Đây mới là thứ Amazon, Facebook, Google và chính quyền Mỹ thực sự thèm khát ở TQ
Không chỉ mong muốn tiếp cận thị trường, các tập đoàn công nghệ khổng lồ đang nhìn chằm chằm vào miếng bánh dữ liệu của TQ, quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người.
Tảng băng chìm
Những hạn chế mà chính phủ Mỹ đã áp đặt đối lên các công ty làm ăn với Huawei, việc bắt giữ Mạnh Vãn Chu hay việc cố gắng hạn chế các quốc gia khác mua công nghệ 5G của Huawei chỉ là phần nhỏ trong một trận chiến lớn. Bởi một chủ đề được báo cáo rất ít trong vòng xoáy chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần được hé lộ, đó là cuộc tranh đoạt dữ liệu người dùng.
Cũng giống như cuộc chiến đấu về các lô hàng nông sản hay cáo buộc trộm cắp tài sản trí tuệ, một trong những chủ đề chính được thảo luận trong các cuộc đàm phán gần đây giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới này là việc cải thiện quyền truy cập cho Amazon, Microsoft, Google, IBM và Apple ở Trung Quốc.
Tuy nhiên trong các báo cáo, nó lại được định nghĩa dưới dạng "tiếp cận thị trường", liên quan đến việc Trung Quốc đang hạn chế các công ty Mỹ và từ chối họ một cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây cũng đang hành động tương tự với Huawei. Có thể nói, đằng sau cuộc chiến smartphone là các vấn đề về an ninh, sức mạnh kinh tế và chủ quyền.
Với Huawei, Mỹ lo ngại rằng việc chuyển sang công nghệ truyền thông 5G, Trung Quốc sẽ kiểm soát phần lớn các mạng mà dữ liệu trên toàn thế giới sẽ truyền qua. Nó không chỉ là vấn đề về người cung cấp thiết bị. Đó là một câu hỏi về người sẽ kiểm soát việc truy cập vào hệ thống Internet toàn cầu.
Những con cáo trước cửa chuồng gà
Trung Quốc là một thị trường khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Những tập đoàn công nghệ khổng lồ đã thất bại trong việc thống trị hoàn toàn ngành công nghệ thông tin ở thị trường này, bởi Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra các công ty đối trọng như Weibo, Alibaba, JD.com, Baidu, Tencent và Lenovo. Điều này dẫn tới việc các công ty Mỹ có rất ít quyền truy cập vào dữ liệu của Trung Quốc.
Google đã nỗ lực để đạt được giấy phép hoạt động ở Trung Quốc trong một thời gian, nhưng hiện tại toàn bộ dịch vụ của công ty này hầu như bị chặn bởi hệ thống tường lửa của chính quyền Bắc Kinh. Để giải quyết vấn đề này, hãng đã cân nhắc việc phát triển một phiên bản tích hợp công cụ kiểm duyệt nhằm thỏa mãn yêu cầu của giới chức Trung Quốc, nhưng dự án này cũng đang mắc cạn bởi rất nhiều lời phản đối trong chính nội bộ công ty.
Các công ty công nghệ khác của Mỹ cũng thất bại một cách tương tự. Facebook, Bing, WhatsApp và Twitter cũng bị chặn. Windows và MS Office gần như không tồn tại, ngoại trừ ở dạng lậu. Amazon gần đây đã từ bỏ các hoạt động kinh doanh sau một thập kỷ vật lộn mà không thực hiện được bất kỳ bước tiến nào.
Ít ra, còn có Apple. Công ty đã gặt hái được nhiều thành công hơn. Nhưng mới đây, một phong trào tẩy chay các sản phẩm của Apple đã được khởi động trên mạng xã hội Weibo, một số công ty Trung Quốc thậm chí đe dọa sẽ sa thải những nhân viên sở hữu iPhone.
Còn khi nói đến điện toán đám mây, các công ty nước ngoài muốn kinh doanh đều phải làm việc thông qua một công ty địa phương và buộc phải cấp cho đối tác toàn bộ giấy phép về công nghệ. Những công ty này cũng buộc phải lưu trữ dữ liệu ở các máy chủ tại Trung Quốc.
Dưới áp lực của các cuộc đàm phán thương mại gần đây, Mỹ đang hé lộ ý định mở rộng thị trường này. Trung Quốc đã có phần nhượng bộ khi nói rằng các công ty Mỹ có thể thiết lập các dịch vụ điện toán đám mây của riêng họ, nhưng chỉ trong một khu vực thí điểm, giống như một khu vườn có tường bao quanh. T
Tuy nhiên, điều mà các công ty Mỹ thực sự muốn là có thể hoạt động tự do đằng sau hệ thống tường lửa Great Firewall, để có thể tìm kiếm khả năng thu thập dữ liệu người dùng ở Trung Quốc giống như những nơi khác.
Nếu các công ty này sở hữu bộ lưu trữ, họ có thể dễ dàng truy cập vào các thông tin như email cá nhân và doanh nghiệp, báo cáo và kế hoạch của mọi công ty, nội dung các cuộc trò chuyện, giao dịch trực tuyến, mật khẩu. Thông qua tất cả những điều đó, họ có khả năng hiểu được mọi người dân ở Trung Quốc đang nghĩ và nói gì.
Tất nhiên ở mặt ngoài, các công ty này có thể tiếp tục tuyên bố rằng họ đang quảng bá tự do ngôn luận và hỗ trợ nhân quyền. Nhưng phía sau, chính quyền Mỹ và các gã khổng lồ công nghệ có thể sử dụng những thông tin nói trên để thay đổi cái nhìn của người dùng Internet ở Trung Quốc, tiến tới thúc đẩy quốc gia này hướng tới điều mà nước Mỹ gọi là "cởi mở hơn".
Bởi nên nhớ rằng kiểm soát dịch vụ điện toán đám mây cung cấp một bước tiến mới trên con đường ảnh hưởng đến tin tức, thúc đẩy các mô hình thay thế tiến bộ chính trị và điều chỉnh ý kiến của người dùng. Rõ ràng, đối với Trung Quốc, đây là những rủi ro vô cùng lớn. Đó cũng là lý do tại sao chính quyền nước này luôn cứng rắn trong việc giữ vững lập trường của mình.
Trung Quốc biết rằng các công ty Mỹ này giống như những con cáo muốn xông vào chuồng gà, đặc biệt là khi nhiều gương mặt trong số này có liên hệ chặt chẽ với quân đội. Trước đó, Google đã từng bị phát hiện có một số mối liên hệ bí mật với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Quay trở lại câu chuyện ban đầu, những gì đang bị đe dọa ở đây không chỉ là chuyện kinh doanh. Đây là về cơ hội để Mỹ có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân ở Trung Quốc. Cốt lõi của nó là một trận chiến giữa "trái tim và lý trí".
Nói một cách khác, những gì đang bày ra trước mắt mọi người có thể không chỉ là một cuộc chiến về thương mại. Đó nhiều khả năng là một cuộc chiến về ý thức hệ, giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới.
0 nhận xét