Quê hương và Chế độ
Trên một Diễn đàn có người đưa lên internet bức hình màu các thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái. Bức hình gây phản ứng chống đối từ một đồng nghiệp của tôi trong khi một vài đồng nghiệp khác cho rằng phản ứng như vậy là quá khích, cực đoan. Người chống đối tâm sự rằng mình đã hai lần là nạn nhân của chế độ cộng sản Việt Nam và “tôi chưa về và sẽ không bao giờ về Việt Nam nên nó (bức ảnh ruộng bậc thang) có đẹp cách mấy thì tôi cũng thây kệ“. Nhưng người khác lại chủ trương cảnh đẹp nào có tội gì đâu và họ giải thích chế độ cộng sản rồi sẽ ra đi trong khi quê hương Việt Nam thì còn đó mãi, cho nên trước một bức ảnh phong cảnh đẹp ở Việt Nam thì hãy thưởng thức nó một cách bình thường vì đó là đất nước, là tổ quốc. Tuy nhiên vấn đề là bức ảnh phong cảnh được giới thiệu với giới thưởng ngoạn theo cách nào. Nếu bức ảnh được đăng trên National Geography chẳng hạn thì độc giả sẵn sàng tiếp thu như một tài liệu khoa học nhân văn. Nhưng khi các công ty du lịch đưa cảnh chùa Hương, vịnh Hạ Long ra để câu du khách; thậm chí có cơ sở kinh doanh còn mời gọi xem cả ảnh địa đạo Củ Chi; thì lại là chuyện khác.
Quê hương quả còn đó nhưng khi quê hương nằm dưới gông cùm của một chế độ tàn bạo thì người tỵ nạn lưu vong có khuynh hướng nhìn quê hương qua con mắt không còn theo nhãn quan bình thường.
Kurt Tucholsky là nhà văn, nhà viết báo chính trị Đức, bị quốc xã tước quốc tịch, sách bị cấm và bị đốt, phải lưu vong sang sống ở Thuỵ Điển. Ngày 11.04.1933 trong thư gửi Hasenclever, Tucholsky viết : “Daß unsere Welt in Deutschland zu existieren aufgehört hat, brauche ich Ihnen wohl nicht zu sagen.“ (Tôi chẳng cần bảo với bạn rằng thế giới của chúng ta đã không còn tồn tại ở nước Đức nữa). Dân tộc Đức vẫn còn, tổ quốc Đức vẫn còn nhưng chế độ Hitler đã tiêu diệt quê hương Đức của Tucholsky.
Chống đối đế chế của Napoléon III, Victor Hugo sống lưu vong ở các hòn đảo Jersey và Guernesey thuộc Anh. Ngày 18.08.1859, trong một tuyên cáo ngắn đưa ra từ đảo Guernesey, nhà văn nhà thơ ký thác tâm tình : “Fidèle à l‘engagement que j‘ai pris vis à vis de ma conscience, je partagerai j‘usqu‘au bout l‘exil de la liberté. Quand la liberté rentrera, je rentrerai.“ (Trung thành với sự giao kết mà tôi đã thiết lập theo lương tâm, tôi sẽ sống trọn vẹn cuộc đời lưu vong trong tự do. Khi tự do trở lại, tôi sẽ trở về). Đưa quan tài người hôn phối về chôn ở Villequier, vùng Normandie, Victor Hugo ngừng chân ở biên giới Pháp-Bỉ, không đặt chân lên đất quê hương chừng nào liberté chưa rentrera.
Nữ ca sĩ Gloria Estafan, người Cuba tỵ nạn ở Miami, cương quyết không trở về quê hương khi còn chế độ cộng sản. Khi được mời sang Cuba hát mừng Đức Giáo hoàng viếng thăm đảo quốc, cô từ chối dứt khoát. Lần khác, được mời qua Vatican hát mừng trong một đại lễ, cô chấp nhận với điều kiện duy nhất : xin Đức Thánh Cha cầu nguyện và làm mọi cách để cho quê hương Cuba của cô thoát khỏi chế độ độc tài và có tự do, có nhân quyền.
Khi quê hương bản quán rơi vào tay người ngoại quốc, cộng đồng sĩ phu Nam Hà đã tham gia một phong trào tỵ địa rộng lớn và trong phong trào này, họ mang theo cả di thể của Võ Phu tử vì không muốn di thể của Thầy nằm lại trong vùng đất do quân thù chiếm cứ. Võ Trường Toản lúc ban đầu được an táng ở Hoà Hưng (Sàigòn) nhưng đến năm Ất sửu, Tự Đức thứ 18 (1865), ngày 28 tháng mười, khi ba tỉnh miền đông rơi vào tay quân Pháp thì sĩ phu lục tỉnh cải táng mộ Thầy và dời linh cửu về đặt ở gành Mù U, làng Bảo Thạnh, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Chế độ thực dân rồi ra sẽ chấm dứt trong khi quê hương thì vẫn còn đó, nhưng không phải vì thế mà không rời bỏ quê hương với lời hẹn ngày trở lại.
Nguyễn Đình Chiểu tránh quân Pháp đã quyết định rời Gia Định về Cần Giuộc rồi từ Cần Giuộc lại chọn Ba Tri làm nơi tỵ nạn trong cảnh “nước loàn“. Vì câu danh nghĩa phải đi ra…
Ra đi, tỵ nạn, tỵ địa, ly hương, lưu vong là để hẹn một ngày về, chỉ vì quyết một ngày về. Cho nên nếu thấy rằng đời mình chưa trở về được quê hương thì Nguyễn Thông khẳng khái, hùng tráng : Lai giả khả kế dư hà vong (Người sau nối tiếp được, ta còn mong gì hơn).
Louis Aragon là nhà văn Pháp, đảng viên cộng sản, kết hôn với Elsa Triolet, em vợ Majakovski. Lên tiếng thay cho những người ở tù, những người bị đày, Aragon cất cao lời chào mừng nước Pháp, biểu tượng của niềm tin và hy vọng : Lorsque vous reviendrez car il faut revenir / Il y aura des fleurs tant que vous en voudrez / Il y aura des fleurs couleur de l‘avenir / Il y aura des fleurs lorsque vous reviendrez (Je vous salue ma France) (Khi các anh trở về vì ta phải trở về / Thì các anh muốn có bao nhiêu hoa cũng sẽ có / Sẽ có hoa mang màu sắc tương lai / Thì sẽ có hoa khi các anh trở lại). (Chào nước Pháp của tôi). Quốc gia Pháp, La Grande Nation, dẫu còn đó nhưng đàn con thì lại ước hẹn ngày về, khi không còn chế độ hiện trị vì nữa…
Thomas Mann, Giải thưởng Nobel Văn chương năm 1929, không về lại Đức chừng nào còn quốc xã và chừng nào nước Đức chưa thực sự độc lập tự do mà đành sống tại Thuỵ Sĩ cho đến khi chết.
Anna Seghers vào đảng cộng sản Đức khi còn là sinh viên. Chống phát xít quốc xã, sống lưu vong ở Mexico, chỉ trở về quê hương khi Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) được thành lập.
Qua văn chương, qua tác phẩm, tiền nhân giúp chúng ta thêm nghị lực, thêm kiên tâm; đồng thời cũng thêm kinh nghiệm, thêm kiến thức. Nghị lực và kinh nghiệm, kiên tâm và kiến thức để chúng ta ngày nay đấu tranh cho một ngày về và ngày về đó chỉ đến trên quê hương thân yêu khi chế độ cộng sản không còn nữa.
16.06.2019
BS. Trần Văn Tích
0 nhận xét