Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 21/06/2019

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019 19:26 // ,


Tin khắp nơi – 21/06/2019

TT Trump rút lại lệnh tấn công Iran,

10 phút trước giờ hành động

Các quan chức Iran hôm 21/6 tiết lộ với Reuters rằng Tehran đã nhận được tin nhắn từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cảnh báo về một cuộc tấn công vào Iran sắp xảy ra, nhưng ông nói thêm rằng ông chống chiến tranh và muốn đàm phán về một loạt vấn đề.
Tin tức về thông điệp này được gửi qua Oman qua đêm, được tung ra ngay sau khi báo New York Times cho biết ông Trump đã phê chuẩn cuộc tấn công quân sự chống lại Iran hôm thứ Sáu về vụ máy bay trinh sát không người lái của Mỹ bị bắn hạ, tuy nhiên lệnh tấn công đã được rút lại vào phút cuối.
Một giới chức Teheran nói với Reuters với điều kiện được giấu tên rằng trong tin nhắn, ông Trump nói ông chống lại bất kỳ cuộc chiến nào với Iran và muốn nói chuyện với Tehran về một loạt vấn đề.
Vẫn theo giới chức Iran, ông Trump cho phía Iran một thời gian ngắn để phản hồi, nhưng Iran lập tức trả lời rằng tất cả đều tùy thuộc vào lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei để quyết định vấn đề này.
Reuters dẫn lời một quan chức Iran thứ hai nói:
“Chúng tôi khẳng định rõ rằng lãnh đạo của chúng tôi chống đối bất kỳ cuộc đàm phán nào, nhưng thông điệp của ông Trump sẽ được chuyển đến ông (Khamenei) để làm quyết định. Chúng tôi cũng nói với quan chức Oman rằng bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại Iran đều có hậu quả khu vực và quốc tế.”
Sau nhiều tuần lễ căng thẳng gia tăng và một loạt cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ở Vùng Vịnh, Iran hôm thứ Năm cho biết đã bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của quân đội Hoa Kỳ bằng một tên lửa đất đối không.
Sau khi máy bay không người lái bị bắn hạ, TT Trump đã ra dấu hiệu cho thấy ông không muốn leo thang tranh chấp với Iran về các hoạt động tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này và việc Iran hỗ trợ các nhóm đại diện can dự vào các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Ông Trump nói máy bay không người lái Mỹ có thể đã bị bắn hạ bởi một kẻ nào đó đã có hành động “không kiềm chế và xuẩn ngốc”, nhưng ông Trump nói thêm: “Nước Mỹ sẽ không chấp nhận hành động đó”.
Sự cố này đã càng làm tăng những lo sợ trên toàn cầu về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai nước thù nghịch lâu năm, đồng thời đẩy giá dầu lên 1 đô la/ thùng tới 65,50 đô la hôm thứ Sáu, do lo ngại về sự gián đoạn trong việc xuất khẩu dầu thô từ vùng Vịnh.
Hôm 21/6, Tổng thống Trump viết trên Twitter, cho biết ông đã ra lệnh cho tấn công 3 địa điểm khác nhau ở Iran, máy bay và tàu chiến Mỹ đã ở trong tư thế sẵn sàng, nhưng lệnh tấn công được rút lại 10 phút trước giờ hành động.
https://twitter.com/realDonaldTrump/status/1142055388965212161Translation copied
Theo một tin mới hơn, Reuters dẫn lời một chỉ huy Vệ binh Cách mạng Iran cho biết hôm thứ Sáu là Iran đã tự chế, không bắn hạ một máy bay Mỹ chở 35 người, đi kèm với máy bay không người lái bị bắn rớt ở vùng Vịnh.
Amirali Hajizadeh, Tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, được hãng thông tấn TASnim dẫn lời nói:
“Ngoài máy bay không người lái của Mỹ trong khu vực còn có một máy bay P-8 của Mỹ trên đó có 35 người. Chiếc máy bay này cũng bay vào không phận của chúng tôi và chúng tôi có thể bắn hạ nó, nhưng chúng tôi đã không làm vậy.”
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-rut-lai-lenh-tan-cong-iran-10-phut-truoc-gio-hanh-%C4%91ong/4968406.html

Xung khắc Mỹ-Iran dừng lại ở chiến tranh cân não ?

Tú Anh
Vụ sáu chiếc tàu dầu trong vòng một tháng bị tấn công ở vùng Vịnh đã làm cho căng thẳng Mỹ-Iran lên tột độ. Trong bối cảnh này, sự kiện máy bay dọ thám tự hành của Mỹ bị Iran bắn rơi càng làm cho nguy cơ chiến tranh đến gần hơn. Theo New York Times, tổng thống Donald Trump đã ký lệnh phản công trước khi đình hoãn vào phút chót. Thay vào đó, chủ nhân Nhà Trắng gửi thông điệp cho giáo chủ Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran kêu gọi đối thoại để tránh chiến tranh. Đây là chiến lược mới hay chiến tranh cân não ?
Giáo chủ Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của chế độ Cộng hoà Hồi giáo Iran và tổng thống Mỹ Donald Trump đang đánh một nước bài tháu cáy tại vịnh Ba Tư, mà chuyện được thua sẽ ảnh hưởng đến trước tiên là vận mệnh Iran và tiếp đến là kinh tế toàn cầu.
Nếu chiến tranh xảy ra ngay tại Trung Đông thì đó sẽ là điều trớ trêu, vì nhà tỷ phú Donald Trump lúc tranh cử tổng thống đã thề là ông sẽ không bao giờ phiêu lưu vào lò than hồng này.
Nhưng, trong tuần qua, sau vụ tàu dầu bị tấn công, lần thứ hai trong một tháng, Washington cáo buộc Iran là thủ phạm âm mưu tấn công vào quyền lợi nước Mỹ. Cho dù Iran dứt khoát phủ nhận, Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường lực lượng, gởi thêm 1000 quân sau khi đưa B52 và hàng không mẫu hạm vào vùng.
Nhìn từ Washington, sách lược gây áp lực để buộc chế độ Hồi giáo Iran từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự là hợp lý, bởi vì hiệp định 2015 chỉ có giá trị đến năm 2025. Trong khi đó Iran tiếp tục phát triển, cải tiến tên lửa tầm trung, tầm xa, các cơ xưởng tinh lọc uranium vẫn hoạt động, tuy không tự do như trường hợp Bắc Triều Tiên.
Vấn đề thứ nhất là cho đến nay, các biện pháp trừng phạt, bao vây kinh tế khiến các tập đoàn nước ngoài bỏ Iran, làm kinh tế khó khăn, nhưng chế độ Iran vẫn không sụp đổ như phe diều hâu tiên liệu.
Vấn đề thứ hai, là chiến thuật của tổng thống Donald Trump không còn là một bí mật. Đối với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Venezuela, nhà tỷ phú Mỹ chỉ có một bài bản : hăm he, dọa nạt, rồi đưa ra những yêu sách tối đa kèm theo đòn chiến tranh cân não, cuối cùng là tuyên bố « sẽ đánh », nếu đối phương không đáp ứng.
Thông tin của New York Times về « lệnh hành quân » ngưng lại vào giờ chót cũng như tin riêng của Reuters về « thông điệp » gởi Ayatollah Iran trong đêm thứ năm 20/06 cũng theo chiều hướng này : diễu võ dương oai nhưng không có hành động tương xứng đi kèm.
Trong tình thế nóng bỏng hiện nay, chỉ có Israrel, qua tuyên bố của thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhiệt tình ủng hộ một giải pháp triệt để nhằm tiêu diệt tiềm năng hạt nhân của Iran.
Nhìn từ châu Âu, tuy cũng lo ngại vũ khí Iran và chiến tranh, giới chính trị và phân tích thời sự có một quan điểm trung dung hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong một phản ứng « nóng » vào đêm hôm qua tại Bruxelles, kêu gọi Iran và Mỹ bình tĩnh.
Trên đài phát thanh RTL, nhà bình luận Philippe Corbé cũng cho rằng tổng thống Mỹ sử dụng ngôn ngữ nước đôi chứ không muốn đánh.
Muốn đàm phán trong thế mạnh
Trên thực tế, Donald Trump muốn Iran ngồi vào bàn thương thuyết trong thế yếu, và ông muốn trực tiếp đàm phán với Ayatollah một hiệp ước hoà bình trong thế mạnh.
Nhưng đây mới là phương trình nát óc cho chủ nhân Nhà Trắng : nếu giáo chủ Iran từ chối thì sao ? Ali Khamenei đã nói là Donald Trump không phải là người đáng tin cậy. Còn nếu giáo chủ chấp nhận « lời mời » như lãnh đạo Bắc Triều Tiên rồi đặt điều kiện cứng rắn, tổng thống Donald Trump sẽ đối phó ra sao ?
Tổng thống thứ 45 của Mỹ không phải là một người thích can thiệp quân sự. Khác với bốn vị tổng thống tiền nhiệm, dù Cộng hoà hay Dân chủ, tất cả đều dám động binh, khi Donald Trump đã ứng cử với lời hứa đem quân về nước.
Đó là lý do mà chỉ vài giờ sau khi dọa đánh, ông đấu dịu. Vấn đề là chiến tranh cân não, nếu không khéo, có thể làm đối phương hiểu lầm, đưa đến hệ quả bất ngờ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190621-xung-khac-my-iran-dung-lai-o-chien-tranh-can-nao

Vụ Iran bắn hạ máy bay Mỹ:

Trump nói Iran có thể bắn nhầm

Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ giảm tầm quan trọng của việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ hôm 20/6 khi nói rằng ông nghi là máy bay bị bắn nhầm và rằng giả sử máy bay có người lái thì ông sẽ có phản ứng khác.
Trong khi những phát biểu này dường như cho thấy ông Trump không muốn leo thang vụ việc mới nhất trong một loạt các sự việc với Iran, Tổng thống Mỹ cảnh cáo rằng: “Nước Mỹ sẽ không chấp nhận chuyện này.”
Tehran nói máy bay Global Hawk không vũ trang bị bắn khi đang thực hiện nhiệm vụ do thám bên trên lãnh thổ của họ nhưng Washington nói máy bay bị bắn hạ trong không phận quốc tế.
“Tôi nghĩ có lẽ Iran đã lầm – tôi nghĩ một vị tướng hoặc ai đó đã lầm khi bắn hạ máy bay,” ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
“Không có người trong máy bay. Nếu có thì sẽ là chuyện khác, có thể tôi sẽ phản ứng khác đi,” nếu máy bay có người điều khiển, ông Trump nói khi ông tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Phòng Bầu dục.
Mỹ, gọi sự kiện này là một “vụ tấn công không khiêu khích” trong không phận quốc tế, đang theo đuổi chiến dịch cô lập Iran để ngăn chặn các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân cũng như hạn chế vai trò của nước này trong các cuộc chiến khu vực.
Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ việc leo thang căng thẳng trong Vùng Vịnh (một huyết mạch hệ trọng cho nguồn cung dầu toàn cầu) kể từ giữa tháng 5 kể cả các vụ tấn công phát nổ nhắm vào sáu tàu chở dầu trong khi Tehran và Washington trên bờ vực đối đầu.
Không rõ Mỹ sẽ phản hồi thế nào trước hành động của Iran. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Quốc hội, cho biết Washington không muốn chiến tranh với Iran.
“Khó mà tin được là chuyện này là cố ý, nếu quý vị muốn biết sự thật. Tôi nghĩ có thể là ai đó đầu óc không bình thường hay ngớ ngẩn hôm đó,” ông Trump nói, nhắc đến vụ bắn hạ máy bay.
Chính quyền Trump đã triệu tập các nhà lãnh đạo hàng đầu trong Quốc hội đến Nhà Trắng để báo cáo về Iran, Reuters dẫn một nguồn biết về cuộc họp này cho hay.
Iran phủ nhận sự dính líu trong các vụ tấn công tàu chở dầu, nhưng lo ngại toàn cầu về một cuộc xung đột bùng phát ở Trung Đông gây gián đoạn xuất khẩu dầu đã khiến giá dầu thô tăng vọt.
Căng thẳng với Iran bùng lên khi ông Trump vào năm ngoái rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân 2015 với Iran và tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Washington áp đặt các chế tài mới nhằm bóp nghẹt hoạt động buôn bán dầu thiết yếu của Tehran. Iran trả đũa vào đầu tuần này bằng lời đe dọa sẽ vi phạm các giới hạn đối với các hoạt động hạt nhân mà thỏa thuận này áp đặt.
https://www.voatiengviet.com/a/vu-iran-ban-ha-may-bay-my-trump-noi-iran-co-the-ban-nham/4967570.html

Mỹ đe dọa tấn công Iran,

nhưng vẫn tỏ thiện chí thương lượng

Tú AnhThụy My
Căng thẳng Mỹ-Iran lên tột đỉnh sau vụ một chiếc drone của Mỹ bị bắn hạ trong vịnh Ba Tư. Chiều hôm qua 20/06/2019, Iran công bố một số hình ảnh và cáo buộc Mỹ « gây hấn » tại Liên Hiệp Quốc. Phản ứng đầu tiên của Donald Trump là dọa trả đũa hành động mà ông gọi là « sai lầm nghiêm trọng » của Iran. Trong đêm qua, Teheran nhận được thông điệp của tổng thống Mỹ gồm hai điểm : Hoa Kỳ chuẩn bị oanh kích nhưng vẫn giữ thiện chí thương lượng.
Tình hình trong 24 giờ qua đang đi theo hướng làm tăng thêm nguy cơ chiến tranh trong vùng Vịnh.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi phân tích :
Lần đầu tiên truyền hình Iran chiếu đoạn phim chiếc máy bay dọ thám tự hành của Mỹ bị lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắn hạ.
Người ta thấy một tên lửa được phóng lên trong đêm.Vài giây sau, có tiếng nổ lớn cùng với những tiếng hô to « Allah vĩ đại ». Trái lại, không có một hình ảnh nào về xác của chiếc drone.
Theo truyền thông Iran, chiếc drone loại Global Hawk bị trúng tên lửa 3-Khordad do Iran chế tạo, có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 75 km.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cho là máy bay dọ thám của Mỹ xâm phạm không phận Iran trong khi Washington khẳng định « ở trong không phận quốc tế ».
Ngoại trưởng Mohamad Javad Zarif lên án Mỹ xâm phạm không phận Iran và cho biết sẽ kiện Mỹ ra trước Liên Hiệp Quốc về hành động « xâm lấn », nhất là Iran đã vớt được một phần xác của chiếc drone trong hải phận quốc gia.
Vụ va chạm đầu tiên giữa Iran và Hoa Kỳ chỉ có thể làm cho tình hình căng thẳng thêm với nguy cơ dẫn đến xung đột trực tiếp.
Ayatollah Khamenei, người quyết định sau cùng ?
Thông điệp của tổng thống Mỹ được đại diện ngoại giao Oman tại Iran chuyển đến và đã được các nguồn tin từ chính phủ Iran xác nhận với Reuters. Nguồn tin này cho biết tổng thống Mỹ thông báo ý định « sắp tấn công, cho dù không muốn chiến tranh » và mong rằng Iran trả lời gấp đề xuất « thảo luận » để tránh xung đột. Cũng theo nguồn tin này, thông điệp đã được chuyển lên giáo chủ Ali Khamenei để quyết định.
Còn theo New York Times, tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công bắt đầu từ hôm nay 21/06 trước khi cho ngưng lại. Không rõ lệnh này còn được duy trì hay không ? Trong khi chờ đợi, nhiều công ty hàng không quốc tế, trong đó có Air France, tuân thủ khuyến cáo của Mỹ tránh bay ngang vùng eo biển Ormuz.
Hay John Bolton ?
Lo ngại chiến tranh xảy ra, tổng thống Pháp kêu gọi hai bên giữ thái độ chừng mực. Các cường quốc tham gia trong hiệp định hạt nhân 2015, trừ Hoa Kỳ, sẽ họp với nhau vào ngày 28 tháng này.
Tại Hoa Kỳ, đảng Dân chủ lo ngại chủ nhân Nhà Trắng sẽ bị phe diều hâu thuyết phục chọn giải pháp vũ lực.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
« Tôi không nghĩ rằng đây là cố ý, mà ai đó vừa hèn vừa ngu đã làm việc này ». Tổng thống Mỹ dường như muốn làm giảm nhẹ trách nhiệm cho chế độ Iran sau vụ bắn hạ chiếc máy bay không người lái.
Ông Donald Trump luôn nói muốn rút quân Mỹ khỏi các khu vực xung đột, và có vẻ không sẵn sàng lao vào chiến tranh. Nhưng trong số những người thân cận của ông có nhiều nhân vật « diều hâu », nhất là cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Các nghi sĩ Dân Chủ đã được mời đến Nhà Trắng để thông tin về sự kiện gây lo ngại một sự leo thang.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, thủ lãnh phe Dân Chủ tại Thượng Viện, nói : « Tổng thống có lẽ không có ý định tham chiến, nhưng chúng tôi lo ngại rằng ông Trump cùng với chính quyền của ông lôi kéo chúng ta vào một cuộc chiến. Quan điểm của phía Dân Chủ là cần phải có sự đồng ý của Quốc Hội trước khi lao vào một cuộc xung đột với Iran, và một trong những phương cách tốt nhất để tránh một cuộc chiến mà không ai muốn xảy ra, là cần có một cuộc tranh luận tích cực, cởi mở ; và Quốc Hội phải có tiếng nói trong vấn đề này ».
Phe Dân Chủ đã đề nghị một tu chính án, đòi hỏi Nhà Trắng phải tham vấn Quốc Hội trước khi tấn công Iran. Nhưng hiện thời thủ lãnh phe Cộng Hòa đang chiếm đa số ở Thượng Viện, ông Mick McConnell từ chối đưa ra tu chính án này ra biểu quyết.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190621-my-iran-teheran-thong-bao-nhan-duoc-thong-diep-khai-chien-cua-washington

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964

có giống căng thẳng quanh Iran hôm nay?

Căng thẳng Vịnh Oman giữa Hoa Kỳ và Iran hôm nay gợi lại sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964 đưa Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, theo một số báo quốc tế.
Tin hôm 21/06/2019 giờ châu Âu cho hay Tổng thống Donald Trump đã chuẩn thuận một cuộc oanh kích Iran nhưng chỉ “rút lại vào phút chót”.
Ông Trump trước đó đã nhắn trên Twitter rằng “Iran phạm sai lầm nghiêm trọng” sau khi có tin thiết bị bay (drone) US Global Hawk của Mỹ bị bắn rơi trên Eo biển Hormuz.
Iran nói chiếc drone bay vào không phận của họ, còn Hoa Kỳ cho rằng nó bay ở không phận quốc tế.
Vì sao Việt Nam từng chia cắt ở sông Bến Hải?
‘Cuộc chiến Anh-Mỹ’ về cách đánh ở VN
Tàu USS Coronado ‘thăm kỹ thuật’ Cam Ranh
Nhưng từ những tuần qua, với căng thẳng Washington – Tehran lên cao, không ít bình luận đã nhắc lại vụ Vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin incident).
Theo Callum Hoare viết hôm 14/06 trên một báo Anh, Hoa Kỳ đã “nhanh chóng bắt lỗi Iran” trong vụ hai chiếc tàu dầu, một Nhật Bản, một của Na Uy “bị phục kích trong Vịnh Oman”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ngay rằng “Iran tấn công khi không bị ai khiêu khích”, và Hoa Kỳ sau đó công bố một đoạn video rất mờ, cho là Iran “lấy ra từ thân chiếc tàu chở dầu một trái thủy lôi”.
Từ ngữ của ông Pompeo, theo Callum Hoare, lặp lại lời lãnh đạo Mỹ vào tháng 8/1964, đổ cho Bắc Việt Nam “gây hấn khi không bị ai khiêu khích” ở “vùng biển quốc tế”.
Sự kiện này đưa chính quyền Johnson dấn sâu vào Cuộc chiến Việt Nam.
Nhưng sau này, chính Hoa Kỳ thừa nhận vụ tấn công của Hải quân Bắc Việt vào tàu USS Maddox “chỉ là lỗi tín hiệu trên radar”.
“Sau khi Tổng thống Lyndon Johnson trao đổi ngắn với một nhúm các lãnh đạo Quốc hội, ông đã dùng quyền tổng thống để ra lệnh ngay lập tức có cuộc tấn công trả đũa, phá hỏng một doanh trại của quân Bắc Việt, và bắn chìm một số thuyền tuần tra của Bắc Việt, theo James Warren viết trên một báo Mỹ.
Quốc hội Mỹ sau đó đã thông qua ‘Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ’ ủy quyền cho tổng thống “dùng mọi biện pháp cần thiết để trả đũa và gìn giữ hòa bình ở Đông Nam Á”.
Cây bút James Warren hỏi:
“Lyndon Johnson đã lừa Quốc hội và nhân dân Mỹ về vụ Vịnh Bắc Bộ năm 1964 để tăng cường can thiệp vào Việt Nam, nay đây có phải là ‘bài tủ mới’ của Trump?”
Bóng ma trên Vịnh Bắc Bộ
Còn được gọi là sự cố tàu USS Maddox, vụ việc thực ra có hai phần riêng lẻ, hai cuộc đối đầu giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ ở Vịnh Bắc Bộ.
Ngày 2/08/1964, tàu USS Maddox của Hải quân Mỹ đang thực hiện công tác do thám trong hoạt động DESOTO thì bị ba thuyền vũ trang của Bắc Việt rượt đuổi, theo phía Mỹ.
Phía Bắc Việt đã tấn công bằng thủy lôi và súng máy. Hải quân Hoa Kỳ đáp trả bằng hỏa lực mạnh, phá hỏng ba thuyền và giết bốn quân nhân của Bắc Việt.
Sau đó, cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ nói có một sự kiện nữa, xảy ra ngày 4/08/1964.
Nhưng sau đó, bằng chứng cho thấy đó chỉ là các hình sai trên radar, được gọi là “những bóng ma trên Vịnh Bắc Bộ” mà không phải tàu chở thủy lôi của Bắc Việt.
Sau này, chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thừa nhận là vụ tấn công 02/08/1964 xảy ra mà không có ai bắn trả, và vụ ngày 03/08 thì hoàn toàn không tồn tại.
Nhưng theo BBC News, vụ việc đã khiến Hoa Kỳ tăng quân tại Nam Việt Nam nhanh chóng, vào năm 1965 đã có 200,000 lính tác chiến của Hoa Kỳ, và sang năm 1966 thì lên tới 400,000, rồi nửa triệu vào 1967.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48719870

Apple cảnh báo Trump

 ”tăng thuế Trung Quốc sẽ giúp các đối thủ”

Apple vừa tham gia một nhóm ngày càng lớn các công ty kêu gọi chính quyền Trump bỏ kế hoạch áp thêm lên hàng hóa Trung Quốc.
Hoa Kỳ cho biết họ có thể áp thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 300 tỷ đôla nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.
Trong một văn thư, Apple “kêu gọi” Nhà Trắng từ bỏ kế hoạch áp thuế.
Gã khổng lồ công nghệ cho biết thuế sẽ làm “lệch sân chơi” với các đối thủ toàn cầu.
Công ty cho biết mức thuế được đề xuất sẽ bao gồm các sản phẩm chính của hãng như iPhone, iPad và Airpods, cũng như các linh kiện dùng để sửa chữa các thiết bị ở Mỹ.
Thương chiến Mỹ-Trung: TQ trả đũa với biểu thuế mới
Thương chiến Mỹ Trung: VN lợi trước mắt chứ không lâu dài
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm này”, Apple cho biết trong hồ sơ gửi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, người đang xem xét đệ trình các nhiệm vụ được đề xuất.
Công ty cho biết tăng thêm thuế sẽ làm tổn hại đến “khả năng cạnh tranh toàn cầu”.
Apple cho biết các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc – bao gồm nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Huawei – không có “sự hiện diện đáng kể” tại thị trường Mỹ và sẽ không bị ảnh hưởng bởi thuế của Mỹ.
“Do đó thuế của Mỹ sẽ làm sân chơi nghiêng theo hướng có lợi cho các đối thủ toàn cầu của chúng tôi”, công ty viết.
Kèm theo đó cũng có thông tin là gã khổng lồ Thung lũng Silicon đã yêu cầu các nhà cung cấp tìm cách chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đối phó với cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Apple đã gia nhập nhóm các công ty hối thúc chính quyền Trump từ bỏ kế hoạch áp thuế nhiều hơn đối với hàng hóa Trung Quốc dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của họ.
Trong một bản đệ trình chung được đưa lên tuần này, Microsoft, Dell và HP và Intel cho biết mức thuế được đề xuất sẽ làm giá máy tính xách tay và máy tính bảng tăng ít nhất 19%.
Trận chiến đang leo thang
Mỹ đã khơi mào lại cuộc chiến thương mại vào tháng trước bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải trả đũa.
Hai nước đã leo thang xung đột thương mại trong năm qua. Phạm vi của trận chiến đã mở rộng trong những tháng gần đây khi Washington thắt chặt các hạn chế thương mại đối với người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.
Tình báo Mỹ: Huawei được an ninh nhà nước TQ tài trợ
Đại học hàng đầu Mỹ MIT cắt quan hệ với Huawei, ZTE
Hy vọng cho một thỏa thuận đã bị dập tắt vào tháng Năm sau khi chính quyền Trump tăng hơn gấp đôi mức thuế lên 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc và đe dọa còn tăng thêm.
Thuế quan do cả hai nước áp đặt trong năm qua đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu và làm ảnh hưởng thị trường tài chính.
Tuy nhiên, triển vọng cho một giải pháp đã được thắp lên trong tuần này khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán thương mại sẽ sớm được nối lại.
Tình hình trên khiến cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này sẽ được theo dõi hết sức chặt chẽ.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48691359

Ông Trump nói sẵn sàng lên tiếng

vụ TQ giam giữ công dân Canada

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/6 cho biết ông sẵn sàng lên tiếng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về trường hợp hai công dân Canada bị Bắc Kinh giam giữ, một hành động có thể giúp xoa dịu tranh cãi giữa Canada và Trung Quốc.
Ông Trump đưa ra phát biểu này trước cuộc họp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Phòng Bầu dục. Ông Trudeau muốn Washington làm nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nổ ra sau khi cảnh sát Canada bắt giữ một giám đốc điều hành của công ty Trung Quốc Huawei Technologies theo yêu cầu của Mỹ tại Vancouver vào tháng 12 năm ngoái.
Ông Trump dự định sẽ gặp ông Tập bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 cường quốc tại Nhật Bản vào tuần sau để thảo luận về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và ông cũng gợi ý cho thấy Huawei có thể là một phần trong thỏa thuận cuối cùng.
Trung Quốc cáo buộc hai công dân Canada làm gián điệp và ngăn chặn nhập khẩu hạt cải và thịt heo từ Canada.
“Bất cứ điều gì tôi có thể làm để giúp Canada, tôi sẽ làm,” ông Trump nói khi được hỏi liệu ông sẽ nêu vấn đề này với ông Tập hay không.
Khi được hỏi một lần nữa, ông trả lời “Tôi sẽ làm theo yêu cầu của Justin, tôi chắc chắn sẽ làm.”
Những phát biểu của ông Trump cho thấy mối quan hệ giữa hai người đã cải thiện dần dần kể từ tháng 6 năm 2018, khi ông chê nhà lãnh đạo Canada là yếu đuối và gian dối.
Một thách thức thương mại lớn khác mà Trump đang đối mặt là phê chuẩn tân hiệp ước thương mại Bắc Mỹ mà ông đã kí vào năm ngoái với Mexico và Canada.
Thượng viện Mexico hôm 19/6 đã phê duyệt thỏa thuận mới, được gọi là Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), và ông Trudeau nói rằng Canada sẵn sàng theo bước.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-noi-san-sang-len-tieng-vu-trung-quoc-giam-giu-cong-dan-canada/4967566.html

Thượng viện Mỹ bác thương vụ vũ khí với Ả rập Xê út

Thượng viện Hoa Kỳ hôm 20/6 biểu quyết ngăn chặn thương vụ trị giá hàng tỉ đôla vũ khí bán cho quân đội Ả rập Xê út, Liên hiệp Các Tiểu vương quốc Ả-rập (UAE) và các quốc gia khác, bác quyết định của Tổng thống Donald Trump muốn bỏ qua sự duyệt xét của Quốc hội đối với các thỏa thuận đó bằng cách tuyên bố tình hình khẩn cấp liên quan tới Iran.
Ông Trump đã hứa sẽ phủ quyết hành động của Thượng viện để xúc tiến các thỏa thuận trị giá khoảng 8,1 tỉ đôla. Các thượng nghị sĩ sẽ cần 67 phiếu để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống, một điều có vẻ khó xảy ra sau cuộc biểu quyết hôm 20/6. Hai nghị quyết không tán thành thông qua với tỉ lệ 53-45 và cuộc biểu quyết thứ ba bao gồm 20 nghị quyết còn lại thông qua với tỉ lệ 51-45.
Những người ủng hộ các nghị quyết, do thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bob Menendez và thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham dẫn đầu, cho biết các nghị quyết gửi một thông điệp lưỡng đảng tới Ả rập Xê út rằng Washington bất mãn về những vi phạm nhân quyền, bao gồm vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại một lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều người cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về Ả rập Xê út và UAE liên quan đến cuộc chiến ở Yemen, nơi hai nước này đang chiến đấu chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn. Liên Hiệp Quốc đã mô tả cuộc xung đột ở Yemen, giết chết hàng chục ngàn người trong đó có hàng ngàn dân thường, là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới.
Phản đối các nghị quyết, lãnh đạo đa số của phe Cộng hòa ở Thượng viện, Mitch McConnell, nêu ra căng thẳng với Tehran. “Thời điểm này không thể tệ hơn để Thượng viện gửi đi một tín hiệu sai,” ông nói.
Ông Graham, thường là một đồng minh thân cận của ông Trump, nêu bật sự chia rẽ bất thường giữa Nhà Trắng với một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đối với Ả rập Xê út trong một bài phát biểu trước cuộc biểu quyết.
“Không thể có mối quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ và hành xử theo kiểu không thể hiện sự tôn trọng phẩm giá con người, không tôn trọng các chuẩn mực quốc tế,” ông Graham nói.
Các nghị quyết dự kiến sẽ thông qua Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát trước khi tới bàn làm việc của ông Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-vien-my-bac-thuong-vu-vu-khi-voi-arap-xeut/4967561.html

Nhìn lại những động thái của Mỹ trong làn sóng biểu tình

phản đối dự luật dẫn độ về TQ ở Hồng Kông

Trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Đặc khu hành chính Hồng Công do các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc, Mỹ đã có nhiều động thái can dự.
Từ Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Donald Trump ngày 12/6 nói ông tin chắc Trung Quốc đại lục và Hồng Công sẽ “tìm được giải pháp” cho cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đang diễn ra rầm rộ ở Hồng Công. “Đó là 1 triệu người, một cuộc biểu tình lớn mà tôi từng chứng kiến”, ông Trump nói. “Tôi hy vọng là vấn đề sẽ được giải quyết cho cả Trung Quốc và Hồng Công. Tôi hiểu lý do biểu tình, nhưng tôi tin chắc là họ sẽ tìm được giải pháp”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc và Hồng Công có thể cùng nhau giải quyết vấn đề sau khi diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật dẫn độ ở đặc khu này.
Từ Bộ Ngoại giao Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/6 và 12/6 bày tỏ lo ngại sâu sắc về dự luật dẫn độ của Hồng Kông và cảnh báo rằng việc thông qua dự luật này sẽ phá hỏng địa vị đặc biệt mà Washington dành cho Hồng Kông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus phát biểu như trên sau khi xảy ra cuộc biểu tình được cho là có quy mô lớn nhất kể từ khi Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc vào năm 1997.
Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát khiến một số người bị thương. Bà Ortagus cho biết đề xuất sửa đổi quy định đối với các nghi phạm bỏ trốn có thể làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Công. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục chính quyền Hồng Công xúc tiến việc sửa đổi với thái độ vô cùng thận trọng và tham vấn đầy đủ với nhiều đối tượng ở Hồng Công cũng như quốc tế có thể bị ảnh hưởng. Cơ quan này lo ngại việc sửa đổi luật dẫn độ có thể gây tổn hại đến môi trường kinh doanh của Hồng Công và đẩy công dân Mỹ ở Hồng Công vào hệ thống tư pháp hà khắc của Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bất kỳ sửa đổi nào cũng cần được xem xét cẩn thận và tham vấn đầy đủ với các bên liên quan trong nước và quốc tế.
Từ quốc hội Mỹ
Hôm 12/6, một đề xuất sửa đổi khác đối với Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Công 1992 đã được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz và Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey đưa ra. Theo đó, sửa đổi sẽ yêu cầu các cơ quan nhà nước, quốc phòng và an ninh nội địa cũng như giám đốc báo cáo tình báo quốc gia Mỹ phải báo cáo mỗi 6 tháng/lần về bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc liên quan tới dẫn độ hoặc “cưỡng chế di chuyển” công dân nước ngoài khỏi Hồng Công. Dự luật sửa đổi nêu trên cũng yêu cầu báo cáo tăng cường về bất kỳ hành vi nào sử dụng Hồng Công vào việc vi phạm hoặc trốn tránh kiểm soát xuất khẩu, thuế quan hoặc các lệnh trừng phạt, cũng như thực hiện các hoạt động gián điệp chống lại công dân nước ngoài.
Chỉ hai ngày sau, một dự luật thứ hai liên quan đến Hồng Công tiếp tục được trình ra trước Quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ của lưỡng đảng Mỹ đã đề xuất dự luật liên quan tới Hồng Công nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với nền dân chủ, quyền con người và nền pháp trị của Đặc khu trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp tại Hồng Công chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin và một số nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ hôm 13/6 đã đề xuất trước Quốc hội dự luật có tên “Đạo luật dân chủ và quyền con người Hồng Công”. Dự luật này yêu cầu Tổng thống Mỹ bảo vệ công dân nước này khỏi các ảnh hưởng của luật dẫn độ Hồng Kông và trừng phạt các cá nhân chịu trách nhiệm bắt cóc các nhà xuất bản sách, nhà báo và các nhà hoạt động. Từng được trình trước Quốc hội Mỹ trong năm 2015 và năm 2017 sau sự kiện các nhà xuất bản sách bị bắt giữ, song dự luật này chưa thể trở thành luật vì không đạt được đủ số ủng hộ cần thiết.
Nếu được thông qua, dự luật cũng sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ hằng năm phải chứng thực sự tự trị của Hồng Kông đối với Trung Quốc đại lục để đảm bảo thành phố này tiếp tục được hưởng những lợi ích thương mại và kinh tế đặc biệt theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Công 1992. “Mỹ phải gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi đứng về phía những người ủng hộ tự do và pháp quyền và chống lại sự can thiệp ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh vào các công việc của Hồng Công”, Thượng nghị sĩ Rubio nói trong tuyên bố giới thiệu dự luật hôm 13/6. Ông Rubio cáo buộc Trung Quốc đại lục sử dụng nền kinh tế mở của Hồng Kông nhằm phá vỡ các chế tài và thâu tóm các tài sản trí tuệ nhạy cảm. “Tôi tự hào tái giới thiệu luật này, đặt Mỹ đứng về phía nhân quyền và dân chủ – những giá trị mà đã biến Hồng Kông thành trung tâm thương mại toàn cầu thịnh vượng trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có nhiều động thái can thiệp”, ông Rubio nói. Hiện tại, có ít nhất 14 nghị sĩ Quốc hội Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện James Risch ủng hộ dự luật do ông Rubio và McGovern đề xuất.
http://biendong.net/bi-n-nong/28851-nhin-lai-nhung-dong-thai-cua-my-trong-lan-song-bieu-tinh-phan-doi-du-luat-dan-do-ve-tq-o-hong-kong.html

Tối Cao Pháp Viện cho phép tượng đài thập tự

 tiếp tục được hiện diện trên đất công Maryland

Tin Wahsington DC – Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào thứ Năm, 20 tháng 6, đã phán quyết rằng đài tưởng niệm Đệ Nhất Thế Chiến, cao 40 feet, mang hình thập tự, sẽ được tiếp tục hiện diện trên mảnh đất công thuộc tiểu bang Maryland.
Tòa án viết rằng, tượng đài hình thập tự này đã trở thành một địa danh nổi tiếng trong cộng đồng, và việc phá hủy hoặc sửa đổi tượng đài sẽ không được coi là một hành động trung lập, mà là thái độ thù địch đối với tôn giáo. Tượng đài liên quan trong vụ kiện này nằm giữa một ngã tư đông đúc tại thành phố Bladensburg ở tiểu bang Maryland. Tượng đài được dựng vào gần 100 năm trước, khi các người mẹ ở thành phố Bladensburg quyết định xây dựng một đài tưởng niệm Đệ Nhất Thế Chiến để vinh danh những người con đã hy sinh của họ.
Lên tiếng đại diện cho nhóm đa số, Thẩm Phán Samuel Alito nói, không có bằng chứng cho thấy có sự kỳ thị trong việc lựa chọn thiết kế tượng đài, hay trong quyết định của ủy ban ở Maryland khi duy trì tượng đài này. Luật Tôn giáo trong Hiến Pháp muốn rằng mọi người với mọi tôn giáo đều có thể sống chung một cách hòa thuận, và sự hiện diện của Thập tự giá Bladensburg trên mảnh đất của Maryland là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của luật pháp.
Quyết định với tỷ lệ 7 trên 2 của Tối Cao Pháp Viện đã đảo ngược phán quyết của tòa cấp dưới, vốn cho rằng tượng đài này là không hợp hiến pháp, vì đứng trên đất công và được duy trì bằng tiền thuế. Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện được coi là một chiến thắng cho các nhóm tôn giáo và tổ chức American Legion. Các tổ chức này trước đây từng khuyến cáo rằng, nếu tượng đài thập tự ở Maryland bị tháo dỡ, mọi tượng đài chiến tranh có hình dạng tương tự tại Hoa Kỳ đều có nguy cơ chịu chung số phận. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/toi-cao-phap-vien-cho-phep-tuong-dai-thap-tu-tiep-tuc-duoc-hien-dien-tren-dat-cong-maryland/

Ivanka Trump bị tố vi phạm đạo đức chính trị

Một tổ chức giám sát ở Washington hôm 20/6 cáo buộc Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Donald Trump và là một trong những cố vấnNhà Trắng của ông Trump, vi phạm luật liên bang của Mỹ khi sử dụngtài khoản Twitter của mình vừa làm công vụ vừa bình luận chính trị.Tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức (CREW) nói khoảng 2 năm rưỡi đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, ái nữ 37 tuổi củaông chủ yếu sử dụng tài khoản Twitter của cô để chia sẻ thông điệp vềcông tác chính thức của chính phủ. Nhưng CREW cho biết kể từ tháng 3 năm 2018, Ivanka Trump cũng đã đăng nhiều phát biểu chính trị, kể cảchuyện quảng bá cuộc tập hợp trong tuần này để khởi động chiến dịchtái tranh cử cho ông Trump vào năm 2020.CREW kêu gọi Văn phòng Công tố viên Đặc biệt (chuyên giám sát việcthi hành luật áp dụng cho công chức liên bang) điều tra việc sử dụng tàikhoản Twitter của Ivanka Trump.
Cũng chính cơ quan chính phủ này một tuần trước đã đề nghị sa thải mộtcố vấn khác của ông Trump, Kellyanne Conway, khỏi công việc tại Nhà Trắng sau khi bà đăng những bình luận lên mạng và trả lời phỏng vấntrên truyền hình từ sân cỏ Nhà Trắng công kích các ứng cử viên Tổngthống của Đảng Dân chủ tìm cách hạ bệ Tổng thống Trump trong cuộcbầu cử năm 2020. Tổng thống Trump đã bác bỏ khiếu nại về bà Conway và bà vẫn là một trong những cố vấn hàng đầu của ông
Đạo luật Hatch của Mỹ cấm công chức chính phủ tham gia hoạt độngchính trị công khai khi họ đang làm việc.
Giám đốc điều hành CREW, Noah Bookbinder, nói trong trường hợp củaIvanka Trump, “Rõ ràng sự lạm dụng một cách tràn lan chức vụ công cửkhông phải là vấn đề cá biệt mà là một đặc điểm chính của Nhà Trắngdưới thời Trump.”
“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến hành vi chính trị hóa bất hợp phápở mức độ này, và nó không được phép tiếp tục.”
Không có bình luận ngay lập tức của Nhà Trắng về khiếu nại này.
Dù trùng tên, Văn phòng Công tố viên Đặc biệt không liên quan gì đếncuộc điều tra của cựu Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller. Đội ngũcủa ông Mueller đã điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổngthống Mỹ 2016 và chuyện ông Trump có hay không có cản trở cuộc điều tra đó.
https://www.voatiengviet.com/a/ivanka-trump-bi-to-vi-pham-dao-duc-chinh-tri-/4967578.html

Bầu tổng thống Mỹ 2020 : Bốn lợi thế của Trump

Ngày 18/06/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Các cuộc thăm dò dư luận về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đều đưa ra kết quả bất lợi cho ông, một vị tổng thống gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ, theo bình luận của giới quan sát.
Tuy nhiên, từ nay đến lúc bỏ phiếu, gió có thể đổi chiều và giúp cho ông Trump tránh đi vào lịch sử Hoa Kỳ với tư cách là tổng thống chỉ một nhiệm kỳ.
Theo hãng tin Pháp AFP, chủ nhân Nhà Trắng có bốn lợi thế trong tay để đánh cược vào việc tái đắc cử.
1/ Cơ chế bầu đại cử tri
Hệ thống bầu cử của Mỹ cho phép một ứng viên có thể đắc cử tổng thống với số phiếu tính theo đầu cử tri ít hơn đối thủ bởi vì người dân bầu đại cử tri và các đại cử tri này bầu tổng thống. Số đại cử tri tùy thuộc vào từng tiểu bang. Kết quả bầu đại cử tri thông thường trùng hợp với bầu tổng thống. Nhưng cũng có những ngoại lệ và đó là trường hợp bầu tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong cuộc bầu cử 2016, Hillary Clinton đã thua cho dù tính trên toàn quốc bà có nhiều hơn đối thủ Donald Trump gần 2,9 triệu phiếu. Ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng vì đã thắng tại các tiểu bang quan trọng và đã có được 304 đại cử tri ủng hộ, trong khi bà Clinton chỉ có 227. Nhà tỉ phú địa ốc đã « thuyết phục » được tiểu bang Winsconsin, Florida, Iowa, Michigan, Ohio và Pennsylvania ngả theo phe Cộng Hòa.
Liệu lịch sử có lặp lại vào năm 2020 không ? Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều khẳng định là không và cho thấy Donald Trump đang bị thua điểm tại một số tiểu bang quan trọng. Thế nhưng, chưa có gì chắc chắn cả. Xin nhắc lại là đa số các cuộc điều tra dư luận ngay trước cuộc bỏ phiếu năm 2016 đều đưa ra kết quả sai lệch.
2/ Liệu cử tri trung thành sẽ ý thức được lâm nguy và ồ ạt bỏ phiếu cho Trump ?
Theo các số liệu do website FiveThirtyEight tập hợp, Donald Trump có tỉ lệ được lòng dân hiện ở mức thấp nhất so với những người tiền nhiệm, kể từ 40 năm qua – ngoại trừ trường hợp tổng thống đảng Dân Chủ Jimmy Carter.
Vẫn theo các cuộc thăm dò, hai năm sau khi Donald Trump vào Nhà Trắng, khoảng 53% số người được hỏi không ủng hộ ông ; tỉ lệ ủng hộ là 42%. Vào cùng thời điểm này, tức là khoảng một năm rưỡi trước khi có bầu cử tổng thống, tỉ lệ được lòng dân của Barack Obama là 47,5%.
Tuy nhiên, Donald Trump lại được tới 87% cử tri đảng Cộng Hòa ủng hộ, theo điều tra của viện Gallup và con số này thường xuyên dao động xung quanh 90%.
Sự trung thành này có thể giúp Donald Trump vượt lên trên đối thủ nếu tất cả các cử tri vốn trung thành với ông nhất loạt bỏ phiếu cho ông và nếu đương kim tổng thống Mỹ thuyết thục được một bộ phận cử tri còn lưỡng lực.
3/ Bộ máy vận động tranh cử hùng hậu và hiệu quả
Trong quá khứ, Donald Trump đã vài lần « ngẫu hứng » tuyên bố muốn ra tranh cử tổng thống mà không có chuẩn bị và ông đã thất bại, phải rút lui.
Để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu năm 2016, Donald Trump đã lập « bộ máy tranh cử » hùng hậu, quy tụ các chuyên gia lão luyện, với ngân sách 40 triệu đô la và áp dụng chiến lược vận động sắc bén, hiệu quả trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng ủng hộ viên sẵn sàng gõ cửa nhà từng cử tri để tuyên truyền thuyết phục bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa. Giờ đây, « bộ máy tranh cử » của Trump được củng cố thêm lực lượng bởi vì trong ba năm qua, hàng trăm ngàn người đã tham dự các cuộc mít tinh trên toàn nước Mỹ, với khẩu hiệu « Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại ». Điều này đã giúp cho nhóm cộng sự của Trump thu thập thêm hàng trăm ngàn dữ liệu, thông tin cá nhân những « cảm tình viên » này và họ sẵn sàng lao vào « cuộc chiến ».
4/ Đối thủ bên đảng Dân Chủ
Khi chính thức tuyên bố ra tranh cử nhiệm kỳ 2, tổng thống Donald Trump chưa biết cụ thể ai là đối thủ bởi vì hiện có tới 23 ứng viên trong vòng bầu sơ bộ bên trong đảng Dân Chủ. Trong khi chờ đợi, Donald Trump « bắn tứ phía ».
Theo các thăm dò, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden có thể là ứng viên của đảng Dân Chủ. Trong trường hợp này, Donald Trump sẽ « báo động » là nước Mỹ có nguy cơ thụt lùi, quay về quá khứ, rằng ông vẫn là người « ngoài hệ thống », như trước năm 2016.
Nếu đối thủ của Trump là bà thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, hiện tỉ lệ được lòng dân đang lên cao, theo các thăm dò, thì đương kim tổng thống Mỹ sẽ phải thay đổi chiến lược và cáo buộc phe Dân Chủ là những người theo « chủ nghĩa xã hội ». Mục đích là làm cho các cử tri ôn hòa hoảng sợ và qua đó, bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa của Trump.
Sự chờ đợi này mang lại lợi thế cho Trump : Trong lúc phe Dân Chủ « cắn xé » nhau trong cuộc bầu cử sơ bộ, Trump có thể tiếp tục vận động tranh cử, « kích động » tinh thần đội ngũ ủng hộ viên và gia tăng quyên góp tài chính.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190621-bau-tong-thong-my-2020-bon-loi-the-cua-trump

Cuba sẽ có chủ tịch và thủ tướng vào tháng 10

Thụy My
Kể từ tháng 10 tới, Cuba sẽ có chủ tịch và thủ tướng mới – chức vụ đã bị bãi bỏ từ năm 1976, và số đại biểu trong Quốc Hội sẽ giảm đi 1/5, theo dự luật bầu cử được công bố hôm 20/06/2019.
Dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào tháng Bảy quy định Quốc Hội sẽ bầu ra chủ tịch nước có nhiệm kỳ 5 năm, và chỉ có thể tái cử một lần. Một chức vụ mới là thủ tướng sẽ do chủ tịch nước đề nghị và được Quốc Hội thông qua.
Số lượng 605 đại biểu tại Quốc Hội hiện nay sẽ giảm xuống còn 474, còn Hội đồng Nhà nước, hiện do ông Miguel Diaz-Canel, lãnh đạo từ 31 thành viên chỉ còn 21 thành viên. Chức chủ tịch Quốc Hội cũng sẽ được hợp nhất với chức vụ chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Hiến Pháp mới có hiệu lực kể từ tháng Tư đã dự kiến những thay đổi này, và dự luật trước khi đưa ra Quốc Hội sẽ được thảo luận ở cấp tỉnh từ ngày 21 đến 26/6.
Hồi năm 1976 khi Hiến pháp xã hội chủ nghĩa Cuba bắt đầu có hiệu lực, hai chức vụ chủ tịch nước và thủ tướng đã bị bãi bỏ. Quốc Hội trở thành định chế chính thức có cả quyền hành pháp, họp lại một năm hai lần, thời gian còn lại do Hội đồng Nhà nước xử lý.
Cựu lãnh tụ Fidel Castro (1926-2016) đã kiêm luôn chức thủ tướng từ 1959 đến 1976 (17 năm), rồi làm chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ 1976 đến 2008 (32 năm). Người em trai của ông là Raul Castro kế nhiệm trong vòng 10 năm, sau đó khuôn mặt mới không thuộc gia đình Castro là Miguel Diaz-Canel lên thay từ ngày 19/04/2018.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190621-cuba-se-co-chu-tich-va-thu-tuong-vao-thang-10

Công ước của Liên hợp quốc

về Luật Biển 1982 (UNCLOS): Bản “Hiến pháp

về biển và đại dương của loài người”

Tại Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982(UNCLOS) tại New York (Mỹ) hôm 17/6, các nước đã tái khẳng định đây là bản “Hiến pháp về biển và đại dương của loài người” trong việc thúc đẩy, duy trì hòa bình, hợp tác, an ninh, ổn định và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Lịch sử 25 năm thực thi UNCLOS trên phạm vi toàn cầu
UNCLOS là một hiệp ước quốc tế được tạo ra trong Hội nghị về luật biển Liên hợp quốc lần thứ 3 diễn ra từ năm 1973 cho đến 1982. Công ước Luật biển là một bộ các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới, chiếm 70% diện tích bề mặt Trái Đất. Công ước đã được ký kết năm 1982 để thay thế cho 4 hiệp ước năm 1958 đã hết hạn. UNCLOS chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, và đến nay, có 154 quốc gia và Cộng đồng châu Âu đã tham gia Công ước này. Mỹ không tham gia vì nước này tuyên bố rằng hiệp ước này không có lợi cho kinh tế và an ninh của Mỹ. Công ước quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương.
Là một văn kiện đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản, 17 phần và 9 phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, UNCLOS 1982 được coi là Hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương và là một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công ước UNCLOS 1982 đã đưa ra một tổng thể các quy định luật pháp bao trùm tất cả các vùng biển và lĩnh vực sử dụng biển: chế độ pháp lý của tất cả các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; biển cả và vùng di sản chung của loài người; các quy định hàng hải và hàng không; sử dụng và quản lý tài nguyên biển, sinh vật và không sinh vật; bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển, giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển. Công ước Luật Biển 1982 là một Công ước tiến bộ, thể hiện sự thảo hiệp mang tính toàn cầu có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới. Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi phải tham gia cả gói. Nếu phê chuẩn Công ước này, các quốc gia phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.
Việt Nam là một quốc gia ven biển với hơn 3.200km bờ biển, các hoạt động kinh tế trên biển chiếm một tỷ trọng lớn, mang lại nhiều giá trị kinh tế. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước. Nghị quyết được thông qua trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia lâu dài liên quan đến chủ quyền, hòa bình và phát triển của đất nước, bảo vệ và tận dụng các quyền và lợi ích cơ bản mà UNCLOS 1982 đem lại cho một nước ven biển đang phát triển, khắc phục và hạn chế đến mức cao nhất những bất lợi có thể xảy ra. Nghị quyết biểu thị quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển. Trải qua 25 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, trách nhiệm của UNCLOS 1982.
Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên UNCLOS 1982
Sáng 17/6, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đã khai mạc với sự tham dự của các quốc gia thành viên Công ước, đại diện các thiết chế được thành lập theo Công ước như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục đia, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, một số nước quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành về biển.
Phát biểu khai mạc, nhân dịp 25 năm ngày Công ước có hiệu lực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của UNCLOS 1982, bản “Hiến pháp về biển và đại dương của loài người” trong việc thúc đẩy, duy trì hòa bình, hợp tác, an ninh, ổn định và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương. Đồng thời chỉ ra những thách thức chưa từng có đối với biển và đại dương mà loài người đang phải đối diện như việc hủy hoại các rặng san hô, suy giảm nguồn lợi hải sản, rác thải nhựa, acid hóa biển và đại dương, nước biển dâng, biến đổi khí hậu… sẽ tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế, xã hội của nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia đảo nhỏ, ven biển. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ và hiệu quả Công ước và các văn kiện liên quan, nhấn mạnh toàn thể cộng đồng quốc tế cần chung tay có hành động cụ thể để cải thiện chất lượng của biển và đại dương, thông qua việc tiếp tục tăng cường thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu số 14 về biển và đại dương.
Tại đề mục Kỷ niệm 25 năm Công ước có hiệu lực, đại diện Liên minh châu Âu (EU), các nhóm Mỹ La-tinh, châu Phi, Nhóm 77 và gần 30 nước khác đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước trong việc tạo dựng và xây dựng một trật tự pháp lý về biển, kêu gọi các quốc gia thực thi một cách nghiêm túc các quy định của Công ước, giải quyết hòa bình tranh chấp liên quan đến biển và đại dương, bảo đảm quyền tự do hàng hải phù hợp với quy định của Công ước… Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trên cơ sở tinh thần và các quy định của Công ước nhằm bảo đảm trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, ứng phó các thách thức và sử dụng bền vững biển, đại dương và nguồn tài nguyên biển.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro L. Locsin Jr. đã có phát biểu, nhấn mạnh vai trò của Công ước, khẳng định trên cơ sở các quy định liên quan của Công ước, Philippines đã đề nghị Tòa trọng tài ở La Hay làm rõ tình trạng pháp lý của khu vực Biển Đông, để loại bỏ sự mơ hồ hoặc viện cớ mơ hồ để biện minh cho việc vi phạm. Ông Locsin cũng bày tỏ cảm ơn ngư dân Việt Nam đã cứu giúp 22 thuyền viên Philippines trong vụ va chạm chìm tàu ngày 9/6/2019 ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines khẳng định, nghĩa vụ cứu giúp người gặp nạn trên biển trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong trường hợp có va chạm trên biển, là nghĩa vụ phổ cập đã được quy định trong không chỉ Công ước Luật Biển, mà còn trong nhiều điều ước quốc tế đa phương như các công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); nhấn mạnh đây không chỉ là nghĩa vụ của các quốc gia mà của cả người dân các nước và cần được thực hiện bằng hành động cụ thể.
http://biendong.net/bien-dong/28857-cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-ve-luat-bien-1982-unclos-ban-hien-phap-ve-bien-va-dai-duong-cua-loai-nguoi.html

Một số điểm nhấn tại Hội nghị quốc gia

thành viên Công ước Luật Biển lần thứ 29

Ngày 17/6/2019, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 đã khai mạc với sự tham dự của các quốc gia thành viên Công ước, đại diện các thiết chế được thành lập theo Công ước như Tòa án quốc tế về Luật biển,
Ủy ban Ranh giới thềm lục đia, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, một số nước quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành về biển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật biển 1982, bản “Hiến pháp về biển và đại dương của loài người”, trong việc thúc đẩy, duy trì hòa bình, hợp tác, an ninh, ổn định và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, vấn đề biển đảo đang phải đối diện với nhiều thách thức như việc hủy hoại các rặng san hô, suy giảm nguồn lợi hải sản, rác thải nhựa, a-xít hóa biển và đại dương, nước biển dâng, biến đổi khí hậu…sẽ tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế, xã hội của nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia đảo nhỏ, ven biển. Đồng thời, ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ và hiệu quả Công ước và các văn kiện liên quan, nhấn mạnh toàn thể cộng đồng quốc tế cần chung tay có hành động cụ thể để cải thiện chất lượng của biển và đại dương, thông qua việc tiếp tục tăng cường thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu số 14 về biển và đại dương.
Đại diện Liên minh châu Âu, các nhóm Mỹ Latin, châu Phi, Nhóm 77 và gần 30 nước khác đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước trong việc tạo dựng và xây dựng một trật tự pháp lý về biển, kêu gọi các quốc gia thực thi một cách nghiêm túc các quy định của Công ước, giải quyết hòa bình tranh chấp liên quan đến biển và đại dương, bảo đảm quyền tự do hàng hải phù hợp với quy định của Công ước… Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trên cơ sở tinh thần và các quy định của Công ước nhằm bảo đảm trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, ứng phó các thách thức và sử dụng bền vững biển, đại dương và nguồn tài nguyên biển.
Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin Jr. nhắc lại việc Philippines là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết UNCLOS vào năm 1982 và phê chuẩn chỉ 2 năm sau đó. Năm 2016, trên cơ sở của UNCLOS, Manila đệ đơn khiếu nại lên Tòa trọng tài Quốc tế tại The Hague (Hà Lan), phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn nuốt trọn gần cả Biển Đông; nhấn mạnh vai trò của Công ước, khẳng định trên cơ sở các quy định liên quan của Công ước, Philippines đã đề nghị Tòa trọng tài ở La Haye làm rõ tình trạng pháp lý của khu vực Biển Đông, để loại bỏ sự mơ hồ hoặc viện cớ mơ hồ để biện minh cho việc vi phạm. Ông Locsin cũng bày tỏ cảm ơn ngư dân Việt Nam đã cứu giúp 22 thuyền viên Philippines trong vụ va chạm chìm tàu ngày 09/6/2019 ở khu vực Bãi Cỏ Rong; đồng thời khẳng định nghĩa vụ cứu giúp người gặp nạn trên biển trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong trường hợp có va chạm trên biển, là nghĩa vụ phổ cập đã được quy định trong không chỉ Công ước Luật biển mà còn trong nhiều điều ước quốc tế đa phương như các Công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); nhấn mạnh đây không chỉ là nghĩa vụ của các quốc gia mà của cả người dân các nước và cần được thực hiện bằng hành động cụ thể.
Được biết, Việt Nam là một trong những thành viên được đánh giá là tích cực và gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của UNCLOS. Sau khi Công ước Luật biển 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên tham gia ký công ước tại Montego Bay. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.
Tại các Hội nghị quốc gia thành viên Công ước Luật Biển, Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 các quốc gia thành viên UNCLOS (11 – 14/6/2018), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết là một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, đồng thời nhận thức rõ tác động tiêu cực của các tranh chấp biển đảo đến bảo tồn và sử dụng biển bền vững. Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; nhấn mạnh Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực chung của các quốc gia liên quan nhằm xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình, ổn định và phát triển bền vững, trong đó có việc khởi động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Việt Nam kêu gọi các tất cả các quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thúc đẩy sử dụng biển và đại dương một cách bền vững, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại các
vùng biển, tránh các hoạt động đơn phương, trong đó có hoạt động quân sự hoá các cấu trúc đang chiếm đóng, đi ngược lại với mục tiêu của UNCLOS, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và tài nguyên biển, cũng như quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia theo UNCLOS và tiến trình xây dựng các quy tắc ứng xử. Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU), thông tin về các nỗ lực của Việt Nam đấu tranh phòng chống khai thác IUU và khẩn trương tiến hành các thủ tục nội bộ để trở thành thành viên Hiệp định về bảo tồn và quản lý các đàn cá lưỡng cư và di cư xa (UNFSA), Hiệp định về các biện pháp của các quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại và xoá bỏ khai thác IUU (PSMA); đồng thời nhấn mạnh công tác phòng chống khai thác IUU cần tính đến hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia, nhất là ở những nước mà việc khai thác thuỷ sản chủ yếu ở quy mô nhỏ và cần bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề cá bền vững và mục tiêu an sinh xã hội, sinh kế cho cộng đồng dân cư ở các vùng duyên hải. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam cam kết tôn trọng và thực thi đầy đủ các quy định của Công ước, hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương vì tương lai chung của nhân loại. Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga (7/12/2016) khẳng định, UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng nhất quy định tất cả các hoạt động liên quan đến đại dương và biển, đóng góp cho hoà bình – an ninh, đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không trên biển và là khuôn khổ toàn diện và hiệu quả để giải quyết hoà bình các tranh chấp. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải thực hiện các quy định của UNCLOS một cách thiện chí và trách nhiệm. Là một trong những quốc gia đầu tiên ký và phê chuẩn Công ước, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của UNCLOS, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác và tích cực tham gia các hoạt động được tổ chức theo khuôn khổ của Công ước.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các quốc gia thành viên UNCLOS (12-16/6/2017), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá cao kết quả của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển vừa được tổ chức trong tuần trước cũng như hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nêu rõ tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và thế giới, nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không, hợp tác trong việc sử dụng bền vững Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Việt Nam tích cực hợp tác với các nước thông qua các diễn đàn song phương và đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; tìm kiếm và cứu nạn; ứng phó với tình huống khẩn cấp và tác động tiêu cực của biển đối khí hậu, chống tội phạm ở Biển Đông. Ở cấp quốc gia, Chính phủ và nhân dân các địa phương Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp như bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, ứng phó với tình huống khẩn cấp và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở các vùng ven bờ của Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với các nước khu vực trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không có các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả DOC và sớm hoàn thành COC.
http://biendong.net/bien-dong/28860-mot-so-diem-nhan-tai-hoi-nghi-quoc-gia-thanh-vien-cong-uoc-luat-bien-lan-thu-29.html

Môi trường và nhân sự lãnh đạo :

LHCA vẫn bất đồng

Minh Anh
Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu kết thúc ngày 20/06/2019 nhưng không đạt được đồng thuận về việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo và giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Nghị Viện mới của châu Âu sẽ có phiên họp đầu tiên vào ngày 02/07/2019. Do 28 nước thành viên vẫn còn bất đồng về việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt cho các định chế quan trọng của Liên Hiệp, theo đặc phái viên của RFI, Juliette Gheerbrant, một cuộc họp mới sẽ diễn ra vào ngày 30/06.
« Ông Donald Tusk sau bữa ăn tối nét mặt sa sầm khi ông biết rằng không một ứng viên nào có đủ đa số. Như vậy là 28 nước thành viên lại phải gặp nhau vào ngày 30/06 trong khi mà trong những tuần qua chủ tịch hội đồng đã dồn hết sức để thảo luận với người này và người khác.
Tổng thống Pháp còn rõ ràng hơn : ba ứng viên chính thức kể từ giờ bị gạt ra khỏi cuộc đua giành chức chủ tịch Ủy ban châu Âu. Manfred Weber, ứng viên của nhóm bảo thủ PPE, Frans Timmermans – đại diện cho nhóm Xã hội và bà Margrethe Vestager, người có được sự ủng hộ của phe cánh trung.
Tuy vậy, tổng thống Macron không xem đấy như là một thất bại, mà đúng hơn hết là dịp để thoát ra khỏi lập luận của các đảng mà ông phản đối ngay từ đầu.
Bất kể ra sao, chức chủ tịch Ủy ban sẽ phải được giao cho đảng PPE. Phe Tự do sẽ nắm ghế chủ tịch Hội Đồng Châu Âu và phe Xã hội sẽ lãnh đạo ngành ngoại giao. Và nhiệm kỳ 5 năm chủ tịch Nghị Viện sẽ được chia đều giữa hai nhóm đảng Xanh và Tự do.
Đối với những vị trí này, những cái tên như Dalia Gribauskaité người Litva, ông Michel Barnier người Pháp hay Charles Michel của Bỉ đang được nhắc đến nhiều. Người ta còn nói đến cả Kolinda Grabar Kitarovic, người Croatia. Nguyên tắc cân bằng nam – nữ và cân đối địa lý sẽ phải được tôn trọng.
Trước ngày 30/06, các cuộc thảo luận vẫn sẽ được tiếp tục tại Osaka giữa các nước châu Âu tham gia thượng đỉnh G20. »
Môi trường : Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Hungary gây chia rẽ
Mục tiêu giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính là một thất bại khác của thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu. Dự án do Pháp và Đức đề xuất giảm bớt khí CO2 từ đây đến năm 2050 nhằm kềm hãm mức tăng nhiệt không quá 2°C đã gặp phải sự phản đối của ba nước Đông Âu là Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Hungary.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190621-moi-truong-va-bo-nhiem-cac-vi-tri-lanh-dao-lhca-van-bat-dong

Delon và Belmondo tái ngộ trước ống kính nhiếp ảnh

Tuấn Thảo
Hai thần tượng điện ảnh Pháp Alain Delon và Jean-Paul Belmondo, một thời tung hoành trên màn ảnh lớn, gặp lại nhau trước camera nhiếp ảnh. Bộ ảnh chụp được đăng trên số đặc biệt nhân 70 năm ngày thành lập tuần báo Pháp Paris Match.
Số báo sinh nhật có đăng trên trang bìa bức ảnh chân dung của ngôi sao màn bạc Pháp Sophie Marceau, còn ở bên trong, tờ báo dành nhiều trang để nói về hai thần tượng nổi tiếng nhất trong làng diện ảnh Pháp. Nếu phải so sánh về mặt uy tín trong làng phim quốc tế, ưu thế nghiêng về phía Alain Delon, do ông đã đóng rất nhiều phim như Red Sun, Le Guépard, Scorpio hay Lost Command với dàn diễn viên quốc tế nổi tiếng như Richard Burton, Burt Lancaster, Charles Bronson, Jeremy Irons …..
Đổi lại, Jean Paul Belmondo nhận được rất nhiều cảm tình ưu ái từ phía khán giả Pháp, họ thường gọi ông một cách thân mật là “Bébel” như thể ông là một thành viên trong gia đình. Có ít nhất hai thế hệ khán giả Pháp đã lớn lên với các bộ phim của Delon và Belmondo, và trong mắt họ, Jean-Paul Belmondo gần gũi với công chúng Pháp hơn là Alain Delon.
Cả Delon và Belmondo, mỗi người đều đã đóng gần 90 bộ phim trong sự nghiệp của mình. Theo tuần báo Paris Match, nếu tính gộp lại, hai ngôi sao này đã thu hút hơn 300 triệu lượt khán giả Pháp vào các rạp xinê. Delon và Belmondo là bạn đồng nghiệp từ sáu thập niên qua. Tính tổng cộng, hai diễn viên này đóng với nhau 8 bộ phim. Trong đó, có hai tác phẩm tập hợp nhiều bộ phim ngắn, do vậy họ xuất hiện trên cùng một màn ảnh lớn, nhưng thật ra không diễn chung với nhau.
Lần đầu tiên, Delon và Belmondo gặp nhau trước ống kính quay phim là vào năm 1958, trong bộ phim ‘‘Sois belle et tais toi’’ của đạo diễn Marc Allégret, với cặp diễn viên Mylène Demongeot và Henri Vidal trong vai chính. Lúc ấy, Delon và Belmondo vẫn còn non tay nghề và họ chỉ đóng vai phụ. Cái chết đột ngột một năm sau của Henri Vidal mở đường cho các diễn viên trẻ tuổi này nhanh chóng chinh phục màn ảnh lớn.
Tác phẩm kế tiếp quy tụ Delon và Belmondo là bộ phim chiến tranh ‘‘Is Paris Burning’’ (Paris brûle-t-il ?) của đạo diễn René Clément. Sau thành công của bộ phim ‘‘Le Jour le plus long’’ (The Longest Day / Ngày dài nhất), các nhà sản xuất đã tập hợp một dàn diễn viên hùng hậu để nói về quân kháng chiến Pháp trong thời Đệ nhị Thế chiến, Delon và Belmondo đóng phim này với các ngôi sao màn bạc Mỹ nổi tiếng là Kirk Douglas và Orson Welles …..
Thế nhưng, bộ phim thật sự đã đưa cả hai diễn viên Delon và Belmondo vào lòng người mến mộ nghệ thuật thứ 7 vẫn là ‘‘Borsalino’’ của đạo diễn Jacques Deray, dựa vào quyển truyện ‘‘Bandits à Marseille’’ của tác giả Eugène Saccomano, kể lại các cuộc tranh giành địa bàn hoạt động giữa các băng đảng mafia ở miền nam nước Pháp.
Vào thời bấy giờ, Alain Delon là diễn viên hàng đầu của Pháp ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Với tư cách là nhà sản xuất phim, Delon đã muốn ap đặt tên tuổi của Belmondo như diễn viên đồng vai chính, vì theo ông, chỉ có Belmondo mới có đủ tầm vóc để làm sống lại trên màn ảnh cặp gangster bài trùng Siffredi và Capella. Cho dù thành công vượt bực của bộ phim này khiến cho tình bạn của họ sau đó bị sứt mẻ, nhưng phải công nhận rằng trên màn ảnh lớn, Delon và Belmondo rất ăn ý với nhau khi đóng phim. Hai ngôi sao Pháp tỏa ra một ma lực cuốn hút như cặp bài trùng Paul Newman và Robert Redford, của cái thời ‘‘Butch Cassidy and the Sundance Kid’’.
Với hơn 5 triệu lượt khán giả chỉ riêng tại Pháp, bộ phim Borsalino đã có quay thêm phần kế tiếp, cho dù sự vắng mặt của Belmondo (nhân vật Capella chết trong đoạn cuối tập một) khiến cho khán giả mất đi phần nào sự hào hứng. Lần cuối, Delon và Belmondo gặp lại nhau trước ống kính quay phim là trong bộ phim hài ‘‘Une chance sur Deux’’ với Vanessa Paradis.
Mỗi người một vẻ, nhưng cả Alain Delon và Jean-Paul Belmondo đều là hiện thân của dòng phim giải trí những năm 1970 & 1980. Các bộ phim hành động hay phim hình sự tâm lý đều được viết cho riêng họ, đã thu hút đông đảo khán giả vào rạp, làm cho các phòng chiếu phim bị cháy vé.
Có lẽ cũng vì thế mà trong vòng một thời gian dài, Delon và Belmondo đã không nhận được nhiều cảm tình từ giới phê bình. Họ cũng chẳng được trao giải thưởng điện ảnh cho dù họ rất xứng đáng. Điều mà có lẽ giới chuyên ngành đã tìm cách bù đắp qua việc trao giải Vinh danh sự nghiệp tại liên hoan phim quốc tế Cannes 2019 (Alain Delon) hay là tại buổi lễ trao giải Sư tử Vàng danh dự tại liên hoan Venise 2016 (Jean-Paul Belmondo).
Sau khi nhận Cành cọ vàng tại Cannes 2019, Alain Delon đã được mời chụp ảnh trang bìa cho tạp chí Inrockuptibles, nhân dịp này ông cũng không quên cảm ơn các bậc đạo diễn đàn anh như René Clément, Luchino Visconti, Joseph Losey đã giúp cho ông làm nên tên tuổi. Bộ ảnh chụp của báo Paris Match cũng là một cách để ôn lại những trang sử huy hoàng của hai vì sao sáng.
http://vi.rfi.fr/phap/20190620-delon-va-belmondo-tai-ngo-truoc-ong-kinh-nhiep-anh-pour-internet-vendredi-21062019

Người biểu tình vây Nghị viện Georgia

vì ‘bài diễn văn tiếng Nga’

Phát biểu của nghị sĩ Nga, Sergei Gavrilov từ ghế chủ tịch Nghị viện Georgia ở thủ đô Tbilisi đã gây phẫn nộ dẫn tới biểu tình lớn và cuộc ẩu đả với cảnh sát.
Cuộc biểu tình vẫn tiếp tục sang ngày 21/06 sau đêm ngày 20 khi hàng nghìn người đã phá hàng rào cảnh sát ở tòa nhà Quốc hội.
AFP nói đã có chừng 10 nghìn người đã tham gia biểu tình ở Tbilisi, mang theo quốc kỳ Georgia và cờ EU.
Theo phóng viên của BBC News, Rayhan Demytrie có mặt tại Tbilisi thì cảnh sát “đã dùng hơi cay để giải tán người biểu tình. Có một số người biểu tình bị thương vì trúng đạn cao su”.
Vụ việc bùng nổ sau khi nghị sỹ Nga, Sergei Gavrilov phát biểu bên trong tòa nhà Quốc hội Georgia (Gruzia), nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nhưng có phong trào chống Moscow rất mạnh.
Sang ngày 21/06, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng phê phán “phe đối lập cực đoan” ở Georgia đang tìm cách ngăn cản việc cải thiện quan hệ song phương.
Ngôi sao Putin ‘ngày càng ít tỏa sáng’?
Ukraine có bị Putin tấn công sau vụ đoạt tàu?
Putin nói Ukraine dàn dựng vụ đụng độ trên biển
Putin cổ vũ huyền thoại Thế chiến Hai
Ông Gavrilov đọc diễn văn trước cử tọa là các dân biểu quốc hội từ những quốc gia theo Chính thống giáo.
Đây là một hoạt động liên nghị viện của các nước trong vùng.
“Lên án nước chiếm đóng”
Tuy nhiên, việc ông Gavrilov dùng tiếng Nga và đọc diễn văn từ ghế Chủ tịch Quốc hội đã gây phản đối từ những người “lên án quân chiếm đóng Nga”.
Georgia, Nga, Ukraine, Bulgaria, Hy Lạp có cùng đạo Chính thống (Orthodox) nhưng Moscow và Tbilisi đã lâm chiến năm 2008 vì hai vùng của Georgia là Nam Ossetia và Abkhazia.
Trong cuộc chiến 5 ngày vào tháng 8/2008, không quân và xe tăng Nga đã vào Nam Ossetia, nói là để bảo vệ công dân Nga vì nhiều người tại đây mang hộ chiếu Nga.
Quân Georgia bị thua và phải rút khỏi Nam Ossettia.
Hiện nay hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia được Nga hỗ trợ về quân sự và tài chính.
Với nhiều người Georgia, hai vùng đất này hiện “bị Nga chiếm đóng”.
Theo phóng viên Rayhan Demytrie, “cảm xúc chống Nga rất mạnh ở Georgia”, và vụ việc này xảy ra sau kêu gọi của các dân biểu đối lập Georgia muốn chống lại điều nhiều người dân cho rằng “hành vi vô lối”, để một nghị sỹ từ quốc gia “chiếm đóng” vào toà nhà nghị viện.
Không chỉ phản đối hành động của nghị sỹ Nga, người biểu tình còn không muốn phái đoàn Nga có mặt ở Tbilisi và yêu cầu Chủ tịch Hạ viện, Irakli Kobakhidze từ chức.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48717578

Hội nghị cấp cao ASEAN 34 tại Thái Lan

nhằm thúc đẩy phát triển bền vững

Từ 20-23/6, Hội nghị cấp cao ASEAN 34 với chủ đề “Đối tác thúc đẩy vì sự phát triển bền vững” sẽ được diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tình hình bang Rakhine (Myanmar). Dự kiến, hội nghị sẽ đưa ra một loạt các tuyên bố chính sách, trong đó có khuyến nghị về hoạt động chống ô nhiễm biển.
Theo đó, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, xây dựng sự đồng thuận hội nghị năm nay được tổ chức với chủ đề “Đối tác thúc đẩy vì sự phát triển bền vững”. Theo Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, ASEAN cần hợp tác chặt chẽ nội khối cũng như với các đối tác. Sự hợp tác này dựa trên lợi ích chung cho một tương lai tươi sáng hơn và bền vững hơn với người dân làm trung tâm. Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng mà Hội nghị cấp cao ASEAN 34 sẽ trao đổi là việc ASEAN sẽ thông qua dự thảo đầu tiên về Bộ quy tắc ứng tử trên Biển Đông (COC) và đặt mục tiêu hoàn thành dự thảo này trong vòng 3 năm. Thái Lan cũng sẽ nhấn mạnh một số vấn đề khác như khung hành động của ASEAN về rác thải biển, trách nhiệm đối với công ước CITES về buôn bán động vật hoang dã…
Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Suriya Chindawongse cho biết, các lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bangkok từ 22-23/6. Theo ông Suriya, dưới sự chủ trì của Thái Lan, sẽ nhấn mạnh vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm để “không bỏ lại ai ở phía sau và hướng tới tướng lai”. Trung tâm của các cuộc thảo luận sẽ là nỗ lực hướng tới một khu vực số hóa, xanh và kết nối liên tục, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh kiến trúc khu vực. Ông Suriya cho biết dự kiến khi kết thúc hội nghị, sẽ có một tuyên bố chung về tầm nhìn của các lãnh đạo đối với sự bền vững cùng với một kế hoạch hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm biển, cũng như phác thảo của một khuôn khổ về những ý tưởng liên quan đến Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, nước chủ nhà cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nước trong khu vực về vấn đề xóa thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp và không có kiểm soát (IUU). Các đại biểu tham dự hội nghị dự kiến cũng sẽ nghe báo cáo của Tổng thư ký ASEAN và các ban của ASEAN về một số vấn đề như Sáng kiến về Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ASEAN do Indonesia đề xuất; Hỗ trợ nhân đạo với người Rohingya ở bang Rakhine, Myanmar; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Về an ninh, theo Phó thủ tướng Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho biết, Thái Lan sẽ triển khai 10.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh tại các điểm quan trọng ở Bangkok đặc biệt là khu vực diễn ra hội nghị. Đồng thời, Phó Tư lệnh Cảnh sát hoàng gia Thái Lan Srivara Ransibrahmanakul cho biết các nút giao thông trên các tuyến đường xung quanh địa điểm diễn ra hội nghị sẽ bị phong tỏa vào ngày nghỉ để bảo đảm việc di chuyển và an toàn cho các đại biểu tham gia hội nghị.
Trước đó, từ 28-29/5/2019 tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Tham vấn chung ASEAN (JCM) và Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN. Đây là các hội nghị thường kỳ của các quan chức cao cấp ASEAN, đồng thời là dịp quan trọng để các nước trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sắp tới.
Tại Hội nghị, các nước đã trao đổi về dự kiến chương trình hoạt động, chương trình nghị sự và các văn kiện sẽ thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. Dự kiến lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thảo luận về các nội dung chính gồm đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các nước ASEAN đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước Chủ tịch Thái Lan tới thời điểm này, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ đảm bảo cho thành công của Hội nghị.
Đánh giá về những tiến triển trong hợp tác ASEAN thời gian qua, các nước ghi nhận và hoan nghênh các kết quả triển khai Chủ đề và ưu tiên của năm, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về Rác thải biển và Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng ASEAN về Buôn bán động vật hoang dã tại Thái Lan trong tháng 3/2019. Các nước cũng bày tỏ ủng hộ việc đẩy mạnh gắn kết tương hỗ giữa giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với các Mục tiêu của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững và nhất trí thúc đẩy xây dựng Lộ trình hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc vì mục tiêu này.
Các quan chức cao cấp ASEAN cũng ghi nhận tiến triển tích cực trong triển khai kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN; ủng hộ việc đẩy mạnh kết nối các sáng kiến kết nối trong khu vực, phát triển bền vững ở các tiểu vùng, trong đó có Mê Công. Các nước cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực về tăng cường khả năng phối hợp, điều phối về các vấn đề hợp tác liên lĩnh vực, liên trụ cột trong ASEAN, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thư ký ASEAN và trông đợi việc đưa vào vận hành hiệu quả Trụ sở mới của Ban thư ký ASEAN trong năm 2019.
Bên cạnh đó, các nước cũng trao đổi về thủ tục để Nam Phi chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN; thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả của Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và thảo luận về các bước đánh giá, tìm hiểu thực tế đề nghị tham gia ASEAN của Đông Ti-mo (Timor Leste).
http://biendong.net/bien-dong/28859-hoi-nghi-cap-cao-asean-34-tai-thai-lan-nham-thuc-day-phat-trien-ben-vung.html

Triều Tiên ‘muốn kiên nhẫn’ với Mỹ

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói với Chủ tịch Trung Quốc TậpCận Bình rằng ông ấy “muốn kiên nhẫn” với Hoa Kỳ về các cuộc đàmphán hạt nhân đang bị bế tắc và bày tỏ hy vọng rằng “các bên liên qun sẽtương nhượng” với Bình Nhưỡng, Reuters dẫn nguồn từ báo chí nhànước Trung Quốc cho biết.
Phát biểu của ông Kim được đưa ra nhân chuyến thăm của ông Tập tớiTriều Tiên nhằm củng cố quan hệ giữa hai đồng minh. Mối quan hệ nàyđang bị ảnh hưởng bởi các hành động khiêu khích hạt nhân của BìnhNhưỡng và sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với các biện pháp chế tài củaLiên hiệp quốc đối với Triều Tiên, theo Reuters.
Ông Tập tới Triều Tiên hôm 20/6 trong chuyến thăm hai ngày. Đây cũnglà chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc tới Triều Tiêntrong 14 năm qua.
Chủ tịch Trung Quốc mô tả bế tắc Mỹ-Triều hiện nay là ‘hết sức phứctạp và nhạy cảm’ và nói rằng Trung Quốc ‘sẵn sàng củng cố hợp tác vàphối hợp’ với ‘tất cả các bên liên quan.’
Trước các cuộc thảo luận song phương, ông Tập viết một bài ý kiến màtruyền thông nhà nước của cả Triều Tiên và Trung Quốc đều đăng, trongđó ông ca ngợi các nỗ lực của Triều Tiên để ‘giải quyết các vấn đề trênbán đảo Triều Tiên.’
Cuộc họp Trung-Triều lần này diễn ra trong lúc Trung Quốc đang tranhcãi thương mại với Hoa Kỳ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theodự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G-20 tuầntới ở Nhật Bản.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-muon-kien-nhan-voi-my-/4967536.html

Người Hong Kong tiếp tục biểu tình

yêu cầu hủy bỏ dự luật dẫn độ

Dưới cái nóng nắng 30 độ C, hàng ngàn người, hầu hết là sinh viên mặc đồ màu đen xuống đường biểu tình sáng 21/6 sau khi chính quyền của bà Carrie Lam lờ đi hạn chót phải đáp ứng yêu cầu xóa bỏ dự luật của người biểu tình trong tuần rồi, theo Reuters.
Một số người biểu tình cố gắng chặn các con đường chính gần trung tâm tài chính khiến giao thông hỗn loạn vào sáng sớm.
Hôm 19/6 Đặc khu trưởng Carrie Lam đã tuyên bố tạm hoãn thảo luận dự luật dẫn độ, tuy nhiên điều này không làm hài lòng những người biểu tình, vốn yêu cầu nó bị xóa bỏ hoàn toàn và bà Lam từ chức.
Joshua Wong ra tù, tăng áp lực lên bà Carrie Lam
Hong Kong: Giới trẻ cấp tiến hết sợ hơi cay
Báo TQ đổ lỗi cho Mỹ về các cuộc biểu tình ở Hong Kong
Dân Hong Kong có hộ chiếu Anh theo luật gì?
“Chúng tôi muốn đấu tranh cho tự do của mình,” học sinh trung học Chan Pak-lam, 17 tuổi, nói khi đứng bên ngoài trụ sở chính trị Hong Kong, vốn đã phải tạm thời đóng cửa vì những lo ngại về an ninh.
“Chúng tôi muốn rút bỏ dự luật chứ không phải tạm hoãn. Tôi sẽ ở đây đến tối nay, có lẽ tới 10 giờ tối. Nếu chính phủ vẫn không đáp ứng, chúng tôi sẽ quay trở lại.”
Những người biểu tình hôm thứ Sáu yêu cầu chính phủ bác bỏ mọi cáo buộc chống lại những người bị bắt trong tuần trước, yêu cầu ngừng coi cuộc biểu tình là bạo động, đồng thời buộc tội cảnh sát đã có hành động bạo lực.
Bộ trưởng Tư pháp Teresa Cheng là bộ trưởng chính phủ gần đây nhất đưa ra lời xin lỗi về dự luật.
“Về những tranh cãi và tranh chấp trong xã hội phát sinh từ cuộc xung đột trong vài tháng qua, là thành viên của chính phủ, tôi gửi lời xin lỗi chân thành tới tất cả mọi người ở Hong Kong,” bà Cheng viết trên blog của bà vào thứ Sáu.
“Chúng tôi hứa sẽ có một thái độ chân thành và khiêm tốn nhất để chấp nhận những lời chỉ trích và cải thiện cách phục vụ công chúng.”
Người Đài Loan ủng hộ người Hong Kong
Khi những người biểu tình ngồi hoặc nằm trò chuyện bên ngoài trụ sở chính phủ, một nhà hoạt động đã đọc một lá thư được gửi từ một sinh viên Đài Loan để ủng hộ những người biểu tình.
Bà Carrie Lam xin lỗi nhưng không từ chức
Việt Nam có thể có một Joshua Wong hay không?
“Những người Hong Kong dũng cảm, có lẽ khi đối mặt với nghịch cảnh, tất cả chúng ta đều mong manh và nhỏ bé, nhưng xin đừng từ bỏ việc bảo vệ tất cả những thứ mà bạn trân quý, xin hãy tin rằng những nỗ lực của bạn là có ý nghĩa và mạnh mẽ,” một người biểu tình đọc lá thư trong tiếng vỗ tay và reo hò của đám đông.
Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm lấy Đài Loan vốn bị coi là một tỉnh ly khai. Nhiều người Hong Kong đã vẫy cờ Đài Loan tại các cuộc biểu tình gần đây. Một hình ảnh chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48715303

Tìm kiếm sự thật

trong các trại ‘cải tạo’ người Duy Ngô Nhĩ

John SudworthBBC News, Tân Cương
Vùng Tân Cương của Trung Quốc là nơi sinh sống của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đã sống ở đó trong nhiều thập kỷ. Các nhóm nhân quyền cho biết hàng trăm ngàn người bị giam giữ trong các trại cải tạo mà không được đưa ra xét xử, nhưng Trung Quốc cho rằng họ tự nguyện tham gia các trung tâm chống lại “chủ nghĩa cực đoan”. BBC đã vào bên trong một trung tâm như vậy.
Tôi đã từng đến các trại này trước đây.
Nhưng lần gần nhất tôi chỉ được nhìn thoáng qua các dây thép gai và tháp canh của khu trại cải tạo trong khi vẫn ngồi trong xe, và các cảnh sát mặc thường phục theo đuôi, cố gắng ngăn chúng tôi lại gần hơn.
Bây giờ tôi đã được mời vào bên trong.
Đại học Mỹ nhận tiền từ công ty TQ liên quan vụ Tân Cương
Nhiếp ảnh gia Trung Quốc mất tích tại Tân Cương
Cảnh sát Tân Cương ‘dùng app theo dõi dân’
Những rủi ro của việc được chấp nhận cho vào là rõ ràng. Chúng tôi được đưa đến những nơi dường như đã được thiết kế một cách cẩn thận – với hình ảnh vệ tinh cho thấy phần lớn cơ sở hạ tầng an ninh gần đây đã bị gỡ bỏ.
Và lần lượt từng học viên tại trại nói chuyện với chúng tôi, một số tỏ rõ sự căng thẳng, họ kể lại những câu chuyện giống nhau.
Tất cả họ đều là thành viên của cộng đồng người hồi giáo chiếm đa số ở Tân Cương – người Duy Ngô Nhĩ – họ nói rằng họ đã bị “ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan” và vì vậy tình nguyện “biến đổi suy nghĩ”.
Đây là câu chuyện về Trung Quốc do những người được lựa chọn kể ra cho chúng tôi. Và với họ, việc nói ra điều gì vượt quá kiểm duyệt có thể gây rủi ro nghiêm trọng.
Hậu quả có thể là gì nếu họ lỡ nói một cái gì đó khác? Làm thế nào có thể tách biệt tuyên truyền khỏi thực tế một cách an toàn?
Cấp tiến và tái sinh
Có rất nhiều tiền lệ cho việc tường thuật tình huống khó xử này.
Ví dụ như chuyến thăm bị giám sát chặt chẽ của báo giới năm 2014 tới nhà tù Abu Ghraib do Mỹ điều hành ở Iraq, sau vụ bê bối lạm dụng. Các phóng viên bị lùa đi xa khỏi những người bị giam giữ đang cố la to để được nghe thấy.
Hoặc có ví dụ về những cuộc tiếp cận hiếm hoi và bị giới hạn của truyền thông tại các trung tâm giam giữ người nhập cư ở ngoài khơi của Úc.
Và trong những năm 1930 và 1940, Đức đã tổ chức các chuyến đi cho báo giới đến các trại cải tạo tại Sonnenburg và Theresienstadt, được thiết kế để chứng minh họ “nhân đạo” đến mức nào.
Trong tất cả các trường hợp như vậy, phóng viên là nhân chứng cho một câu chuyện có tầm quan trọng toàn cầu, nhưng buộc phải cố gắng kể nó trong khi khi chỉ được tiếp cận hạn chế và bị kiểm soát chặt chẽ với những người bị ảnh hưởng nhất bởi chính câu chuyện đó.
Ở Tân Cương, có một sự khác biệt lớn. Chính quyền cho phép các cuộc viếng thăm của báo chí không chỉ để cho thấy rằng các điều kiện bên trong các cơ sở là tốt, họ cũng muốn chứng minh rằng chúng hoàn toàn không phải là nhà tù.
Chúng tôi được cho xem những người lớn ngồi thành hàng trong các lớp học được chiếu sáng rực rỡ, đồng thanh đọc to các bài học tiếng Trung.
Một số người biểu diễn các chương trình ca múa nhạc hàng ngày, vốn được dàn dựng và biên đạo cẩn thận. Họ mặc trang phục dân tộc truyền thống, múa quanh bàn, nụ cười đính trên môi.
Và điều khá rõ ràng là các quan chức Trung Quốc đi cùng chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào câu chuyện được các học viên ở đây trưng ra, một số người suýt rơi nước mắt.
Những người này, chúng tôi được khuyến khích thừa nhận, đã được tái sinh. Từng bị cực đoan hóa và đầy thù hận với chính phủ Trung Quốc, giờ đây họ đã an toàn trở lại con đường cải cách nhờ sự can thiệp kịp thời, nhân từ của chính phủ.
Phương Tây có thể học được rất nhiều từ thông điệp này.
Đề cập đến thời điểm chính sách cải tạo này bắt đầu, một quan chức cấp cao nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Chưa có một cuộc tấn công khủng bố nào ở Tân Cương trong 32 tháng qua”, ông nói. “Đây là nghĩa vụ yêu nước của chúng tôi.”
‘Ôi trái tim tôi đừng tan vỡ’
Nhưng công việc của chúng tôi là cố gắng tìm xem cái gì thực sự ẩn bên dưới các thông điệp được phô bày, ở mức độ kỹ lưỡng nhất có thể.
Có một số graffiti chúng tôi quay được, được viết bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ. Một cái viết: “Ôi trái tim tôi đừng tan vỡ”. Một graffiti khác viết: “Từng bước từng bước một.”
Có những câu trả lời, trong các cuộc phỏng vấn thêm với các quan chức, đã tiết lộ nhiều về bản chất của hệ thống này.
Những thành viên trong các trại nói trên “gần như là tội phạm”, các quan chức này cho hay. Họ bị xem như một mối đe dọa không phải vì đã phạm tội, mà vì có khả năng phạm tội.
Và có một sự thừa nhận rằng, một khi được xác định là có khuynh hướng cực đoan, họ được đưa ra lựa chọn.
Đó là “lựa chọn giữa bị đem ra xét xử tại tòa hoặc được giáo dục trong các cơ sở cho các phần tử cực đoan”.
“Hầu hết mọi người chọn được giáo dục,” chúng tôi được cho biết như vậy.
Và chúng tôi được biết, từ các nguồn khác, rằng định nghĩa chủ nghĩa cực đoan hiện rất rộng – ví dụ như có một bộ râu dài, hoặc đơn giản là liên hệ với người thân ở nước ngoài.
Chúng tôi thấy các ký túc xá trong đó những “kẻ cực đoan” này ngủ chứa tới 10 người mỗi phòng, có các giường đơn và có một nhà vệ sinh ở một đầu, được che chắn chỉ bằng một tấm vải mỏng.
Và rồi có những câu hỏi thận trọng đã tiết lộ nhiều, không phải ở những gì họ có thể nói, mà ở những gì họ không thể.
Tôi hỏi một người đàn ông, đã ở đây 8 tháng, có bao nhiêu người ông ta thấy đã “tốt nghiệp” trong thời gian đó.
Có một chút khựng lại trước khi ông trả lời. “Việc này thì… tôi không biết gì đâu,” ông ta nói.
Chỉ một câu truyện duy nhất được kể từ hệ thống cải tạo khổng lồ được cho là đang chứa hơn một triệu người vì vấn đề sắc tộc và đức tin của họ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48716248

Chỉnh sửa thông tin liên quan vụ đâm chìm

tàu cá Philippines: TQ đành chấp nhận “tự tát vào mặt”

Sau khi bị Philippines và cộng đồng quốc tế tố cáo Trung Quốc cố tình cho tàu đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines, Bắc Kinh đã đưa ra những tuyên bố nực cười, tự làm xấu hình ảnh một nước lớn không có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Ngày 9/6, khi đang nghỉ gần bãi Cỏ Rong, tàu cá Gimver-1 của Philippines đã bất ngờ bị tàu cá Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm và bỏ đi ngay sau đó, khiến 22 ngư dân phải bám vào các thùng nhựa trôi dạt trên biển và may mắn sau được tàu Việt Nam phát hiện và cứu vớt.
Chối bỏ trách nhiệm bằng mọi cách
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (13/6) ngang nhiên tuyên bố nước này vẫn “đang điều tra” và việc Philippines “chính trị hóa vụ việc mà không xác thực” là hành động vô trách nhiệm; khẳng định đây chỉ là “tai nạn hàng hải bình thường khi lưu thông trên biển”. Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng cho biết thêm: “Nếu những thông tin liên quan là đúng, thì dù thủ phạm là người nước nào, hành vi của họ cũng cần bị lên án”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila (14/6) đã công bố báo cáo điều tra sơ bộ về vụ việc. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế bị bất ngờ, không ai nghĩ Trung Quốc có thể ngụy biện và đổi trắng thay đen một cách ghê gớm như vậy. Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào ngày 9/6. Tàu 42212 “bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Philippines bao vây” và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng của tàu va chạm với buồng lái của tàu Gem-Ver 1”; đồng thời khẳng định “thuyền trưởng Trung Quốc đã cố cứu ngư dân Philippines, nhưng sợ bị các tàu Philippines khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Philippines khác cứu, tàu 42212 mới rời khỏi hiện trường”.
Chỉnh sửa thông tin, “tự tát vào mặt”
Sau khi bị Philippines và cộng đồng quốc tế cung cấp những bằng chứng bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, buộc Bắc Kinh phải chịu nhục, chỉnh sữa những thông tin sai sự thật đã được tuyên bố trước đây. Theo đó, Trung Quốc đã lược bỏ lời cáo buộc “7-8 tàu cá Philippines bất ngờ bao vây tàu cá Trung Quốc”. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đã nhờ Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines chuyển lời chia sẻ và động viên của họ tới 22 thuyền viên của tàu cá Philippines GEM-VIR1 vì những tổn thất sau vụ việc ngày 9/6. Đây cũng là lần đầu tiên họ có hành động này kể từ sau khi vụ việc xảy ra.
Liên quan báo cáo điều tra của Đại sứ quán Trung Quốc, ban đầu Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phát một tuyên bố trên Facebook, thừa nhận rằng tàu cá nước này đã khiến tàu Philippines bị chìm, tuy nhiên họ lại cáo buộc ngược rằng “có 7-8 tàu cá Philippines bất ngờ bao vây” tàu cá Trung Quốc, khiến tàu Trung Quốc muốn cứu người nhưng lại không dám vì… sợ các tàu xung quanh. Thông báo trên được Đại sứ quán Trung Quốc đăng vào lúc 9h20′ tối ngày 14/6 (theo giờ địa phương), nhưng đã xóa đi sau vài giờ. Vào lúc 11h44′ sáng ngày 15/6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã đăng một thông cáo mới, trong đó không có đoạn “7-8 tàu cá Philippines bao vây tàu Trung Quốc”.
Tuyên bố xoa dịu dư luận
Phát biểu ngày 17/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã trả lời các câu hỏi có liên quan đến vụ đâm tàu trên biển như sau:
Hỏi: Đối với vụ việc tàu cá Trung Quốc và Philippines đâm nhau ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines xác nhận: Tổng thống R.Duterte không tham dự Hội nghị nội các được triệu tập khẩn cấp họp bàn về vụ này hôm nay và nói cần phát huy tác dụng của con đường ngoại giao. Xin hỏi phía Trung Quốc có bình luận gì?
Lục Khảng: Phía Trung Quốc đã chú ý đến tin tức liên quan:
Thứ nhất, vào sáng sớm ngày 10/6, tại vùng biển bãi Cỏ Rong đã xảy ra một vụ tàu cá Trung Quốc và tàu cá Philippines đâm vào nhau ngoài ý muốn. Phía Trung Quốc đã gửi lời thăm hỏi các ngư dân Philippines gặp nguy hiểm trong vụ việc này.
Thứ hai, sau khi vụ việc xảy ra, hai bên Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần liên lạc giữa nhiều cấp, qua nhiều con đường. Phía Trung Quốc muốn nhấn mạnh, đây là một vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển giữa các tàu đánh cá trên biển; đem vụ việc này gắn với tình cảm hữu hảo giữa nhân dân hai nước, gắn với quan hệ giữa hai nước, thậm chí giải thích theo cách chính trị hóa đều không thích hợp. Phía Trung Quốc với thái độ có trách nhiệm cao, tiếp tục điều tra vụ việc một cách toàn diện và tích cực. Chúng tôi cũng mong muốn phía Philippines tăng cường liên lạc, tăng thêm niềm tin, xua tan nghi ngờ, trao đổi tình hình điều tra, làm rõ nguyên nhân, quá trình diễn biến vụ việc. Tin rằng hai bên có thể giải quyết ổn thỏa vụ việc trên tinh thần hợp tác và hữu nghị, lấy sự thật làm căn cứ.
Thứ ba, hai nước Trung Quốc và Philippines “cách hải tương vọng” (nhìn nhau qua biển), ngư dân hai nước từ lâu nay chung sống hữu hảo, giúp đỡ lẫn nhau trên Biển Đông, đều đã từng ra tay cứu giúp nhau khi đối phương gặp nạn. Phía Trung Quốc rất coi trọng an toàn trên biển, nguyện tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực liên quan với các nước ven biển như từ trước đến nay.
Truyền thông Trung Quốc a dua theo cơ quan công quyền
Sau khi vụ việc được phía Philippines phanh phui và cáo buộc những hành vi “man rợ” của Trung Quốc, giới truyền thông nước này đã cố tình trích dẫn sai tin tức để bao biện hành vi của Chính quyền, đồng thời tìm cách đổ lỗi cho Philippines.
Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng thông tin vụ việc được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana công khai đúng ngày kỷ niệm 121 năm ngày Độc lập của Philippines là nhằm gây nên ảnh hưởng rất xấu cho quan hệ Trung Quốc – Philippines. Việc chính quyền Philippines đưa ra thông tin đó đúng vào ngày Philippines Độc lập đã gây nên hiệu ứng rất mạnh. Sau khi bản báo cáo được công bố, lập tức trên mạng của Philippines bùng nổ; rất nhiều phương tiện truyền thông nước này tới tấp đưa tin này lên trang đầu, một số nhân vật chống Trung Quốc cũng tích cực bình luận trên mạng, gọi “đó là nỗi nhục lớn”, cần phải thế này, thế khác với Trung Quốc; đổ toàn bộ trách nhiệm lên đầu phía Trung Quốc”.
Không những vậy, truyền thông Trung Quốc còn cho rằng, “rõ ràng đây là hành động trực tiếp nhằm vào Trung Quốc, kích động gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines. Sau khi phía Trung Quốc bày tỏ thái độ, trong nước Philippines đã đột nhiên xảy ra sự việc như thế, rõ ràng là có liên hệ với nhau… Ở đây, chúng ta mong người Philippines hãy giữ tỉnh táo, không nên nghe và tin theo những lời lẽ bất lương của các thế lực chống Trung Quốc trong nước. Trung Quốc và Philippines chung sống hòa bình có lợi cho cả Philippines và Trung Quốc; hai nước hợp thì cùng lợi, đấu thì cùng (bị) thương; cần phải nhận thức rõ tình thế”.
http://biendong.net/bien-dong/28855-chinh-sua-thong-tin-lien-quan-vu-dam-chim-tau-ca-philippines-tq-danh-chap-nhan-tu-tat-vao-mat.html

Những điều Trung, Triều

mong đợi từ cuộc gặp Tập–Kim

Chủ tịch Tập Cận Bình tới Triều Tiên trong tuần này giữa lúc cả hai nước đang căng thẳng với Mỹ: Một bên về thương mại còn một bên về vũ khí hạt nhân.
AP đưa ra nhận định về mục tiêu mà ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un có thể muốn đạt được trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Bình Nhưỡng trong hơn một thập niên qua.
Mong muốn của ông Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc thăm Triều Tiên giữa lúc ông đang kẹt trong một cuộc chiến thương mại thiệt hại lớn với Tổng thống Mỹ Donald Trump và trước khi hai người có cuộc gặp dự kiến vào cuối tháng này tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.
Cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được xem là cách thức để ông Tập gửi tới ông Trump một thông điệp tinh tế nhưng gai góc. Washington phải nhượng bộ về thương mại nếu muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên.
“Ông Tập có thể phát đi một thông điệp tới Mỹ, rằng ‘nếu các ông chấp nhận quan điểm của chúng tôi trong thương chiến, thì chúng tôi có thể chuyển quan điểm hạt nhân của các ông
tới Bình Nhưỡng và giúp các ông đạt một số tiến bộ’” về vấn đề hạt nhân, AP dẫn nhận định của Nam Sung-wook – một giáo sư tại Đại học Hàn Quốc và là cựu Chủ tịch Viện Chiến lược an ninh quốc gia nước này.
Bắc Kinh cũng có thể muốn thể hiện rằng, tùy thuộc vào những gì Washington đang hành xử về thương mại, Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình đối với ngoại giao Mỹ -Triều.
Đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã đổ vỡ ở hội nghị thượng đỉnh lần 2, khi ông Trump bác bỏ yêu sách của ông Kim muốn dỡ bỏ cấm vận để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa từng phần. Sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho Washington thời hạn đến cuối năm nay để đưa ra các đề nghị giải trừ mới có thể chấp nhận được.
Phía chính quyền Trump khẳng định vẫn áp cấm vận nhưng để cửa ngỏ cho đàm phán thêm.
Theo AP, hiện trong giới chuyên gia có nhiều ý kiến khác nhau về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, vì trong những năm trước, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân bất chấp bị Bắc Kinh phản đối.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng rất thực tiễn. Hơn 90% ngoại thương của Triều Tiên đi qua Trung Quốc và một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc năm 2016 và năm 2017 đã khuyến khích ông Kim Jong Un mở rộng ngoại giao vào đầu năm 2018.
Mong muốn của ông Kim Jong Un
Chủ tịch Kim Jong Un muốn những gì ông luôn nhắm đến: Được nới lỏng cấm vận quốc tế, trong khi đưa ra nhượng bộ về chương trình hạt nhân ở mức ít nhất có thể.
Mặc dù Tổng thống Trump thường xuyên khen ngợi ông Kim Jong Un trên truyền thông, nhưng không có bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường cứng rắn của Mỹ về cấm vận hoặc giải trừ hạt nhân.
Chủ tịch Triều Tiên hiện đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc để gây áp lực đòi Mỹ xuống thang.
“Ông Kim sẽ cố gắng thuyết phục Chủ tịch Tập ủng hộ mạnh mẽ hơn cho nỗ lực của Triều Tiên thúc đẩy các bước (giải trừ vũ khí) để đổi lấy nhượng bộ của Mỹ và chống lại các biện pháp cấm vận tăng cường hoặc áp lực quân sự”, ông Wi Sung-lac, một cựu phái viên Hàn Quốc tham gia đàm phán hạt nhân sáu bên gồm hai miền Triều tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản.
Theo ông Wi Sung-lac. Chủ tịch Tập có thể sẽ làm như vậy nhưng cũng sẽ thúc giục Kim Jong Un thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn với đối thoại và kiềm chế các hành động khiêu khích như thử vũ khí.
Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 sụp đổ, Bình Nhưỡng đã thể hiện sự không hài lòng bằng cách thử tên lửa tầm ngắn và có những phát ngôn mạnh bạo chống lại Washington và Seoul. Giờ cả ông Tập và ông Kim nhiều khả năng sẽ muốn tránh né một cuộc chiến ngoại giao toàn diện với Mỹ.
Mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gửi tới Tổng thống Trump một lá thư mà ông mô tả là “tốt đẹp”, một diễn biến được giới phân tích nhận định là thể hiện ý muốn của Kim Jong Un muốn duy trì quan hệ tốt với ông Trump.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28821-nhung-dieu-trung-trieu-mong-doi-tu-cuoc-gap-tapkim.html

Chủ tịch Trung Quốc thúc đẩy cải cách kinh tế

 tại thượng đỉnh với Triều Tiên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến khích Triều Tiên tập trung vào phát triển kinh tế trong một bài phát biểu tại Bình Nhưỡng, một chủ đề mà Bắc Kinh từ lâu đã nhấn mạnh với nước láng giềng Cộng sản trong bối cảnh có những lo ngại về chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Trong một bài phát biểu tại một buổi yến tiệc tối ngày 20/6, ông Tập nhấn mạnh rằng quốc gia dưới quyền lãnh đạo Kim Jong Un đã “bắt đầu một dòng chiến lược mới về phát triển kinh tế và cải thiện phương kế sinh nhai của người dân, nâng cao xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước này lên một tầm cao mới,” theo Tân Hoa Xã, cơ quan thông tin chính thức của Trung Quốc.
Ông Tập rời Bắc Triều Tiên vào đầu giờ chiều ngày 21/6, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Một bức ảnh đăng tải trên ứng dụng di động của đài truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc cho thấy mọi người vẫy tay dõi theo chiếc Boeing 747 của Air China chở ông Tập đậu trên đường băng tại sân bay ở Bình Nhưỡng.
Trước khi lên đường về nước, ông Tập, cùng với ông Kim và hai vị phu nhân đã tới đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc xung đột này đã giúp các lực lượng Bắc Triều Tiên tránh bị đại bại trước quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh do Liên Hiệp Quốc chỉ huy.
“Chúng tôi sẽ truyền lại mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên từ thế hệ này sang thế hệ khác, củng cố và phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân của chúng ta và thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.”
Nền kinh tế Triều Tiên đã kiệt quệ từ nhiều năm qua hồi gần đây đã có một số dấu hiệu cải thiện, nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ –chủ yếu từ Trung Quốc – và an ninh lương thực là mối quan tâm thường trực. Trung Quốc đã đồng ý về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc để trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, tuy nhiên tỏ ra thận trọng với bất kỳ biện pháp nào có thể đẩy nền kinh tế Triều Tiên vào tình trạng hoàn toàn sụp đổ, dẫn tới bất ổn và hỗn loạn ở biên giới hai nước.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết hôm 21/6 rằng ông Tập và ông Kim đã tổ chức các cuộc thảo luận rộng rãi về tình hình chính trị xung quanh Bán đảo Triều Tiên và đạt được sự hiểu biết chung về các vấn đề mà họ đã thảo luận. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng do những bất đồng trong việc thương lượng đổi cấm vận lấy giải trừ vũ khí.
Chuyến thăm của ông Tập đánh dấu lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc tới thăm Triều Tiên trong vòng 14 năm qua.
Theo dự kiến ông Tập sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới tại Nhật Bản và có thể chuyển tới ông Trump một lời nhắn từ ông Kim về các cuộc đàm phán hạt nhân.
Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã đổ vỡ sau hội nghị thượng đỉnh thất bại giữa ông Kim và ông Trump tại Việt Nam vào tháng 2.
Mỹ đòi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong khi đó, Triều Tiên mưu tìm một lối tiếp cận từng bước hướng tới phi hạt nhân hóa diễn ra song song với những nhượng bộ từ Mỹ, đặc biệt là sự nới lỏng các biện pháp cấm vận.
Ông Tập dự kiến sẽ ủng hộ những lời kêu gọi của Triều Tiên cho một quá trình tuần tự để giải trừ vũ khí. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí do Trung Quốc chủ trì trước đây, nhưng đã đổ vỡ cách đây một thập kỷ.
https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-trung-quoc-thuc-day-cai-cach-kinh-te-tai-thuong-dinh-voi-trieu-tien/4968318.html

Philippines muốn điều tra chung

vụ tàu cá bị đánh chìm với Trung Quốc

Giới chức Philippines hôm 21/6 cho biết nước này có thể điều tra vụ tàu cá Philippines bị đâm chìm chung với Trung Quốc để giúp mở kênh liên lạc giữa hai nước và tìm công lý cho những ngư dân Philippines.
Trang tin ABS-CBN trích lời bộ trưởng nội các Philippines Karlo Nograles nói rằng đề nghị điều tra chung do Trung Quốc đưa ra còn tốt hơn là bế tắc.
Hôm 9/6, một tàu cá của ngư dân Philippines bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở Bãi  Cỏ Rong thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, khiến 22 ngư dân bị rơi xuống biển. Tàu cá Trung Quốc đã bỏ đi mà không cứu những ngư dân này. Cả 22 người sau đó được một tàu cá Việt Nam khác đến cứu.
Philippines sau đó đã chính thức phản đối hành động này của tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho biết vụ đâm tàu là không có ý và không có chuyện tàu cá Trung Quốc bỏ rơi ngư dân Philippines không cứu.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 17/6 nói vụ đâm tàu chỉ là một tai nạn bình thường trên biển.
Bộ trưởng Nograles cho biết tuyên bố của Tổng thống Duterte sẽ không có ảnh hưởng gì đến việc điều tra.
Bộ trưởng Nội các Karlo Nograles cho biết Bộ Ngoại giao sẽ tư vấn cho Tổng thống Rodrigo Duterte về việc giải quyết vấn đề này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-joint-probe-w-china-better-than-being-stuck-06212019083108.html

Philippines : Cựu ngoại trưởng chống Trung Quốc

bị cấm vào Hồng Kông

Thụy My
Cựu ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario, người giữ vai trò quan trọng trong vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông và tố cáo Tập Cận Bình phạm tội ác chống nhân loại, hôm nay, 21/06/2019, đã bị ngăn nhập cảnh Hồng Kông, bị giữ lại để thẩm vấn tại sân bay nhiều tiếng đồng hồ.
Các hãng thông tấn AFP, Reuters và AP đồng loạt đưa tin ông Rosario đến Hồng Kông sáng nay với hộ chiếu ngoại giao, nhưng đã bị giữ lại suốt sáu tiếng đồng hồ. Sau đó ông bị trục xuất về Manila trên một chuyến bay của Cathay Pacific mà không được cho biết lý do.
Ông Abert del Rosario, ngoại trưởng Philippines dưới thời tổng thống Aquino từ năm 2011 đến 2016, tố cáo việc sách nhiễu này đã vi phạm Công ước Vienna về ngoại giao năm 1961.
Trong thời kỳ giữ chức ngoại trưởng, ông Rosario đồng thời phụ trách hồ sơ kiện lên Tòa án Trọng tài Quốc tế về cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ để khẳng định chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Phán quyết của tòa, tuyên đường 9 đoạn này là bất hợp pháp, là một cái tát cho Bắc Kinh. Nhưng sau đó tân tổng thống Rodrigo Duterte đã hòa hoãn với Trung Quốc để thu hút đầu tư từ nước này.
Tháng trước, cựu chánh án Tòa án Tối cao Philippines, khuôn mặt chống tham nhũng nổi tiếng Conchita Carpio-Morales cũng đã bị cấm nhập cảnh Hồng Kông khi đi nghỉ cùng với gia đình, bị giữ lại bốn tiếng đồng hồ và bị buộc phải quay lại Manila.
Ông Del Rosario và bà Morales hồi tháng Ba đã nộp đơn kiện ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc tại Tòa án Hình sự Quốc tế vì tội ác chống nhân loại, do các hành động thô bạo của Bắc Kinh tại Biển Đông. Theo đó, Tập Cận Bình đã xây lên 7 đảo nhân tạo tại vùng biển tranh chấp, hủy hoại môi trường và cản trở sinh kế của 320.000 ngư dân Philippines.
Vụ cựu ngoại trưởng Philippines bị trục xuất xảy ra trong bối cảnh Hồng Kông đang sôi sục vì một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, gây lo ngại là nhiều người sẽ bị sập bẫy của hệ thống tư pháp thiếu minh bạch tại Hoa lục.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190621-philippines-cuu-ngoai-truong-chong-trung-quoc-bi-cam-nhap-canh-hong-kong

Tai nạn MH17: Thủ tướng Malaysia lên án cáo buộc

Một ngày sau khi nhóm điều tra vụ tai nạn máy bay MH17 tuyên bố cáo buộc giết người đối với bốn người đàn ông, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã lên án quyết định này và gọi nó là “sự lố bịch”.
Ba người Nga và một người Ukraine bị buộc tội mang tên lửa vào miền đông Ukraine nơi bắn rơi máy bay của Malaysia Airlines.
Toàn bộ 298 người trên chuyến bay thiệt mạng.
“Ngay từ đầu, nó đã trở thành một chủ đề chính trị về cách buộc tội Nga làm việc sai,” ông Mahathir nói.
Hôm thứ Năm Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bác bỏ kết luận của nhóm điều tra và nói rằng “chúng tôi tin rằng chẳng có bằng chứng”.
Tuy nhiên, chính Malaysia cùng tham gia nhóm điều tra chung do Hà Lan đứng đầu, và nhóm này đã tiến hành điều tra hình sự trong nhiều năm. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết họ vẫn cam kết cho quá trình điều tra.
Đến hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã chỉ trích những phát biểu của lãnh đạo Malaysia và cho biết Bộ Ngoại giao ở The Hague đã liên lạc với các đối tác của họ tại Kuala Lumpur.
“Tôi có thể tưởng tượng người nhà các nạn nhân hiển nhiên rất thất vọng vì điều đó và nó cũng gây ra sự lẫn lộn,” ông nói với các phóng viên.
Vào hôm thứ Tư, bốn người là Igor Girkin, Sergei Dubinskiy, Oleg Pulatov và Leonid Kharchenko bị nêu tên là nghi phạm chính trong vụ bắn rơi chiếc MH17 trên bầu trời Ukraine năm 2014.
Ba người đầu được công tố viên trong cuộc điều tra ở Hà Lan nói là làm việc cho Liên bang Nga.
Còn ông Leonid Kharchenko là người Ukraine, chỉ huy một đơn vị vũ trang chống chính phủ Kiev ở vùng phía Đông Ukraine.
Công tố viên lần đầu tiên nêu đích danh bốn nghi phạm bị buộc tội chịu trách nhiệm trong vụ vận chuyển hỏa tiễn vào khu vực bắn lên chiếc phi cơ hành khách, giết chết 298 người gồm cả phi hành đoàn vào tháng 7/2014.
Chuyến bay xấu số của hàng không Malaysia trên đường từ Amsterdam đi Kuala Lumpur thì bị bắn hạ.
Vụ xử án sẽ được bắt đầu chính thức ở Hà Lan vào ngày 9/03/2020.
Lệnh truy nã quốc tế đã được ban ra để bắt bốn người đàn ông nêu trên.
‘Nga phải chịu trách nhiệm’ vụ bắn MH17
Tên lửa bắn rơi MH17 là ‘của quân đội Nga’
Putin cổ vũ huyền thoại Thế chiến Hai
Phi công TQ ‘bị hút nửa người’ ra ngoài máy bay
Nhóm điều tra do Hà Lan chỉ đạo (JIT) nói họ sẽ xử các nghi phạm theo luật Hà Lan, và trước đó đã cho hay họ có một “danh sách dài” những người sẽ được mời ra làm nhân chứng, vì cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Trong số gần ba trăm nạn nhân vụ bắn rơi chiếc phi cơ MH17 có ba mẹ con trong gia đình gốc Việt, quốc tịch Hà Lan, bị tử nạn.
Đó là bà Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1977) và hai con là Đặng Minh Châu (sinh 1997) và Đặng Quốc Huy (sinh 2001) trên đường quá cảnh tại Kuala Lumpur, Malaysia, để về Hà Nội nghỉ hè cùng gia đình.
Hồi tháng 5/2018, Úc và Hà Lan – hai nước có nhiều công dân bị chết trong vụ MH17, cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm đã bắn rơi phi cơ.
Hai nước này nói họ muốn đàm phán mà chưa đưa vụ việc ra toà án quốc tế.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48711209

Đặc khu kinh tế Trung Quốc tại Cam Bốt

bác bỏ cáo buộc về né thuế

Thụy My
Đặc khu kinh tế Sihanoukville do Trung Quốc sở hữu tại Cam Bốt hôm nay 21/06/2019 bác bỏ thông tin là các công ty ở đây đã bị phạt vì đã thay đổi xuất xứ hàng Trung Quốc để né thuế hải quan của Mỹ.
Hôm thứ Tư 19/6, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ Arend Zwartjes trong một email đã xác nhận với hãng tin Reuters là bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã thanh tra và phạt một số công ty bên trong đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) vì những công ty này đã thay đổi xuất xứ hàng Trung Quốc thành hàng sản xuất tại Cam Bốt, nhằm tránh thuế hải quan mà chính quyền Donald Trump áp đặt lên Bắc Kinh. Phát ngôn viên này không cho biết thêm chi tiết.
Đặc khu kinh tế Sihanoukville trong một thông cáo đăng trên trang web tối qua đã bác bỏ cáo buộc trên đây, nói rằng họ đã kiểm tra nội bộ, nhưng không thấy đơn vị nào trong số 29 công ty tại đây có sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị hải quan Mỹ thanh tra và phạt.
Thông cáo tỏ ý tiếc là thông tin trên đã « gây phương hại sâu sắc cho uy tín của SSEZ », khẳng định « luôn cổ vũ các cơ sở trong đặc khu chấp hành luật lệ, kiên quyết phản đối các hoạt động bất hợp pháp ».
Đại sứ quán Mỹ từ chối bình luận về thông cáo trên.
Trong tháng này, hải quan Việt Nam loan báo phát hiện nhiều trường hợp hàng Trung Quốc đội lốt « Made in Vietnam » để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, né tránh mức thuế bị Washington áp đặt trong thương chiến Mỹ-Trung.
Reuters ghi nhận Trung Quốc là nước cung cấp viện trợ và nhà đầu tư lớn nhất của Cam Bốt, với hàng tỉ đô la viện trợ phát triển và cho vay trong khuôn khổ dự án « Một vành đai, một con đường ». Phnom Penh từng tích cực ủng hộ Bắc Kinh, khiến hội nghị của ASEAN không ra được thông cáo chung về Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190621-dac-khu-kinh-te-trung-quoc-tai-cam-bot-bac-cao-buoc-giup-bac-kinh-ne-thue

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.