Đọc báo Pháp – 13/05/2019
Mỹ-Trung: Từ chiến tranh thương mại
đến tranh giành vị trí bá chủ thế giới
Vòng đàm phán Mỹ-Trung nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại đã bị cắt ngang hôm 10/06 sau khi tổng thống Trump thông báo Bắc Kinh không muốn đưa vào thỏa thuận những cam kết liên quan quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Trên Le Monde (12-13/05/2019), hai nhà báo Frédéric Lemaître và Gilles Paris cho rằng giữa « Trung Quốc và Mỹ, còn hơn cả cuộc chiến thuế quan ».
Trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ nhắc đến những cuộc đàm phán « thẳng thắn và mang tính xây dựng ». Dù tiếp tục khẳng định duy trì mối quan hệ « rất bền vững » với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Trump vẫn quyết định tăng thuế, từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỉ đô la hàng nhập từ Trung Quốc. Biểu thuế mới có thể « được dỡ bỏ hoặc không » tùy theo tiến độ vòng đàm phán mới dù chưa có ngày cụ thể. Chưa dừng ở đó, tổng thống Trump ra lệnh lập thêm danh sách đánh thuế mới đối với hàng Trung Quốc với tổng trị giá 325 tỉ đô la và nội dung có thể được công bố ngày 13/05.
Tổng thống Trump tự tin vào khả năng làm thay đổi quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thứ nhất, ông cho rằng nền kinh tế Mỹ vững chắc. Thứ hai, ông bảo đảm rằng dù người dân Mỹ bị cuộc chiến thương mại tác động, nhưng những khoản thuế mà Trung Quốc phải trả « sẽ mang về cho đất nước chúng ta nhiều tiền hơn so với một thỏa thuận thông thường ».
Để trấn an cử tri, đặc biệt giới nông dân bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tổng thống Trump khẳng định sẽ dùng tiền thu được từ tăng thuế hàng Trung Quốc để thu mua nông phẩm dư thừa nhằm cứu trợ các nước đói nghèo. Điều trớ trêu là chính quyền tổng thống đương nhiệm lại cắt giảm các khoản cứu trợ quốc tế.
Nếu như đường lối cứng rắn của tổng thống Trump vẫn mang tính chất giao dịch, ngược lại, một bộ phận của chính quyền Mỹ coi các cuộc đàm phán đang diễn ra là cách thể hiện sức mạnh vượt qua cả quy mô thương mại. Bắt đầu từ phó tổng thống Mike Pence, người trực tiếp đánh giá bản chất chế độ Trung Quốc là « chuyên quyền » khi phát biểu trước cử tọa bảo thủ vào tháng 10/2018 ở Washington.
Gần đây, trong một diễn đàn trên Washington Post ngày 06/05, ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của tổng thống Trump, kêu gọi chủ nhân Nhà Trắng từ chối thỏa hiệp với Bắc Kinh vì theo ông, « mục tiêu hiện nay của đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc là trở thành cường quốc bá chủ thế giới ».
Cùng ngày, giám đốc lập kế hoạch chính trị của bộ Ngoại Giao Mỹ, Kiron Skinner, mô tả cặp đôi Mỹ-Trung « là cuộc chiến với một nền văn minh khác hẳn và một ý thức hệ khác mà Hoa Kỳ chưa từng đối đầu. Lần đầu tiên, chúng ta có một đối thủ chính không thuộc chủng tộc da trắng ».
Trung Quốc : « Nạn nhân » của phương Tây ?
Dĩ nhiên những phát biểu, nhận định trên được Trung Quốc khai thác, bình luận để chứng minh rằng Hoa Kỳ không thực tâm. Đối với Bắc Kinh, quyết định của Mỹ trừng phạt Iran mà Trung Quốc là khách hàng chính, rồi Washington ủng hộ Đài Loan mà Trung Quốc coi là một tỉnh hoặc China Mobil bị cấm vào thị trường Mỹ đều là những « vụ tấn công » nhắm vào Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, ngay cả những người được cho là ôn hòa nhất cũng cho là Hoa Kỳ và một bộ phận các nước phương Tây không chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Bắc Kinh vẫn chưa quên mình là « nạn nhân » của phương Tây trong quá khứ : những « thỏa thuận bất công » hồi thế kỷ XIX do phương Tây áp đặt ; khi ký thỏa thuận Versailles, phương Tây đã không trả lại tỉnh Sơn Đông bị Đức chiếm đóng mà trao cho Nhật Bản ; vụ quân đội NATO oanh kích sứ quán Trung Quốc ở Beograd ngày 07/05/1999 trong cuộc chiến Kosovo.
Theo hai nhà báo của Le Monde, ký thỏa thuận với Mỹ, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ bị chỉ trích yếu thế, còn tổng thống Trump được cho là người chiến thắng. Tăng trưởng của Trung Quốc đã vững chắc hơn trong những năm gần đây, nhưng không thể để bị suy sụp chỉ vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Hậu quả là tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ bị đe dọa vì đảng tiếp tục tồn tại được là nhờ bảo đảm sự phát triển và phồn thịnh của tầng lớp trung lưu.
Về phía Mỹ, tình hình cũng không hẳn lạc quan theo phân tích của nhật báo Wall Street Journal. Việc tổng thống Trump gây sức ép để Cục Dự trữ Liên bang giảm lãi suất cho thấy rằng tăng trưởng của Mỹ chưa đủ vững mạnh như tổng thống Trump cần để đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh.
Thường thì ngay khi Hoa Kỳ tuyên bố tăng thuế, Trung Quốc có biện pháp đáp trả ngay lập tức. Nhưng lần này, ngoài phản đối, Bắc Kinh chưa thông báo biện pháp cụ thể.
Quan hệ thương mại Mỹ-Trung còn mông lung hơn
« Quan hệ thương mại Mỹ-Trung còn mông lung hơn » là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos. Hiện tại, người tiêu dùng Mỹ chưa bị tác động rõ ràng vì các sản phẩm mới bị tăng thuế không phải là sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, một danh sách khác, gồm các loại mặt hàng còn lại có tổng giá trị 325 tỉ đô la sắp được đưa ra nghiên cứu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền người dân Mỹ vì đa số là sản phẩm điện tử và hàng hóa thường nhật.
Dù căng thẳng Mỹ-Trung tăng thêm một bậc từ ngày 10/05, phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán không bị cắt đứt và các trở ngại là điều không tránh được ở giai đoạn cuối cùng.
Theo ông Lưu Hạc, hai cường quốc có ba bất đồng chính. Thứ nhất, Bắc Kinh ấn định điều kiện cho một thỏa thuận là mọi khoản thuế đánh thêm của Mỹ phải được xóa bỏ trước đó. Bất đồng thứ hai là khối lượng hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc sẽ mua. Cuối cùng là một cố vấn của chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến một thỏa thuận « cân đối » và chấp nhận được đối với người dân Trung Quốc.
Theo nhận định của Les Echos, chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như tổng thống Donald Trump, đều không muốn mất thể diện trong cuộc chiến thương mại này.
Philippines : Tổng thống Duterte mở rộng quyền lực
Ngày 13/05/2019, cử tri Philippines đi bầu lại toàn bộ Hạ Viện và một nửa Thượng Viện. Cả hai nhật báo Les Echos và La Croix đánh giá đây là cơ hội để tổng thống Duterte mở rộng quyền kiểm soát.
Theo Les Echos, « Tại Philippines, Duterte trên đà mở rộng quyền kiểm soát đối với các thể chế »vì cuộc bầu cử Nghị Viện lần này cho phép những người ủng hộ tổng thống Duterte chiếm đa số ở Hạ Viện và kiểm soát Thượng Viện, trong khi nguyên thủ Philippines muốn khôi phục án tử hình, được bãi bỏ lần đầu vào năm 1987, sau đó là vào năm 2006 và sửa đổi Hiến Pháp, để mở đường cho ông Duterte có thể cầm quyền thêm một nhiệm kỳ mới vào năm 2022. Hiện tại, tổng thống Philippines chỉ được bầu một nhiệm kỳ duy nhất, kéo dài 6 năm.
Về phần mình, nhật báo Công Giáo La Croix nhận định : « Tại Philippines, Rodrigo Duterte hy vọng tăng cường quyền lực ». Bị suy yếu từ năm 2016 sau khi cựu thị trưởng Davao lên làm tổng thống, Thượng Viện không còn là đối trọng chính chống lại những biện pháp mạnh tay của tổng thống Philippines và sắp tới có thể rơi vào tay ông Duterte.
Dù bị quốc tế và đối lập chỉ trích, tổng thống Duterte vẫn nổi tiếng trong nước vì, ngoài cuộc chiến bài trừ ma túy, rất nhiều biện pháp xã hội đã được tiến hành ở Philippines từ năm 2016 : miễn phí đại học công, tăng lương cho một số công chức, mở rộng mạng lưới internet… Theo phân tích của nhà nghiên cứu David Camroux, « ở một đất nước nơi cơ cấu nhà nước còn yếu kém, người dân cần an ninh hơn. Duterte hoàn thành tốt vai trò này. Ông vừa như một Hiệp sĩ rừng xanh, vừa là một cảnh sát trưởng Nottingham ».
Chính đảng Pháp
chính thức vận động bầu cử Nghị Viện Châu Âu
Ngày 13/05/2019, các đảng phái ở Pháp chính thức bắt đầu cuộc vận động bầu cử Nghị Viện Châu Âu, diễn ra từ ngày 23-26/05. Đây là chủ đề chính, chiếm nhiều bài viết của các nhật báo Pháp.
Kỉ niệm hai năm nhậm chức thủ tướng Pháp, ông Edouard Philippe đã dành cho Le Figaro một cuộc phỏng vấn, nhưng tập trung nhấn mạnh đến vai trò của Liên Hiệp châu Âu : « Chúng ta tiến bước, dù chúng ta còn nhiều việc phải làm », đồng thời bảo vệ nguyên tắc : « Để có được một nước Pháp vững mạnh trong một châu Âu bền chặt ».
Les Echos và La Croix đều quan tâm đến « sự trở lại của cặp song đấu » giữa đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) và đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (RN). Với Les Echos, « Macron chống Le Pen : cặp song đấu không thương tiếc của kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu », đặc biệt sau khi tổng thống Pháp tuyên bố tối 09/05 rằng ông sẽ làm mọi cách để đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia không về đầu.
Nhật báo Libération tiếp tục chơi chữ khi đánh giá về chiến lược của đảng cầm quyền, « Trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, LREM thẳng tiến đến đích » (« droite » trong tiếng Pháp vừa là cánh hữu, vừa được dùng khi nói về đi thẳng). Thực vậy, đảng của tổng thống Pháp đang tìm cách liên kết với cử tri của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa. Một bằng chứng được Le Figaro nêu lên là « Nghị sĩ cánh hữu Jérôme Peyrat gia nhập điện Elysée ». Ông Peyrat từng là cố vấn của hai đời tổng thống cánh hữu Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy.
Đề cương của bốn chính đảng châu Âu
Vẫn trong hồ sơ bầu cử châu Âu, Les Echos phác những điểm chính của bốn chính đảng châu Âu.
Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), trong đó có đảng Những Người Cộng Hòa của Pháp, nhấn mạnh đến bảo vệ đường biên giới, chống khủng bố và quốc phòng.
Các đề xuất chính của đảng Xã Hội Châu Âu liên quan đến việc làm, cụ thể là mức lương tối thiểu chung, một cơ chế bảo hiểm-thất nghiệp bổ sung cho toàn khối, một chiến lược bình đẳng nam-nữ…
Đảng Liên minh các nhà dân chủ và tự do vì châu Âu (ALDE), trong đó đảng LREM cầm quyền ở Pháp có thể tham gia, nhấn mạnh đến việc lập khuôn khổ pháp lý chung về dự trữ dữ liệu (blockchain), trí thông minh nhân tạo. Về nhập cư, đảng này ủng hộ các thỏa thuận với các nước trung chuyển ở Trung Đông và châu Phi theo mô hình với Thổ Nhĩ Kỳ, lập một hệ thống chung tị nạn châu Âu nhưng ưu tiên hơn con đường nhập cư hợp pháp thông qua học tập, làm việc hoặc đầu tư tại châu Âu.
Đối với đảng Xanh, ưu tiên hàng đầu vẫn là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thông qua việc lập « ngân sách khí CO2 của Liên Hiệp Châu Âu » nhằm làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất là 55% từ giờ đến năm 2030.
Giải thoát con tin ở Burkina Faso :
Hai công dân Pháp bị chỉ trích
Trong khi nước Pháp tưởng niệm hai quân nhân đội đặc nhiệm Hubert tử trận khi tham gia giải cứu bốn con tin ở Burkina Faso, và được xã luận của Le Figaro vinh danh là vì « danh dự của nước Pháp », hai du khách Pháp, một cặp vợ chồng đồng giới, bị chỉ trích không theo khuyến cáo của bộ Ngoại Giao Pháp khi đi hưởng tuần trăng mật ở khu vực bị xếp vào danh sách nguy hiểm (vùng đỏ).
Libération, trích nguồn tin từ bộ Ngoại Giao cho biết khách sạn của hai du khách Pháp không nằm trong vùng đỏ, nhưng chiếc xe chở họ và thi thể của người hướng dẫn nằm trong vùng nguy hiểm, gần biên giới với Burkina Faso. Dù bị thiệt hại về người, chỉ huy đội đặc nhiệm Hubert khẳng định lực lượng tinh nhuệ này « sẽ vẫn đi tìm công dân Pháp bị nạn ngay khi nhận được mệnh lệnh ».
Trang nhất các nhật báo
Cuộc vận động bầu cử Nghị Viện Châu Âu mà các chính đảng Pháp chính thức khởi động ngày 13/05/2019 được Le Monde, Le Figaro và Les Echos đề cập trên trang nhất. Nhật báo Công Giáo La Croix « đi gặp những đứa trẻ thánh chiến của Daech ». Riêng nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất cho cặp vợ chồng chính trị gia Pháp, Balkany, thị trưởng thành phố Levallois, ra hầu tòa ở Paris từ ngày 13/05/2019 vì bị cáo buộc « rửa tiền gian lận thuế ».
Tin đọc nhanh
(AFP) – Công An Việt Nam tịch thu hơn 500 ký ma túy kétamine.
Báo chí trong nước cho biết là 3 người Đài Loan và một người Trung Quốc đã bị bắt giữ ngày 11/05/2019 tại một kho hàng ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Số ma túy trị giá khoảng 20 triệu euro được giấu trong các máy ép bao bì. Việt Nam đã trở thành trạm trung chuyển ma túy tổng hợp từ vùng Tam Giác Vàng qua các nước trong khu vực. Trong nhiều tuần lễ qua, đã có nhiều tấn ma túy méthamphétamine và kétamine bị tịch thu ở Việt Nam.
(Reuters) – Chính phủ Nhật Bản lo ngại kinh tế suy thoái.
Theo các dữ liệu tạm thời công bố ngày 13/05/2019, các chỉ số về sản xuất công nghiệp, việc làm và lãnh vực bán lẻ đã bị giảm 0,9 điểm trong tháng Ba so với tháng Hai. Tokyo không loại trừ khả năng suy thoái kinh tế vì nền kinh tế Nhật phụ thuộc vào xuất khẩu và do đó, bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc nhu cầu bên ngoài giảm sụt, và tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhật Bản sẽ rà soát tình hình chi tiết hơn để đưa ra chẩn đoán chung cuộc về chu kỳ kinh tế của mình.
(AFP) – Philippines bầu cử giữa kỳ.
Ngày 13/05/2019, 18.000 ứng cử viên Philippines ra tranh cử . Có 61 triệu cử tri Philippines được kêu gọi bầu 12 trong số 24 thượng nghị sĩ, toàn bộ 297 dân biểu tại Hạ Viện, cùng hàng ngàn dân biểu ở các cấp thành phố, cấp vùng; vào giữa nhiệm kỳ tổng thống của ông Rodrigo Duterte. Theo các thăm dò, 80 % cử tri Philippines hài lòng về chính sách của tổng thống Duterte trong ba năm qua, cho dù ông này bị cộng đồng quốc tế và ngay cả một phần công luận Philippines chỉ trích về các biện pháp thô bạo chống ma túy.
(Yonhap) - Hàn Quốc tiếp tục tăng cường phòng thủ nhằm đối phó với “mọi đe dọa”.
Tuyên bố của phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Hàn Quốc ngày 13/5/2019 cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng trở lại sau vụ Bình Nhưỡng hai lần bắn thử tên lửa trong chưa đầy một tuần lễ. Nhân cuộc họp báo hàng tuần vào sáng nay ông Choi Hyun Soo còn nói rõ, Seoul tăng cường khả năng phòng thủ, đặc biệt là tăng cường hệ thống tên lửa chận tên lửa Patriot để “chặn tên lửa tầm ngắn của Bắc Triều Tiên”.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu chính thức khởi động chiến dịch vận động bầu Nghị Viện.
Ngày 13/05/2019 là ngày đầu tiên chiến dịch vận động tranh cử bầu lại 751 nghị viên châu Âu cho một nhiệm kỳ 5 năm. Bầu cử châu Âu diễn ra từ ngày 23 đến 26/05/2019. Tại Pháp có tổng cộng 34 danh sách tham gia tranh cử. Anh Quốc mặc dù đang chuẩn bị rời khỏi Liên Âu cũng bắt buộc phải tham gia cuộc tuyển cử lần này.
(AFP) – Bầu cử tổng thống Litva vòng 1 : Thủ tướng đương nhiệm bị loại ngay từ đầu.
Cử tri Litva hôm qua 12/05/2019 dồn phiếu cho chuyên gia kinh tế Gitanas Nauseda, người chưa từng tham gia chính trường, và cho cựu bộ trưởng tài chính thuộc cánh bảo thủ, bà Ingrida Simonyte. Vòng nhì bầu cử tổng thống Litva diễn ra vào ngày Chủ nhật 26/05/2019, cùng ngày với bầu cử châu Âu.
(AFP) – Thụy Điển mở lại thủ tục truy tố Julian Assange về tội hiếp dâm.
Thông báo trên được đưa ra hôm 13/05/2019. Hồ sơ liên quan đến ông Assange đã kéo dài gần một chục năm. Do bị cáo tị nạn tại tòa đại sứ Equador tại Luân Đôn từ năm 2012, hồ sơ pháp lý đã bị hủy bỏ. Việc Assange bị cảnh sát Anh bắt đi hôm 11/04/2019 khiến tư pháp Thụy Điển có thể mở lại hồ sơ này, và đòi trục xuất sáng lập viên WikiLeaks về Stockholm.
(AFP) – Tiền ảo Bitcoin vượt ngưỡng 7.000 đô la. một đơn vị
Trong một tuần lễ, đồng Bitcoin tăng giá 10 %, có lúc đã ngấp nghé 7.500 đô la trong hai ngày cuối tuần qua. Trong một tháng qua, đơn vị tiền ảo này tăng giá 70 %. Tuy nhiên thành tích này thấp hơn nhiều so với kỷ lục hơn 19.000 đô la một đơn vị hồi tháng 12/2017.
(AFP) – Hai tác phẩm nghệ thuật của Charles Aznavour được bán đấu giá.
Cuộc bán đấu giá dự trù mở ra vào đầu tháng 6/2019. Một trong hai tác phẩm nói trên cố danh calà một bức tượng đồng của nhà điêu khắc nổi tiếng Germaine Richier, giá ấn định ban đầu là 2,5 triệu euro.
(AFP) - Mêhicô phát hiện 3 hố chôn tập thể với 35 thi thể.
Theo ông Gerardo Octavio Solis, tổng chưởng lý bang Jalisco – địa phương bị bạo lực dữ dội nhất Mêhicô – ngày 11/05/2019, đa số các thi thể được chôn trên mảnh đất của một trang trại tại thị trấn Zapopan ở bang này. Có 27 xác người trong tình trạng bị trói, chỉ mới nhận dạng được 2 người. Số người chết vẫn có thể gia tăng, các nhóm tìm kiếm tiếp tục đào bới khu đất. Hiện giờ có hơn 40.000 người bị cho là mất tích ở Mêhicô, do nạn bạo lực liên quan đến buôn lậu ma túy.
(AFP) - Khí hậu: Thổ dân kiện chính quyền Úc trước Liên Hiệp Quốc.
Trong một động thái chưa từng thấy, thổ dân sống trên các đảo ở Eo Biển Torrès, miền bắc nước Úc, hôm 13/05/2019, đã đưa đơn kiện chính quyền Canberra trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Úc bị tố cáo là đã không làm gì để đối phó với thay đổi khí hậu, làm cuộc sống người trong vùng bị đe dọa, và đây là điều vi phạm nhân quyền. Thổ dân đòi Úc giảm khí thải CO2, tháo khoán 20 triệu đô la Úc để xây dựng hạ tầng cơ sở như đê điều, trước nguy cơ nước biển dâng cao.
(AFP) – Ba Lan : Phim tài liệu về nạn ấu dâm trong Giáo hội được phát trên YouTube.
Bộ phim mang tên « Chỉ đừng nói với ai hết » được phát trên mạng YouTube hôm thứ Bảy 11/05 đã thu hút 5 triệu lượt người xem. Bộ phim tài liệu gây sốc của nhà báo độc lập Tomasz Sekielski không chỉ tường thuật lại những cuộc trò chuyện với các nạn nhân bị các linh mục « xâm hại tình dục », mà còn là lời lên án giới lãnh đạo tôn giáo vì sự yếu kém, thậm chí thiếu các biện pháp trừng phạt trước nạn « ấu dâm » trong Giáo hội.
0 nhận xét