Tại sao quý vị lại cười?
Đồng Phụng Việt
13-7-2019
Quý vị đang thi nhau cười bà Phan Thị Hồng Xuân khi bà đề nghị mỗi gia đình ở TP.HCM sắm một… cái lu chứa nước để giải quyết vấn nạn ngập lụt đang càng ngày càng trầm trọng (1).
Báo chí đã mở đường cho bà Xuân nói lại rằng đó không phải là ý tưởng của bà. Đó là ý kiến của các chuyên gia thuộc JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật). Bà Xuân nhấn mạnh, bà tiếc là không… dẫn nguồn nên mới bị… cười.
Để phòng ngừa quí vị sẽ cười lớn, cười nhiều hơn, khi nói lại, bà Xuân đã chú thích kỹ, các chuyên gia JICA không khuyên dùng… lu, họ chỉ khuyên gia tăng xây dựng các “hồ chứa nước tại gia”.
Ý tưởng “hồ chứa nước tại gia” được bà Xuân kết hợp với “tri thức về nhân học” và “tri thức bản địa, theo phương diện dân gian” và chuyển hóa thành… lu (2). “Hồ chứa nước tại gia” có khả thi với đặc điểm của một đô thị như TP.HCM hay không cần được tranh luận thêm. Thể tích của “hồ chứa nước tại gia” khác dung tích của lu rất… xa, những hệ lụy đi kèm ý tưởng đặt lu khắp nơi cũng không phải là nhỏ và tại sao bà Xuân – một Phó Giáo sư, Tiến sĩ ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Viê5t Nam – lại xem JICA như một thứ chuẩn mực, cứ vin vào đó là đủ làm thiên hạ “tâm phục, khẩu phục”, nín cười, cũng rất đáng bàn nhưng không nên mất thời gian để bàn?
Vấn đề đáng bàn là tại sao quí vị lại cười?
Ý tưởng sắm – đặt lu được giới thiệu ở một buổi thảo luận riêng về vấn nạn ngập lụt tại TP.HCM của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa 9. “Lu” không có cửa xuất hiện nếu hàng trăm ngàn tỉ đồng đã chi cho chống ngập ở TP.HCM phát huy tác dụng.
Không chỉ có bà Xuân, chẳng cá nhân nào là đại diện cho nhân dân TP.HCM, đại diện quý vị, chất vấn đòi làm rõ xem những ai phải chịu trách nhiệm về việc cắt giảm nhiều thứ phúc lợi liên quan tới an sinh để có tiền chống ngập, dùng viện trợ để chống ngập, vay thiên hạ trả lãi cao để chống ngập, rồi đem công thổ đổi các công trình chống ngập,… nhưng ngập lụt ở thành phố này càng ngày càng trầm trọng, tới mức một Phó Giáo sư – Tiến sĩ phải tính tới việc dùng… lu!
Tại sao quý vị lại cười khi đại diện cho quý vị chỉ toàn những kẻ như vậy? Chỉ cười chắc chăn không thể chấm dứt tình trạng cứ mưa là ngập, không mưa cũng ngập nếu có triều cường, từ ông bà, cha mẹ đến cháu chắt cùng bì bõm lội nước!
Tại sao quý vị lại cười mà không chọn thái độ khác khi bà Xuân… lu là cá nhân được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM giới thiệu vào HĐND TP.HCM (3). Chẳng lẽ tầm vóc của một cá nhân đại diện cho trí thức TP.HCM chỉ thế thôi sao?
Lẽ nào quý vị có thể cười khi bà Xuân là Trưởng khoa Đô thị học của Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn (ĐH KHXH NV) TP.HCM đấy (4)! Cứ tra cứu trên Internet sẽ thấy bà Xuân là Tiến sĩ Dân tộc học. Quan điểm của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thế nào về tổ chức giáo dục đào tạo mà lại sắp xếp cho một Tiến sĩ Dân tộc học làm giảng viên, thậm chí làm… Trưởng Khoa Đô thị học, đào tạo những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tham gia quy hoạch, điều hành một đô thị?
Ngoài việc là đại biểu HĐND TP.HCM, bà Xuân còn là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Singapore, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Thái Lan, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ, Ủy viên Hội đồng tư vấn đối ngoại kiều bào, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM,… nhưng điều đó không đáng bận tâm. Tình hữu nghị… Việt – Trung đủ để hình dung về vai trò, vị trí các hội hữu nghị trong Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam!
Tuy nhiên nếu quý vị còn có thể cười vì ngoài việc giảng dạy tại nhiều khoa (Nhân học, Dân tộc học, Đông Nam Á, Đô thị học,…) ở ĐH KHXH NV TP.HCM, bà Xuân còn tham gia giảng dạy tại Đại học Văn hóa TP.HCM, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Sài Gòn, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại học An ninh nhân dân TP.HCM,… thì đúng là hết ý để bàn với quý vị. Bà Xuân không dạy dỗ con cháu quý vị thì những sinh viên bà đào tạo cũng chi phối hiện tại, tương lai của cả quí vị lẫn dân tộc, xứ sở này đấy!
***
Bà Xuân không phải là trường hợp cá biệt. Đa số đại diện cho quý vị ở xứ này, từ phường xã, quận huyện, tỉnh thành, cho đến toàn quốc cũng hệt như rứa. Do vậy mà quý vị cười từ năm này sang năm khác, hết thập niên này đến thập niên khác.
Đại diện cho quý vị ở đủ mọi cấp rặt những thứ như thế nhưng quý vị chỉ thi nhau cười. Khi công bộc của quý vị cũng chẳng khá hơn mà chỉ gồm toàn những kẻ như kẻ sử dụng công quyền cấm quảng cáo “Mở ‘lon’ Việt Nam” mà quý vị cũng cười.
Thập niên đầu tiên của thế kỷ trước, cụ Nguyễn Văn Vĩnh than trên Đông Dương Tạp chí: An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang (5)…
Sau một thế kỷ, quý vị vẫn chỉ chứng tỏ quý vị biết cười và tự cảm thấy hài lòng vì… dám cười rồi lại cúc cung làm trâu ngựa, lại nghiến răng, nuốt nước mắt chịu đựng đủ thứ bất toàn, phi lý đã từng đổ xuống đầu ông bà, cha mẹ quý vị và vì quý vị chỉ cười nên sẽ tiếp tục đổ xuống đầu con cháu quý vị. Chẳng ai tội nghiệp quý vị. Đáng đời quý vị!
Chú thích
https://baotiengdan.com/2019/07/13/tai-sao-quy-vi-lai-cuoi/
0 nhận xét