Katalin Kariko, nhà khoa học Hungary đứng sau vac-xin Pfizer/ BioNTech
RFI
Đăng ngày:
Trong vài tuần lễ, Katalin Kariko đã trở thành cái tên gắn liền với vật liệu di truyền ARN thông tin, công nghệ giúp Pfizer và BioNTech phát triển thành công vac-xin phòng Covid-19 đang được đưa vào tiêm chủng rộng rãi. Chạy khỏi Hungary trong những năm 1980, nhà nghiên cứu sinh hóa đến định cư tại Pennsylvania, Hoa Kỳ. Bà đã phải đấu tranh để các nghiên cứu của bà được thừa nhận. Vài nét chân dung về nhà khoa học ở phía sau vac-xin của Pfizer/ BioNTech
« Cứu thế ! Tôi hít một hơi thở thật mạnh, tôi phấn khích đến mức sợ mình chết mất .» Katalin Kariko đã kể lại với nhật báo The Telegraph về những phản ứng của mình khi thông báo kết quả công hiệu của loại vac-xin do Pfizer và BioNTech triển khai bào chế.
Sau gần bốn mươi năm nỗ lực, các nghiên cứu của bà về vật liệu di truyền ARN thông tin, được dùng để bào chế vac-xin phòng Covid-19, cuối cùng đã được công nhận và sẽ giúp thế giới chống đại dịch virus corona. « Tôi không tưởng tượng được công nghệ này lại được quan tâm như vậy. Tôi không chuẩn bị để xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu », bà nói thêm.
Trong vòng vài tuần, nhà khoa học người Hungary, đang sống ở Pennsylvania, từ một người còn xa lạ với công chúng đã trở thành một ngôi sao mới trong thế giới khoa học.
Tuy nhiên Katalin Kariko là một người từ rất xa đến. Sinh ra cách nay 65 năm tại Szolnok, miền trung Hungary, giữa chế độ Cộng Sản. Bà lớn lên tại Kisújszállás, có cha làm nghề bán thịt. Là người say mê khoa học, bà bắt đầu sự nghiệp từ tuổi 23 tại Trung tâm nghiên cứu sinh học của đại học Szeged, nơi bà đã bảo vệ luận án tiến sĩ. Chính tại đó bà bắt đầu quan tâm đến vật liệu di truyền ARN thông tin, những phân tử dưới hình thức mã di truyền tạo cho tế bào khả năng sản sinh ra các protein có lợi cho cơ thể người.
Nhưng trong các phòng thí nghiệm Hungary, các phương tiện thiếu thốn. Hơn thế, ở tuổi 30, nhà khoa học bị sa thải khỏi trung tâm nghiên cứu. Và thế là bà chọn nhìn sang bên kia bờ Đại Tây Dương. Năm 1985 bà được nhận làm việc tại Temple University, Philadelphia. Khi đó tại Hungary cũng như các nước XHCN khác, chuyển ngoại tệ ra khỏi nước bị cấm. Mặc dù vậy, Katalin Kariko đã bán chiếc xe hơi của gia đình và giấu tiền vào trong con gấu nhồi bông của đứa con gái Susan Francia, khi đó mới 2 tuổi. « Đó là chuyến đi một chiều. Chúng tôi không hề quen biết ai », bà đã kể lại với Business Insider.
Giấc mơ Mỹ đã có thể bắt đầu
Thế nhưng không phải mọi chuyện đều diễn ra như dự định. Cuối những năm 1980, cộng đồng khoa học chỉ tập trung nghiên cứu ADN mà họ cho rằng có khả năng chuyển hóa các tế bào và việc đó có thể chữa trị các loại bệnh như ung thư hay bệnh tràn dịch nhầy phổi (mucoviscidos).
Nhà nghiên cứu Hungary vẫn tiếp tục chú tâm đến ARN thông tin, với hy vọng vật liệu di truyền này sẽ cung cấp cho tế bào những chỉ dẫn để có thể tự sản sinh ra các loại protein trị liệu. Giải pháp này cho phép tránh phải thay đổi gien đơn bội của các tế bào. Nhưng công nghệ này lại làm dấy lên các chỉ trích vì nó kéo theo các phản ứng viêm nhiễm mạnh, ARN thông tin được hệ miễn dịch coi như thành phần xâm nhập lạ.
Năm 1990, đơn xin học bổng đầu tiên của bà bị từ chối. Trong những năm tiếp theo, các đơn xin học bổng của bà vẫn liên tiếp không được xét. Năm 1995, đại học Pennsylvania, nơi bà sắp được công nhận hàm giáo sư, đã làm tham vọng của bà bị dừng lại khi hạ bà xuống hàng các nhà nghiên cứu thông thường. Trả lời trang y học Stat bà nói : « Bình thường đến giai đoạn đó, mọi người nói tạm biệt và ra đi. Tôi đã nghĩ đi nơi khác hay làm một việc gì đó khác. Tôi tự hỏi có phải mình chưa đủ giỏi hay chưa đủ thông minh chăng ? Giới khoa học cũng phải đối mặt với tình trạng phân biệt giới."
Mặc dù khó khăn, Katalin Kariko vẫn bám trụ và cống hiến quên mình cho đam mê khoa học. « Nhìn từ ngoài vào có vẻ như chuyện điên rồ khó hiểu, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi ở trong phòng thí nghiệm », bà thổ lộ với Business Insider. « Chồng tôi luôn nói đó là cách giải khuây với tôi. Tôi không nói là tôi đi làm. Với tôi, công việc như là trò chơi. »
Trong cùng lúc, bà phải vật lộn để có tiền trang trải học hành của cô con gái. Bà là người đã truyền cho con gái quyết tâm vượt qua mọi thử thách. Cô bé cầm con gấu nhồi bông giấu ngoại tệ của mẹ năm nào đã tốt nghiệp đại học Pennsylvania và sau đó đã giành huy chương vàng Olympic 2008 và 2012 trong đội đua thuyền của Hoa Kỳ.
Cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt
Năm 1997, một cuộc gặp gỡ đơn thuần bên chiếc máy sao chụp (photo-copie) cuối cùng đã thay đổi số phận Katalin Kariko.
Bà quen biết nhà miễn dịch học Drew Weissman, khi đó đang nghiên cứu một loại vac-xin ngừa HIV. Họ đồng ý hợp tác và triển khai nghiên cứu cách để giúp cho ARN tổng hợp không bị hệ miễn dịch nhận biết.
Phát hiện của họ được công bố năm 2005 và được cộng đồng khoa học khen ngợi. Cặp đôi tiếp tục các nghiên cứu và họ đã thành công đặt được phân tử ARN quý giá vào trong những hạt nano lipide, một dạng vỏ bọc tránh cho phân tử ARN bị suy thoái quá nhanh và dễ dàng xâm nhập vào tế bào.
Từ những kỹ thuật đó mà các phòng thí nghiệm Moderna và BioNTech/Pfizer đã có thể triển khai các cách thức phản ứng với Covid-19. Cả hai loại vac-xin đều dựa trên một chiến lược nhằm đưa những mệnh lệnh di truyền vào trong tế bào để kích hoạt phản ứng sản sinh ra một loại protein tương tự như protein của virus corona và để gây ra phản ứng miễn dịch.
Nhờ công trình nghiên cứu và ứng dụng đó của họ, Dew Weissma, và Katalin Kariko giờ đây được cho là có thể nhận giải Nobel. Sau bao nhiêu năm ở bên lề, nhà khoa học Hungary giờ đây nắm giữ một vị trí cao trong phòng thí nghiệm Đức BioNTech.
Sau khi biết tin vac-xin của Pfizer và BioNTech được chấp nhận, Katalin Kariko có thể tận hưởng thành công của mình, nhưng giờ chưa phải lúc mở sâm banh ăn mừng như bà bày tỏ với CNN : « Chúng ta sẽ ăn mừng mọi việc khi những nỗi đau khổ của nhân loại đã lùi lại sau chúng ta, khi những thử thách và thời kỳ kinh hoàng này kết thúc. Ngày đó sẽ tới, tôi hy vọng vào mùa hè tới, khi chúng ta quên đi virus và vac-xin. Khi đó, tôi sẽ ăn mừng thực sự ».
(Theo AFP và France 24.com)
0 nhận xét