Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 13/07/2019

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019 16:59 // ,

Tin khắp nơi – 13/07/2019

Trung Quốc yêu cầu Mỹ

chớ cho Tổng thống Đài Loan ghé thăm

Trung Quốc chỉ trích chuyến thăm ngắn của Tổng thống Đài Loan tới Mỹ, nói rằng chuyện này vi phạm nguyên tắc “một nước Trung Hoa”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng ngày 12/7 thúc giục Hoa Kỳ ngưng các hoạt động trao đổi chính thức với Đài Loan và chớ cho phép Tổng thống Thái Anh Văn quá cảnh.
Bà Thái đang có mặt tại New York và sẽ lưu trú 2 đêm trên đường thực hiện chuyến công du chính thức tới 4 nước Ca-ri-be.
Tại chặng dừng New York, bà diễn thuyết trước một cuộc họp của giới doanh nghiệp Mỹ-Đài Loan hôm 12/7 và tham dự bữa ăn tối với các thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Đài Loan.
Hoa Kỳ vẫn đang cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác cho Đài Loan. Hòn đảo tự trị này tách ra hỏi Trung Quốc trong cuộc nội chiến năm 1949.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-m%E1%BB%B9-ch%E1%BB%9B-cho-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-%C4%91%C3%A0i-loan-gh%C3%A9-th%C4%83m/4998811.html

Ngũ Giác Đài gấp rút khảo sát

 sản lượng đất hiếm của Hoa Kỳ trong bối cảnh

tranh chấp thương mại với Trung Cộng

Theo tin từ Reuters, Ngũ Giác Đài đang nhanh chóng đánh giá tiềm năng đất hiếm của Hoa Kỳ trong cuộc đua để giành nguồn cung cấp vật liệu chuyên dụng ổn định, trong bối cảnh xung đột thương mại với Trung Cộng, quốc gia kiểm soát ngành công nghiệp đất hiếm.
Hành động này được thực hiện vài tuần sau khi Trung Cộng đe dọa hạn chế lượng đất hiếm xuất cảng sang Hoa Kỳ. Đất hiếm là một nhóm 17 khoáng sản được sử dụng để chế tạo máy bay chiến đấu, xe tăng và một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng. Theo tài liệu có ghi ngày 27 tháng 6 được hãng tin Reuters xem qua, Ngũ Giác Đài đang muốn các nhà khai thác mô tả kế hoạch phát triển các mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm của Hoa Kỳ, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất chi tiết hóa nhu cầu của họ đối với khoáng sản. Các công ty này được yêu cầu hồi đáp trước ngày 31 tháng 7, một khung thời gian ngắn đã nhấn mạnh sự cấp bách của Ngũ Giác Đài.
Năm tài chính của chính phủ Hoa Kỳ sẽ kết thúc vào tháng Chín. Hồi đáp của các công ty sẽ được xem xét bởi hai nhà thầu của chính phủ, trong đó có Northrop Grumman.
Đây là một dấu hiệu cho thấy mức độ phát triển nhanh mỏ đất hiếm trong cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ngu-giac-dai-gap-rut-khao-sat-san-luong-dat-hiem-cua-hoa-ky-trong-boi-canh-tranh-chap-thuong-mai-voi-trung-cong/

Lầu Năm Góc tính cách chặn ảnh hưởng

“chưa từng có” của TQ tại Nam Mỹ

Tầm ảnh hưởng “chưa từng có” của Trung Quốc tại khu vực Nam Mỹ khiến các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cảm thấy lo ngại và phải tính toán phương án đối phó.
Trong báo cáo đệ trình lên Tiểu ban Các mối đe dọa Mới nổi thuộc Bộ Tư lệnh Nam Mỹ hôm 10/7, Đô đốc Craig Faller, chỉ huy Bộ Tư lệnh Nam Mỹ, đã cảnh báo rằng, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Mỹ đã đạt đến mức độ “chưa từng có”, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có cách tiếp cận toàn diện để đối phó với vấn đề này.
Theo Đô đốc Faller, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để “đặt chân vào khu vực láng giềng” của Mỹ, “tìm cách thế chân Mỹ với tư cách là một đối tác” của các nước trong khu vực Nam Mỹ, đồng thời “làm suy yếu cam kết của các đối tác Mỹ về quy tắc luật pháp và dân chủ”.
“Các quan hệ đối tác mạnh mẽ, vốn được thúc đẩy bởi các cam kết, sự hiện diện, trao đổi thông tin và tình báo, giáo dục và đào tạo, là bức tường thành vững chắc của chúng ta để đối phó với tầm ảnh hưởng của các thế lực xấu trong khu vực”, Đô đốc Faller cho biết.
Báo cáo của chỉ huy Bộ Tư lệnh Nam Mỹ cho rằng, mặc dù Nga và Iran cũng là các nhân tố đang tìm cách gây ảnh hưởng tại khu vực để làm phát sinh các vấn đề với Mỹ, song Trung Quốc mới là nước có vai trò “thống trị” và đáng lo ngại nhất.
Về cơ bản, Trung Quốc đang tiếp cận khu vực Nam Mỹ, nơi được coi là “sân sau” của Washington, bằng nguồn tiền dồi dào hơn Lầu Năm Góc. Đô đốc Faller nhận định “mục tiêu của Trung Quốc là trở thành nhà đầu tư và chủ nợ lớn nhất khu vực”.
“Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng kim ngạch thương mại với khu vực này lên tới 500 tỷ USD vào năm 2025. Với 19 quốc gia trong khu vực đang tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và các cam kết cho vay ít nhất 150 tỷ USD, Bắc Kinh đang biến sức mạnh kinh tế này thành ảnh hưởng chính trị”, ông Faller cho biết.
Lầu Năm Góc tính cách chặn ảnh hưởng “chưa từng có” của Trung Quốc tại Nam Mỹ – 2
Đô đốc Faller cũng chia sẻ câu chuyện về cuộc gặp của ông với bộ trưởng Quốc phòng của một nước thuộc khu vực Nam Mỹ. Bộ trưởng này cho biết nước ông đã nhận được khoảng 1,5 triệu USD từ Mỹ để hỗ trợ an an ninh, trong khi Trung Quốc viện trợ tới 23 triệu USD tiền mặt.
“Đó là thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng ta không thể cạnh tranh về số lượng. Chúng ta phải cạnh tranh về chất lượng và tốc độ”, chỉ huy Bộ Tư lệnh Nam Mỹ cho biết.
Theo Đô đốc Faller, một trong những cách để khắc phục tình trạng trên là dựa vào mối quan hệ lâu dài giữa Bộ Quốc phòng Mỹ với lãnh đạo của các lực lượng quân sự trong khu vực. Nhiều người trong số họ từng theo học các học viện quân sự của Mỹ trong nhiều năm. Ông Faller lấy ví dụ về trường hợp của El Salvador, nơi có cả bộ trưởng quốc phòng và tư lệnh quốc phòng theo học tại các học viện quân sự của Mỹ khi còn trẻ.
“Thẳng thắn mà nói, Trung Quốc và Nga không thể cạnh tranh với hệ thống của chúng ta. Họ đang cố gắng. Họ đang hiện diện ở khu vực này. Ở mỗi nơi tôi đến, các lãnh đạo quốc phòng đều nói “Trung Quốc đã tới, họ cung cấp cho chúng tôi giáo dục miễn phí, đi lại không
giới hạn, cơ hội theo học tại các trường của họ”. Tuy nhiên, thông điệp tôi nhận được từ các đối tác của chúng ta đó là, “chúng tôi không muốn huấn luyện với họ (Trung Quốc), chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác với Mỹ””, Đô đốc Feller nói.
Liên quan tới việc triển khai lực lượng quân sự trong khu vực, Đô đốc Faller chỉ ra 2 nhóm năng lực chính mà Mỹ cần tập trung. Thứ nhất, đẩy mạnh năng lực tình báo, trinh sát và giám sát, đặc biệt trong việc theo dõi tình hình tại Venezuela. Thứ hai, tăng cường hiện diện của các khí tài hải quân hiện đại như triển khai các tàu tác chiến ven biển.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29256-lau-nam-goc-tinh-cach-chan-anh-huong-chua-tung-co-cua-tq-tai-nam-my.html

Hoa Kỳ tăng cường trừng phạt lãnh đạo Hezbollah,

nhưng sẵn sàng đàm phán

Tin từ BEIRUT, Lebanon – Vào hôm thứ Sáu (12/7), lãnh đạo của Hezbollah cho biết rằng Washington đang tìm cách mở các đường dây liên lạc, bất chấp việc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại các viên chức của phong trào ủng hộ Iran này.
Các lệnh trừng phạt mới trong tuần này đã đánh dấu lần đầu tiên Hoa Kỳ nhắm vào các nhà lập pháp của Shi’ite Hezbollah, một tổ chức được vũ trang, và là một phần của chính phủ liên minh của Lebanon. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã bổ sung ba nhân vật Hezbollah vào danh sách trừng phạt của họ, bao gồm hai thượng nghị sĩ người Lebanon và một viên chức an ninh.
Kể từ năm 2017, Hoa Kỳ đã nêu tên 50 người và các tổ chức liên quan đến Hebzollah, là nhóm được Washington phân loại là một tổ chức “khủng bố”.  Vào hôm thứ Ba (9/7), một viên chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng thông điệp này đồng nghĩa với việc phần còn lại của chính phủ Lebanon “cần phải cắt đứt mối liên hệ của họ với các viên chức này”.
Vào hôm thứ Tư (10/7), Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri cho biết rằng các lệnh trừng phạt đã chuyển sang một “hướng mới”, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến công việc của chính phủ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-tang-cuong-trung-phat-lanh-dao-hezbollah-nhung-san-sang-dam-phan/

Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức

Hội nghị cấp Bộ trưởng Thăng tiến Tự do Tôn giáo

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xem tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao khi mời những nạn nhân bị đàn áp tôn giáo đại diện cho người dân Triều Tiên, người thiểu số Rohingya, người Uighur, và cả người Việt nêu bật sự cấp bách của vấn đề tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Thăng tiến Tự do Tôn giáo diễn ra từ ngày 16-18/7 tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington DC.
“Đây là một sáng kiến về chính sách ngoại giao quan trọng của Hoa Kỳ,” Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Sam Brownback, nói. Vẫn theo lời ông, đây là vấn đề chưa được chú trọng đúng mức trên toàn thế giới giữa lúc việc đàn áp tôn giáo đã gia tăng trong những năm gần đây.
Hơn 1.000 đại diện của nhiều tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự, cũng như các Bộ trưởng ngoại giao, sẽ tham gia sự kiện kéo dài ba ngày tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào tuần tới để thảo luận về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới.
Diễn giả bao gồm Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình , một phụ nữ Yazidi Iraq bênh vực cho phụ nữ tại miền bắc Iraq, và mục sư phúc âm Mỹ Andrew Brunson, người được trả tự do sau 2 năm bị giam tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc sứ Mỹ nói chính phủ các nước đã bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách Các Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt (CPC) vì vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo trong đó có Trung Quốc và
Myanmar không được mời dự hội nghị vì hội nghị chú trọng đến những quốc gia và chính phủ mong muốn tiến tới tự do tôn giáo.
(Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ)
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%99-ngo%E1%BA%A1i-giao-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-c%E1%BA%A5p-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-th%C4%83ng-ti%E1%BA%BFn-t%E1%BB%B1-do-t%C3%B4n-gi%C3%A1o-/4998515.html

Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng

trị giá 733 tỉ đô

Hạ viện Mỹ ngày 12/7 thông qua ngân sách quốc phòng trị giá 733 tỉ đô la, bất chấp đe dọa phủ quyết của Tổng thống Donald Trump bằng, cách gộp vào những điều khoản ngăn chặn việc tài trợ cho bức tường thành mà ông Trump dự trù xây dựng tại biên giới với Mexico.
Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng năm 2020 với 220 phiếu thuận, 197 phiếu chống. Không có dân biểu Cộng hòa nào bỏ phiếu thuận và một số dân biểu Dân chủ cấp tiến nhất chống lại ngân khoản này vì muốn giảm bớt chi tiêu quốc phòng.
Phe Cộng hòa đối lập, chống lại dự luật, chuẩn bị cho một cuộc tranh đấu quyết liệt vào cuối năm nay về những điều khoản trong dự luật có thể đe dọa thành tích của Quốc hội thông qua chi tiêu quốc phòng hàng năm trong gần 6 thập niên.
Bản văn dự luật được Hạ viện do đảng Dân chủ thông qua có một vài điều khoản làm cho ông Trump nổi giận vì cấp cho quân đội ít hơn 17 tỉ đô la theo như ông mong muốn và từ chối ngân khoản ông cần để xây bức tường trên biên giới với Mexico.
Dự luật của Hạ viện cũng bao gồm một tu chính cấm ông Trump tấn công Iran mà không được Quốc hội chấp thuận trước. Tu chính này được xem là quan trọng hầu đạt đủ sự ủng hộ các các thành viên Dân chủ cấp tiến nhất để ngân sách quốc phòng được Hạ viện thông qua.
Dự luật ngân sách quốc phòng vẫn còn vài bước nữa để trở thành luật. Trong những tháng tới, các nhà lập pháp phải đạt được một dự luật có tính cách thỏa hiệp giữa văn bản được Hạ viện thông qua và dự luật đã được Thượng viện do phe Cộng hòa của ông Trump chấp thuận.
Có một số khác biệt chính yếu giữa hai văn bản. Thượng viện cấp 750 tỉ đô la cho Ngũ Giác Đài và không bao gồm một số điều khoản nhằm hạn chế quyền hành của ông Trump chuyển ngân khoản quốc phòng để xây bức tường biên giới hay điều động binh sĩ hoạt động tại biên giới.
Trong khi đó, dự luật của Hạ viện cấm ông Trump không được điều động các loại vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp cũng như cho phép các tù binh bị giam tại căn cứ quân sự ở Vịnh Guantanamo được chuyển về Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-m%E1%BB%B9-th%C3%B4ng-qua-ng%C3%A2n-s%C3%A1ch-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-tr%E1%BB%8B-gi%C3%A1-733-t%E1%BB%89-%C4%91%C3%B4-/4998796.html

Vụ Cambridge Analytica:

 ’Facebook bị phạt 5 tỷ đô la’

Một ủy ban của chính phủ Mỹ phê duyệt khoản phạt kỷ lục 5 tỷ đô la đối với Facebook trong cuộc điều tra việc vi phạm quyền riêng tư, truyền thông Hoa Kỳ cho biết.
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra cáo buộc rằng hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook.
Anh có thể phạt Google, Facebook vì ‘nguy hại online’
Google ‘trả tiền phạt ở Nga’
Facebook là tâm điểm điều tra quản lý dữ liệu của Ireland
Quốc hội Anh muốn Facebook ‘chấn chỉnh ngay’
Động thái trên được FTC thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu 3-2, các nguồn tin nói với truyền thông Mỹ.
Facebook và FTC trả lời BBC rằng họ không có bình luận nào về vụ này.
FTC bắt đầu điều tra Facebook từ tháng 3/2018, sau khi có báo cáo rằng Cambridge Analytica truy cập dữ liệu của hàng chục triệu người dùng.
Cuộc điều tra tập trung vào việc liệu Facebook có vi phạm thỏa thuận năm 2011 hay không, theo đó cần phải thông báo cho người dùng và có được “sự đồng thuận rõ trên văn bản” về việc chia sẻ dữ liệu của họ.
Các nguồn tin ẩn danh nói với tờ The Wall Street Journal hôm 12/7 rằng khoản phạt 5 tỷ đô la đã được FTC thông qua.
Mức phạt vẫn cần được bộ phận dân sự của Bộ Tư pháp xem xét và không rõ việc này có thể kéo dài bao lâu, các nguồn tin cho biết.
Mức phạt phù hợp với ước tính của Facebook hồi đầu năm nay.
Nếu được xác nhận, đó sẽ là khoản phạt lớn nhất từng được FTC áp dụng đối với một hãng công nghệ.
Lại có nỗ lực dùng FB can thiệp bầu cử Mỹ
Facebook chia sẻ dữ liệu với các hãng TQ
Zuckerberg: Tôi vẫn là người tốt nhất để ‘chèo lái’ Facebook
Phân tích của Dave Lee, phóng viên công nghệ BBC Bắc Mỹ tại San Francisco
Facebook đã đoán trước khả năng này. Họ nói với các nhà đầu tư hồi tháng 4/2019 rằng họ đã để dành phần một khoản tiền. Điều đó có nghĩa là hãng này không cảm thấy bị sức ép về tài chính từ khoản phạt này.
Những gì chúng ta chưa biết là liệu những biện pháp bổ sung nào có thể bị áp đặt cho Facebook, chẳng hạn như tăng cường giám sát quyền riêng tư, hoặc có bất kỳ hậu quả cá nhân nào đối với Mark Zuckerberg.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48933004

TT Trump loan báo

Bộ trưởng Lao Động Acosta từ chức

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Sáu 12/7 cho hay Bộ trưởng Lao động Alexander Acosta đã từ chức. Ông Trump nói lý do là vì ông Acosta không muốn trở thành một gánh nặng cho chính quyền vì vai trò của ông giàn xếp vụ lạm dụng tình dục chống nhà tài phiệt Jeffrey Epstein cách đây một thập niên.
Reuters tường thuật rằng TT Trump loan báo cho các phóng viên sự ra đi của Bộ trưởng Acosta trước khi ông rời Toà Bạch Ốc hôm thứ Sáu để lên đường đi Wisconsin. Ông Acosta đến bên Tổng thống Trump trên bãi cỏ Toà Bạch Ốc khi ông Trump thông báo tin này. Tổng thống Trump ca ngợi ông Acosta là một Bộ trưởng Lao động có nhiều thành tích.
Ông Trump nói chính ông Acosta là người quyết định từ chức khi gọi điện thoại cho ông vào sáng Thứ Sáu 12/7, nói rằng ông không muốn trở thành một vấn đề gây mất tập trung đối với chính phủ.
Ông Trump đã chỉ định Thứ Trưởng Bộ Lao Động Patrick Pizzella làm quyền Bộ trưởng Lao Động.
Ông Acosta phục vụ trong nội các chính phủ TT Trump từ tháng 4 năm 2017, từ năm 2005 đến năm 2009, ông là công tố viên liên bang tại miền Nam Florida. Ông là công tố viên đã xử lý vụ án đầu tiên chống nhà tài phiệt Jeffrey Epstein về những quan hệ tình dục với gái vị thành niên, ông Acosta bị chỉ trích vì đã thu xếp giảm án phạt cho ông Epstein.
Hôm thứ Hai các công tố viên liên bang tại New York truy tố ông Epstein về tội buôn trẻ vị thành niên để khai thác tình dục. Theo cáo trạng thì vào đầu những năm 2000, hàng chục cô gái trẻ, có người chỉ mới 14 tuổi, đã bị dụ dỗ đưa về những dinh thự sang trọng của ông Esptein, và tại đó, bị cưỡng bức để thực hiện những hành vi tình dục.
Ông Epstein, 66 tuổi, từng giao du với các nhân vật nổi tiếng, trong đó có những người từng là bạn như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cựu tổng thống Bill Clinton và cả Hoàng tử Andrew của Anh.
Hôm thứ Ba, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo nhóm thiểu số tại Thượng Viện Chuck Schumer đã lên tiếng đòi ông Acosta từ chức.
Ông Acosta là quan chức chính quyền cấp cao mới nhất của Tổng thống Trump phải ra đi trong các tình huống tiêu cực. Những nhân vật đứng đầu các bộ Nội vụ, Tư pháp, Y tế hoặc đã bị sa thải hoặc từ chức, và ngoài ra, còn nhiều phụ tá hàng đầu cũng đã từ bỏ chức vụ từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-loan-bao-bo-truong-lao-dong-acost-tu-chuc/4998200.html

Phó Tổng thống Pence

thị sát cơ sở giam giữ di dân ở Texas

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đi thị sát một cơ sở câu lưu di dân đông đúc, nặng mùi ở bang Texas hôm thứ Sáu, nơi gần 400 người đàn ông đang bị giam giữ sau khi được nói là đã vượt biên giới bất hợp pháp vào Mỹ.
Khoảng 384 người đàn ông bị dồn lại sau những hàng rào kim loại bên trong cơ sở nóng bức ở thành phố McAllen, theo tường trình của một phóng viên trong đoàn báo chí tháp tùng tại hiện trường. Những người đàn ông không có tấm trải để nằm hoặc gối và một số người ngủ trên nền bê tông.
Theo tường trình của phóng viên, nơi giam giữ đông đúc tới mức không thể nào tất cả những người đàn ông này có thể nằm xuống cùng một lúc.
Một số người nói rằng họ đã ở đó 40 ngày hoặc lâu hơn, đói và muốn đánh răng. Một số nhân viên canh gác đeo khẩu trang.
Nước để sẵn bên ngoài hàng rào, phóng viên cho biết, nói thêm rằng các nhân viên nói những người đàn ông này được uống nước khi các nhà báo không có mặt.
Sau khi đến thăm cơ sở, ông Pence nói trong một cuộc họp báo rằng ông không ngạc nhiên với những gì ông chứng kiến.
“Tôi biết chúng tôi đã thấy một hệ thống bị quá tải,” ông Pence nói với các phóng viên. “Thật là khó khăn.”
Một nhân viên tuần tra, Michael Banks, cho biết những người đàn ông được phép đánh răng mỗi ngày một lần. “Hiện tại chúng tôi có 88.000 bàn chải đánh răng,” ông nói.
Nhiều người đã không tắm 10 đến 20 ngày nay vì cơ sở này trước đây không có nhà tắm, theo ông Banks, nhưng giờ đã có. Ông Banks nói người ở đây lâu nhất trong bất cứ người nào từng bị giam giữ tại cơ sở này là 32 ngày.
Những người đàn ông được cho ăn ba bữa nóng mỗi ngày từ các nhà hàng địa phương nhưng không có chõng để ngủ vì không đủ chỗ.
275 người phụ nữ khác đang sống trong các lều của Lục quân được chuyển đổi mục đích sử dụng, ông nói.
Ông Pence nói trung tâm tại McAllen là một “ví dụ điển hình” cho lí do tại sao Mỹ phải giữ an ninh biên giới của mình.
“Cơ sở này này quá đông đúc và hệ thống của chúng ta bị quá tải. Đã đến lúc phe Dân chủ trong Quốc hội phải bước lên, thực hiện nghĩa vụ của mình và chấm dứt cuộc khủng hoảng này,” ông Pence viết trên Twitter.
https://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-pence-thi-sat-co-so-giam-giu-di-dan-o-texas/4999051.html

Buổi điều trần của Công tố viên Đặc biệt Mueller

hoãn lại một tuần

Hai ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ sẽ hoãn buổi điều trần được lên lịch vào ngày 17 tháng 7 của cựu Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller lại một tuần để cho phép các nhà lập pháp thêm thời gian đặt câu hỏi cho ông, hai ủy ban cho biết vào ngày thứ Sáu.
Ông Mueller, người giám sát cuộc điều tra liên bang về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, theo lịch trình sẽ ra khai chứng vào ngày 24 tháng 7 trước Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tình báo Hạ viện, chủ tịch của hai ủy ban nói.
Theo thỏa thuận mới, ông Mueller sẽ xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp trong ba giờ rồi sau đó trước Ủy ban Tình báo.
Hai ủy ban chưa chính thức công bố bất kì thể thức nào.
Các nhà lập pháp bắt đầu cân nhắc hoãn buổi điều trần khi các thành viên của Ủy ban Tư pháp nhận thấy nhiều thành viên kém thâm niên hơn trong ủy ban sẽ không có thời gian để đặt câu hỏi.
Vào tháng 4, ông Mueller đệ trình kết quả điều tra gần hai năm của ông lên Bộ Tư pháp.
Cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa Nga và ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump vào năm 2016. Báo cáo không đưa ra khuyến nghị cuối cùng về việc liệu ông Trump có cản trở công lí hay không.
Phe Dân chủ đã mô tả buổi điều trần của ông Mueller là một khoảnh khắc trọng đại mà có thể tập trung sự chú ý vào một số phần trong bản báo cáo dài 450 trang của ông Mueller nêu nghi vấn về những nỗ lực của tổng thống Đảng Cộng hòa nhằm cản trở cuộc điều tra liên bang.
https://www.voatiengviet.com/a/buoi-dieu-tran-cua-cong-to-vien-dac-biet-mueller-hoan-lai-mot-tuan/4999020.html

Tội phạm đưa người trái phép vào Mỹ

bị phạt hơn 20 năm tù

Một người đàn ông gốc Jamaica bị tuyên án hơn hai chục năm tù tại Mỹ vì vận hành một đường dây buôn người.
Hồ sơ tòa án cho thấy ông Michael Stapleton, 44 tuổi, bị dẫn độ sang Mỹ năm ngoái và bị tuyên án 21 năm 10 tháng tù hôm 11/7.
Bồi thẩm đoàn liên bang ở Nam Florida xác định người này có tội với 47 tội danh liên quan đến đường dây buôn người.
Các công tố viên nói rằng Stapleton điều phối hoạt động đưa lậu những di dân không có giấy tờ từ khắp nơi trên thế giới vào Mỹ qua ngả Freeport, Bahamas.
Các nhân chứng khai rằng Stapleton lợi dụng những yếu điểm của di dân để khai thác họ, vòi thêm tiền sau khi họ nằm dưới ‘quyền sinh sát’ của ông này, giam họ trong những điều kiện tồi tàn, ngược đãi, và đẩy họ lên những chiếc tàu bè không đủ an toàn để vượt biên.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%99i-ph%E1%BA%A1m-%C4%91%C6%B0a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-tr%C3%A1i-ph%C3%A9p-v%C3%A0o-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%8B-ph%E1%BA%A1t-h%C6%A1n-20-n%C4%83m-t%C3%B9/4998825.html

Bỏ câu hỏi về quốc tịch trong kiểm kê,

nhưng TT Trump không bỏ cuộc

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã từ bỏ nỗ lực nhằm thêm một câu hỏi về quốc tịch vào cuộc kiểm kê dân số 2020, nhưng ông nhấn mạnh rằng ông không bỏ cuộc và sẽ tiếp tục đấu tranh để đếm xem có bao nhiêu người không có quốc tịch Mỹ đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Ông Trump hạ lệnh cho các cơ quan chính phủ khai thác những kho dữ liệu có trong tay để tìm cho ra các thông tin đó.
Cố gắng của ông Trump đặt thêm một câu hỏi về quốc tịch vào bảng câu hỏi đã bị chặn lại cách đây hai tuần khi Tòa án Tối cao ra phán quyết chống chính phủ Trump, vốn lập luận rằng các dữ kiện mới vê quốc tịch sẽ giúp thi hành tốt hơn Đạo luật về Quyền bầu cử, vốn bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số.
Những người chống đối nói câu hỏi phụ trội phân biệt đối xử đối với các thiểu số sắc tộc, và có mục đích trao cho phe Cộng hoà một lợi thế bất công trong các cuộc bầu cử, bằng cách hạ thấp số người trả lời kiểm kê từ những khu vực có khuynh hướng bầu cho Đảng Dân chủ.
Ông Trump, người của Đảng Cộng hoà, và các ủng hộ viên nói tìm hiểu xem có bao nhiêu người không có quốc tịch Mỹ sinh sống ở Hoa Kỳ là điều hợp lý.
Phát biểu tại Vườn Hồng Toà Bạch Ốc hôm thứ Năm, ông Trump nói:
“Chúng tôi sẽ sử dụng các kho dữ liệu bao la của chính phủ liên bang để có được một cuộc kiểm kê đầy đủ và chính xác về thành phần không có quốc tịch tại Hoa Kỳ, kể cả các kho dữ liệu trực thuộc Bộ An ninh Nội địa và Bộ An sinh Xã hội. Chúng ta có vô số thông tin trong các cơ quan bộ sở chính phủ.”
Ông tuyên bố sẽ không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào, và quyết tâm không bỏ cuộc.
Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Trump sẽ đối mặt với nhiều thách thức pháp lý trong thời gian tới, bởi vì Hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ rằng phải kiểm kê mỗi người sinh sống trên đất Mỹ để xác định mỗi tiểu bang được đại diện đầy đủ tại quốc hội, và điều đó được thực hiện mỗi 10 năm một lần qua cuộc kiểm kê dân số, chứ không qua bất cứ phương tiện nào khác.
Ông Michael Waldman, Chủ tịch Trung tâm Brennan vì Công lý, một viện nghiên cứu luật pháp và chính sách tại trường Luật Đại học New York, nói:
“Chúng tôi sẽ mạnh mẽ thách thức bất cứ cố gắng nào nhằm thao túng các dữ liệu kiểm kê cho các phương pháp tái phân bố bất hợp hiến.”
Ông Waldman nói nhóm của ông cũng sẽ thách thức “bất kỳ động thái nào của chính phủ vi phạm những quy định rõ rệt và mạnh mẽ bảo vệ quyền riêng tư của người trả lời kiểm kê, kể cả quy định nghiêm cấm sử dụng các dữ liệu cá nhân trong cuộc kiểm kê cho các hoạt động thi hành luật di trú.”
Tổng thống Trump vẫn đặt nặng chính sách cứng rắn về di trú trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông cũng như trong chiến dịch vận động tranh cử của ông năm 2020, nói ông hạ lệnh cho mọi cơ quan chính phủ phải cung cấp cho Bộ Thương mại cả những thông tin được yêu cầu liên quan tới những công dân Mỹ và những người không có quốc tịch. Phòng Kiểm tra Dân số là một phần trực thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-cau-hoi-ve-quoc-tich-trong-kiem-ke-tt-trump-khong-bo-cuoc/4998257.html

Anh điều tra vụ rò rỉ văn kiện khiến đại sứ từ chức

Cảnh sát Anh ngày 12/7 loan báo mở cuộc điều tra về vụ rò rỉ các văn kiện mật khiến cho đại sứ Anh tại Washington phải từ chức.
Đại sứ Kim Darroch từ chức hôm 10/7 sau khi một tờ báo đăng tải các văn kiện mà trong đó ông Darroch gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là không có khả năng và rằng “những cuộc đấu đá nội bộ và hỗn loạn” trong Tòa Bạch Ốc hầu hết là có thật.
Ông Trump đã lên tiếng phản pháo, mắng ông Darroch là “ngu ngốc” và “lập dị”.
Cảnh sát thủ đô London cho biết bộ chỉ huy chống khủng bố, nơi chịu trách nhiệm điều tra những cáo buộc hình sự vi phạm Luật Bí mật Quốc gia, sẽ dẫn đầu cuộc điều tra.
https://www.voatiengviet.com/a/anh-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%A5-r%C3%B2-r%E1%BB%89-v%C4%83n-ki%E1%BB%87n-khi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c/4998468.html

Luân Đôn gởi chiến hạm thứ hai đến vùng Vịnh

Anh Quốc vào hôm qua, 12/07/2019, thông báo triển khai một chiến hạm thứ nhì đến vùng Vịnh hai ngày sau sự cố, mà theo Luân Đôn, Hải quân Iran muốn chận đường một tàu dầu Anh ở eo biển Ormuz.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :
Quan hệ giữa Luân Đôn và Teheran không ngừng xấu đi thêm trong những tuần lễ gần đây, và vào lúc tình hình ở vùng Vinh đang rất căng thẳng, chính quyền Anh Quốc không muốn bị lâm vào tình thế bất ngờ.
Và như vậy, chiến hạm HMS Duncan sẽ đến vùng Vịnh, thay thế cho tàu Montrose đang ở tại chỗ, để tiếp tục bảo đảm quyền tự do hàng hải cho tàu đi qua eo biển Ormuz.
Hơn nữa vào đầu tuần, Luân Đôn đã nâng mức báo động trong hải phận Iran lên tối đa. Vụ đối đầu hôm thứ Tư tuần này với 3 tàu của Iran không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên, mà là tiếp theo vụ Anh cho ngăn chận một tàu dầu Iran ngoài khơi Gibraltar bị nghi là cung cấp dầu hỏa cho Syria, vi phạm trừng phạt của Châu Âu.
Can thiệp của Luân Đôn đã làm cho tổng thống Iran Hassan Rohani rất bực tức. Ông đã lên tiếng cảnh báo Anh Quốc sẽ bị đáp trả.
Về phần mình, chính quyền Anh nhấn mạnh là việc cho hai tàu chiến luân phiên hoạt động ở vùng Vịnh đã nằm trong kế hoạch từ trước và chỉ tiến hành sớm hơn mà thôi.
Luân Đôn khẳng định không muốn làm tăng thêm căng thẳng với Iran, nhưng với hành động phô trương lực lượng này, Anh Quốc có nguy cơ gởi một thông điệp ngược lại đến Teheran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190713-luan-don-goi-chien-ham-thu-hai-den-vung-vinh

Pháp công bố tàu ngầm mới

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/7 dự kiến công bố tàu ngầm mới nhất, lớp “Barracuda”, chạy bằng hạt nhân, một chương trình sản xuất tàu ngầm hạt nhân tàng hình trị giá 9 tỉ euro (tương đương 10,13 tỉ đô la) mà Paris xem là chủ chốt giúp giữ vững sự hiện diện của hải quân Pháp trong nhiều thập niên tới.
Chính phủ Pháp đã đặt hàng 6 tàu ngầm trọng tải 5.000 tấn mỗi chiếc do tập đoàn Naval Group trong đó công ty quốc phòng Thales chiếm 35% vốn, chế tạo.
Hải quân Pháp hy vọng sẽ nhận được chiếc tàu ngầm đầu tiên tên là “Suffren” để hạ thủy vào năm 2020, và số còn lại sẽ đi vào hoạt động trong thập niên tới, thay thế lớp tàu ngầm “Rubby” đã cũ.
“Chúng ta cần phải hiện diện trong những vùng tranh chấp…và có thể tạo nên một mối đe dọa khi cần,” Đại tướng Francois Lecointre, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, nói với hãng tin CNews ngày 12/7.
Pháp hy vọng tàu ngầm lớp “Barracuda” sẽ hoạt động ít nhất đến năm 2060. Chiếc Suffren sẽ được trình diện tại ụ tàu ở Cherbourg.
https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%A1p-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-t%C3%A0u-ng%E1%BA%A7m-m%E1%BB%9Bi-/4998368.html

Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô tên lửa S-400 đầu tiên,

xác nhận thắng lợi của Nga

Thanh Hà
Mỹ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận tên lửa phòng không S-400 của Nga. Đối với Matxcơva việc Ankara duy trì hợp đồng mua vũ khí của Nga bất chấp áp lực của Hoa Kỳ và NATO là một thắng lợi lớn về ngoại giao.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sáng nay 13/07/2019, chiếc máy bay thứ tư của Nga chở tên lửa phòng không S400 đã đáp xuống phi trường quân sự gần Ankara. Từ một ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên quan trọng của NATO, bắt đầu nhận tên lửa của Nga.
Tại Washington, cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đòi ban hành lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. NATO lo ngại tên lửa của Nga được một thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sử dụng.
Riêng đối với Nga, thương vụ mua bán vũ khí nói trên thể hiện rõ quan hệ Matxcơva – Ankara chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay từ bốn năm qua. Hơn thế nữa đây là một thắng lợi rõ rệt của tổng thống Putin cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao.
Thông tín viên RFI tại Nga, Daniel Vallot phân tích :
“Đối với Matxcơva thương vụ này trước hết là một thành công về mặt công nghiệp, trị giá hợp đồng ước tính lên tới hơn hai tỷ đô la. S-400 được coi là tủ kính của nền công nghệ chế tạo vũ khí Nga, từng bán được cho Trung Quốc và Ấn Độ. Cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một thành công mới của loại trang thiết bị quân sự được xem là một trong những hệ thống phòng không hiệu quả nhất trên thế giới.
Bên cạnh thành công về mặt công nghiệp, thì đây còn là một thắng lợi về phương diện ngoại giao. Bán được S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga gây chia rẽ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO mà lại trang bị vũ khí của Nga.
Đây thực sự là cả một vấn đề. Điều này thể hiện qua phản ứng phẫn nộ của Mỹ. Với tên lửa S-400, Nga đã khiến cho quan hệ giữa Washington và Ankara thêm căng thẳng, đồng thời cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn làm lành lại với nhau sau khủng hoảng hồi năm 2015, khi đó một chiến đấu cơ của Nga đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ không xa biên giới Syria.
Đây chính là một điều quan trọng đối với Matxcơva bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác then chốt trong chính sách của Nga tại Trung Đông, đặc biệt là trên hồ sơ Syria”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190713-tho-nhi-ky-nhan-ten-lua-nga-thanh-cong-ruc-ro-cua-matxcova

Đài Loan bảo vệ thương vụ mua vũ khí của Mỹ

Trọng Nghĩa
Bộ Quốc Phòng Đài Loan vào hôm nay 13/07/2019 đã lên tiếng bảo vệ quyết định đặt mua 2,2 tỷ đô la vũ khí của Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Kinh cho biết là sẽ trừng phạt bất kỳ công ty Mỹ nào tham gia vào thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan.
Trong một bản thâng cáo, bộ Quốc Phòng Đài Loan xác định rằng vũ khí của Hoa Kỳ chỉ nhằm mục tiêu tăng cường năng lực tự vệ của Đài Loan trước mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ Trung Quốc. Bản thông cáo khẳng định rằng quân đội Đài Loan « sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng phòng thủ chủ chốt, đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ quê hương và đảm bảo rằng những thành quả của tự do và dân chủ sẽ không bị tấn công ».
Vào hôm qua, Bắc Kinh đã lên tiếng tố cáo Mỹ, cho rằng việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc sẽ phá hoại chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào bất kỳ doanh nghiệp nào của Mỹ có dính líu đến thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Dù Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng luật pháp Hoa Kỳ đã buộc chính quyền Mỹ phải cung cấp cho Đài Loan đủ thiết bị và các phương tiện khác để tự vệ.
Hồi đầu tuần, chính quyền Doanald Trump đã loan báo quyết định bán 2,2 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan, trong đó có 108 chiến xa Abrams và 250 tên lửa đất đối không Stinger.
Phát biểu tại New York vào hôm qua, 12/07, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp tục giải thích rằng chính quyền của bà đã tăng cường năng lực quốc phòng để bảo vệ nền dân chủ của mình.
Nhân dịp này, bà Thái Anh Văn không ngần ngại bác bỏ những lời chỉ trích của Trung Quốc về cả chuyến thăm Mỹ và thỏa thuận mua vũ khí. Phát biểu với các phóng viên ở New York, tổng thống Đài Loan khẳng định : « Chúng tôi không cần hàng xóm đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm ».
Bà cũng đã bác bỏ áp lực của Trung Quốc muốn sát nhập Đài Loan vào Trung Quốc trong khuôn khổ chính sách « một đất nước, hai chế độ » đang áp dụng cho Hồng Kông.
Theo bà, dân Đài Loan hiện đang sát cánh với giới trẻ Hồng Kông, đang biểu tình đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ, và « kinh nghiệm của Hồng Kông về cơ chế “đất nước, hai chế độ” đã cho thế giới thấy một cách dứt khoát rằng chủ nghĩa chuyên chế và dân chủ không thể cùng tồn tại ».
Trung Quốc đã phản đối chuyến ghé thăm Hoa Kỳ của bà Thái Anh Văn, được chính quyền Đài Bắc trình bày như « chuyến quá cảnh hai đêm » trên đường đi thăm Haiti và ba quốc gia vùng biên Caribê vẫn còn công nhận Đài Loan.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190713-dai-loan-bao-ve-thuong-vu-mua-vu-khi-cua-my

Người dân Hồng Kông kêu gọi nhau

đồng loạt rút tiền khỏi Ngân hàng TQ

Theo AFP, một đề nghị đang được lan truyền rộng rãi trên mạng từ hôm thứ Hai kêu gọi toàn bộ người dân Hồng Kông đồng loạt rút tiền khỏi Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) vào ngày 13/7 sắp tới.
Người dân Hồng Kông tiếp tục kêu gọi tuần hành vào 2 dịp cuối tuần sắp tới vào các ngày 13, 14/7 và 21/7 tại các khu Sheung Shui, Shatin, và Tseung Kwan O.
Ngày 9/7, bà Carrie Lam đã gặp gỡ các phương tiện truyền thông và thông báo chấm dứt dự thảo sửa đổi pháp lệnh về tội phạm đào tẩu trong nỗ lực cố gắng xoa dịu sự phẫn nộ của người dân.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình dự kiến sẽ vẫn được diễn ra vì vẫn còn các đề xuất khác của người biểu tình chưa được đáp ứng, bao gồm yêu cầu bà Carrie Lam từ chức, thả những người biểu tình bị bắt, hay chính phủ phải mở cuộc điều tra độc lập về những hành vi quá phận của cảnh sát.
Những người biểu tình cũng đề nghị nhà chức trách ngừng mô tả những người biểu tình là “những kẻ bạo loạn” – một định nghĩa dễ dẫn đến việc phải vào tù.
Trước đó, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra vào hôm 07/07/2019, 5 người đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát tấn công vào những nhóm nhỏ người biểu tình không chịu giải tán.
Thông cáo của cảnh sát cho rằng các cuộc biểu tình là “bất hợp pháp”, và những người bị bắt đã “tấn công một sĩ quan cảnh sát và cản trở một sĩ quan cảnh sát trong việc thực thi nhiệm vụ.”
Tuy nhiên phe phản kháng tố cáo rằng những người biểu tình ở Mongkok đang trở về nhà thì cảnh sát chống bạo động xuất hiện, dựng lên một rừng khiên chặn ngang đường đi.
Nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong viết trong một tweet kèm theo hình ảnh của ít nhất hai người biểu tình với vết thương chảy máu đầu: “Lại thêm một ví dụ về việc cảnh sát dùng vũ lực quá trớn.”
Theo tính toán của AFP, có ít nhất 72 người biểu tình đã bị bắt, số người bị khởi tố thì vẫn chưa rõ.
Đến sáng thứ Hai, những người biểu tình đã lên kế hoạch phản đối mạnh mẽ hơn trên các ứng dụng nhắn tin và diễn đàn trò chuyện.
Trong đó, một đề xuất đang được lan truyền rộng rãi là kế hoạch gây khó khăn tài chính cho Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), nhằm tăng áp lực lên các lãnh đạo thân Bắc Kinh. Theo đó, kế hoạch kêu gọi người Hồng Kông đồng loạt rút tiền khỏi ngân hàng này vào ngày 13/7.
Ngân hàng Trung Quốc là ngân hàng lâu đời nhất của Trung Quốc đại lục, cũng là 1 trong 5 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất tại Trung Quốc. Tại Hồng Kông, ngân hàng này toạ lạc tại một trong những toà nhà cao nhất Hồng Kông trong khu vực quận trung tâm.
Sáng ngày 8/7 khi thị trường chứng khoán mở cửa, cổ phiếu của ngân hàng này đã bị sụt giá 1%.
Ngoài ra, một mục tiêu khác là đài truyền hình TVB, vốn bị coi là thân chính phủ. Các đề nghị nhắm vào TVB bao gồm tuần hành đến đài truyền hình, hoặc tẩy chay các sản phẩm quảng cáo trên đài này.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã chuyển từ việc kêu gọi chấm dứt Luật dẫn độ đào phạm sang một phong trào rộng lớn hơn để kêu gọi cải cách dân chủ và chấm dứt những dự luật gây ảnh hưởng đến tự do của người dân Hồng Kông.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29252-nguoi-dan-hong-kong-keu-goi-nhau-dong-loat-rut-tien-khoi-ngan-hang-tq.html

Gia tộc Giang Trạch Dân

kiểm soát các doanh nghiệp TQ

Trước hàng loạt cáo buộc và lệnh cấm của Mỹ với tập đoàn viễn thông Huawei Trung Quốc, không ít người đã chú ý đến hậu thuẫn phía sau tập đoàn này. Mới đây, một cuộc khảo sát cho thấy nhiều nhân viên Huawei cũng làm việc cho các cơ quan tình báo và quân sự Trung quốc. Thậm chí, nhiều nguồn tin còn phơi bày rõ, Huawei và một số công ty công nghệ cao đang bị Mỹ trừng phạt có mối liên hệ mật thiết với gia tộc cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân và bị kiểm soát chặt chẽ.
Mỹ đang nhắm vào các nhà máy bán dẫn thuộc kiểm soát của phe Giang
Mới đây, tờ Telegraph đưa tin, nhóm chuyên gia thuộc Hội Henry Jackson (HJS) của Anh đã phân tích hồ sơ xin việc của khoảng 25.000 nhân viên Huawei và thấy rằng một số trong số họ làm việc cho các cơ quan tình báo hoặc quân đội Trung Quốc. Họ dường như có quan hệ chặt chẽ theo hệ thống và cấu trúc.
Hồi tháng Năm vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã liệt Huawei và 68 chi nhánh của công ty này vào danh sách đen “Entity List” (bao gồm các cá nhân, công ty và tổ chức bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ), đồng nghĩa với việc cấm công ty này mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ. Đến tháng 6, một số công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng bị liệt vào “danh sách đen”, trong đó đáng kể nhất là năm công ty lớn gồm Công ty siêu máy tính Sugon, Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam, Công ty Đầu tư Công nghệ Tiên tiến Hải Quang Thiên Tân, Mạch Tích hợp Hải Quang Thành Đô và Công nghệ Vi điện tử Hải Quang Thành Đô.
Tỷ phú Quách Văn Quý tiết lộ, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt với các doanh nghiệp này khiến ĐCSTQ phải chịu đả kích không kém so với việc cấm vận Huawei, bởi hầu hết các công ty này đều do phe cánh ở Thượng Hải, do Giang Trạch Dân làm chủ đầu tư vào.
Ông nói: “Hãy nhìn các biện pháp trừng phạt các công ty công nghệ này, cũng như lệnh trừng phạt Huawei, những gì được cho là không thể xảy ra trong quá khứ thì đến nay đều đã diễn ra. Huawei thê thảm hơn so với những gì chúng ta nghĩ rất nhiều!”
Vậy đứng sau các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” là ai?
Huawei nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Giang Trạch Dân
Huawei được Nhậm Chính Phi thành lập vào năm 1987. Sau khi ông Giang Trạch Dân, lãnh đạo của ĐCSTQ khi đó đến thăm vào năm 1994, “công ty lên nhanh như diều gặp gió” – “Thời báo tài chính” (Financial Times) tại Anh dẫn lời cựu giám đốc Huawei hồi tháng 12 năm ngoái.
Bài báo cho biết, Nhậm Chính Phi nhận được sự hỗ trợ to lớn của các quan chức cao cấp. Chỉ vài năm sau, Huawei được giao cho phụ trách xây dựng mạng lưới liên lạc phạm vi toàn quốc của quân đội Trung Quốc. Huawei cũng giành được “Dự án khiên chắn vàng”, hệ thống giám sát và phong tỏa mạng Internet mà Giang Miên Hằng (với mệnh danh “vua viễn thông”), con trai cả của Giang Trạch Dân làm nhân vật chủ chốt.
Huawei phát triển mạnh mẽ trong thời gian Giang Trạch Dân kiểm soát Trung Nam Hải. Một người từng làm trong Huawei tiết lộ, hễ Giang Trạch Dân đến Thâm Quyến, nhất định sẽ đến Huawei. Cũng có thông tin lưu truyền về việc Giang Miên Hằng thường ra chỉ thị cho Nhậm Chính Phi, và sở dĩ Huawei phát triển được là nhờ sự hậu thuẫn của gia tộc họ Giang.
Ông Quách Văn Quý cho biết, mỗi chiếc điện thoại di động của Huawei đều có chức năng giám sát. Vấn đề của Huawei và bản thân bà Mạnh Vãn Châu chính là lừa đảo hòng đánh cắp công nghệ để hỗ trợ gia tộc Giang Trạch Dân giám sát toàn bộ người dân Trung Quốc. “Các người (ám chỉ Huawei) đang trợ giúp gia tộc này này cướp bóc của cải của 99% người dân của chúng tôi. Còn dám nói không phải sao?”
Con gái của ông Nhậm Chính Phi, Giám đốc điều hành Mạnh Vãn Châu và Huawei đều bị Hoa Kỳ khởi tố. Mạnh Vãn Châu đã bị bắt ở Canada hồi tháng 12 năm ngoái và hiện đang được tại ngoại tại Vancouver. Tháng 1 năm nay, Mỹ chính thức yêu cầu dẫn độ Mạnh Vãn Châu, đồng thời cáo buộc bà Mạnh cùng Huawei 23 tội danh.
Gia tộc họ Giang đứng sau hậu thuẫn cho cách công ty công nghệ cao của Trung Quốc
Ngoài Huawei, năm công ty công nghệ cao khác của Trung Quốc bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đều thuộc hai lĩnh vực, một là siêu máy tính, hai là chip ứng dụng.
Tương tự Huawei, nhà lãnh đạo công ty siêu máy tính Trung Quốc và lịch sử của Sugon cũng không thể tách rời gia tộc Giang Trạch Dân. Công ty Sugon ngay khi thành lập vào tháng 12/2006, Giang Trạch Dân đã xác lập nó như một công ty hàng đầu trong lĩnh vực
công nghệ máy tính. Sugon sau đó đã nhận được lượng lớn kinh phí tài trợ nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc và trở thành thành viên của “đội tuyển quốc gia” trong lĩnh vực này.
Loại “đội tuyển quốc gia” này chủ yếu dựa vào trợ cấp của chính phủ và kinh phí cho dự án quốc gia để tồn tại. Nó không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ liên tục của chính phủ. Thực tế, Sugon được thành lập và hỗ trợ bởi Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Giang Miên Hằng, Viện phó Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thời điểm đó từng nhiều lần đến thăm Sugon, và còn làm cố vấn cho Ủy ban Chuyên gia Siêu máy tính của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Giang Miên Hằng, các quân đoàn tư bản thuộc “hệ thống khoa học Trung Quốc”, bao gồm các công ty trong “đội tuyển quốc gia” như Godson, Sugon và Hongqi, đã kết nối chặt chẽ với ngành viễn thông và tư bản Thượng Hải, trở thành công cụ hốt bạc cho gia tộc Giang Trạch Dân.
“Dự án khiên chắn vàng” và “Tường lửa trường thành” nhằm phong tỏa mạng của ĐCSTQ, hệ thống giám sát an ninh công cộng của ĐCSTQ cùng các giải pháp điện toán đám mây của Cục Công an tại nhiều địa phương đều có sự tham gia sâu sát của Sugon.
Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam, một công ty siêu máy tính khác, đã công khai tiết lộ rằng, Viện Công nghệ Điện toán Giang Nam thành lập tháng 6/1951, vốn là Viện Nghiên cứu số 56 của Bộ Tổng tham mưu ĐCSTQ. Đây chính là viện nghiên cứu máy tính lớn nhất của quân đội ĐCSTQ.
Hệ thống máy tính hiệu suất cao MPP và hệ thống cụm máy tính do Viện này phát triển đã được Giang Trạch Dân tâng bốc là “thần uy”, chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực quân sự như mô phỏng vụ nổ hạt nhân. Năm 1993, công ty này còn được Quân ủy Trung ương ĐCSTQ trao tặng danh hiệu “Viện nghiên cứu đi đầu về khoa học và công nghệ tiên tiến”.
Ba nhà sản xuất chip ứng dụng khác chịu lệnh trừng phạt của Mỹ gồm có Công ty Đầu tư Công nghệ Tiên tiến hải Quang Thiên Tân, Mạch Tích hợp Hải Quang Thành Đô và Công nghệ Vi điện tử Hải Quang Thành Đô. Kênh truyền thông tại Đại Lục tiết lộ rằng, ba công ty này có mối liên hệ khá thân cận với Sugon nên đã bị liên lụy.
Sugon chiếm 26% cổ phần của Công ty Đầu tư Công nghệ Tiên tiến hải Quang Thiên Tân, 70% cổ phần của Mạch Tích hợp Hải Quang Thành Đô; mà Mạch Tích hợp Hải Quang Thành Đô lại sản xuất chip cho Công nghệ Vi điện tử Hải Quang Thành Đô, do đó giữa các công ty này có một mạng lưới các mối quan hệ đan xen mật thiết và phức tạp.
Huawei và các công ty khác do gia tộc Giang Trạch Dân kiểm soát
Trong một video phát trực tiếp trên Youtube vào ngày 9/12 năm ngoái, ông Quách Văn Quý còn tiết lộ, không chỉ có các công ty bị Mỹ trừng phạt, mà top 10 công ty hàng đầu Trung Quốc như Huawei, Alibaba, Tencent, North Industries, Norinco, Poly Group, Ping An Group, Zhenhua Oil, ZTE và Nuclear thực chất đều là “doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được quân sự hóa” do gia tộc Giang Trạch Dân kiểm soát.
Ông Quách cho hay, lãnh đạo của các doanh nghiệp này, bao gồm cả Mạnh Vãn Châu của Huawei, đều có 3 thân phận. Thứ nhất, họ có quân hàm, được hưởng đãi ngộ cả bên quân đội và hành chính quốc gia, có cả danh hiệu trong Bộ An ninh quốc gia. Thứ hai, những người này là đối tượng quan trọng được bảo hộ và trợ giúp trong giới tài chính Trung Quốc. Thứ ba, trong lĩnh vực ngoại giao, họ được hưởng 100% quyền lực nhà nước.
“Nếu không thì vì sao Mạnh Vãn Châu vừa xảy ra vấn chuyện, Bộ Ngoại giao Trung quốc sẽ lập tức ra mặt. Thử nghĩ xem, ở các doanh nghiệp khác, liệu Bộ Ngoại giao có ra mặt như vậy không?”
Tài sản của gia tộc Giang Trạch Dân ở nước ngoài khiến người ta giật mình kinh hãi
Hồi tháng Tư năm nay, ông Quách Văn Quý cũng cáo buộc gia tộc họ Giang đã tích lũy ít nhất 1.000 tỷ USD tiền biển thủ ngân sách Trung Quốc và Giang Chí Thành đã nỗ lực rửa một nửa số tiền đó ra nước ngoài. Ông nói, gia tộc họ Giang kiểm soát hàng nghìn doanh nghiệp và thông qua hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước, công cụ tài chính, tổ chức tài chính, hạn mức bảo đảm, lợi dụng đặc quyền thân phận “Thái tử Đảng” cùng nhiều thủ đoạn khác tiến hành rửa tiền ở nước ngoài hàng trăm tỷ đô la.
Ông Quách còn nhấn mạnh, mọi người sẽ nhanh chóng thấy phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có với gia tộc họ Giang, “các quan chức sẽ sớm tuyên bố tiến hành niêm phong tài sản ở nước ngoài của những kẻ giặc cướp nước này”.
Không những vậy, ông Quách còn nói rằng ông sẽ gửi thông tin đến Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngũ Giác Đài, CIA, FBI, Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý. “Và tôi thề, tôi sẵn sàng ra làm chứng trước Quốc hội Mỹ và các cơ quan tư pháp bề những gì mình đã nói.”
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29249-gia-toc-giang-trach-dan-kiem-soat-cac-doanh-nghiep-tq.html

Kiểm duyệt đang kìm hãm trí tuệ của giới trẻ

Trung Quốc khiến họ trở nên cay độc và hưởng thụ

Luật sư nhân quyền Đằng Bưu (Teng Biao) cho rằng giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với sự gia tăng nghiêm ngặt về kiểm duyệt và giám sát, một biện pháp đã kìm hãm tự do tư tưởng ở Trung Quốc, kéo dài hơn 30 năm cho đến nay, theo Nikkei.
Sinh viên Trung Quốc ngày nay không có tự do tri thức bằng 30 năm trước
Theo ông Đằng, sinh viên các trường đại học ở Trung Quốc chưa bao giờ được hưởng tự do tri thức mà không bị ngăn trở, với đỉnh điểm là là cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nhưng cũng đã có những lúc sinh viên có thể truy cập vào các thư viện trên thế giới, tham gia vào các cuộc thảo luận rộng rãi với nhau hay với các giáo sư của mình.
Là một người đã học ở Đại học Bắc Kinh năm 1991, ông Đằng biết điều này có nghĩa là gì. Bắt đầu từ một sinh viên năm thứ nhất, bị ‘tẩy não’ ở trường với ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, ông Đằng rời khỏi nhà trường với ý thức giác ngộ đủ để sau này trở thành một luật sư nhân quyền.
Ông Đằng cho rằng các sinh viên Trung Quốc ngày nay phải đối mặt với những hạn chế ngày càng gia tăng trong việc tiếp cận những nguồn thông tin chính đương đại, đó là internet. Các giáo sư đại học đều sợ hãi, né tránh các vấn đề nhạy cảm về chính trị. Việc giám sát ngày càng tăng của ĐCSTQ, khiến hầu hết mọi người phải thận trọng.
“Các sinh viên đang bị tẩy não, giống như tôi khi còn đang học”, ông Đằng nhận xét.
Ông Đằng cho biết có ba yếu tố chính thức tỉnh ông ở trường đại học. Yếu tố thứ nhất là việc ông thường truy cập vào rất nhiều “ấn phẩm ngầm” đã bị chính quyền Trung Quốc cấm, nhưng sinh viên vẫn có thể truy cập được. Yếu tố thứ hai là việc ông đã đọc rất nhiều sách, trong đó có nhiều cuốn về cuộc đàn áp tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nhiều cuốn sách dịch về triết học phương Tây, hay ý tưởng về chủ nghĩa tự do và các giá trị dân chủ, đã giúp ông Đằng thay đổi nhận thức. Và thứ ba là những cuộc gặp gỡ với các giáo sư có tư tưởng độc lập, đã mở mang trí tuệ cho ông.
Nhưng theo ông Đằng, ngày nay có “7 điều không được nói” tại các trường đại học ở Trung Quốc. Vào năm 2013, ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, các giáo sư và giảng viên đại học không được phép nói về: (i) các giá trị phổ quát, (ii) tự do báo chí, (iii) xã hội dân sự, (iv) quyền công dân, (v) những sai lầm trong lịch sử của ĐCSTQ, (vi) “giai cấp tư bản thân hữu” và (vii) tư pháp độc lập. Hầu hết các giáo sư ngày nay không dám thảo luận về những vấn đề nhạy cảm này.
Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc
Kiểm soát không gian mạng cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Chỉ cần chuyển tiếp tin nhắn về một vấn đề gì đó mà chính quyền cho là nhạy cảm, sẽ dẫn đến việc “mời cảnh sát đến cửa nhà bạn”, ông Đằng cho biết, “Đảm bảo một nền giáo dục khai sáng tại trường đại học, ngày nay đã trở nên khó khăn”.
Tẩy não và tuyên truyền sâu rộng là có hiệu quả. Nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi không thể phát triển khả năng suy nghĩ độc lập, như tôi đã làm được trước đó. Những chỉ trích cay độc, nhạo báng khá phổ biến. Nhiều người trẻ là những người theo chủ nghĩa khoái lạc, chỉ đơn giản là muốn tận hưởng cuộc sống, đặc biệt là những lợi ích vật chất.
“Có một số người có tư tưởng tự do, nhưng họ quá sợ hãi để hành động. Sự phát triển của công nghệ số, đã mở ra những kho kiến thức khổng lồ, nhưng ngược lại cũng khiến người dân Trung Quốc khó tiếp cận thông tin nhạy cảm hơn. Nhà nước kiểm soát mọi công việc”, ông Đằng nhận xét.
Kiểm soát trí thức ngay cả khi họ ở nước ngoài
Theo ông Đằng, hiện có nhiều bạn trẻ Trung Quốc đi du học ở nước ngoài. Nhưng ngay cả ở các nước dân chủ, họ cũng phải chịu sự kiểm soát ngày càng tăng của ĐCSTQ.
Ông Đằng hiện đang sống ở Mỹ, sau khi rời Trung Quốc vào năm 2014. Trước đó, ông Đằng đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam 3 lần vì các hoạt động nhân quyền của mình. Trong một chuyến thăm gần đây đến Tokyo, ông Đằng rất biết ơn một sinh viên Trung Quốc đã tham dự buổi nói chuyện công khai do ông tổ chức, và hỏi ông một câu hỏi. Nhiều sinh viên Trung Quốc học tập tại Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu ngày nay, không dám xuất hiện tại các sự kiện như vậy.
Hiệp hội Học sinh và Học giả Trung Quốc (CSSA), luôn giám sát chặt chẽ sinh viên và học giả Trung Quốc ở nước ngoài. Đây không phải là hiệp hội bình thường. Các thành viên của họ ghi lại những gì đã được nói và thực hiện bởi các sinh viên và học giả Trung Quốc, tại các trường đại học ở nước ngoài, và báo cáo lại cho các đại sứ quán Trung Quốc ở nước sở tại. Đại sứ quán Trung Quốc tài trợ cho hiệp hội và kiểm soát họ. Nếu các sinh viên tham gia tích cực vào các cuộc họp như cuộc nói chuyện của ông Đặng về nhân quyền Trung Quốc, thì sẽ có hậu quả không hay đối với họ.
Theo ông Đằng, các hoạt động của CSSA tại các trường đại học phương Tây và Nhật Bản, luôn đi ngược lại các nguyên tắc tự do ngôn luận. Gần đây có một số động thái nhằm hạn chế các hoạt động của CSSA, nhưng cần nhiều hơn nữa. Các chính phủ dân chủ cần ngăn chặn CSSA, bằng luật mới nếu cần thiết, ông Đằng đề xuất.
Những người tham gia bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, đều nhanh chóng gặp rắc rối, như ông Đằng đã từng phải đối mặt. Không chỉ các cá nhân đó, mà cả thành viên gia đình họ cũng bị liên đới. Vì vậy, ông Đặng không khuyến khích những người chưa sẵn sàng gánh chịu loại rủi ro này tham gia bảo vệ nhân quyền.
Tầng lớp tinh hoa có lợi ích gắn liền với ĐCSTQ sẽ không đứng lên đòi dân chủ
Nhiều con em của các đảng viên cộng sản cấp cao và doanh nhân thành đạt Trung Quốc đang du học ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông Đằng không xem họ là một lực lượng có thể biến Trung Quốc thành một nền dân chủ. Bám lấy quyền lực là có lợi cho họ, mang lại sự giàu có và đặc quyền, nên dù có ở một môi trường tự do để tìm hiểu về dân chủ họ cũng sẽ đứng về phía ĐCSTQ vì lợi ích của mình.
Ông Đằng cho rằng lý do các nhà lãnh đạo ĐCSTQ từ chối dân chủ, không phải vì họ không hiểu nó. Họ hoàn toàn hiểu điều đó và rất sẵn lòng khi gửi con cái mình đến các nước phương Tây, để được giáo dục trong các xã hội tự do. Bên trong Trung Quốc, ĐCSTQ sẽ làm hết sức mình để duy trì sự cai trị độc đảng. Điều đó bao gồm việc kiểm duyệt và giám sát, trong đó không cho phép các sinh viên học tập ở trong nước có được những kiến thức mà những sinh viên có đặc quyền học tập ở nước ngoài được hưởng.
Nhưng ông Đằng cho rằng ông không phải là một người bi quan. Có một số người Trung Quốc đang đấu tranh cho tự do chính trị. Những người này xứng đáng được sự hỗ trợ từ quốc tế.“Thật tốt khi thấy rằng nhiều người trên thế giới đang bắt đầu hiểu rõ bộ mặt thật của chính phủ Trung Quốc chuyên quyền. Các chính phủ trên thế giới bây giờ cần phải có thái độ phê phán hơn đối với Trung Quốc, và phải ngừng ngay việc xoa dịu Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế”, ông Đằng cho biết.
Hồng Kông sẽ là ngòi nổ?
Ông cũng bày tỏ rằng, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là rất đáng khích lệ. Rất khó để từ từ thay đổi tiến trình kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ đối với Hồng Kông. Nhưng mọi người đã chỉ ra ý chí của mình qua các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng triệu người. Cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ họ, ông Đằng kêu gọi.
ĐCSTQ lo sợ sự tự do và ý thức tự do của Hồng Kông sẽ lây lan sang Trung Quốc đại lục, đe dọa sự cai trị của họ. Trung Quốc đã đang hạn chế sự tự do và những quyền này ở Hồng Kông, nhưng người dân đặc khu vẫn được hưởng quyền truy cập không hạn chế vào internet, thư viện và thảo luận tự do.
Những người biểu tình dự luật chống dẫn độ cầm ô khi đối mặt với cảnh sát sau một cuộc tuần hành tại khu vực cho khách du lịch trên đường Nathan gần Mongkok, Hồng Kông vào ngày 7/7/2019. (Ảnh: Reuters)Những người biểu tình dự luật chống dẫn độ cầm ô khi đối
mặt với cảnh sát sau một cuộc tuần hành tại khu vực cho khách du lịch trên đường Nathan gần Mongkok, Hồng Kông vào ngày 7/7/2019. (Ảnh: Reuters)
Ông Đằng cho rằng tình trạng hỗn loạn hiện tại ở Hồng Kông đang tạo cơ hội cho các nước dân chủ tăng cường chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, và tập trung vào thực tế rằng Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa lớn nhất của thế giới, đối với tự do toàn cầu.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, thái độ của người Mỹ và nhiêu quốc gia khác đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn. “Nhưng vẫn còn một chặng đường dài để tiến tới”, ông Đằng kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29239-kiem-duyet-dang-kim-ham-tri-tue-cua-gioi-tre-trung-quoc-khien-ho-tro-nen-cay-doc-va-huong-thu.html

Máy bay không người lái bí ẩn của TQ gây xôn xao

Chiếc máy bay không người lái bí ẩn trong đoạn video tuyên truyền mới đây của Trung Quốc thu hút sự chú ý của các chuyên gia quân sự.
Để kỷ niệm 50 năm máy bay đánh chặn J-8 lần đầu tiên cất cánh, Tập đoàn máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc) phát hành đoạn video tuyên truyền, liệt kê lại các thành tựu hàng không của công ty này trong nửa thế kỷ qua.
Đoạn video lập tức thu hút sự chú ý với sự xuất hiện của một chiếc máy bay không người lái chưa từng được biết đến cất cánh từ một hàng không mẫu hạm.
Trên thực tế, đoạn video này từng được giới thiệu trong một triển lãm hàng không vào năm ngoái, nhưng mãi cho tới gần đây khi được phát hành trở lại nó mới gây chú ý.
“Chiếc máy bay này có vẻ khá lớn vì thiết bị hạ cánh của nó cao bằng một người”, tờ Hoàn Cầu Thời báo bình luận.
Trung Quốc trong những năm gầy đây đẩy mạnh phát triển các loại máy bay không người lái, trong đó có UAV tàng hình. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng bắt đầu thử nghiệm UAV tàng hình Thiên Ưng và UAV tàng hình thế hệ mới nhất CH-7 có thể cất cánh từ tàu sân bay . Cũng có nguồn tin cho biết Tập đoàn Thẩm Dương đang phát triển Sharp Sword, siêu UAV tàng hình có thể mang 2 tấn bom.
Hoàn cầu Thời báo dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết sự xuất hiện của UAV bí ẩn trong đoạn video của Tập đoàn Thẩm Dương khiến ông và các đồng nghiệp hy vọng sẽ sớm thấy nó cất cánh trong các chuyến bay thử nghiệm trong tương lai gần.
Ông này tiết lộ thêm rằng mẫu UAV này sẽ là một loại máy bay đa nhiệm vụ, có thể thực hiện các cuộc tấn công trên bộ hoặc trên biển, tiếp nhiên liệu trên không và tham gia các nhiệm vụ tình báo.
Theo Zerohedge, giới chức quân sự Trung Quốc rất quan tâm tới máy bay không người lái đặc biệt là các loại được trang bị trên tàu sân bay nhằm mục đích ngăn chặn các cường quốc phương Tây và đẩy họ ra khỏi Đông Bán cầu. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua phát triển UAV mà Mỹ, đối thủ cạnh tranh với họ trong nhiều lĩnh vực, đang dẫn đầu.
http://biendong.net/diem-tin/29278-may-bay-khong-nguoi-lai-bi-an-cua-tq-gay-xon-xao.html

Thế lực ‘quân sư’ đằng sau

con đường thăng tiến của Tập Cận Bình

Vương Quân (Wang Jun), con trai nguyên lão Vương Chấn (Wang Zhen) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã qua đời vào tháng trước, dư luận người Trung Quốc đã chú ý so sánh giữa tang lễ lặng lẽ này với tang lễ long trọng của con nguyên lão Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) là Diệp Tuyển Ninh (Ye Xuanning).
Có tin tiết lộ từ truyền thông Mỹ rằng, từ chuyện người cha của lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm Tập Cận Bình được sửa án oan cho đến con đường thăng quan của họ Tập đều liên quan mật thiết đến sự giúp đỡ của gia đình Diệp Kiếm Anh, trong đó Diệp Tuyển Ninh, nhân vật được xem như thủ lĩnh “Thái tử Đảng”, luôn là “quân sư” đứng sau.
Ngày 05/07, Đài Á châu Tự do (RFA) đã cho công bố bài viết của blogger Cao Tân chỉ ra, tang lễ con trai của Diệp Kiếm Anh là Diệp Tuyển Ninh (qua đời vào ngày 10/07/2016) được tổ chức đặc biệt long trọng. Ông Tập Cận Bình đã đích thân gửi tin nhắn chia buồn đến vợ ông Diệp Tuyển Ninh. Khi còn sống, cấp bậc cao nhất của ông Diệp Tuyển Ninh chỉ là Thiếu tướng, vậy mà khi qua đời lại được ba vị Tổng Bí thư và bốn vị Thủ tướng, cũng như tất cả các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm gửi vòng hoa chia buồn, nghi thức tang lễ không khác gì một lãnh đạo nhà nước. Ngoài ra, trong nghi thức tang lễ Diệp Tuyển Ninh còn có đãi ngộ đặc biệt mà ngay cả “lãnh đạo Đảng và Nhà nước” của Trung Quốc khi qua đời cũng không có được: người chú của ông Tập Cận Bình là Tập Chính Ninh (Xi Zhengning) đã đặc biệt đại diện cho toàn gia đình họ Tập đến chia buồn, còn bên trái thi thể ông Diệp Tuyển Ninh thì treo bia giấy tưởng niệm của bà Tề Tâm (Qixin), thân mẫu ông Tập Cận Bình.
Bài viết cho rằng, điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của ông Diệp Tuyển Ninh đối với  ông Tập Cận Bình cũng như toàn gia đình ông Tập.
Tháng 10/1976, ngay sau khi bắt “tứ nhân bang”, phụ tá Diệp Kiếm Anh của lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là ông Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng) đã cử con trai thứ hai là Diệp Tuyển Ninh đến thăm ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang). Bài viết chỉ ra, trên thực tế khi đó ông Diệp Tuyển Ninh đã đóng vai trò là “quan chức liên lạc” của Diệp Kiếm Anh, trước và sau khi Mao Trạch Đông qua đời, liên lạc bí mật giữa Diệp Kiếm Anh với các nguyên lão ĐCSTQ như Đặng Tiểu Bình, Vương Chấn, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, đều thực hiện thông qua Diệp Tuyển Ninh.
Thời điểm đó, ngay cả sau khi thế lực “tứ nhân bang” sụp đổ vào tháng 10/1976 thì người cha của ông Tập Cận Bình là ông Tập Trọng Huân vẫn đang chịu cải tạo lao động tại Lạc Dương. Ngày 21/08/1977, ông Tập Trọng Huân đã lần lượt viết thư cho ông Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang và Vương Chấn, ngày 24/08/1977 ông Tập Trọng Huân đã viết thư cho Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ Hoa Quốc Phong cùng các Phó Chủ tịch gồm Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng, yêu cầu được sửa lại án oan của mình.
Tác giả chỉ ra, khi đó người vợ của ông Tập Trọng Huân là bà Tề Tâm nhận thấy một số cán bộ kỳ cựu từng bị bức hại đều lần lượt được hồi phục chức vụ, trong khi ông Tập Trọng Huân lại chưa được nên trong lòng đầy bức xúc. Nhiều lần bà Tề Tâm dắt theo con gái Kiều Kiều đi qua lại giữa Bắc Kinh và Lạc Dương. Họ đã nhiều lần tìm gặp phó thủ tướng Vương Chấn (Wang Zhen), sau đó cũng tìm gặp các lãnh đạo Hồ Diệu Bang và Diệp Kiếm Anh. Đầu năm 1978, bà Tề Tâm đến Ban Tổ chức Trung ương để tìm gặp Trưởng ban mới khi đó là ông Hồ Diệu Bang để thỉnh cầu.
Tác giả chỉ ra, theo chia sẻ từ người bạn của ông Hồ Đức Bình (Hu Deping), thực tế khi đó bà Tề Tâm cùng con gái đi kêu oan ở Bắc Kinh hoàn toàn bế tắc, và ông Tập Cận Bình (khi đó là sinh viên) mới nghĩ cách liên lạc với con trai trưởng của ông Hồ Diệu Bang là ông Hồ Đức Bình. Còn bản thân ông Hồ Diệu Bang từ sau khi nhậm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương vào tháng 11/1977, vì quá nhiều người tìm gặp khiếu nại sửa án oan nên ông Hồ Đức Bình trở thành “quan chức liên lạc”, vậy là nhờ đó ông Tập Cận Bình cùng người mẹ Tề Tâm được bí mật gặp riêng ông Hồ Diệu Bang tại nhà.
Trong thời gian bà Tề Tâm cùng con gái đi “thỉnh nguyện” ở Bắc Kinh, ông Diệp Tuyển Ninh được người cha Diệp Kiếm Anh ủy thác đến thăm, đã báo cho cho họ cùng ông Tập Cận Bình biết tin rằng “chỉ cần ông Vương Chấn bỏ qua chuyện cũ thì đồng chí Tiểu Bình cũng sẽ không còn là trở ngại nữa”.
Vậy là bà Tề Tâm lại dẫn theo hai người con Tập Cận Bình và Kiều Kiều mang thư nhận lỗi của ông Tập Trọng Huân gửi được đến ông Vương Chấn, thừa nhận ông Tập Trọng Huân chịu trách nhiệm chính trong chuyện oan ức trước đây của ông Vương Chấn và “thành khẩn nhận sai lầm”, kết quả là sau đó ông Đặng Tiểu Bình đã ra công lệnh cho “giải oan hoàn toàn” vì ông Vương Chấn, cùng thời điểm tháng 03/1978 qua công lệnh cho phép sửa án oan hoàn toàn vì Vương Chấn, ông Tập Trọng Huân mới được ông Đặng Tiểu Bình bổ nhiệm chức vụ hữu danh vô thực là ủy viên Chính hiệp (Quốc hội) và được thông báo về cái gọi là “phục hồi sinh hoạt đảng bộ”. Còn việc chính thức công bố giải oan chính trị cho ông Tập Trọng Huân thì diễn ra vào tháng 08/1979.
Ngày 22/02/1978, dưới hỗ trợ của một quan chức Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam, ông Tập Trọng Huân lên xe lửa trở về Bắc Kinh. Ngày hôm sau, ông Diệp Kiếm Anh lại cho người con là Diệp Tuyển Bình thay mặt đến thăm. Vào ngày 26, người con khác của ông Diệp Tuyển Ninh lại
đón ông Tập Trọng Huân tại nhà riêng. Trong số tất cả các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ lúc bấy giờ, ông Diệp Kiếm Anh là người đầu tiên đến thăm gặp ông Tập Trọng Huân.
Vào đầu năm 1979, ông Tập Cận Bình phải đối mặt vấn đề “phân bổ tốt nghiệp” của Đại học Thanh Hoa, theo chính sách tuyển sinh của trường khi đó thì “người nào đến từ nơi nào phải quay trở lại nơi đó”, còn hộ khẩu của ông Tập Cận Bình năm 1975 khi được chọn vào Đại học Thanh Hoa là từ Diên An – Thiểm Tây chuyển đến Bắc Kinh, vì vậy theo lý phải đưa ông Tập trở lại Thiểm Tây. Nhưng khi đó ông Tập Cận Bình không chỉ ở lại Bắc Kinh mà còn được vào Văn phòng Chính phủ và Quân ủy Trung ương.
Giới “Thái tử Đảng” có đồn tin rằng, sau khi ông Tập Trọng Huân được phục hồi chức vị đã được ông Diệp Kiếm Anh nâng đỡ bố trí phụ trách tỉnh Quảng Đông, khi ông Diệp Tuyển Ninh cùng người cha đến thị sát Quảng Đông đã nhắc về tình hình gia đình Tập Trọng Huân, ông Tập Trọng Huân báo cáo rằng sau khi ông đến Quảng Đông thì cô con gái Kiều Kiều đã đi cùng với thân phận là thư ký, còn bà Tề Tâm ở lại Bắc Kinh, ông hy vọng con trai Tập Cận Bình sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa sẽ được ở lại Bắc Kinh cùng mẹ.
Vậy là ông Diệp Kiếm Anh cho người con Diệp Tuyển Ninh liên lạc với Thư ký trưởng Quân ủy Trung ương Cảnh Tiêu (Geng Biao) để sắp xếp cụ thể nơi đến cho ông Tập Cận Bình, còn Cảnh Tiêu cũng nhanh chóng cho biết đây là ứng viên hay nhất cho vị trí thư ký chính trị của Cảnh Tiêu. Nửa cuối tháng 03/1979 ông Tập Cận Bình đã đến trình diện Văn phòng Quân ủy Trung ương.
Ngay từ năm 1946 Cảnh Tiêu đã từng bám theo Diệp Kiếm Anh, tham gia Ban Điều hành hòa giải quân sự Bắc Bình, giữ chức phó tham mưu đoàn đại biểu ĐCSTQ, và là đại biểu Ban chấp hành Tứ Bình của ĐCSTQ. Sau khi thành lập ĐCSTQ, Cảnh Tiêu trở thành nhà ngoại giao đầu tiên được chọn từ giới cán bộ quân sự cấp cao, từng là Đại sứ Trung Quốc tại các nước như Thụy Điển, Pakistan, Myanmar, Albania, sau Cách mạng Văn hóa lại được bổ nhiệm làm Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương ĐCSTQ. Trong quá trình bắt giữ bà Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông, hồi năm 1976, Cảnh Tiêu đã thực hiện mệnh lệnh bí mật của Diệp Kiếm Anh, ngay thời gian đầu đã nhanh chóng kiểm soát tất cả các cơ quan truyền thông trung ương như đài phát thanh và truyền hình, báo chí và Tân Hoa Xã. Thời điểm đó, người được Diệp Kiếm Anh cử đi liên lạc bí mật với Cảnh Tiêu chính là người con trai Diệp Tuyển Ninh.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất ĐCSTQ khóa 11 vào năm 1977, Cảnh Tiêu được Diệp Kiếm Anh tiến cử làm Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời được chính thức bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng tại Đại hội Nhân đại vào năm sau đó; từng phụ trách công việc ngoại giao, quân sự, hàng không dân dụng, du lịch.
Sau khi Cảnh Tiêu bị Đặng Tiểu Bình tước mất chức Thư ký trưởng Quân ủy Trung ương, nghe đâu ông Tập Cận Bình sau khi tham kiến “quân sư” Diệp Tuyển Ninh mới dứt khoát trở về cơ sở địa phương. Tác giả Cao Tân kết luận, việc ông Tập Cận Bình từng bước thăng tiến chính trị tại trung ương, vào những thời điểm quan trọng đều có trợ giúp của Diệp Tuyển Ninh.
Diệp Tuyển Ninh khiến Giang Trạch Dân lo ngại, giúp Tập Cận Bình khuất phục giới nguyên lão
Trước đây tác giả Cao Tân đã công bố bài viết trên Đài Á châu Tự do chỉ ra, nguyên soái ĐCSTQ Diệp Kiếm Anh, người được mệnh danh là “vua phương Nam”, tuy đã qua đời từ lâu nhưng thế lực chính trị của gia đình ở Trung Quốc vẫn không bị suy yếu gì đáng kể. Đặc biệt là Diệp Tuyển Ninh, người được biết đến như là thủ lĩnh tinh thần của giới “Thái tử Đảng” ĐCSTQ, đã đóng vai trò gắn kết nội bộ trong giới “Thái tử Đảng” ĐCSTQ, khiến lãnh đạo ĐCSTQ một thời là ông Giang Trạch Dân đặc biệt dè chừng.
Đầu những năm 1980, các lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh và Vương Chấn đã cùng thảo luận cho mời Vinh Nghị Nhân (Rong Yiren) tham chính, tổ chức lĩnh vực ủy thác quốc gia. Khi mới thành lập Công ty Ủy thác Quốc tế Trung Quốc do họ Vinh lãnh đạo, việc xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc Đại lục hoàn toàn do công ty này quản lý, nhưng không lâu sau đã dẫn đến việc thành lập hai công ty lớn nhất của quân đội là Khoa học Kỹ thuật Bảo Lợi (Poly Technology) và Công nghiệp Khải Lợi (Kelly Industrial). Khoa học Kỹ thuật Bảo Lợi do thế hệ con cháu của Vương Chấn và Đặng Tiểu Bình kiểm soát, sau khi thế hệ con cháu
Vương Chấn hoàn toàn kiểm soát Tập đoàn Ủy thác Quốc tế Trung Quốc thì Khoa học Kỹ thuật Bảo Lợi giao lại hết cho nhà họ Đặng. Còn Công nghiệp Khải Lợi giao cho Diệp Tuyển Ninh, người vừa được bổ nhiệm làm phó Ban đối ngoại của Tổng cục Chính trị thuộc Quân đội, vừa là Chủ tịch và Tổng giám đốc của công ty.
Dư luận đồn rằng, danh hiệu “thủ lĩnh tinh thần” của “Thái tử Đảng” dành cho Diệp Tuyển Ninh xuất phát từ con gái của nguyên lão Trần Vân là Trần Vĩ Lực; còn con trai cả của ông Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương thì từng chia sẻ khiêm tốn: Tôi mà so sánh với Tuyển Ninh thì ví như một người trên trời một người dưới đất. Thời đó ở Bắc Kinh đồn đại rằng, “nhiều thái tử Đảng chỉ phục Diệp Tuyển Ninh”. Vào những năm 1980 giới con cháu nguyên lão ĐCSTQ còn đồn rằng Đặng Tiểu Bình là người hiểu rõ nhất Diệp Tuyển Ninh là kẻ bất thường, thậm chí còn cho rằng “không thể trọng dụng người này, một khi người này có thế lực thì đất nước sẽ hỗn loạn”.
Diệp Tuyển Ninh chính thức mặc đồng phục quân đội vào năm 1984, năm 1988 khi ĐCSTQ khôi phục chế độ quân hàm và lần đầu trao quân hàm thì Diệp Tuyển Ninh đã được quân hàm Thiếu tướng. Một sĩ quan quân đội có 4 năm trong quân ngũ đã được hàm Thiếu tướng là cực kỳ hiếm có. Năm 1990, Diệp Tuyển Ninh nhậm chức Trưởng ban Liên lạc Tổng cục Chính trị, rất có thế lực. Các nguồn tin trong quân đội tiết lộ, sau khi ông Giang Trạch Dân nhậm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương năm 1989 đã rất nhiều lần thăm Tổng cục Chính trị nhưng chỉ có một lần có mặt Diệp Tuyển Ninh, khi đó Giang Trạch Dân đã chắp tay “hành lễ” và chào “ông chủ”.
Tin đồn còn cho rằng, những thuộc cấp theo Diệp Tuyển Ninh, chưa bao giờ gọi Diệp Tuyển Ninh là trưởng ban mà luôn gọi là “ông chủ”.
Ban liên lạc của Tổng cục Chính trị ĐCSTQ là cơ quan tình báo đặc biệt, ngoài Tổng cục Tình báo. Đã có tin đồn rằng sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, danh sách nhân sự bí mật ẩn nấp ở khắp nơi trên thế giới trong nhiều năm mà Diệp Tuyển Ninh vẫn nắm giữ đã được trao toàn bộ lại cho ông Tập Cận Bình, điều này được ví von là “tặng Tập ba nghìn quân mai phục”.
Theo tiết lộ trong bài viết của Cao Tân, Diệp Tuyển Ninh cũng đã trao cho ông Tập Cận Bình bằng chứng về tài khoản riêng của tất cả các lãnh đạo hàng đầu trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị các khóa trước. Điều này khiến ông Tập Cận Bình dễ dàng nắm được điểm yếu của hầu hết các cựu lãnh đạo cũng như lãnh đạo còn tại nhiệm của ĐCSTQ. Bài viết chỉ ra rằng đây là lý do quan trọng nhất khiến uy danh trong Đảng của ông Tập Cận Bình bất ngờ trỗi dậy mà không ai dám chống đối.
http://biendong.net/bien-dong/nghien-cuu-quoc-te/29246-the-luc-quan-su-dang-sau-con-duong-thang-tien-cua-tap-can-binh.html

Samsung sẽ đóng cửa nhà máy cuối cùng tại TQ

vào tháng 9?

Một số kênh truyền thông tại Trung Quốc đưa tin hôm 10/7, Samsung sẽ đóng cửa nhà máy điện thoại di động tại Huệ Châu vào tháng 9 tới. Đây là nhà máy sản xuất điện thoại di động cuối cùng của Samsung ở Trung Quốc.
Theo đó, một nguồn tin thân cận với chính quyền địa phương cũng tiết lộ rằng công ty này đang cắt giảm sản xuất và chuẩn bị sa thải nhân viên. Đồng thời, lãnh đạo nhà máy Samsung Huệ Châu cũng đã lan truyền thông tin này và đang cố gắng giúp nhân viên tìm việc làm mới.
Tài khoản Wechat chính thức của một quan chức Samsung Huệ Châu đã đăng tải thông báo về hội thảo tuyển dụng các doanh nghiệp, bắt đầu từ ngày 10/7, các hãng như Bourne Optics, BYD, DBG Technology, TCL KONE Electronics và Desay Battery Technology sẽ tổ chức các hoạt động tuyển dụng, bộ phận nhân sự sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp phỏng vấn
nhân viên của nhà máy. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy sắp có cuộc sa thải quy mô lớn của Samsung.
Nhà máy Samsung Huệ Châu tọa lạc tại thị trấn Trần Giang, huyện Huệ Thành, thành phố Huệ Châu, được thành lập vào năm 1992 và chính thức được đưa vào sản xuất vào năm 1993. Đây là cơ sở sản xuất chính của Samsung tại Trung Quốc. Kể từ khi đóng cửa nhà máy của Samsung tại Thiên Tân vào cuối năm 2018, nhà máy Samsung Huệ Châu đã trở thành nhà máy sản xuất điện thoại di động cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc.
Samsung cũng dự định sẽ chuyển các nhà máy sản xuất sang các nước có chi phí lao động thấp hơn để giải quyết vấn đề chi phí lao động gia tăng không ngừng ở Trung Quốc. Hiện tại, việc sản xuất điện thoại thông minh đã dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và các nước khác. Đồng thời, họ sẽ chuyển giao việc sản xuất điện thoại di động tầm trung và cấp thấp cho các công ty ODM Trung Quốc. Ví dụ, Skyworth Huệ Châu đang giúp Samsung sản xuất các dòng sản phẩm phổ thông.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Samsung để lộ thông tin về việc sa thải nhân viên. Một trong những lý do chính cho việc đóng cửa các nhà máy là bởi chi phí hoạt động ở Trung Quốc ngày càng cao hơn, thêm nữa môi trường chính trị và kinh doanh ở Trung Quốc cũng ngày càng tồi tệ hơn.
Ngoài ra, thị phần của Samsung trên thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc liên tục suy giảm. Năm 2013, thị phần điện thoại di động của Samsung tại Trung Quốc chiếm tới 20%. Chỉ trong 5 năm, con số này đã giảm mạnh xuống còn dưới 1%. Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường IDC cho thấy, năm 2018, doanh số điện thoại di động của Samsung tại thị trường Trung Quốc chỉ đạt mức 3,34 triệu thiết bị, chiếm 0,8% thị phần. Điều đáng quan ngại hơn nữa, cùng với sự suy thoái chung của thị trường trong ngành công nghiệp điện tử, dự báo tài chính Samsung Quý II/2019 của Samsung còn bị ảnh hưởng do sự sụt giảm liên tục của thị trường chip nhớ.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng mảng kinh doanh bán dẫn là hoạt động mang lại lợi nhuận chính cho Samsung, nhờ vào nhu cầu sử dụng chip DRAM được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và bộ nhớ flash NAND phục vụ cho mục đích lưu trữ dung lượng cao. Nhưng hiện toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn đang trải qua giai đoạn điều chỉnh hàng tồn kho, nhu cầu chip thấp và dẫn đến tình trạng dư cung và giá thấp hơn. Nếu tình trạng cung vượt cầu vẫn không được cải thiện, khả năng phục hồi lợi nhuận của Samsung trước mắt khó có thể đảm bảo được.
Hồi cuối tháng 6, phía Nhật Bản còn tuyên bố siết chặt việc xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và chip sang thị trường Hàn Quốc từ ngày 4/7 tới. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất điện thoại thông minh của Samsung và khiến việc kinh doanh của tập đoàn này ảm đạm hơn.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29243-samsung-se-dong-cua-nha-may-cuoi-cung-tai-tq-vao-thang-9.html

Trung Quốc nói sẽ chế tài

các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

Trung Quốc hôm thứ Sáu nói rằng họ sẽ áp đặt các chế tài đối với các công ty Mỹ góp mặt trong thỏa thuận bán xe tăng, tên lửa và các thiết bị liên quan trị giá 2,2 tỉ đôla cho Đài Loan, nói rằng việc này gây tổn hại tới chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận bán vũ khí theo yêu cầu của Đài Loan, bao gồm 108 xe tăng M1A2T Abrams của General Dynamics Corp và 250 tên lửa Stinger do Raytheon sản xuất.
Washington cho biết những thương vụ này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực, nhưng Bắc Kinh đã yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận.
Tuyên bố mới nhất của Trung Quốc đưa ra khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang ở New York trên đường đến thăm bốn nước đồng minh ở khu vực Caribe, một chuyến đi cũng đã khiến Trung Quốc nổi giận.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc Mỹ bán vũ khí cấu thành một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy phạm cơ bản quản lí các quan hệ quốc tế.
Người phát ngôn, Cảnh Sảng, cũng gọi thương vụ này là một sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của “một Trung Quốc” mà theo đó Mỹ chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc.
“Để bảo vệ các lợi ích quốc gia của chúng tôi, Trung Quốc sẽ áp đặt các chế tài đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ liên quan đến việc bán vũ khí nói trên cho Đài Loan,” ông Cảnh nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận và các công ty Mỹ liên quan đến thương vụ vũ khí Đài Loan không hồi đáp ngay lập tức, Reuters cho biết.
Không rõ quyết định này của Trung Quốc sẽ có tác động khả dĩ nào vì các nhà thầu quốc phòng của Mỹ đã bị cấm giao dịch với Bắc Kinh kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Dù quan hệ với Đài Loan là không chính thức về mặt kĩ thuật, Mỹ có nghĩa vụ theo luật pháp của nước này hỗ trợ về quốc phòng cho Đài Loan và là nước cung cấp vũ khí chính của hòn đảo này.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh li khai và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thu phục hòn đảo này.
Trong chuyến thăm Budapest hôm thứ Sáu, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, cảnh báo Washington rằng họ không nên “đùa với lửa” về vấn đề Đài Loan.
Phát biểu tại Đại học Columbia ở New York hôm thứ Sáu, bà Thái nói điều quan trọng là cộng đồng quốc tế ủng hộ một Đài Loan tự do và dân chủ, theo bản văn bài phát biểu của bà đăng trên website của văn phòng tổng thống bà.
“Những khác biệt về văn hóa và chính trị giữa Eo biển Đài Loan chỉ ngày càng nới rộng thêm; và mỗi ngày mà Đài Loan chọn tự do ngôn luận, nhân quyền, pháp trị, là ngày mà chúng tôi càng rời xa những ảnh hưởng của chủ nghĩa độc tài,” bà nói, đề cập đến Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-se-che-tai-cac-cong-ty-my-ban-vu-khi-cho-dai-loan/4999084.html

Giới chức TQ: Bắc Kinh ủng hộ lãnh đạo Hong Kong

Đại diện hàng đầu của Trung Quốc tại Hong Kong ngày 11/7 tuyên bố chính quyền trung ương ở Bắc Kinh duy trì sự ủng hộ đối với Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, Carrie Lam, người đang đương đầu với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trên lãnh thổ Hong Kong kể từ khi vùng đất này được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997.
Hàng triệu người xuống đường ở Hong Kong trong tháng rồi, tham gia một trong những cuộc biểu tình lớn nhất và bạo động nhất trong hàng chục năm qua, để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi can sang Trung Quốc xét xử.
Wang Zhimin, giám đốc văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hong Kong, chỉ trích bạo động bùng nổ tại một số cuộc biểu tình.
Ông Wang nói chính quyền trung ương mạnh mẽ ủng hộ bà Lam và ủng hộ cảnh sát Hong Kong thực thi nhiệm vụ theo luật pháp.
Ông nhắc lại quan điểm của chính phủ Trung Quốc rằng ‘lực lượng nước ngoài’ đừng sau cuộc bạo loạn và rằng một số người Hong Kong bị lợi dụng để gây rối.
Ông kêu gọi mọi người đoàn kết tiến lên phía trước, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng Hong Kong là một ‘mái nhà chung.’
https://www.voatiengviet.com/a/gi%E1%BB%9Bi-ch%E1%BB%A9c-tq-b%E1%BA%AFc-kinh-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-hong-kong/4998818.html

Tổng thống Duterte nghi ngờ

quân đội Philippines âm mưu đảo chính

Có nguồn tin tin cậy cho rằng quân đội Philippines (AFP) có thể tiến hành đảo chính quân sự để loại bỏ Tổng thống Rodrigo Duterte khỏi quyền lực, Salvador Panelo, người phát ngôn kiêm cố vấn pháp lý của chủ nhân Dinh Malacanang cho biết
Có nguồn tin tin cậy cho rằng quân đội Philippines (AFP) có thể tiến hành đảo chính quân sự để loại bỏ Tổng thống Rodrigo Duterte khỏi quyền lực, Salvador Panelo, người phát ngôn kiêm cố vấn pháp lý của chủ nhân Dinh Malacanang cho biết.
Ông Panelo nói thế khi giải thích vì sao trong một diễn văn chào mừng các quan chức chính phủ mới hôm 8.7, ông Duterte kêu gọi lãnh đạo Hạ viện Philippines phục hồi hiến pháp để bảo vệ ngôi lãnh đạo của ông khỏi tay AFP (quân đội Philippines), theo báo Manila Times hôm 9.7.
Theo kênh CNN ở Philippines, trong diễn văn, ông Duterte nói nếu các chính khách “muốn thay đổi Hiến pháp thì hãy làm ngay từ bây giờ. Tôi vẫn còn đây… vì quân đội đang giận dữ”.
Có thông tin ông Duterte lo sợ AFP sẽ dựa vào vai trò lực lượng bảo vệ nhân dân (có ghi trong Hiến pháp Philippines) để buộc ông rời khỏi quyền lực, khi đất nước Đông Nam Á này gặp nhiều vấn đề như quan chức tham nhũng, cuộc chiến bạo lực chống ma túy và nạn khủng bố.
Hôm 9.7, ông Panelo nói với các nhà báo: Tổng thống Duterte có thể tuyên bố thiết quân luật, hoặc tuyên bố lập chính phủ cách mạng, và ông có thể sử dụng quyền khẩn cấp để xử lý các vấn đề của đất nước, nhưng quân đội có thể sớm bị thất vọng nếu tình hình càng trầm trọng hơn.
Người phát ngôn nói: “Tôi cho rằng đó là một cảnh báo rõ ràng gởi đến mọi người… Nếu quân đội càng giận dữ, họ có thể tổ chức đảo chính… Tổng thống có thông tin đáng tin cậy (về việc này). Chắc chắn bất kỳ âm mưu đảo chính nào chống lại Tổng thống sẽ thất bại. Họ sẽ không có được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân vốn rất tích cực ủng hộ Tổng thống và chính phủ của ngài”.
Trong khi đó, người phát ngôn của AFP Edgar Arevalo nói với CNN: “Quân đội sẽ trung thành với cờ tổ quốc, Hiến pháp và nhân dân Philippines”, đồng thời bác bỏ việc ông Duterte đề cập khả năng quân đội đảo chính.
AFP cũng tuyên bố “là người lính chuyên nghiệp, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Tổng thống của chúng ta, không quên lời thề phục vụ nhân dân Philippines. Tổng thống ủng hộ quân đội, nên chúng tôi không có lý do gì để nổi loạn”.
http://biendong.net/diem-tin/29297-tong-thong-duterte-nghi-ngo-quan-doi-philippines-am-muu-dao-chinh.html

Australia thúc giục Anh tăng cường

 ‘tham gia quân sự’ vào châu Á – Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Australia nói Anh nên tăng cường “tham gia quân sự” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong chuyến thăm tới Vương quốc Anh mới đây, theo Telegraph.
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Vương quốc Anh kể từ khi nhậm chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng Australia hồi tháng trước, bà Linda Reynold nói rằng khả năng an ninh và quân sự của hai nước nên được kết hợp để có hiệu quả cao hơn, trong khi vẫn chú ý đến các ưu tiên của mỗi bên. Cụ thể, bà cho biết hai cơ quan tình báo của hai đất nước nên liên kết chặt chẽ với nhau hơn.
Phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế tại London, bà Reynold nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta hiện đang chứng kiến sự tái thiết trong bối cảnh mang tính chiến lược lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai”. “Chúng ta cũng đang chứng kiến ​​sự bùng nổ các công nghệ mới, điều đó có nghĩa là thế giới của chúng ta ngày càng tự do hơn về mặt địa lý”, bà cho biết.
Đề cập đến yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và cuộc tấn công chất độc thần kinh cựu điệp viên Nga ở Salisbury, Anh, bà nói rằng các quy tắc và luật pháp quốc tế đang bị “thách thức trơ trẽn” hơn bao giờ hết.
“Tất cả các quốc gia đều không thể bị đàn áp”, bà nói, nhấn mạnh rằng thế giới đang bị thách thức bởi việc sử dụng các “Chiến thuật chống lại hoặc bỏ qua các chuẩn mực truyền thống toàn cầu”.
Hiện tại Australia là quốc gia có ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bác của bà Reynold, người đã điều khiển 70 chuyến bay theo lệnh của Bộ tư lệnh máy bay ném bom thuộc Không quân Hoàng gia Anh qua ba khu chiến sự trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, đã cảnh báo rằng đất nước của bà sẽ phải đối mặt với “một tỷ lệ hiện đại hóa quân sự và tranh chấp lãnh thổ chưa từng có đang diễn ra với các nước như Trung Quốc”.
Trung Quốc rất quyết tâm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong những năm gần đây.
Cùng với việc đầu tư vào các dự án đường sắt và đường bộ ở Nam Á, họ đang phát triển các cảng nước sâu trong khu vực để bảo vệ các tuyến đường biển thông qua các nút thắt dễ bị tổn thương tại vùng eo biển Malacca, Lombok và Sunda.
Bà Reynold nói rằng các “Thỏa thuận Quốc phòng Năm cường quốc” giữa Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore và Anh là vô cùng “độc đáo và quý giá”. Thỏa thuận này nên được sử dụng để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc.
“Càng lâu không kiểm soát họ, họ càng mạnh dạn hơn”.
Và để tưởng nhớ mối quan hệ lịch sử thân thiết giữa Australia và Anh, bà hoan nghênh việc triển khai tàu Hải quân Hoàng gia Anh vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và kêu gọi sự hiện diện lớn hơn của quân đội Anh trong khu vực này. “Australia đã sẵn sàng tạo điều kiện cho Anh Quốc”, bà nói.
“Một số quốc gia có mối quan hệ gần gũi, ví dụ như Australia và Anh Quốc. Chúng ta hoạt động và chiến đấu cùng nhau, cho dù ở Afghanistan và Iraq”. “Nói tóm lại, chúng ta tin tưởng lẫn nhau”, bà Reynold cho biết.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29238-australia-thuc-giuc-anh-tang-cuong-tham-gia-quan-su-vao-chau-a-thai-binh-duong.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.