Dmitry Mosyakov nêu các sai lầm liên tiếp của Hà Nội về Khmer Đỏ
Nghiên cứu các hồ sơ ngoại giao của Liên Xô cũ, tác giả Dmitry Mosyakov đi đến kết luận rằng Hà Nội từng tin lời Pol Pot và sau thì đặt cược vào ‘bạn tốt Nuon Chea’.
Trong bài “The Khmer Rouge and the Vietnamese Communists:A History of Their Relations as Told in the Soviet Archives.” (Khmer Đỏ và những người cộng sản Việt Nam: quan hệ hai bên qua tư liệu Xô-Viết), ông Dmitry Mosyakov đã đánh giá quan hệ VN-Campuchia cho đến trước cuộc chiến 1978.
Tác giả làm việc tại Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, cho rằng không lâu trước khi đem quân vào Campuchia hạ bệ chế độ Pol Pot, các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó vẫn tin vào giả thuyết “có hai phái trong nội bộ Khmer Đỏ”.
Ban lãnh đạo Khmer Đỏ ở Phnom Penh sau khi giành chính quyền. Từ trái sang phải: Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary, Son Sen và Vorn Vet.
Vào tháng 10/1978, hai tháng trước cuộc tổng tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam sang Campuchia, một quan chức cao cấp của Việt Nam “phụ trách Campuchia” nói với phía Liên Xô rằng:
“Có hai nhân vật quan trọng ở Phnom Penh thân với Việt Nam” – Nuon Chea, và cựu bí thư Chiến khu phía Đông So Phim.”
Một nhà ngoại giao Liên Xô tường thuật lại lời quan chức Việt Nam rằng “Nuon Chea chống lại chế độ Pol Pot, và thân Việt Nam sâu nặng, nhưng vì sợ bị trả thù nên ông ta không thể nói thật.”
Phía Việt Nam cũng giải thích cho Liên Xô rằng để “bảo vệ Nuon Chea, Việt Nam đã cắt đứt mọi quan hệ với ông ta”.
Niềm tin vào Nuon Chea
Lãnh đạo Việt Nam, TBT Lê Duẫn, được trích lời từng nói “Nuon Chea là bạn tốt của tôi”, và theo tác giả Nga, quan điểm này vẫn được duy trì đến phút chót, trái với thực tế rằng Nuon Chea hoàn toàn ủng hộ, trung thành với Pol Pot, chống Việt Nam.
Hà Nội tin rằng “nếu có điều kiện thuận lợi, Nuon Chea và So Phim sẽ có thể trở thành lãnh đạo cho phong trào cách mạng” ở nước láng giềng.
Điều này đã không xảy ra và chẳng có một lực lượng trong đảng cộng sản Campuchia (CPK) và quân đội Khmer Đỏ nổi dậy lật đổ Pol Pot cho Việt Nam cả.
Dmitry Mosyakov đánh giá rằng ngay từ 1976, Hà Nội đã “không chỉ mất kiểm soát mà còn mất cả nguồn tin chính xác về tình hình bên trong nội bộ lãnh đạo Khmer Đỏ.”
Điều lạ là lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã thừa nhận “tình hình bên đó không rõ ràng, và Việt Nam gặp khó khăn khi đánh giá thông tin Campuchia”, khi trao đổi với đại sứ Liên Xô vào tháng 7/1976, nhưng niềm tin về một phái thân Việt Nam vẫn còn đó đến tận cuối 1978.
Niềm tin này cũng giải thích vì sao sau xung đột vùng biên giới với quân Khmer Đỏ, phía Việt Nam vẫn không đánh vào sâu lãnh thổ láng giềng, vì họ chờ có cuộc nổi dậy nào đó của phe chống Pol Pot.
Nhưng Mosyakov cũng xác nhận Pol Pot, cựu đảng viên Việt Minh Khmer, đã đánh lừa Hà Nội bằng nhiều động tác.
Cũng năm 1976, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Thông Tấn Xã Việt Nam sang thăm Phnom Penh, Pol Pot đã nói những lời vàng ngọc mà Việt Nam muốn nghe từ 1975, rằng “tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, quan hệ hai đảng là tình cảm thiêng liêng (sacred feeling)”.
Sang tháng 3/1977, trong lúc phong trài bài Việt lên cao dưới sự chỉ đạo của Pol Pot, Chủ tịch Trường Chinh vẫn nói với đại sứ Liên Xô:
“Nước Campuchia Dân chủ đang xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng lãnh đạo của họ chỉ chưa rõ về hình thức của công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Hiện không có sự đồng nhất trong lãnh đạo Campuchia và mọi việc tùy vào ai sẽ thắng thế.”
Việc nhìn nhận sai tình hình Campuchia còn đưa đến chỗ ông Lê Duẩn đã cam đoan với đại sứ Liên Xô trong cuộc nói chuyện ngày 16/11/1976 rằng Pol Pot và Ieng Sary “đã bị loại khỏi quyền lực”.
Dmitry Mosyakov nhận xét:
“Chính vào lúc ông Lê Duẩn nói Pol Pot và Ieng Sary bị loại, trên thực tế, họ đang hoàn toàn kiểm soát quyền lực, và có đầy uy quyền ở Phnom Penh.”
Các nhân vật ‘thân Việt Nam’ như Keo Muni, Keo Meas và Nei Sarann đều đã bị bỏ tù, tra tấn.
Tính đến 1/11 năm đó, Bộ trưởng nông nghiệp Non Suon và hơn 200 đồng sự trong các bộ, Đảng và quân đội đã bị bắt.
Chỉ rõ ra từ 1977
Sang đầu năm 1977, tình hình mới hiện ra thật rõ cho lãnh đạo Việt Nam là không thể tin vào Pol Pot.
Khi đón thứ trưởng ngoại giao Hoàng Văn Lợi ở Phnom Penh tháng 2/1977, Pol Pot đã bác bỏ ý tưởng mở hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Việt Nam.
Nhưng phải đến cuối 1977, Việt Nam mới thừa nhận là hy vọng vào phái Nuon Chea nổi dậy chống Pol Pot và theo Việt Nam là vô nghĩa, theo lời thứ trưởng Hoàng Bích Sơn nói với đại sứ Liên Xô ngày 31/12/1977.
Giữa tháng 2/1978, các lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có cuộc họp quan trọng với nhóm nhỏ những người cộng sản Khmer sống ở Việt Nam và một số cựu thành viên Khmer Đỏ chạy sang Việt Nam.
Mục tiêu của cuộc họp là lập ra Mặt trận chống Pol Pot, và hai nhân vật nổi trội được nêu tên: ông Pen Sovan, thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, và ông Hun Sen, người chạy sang Việt Nam từ hàng ngũ Khmer Đỏ tháng 6/1977.
Đến tháng 4/1978 trung đoàn đầu tiên của lực lượng Khmer chống Pol Pot được huấn luyện ở căn cứ Mỹ cũ tại Xuân Lộc và Long Châu, theo Dmitry Mosyakov trích dẫn các sử liệu.
Tháng 6/1978, ông Lê Duẩn có chuyến đi sang Moscow, mang theo tướng Lê Trọng Tấn, để báo cáo và nhận sự ủng hộ không chính thức của Liên Xô cho chiến dịch dự kiến vào mùa khô tới, đánh sang Campuchia.
Tuy thế trong tính toán của Việt Nam khi đó lại có thêm một sai lầm nữa, theo Dmitry Mosyakov, là họ tin Trung Quốc sẽ không can thiệp để cứu Khmer Đỏ, một khi Hà Nội tấn công Campuchia.
“Phía Việt Nam liên tục đảm bảo với Liên Xô rằng Trung Quốc sẽ không đủ thời gian đưa các đơn vị lớn sang cứu Khmer Đỏ,” tài liệu Liên Xô ghi lại cuộc nói chuyện với quan chức Việt Nam ngày 20/10/1978.
Trên thực tế, tin tình báo của Liên Xô cho hay từ đầu 1977, Trung Quốc đã có mặt ở Campuchia và hỗ trợ quân sự lớn cho Khmer Đỏ.
“Các nhân viên quân sự Trung Quốc đã có mặt, huấn luyện quân Khmer Đỏ, trang bị vũ khí cho họ, xây đường xá, và căn cứ quân sự. Một trong số đó là căn cứ không quân ở Kampong Chhnang, cho phép phi cơ bay đến TPHCM chỉ trong vòng nửa giờ.”
Khi chiến sự xảy ra ở Campuchia, Trung Quốc đã tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, gây ra cuộc chiến biên giới 1979.
Việt Nam đã đóng quân lại Campuchia 10 năm, bị Asean và nhiều nước khác phản đối.
Nguồn: BBC
0 nhận xét