Tin Biển Đông – 26/06/2019
Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019
19:06
//
Biển Đông
,
Slider
Lực lượng hải quân giấu mặt
của Trung Quốc trên Biển Đông
Quần đảo Trường Sa hiện có năm bên yêu sách chủ quyền, là nơi nóng bỏng nhất trên Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Asia Maritime Transparency Initiative trong bài viết « Hải quân giấu mặt của Trung Quốc »đăng trên báo Foreign Policy hôm 25/06/2019 khẳng định, các bằng chứng cho thấy những tàu được cho là tàu đánh cá Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp này là một phần của lực lượng dân quân biển mở rộng của Bắc Kinh.
Một số nhà phân tích tiếp tục nghi ngờ về sự hiện diện và các hoạt động của dân quân biển. Số khác, đặc biệt là có liên hệ với các định chế Trung Quốc và báo chí Nhà nước, tìm cách trưng ra những hình ảnh vệ tinh đã được cắt xén một cách nghệ thuật, chỉ sử dụng những dữ liệu có lợi cho mình, hoặc đơn giản là làm ngơ trước thực tế, tấn công vào những ai đưa ra bằng chứng về các hoạt động của dân quân biển.
Điều này không gây ngạc nhiên vì mục đích dùng đến dân quân biển là tấn công ở mức thấp hơn quân đội chính quy, làm phức tạp thêm sự đối phó của các bên khác – trong trường hợp này là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan cũng như Hoa Kỳ – qua việc giấu mặt sau lớp vỏ dân sự. Nhờ đó Bắc Kinh có thể chối bỏ mọi bằng chứng của các hành vi hung hăng trên biển. Tuy nhiên những bằng chứng này tự nó đã nói lên tất cả.
Dân quân biển Trung Quốc: Không còn là bí mật
Lực lượng dân quân biển vũ trang không còn là bí mật. Điều 36 của Luật nghĩa vụ quân sự Trung Quốc năm 1984, được sửa đổi năm 1998, đòi hỏi dân quân phải « thực hiện những nghĩa vụ có liên quan đến việc chuẩn bị chiến đấu, bảo vệ biên giới và duy trì trật tự công cộng, luôn luôn sẵn sàng tham gia chiến tranh cùng với quân đội, chống lại các cuộc tấn công và bảo vệ tổ quốc ».
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2013 nâng cao vai trò của dân quân biển, trong việc khẳng định chủ quyền và hỗ trợ các chiến dịch quân sự. Lực lượng này tương tự với dân quân trên đất liền vốn được biết đến rộng rãi hơn, hoạt động tại tất cả các quân khu, dưới sự chỉ huy của Giải Phóng Quân Trung Quốc (PLA).
Năm 2013, ông Tập Cận Bình đã đi thăm lực lượng dân quân biển ở Đồ Môn, Hải Nam, khen ngợi đây là hình mẫu để noi theo. Các nhà nghiên cứu Andrew Erickson, Conor Kennedy, Ryan Martinson của Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Naval War College của Mỹ đã mất nhiều năm tìm tòi về các hoạt động của dân quân biển, gồm cả các tài liệu của chính quyền Trung Quốc và nhiều định chế nơi các thành viên là dân quân công khai tranh luận về hoạt động của họ.
Những dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) và Vulcan Inc.’s Skylight Maritime Initiative, gồm cả ảnh chụp hồng ngoại, dữ liệu được radar xử lý, ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, cho thấy một lượng lớn tàu hoạt động tại Trường Sa thuộc đội tàu cá Trung Quốc. Con số tàu Trung Quốc thường xuyên hiện diện gần Đá Xubi (Subi Reefs) và Đá Vành Khăn (Mischief Reefs) lên đến từ 200 đến 300 chiếc.
Trung Quốc vốn có đội tàu cá lớn nhất thế giới, và những chiếc tàu đánh cá xa bờ Trung Quốc hoạt động trên mọi vùng biển của hành tinh là thủ phạm của việc lạm thu hải sản, gây ô nhiễm. Tuy nhiên các tàu hoạt động tại Trường Sa không thuộc đội tàu đánh bắt xa bờ này. Với khoảng cách 800 hải lý kể từ đất liền, Trường Sa quá xa xôi để những chiếc tàu cá cỡ nhỏ và cỡ vừa có thể hoạt động hiệu quả, nếu không được trợ giá ồ ạt.
Nhưng ngay cả chính sách trợ giá từ hai thập niên qua của Trung Quốc cho tàu cá nhằm khẳng định chủ quyền, cũng không thể giải thích được hành vi của hầu hết các tàu Trung Quốc tại Trường Sa trong những năm gần đây.
Đội tàu cá hùng hậu nhưng không đánh cá
Những tàu Trung Quốc tại đây trung bình có trọng tải trên 500 tấn, vượt xa kích thước đối với các tàu trên tuyến hàng hải quốc tế bị buộc phải sử dụng thiết bị thu phát hệ thống nhận dạng tự động (Automatic Identification System – AIS), giúp nhận ra danh tính và các dữ liệu khác khi du hành trên đại dương. Nhưng chỉ có không đầy 5% trong số tàu Trung Quốc phát ra tín hiệu. Điều này cho thấy đây là một đoàn tàu muốn che giấu số hiệu và các hoạt động của mình.
Những chiếc tàu lớn và hiện đại này thể hiện một sự đầu tư đại quy mô, nhưng không thể thu hồi vốn, do hầu hết không hoạt động thương mại. Ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc hầu như luôn thả neo, thường tập trung thành những nhóm lớn, cả khi trong vùng đầm quanh Đá Xubi và Đá Vành Khăn, lẫn khi lảng vảng đâu đó tại Trường Sa. Việc hoạt động tại những khu vực gần như vậy là hết sức bất thường, và chắc chắn không phải là cách thức mà các tàu đánh cá thương mại sử dụng.
Khi các tàu Trung Quốc không đậu tại Đá Xubi và Đá Vành Khăn, hầu hết chúng được trông thấy gần các đảo do Philippines và Việt Nam trấn giữ ở Trường Sa. Điều này được chứng minh qua số lượng nhỏ các tín hiệu AIS từ các tàu Trung Quốc.
Ví dụ điển hình nhất là cả một đoàn tàu từ Đá Xubi đã thả neo cách đảo Thị Tứ do Philippines chiếm giữ chỉ 2 đến 5 hải lý, ngay sau khi Manila bắt đầu nâng cấp chút ít hòn đảo này vào tháng 12/2018. Số lượng tàu Trung Quốc thấy được qua vệ tinh lên đến 95 chiếc vào ngày 20/12/2018, rồi đến ngày 26/01/2019 giảm xuống còn 42 chiếc. Sự hiện diện này tiếp tục cho đến đầu tháng Sáu. Số lượng tàu thay đổi từng ngày nhưng hầu hết không phát tín hiệu AIS hoặc thả lưới, và tập trung tại khu vực gần hơn bất kỳ tàu đánh cá thực thụ nào.
Quân đội Philippines khẳng định đã đếm được 275 tàu Trung Quốc tập trung gần đảo Thị Tứ từ tháng Giêng đến tháng Ba, và Manila phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện này. Trong khi đó ảnh vệ tinh từ tháng Ba đến tháng Tư cho thấy một nhóm tàu Trung Quốc khác cũng vây quanh hai thực thể khác đang do Philippines kiểm soát là đảo Loại Ta Tây (Loaita Cay) và Loại Ta (Loaita Island) thuộc cụm Loại Ta. Có tàu neo đậu chỉ cách Loại Ta Tây chỉ nửa hải lý !
Làm tai mắt cho quân đội Trung Quốc và quấy nhiễu
Cách giải thích duy nhất cho những hành vi này là hầu hết các tàu trên đây tham gia hoạt động dân quân biển Trung Quốc, ít nhất là bán thời gian. Hoạt động của lực lượng dân quân biển đã được ghi nhận từ nhiều nguồn : Học viện Hải quân Hoa Kỳ, báo cáo của quân đội Philippines, và ngay trong các văn bản chính thức của Trung Quốc xác định vai trò dân quân.
Cơ bản là lực lượng này phục vụ hậu cần và làm tai mắt cho quân đội Trung Quốc : cung ứng cho các tiền đồn, giám sát và báo cáo hoạt động của các nước tranh chấp, tham gia tập luyện với quân đội cũng như lực lượng chấp pháp.
Nhưng chúng còn ngày càng trực tiếp quấy nhiễu tàu bè của các nước khác – áp sát một cách nguy hiểm các tàu hải quân, cảnh sát biển hay tàu dân sự của nước ngoài, đôi khi còn tông vào họ. Nói chung là gây mất an toàn cho các bên khác khi hoạt động trong vùng biển bị Bắc Kinh yêu sách, trong khi quân đội và tuần duyên Trung Quốc đứng ngoài nhìn – một mối đe dọa ngầm ở mức độ không thể chối cãi.
Một số nhà phân tích tìm cách biện minh cho hành động của các tàu này, nhưng không có cách lý giải nào đứng vững.
Có người cho rằng các tàu mang danh là tàu cá Trung Quốc không đánh cá tại Trường Sa vì muốn nhắm vào các hải sản giá trị cao như hải sâm, nghêu khổng lồ. Chúng không phát tín hiệu AIS vì quá nhỏ hay quá cũ, hoặc muốn che giấu vì việc đánh bắt các loài có nguy cơ tuyệt chủng bị cấm. Thậm chí còn nói rằng tàu Trung Quốc tập trung đông đảo gần Thị Tứ vì nhu cầu hải sản tăng cao trong dịp Tết.
Tuy nhiên kích thước và loại tàu dễ dàng được nhận ra qua các ảnh do vệ tinh chụp được. Đội tàu này gồm các tàu lớn và hiện đại (trên 160 feet), không giống như các tàu mẹ (80 đến 115 feet) thường đi kèm các tàu cá Trung Quốc (trung bình 15 feet) tại các rạn san hô ở Trường Sa, Hoàng Sa, Scarborough.
Hay là chúng không đánh cá vì chỉ thu mua hải sản và cung cấp nhiên liệu cho các tàu cá khác ? Lý do này có thể tạm chấp nhận, nếu có một ít tàu cá xung quanh. Nhưng ngược lại, hầu hết các tàu Trung Quốc tại Trường Sa không có vẻ là tàu đánh cá hay tàu làm dịch vụ.
Giả thiết thứ ba : các tàu này đến Trường Sa chỉ để được hưởng số nhiên liệu mà Bắc Kinh cung cấp cho những tàu hoạt động tại vùng biển tranh chấp. Có thể một số ít tàu làm việc này, nhưng làm sao giải thích được sự hiện diện của hàng trăm chiếc tàu neo đậu xung quanh đảo Thị Tứ và các thực thể khác, thậm chí trong nhiều tháng trời ?
Rõ ràng là việc Trung Quốc sử dụng hàng trăm tàu cá dưới sự bảo trợ của lực lượng công khai là dân quân biển, để xác quyết chủ quyền và quấy nhiễu các nước láng giềng tại Trường Sa là rất đáng kể.
Mối nguy gây xung đột từ một lực lượng không chuyên nghiệp
Dân quân biển là lực lượng tiên phong trong việc yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Đó là đội tàu hùng hậu nhất trong khu vực, thường xuyên tấn công cả láng giềng lẫn bên thứ ba tiến hành hoạt động khẳng định tự do hàng hải trong khu vực, như Hoa Kỳ chẳng hạn. Lực lượng này không mang đồng phục, không chuyên nghiệp, không được huấn luyện thích hợp, đứng ngoài Luật Biển quốc tế, các quy luật và cam kết của quân đội, và các cơ chế đa phương nhằm phòng tránh các vụ đụng độ trên biển.
Các sự cố sắp tới trên Biển Đông có nhiều khả năng liên quan đến dân quân biển thay vì quân đội hoặc tuần duyên Trung Quốc, lực lượng này không có cơ chế thông tin và giảm căng thẳng như giữa các đơn vị chuyên nghiệp và các đối tác ở các nước khác hiện nay.
Tác giả Gregory Poling kết luận, phương cách duy nhất để tránh một cuộc khủng hoảng do các tàu dân quân biển gây ra, là thuyết phục Bắc Kinh đặt lực lượng này ra ngoài lề. Và bước đầu tiên là gỡ bỏ tấm mặt nạ dối trá, thừa nhận các bằng chứng về số lượng và hoạt động mang tính áp đảo. Các nước cần nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc sẽ phải trả giá cho thái độ « xấu chơi » trên Biển Đông.
Tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chính phủ Đài Bắc cho biết cụm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan hôm qua, 25/06/2019.
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan trên trang web của bộ này, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cùng với 5 chiến hạm hộ tống đã đi vào eo biển Đài Loan khi đang trên đường từ khu vực Biển Đông về quân cảng Thanh Đảo, căn cứ thường trú của tàu sân bay Trung Quốc.
Cuộc hành trình của cụm tàu sân bay Liêu Ninh đã bắt đầu trong tháng này, đi qua eo biển Miyako của Nhật, ngang qua đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ, trước khi đi vào vùng Biển Đông mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Nhật báo South China Morning Post nhắc lại là trong những năm gần đây, hải quân và không quân Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra tại vùng biển chung quanh Đài Loan. Nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh cũng đã gia tăng hoạt động tại khu vực này. Kể từ khi quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc xấu đi, chủ yếu do căng thẳng thương mại, các chiến hạm của hải quân Mỹ hầu như tháng nào cũng đi qua eo biển Đài Loan. Vào tuần trước, hai chiến hạm của Canada cũng đã đi qua khu vực này để tiến hành chiến dịch bảo đảm « tự do hàng hải ».
Vào tháng trước, Hạ Viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết ủng hộ Đài Loan, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ phải cho phép « thường xuyên chuyển giao các thiết bị quốc phòng » cho Đài Bắc, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu bảo vệ an ninh của đảo này. Nghị quyết này còn phải được đưa ra biểu quyết tại Thượng Viện mới có thể trở thành luật. Tuy nhiên, hiện chưa biết khi nào nghị quyết mới được chuyển qua Thượng Viện Mỹ.
Vào lúc đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã xem nghị quyết về Đài Loan được thông qua tại Hạ Viện Mỹ là một hành động « can thiệp vào công việc nội bộ » của Trung Quốc.
0 nhận xét