hyderabad, cho biết, "Chúng tôi đem nướng những miếng chuối xanh đã tẩm ướp thay cho cá trong món saiva meen kuzhambu, một cách cải biên món cà ri cá meen kuzhambu thành món chay. Chuối xanh lên trên cà ri giống như cá trong món truyền thống."
Tôi cứ ngỡ là mình đã biết hết các cách dùng chuối ở Ấn Độ cho tới khi tôi gặp Sekar C, một thợ dệt người vùng Anakaputhur, ngoại ô Chennai, người làm những tấm áo saree thân thiện với môi trường từ chất thải từ chuối và chất xơ tự nhiên của chuối. Ông phụ trách một nhóm gồm 100 phụ nữ, làm nghề dệt áo saree từ sợi cotton và xơ chuối nhiều năm nay.
Dù là chuối xanh hay chín, là quả hay hoa, là chuối Cavendish hay poovan, người Ấn Độ quả là may mắn vì có nhiều loại chuối khác nhau, thứ cây khiêm tốn, dễ thích nghi.
Và khi người ta càng khám phá nhiều hơn về đất nước này, nơi chuối được coi là linh thiêng, thì họ càng phát hiện nhiều điều kinh ngạc.
Trở lại với Nagercoil, vùng đất của chuối, giờ đây tôi không còn trố mắt nhìn nữa mà đã biết tự tin chọn chuối rasakadali hay còn gọi là matti pazham, là loại chuối được coi là điều lành trong tôn giáo.
Tôi cũng thường mua cả ký các loại chuối chiên giòn ngon lành làm quà vặt. Mỗi miếng chuối kể câu chuyện về thị trấn và di sản chuối của nơi này.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
0 nhận xét